Hai Phó thủ tướng, hai Chủ tịch nước và một ủy viên Bộ Chính trị khác đã bị miễn nhiệm kể từ tháng 12/2022.
Minh họa bởi Amanda Weisbrod/RFA. Nguồn ảnh : AFP và Adobe Stock
Ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã bỏ phiếu chấp thuận đơn từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đánh dấu sự sụp đổ của một nhà lãnh đạo mới, đã từng được xem là nhiều triển vọng. Biến động này cho thấy những rủi ro của chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Hà Nội.
Cuộc họp bất thường của Quốc hội diễn ra trong ngày hôm sau đã chấp thuận đơn từ chức của ông Thưởng nhưng đã không thể chọn được người kế nhiệm ông. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, vì thế, sẽ nắm quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu chọn được một Chủ tịch nước mới.
Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Thưởng sẽ là người bị trừng phạt cuối cùng trong chiến dịch chống tham nhũng đã hạ bệ một loạt các nhà lãnh đạo cấp cao của quốc gia độc đảng trong những năm gần đây.
Việc miễn nhiệm hai Phó thủ tướng, hai Chủ tịch nước và một ủy viên khác trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam cũng như việc xử lý một số bộ trưởng, cựu bộ trưởng khác kể từ tháng 12/2022 đã làm suy giảm lợi thế về ổn định chính trị của Việt Nam và khiến thị trường chao đảo.
Những đồn thổi về sự ra đi của ông Thưởng bắt đầu từ ngày 14/3 khi Hà Lan thông báo hoãn chuyến thăm của Vua và Hoàng hậu Hà Lan dự kiến diễn ra vào ngày 19-22/3 theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam vì "tình hình nội bộ".
Người ta nhanh chóng truyền tin rằng ông Thưởng đã nộp đơn xin từ chức lên Bộ Chính trị của Đảng cầm quyền.
Ông Thưởng là ủy viên Bộ Chính trị thứ tư bị buộc phải từ chức kể từ tháng 12/2022, khiến số thành viên Bộ Chính trị giảm chỉ còn 14 người – con số nhỏ nhất kể từ năm 1986 khi công cuộc Đổi mới kinh tế của Việt Nam bắt đầu.
Phơi bày, xử lý quan chức tham nhũng
Ông Thưởng đã được một số học giả mô tả là nhà tư tưởng của đảng. Mặc dù giữ các vị trí phụ trách vấn đề tư tưởng trong đảng, ông không phải là nhà tư tưởng.
Đúng là trước khi trở thành Chủ tịch nước vào tháng 3/2023 (sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc bị phế truất), ông Thưởng là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đồng thời dẫn dắt/đứng đầu Hội đồng Lý luận Trung ương – một nhóm các chuyên gia tư vấn cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng đó là sự thay đổi công việc giữa sự nghiệp một phần để làm đẹp danh tiếng. Ông không phải là nhà tư tưởng của đảng cũng như không phải là một quan chức cộng sản chỉ biết tuân lệnh (apparatchik) như một vài người nói.
Trong giai đoạn 2011-2014, ông Thưởng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trước khi chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2014. Ông từng là phó Bí thư Thành ủy dưới thời ông Lê Thanh Hải – người được biết đến như cha đỡ đầu của Thành phố Hồ Chí Minh. Rất ít vấn đề về phát triển kinh tế và bất động sản của khu vực này mà ông không biết đến và phê duyệt/thông qua.
Ông Tô Lâm tặng hoa cho ông Võ Văn Thưởng trong buổi họp Đảng ủy Cônga Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 vào Tháng Sáu, 2023 (Ảnh : TTXVN).
Bất chấp việc ông nắm giữ vai trò lãnh đạo ở miền Nam cởi mở, ông Thưởng đã được đưa ra Hà Nội, chủ yếu là để giúp phơi bày, lật tẩy các quan chức đảng viên tham nhũng trong bối cảnh chính quyền trung ương muốn dành lại khả năng kiểm soát.
Năm 2016, ông Thưởng được bổ nhiệm vào Ban Tuyên giáo Trung ương. Ông được đưa lên Bộ Chính trị vào năm 2020 và năm 2021, tham gia Ban Bí thư – bộ máy phụ trách các hoạt động hàng ngày của đảng.
Ông Thưởng rõ ràng đang được chuẩn bị cho nhiệm vụ lớn hơn. Sinh năm 1970, ông là người trẻ nhất trong Bộ Chính trị và nhiều chuyên gia nhận định rằng ông có khả năng trở thành người kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 - dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2026. Ông cũng là người miền Nam duy nhất trong số các lãnh đạo cấp cao.
Đối với một đảng đang ở rất xa và thiếu kết nối với thế hệ trẻ Việt Nam, việc chọn một Tổng bí thư trẻ hơn có những logic nhất định. Thậm chí nếu không được bầu ở Đại hội 14, ông Thưởng cũng có thể có vị thế tốt để tiếp quản việc lãnh đạo đảng ở Đại hội 15. Tóm lại, sự sụp đổ của ông khá ngoạn mục.
Ai hạ bệ ông Thưởng và vì sao ?
Vậy ai muốn ông Thưởng ra đi và tại sao ? Ông thường được mô tả là một đệ tử trẻ tuổi của người đứng đầu đảng đầy quyền lực - điều này lẽ ra phải mang lại cho ông một số sự bảo vệ.
Đáng lưu ý là việc ông Thưởng từ chức là kết quả của một cuộc điều tra từ thời ông làm việc ở Quảng Ngãi, giai đoạn 2011-2014. Điều này cho thấy các đối thủ sẵn sàng đào sâu đến mức nào [để hạ bệ ông].
Tất cả các con mắt nhanh chóng đổ dồn vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm (người bên phải), chụp ảnh cùng các thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 28/1/2016. Nguồn ảnh : Hoang Dinh Nam/AFP
Không phải ai cũng vui khi Bộ Chính trị bầu chọn ông Thưởng làm Chủ tịch nước vào tháng 2/2023. Ít vui nhất có lẽ là ông Lâm - người có thể coi nhiệm kỳ chủ tịch nước là con đường để tẩy trắng những vụ bê bối của mình, trong đó có cả việc ông bị quay phim ăn món thịt bò bít tết (steak) dát vàng trị giá 1000 USD tại nhà hàng ở Luân đôn của đầu bếp nổi tiếng Salt Bae sau khi ông này đặt vòng hoa tại mộ của Karl Marx.
Tháng 4/2023, bốn tiếp viên của Vietnam Airlines đã bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất tại TP. Hồ Chí Minh vì vận chuyển 11kg ma túy bất hợp pháp. Một trong số bốn tiếp viên này được đồn là cháu gái của ông Thưởng.
Ở một đất nước được biết đến với việc nhanh chóng tuyên án tử hình đối với tội phạm ma túy nhưng cả bốn chiêu đãi viên hàng không đã nhanh chóng thả tự do với sự trừng phạt nhẹ nhàng. Thông điệp với ông Thưởng đã không thể rõ ràng hơn.
Những vụ bê bối của mình dường như ngăn cản ông Lâm đua tranh để trở thành Tổng bí thư tiếp theo nhưng chức vụ Chủ tịch nước sẽ giúp sự nghiệp chính trị của ông, đặc biệt nếu ông có thể bảo đảm rằng đệ tử của ông, Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang, kế nhiệm ông.
Ông Lâm săn đuổi những đối thủ của chính mình
Người tiền nhiệm của ông, ông Trần Đại Quang, đã tiếp tục giữ cho mình một văn phòng làm việc tại Bộ Công an mặc dù đã trở thành Chủ tịch nước vào năm 2016. Ông Lâm đã trông đợi tiếp tục có ảnh hưởng đối với bộ đầy quyền lực để kiểm soát các đối thủ và bảo vệ đế chế doanh nghiệp đang lớn mạnh của gia đình mình.
Trong nhiều năm, ông Trọng đã sử dụng ông Lâm và bộ Công an để nhắm vào các thành viên phe phái đối thủ. Ông Nguyễn Xuân Phúc, người thách thức, cạnh tranh vị trí Tổng bí thư với ông Trọng trong năm 2022, đã bị hất cẳng vào tháng 2/2023. Các quan chức lãnh đạo khác gắn bó với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị hạ bệ một cách có hệ thống.
Ông Lâm đã trừ khử các đối thủ của mình ngày một nhiều.
Với việc miễn nhiệm ông Thưởng, theo các quy định hiện hành của đảng, trong số các thành viên của Bộ Chính trị hiện chỉ còn ba ứng cử viên đủ điều kiện : Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Bà Mai là người có năng lực, có kinh nghiệm làm việc trên nhiều lĩnh vực và tương đối trong sạch. Bà Mai đã tích lũy được quyền lực chưa từng có đối với một phụ nữ trong chính trường do nam giới thống trị ở Việt Nam. Ở tuổi 65, bà cũng đã từng nói rằng bà ít quan tâm đến việc phục vụ thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa.
Hiện đã có khá nhiều điều tra về tham nhũng xung quanh ông Chính và ông này cũng đã từng phải viết tự phê bình, kiểm điểm. Cũng có tin đồn là ông Huệ cũng đang bị điều tra. Nếu ông Huệ buộc phải từ chức thì ông Lâm sẽ trở thành người cuối cùng còn trụ lại.
Một cách rộng rãi, giới truyền thông đã xem ông Lâm như người nhiều khả năng trở thành Chủ tịch nước tiếp theo của Việt Nam, coi đây là bước đệm để ông này trở thành Tổng bí thư vào năm 2026. Nhưng điều đó là không cần thiết và đặt ra câu hỏi : Vì sao ông Lâm lại muốn làm Chủ tịch nước ?
