Chống kiểu "chịu trách nhiệm chính trị" không thể tạo nên bước ngoặt cải cách
Phần một
Lãnh đạo "tứ trụ' của Việt Nam – AFP - Ảnh minh họa
Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng) từng nhấn mạnh chống tham nhũng "không có vùng cấm", ngụ ý ở cấp lãnh đạo cao nhất như ở ‘Tứ trụ’, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Dù có thể hiểu đây là cam kết chính trị hay tuyên truyền nhưng không thể phủ nhận rằng tham nhũng đã hiện hữu trong vùng cấm là một thực tế. Về nguyên lý, có thể lần theo đường dây tham nhũng nào đó, các đại án, để tìm manh mối. Tuy nhiên, trong bối cảnh tham nhũng không chỉ là thứ văn hóa chính trị, thứ vũ khí của chế độ để bảo đảm cho tính chính danh qua tăng trưởng kinh tế, thì thể chế nào (hình thức, kiểu, cơ chế chính sách) phòng chống tham nhũng đang là vấn đề lớn. Gần đây, đảng đã vận dụng "chịu trách nhiệm chính trị" như một kiểu chống tham nhũng ‘đặc thù’. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ cho sự thay đổi hay sự đột phá thể chế.
Tình hình tham nhũng vẫn đang rất nghiêm trọng và phức tạp. Chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội 14 của Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng), chiến dịch chống tham nhũng được tiến hành ngày càng quyết liệt, thậm chí ‘khốc liệt’. dồn dập và ‘khẩn trương’ hàng loạt quan tham "suy thoái đạo đức" bị khởi tố hình sự. Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 37 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (1) cho biết có vụ án ‘đặc biệt’ được khởi tố với nhiều quan tham, các cán bộ lãnh đạo ở Trung ương và địa phương do vi phạm pháp luật bị bắt khẩn trương. Các báo nhà nước ngay lập tức đồng loạt ‘khai thác’ tin này với những dòng tít (title) hấp dẫn độc giả như những "khúc củi" vừa bị cho vào "lò" đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhưng Báo Chính phủ nêu trực diện : "Khởi tố 9 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn" (2), trong đó có các lãnh đạo đương nhiệm và nguyên lãnh đạo của ba tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan. Họ là những quan tham cấp trung, người từng có chức vụ cao nhất là Bí thư Tỉnh ủy và thấp là cấp huyện, cấp phòng thuộc chính quyền tỉnh.
Vụ việc vẫn đang tiếp tục được mở rộng điều tra. Tính bất ngờ của vụ án ở chỗ nó chưa được đưa vào danh mục đại án trọng điểm năm 2024 của Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng tính chất nghiêm trọng của nó hơn cả "trọng điểm" vì khi lần theo đường dây ‘quan hệ thân hữu’ đã dẫn đến những cán bộ lãnh đạo trong ‘cung đình.’ Sẽ là một sự kiện rung động chính trường trong năm 2024 khi nó liên quan đến nhân sự Đảng cộng sản ở cấp nhà nước cao nhất. Ở phần sau của bài viết nội dung liên quan sẽ được đề cập. Ngược lại, một quan tham ‘cỡ bự’ chẳng may bị ‘ngã ngựa’ cũng có thể khiến cho các doanh nghiệp ‘sân sau’ rung động. Hiện trên mạng xã hội lan truyền ‘giả thuyết’ khác nhau, như về sự đấu đá phe phái trước thềm Đai hội 14 hay vụ việc này nằm trong sự tính toán của Đảng về công tác nhân sự.
Bối cảnh thời kỳ chuyển đổi thị trường với nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan là quan hệ nhân quả. Quyền lực là thứ ‘ân huệ’ đổi lấy lợi ích vật chất đang là thứ văn hóa chính trị độc hại hủy hoại chế độ. Sau mỗi dự án công đều có ‘bóng dáng’ của mối quan hệ thân hữu, trong đó doanh nghiệp và quan chức cấu kết. Đa số quan tham bị ‘lộ’ và bị cáo buộc nhận hối lộ xuất phát từ các doanh nghiệp ‘làm ăn phi pháp’, dựa vào mối quan hệ quyền lực, thân hữu để giành các dự án công nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà nước và của dân, sau đó ‘lại quả’ dưới hình thức đưa hối lộ cho các quan chức đã ‘tạo điều kiện’. Đây chỉ là một mắt xích trong đường dây tham nhũng và, về bản chất đó là sự bảo trợ chính trị.
Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan (trái) và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Duy Thành. Ảnh Bộ Công an Việt Nam
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân của Tỉnh Vĩnh Phúc là ‘quan tham’ trong vụ án nêu trên, là một mắt xích trong đường dây tham nhũng và là một trường hợp điển hình phản ánh nhiều bất cập thể chế, đặc biệt là công tác cán bộ - một lĩnh vực đang bị khủng hoảng. Để bắt giữ bà này, Đảng đã ‘rất khẩn trương’ hoàn tất cái gọi là các thủ tục ‘phế truất’ tư cách lãnh đạo, đại biểu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 7/3 đã ban hành Nghị quyết số 1000/NQ-UBTVQH15 (3), tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội và cho phép các cơ quan chức năng thực hiện khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét… Ngày 18/3 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 38 (4) kết luận bà này "đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương ; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật" và "đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật". Liền sau đó Ban chấp hành Trung ương họp ‘xem xét’ tư cách ủy viên Trung ương của bà này. Tiếp đến, theo thông báo (5), là Quốc hội họp bất thường ‘xem xét’ tư cách Đại biểu Quốc hội của bà này.
Bà Hoàng Thị Thuý Lan, xuất thân là "hạt giống đỏ", con gái của một cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hai khóa 5 và 6, Bộ trưởng Tài chính, thuộc phái Đoàn Thanh niên. Bà từng làm cán bộ Đoàn chuyên trách của Tỉnh từ năm 2005, thăng tiến lên lần lượt lên chức ủy viên Ban Thường vụ và Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Đến đầu năm 2015, bà Lan lên chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, lần lượt vào ủy viên Trung ương khóa 12 và 13 rồi ngồi ghế bí thư suốt hai nhiệm kỳ gần chục năm cho đến khi bị bắt.
Là bí thư tỉnh uỷ, bà này từng ‘bảo kê’ cho Tập đoàn Phúc Sơn (6) liên tục giúp doanh nghiệp tư nhân này trúng thầu hàng chục dự án của tỉnh Vĩnh Phúc, từ xây trường học, chợ búa, bệnh viện, công sở… đến các khu dân cư đầu tư vốn ngân sách lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, bà Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan còn ‘che đậy’ cho Phúc Sơn và các doanh nghiệp sân sau "ăn đất", xé nát rừng Tam Đảo để xây khách sạn, phân lô bán nền…
Ông Nguyễn Văn Hậu (biệt danh Hậu Pháo) . Ảnh Bộ Công an Việt Nam
Công luận trong tỉnh từ lâu đã ‘xì xào’ về sự ‘nâng đỡ’ của người bí thư tiền nhiệm. Ông này đã thăng tiến lên trung ương, thành nhân vật có thế lực. Một đường dây bảo trợ chính trị được thiết lập, chắc chắn nhưng ‘vô hình’ đối với Đảng. Mặc dù bà Lan có nhiều "biểu hiện suy thoái về mặt đạo đức, lối sống" nhưng năm 2017, kỳ họp 19, ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, trong đó có trách nhiệm của bà bí thư tỉnh, nhưng bà này chỉ bị đề nghị "kiểm điểm sâu sắc !" Mặt khác, trong lần bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo mới đây, số phiếu tín nhiệm của bà Lan cao ngất ngưỡng và chỉ bị duy nhất một phiếu tín nhiệm thấp…
Vô số những bất cập có thể chỉ ra từ trường hợp điển hình nêu trên, về chống tham nhũng và công tác nhân sự đảng, trong đó bài học trực tiếp được chỉ ra là sự yếu kém trong công tác tổ chức, quản lý cán bộ, đảng viên. Hơn thế, khi có sự bảo trợ chính trị từ trên, thậm chí là ‘vô hình’, dân chủ nội bộ ở cấp dưới, cấp cơ sở bị loại bỏ. Điều này cho thấy dân chủ hóa xã hội nói chung, cũng như xây dựng thể chế dân chủ để giám sát quyền lực quan trọng như thế nào ! Tuy nhiên, Đảng vẫn ‘chối bỏ’ thực thế này vì bản chất quyền lực tuyệt đối. Bởi vậy, sự ‘bế tắc’ về giải pháp chính sách căn cơ đang cản trở công cuộc cải cách, trong đó thể chế là khâu đột phá chiến lược.
