Hai Phó thủ tướng, hai Chủ tịch nước và một ủy viên Bộ Chính trị khác đã bị miễn nhiệm kể từ tháng 12/2022.
Minh họa bởi Amanda Weisbrod/RFA. Nguồn ảnh : AFP và Adobe Stock
Ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã bỏ phiếu chấp thuận đơn từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đánh dấu sự sụp đổ của một nhà lãnh đạo mới, đã từng được xem là nhiều triển vọng. Biến động này cho thấy những rủi ro của chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Hà Nội.
Cuộc họp bất thường của Quốc hội diễn ra trong ngày hôm sau đã chấp thuận đơn từ chức của ông Thưởng nhưng đã không thể chọn được người kế nhiệm ông. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, vì thế, sẽ nắm quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu chọn được một Chủ tịch nước mới.
Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Thưởng sẽ là người bị trừng phạt cuối cùng trong chiến dịch chống tham nhũng đã hạ bệ một loạt các nhà lãnh đạo cấp cao của quốc gia độc đảng trong những năm gần đây.
Việc miễn nhiệm hai Phó thủ tướng, hai Chủ tịch nước và một ủy viên khác trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam cũng như việc xử lý một số bộ trưởng, cựu bộ trưởng khác kể từ tháng 12/2022 đã làm suy giảm lợi thế về ổn định chính trị của Việt Nam và khiến thị trường chao đảo.
Những đồn thổi về sự ra đi của ông Thưởng bắt đầu từ ngày 14/3 khi Hà Lan thông báo hoãn chuyến thăm của Vua và Hoàng hậu Hà Lan dự kiến diễn ra vào ngày 19-22/3 theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam vì "tình hình nội bộ".
Người ta nhanh chóng truyền tin rằng ông Thưởng đã nộp đơn xin từ chức lên Bộ Chính trị của Đảng cầm quyền.
Ông Thưởng là ủy viên Bộ Chính trị thứ tư bị buộc phải từ chức kể từ tháng 12/2022, khiến số thành viên Bộ Chính trị giảm chỉ còn 14 người – con số nhỏ nhất kể từ năm 1986 khi công cuộc Đổi mới kinh tế của Việt Nam bắt đầu.
Phơi bày, xử lý quan chức tham nhũng
Ông Thưởng đã được một số học giả mô tả là nhà tư tưởng của đảng. Mặc dù giữ các vị trí phụ trách vấn đề tư tưởng trong đảng, ông không phải là nhà tư tưởng.
Đúng là trước khi trở thành Chủ tịch nước vào tháng 3/2023 (sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc bị phế truất), ông Thưởng là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đồng thời dẫn dắt/đứng đầu Hội đồng Lý luận Trung ương – một nhóm các chuyên gia tư vấn cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng đó là sự thay đổi công việc giữa sự nghiệp một phần để làm đẹp danh tiếng. Ông không phải là nhà tư tưởng của đảng cũng như không phải là một quan chức cộng sản chỉ biết tuân lệnh (apparatchik) như một vài người nói.
Trong giai đoạn 2011-2014, ông Thưởng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trước khi chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2014. Ông từng là phó Bí thư Thành ủy dưới thời ông Lê Thanh Hải – người được biết đến như cha đỡ đầu của Thành phố Hồ Chí Minh. Rất ít vấn đề về phát triển kinh tế và bất động sản của khu vực này mà ông không biết đến và phê duyệt/thông qua.
Ông Tô Lâm tặng hoa cho ông Võ Văn Thưởng trong buổi họp Đảng ủy Cônga Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 vào Tháng Sáu, 2023 (Ảnh : TTXVN).
Bất chấp việc ông nắm giữ vai trò lãnh đạo ở miền Nam cởi mở, ông Thưởng đã được đưa ra Hà Nội, chủ yếu là để giúp phơi bày, lật tẩy các quan chức đảng viên tham nhũng trong bối cảnh chính quyền trung ương muốn dành lại khả năng kiểm soát.
Năm 2016, ông Thưởng được bổ nhiệm vào Ban Tuyên giáo Trung ương. Ông được đưa lên Bộ Chính trị vào năm 2020 và năm 2021, tham gia Ban Bí thư – bộ máy phụ trách các hoạt động hàng ngày của đảng.