‘Tứ trụ’
Chủ tịch nước thường được xem là một vị trí mang tính lễ tân. Nhưng nó là một trong "Tứ trụ’ của việc lãnh đạo tập thể và nếu chủ tịch nước chọn sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình, đặc biệt là thông qua mạng lưới những người được bảo trợ của mình, nó có thể là một vị trí quyền lực như nhiệm kỳ của ông Lê Đức Anh (1992-1997) và ông Trương Tấn Sang (2011-2016) đã chứng minh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an có một thứ mà Chủ tịch nước không có, đó là quyền điều tra. Nói tóm lại, ông Lâm không cần làm Chủ tịch nước để làm bước đệm cho việc trở thành Tổng bí thư nếu đó là mục tiêu của ông. Ông ấy có thể sử dụng vị trí hiện tại của mình để giữ cho các đối thủ của mình phải ở thế phòng thủ.
Mặc dù Quốc hội có thể sẽ không ủng hộ việc ông Lâm giữ chức Chủ tịch nước, nhiều khả năng hơn là ông đã không thể đảm bảo việc đưa cấp phó của mình, ông Lương Tam Quang, vào Bộ Chính trị - một yêu cầu để trở thành bộ trưởng. Vì thế, chức vụ Chủ tịch nước vẫn nằm trong tay Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Phủ Chủ tịch - Hà Nội ngày 21/9/2023. Nguồn ảnh : Minh Hoàng/AP
Chúng ta cũng cần xem xét một giả thuyết thay thế, đó là ai đó đã hạ bệ ông Thưởng để buộc ông Lâm vào chức Chủ tịch nước.
Nếu ông Lâm bị buộc phải rời khỏi Bộ Công an trong khi người kế nhiệm mà ông dày công ươm trồng không được lựa chọn [không vào được Bộ Chính trị], ông Lâm có thể dễ bị tổn thương về mặt chính trị trước những cáo buộc tham nhũng.
Với việc số thành viên của Bộ Chính trị hiện giảm xuống chỉ còn 14 người - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và các phiên họp Ủy ban Trung ương liên tục kể từ đầu năm 2023 đến nay đều không bầu được người thay thế, đây là dấu hiệu cho thấy sự bế tắc phe phái.
Việc lập kế hoạch cho Đại hội Đảng lần thứ 14 đã và đang diễn ra với hai phiên họp trù bị về văn kiện và nhân sự được tổ chức vào tháng Hai và tháng Ba năm nay.
Bằng việc vũ khí hóa chiến dịch tham nhũng, ông Trọng đột nhiên không thể kiểm soát chiến dịch này, dẫn đến việc hạ bệ cả đối thủ lẫn đệ tử của mình.
Zachary Abuza
Nguồn : RFA, 25/03/2024
Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
Việt Nam khẳng định vụ chủ tịch nước từ chức không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại
Thu Hằng, RFI, 27/03/2024
Việt Nam trấn an Hoa Kỳ rằng việc từ chức của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không tác động đến chính sách đối ngoại và kinh tế của Hà Nội, nhờ vào sự lãnh đạo và hoạch địch chính sách của tập thể. Ngày 26/03/2024, trao đổi với Viện Brookings ở Washington, trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ, ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam được cộng đồng quốc tế và giới doanh nghiệp hoan nghênh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hộ đàm với đồng nhiệm Việt Nam Bùi Thanh Sơn (thứ hai từ phải qua), tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, Mỹ, ngày 25/03/2024. Reuters - Kevin Lamarque
Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn lưu ý là Việt Nam có nguyên tắc "tập thể lãnh đạo", "có chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế do tập thể quyết định". Chính sách này được định hướng trong kỳ Đại hội Đảng, diễn ra 5 năm một lần, cho nên, xin trích, "tôi nghĩ, nếu một hoặc hai cá nhân trong ban lãnh đạo từ chức, (việc đó) không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến tình hình".
Ngoài ra, vẫn theo ông Sơn, Việt Nam luôn tìm kiếm những mối quan hệ hữu hảo với các cường quốc, được thể hiện qua chính sách "ngoại giao cây tre". Ông cũng hoan nghênh những nỗ lực của Mỹ và Trung Quốc để ổn định quan hệ giữa hai đại cường.
Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn dẫn đầu một phái đoàn công du Mỹ trong khuôn khổ cuộc hội đàm cấp bộ trưởng song phương đầu tiên kể từ khi Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tiếp phái đoàn Việt Nam chiều 25/03. Ngoài ra, trong các buổi làm việc với cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan và tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power, ông Bùi Thanh Sơn hy vọng Washington sớm công nhận Việt Nam là "nền kinh tế thị trường".
Trong bài phát biểu đón phái đoàn Việt Nam chiều 25/03, được đăng trên trang web của bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Antony Blinken hoan nghênh những tiến bộ mà hai nước đạt được kể từ chuyến công du Hà Nội của tổng thống Joe Biden, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn, chuỗi cung ứng toàn cầu, giáo dục, công nghệ và trao đổi về con người. Theo ông Blinken, đây là những bằng chứng khẳng định "cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng như vai trò trọng tâm của Việt Nam".
Thu Hằng
*****************************
Chủ tịch nước từ chức, Việt Nam trấn an Mỹ về 'ổn định chính trị'
BBC, 27/03/2024
Hôm thứ Ba (26/3), Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nói rằng việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức sẽ không gây ảnh hưởng tới chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam và đề cập tới hệ thống lãnh đạo và hoạch định chính sách mang tính tập thể của đất nước cộng sản, theo bài viết của Reuters.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trấn an phía Mỹ về sự ổn định chính trị và chính sách
Ông Sơn đưa ra thông điệp trên trong lúc đang có chuyến công du tại Mỹ.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyến thăm này nhằm mục đích triển khai tuyên bố chung giữa Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Trấn an Mỹ, thăm Trung Quốc
Trong khuôn khổ chuyến đi, vào hôm thứ Hai (25/3), Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power.
Chuyến đi của ông Sơn diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang có những xáo động về nhân sự cấp cao làm nảy sinh các quan ngại về bất ổn chính trị.
Ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam từ chức trong thời gian hơn một năm trở lại đây.
Khi được hỏi về việc ông Thưởng từ chức, ông Sơn đã trả lời Viện nghiên cứu Brookings Institution từ Washington rằng Việt Nam đang thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng được cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp hoan nghênh.
"Tôi nghĩ rằng việc thôi chức của chủ tịch nước không ảnh hưởng đến những chính sách phát triển kinh tế và đối ngoại của chúng tôi", ông nói.
"Nếu quý vị nhìn vào tình hình ở Việt Nam, chúng tôi có hệ thống lãnh đạo tập thể, quyết định chính sách đối ngoại và chiến lược phát triển kinh tế một cách tập thể".
Ông Sơn viện dẫn việc Đại hội Đảng cộng sản được tổ chức năm năm một lần, là dịp để các lãnh đạo đảng vạch ra và thống nhất những kế hoạch phát triển kinh tế.
"Và tôi nghĩ [nếu] một hoặc hai nhân vật trong ban lãnh đạo từ chức thì cũng không thay đổi tình hình chung này".
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề cập tới việc mong muốn Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Mỹ vẫn đang coi Việt Nam là một "nền kinh tế phi thị trường" trong các vụ kiện thương mại, điều có thể dẫn tới sự gia tăng đáng kể của thuế chống bán phá giá.
Việt Nam đã đệ đơn yêu cầu Mỹ xem xét việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường từ tháng 9/2023, viện dẫn những cải cách kinh tế trong các năm qua.
Hiện Washington vẫn đang trong quá trình xem xét và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào khoảng giữa tháng 7/2024.
Trước đó trong năm, đại sứ Việt Nam tại Washington từng cảnh báo rằng việc duy trì các mức thuế phạt hệ quả lên hàng hóa Việt Nam sẽ ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ song phương đang ngày càng bền chặt giữa hai nước.
Ông Sơn cho rằng Mỹ và Việt Nam nên thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư sau khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 năm ngoái.
"Chúng ta nên tập trung tới khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, tính liên kết của hạ tầng kỹ thuật, nền kinh tế số, năng lượng, nền kinh tế xanh và hậu cần", ông Sơn nói.
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 18/3, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung đã lên đường đến thăm Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 22/3, ông Lê Hoài Trung đã có các cuộc hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ ; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương, Ngoại trưởng Vương Nghị.
Trong các cuộc hội kiến, ông Trung đã đề nghị hai bên cùng nỗ lực thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao và tăng cường tin cậy chính trị, theo báo Nhân dân.
Có thể hiểu là trong chuyến thăm này, đoàn của Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã cập nhật cho phía Trung Quốc về những diễn biến chính trị gần đây ở trong nước.
Từ ngoài nhìn vào vẫn bấp bênh
Sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức làm dấy lên những câu hỏi về ổn định chính trị của Việt Nam, đặc biệt là việc ông Thưởng chỉ mới nhậm chức vào đầu năm ngoái, sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đột ngột bị miễn nhiệm.
Ổn định chính trị là cực kỳ quan trọng đối với các tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất lớn tại Việt Nam, bao gồm cả Apple của Mỹ, tập đoàn có nhiều nhà cung cấp từ nước này.
Yếu tố ổn định chính trị cũng tác động không nhỏ tới quyết định của những nhà đầu tư quan tâm tới nước này.
Được coi là trung tâm sản xuất chế tạo ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lũy kế vượt qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Các nhà phân tích cho rằng sự ổn định này, vốn được đảm bảo qua nhiều thập kỷ bởi một chính phủ chịu kiểm soát chặt chẽ của Đảng cộng sản, có vẻ đã bắt đầu lung lay.
