Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/03/2024

Tha hóa quyền lực trong môi trường độc quyền đảng phái

Thạch Hãn

Kiểm soát quyền lực ở Việt Nam là kiểm soát quyền lực của hệ thống chính trị đơn nguyên ; tức không chịu sự cạnh tranh của đa đảng phái trên nghị trường.

quyenluc1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế", điều này cho thấy cơ chế đang là vấn đề cần sửa đổi.

Nhìn từ những vụ việc được gọi là "đốt lò", người ta có thể thấy việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp – được gọi là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện. Nôm na là tham nhũng ở hình thức này hoặc hình thức khác kéo dài hàng chục năm mà nhà chức trách đã chọn sự im lặng, hay lặng lẽ cho việc "hạ cánh an toàn".

Tham nhũng trong công tác cán bộ vẫn là dạng tham nhũng khá phổ biến và cũng khó chống nhất. Trong thể chế một đảng duy nhất cầm quyền thì dạng tham nhũng này lại cực kỳ nguy hiểm, vì nó hoàn toàn lệ thuộc vào người đứng đầu đảng đó trong việc đưa ra chủ trương, đường lối, chiến lược quản trị quốc gia.

Ở đây cũng không vấp chuyện cạnh tranh trong phụng sự quốc dân nếu như có nhiều đảng phái chính trị cùng nỗ lực, khi ấy việc thiếu vắng biện pháp phòng, chống hữu hiệu thì hệ quả để lại rất nghiêm trọng, sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức yếu kém, thậm chí sẽ làm cho hệ thống chính trị đó bị mục ruỗng và khó tránh khỏi khủng hoảng chính trị, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Ví von phải nhốt quyền lực vào trong cái "lồng cơ chế" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã cho thấy cái "lồng cơ chế" đó chính là kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước ; tức trong Đảng, thì Cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng ; ngoài xã hội thì quốc pháp với hệ thống luật pháp cũng được xây dựng trên nền tảng của Cương lĩnh – Đường lối Đảng. Cả hai "lồng cơ chế" đó vẫn là sự tập trung quyền lực duy nhất vào độc đảng cầm quyền.

Giới góc nhìn của lý thuyết quản trị quốc gia, người ta tin rằng phân tán quyền lực là cách tốt nhất để kiểm soát quyền lực mà điển hình nhất là mô hình nước Mỹ. Theo đó, trước hết quyền lực Nhà nước được tách bạch rạch ròi thành 3 nhánh là Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp. Cùng với đó, nguyên tắc "cân bằng và kiểm soát" cho phép 3 trụ cột quyền lực nhà nước có thể hoạt động riêng rẽ, giám sát và trừng phạt lẫn nhau mỗi khi xuất hiện biểu hiện lạm quyền.

Thứ hai, hệ thống chính quyền của nước Mỹ được tổ chức theo mô hình liên bang, với thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ riêng. Nếu chính quyền liên bang chịu trách nhiệm về các vấn đề quốc gia thì các chính quyền bang chủ yếu giải quyết các vấn đề dân sinh hàng ngày. Quyền lực của chính quyền bang và liên bang đều bắt nguồn từ Hiến pháp, qua đó giảm thiểu khả năng thao túng hệ thống của chính quyền liên bang.

Thứ ba là khả năng kiểm soát quyền lực nhà nước của các lực lượng xã hội thông qua các kỳ bầu cử cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng. Sức ép từ dư luận xã hội thể hiện trên truyền thông đại chúng và lá phiếu của cử tri có thể loại bỏ những cá nhân có biểu hiện lạm quyền vì các mục tiêu vị kỷ, xâm phạm lợi ích công, hay trái với mong đợi của số đông người dân.

Một ưu điểm nữa là trong bất kỳ tình huống nào có vấn đề nghiêm trọng xảy ra với một trong 3 nhánh quyền lực nhà nước, với chính quyền liên bang, hay chính quyền địa phương thì cũng không ảnh hưởng quá mức đến hoạt động chung của hệ thống quản trị quốc gia. Tức là người ta có thể sửa chữa vấn đề với một nhánh hoặc một cấp quyền lực nào đó trong khi cấu trúc quản trị nói chung vẫn có thể vận hành, chứ không đến mức rối loạn hay đổ vỡ cả hệ thống.

Và trên hết là chỉ có thể thực hiện phân tán quyền lực hiệu quả khi có sự cạnh tranh công khai của các đảng phái trong nhiệm kỳ cầm quyền, cũng như đời sống chính trị ở chính quốc gia đó.

Thạch Hãn

Nguồn : VNTB, 25/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thạch Hãn
Read 212 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)