Dẫu biết rằng chính sách nhân sự đảng là khâu then chốt quyết định sự tồn vong của chế độ, nhưng không thể đột phá trong bối cảnh quốc nạn tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng. Ngày 13/3/2024, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội 14 với sự tham dự đầy đủ của "Tứ trụ" gồm các ông Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, và bà Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương… Tại đây, yêu cầu cao về nhân sự khóa tới được nêu ra, trong đó "không để lọt vào Trung ương khóa 14 người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc" (7). Tuy nhiên, giải pháp thế nào thì vẫn không có câu trả lời.
**************************
Phần hai
Hai cựu Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị APEC năm 2017. AFP - Ảnh minh họa
Các ‘quan tham’ có chứng cứ do vi phạm pháp luật trong các vụ án tham nhũng nói chung hay trong vụ án ‘điển hình’ đã nêu ở phần một, phần lớn thông qua cấu kết giữa doanh nghiệp ‘làm ăn bất chính’ và quan chức ‘suy thoái’, thì đương nhiên họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. nhưng có một kiểu "chịu trách nhiệm chính trị" mà Đảng mới áp dụng đầu năm ngoái, năm 2023, với trường hợp các vị trí lãnh đạo cấp cao nhất của chế độ, hay còn gọi là "vùng cấm", thì cần phải làm rõ khái niệm, nội hàm và tính chất của nó và, liệu chế tài này liệu có thể nên bước ngoặt để cải cách thể chế đột phá trong bối cảnh chống tham nhũng căng thẳng ? Liệu có thể chính thức ban hành cơ chế khuyến khích "xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu" để cho Đảng – Nhà nước "trong sạch, vững mạnh".
Tháng 1/2023 hình thức kỷ luật "chịu trách nhiệm chính trị" lần đầu tiên áp dụng cho các ông (8) nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai ông phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Trong đó nêu rằng họ phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu" khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng ; 2 Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ (9), 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.
Ông Trần Tuấn Anh phát biểu tại một họp báo sau cuộc gặp TPP bên lề Thượng đỉnh APEC ở Hà Nội hôm 21/3/2017 (minh họa). Ảnh AFP
Một năm sau, ngày 31/1/2024 kiểu kỷ luật đảng như trên ‘ứng’ với ông Trần Tuấn Anh (10), lúc đó đương nhiệm ủy viên Bộ Chính trị, viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Trong đó nêu rằng ông ấy "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu" khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật đảng, hành chính. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu và được Đảng ‘chuẩn thuận’.
Mới đây nhất, lại thêm một sự kiện gây chấn động chính trường Việt Nam. Ngày 20/3/2024 tại hội nghị bất thường lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 "đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ [11] các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân". Ông ấy phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước… vì đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên".
Chiến dịch chống tham nhũng hiện đang căng thẳng đến đỉnh điểm, xu hướng suy thoái chính trị trầm trọng được phản ánh ở thượng tầng, trong ‘cung đình.’ Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 (năm 2021) đến nay số ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 còn 14 do bốn người ‘xin thôi nhiệm vụ’. Số Ủy viên Trung ương (cả dự khuyết) từ 200 hiện còn 179…
Sự đổi mới thể chế chính trị Việt Nam đang có những ‘bước lùi’ đáng lo ngại. Trước hết, như đã biết, giới hạn nghiêm ngặt nhiệm kỳ công tác được quy định trong điều lệ Đảng, lãnh đạo tối cao bất kỳ không phục vụ quá 2 nhiệm kỳ đã bị phá vỡ liên tiếp bởi "các trường hợp đặc biệt" trong hai nhiệm kỳ Đại hội 12 và 13. Khủng hoảng trong công tác nhân sự mang lỗi ‘hệ thống’ trong các khâu từ tuyển chọn, sử dụng và bổ nhiệm. Các ủy viên Bộ Chính trị hoặc các lãnh đạo cao cấp được bầu chọn không còn theo tiêu chí là đã phải qua hai nhiệm kỳ công tác ở vị trí liền kề. Tuy về nguyên tắc việc cất nhắc không còn theo "cha truyền con nối" nhưng các hiện tượng "thái tử đảng" và "hạt giống đỏ" mang tính hình thức, nhiều người trong số họ đã tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống. Việc quy hoạch cán bộ chiến lược kế cận, đặc biệt ở các vị trí cao nhất của Đảng, kém chất lượng, không khả thi…
Như đã lưu ý, nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng nghiêm trọng, trong đó từng ‘chấp nhận’ tham nhũng để tăng trưởng kinh tế như một công cụ đảm bảo tính chính danh (không do dân bầu) cho Đảng và, những bất cập về tổ chức và nhân sự nêu trên, đang sói mòn nguyên tắc lãnh đạo theo tập thể, có nghĩa là không cá nhân lãnh đạo nào có thể đi quá lệch khỏi sự đồng thuận của nhóm. Tuy nhiên, cái gọi là ‘tập thể lãnh đạo’ không thể còn được đảm bảo là ‘không nhúng chàm’.