Đánh giá này được đưa ra ngay cả khi họ đồng ý rằng những thay đổi lãnh đạo mới đây sẽ không ảnh hưởng đến các chính sách chủ chốt của đất nước, bao gồm cả đường lối "ngoại giao cây tre" nhằm duy trì quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc.
Giờ đây, những nhà đầu tư vốn ca ngợi sự ổn định chính trị của Việt Nam có thể sẽ không an tâm với sự ra đi đột ngột của hai vị chủ tịch nước chỉ trong một thời gian ngắn, theo Reuters.
Việc ông Thưởng bị miễn nhiệm có thể khiến các quyết định chính sách và hành chính càng trễ nải, khi mà các quan chức phụ trách cứ canh cánh nỗi lo liên quan đến diễn biến của chiến dịch chống tham nhũng, theo một cố vấn cho các công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC News tiếng Việt ngày 20/3, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định rằng việc sai phạm của ông Thưởng được cho là đã xảy ra từ khoảng 10 năm trước sẽ tạo "tâm lý tương đối là bất an trong hệ thống bộ máy quan liêu của nhà nước".
"Người ta không thể nào biết được quá trình hồi tố sẽ đẩy tới mức nào, và ai sẽ an toàn, ai sẽ không", ông nói.
Báo The Guardian cũng trích lời Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang nhận định rằng việc từ chức của hai chủ tịch nước trong vòng chưa đầy hai năm không phải là dấu hiệu tốt đối với một quốc gia thường tự hào về ổn định chính trị.
"Dù khu vực FDI đã phần nào được tách khỏi chiến dịch chống tham nhũng, nhưng sự bất ổn có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn cách chờ đợi và theo dõi thêm giữa bối cảnh chính trị khó lường của Việt Nam", ông Giang nói.
Ngày 20/3, sau khi ông Thưởng được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi chức, Reuters đã dẫn nhận định của ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), rằng diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam dấy lên những nghi vấn về "tính khó dự báo, độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống" – những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới các quyết định đầu tư.
Trong bài bình luận trên tờ Bloomberg, bà Karishma Vaswani đánh giá rằng Việt Nam đang trên bờ vực mất đi sức hút từ chiến lược "Trung Quốc + 1" – chiến lược kinh doanh do các tập đoàn đa quốc gia áp dụng để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sản xuất sang các quốc gia khác.
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, với đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đến 32% trong năm 2023, thu hút gần 36,61 tỷ đô la tiền đầu tư.
Giờ đây, với việc ông Thưởng từ chức, bà Vaswani đánh giá rằng sẽ có lo ngại lan rộng ở Washington, sau khi Mỹ và Việt Nam vừa mới nâng cấp quan hệ chỉ sáu tháng trước.
Bà cho rằng bất kỳ dấu hiệu bất ổn chính trị nào của Việt Nam cũng có thể ảnh hưởng tới kỳ vọng Mỹ dành cho quốc gia Đông Nam Á.
Nguồn : BBC, 27/03/2024
************************
Giới đầu tư nước ngoài nghi ngại sau vụ ông Võ Văn Thưởng mất chức
BBC, 26/03/2024
Hai chủ tịch nước bị miễn nhiệm chỉ trong vòng hơn một năm cùng với chiến dịch "đốt lò" khiến nhiều quan chức bị xử lý, Việt Nam đang khiến giới đầu tư quốc tế nghi ngờ sự ổn định chính trị.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ - Ảnh : TTXVN
Trong vài ngày có đồn đoán ông Võ Văn Thưởng sẽ bị miễn nhiệm , thị trường chứng khoán Việt Nam đã có biến động.
Cụ thể, Reuters đưa tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã bán đi khoảng 80 triệu USD tiền cổ phiếu trong hai ngày 18-19/3.
Việc ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm vào ngày 21/3 đã gây ra bất an trong giới đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2023, đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP Việt Nam chiếm khoảng 22%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Cũng theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực đầu tư nước ngoài rơi vào gần 258,8 tỷ USD và chiếm khoảng 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước tính đến tháng 12/2023.
Giới đầu tư nghi ngại
Sự ổn định chính trị từ lâu đã là ưu điểm của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sự bất định về chính trị mới nảy sinh gần đây có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại, theo bài bình luận của tác giả Karishma Vaswani trên hãng tin Bloomberg.
Đó là những nhà đầu tư đã đổ xô tới Việt Nam theo sau cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi họ bị thu hút bởi lực lượng lao động lành nghề và giá rẻ của Việt Nam cũng như không bị chính phủ Mỹ soi xét về chính trị.
Bloomberg cho biết Việt Nam là bên hưởng lợi rất lớn từ cuộc chiến tranh thương mại này, với đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đến 32% trong năm 2023, thu hút gần 36,61 tỷ đô la đầu tư.
Các công ty đang tìm cách phân tán rủi ro ra khỏi Trung Quốc đã thành lập các nhà máy và đổ vốn đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng này cũng rất mạnh mẽ vào đầu năm 2024, với một lượng vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục đạt hơn 4,29 tỷ đô la Mỹ trong tháng 1 và tháng 2, tăng 39% so với năm trước.
Việt Nam là một ví dụ điển hình cho điều mà một quốc gia nên làm khi tìm cách thoát khỏi cảnh trì trệ của Trung Quốc và cho đến nay Việt Nam đã khá thành công. Tuy nhiên, nước này cần đảm bảo thể hiện một hình ảnh ổn định và mạnh mẽ đối với thế giới để tiếp tục thành công như hiện nay, theo bài bình luận trên Bloomberg.
"Ba ổn định" để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Tài chính Việt Nam vào tháng 6/2018, lần lượt là "ổn định về chính trị - an ninh ; ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài ; ổn định trong chủ trương không ngừng đổi mới, cải cách".
Tuy nhiên, việc liên tục miễn nhiệm hai chủ tịch nước - một trong bốn chức lãnh đạo cao nhất Việt Nam - chỉ trong hơn một năm gây ra sự bất an trong tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là "đốt lò", liên miên càng tạo nên một ấn tượng bất an rộng khắp.
"Một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là sự ổn định chính trị", Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War (Mỹ), đánh giá.
"Với việc hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước và một thành viên bộ chính trị khác buộc phải từ chức trong 15 tháng qua, Việt Nam trông có vẻ bất ổn về mặt chính trị. Với tình trạng thiếu năng lượng, tham nhũng và không thực hiện được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, sự bất ổn chính trị gây tổn hại cho một quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài", ông nhận định.
Báo The Guardian trích lời Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định rằng việc từ chức của hai chủ tịch nước trong vòng chưa đầy hai năm không phải là dấu hiệu tốt đối với một quốc gia thường tự hào về ổn định chính trị.
"Dù khu vực FDI đã phần nào được tách khỏi chiến dịch chống tham nhũng, nhưng sự bất ổn có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn cách chờ đợi và theo dõi thêm giữa bối cảnh chính trị khó lường của Việt Nam", ông Giang nói.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), nhận định rằng diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam đặt ra câu hỏi về "khả năng dự đoán, độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống" mà các quyết định đầu tư xoay quanh.
Thách thức cho chiến dịch 'đốt lò'
Trong 13 năm làm tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã xem chiến dịch chống tham nhũng là trọng tâm của mình. Công cuộc "đốt lò" của ông đã khiến hai chủ tịch nước và hai phó thủ tướng mất chức trong thời gian gần đây. Nhiều người khác, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, đã bị kỷ luật, thậm chí đi tù.
Reuters cho biết các nhà đầu tư và ngoại giao quốc tế đã nhiều lần đổ lỗi cho chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ cho rằng chiến dịch này làm chậm lại các quyết định ở một đất nước vốn đang phải vật lộn với bộ máy quan liêu cồng kềnh.
Việc miễn nhiệm ông Võ Văn Thưởng nói riêng và chiến dịch "đốt lò" có thể đem lại những tác động không mong muốn, theo giới quan sát.
Một cố vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nói với Reuters rằng việc ông Thưởng bị bãi nhiệm sẽ khiến các quyết định về chính sách và hành chính bị chậm lại do các quan chức sợ bị liên lụy trong quá trình chống tham nhũng.
Theo The Guardian, nhiều quan chức khác cũng e dè trong việc đưa ra các quyết định quan trọng và cho rằng không làm gì thì tốt hơn là phê duyệt các dự án rồi mắc lỗi.
Chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ còn nóng hơn nữa từ nay cho đến Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1/2026.
Nguồn : BBC, 26/03/2024
Cuộc đua chức Tổng bí thư ra sao khi ông Võ Văn Thưởng rời ghế Chủ tịch nước ?
Trường Sơn, RFA, 25/03/2024
Nhậm chức Chủ tịch nước ở tuổi 52 với lý lịch làm việc bên ngạch Đảng ấn tượng, ông Võ Văn Thưởng từng được kỳ vọng sẽ là ứng cử viên nặng ký thay thế ông Nguyễn Phú Trọng ở chức vụ Tổng bí thư.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại buổi tiệc tiếp Tổng thống Hoa Kỳ ngày 11/9/2023 - AFP
Thế nhưng, chỉ sau 1 năm 19 ngày, đường quan lộ những tưởng thênh thang của ông Thưởng bỗng tiêu tan, khi ông nhận quyết định cho thôi mọi chức vụ trong Đảng lẫn nhà nước.
Điều duy nhất mà vị chính trị gia này còn lại là chút thể diện khi thay vì bị cách chức, người ta để cho ông được "thôi chức".