Ông Thưởng rõ ràng đang được chuẩn bị cho nhiệm vụ lớn hơn. Sinh năm 1970, ông là người trẻ nhất trong Bộ Chính trị và nhiều chuyên gia nhận định rằng ông có khả năng trở thành người kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 - dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2026. Ông cũng là người miền Nam duy nhất trong số các lãnh đạo cấp cao.
Đối với một đảng đang ở rất xa và thiếu kết nối với thế hệ trẻ Việt Nam, việc chọn một Tổng bí thư trẻ hơn có những logic nhất định. Thậm chí nếu không được bầu ở Đại hội 14, ông Thưởng cũng có thể có vị thế tốt để tiếp quản việc lãnh đạo đảng ở Đại hội 15. Tóm lại, sự sụp đổ của ông khá ngoạn mục.
Ai hạ bệ ông Thưởng và vì sao ?
Vậy ai muốn ông Thưởng ra đi và tại sao ? Ông thường được mô tả là một đệ tử trẻ tuổi của người đứng đầu đảng đầy quyền lực - điều này lẽ ra phải mang lại cho ông một số sự bảo vệ.
Đáng lưu ý là việc ông Thưởng từ chức là kết quả của một cuộc điều tra từ thời ông làm việc ở Quảng Ngãi, giai đoạn 2011-2014. Điều này cho thấy các đối thủ sẵn sàng đào sâu đến mức nào [để hạ bệ ông].
Tất cả các con mắt nhanh chóng đổ dồn vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm (người bên phải), chụp ảnh cùng các thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 28/1/2016. Nguồn ảnh : Hoang Dinh Nam/AFP
Không phải ai cũng vui khi Bộ Chính trị bầu chọn ông Thưởng làm Chủ tịch nước vào tháng 2/2023. Ít vui nhất có lẽ là ông Lâm - người có thể coi nhiệm kỳ chủ tịch nước là con đường để tẩy trắng những vụ bê bối của mình, trong đó có cả việc ông bị quay phim ăn món thịt bò bít tết (steak) dát vàng trị giá 1000 USD tại nhà hàng ở Luân đôn của đầu bếp nổi tiếng Salt Bae sau khi ông này đặt vòng hoa tại mộ của Karl Marx.
Tháng 4/2023, bốn tiếp viên của Vietnam Airlines đã bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất tại TP. Hồ Chí Minh vì vận chuyển 11kg ma túy bất hợp pháp. Một trong số bốn tiếp viên này được đồn là cháu gái của ông Thưởng.
Ở một đất nước được biết đến với việc nhanh chóng tuyên án tử hình đối với tội phạm ma túy nhưng cả bốn chiêu đãi viên hàng không đã nhanh chóng thả tự do với sự trừng phạt nhẹ nhàng. Thông điệp với ông Thưởng đã không thể rõ ràng hơn.
Những vụ bê bối của mình dường như ngăn cản ông Lâm đua tranh để trở thành Tổng bí thư tiếp theo nhưng chức vụ Chủ tịch nước sẽ giúp sự nghiệp chính trị của ông, đặc biệt nếu ông có thể bảo đảm rằng đệ tử của ông, Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang, kế nhiệm ông.
Ông Lâm săn đuổi những đối thủ của chính mình
Người tiền nhiệm của ông, ông Trần Đại Quang, đã tiếp tục giữ cho mình một văn phòng làm việc tại Bộ Công an mặc dù đã trở thành Chủ tịch nước vào năm 2016. Ông Lâm đã trông đợi tiếp tục có ảnh hưởng đối với bộ đầy quyền lực để kiểm soát các đối thủ và bảo vệ đế chế doanh nghiệp đang lớn mạnh của gia đình mình.
Trong nhiều năm, ông Trọng đã sử dụng ông Lâm và bộ Công an để nhắm vào các thành viên phe phái đối thủ. Ông Nguyễn Xuân Phúc, người thách thức, cạnh tranh vị trí Tổng bí thư với ông Trọng trong năm 2022, đã bị hất cẳng vào tháng 2/2023. Các quan chức lãnh đạo khác gắn bó với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị hạ bệ một cách có hệ thống.