Tham nhũng tràn lan, nghiêm trọng đã khiến người dân đánh giá tiêu cực về các cán bộ đảng viên lãnh đạo, mất niềm tin vào chế độ, bởi vì công dân có thể coi tham nhũng là dấu hiệu quản lý yếu kém. Hơn thế, thể chế "chịu trách nhiệm chính trị" nay áp dụng đối với những trường hợp nêu trên càng khiến cho dân đang bị ‘đánh lừa’ trong một trò chơi chính trị cung đình.
Thể chế "chịu trách nhiệm chính trị" không hẳn là nguyên tắc công khai và trách nhiệm giải trình để giám sát tha hóa quyền lực trong chế độ dân chủ. Đây là kiểu giải trình và chịu trách nhiệm chủ yếu được thực hiện theo chiều từ cấp dưới lên cấp trên trong hệ thống Đảng cộng sản. Nghĩa là, nếu anh là một quan chức và, Đảng, chính phủ muốn trừng phạt anh, chẳng hạn vì tham nhũng hay bất trung, thì họ có thể bắt anh phải giải trình và chịu trách nhiệm. Kiểu "chịu trách nhiệm chính trị" như vậy đối lập với nguyên tắc giải trình và chịu trách nhiệm được thực hiện theo quy trình thông qua bầu cử dân chủ, trong đó sự giải trình theo chiều từ trên xuống dưới để cho thấy cấp trên sẽ chịu trách nhiệm ra sao đối với những người bị lãnh đạo ở cấp dưới, với dân.
Đặc điểm tiếp theo của tính giải trình và chịu trách nhiệm dưới chế độ Đảng cộng sản toàn trị mang nội dung đạo đức nhiều hơn là thủ tục pháp lý. Về nguyên tắc là người lãnh đạo phải biết cảm nhận về trách nhiệm đạo đức của mình trước người dân. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nho giáo, sự biên minh và tuyên truyền về "làn sóng thứ ba" của chủ nghĩa xã hội để duy trì chế độ đã đặt lợi ích của đảng trên lợi ích người dân, thúc đẩy tính toàn trị tăng cường đàn áp bất đồng chính kiến, hạn chế các quyền cơ bản và tự do của người dân.
Sau nữa, sự suy thoái chính trị sẽ kéo dài khi thể chế giải trình và chịu trách nhiệm chính trị trong chế độ toàn trị thiếu tính công khai, minh bạch. Các trường hợp "chịu trách nhiệm chính trị" nêu trên đều không công khai về những vi phạm cụ thể, chẳng hạn như nhận hối lộ hay suy thoái đạo đức lối sống như thế nào ? Trách nhiệm giải trình luôn phải song hành với tính công khai, minh bạch tạo nên những nguyên tắc quan trọng trong các khía cạnh khác nhau của xã hội, bao gồm quản trị nhà nước, kinh doanh và các mối quan hệ cá nhân. Chúng liên quan đến hành vi cởi mở và trung thực, sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành động của một cá nhân và khả năng đưa ra lời giải thích hoặc biện minh rõ ràng cho các quyết định hoặc kết quả.
Tình hình tham nhũng đến nay vẫn nghiêm trọng và, chính sách chống tham nhũng thiên về sức mạnh bạo lực, không bền vững khi thiếu thể chế hiệu quả kiểm soát quyền lực, ngăn cản sự tham gia chính trị của người dân… khiến nguy cơ tồn vong chế độ càng lớn. Ngoài ra, hiệu ứng ngược từ chống tham nhũng kiểu này đang triệt tiêu động lực tăng trưởng kinh tế và đóng băng bộ máy hành chính vốn đã quan liêu.
Doãn An Nhiên
Nguồn : RFA, 20/03/2024
Tham khảo
3. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx ?ItemID=85228
10. https://vov.vn/chinh-tri/ban-chap-hanh-trung-uong-dang-xem-xet-ve-cong-tac-can-bo-post1074864.vov
11. https://vnexpress.net/trung-uong-dong-y-ong-vo-van-thuong-thoi-chuc-chu-tich-nuoc-4722542.html