Sự ra đi của ông Võ Văn Thưởng không chỉ khiến chiếc ghế Chủ tịch nước bị bỏ trống, một trong bốn vị trí quyền lực nhất trong nền chính trị Việt Nam thường được biến đến với cái tên "tứ trụ", mà nó còn khiến cho cuộc đua tranh chức Tổng bí thư, vị trí quyền lực nhất trong hệ thống chính trị cộng sản, trở nên gay cấn hơn.
Thời điểm ông Thưởng bị mất chức trùng vào thời điểm mà tiểu ban nhân sự của Đảng cộng sản đang chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội 14, sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.
Theo thông lệ, trước khi Đại hội Đảng diễn ra thì khâu bố trí nhân sự cho các chức danh cao cấp nhất, gồm các Ủy viên bộ chính trị, các thành viên tứ trụ - trong đó ghế Tổng bí thư là quan trọng nhất, cần phải được chuẩn bị kỹ càng.
Điều này không có nghĩa mọi sự sắp đặt từ trước sẽ trở thành hiện thực, vì trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, việc bầu chọn chức danh Tổng bí thư luôn tiềm ẩn những bất định, mà theo ngôn ngữ dân gian, phải đến phút chót mới biết chiến thắng thuộc về ai.
Thế nhưng, để được trở thành ứng viên cho chức danh đảng trưởng, một người cần phải hội tụ những tiêu chuẩn nhất định, trong đó bao gồm việc phải giữ trọn một nhiệm kỳ Ủy viên Bộ chính trị, và từng kinh qua các chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, trưởng ban, bộ, ngành của trung ương.
Nếu không ngã ngựa thì Võ Văn Thưởng đương nhiên sẽ là một ứng viên cho chức danh Tổng bí thư, bởi ông ta hội tụ đầy đủ mọi tiêu chuẩn do Đảng đề ra.
Từ việc đã từng nắm giữ chức Bí thư tỉnh Ủy Quảng Ngãi, đến phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến chức Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, và Chủ tịch nước, cộng với việc đã là thành viên bộ chính trị hơn một nhiệm kỳ.
Do vậy, sự ra đi của vị chính trị gia quê Vĩnh Long đã dấy lên nghi vấn về một cuộc cạnh tranh quyền lực giữa những "tay đua" muốn trở thành người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng, vì dù sao, bớt đi một đối thủ ở thời điểm quan trọng này thì vẫn tốt hơn.
Câu hỏi đặt ra ở đây là ai được lợi từ cú ngã của ông Võ Văn Thưởng ?
Để trả lời câu hỏi này thì cần phải xét xem những ai đang là ứng viên tiềm tàng cho chức danh Tổng bí thư ở Đại hội 14 tới đây.
Theo giáo sư Johnathan London, chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam, thì với việc ông Thưởng bị loại, cuộc đua chức Tổng bí thư giờ đây sẽ là cuộc đua song mã :
"Tuy rất khó để nhận định ai hưởng lợi nhiều nhất (từ việc ông Thưởng rớt đài), nhưng việc này tạo ra một cuộc cạnh tranh gay cấn giữa đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính - người thuộc bên chính phủ và có chuyên môn về phát triển kinh tế, với người đứng đầu lực lượng Công an, Tô Lâm, cả hai giờ đây là các ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí lãnh đạo Đảng".
Và giữa hai người này, mọi sự chú ý đổ dồn về ông Tô Lâm, người được cho là có động cơ lẫn năng lực để loại bỏ ông Võ Văn Thưởng.
Trao đổi với đài Á Châu Tự do, tiến sĩ Lê Minh Nguyên - cựu chủ tịch đảng Tân Đại Việt, cho biết nhận định của ông :
"Ông Tô Lâm đã đến tuổi về hưu, nhưng hiện giờ đang có rất nhiều kẻ thù, nên nếu bước ra khỏi chức Bộ trưởng Bộ Công an thì sẽ rất nguy hiểm. Ngoài chức Tổng bí thư ra thì không còn chức danh nào có thể bảo vệ ông ta. Thành ra, con đường an toàn nhất và cũng là tham vọng của ông ta là trở thành Tổng bí thư".
Bộ Công an do ông Tô Lâm đứng đầu trong những năm qua đã điều tra hàng loạt vụ án dính dáng đến các quan chức cấp cao ở cả cấp địa phương và trung ương.
Dân chúng đã quen thuộc với những thông báo từ tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, mỗi khi có án tham nhũng mới.
Nhận chức Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2016, nếu tiếp tục giữ chức vụ này cho đến Đại hội Đảng năm 2026, thì ông Tô Lâm sẽ hoàn thành hai nhiệm kỳ, cộng với vấn đề tuổi tác (68 tuổi khi đại hội Đảng diễn ra), và sẽ phải về hưu theo thông lệ.
Do vậy, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, đây là thời điểm quyết định đối với sự nghiệp chính trị của ông Tô Lâm :
"Ông Tô Lâm sẽ hoàn tất hai nhiệm kỳ trên cương vị Bộ trưởng, và theo quy định bất thành văn trong hệ thống chính trị, không người nào được giữ nhiệm kỳ Bộ trưởng thứ ba, đồng thời ở lứa tuổi của ông ấy, vào đầu năm 2026 thì đã quá 68 tuổi, cho nên cũng quá tuổi để ở lại".
Ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, còn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng với Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai, cũng được coi là những ứng viên tiềm năng cho chức danh Tổng bí thư ở Đại hội 14.
Riêng trường hợp của bà Trương Thị Mai thì yếu tố giới tính có thể sẽ là lực cản để bà trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản, bởi đảng cầm quyền chưa từng có tiền lệ bầu phụ nữ giữ chức vụ cao nhất.
Còn cá nhân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong thời gian gần đây đang trở thành tâm điểm của các tin đồn tiêu cực liên quan đến đời sống cá nhân.
Vấn đề đối với Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong trường hợp ông ta thực sự có tham vọng trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản, đó là việc chưa từng có tiền lệ một vị Bộ trưởng được bầu thẳng lên làm Tổng bí thư.
Các đời tổng bí thư gần đây đều xuất thân từ các vị trí thuộc "tứ trụ" hoặc vị trí Thường trực Ban bí thư.
Do vậy, giới quan sát cho rằng rất có thể ông Tô Lâm sẽ chạy đua vào chức Chủ tịch nước thay thế ông Võ Văn Thưởng, để làm bàn đạp cho chức Tổng bí thư sau đó.
Rất có thể trong những tuần tới đây, khi chức danh Chủ tịch nước được công bố, thì cuộc đua vào chức Tổng bí thư cũng sẽ trở nên rõ ràng hơn, khi các ứng viên lộ diện.
Trường Sơn
Nguồn : RFA, 25/03/2024
***************************
Một năm, xung quanh chân Chủ tịch nước
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 25/03/2024
Chủ tịch nước, một trong hàng 4 nhân vật quan trọng nhất trong triều đình cộng sản, dù vẫn được coi là nhân vật ít có sức nặng bằng các chân khác, thậm chí là "hữu danh, vô thực" trong một số trường hợp.
Nhưng, là một trong bốn nhân vật được coi là đứng đầu đất nước, câu chuyện quanh chiếc ghế này cũng nói lên nhiều điều.
Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh minh họa
Chuyện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị đuổi thẳng cổ về vườn lần này gây chấn động không giống như sự kiện Nguyễn Xuân Phúc nối gót hai Phó thủ tướng là Ủy viên Bộ Chính Trị Phạm Bình Minh và Ủy viên trung ương Vũ Đức Đam ngã ngựa năm ngoái.
Cuộc "nội chiến" vẫn còn tiếp diễn
Năm trước, vụ đuổi cổ đồng chí được thực hiện ngay trước Tết, giữa mùa làm ăn và thu hoạch của lãnh đạo cấp cao, khi mà cả nước đang lo lắng, dớn dác bước vào chuẩn bị Tết nhất thì các đồng chí lãnh đạo tối cao lôi nhau ra thịt. Vậy là cái cách chơi nhau miếng ăn đến miệng còn gạt của nhau đi. Một năm làm ăn, tết nhất giỗ chạp là một dịp để các lãnh đạo có cơ hội thu hoạch, đành rằng là với hệ thống sân sau và vệ tinh, thì chuyện thu hoạch là quanh năm, nhưng dù sao thì Tết nhất vẫn cần cái không khí trịnh trọng đã.
Thế mà bỗng dưng lại cắt cơm chim của nhau, lại lôi nhau làm mục tiêu đàm tiếu cho cả nước trong ngày tết, ngày xuân rảnh rỗi và hiếm chuyện giật gân. Vậy thì đời nào cho hết nhục, rồi sau này mỗi lần nguyên Chủ tịch nước vác mặt lên họp hành, dạy dỗ dân chúng thì ai mua mo cho kịp, cho đủ để ngài nguyên Thủ tướng, nguyên Chủ tịch nước có thể đeo vào trước mặt thiên hạ.
Vậy thì cha ông đã nói rồi : "Miếng ăn là miếng nhục" vậy là nó thể hiện rõ ngay trong những lúc đó, nó đeo đẳng cuộc đời Thủ tướng, các Phó thủ tướng, Chủ tịch nước đến tận huyệt vẫn chưa hết.
Giàu có đến mấy đời chưa biết, nhưng nỗi nhục thì ngàn đời khó rửa nếu còn cái gọi là liêm sỉ, là sự xấu hổ, là nhân cách. Và không rõ, những ngài lãnh đạo ấy sẽ nghĩ gì nếu con cái có hỏi về quá trình lịch sử cống hiến cho đảng, cho dân, cho đất nước như những lời của họ đã rao giảng ngày ngày trên mọi lúc, mọi nơi ?