Ông Lâm đã trừ khử các đối thủ của mình ngày một nhiều.
Với việc miễn nhiệm ông Thưởng, theo các quy định hiện hành của đảng, trong số các thành viên của Bộ Chính trị hiện chỉ còn ba ứng cử viên đủ điều kiện : Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Bà Mai là người có năng lực, có kinh nghiệm làm việc trên nhiều lĩnh vực và tương đối trong sạch. Bà Mai đã tích lũy được quyền lực chưa từng có đối với một phụ nữ trong chính trường do nam giới thống trị ở Việt Nam. Ở tuổi 65, bà cũng đã từng nói rằng bà ít quan tâm đến việc phục vụ thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa.
Hiện đã có khá nhiều điều tra về tham nhũng xung quanh ông Chính và ông này cũng đã từng phải viết tự phê bình, kiểm điểm. Cũng có tin đồn là ông Huệ cũng đang bị điều tra. Nếu ông Huệ buộc phải từ chức thì ông Lâm sẽ trở thành người cuối cùng còn trụ lại.
Một cách rộng rãi, giới truyền thông đã xem ông Lâm như người nhiều khả năng trở thành Chủ tịch nước tiếp theo của Việt Nam, coi đây là bước đệm để ông này trở thành Tổng bí thư vào năm 2026. Nhưng điều đó là không cần thiết và đặt ra câu hỏi : Vì sao ông Lâm lại muốn làm Chủ tịch nước ?
‘Tứ trụ’
Chủ tịch nước thường được xem là một vị trí mang tính lễ tân. Nhưng nó là một trong "Tứ trụ’ của việc lãnh đạo tập thể và nếu chủ tịch nước chọn sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình, đặc biệt là thông qua mạng lưới những người được bảo trợ của mình, nó có thể là một vị trí quyền lực như nhiệm kỳ của ông Lê Đức Anh (1992-1997) và ông Trương Tấn Sang (2011-2016) đã chứng minh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an có một thứ mà Chủ tịch nước không có, đó là quyền điều tra. Nói tóm lại, ông Lâm không cần làm Chủ tịch nước để làm bước đệm cho việc trở thành Tổng bí thư nếu đó là mục tiêu của ông. Ông ấy có thể sử dụng vị trí hiện tại của mình để giữ cho các đối thủ của mình phải ở thế phòng thủ.
Mặc dù Quốc hội có thể sẽ không ủng hộ việc ông Lâm giữ chức Chủ tịch nước, nhiều khả năng hơn là ông đã không thể đảm bảo việc đưa cấp phó của mình, ông Lương Tam Quang, vào Bộ Chính trị - một yêu cầu để trở thành bộ trưởng. Vì thế, chức vụ Chủ tịch nước vẫn nằm trong tay Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Phủ Chủ tịch - Hà Nội ngày 21/9/2023. Nguồn ảnh : Minh Hoàng/AP
Chúng ta cũng cần xem xét một giả thuyết thay thế, đó là ai đó đã hạ bệ ông Thưởng để buộc ông Lâm vào chức Chủ tịch nước.
Nếu ông Lâm bị buộc phải rời khỏi Bộ Công an trong khi người kế nhiệm mà ông dày công ươm trồng không được lựa chọn [không vào được Bộ Chính trị], ông Lâm có thể dễ bị tổn thương về mặt chính trị trước những cáo buộc tham nhũng.
Với việc số thành viên của Bộ Chính trị hiện giảm xuống chỉ còn 14 người - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và các phiên họp Ủy ban Trung ương liên tục kể từ đầu năm 2023 đến nay đều không bầu được người thay thế, đây là dấu hiệu cho thấy sự bế tắc phe phái.
Việc lập kế hoạch cho Đại hội Đảng lần thứ 14 đã và đang diễn ra với hai phiên họp trù bị về văn kiện và nhân sự được tổ chức vào tháng Hai và tháng Ba năm nay.
Bằng việc vũ khí hóa chiến dịch tham nhũng, ông Trọng đột nhiên không thể kiểm soát chiến dịch này, dẫn đến việc hạ bệ cả đối thủ lẫn đệ tử của mình.
Zachary Abuza
Nguồn : RFA, 25/03/2024
Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.