Biết vậy, thế nhưng dù biết "miếng ăn là miếng nhục", mà "Miếng nhục là cục thịt" nên khó có thể từ chối.
Thế mới biết rằng các đảng viên của đảng đã thấm nhuần rất sâu sắc cái quan niệm : "Vật chất quyết định ý thức" mà Chủ nghĩa Mác – Leinin đã dạy. Còn bây giờ, thì họ cũng thấm được cái gọi là "Vật chất có trước, tinh thần có sau" mà cũng Chủ nghĩa Mác – Lenin dạy họ từ xưa.
Vấn đề, là cái vật chất ấy, có được như thế nào. Chứ không phải bằng cách cướp, bằng cách lật đổ, bằng cách cách mạng như đảng vẫn quan niệm và hành động.
Cái đó mới đáng nói, chứ còn về nguyên nhân, tội trạng vì sao mà được "từ chức" thì thiên hạ đã rõ mười mươi nên không đến mức quá ngạc nhiên ở vụ ấy.
Cái đáng ngạc nhiên, là ở chỗ đằng sau vụ "từ chức" vì trách nhiệm chính trị" của "Người đứng đầu" ấy, thì cách hành xử của "Người đứng đầu" thật sự của băng đảng mới đáng nói, mới đáng để thiên hạ bàn luận suốt cả cái tết năm ngoái. Hành động của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tấp tểnh ra thò mặt lên Truyền hình chúc Tết đầu năm, tiếm quyền của Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mới là vấn đề mà dân tình bàn luận.
Người ta ngạc nhiên hỏi : Ai mời ông ấy nhỉ ? Ông ta có chức năng quyền hạn như thế nào được quy định trong Hiến pháp hoặc luật pháp nhỉ ? Ai lại để một lão già lụ khụ ôm bỉm không xong, đầu óc lú lẫn, gây họa bao người leo lên xông nhà thiên hạ đầu năm để vận xui vận rủi cả năm không hết cho cả đất nước, cả dân tộc ?
À thì ra vậy, dù leo lẻo cái mồm là "Đảng không làm thay, đảng không bao biện" rồi thì nào là "Bình đẳng giới, tôn trọng phụ nữ"… chỉ là những câu trẻ con nói với nhau để xin kẹo mà thôi. Còn cái gọi là Nhà nước Pháp quyền thì chỉ là một trò lừa đảo.
Thế rồi cũng như bao nhiêu chuyện xã hội lôi cuốn cả đất nước đi theo những cơm áo, gạo tiền và… theo dõi những cuộc bắt bớ khác, theo dõi đại gia bị bắt và các đại án đua nhau mở như mở hội.
Thế rồi, khi cả nước đang nín thở theo dõi xem các vụ án như Vạn Thịn Phát, được báo chí cho biết là án tử ít nhất cũng được để nghị cho hơn chục nhân vật với hơn 6 tấn tài liệu, hàng ngàn bất động sản, sổ đỏ sổ hồng và hàng triệu tỷ đồng tham nhũng kia, thì nạn nhân có được ra trước tòa để đòi lại tiền của mình không, hay lại tất cả đổ vào tay đảng và nhà nước, còn nạn nhân thì được… ngồi xem Tivi.
Thế rồi khi cả nước lại bùng lên nạn "Truy vết, tốc hành, thần tốc" không phải để truy Covid-19 như trước, mà là để truy người dân uống rượu mà tham gia giao thông.
Thế rồi đủ chuyện bi hài như một tấn kịch mà người ta biết rõ tỏng tòng tong là anh Tô Lâm muốn làm ra quan trọng để cái gọi là Quốc hội có cớ mà thông qua Luật An ninh cơ cở, giao cho công an những ngành nghề nào kiếm ăn dễ nhất, lắm tiền bạc nhất. Thậm chí được "Đặc cách" giữ lại tiền phạt của người dân tham gia giao thông mà bị Công an bắt được.
Mà không chỉ tiền phạt, kể cả tiền bán biển số đẹp, tiền đấu giá thì cũng phải chia 1/3 cho công an mới được.
Sở dĩ phải công phu vậy, bởi dư luận không dễ xiêu lòng nghe anh Tô Lâm than ngắn thở dài là "Tình hình tội phạm và trật tự xã hôi phức tạp, Giấy phép lái xe bị làm giả nhiều nên phải giao công an làm cho chắc". Có điều, là dân hỏi lại : Vậy chứ bây giờ tiền giả nhiều, thẻ đảng giả cũng lắm, rồi có giao cho công an được cấp thẻ đảng và in luôn tiền cho đỡ giả không đây ?
Và ai cấp cái Chứng nhận Công an, mà bây giờ thẻ công an giả đầy chợ, đầy mạng vậy ?
Còn cái vụ để công an ăn luôn cái tiền phạt, thì các ngành khác có được giữ lại tiền phạt chia nhau không ? Các ngành như khoáng sản, dầu khí, đất đai, sau khi thu hồi được của dân, quan có chia nhau được không ? Hay chỉ là công an được quyền như vậy ?
Dân tình đang thắc mắc, đang râm ran dư luận, mọi người dân đang nín thở xem cái màn "Nồng độ cồn" nó nóng đến đâu, vụ Vạn Thịnh Phát lại đầu voi, đuôi chuột thế nào...
Thì bỗng nhiên, báo chí loan tin bắt cả cụm bí Thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, cả Cựu và đương kim Chủ tịch Tỉnh Quảng Ngãi rồi cán bộ tận Vĩnh Long.
Võ Văn Thưởng "theo bước đàn anh".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thường trựcnBan Bí thư Võ Văn Thưởng tại buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tháng 9/2022. Ảnh : Dũng Phương
Chuyện bắt cả ổ bây giờ không còn là chuyện lạ, bởi bây giờ tham nhũng không đơn lẻ như xưa. Nhà thơ Nguyễn Duy đã có thơ rằng :
"Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
Cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
Có con dấu đóng đỏ tươi
Có còng có súng dùi cui nhà tù
Cướp xưa lén lút tù mù
Cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
Con trời bay lả bay la
Cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng"
Thế nên, bây giờ hễ cứ đụng vào đâu, là ở đó y như "đi cả ổ". Có thể khó thống kê con số các địa phương đã tiễn cả Bí thư, Chủ tịch tỉnh và các Phó Chủ tịch cùng với Giám đốc các ban bệ, ngành nọ ngành kia vào tù. Chỉ tính gần đây thôi thì đã không đủ ngón tay để đếm như Lao Cai, Hải Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thanh Hóa… rồi các ngành như Đăng Kiểm, khi sờ vào bắt từ cựu đến kim, từ Giám đốc đến nhân viên, công nhân. Đến mức là cả hệ thống tê liệt.
Bởi Nguyễn Sinh Hùng, nguyên là Chủ tịch Quốc hội đã nói : "Cứ cán bộ sai mà kỷ luật, cứ bắt hết, lấy ai mà làm việc".
Bởi cả hệ thống chính trị đã như một mớ ung nhọt, như một thi thể thối rữa bên trong, hễ chọc thủng vào bất cứ chỗ nào của tấm da, thì sẽ lúc nhúc dòi bọ chui ra hàng đống.
Võ Văn Thưởng ôm người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cách đây một năm khi nhận bàn giao công việc
Điều ngạc nhiên, là ngay sau đó, có tin tức về việc Võ Văn Thưởng sẽ bị hạ bệ vì liên quan đến vụ tham nhũng vừa bị lôi ra. Những tin đồn được khẳng định và mọi sự diễn ra ngay sau đó như kịch bản đã được bí mật dưa ra trước : Võ Văn Thưởng được cho về vườn mà hưởng "Hồng phúc dân tộc".
Và người ta ngạc nhiên, không phải vì chuyện "bắt cả cụm" như đã nói ở trên. Mà người ta ngạc nhiên, là vì người ta đã nhầm, đã không hiểu về Thưởng.
Lần này, việc Võ Văn Thưởng rớt đài khác với lần Chủ tịch nước "Từ chức" vào năm ngoái. Năm đó, Nguyễn Xuân Phúc từ chức, thì vẫn còn đó câu hỏi và câu tự trả lời của người dân ngay sau khi vụ Việt Á được đưa ra để trình diễn cái gọi là xét xử.
Ở đó, con số 80% vốn của Việt Á là của ai vẫn là một bí ẩn.
Ở đó, con số 4.000 tỷ đồng thu lợi bất chính nhanh chóng được giảm xuống còn 1.235 tỷ đồng. Còn con số tiền đưa đi hối lộ từ hơn 800 tỷ, thì đột ngột giảm xuống chỉ còn lại 106 tỷ đồng.
Nên nhớ rằng, những con số nói trên đều được công bố từ cơ quan điều tra của Công an, nghĩa là "Nói có chứng, có cớ, có cơ sở chứ không phải nói mò".
Và người ta hiểu ra rằng cái quy luật "Sự vật luôn luôn vận động" đã tác động đến vụ án trong quá trình điều tra ra sao.
Còn Võ Văn Thưởng rớt đài, từ chức thì đảng đã ghi rõ ràng rằng : Vi phạm pháp luật.
Thông thường, nếu là dân vi phạm luật pháp, thì hẳn nhiên là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng Võ Văn Thưởng không phải là dân, mà là "Ta" hoặc "Chúng ta" – theo định nghĩa của Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng Văn Phòng chính phủ - Vì thế, nó phụ thuộc vào ý đảng, pháp luật chẳng thể nào dám sờ đến những nhân vật này.
Vậy thì đảng sẽ xử lý Thưởng ra sao ?
Hãy chờ xem để nhận rõ bộ mặt thật đằng sau cái "Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa" này.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 25/03/2024
Các chuyên gia cho rằng việc ông Võ Văn Thưởng bị mất chức chủ tịch nước và mất ghế ủy viên Bộ Chính trị vừa qua là một "cú sốc" rất lớn trong chính trường Việt Nam, có thể làm mất niềm tin trong dân và nhà đầu tư nước ngoài.
Việc ông Thưởng từ chức có thể sẽ khiến nhiều người dân và cả quan chức trong hệ thống độc đảng vốn luôn tự hào về sự đoàn kết và ổn định, nay cảm thấy lo lắng và hoang mang.
"Một lần nữa chính trường Việt Nam bị sốc vì sự sụp đổ của một lãnh đạo lớn trong bộ máy của Đảng và Nhà nước Việt Nam", giáo sư Jonathan London thuộc đại học Leiden University, Hà Lan, đồng thời là nhà quan sát chính trị Việt Nam, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA.
"Ông Võ Văn Thưởng từ lâu được xem là một người sạch sẽ nhưng rồi sau cùng cũng bị dính vào những hành vi không phù hợp với một lãnh đạo quan trọng trong bộ máy chính trị của Việt Nam", ông London nhận xét thêm.
Học giả Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, một người quan sát tình hình chính trị Việt Nam, chia sẻ quan điểm của ông với VOA về việc ông Thưởng bị cho thôi chức chủ tịch nước : "Theo cách diễn đạt trong thông báo chính thức, việc ông Võ Văn Thương dính líu đến chiến dịch chống tham nhũng, có thể liên quan đến nhiệm kỳ bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 2011 đến năm 2014, đánh dấu một bước ngoặt đáng kể trong nền chính trị Việt Nam".
Mặc dù cương vị chủ tịch nước chủ yếu mang tính chất nghi lễ nhưng sự ra đi của ông Thưởng "là một cú sốc nặng nề", ông Giang nhận xét. "Đáng chú ý, việc hai chủ tịch nước từ chức trong vòng chưa đầy hai năm làm dấy lên mối lo ngại về sự ổn định chính trị ở một quốc gia thường được khen ngợi về sự ổn định".
Mặc dù sự ra đi của ông Thưởng có thể không làm gián đoạn cách tiếp cận hoạt động kinh doanh thông thường của đất nước, nhưng nó có thể sẽ làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Giang nói. Nó cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề trong bộ máy quan liêu vốn đã lan tràn ở Việt Nam kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng.
Hồi tháng 1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Thưởng, phải ra đi khi chưa tròn nửa nhiệm kỳ, được giới quan sát xem là ‘việc vô tiền khoáng hậu’ trong lịch sử Việt Nam, có tác động vô cùng lớn đối với tâm lý đảng viên và người dân.
Giới quan sát trong và ngoài nước đánh giá rằng cách thức chính quyền Việt Nam đưa tin về vụ việc ông Thưởng, một vị nguyên thủ quốc gia, nộp đơn từ chức gây hoang mang, bức xúc trong dư luận suốt hơn một tuần lễ qua và sẽ tiếp tục là đề tài nóng giữa lúc chiến dịch bài trừ tham nhũng của Hà Nội hay còn gọi là chiến dịch "đốt lò" vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Từ thủ đô Washington của Mỹ, luật sư Đặng Đình Mạnh nói với VOA rằng cách đảng xử lý câu chuyện liên quan đến ông Thưởng cho thấy sự chậm trễ của chính quyền trong việc cung cấp thông tin kịp thời và đầu đủ cho người dân và việc quyền được giám sát của công dân bị đảng siết chặt.
"Dân hầu như không được thông tin gì một cách chính xác, đầy đủ và kịp thời. Từ ngày 14/3 đã lộ các tin tức Võ Văn Thưởng từ chức chủ tịch nước. Điều này râm ran trong người dân cho đến ngày 20/3 thì truyền thông chính thức trong nước mới xác nhận việc này", ông Mạnh dẫn chứng. "Ngay khi truyền thông trong nước đưa tin thì thông tin đó vẫn chưa đầy đủ... chỉ nói là ‘vi phạm những điều đảng viên không được làm’, rồi ‘trách nhiệm người đứng đầu’, ‘ảnh hưởng đến uy tín của Đảng’... Nhưng thực chất dân không biết ông ấy đã làm gì sai ?"
Luật sư Mạnh đặt vấn đề rằng việc miễn nhiệm ghế chủ tịch nước và buộc ông Thưởng ra khỏi Bộ Chính trị là hình thức kỷ luật hay là một cách để thay thế cho việc kỷ luật mà nếu là thường dân thì đã phải bị cáo cuộc hình sự ? Ngoài ra, ông cũng cho rằng quyền can dự của người dân vào những việc hệ trọng của đất nước đã bị đánh mất. "Người dân là người được biết sau cùng", ông nhấn mạnh.
Giới quan sát chỉ ra rằng ngay cả chuyến công du của hoàng gia Hà Lan đến Việt Nam bị hoãn vì "tình hình trong nước" cũng là do quốc gia phương Tây này thông báo hôm 14/3, trong khi đó, chính quyền Việt Nam không thông tin cho người dân trong nước.
"Đó là điều đáng tiếc cho mối quan hệ song phương của Việt Nam và Hà Lan, vì đó là chuyến thăm được kỳ vọng có ý nghĩa tiêu biểu cho mối quan hệ của hai quốc gia. Tiếc là những sự cố ở chính trường Việt Nam đã tạm thời ảnh hưởng chưa tốt đến quan hệ hai nước", ông London bình luận.
Luật sư Lê Quốc Quân ở Mỹ nhận thấy rằng qua việc Quốc hội họp phiên bất thường hôm 21/3 để miễn nhiệm ông Thưởng cho thấy vai trò của Quốc hội - cơ quan đại diện của người dân - đã bị đảng tiếm quyền.
Ông Quân phân tích : "Cũng cái quốc hội đó, chưa đầy một năm trước, 99% giơ tay đồng ý phê duyệt một quyết định cho ông lên làm chủ tịch nước, lần này, cũng quốc hội đó với 87% miễn nhiệm con người đó với ‘những vi phạm’. Tôi cho rằng trong chuyện này đảng đã giật dây, chỉ đạo và làm điều đó rất rất thô. Quốc hội là đại diện của dân mà mới năm trước, năm sau quay quắt lại một cách thô thiển !".
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, chỉ ra rằng việc thay đổi thể chế ở Việt Nam mới là vấn đề cốt lõi.
"Việc cần phải làm không chỉ là phải thay đổi người, mà phải thay đổi cách quản lý nhà nước cho phù hợp... thể chế của Việt Nam sẽ phải như thế nào, vì việc này phát sinh từ trong cơ chế ra thì phải chữa bệnh.."..
Tạp chí TIME của Mỹ hôm 22/3 viết rằng sự bất ổn trong giới lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam "đang đặt ra những nghi vấn về sự ổn định chính trị của Việt Nam khi nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của nước này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới".
Trang này dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc thay đổi lãnh đạo từ hệ quả của chiến dịch chống tham nhũng cũng đồng thời xuất phát từ sự cạnh tranh quyền lực trong nội bộ đảng.
Nguồn : VOA, 23/03/2024
**************************
Chủ tịch nước kế nhiệm ông Võ Văn Thưởng sẽ là ai ?
BBC, 23/03/2024
Sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thôi chức chỉ sau hơn một năm cho thấy chuyển biến khó lường của chính trị Việt Nam, có thể làm giảm uy tín Đảng cộng sản và khiến bộ máy quan liêu cồng kềnh ngày càng trở nên trì trệ, theo các chuyên gia.
Hàng trên : bà Trương Thị Mai, ông Vương Đình Huệ. Hàng dưới : ông Phan Văn Giang, ông Tô Lâm.
Giới phân tích cho rằng khả năng cao là sẽ không có thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao hay mức độ hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bất ổn chính trị tại Việt Nam vẫn khiến họ lo ngại, sau khi đã đầu tư hàng tỷ đô la.
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, đánh giá với BBC News tiếng Việt ngày 21/3 rằng việc ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm một lần nữa cho thấy sự không hiệu quả của công tác xây dựng đảng qua ba nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hiện nay, dù đã bổ nhiệm Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng cộng sản Việt Nam được cho là sẽ ưu tiên việc bầu một chủ tịch nước mới trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2024.
Cũng không loại trừ khả năng Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức họp bất thường về nhân sự thêm một lần nữa.
Theo Quy định 214-QĐ/TW, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chưa bao giờ là ủy viên Bộ Chính trị.
Do đó, dù giữ quyền chủ tịch nước đã hai lần, bà Xuân sẽ không trở thành chủ tịch nước, trừ trường hợp được tạo ngoại lệ, nhưng khả năng bà Ánh Xuân chính thức ngồi ghế nóng được đánh giá là thấp.
Vậy ai sẽ kế nhiệm chức vụ chủ tịch nước ?
‘Chiếc ghế xui xẻo’
Có năm người đạt tiêu chuẩn theo quy định nói trên : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai.
Trong trường hợp áp dụng cho người mới có một nhiệm kỳ Bộ Chính trị thì Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang được coi là ứng viên sáng giá.
Một người nữa cũng được đề cập, đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
Xét ở nhóm đủ tiêu chuẩn, không có nhiều ý kiến đánh giá khả năng kế nhiệm vị trí chủ tịch nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính hoặc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nếu ông Chính trở thành chủ tịch nước, vị trí thủ tướng sẽ trống và sẽ cần có thêm những sắp xếp phức tạp nữa. Giới phân tích cho rằng khả năng này là không có.
Ông Trọng thì đã lớn tuổi và sức khỏe yếu, khó kiêm nhiệm thêm một lần nữa, như ông đã từng làm sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018 , theo giới quan sát.
Do đó, các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch nước được cho là Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai.
Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng hiện có sự ái ngại nhất định đối với việc kế nhiệm chức vụ chủ tịch nước : một chiếc ghế không nhiều quyền lực, nằm trong vùng kiểm soát của ông Trọng, lại liên tục gặp rắc rối trong ba đời chủ tịch nước liên tiếp gần đây.
Ngày 6/3/2023, trong cuộc phỏng vấn với BBC News tiếng Việt, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War (Mỹ) từng đánh giá rằng chức vụ chủ tịch nước ở Việt Nam "phần lớn mang tính chất nghi thức, được xem là yếu nhất trong 'Tứ Trụ', với văn phòng và nhân sự tương đối nhỏ".
Việt Nam đang ở trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng, hay "đốt lò", của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày một mở rộng.
Người tiền nhiệm của ông Thưởng, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đã trở thành "củi" trong chiến dịch này khi bị phê bình và phải từ nhiệm.
Đến lượt mình, chính ông Võ Văn Thưởng cũng đã phải rời cương vị, sau khi bị Trung ương Đảng phê bình công khai với ngôn từ thậm chí còn nặng nề hơn ông Phúc.
Trước đó, ông Trần Đại Quang đã qua đời khi đang làm chủ tịch nước vào năm 2018. Lúc bấy giờ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đảm nhiệm luôn vị trí mà ông Quang để lại.
Khi nói đến chức vụ chủ tịch nước của Việt Nam nhân vụ ông Võ Văn Thưởng từ chức, hãng tin Reuters đã gọi đây là "công việc bị dính lời nguyền", hay dịch thoáng hơn là "chiếc ghế xui xẻo".
Bộ trưởng Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Tô Lâm sinh năm 1957, quê ở tỉnh Hưng Yên, làm việc ở Bộ Công an từ năm 1979, hiện mang hàm đại tướng.
Sau các vị trí trong Tổng cục An ninh từ năm 1979 đến 2010, ông Tô Lâm trở thành thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam từ năm 2010 đến 2016.
Ông làm bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam từ tháng 4/2016.
Cùng năm này, ông Tô Lâm được bầu vào Bộ Chính trị và tiếp tục ở trong Bộ Chính trị tới bây giờ.
Khi được hỏi về khả năng kế nhiệm chức chủ tịch nước của ông Tô Lâm, giáo sư Carl Thayer đánh giá :
"Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã giữ chức bộ trưởng hai nhiệm kỳ và không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa".
"Ông ấy từng ứng cử chức chủ tịch nước khi ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức, nhưng ông Võ Văn Thưởng là người được bầu".
Từ đó, khả năng ông Tô Lâm "được phân công" được đánh giá là khá lớn.
Trong lý lịch của Đại tướng Tô Lâm, không thể bỏ qua một vụ ồn ào cách đây chưa lâu. Vào năm 2021, Bộ trưởng Tô Lâm từng tham gia một bữa tiệc thịt bò bít tết dát vàng tại nhà hàng của đầu bếp Salt Bae tại Anh và đã gây bão dư luận cả trong nước lẫn quốc tế.
Trong một cảnh quay được chính Salt Bae đưa lên mạng, sau đó đã xóa, người ta thấy cảnh đầu bếp nổi tiếng này cắt một miếng thịt bò dát vàng và đút cho Đại tướng Tô Lâm, người ngồi ở phía đối diện.
Khi đó, nhiều người đã chỉ trích việc ông Tô Lâm tham gia bữa tiệc xa hoa, trong bối cảnh đất nước còn nghèo và dịch Covid đang hoành hành.
Báo chí trong nước hoàn toàn im lặng về sự kiện này, dù trước đó đã rất nhanh nhạy trong việc đưa tin ông Nicolas Maduro, Tổng thống Venezuela, dùng bữa tại một nhà hàng xa xỉ khác cũng của đầu bếp Salt Bae.
Ông Tô Lâm, trong vai trò Bộ trưởng Công an, được đánh giá là người không khoan nhượng với những quan điểm, hành động khác biệt với đường lối chính thống của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nhiều nhà hoạt động chính trị, môi trường, nhà báo tự do… đã bị bắt dưới thời ông nắm lực lượng công an.
Một trường hợp đáng chú ý là ông Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng sau khi đăng video nhại lại động tác đầu bếp Salt Bae phục vụ món bò dát vàng đã bị "công an thăm hỏi".
Ngày 25/5/2023, một tòa án tại thành phố Đà Nẵng tuyên ông Bùi Tuấn Lâm 5 năm 6 tháng tù giam và 4 năm quản chế với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân và gây hoang mang trong nhân dân".
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai
Bà Trương Thị Mai (giữa) từng là một phương án nhân sự cho 'Tứ Trụ' tại Đại hội 13, theo các nhà quan sát chính trị
Sinh năm 1958, quê quán tỉnh Quảng Bình, bà Trương Thị Mai đi lên từ con đường đoàn hội.
Bà từng nắm giữ nhiều chức vụ, nổi bật nhất có thể kể tới là bí thư Trung ương Đoàn (1994-2002), ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (2007-2016), ủy viên Bộ Chính trị (2016-nay), trưởng Ban Tổ chức Trung ương (2021-nay) và thường trực Ban Bí thư (2023-nay).
Bà Mai là nữ thường trực Ban Bí thư đầu tiên của Việt Nam. Nếu bà được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch nước, bà sẽ trở thành nữ chủ tịch nước đầu tiên.
Theo Reuters, chức vụ thường trực Ban Bí thư của bà Mai có khả năng bị lung lay trong tình hình cải tổ bộ máy lãnh đạo.
Điều khiến bà Mai trở thành ứng viên sáng giá xuất phát từ chính điểm yếu của bà : bà không có nhiều quyền lực và có vẻ không quá tham vọng quyền lực.
Trong một bài viết đăng tải trên trang Fulcrum ngày 20/3/2024, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cấp cao và điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc viện ISEAS (Singapore), đánh giá rằng bà Mai có thể là ứng cử viên sáng giá trong mắt những người có ý định hoặc đang cạnh tranh chức tổng bí thư.
"Lý do là bởi bà Mai có quyền lực tương đối yếu, bà khó có thể tận dụng chức vụ chủ tịch nước để cạnh tranh vị trí đứng đầu Đảng (tức tổng bí thư) vào năm 2026".
Bà Mai sẽ 68 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2026, đồng nghĩa với việc bà sẽ quá tuổi để tái cử vào Bộ Chính trị.
Theo quy định, nhân sự Trung ương khi tái cử vào Bộ Chính trị không được quá 65 tuổi. Khi đó, nếu không được tạo ngoại lệ, bà Mai sẽ không còn cơ hội gia nhập "Tứ Trụ".
Bà Mai có vẻ là một lựa chọn an toàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Có nhiều đánh giá trái chiều về khả năng ông Vương Đình Huệ trở thành chủ tịch nước
Ứng cử viên đạt tiêu chuẩn còn lại là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê ở tỉnh Nghệ An, là giáo sư, tiến sĩ kinh tế.
Ông nhậm chức chủ tịch Quốc hội vào ngày 31/3/2021, nhiệm kỳ 2021-2026, thay cho người tiền nhiệm là bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trước đó, ông Huệ từng giữ các chức vụ cao cấp khác như bộ trưởng Bộ Tài chính (2011-2013), trưởng ban Kinh tế Trung ương (2012-2016), phó thủ tướng (2016-2020), bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021).
Ông được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng khóa 12. Ông cũng tiếp tục giữ hàm ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 từ năm 2021.
Nếu ông Vương Đình Huệ làm chủ tịch nước, ông sẽ được miễn nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc hội, gây ra chuyển biến trong giới lãnh đạo cấp cao.
Việt Nam sẽ cần tìm kiếm một nhân sự khác để lấp vào vị trí trống trong "Tứ Trụ", nhưng khác với trường hợp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc bầu chủ tịch Quốc hội mới không cấp bách bằng.
Tuy nhiên, theo bài viết nói trên của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, ông Vương Đình Huệ có vẻ "không mặn mà" với chức vụ chủ tịch nước.
Thay vào đó, ông từng được đánh giá là ứng viên sáng giá cho vị trí tổng bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng, nếu ông Trọng từ nhiệm trước năm 2026, theo nhận định của Giáo sư Zachary Abuza với BBC sau khi ông Võ Văn Thưởng nhậm chức Chủ tịch nước vào tháng 3/2023.
Nguồn : BBC, 23/03/2024
Chưa có vụ hạ bệ Chủ tịch nào ở xứ Đông Lào này lại nhanh đến thế, ê chề đến thế, bất chấp cả quan hệ ngoại giao với các nước có vai trò trọng yếu đối với Việt Nam như Vương quốc Hà Lan.
Mà Thưởng thì thân cô thế cô, lực lượng sân sau có, nhưng quá mỏng… không địch lại nổi các "sư tử rừng xanh".
Ngày 13/03/2024, Bộ Chính trị họp để phế truất ghế chủ tịch của Võ Văn Thưởng. Ngay lập tức, 14/03, Việt Nam thông báo hoãn chuyến thăm của Hoàng gia Hà Lan.
Ngày 20 và 21 vừa rồi, Trung ương họp, rồi Quốc hội họp, Thưởng bị phạt nặng đến mức không được nói câu cuối cùng trước các đồng chí "thân yêu" của mình, sau chừng ấy năm đồng lòng "cống hiến". Còn tệ hơn cả đối với một tử tù trước bản án. Năm ngoái, anh Bảy Phúc còn được nói câu cuối cùng để chối bai bải là "gia đình tôi, vợ con tôi không dính dáng đến Việt Á…". Đúng là một kiểu nói lấy đươc !
Ai cũng biết bác Trọng đã tiến cử đến 5 ứng viên để thế chỗ bác, nhưng kết quả là người nào cũng "đứt gánh giữa đường". Thưởng rõ ràng cũng là "tác phẩm" của bác Trọng ! Tính đến trước ngày 13/03 vừa rồi, Thưởng là ứng viên có nhiều tiềm năng nhất cho vị trí "Đảng trưởng" : Trẻ nhất và dính chàm được cho là ít nhất trong đám.
Khi Thưởng được vào Bộ Chính trị, một quan chức cao cấp của Việt Nam đã nói "Mịa, thằng này, tao đã định bắt nó từ năm 2013". Nhưng rồi các địch thủ rất kín võ, cứ để cho Thưởng lên "đoạn đầu đài", rồi đến lúc cần, sẽ "trảm". Thực ra, Thưởng chỉ có mỗi một ưu thế là người được bác Trọng tiến cử. Bác mà yếu là Thưởng "đứt phim". Mà Thưởng thì thân cô thế cô, lực lượng sân sau có, nhưng quá mỏng… không địch lại nổi các "sư tử rừng xanh".
Quy luật của "sư tử" dữ là nó rất chú tâm khi chọn con mồi. Nó bao giở cũng chọn con mồi yếu nhất để vồ. Con mồi đó là Thưởng. Thưởng hầu như nhận tội ngay lập tức mà không hề phản kháng. Và đương nhiên lần này, rút kinh nghiệm vụ "đồng chí X", nên ngay từ từ đầu, Thưởng đã bị "phong tỏa" ngay tắp lự để không có chuyện phản thùng.
Thực ra, Thưởng không đủ khả năng và lực lượng như "đồng chí X", người đã "ban ơn" cho các đồng chí trung ương cả quyền lẫn tiền để có thể "một phát" lật ngược kết quả của Bộ Chính trị…
Đám đối lập với Tổng bí thư Trọng, thật ra muốn phá hỏng hết tất cả các ứng viên của Trọng, thứ nhất, để còn có cơ cướp ghế, thứ hai, còn đổ trách nhiệm cho Tổng bí thư, với tư cách Trưởng ban nhân sự.
Từ phía ngược lại, bác Trọng cũng tương kế, tựu kế, lại đổ vấy trách nhiệm cho đám phá đám mà rằng, tôi đề cử ai các đồng chí đều ‘cho đi tàu suốt’, vậy tôi phải ở lại. Trọng quyết định đại hội vào 2026 và còn tuyên bố sẽ thay đổi cả điều lệ, có thể để tiếp tục nắm quyền.
Tại sao lại "bức tử" Thưởng vào lúc này, trong khi "đại hý kịch" mãi tận tháng 1/2026 mới mở màn ?
Các bác nên hiểu rằng, 2024 là năm quyết định, năm bản lề, 2025 chỉ để diễn tuồng, còn tháng 1/2026 mới làm lễ đăng quang.
Trên lý thuyết là như vậy, trên thực tế có thể xê dịch đôi chút.
Đánh Thưởng có thể là cú đánh "vỗ mặt" bác Trọng và đánh vào tất cả những ai nấp bóng bác Trọng. Ai đánh Thưởng ? Ai chả biết Tô Lâm là bộ trưởng Bộ Công an, một bộ siêu quyền lực, nắm trong tay hồ sơ có đến cả hàng trăm đồng chí, từ trung ương xuống địa phương. Tuy nhiên người ta cũng không loại trừ khả năng việc đánh Thưởng vẫn chỉ nằm trong "tương kế, tựu kế".
Bây giờ sau khi "kết thúc" Thưởng thì có thể lại bắt đầu một cuộc "chinh phạt" khác. Chúng ta sẽ được mục kích nhiều màn "giật gân" tiếp. Mấy hôm nay đã bắt đầu rộ lên các thông tin về Hương Tràm, tức là "chớm vào" hồ sơ của Vương Chủ tịch. Nhiều người cứ hỏi tại sao mạng xã hội toàn tung tin rất chính xác và đúng thời điểm. Mạng xã hội trong trường hợp này là "cánh tay nối dài" của mạng chính thống đấy.
Thưởng bị đánh vì những tội nhỏ gấp hàng trăm lần tội của những kẻ đánh Thưởng. Như vây, từ nay có thể liệt kê Thưởng vào danh sách "dân oan" ?
Việc đánh Thưởng thể hiện sự lục đục cao độ của thể chế toàn trị ở Việt Nam, nó thể hiện sự thối nát cùng cực của thượng tầng kiến trúc, nó đe dọa sự sống còn của chế độ và nó biểu hiện "nhân tính cao cả" của các đồng chí với nhau, "miệng nam mô, bụng một bồ dao găm".
Hoàng Việt
(23/03/2024)
Tin tức báo chí rầm rộ đưa sự kiện ông chủ tịch Võ Văn Thưởng rời ghế về làm dân thường, nhưng dường như không có nhiều nuối tiếc trong công luận. Ông Thưởng không còn được làm quan nữa, vì bởi bị phát hiện những sai phạm dính líu đến hối lộ và tham nhũng thời còn nắm quyền ở Quảng Ngãi, tương tự như những kẻ vô lại khác, đã và đang bị vạch trần trong chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tháng 2/2024, những người quan tâm đến các vụ án oan ở Việt Nam đều chưng hửng khi nghe tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký quyết định ân giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án có đơn gửi xin. Lẽ nào núi đơn chồng chất suốt hơn một thập niên của các gia đình như Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đã gửi sai địa chỉ, sai con người ? Gia đình các tử tù Lê Văn Mạnh và Nguyễn Văn Chưởng kêu oan cho con ở Hà Nội năm 2023.
Hầu như người dân đón nhận tin tức này, nổi bật trên các mạng xã hội chỉ có những lời giễu cợt, hoặc chào tạm biệt mà không hề luyến tiếc. Nó phần nhiều khác biệt với lúc tin ông nhậm chức Chủ tịch nước, dù trong bối cảnh bất thường là thế chỗ cho Chủ tịch tiền nhiệm, cũng bị buộc từ chức, vẫn có đôi lời kỳ vọng về một người miền Nam trẻ, có ít nhiều khác biệt với các quan chức cùng thời.
Một năm để đánh giá con người chắc là cũng đủ. Sự thờ ơ của người dân về tin tức vị Chủ tịch nước 53 tuổi, chỉ mới ngồi vào ghế một năm rồi phải ra đi, nó cũng cho thấy những ngày tháng cầm quyền ngắn ngủi của ông không đem lại điều gì để cho người dân thương mến. Thậm chí là ngược lại.
Năm 2017, khi còn làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng đã từng làm xã hội xôn xao với tuyên bố "không sợ đối thoại, không sợ tranh luận". Tưởng chừng như cánh cửa đón nhận các ý kiến khác biệt đã mở rộng, sau khi luật an ninh mạng - luật không chấp nhận ý kiến khác biệt ra đời. Vậy mà, đó chỉ là lời tuyên bố vui miệng của Thưởng.
Năm 2024, ông Đỗ Minh Hiền ở Hà Nội, một người viết lý luận triết học riêng, khác biệt với triết học Marx Lenin, bị 6 năm tù. Không ai biết ông ta viết gì, lập luận ra sao, vì bởi ông ta chưa bao giờ có dịp được đối thoại, hay tranh luận để nhận biết mình sai hay đúng trong giấc mơ mà ông Thưởng vẽ ra.
Đỉnh cao không "đối thoại" của ông Thưởng, là vào tháng 9/2023, lúc án tử của Lê Văn Mạnh. Vào lúc có quyền lực nhất trong đời mình, và có thể làm thay đổi có tính bước ngoặt của một vụ án oan đã kêu gào suốt 20 năm, ông Thưởng đã chọn bịt tai, không đối thoại với người mẹ già khốn khổ vác đơn quỳ trước cửa, xin ông nhìn vào một lần những điều kết tội quái lạ của bản án. Một ngày trước án tử hình, là giai đoạn nặng nề của của cả xã hội nhìn, đợi vị Chủ tịch trẻ, hy vọng được nghe "đối thoại", hy vọng được nghe "tranh luận" về sự thật. Nhưng rồi tất cả đều chìm trong nụ cười vô tâm của ông ta trên các trang tin nhà nước.
Năm 2020, tại đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam, với tư cách là Trưởng ban tuyên giáo lúc đó, ông Võ Văn Thưởng kêu gọi phải tạo nên những nhà triết học Việt Nam. Ông Thưởng ca ngợi sự vĩ đại của triết học Hy Lạp, La Mã… và nói Việt Nam cần có những nhà triết học tầm cỡ. Dường như ông quên mất, Việt Nam cũng đã có triết gia hàng đầu được cả thế giới biết đến như Trần Đức Thảo, đã chết trong im lặng.
Nhưng có lẽ phạm trù triết học của ông Thưởng hoàn toàn khác với thế giới, khi nhấn mạnh "Hội triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước". Tức triết học của ông Thưởng không dùng để nghiên cứu về các sự vật và hiện tượng của tự nhiên và xã hội, mà chỉ nhằm để tiêu diệt các lý thuyết khác.
Năm 2023 là năm cả nước kêu gào các vụ án oan cần được xét lại như của Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Cách làm ngơ dẫn đến việc xử tử đột ngột với Nguyễn Văn Mạnh, đã làm những người có lương tri ở Việt Nam đều xót xa, và lại liên tục gọi tên ông Thưởng với niềm tin phập phồng.
Tháng 2/2024, những người quan tâm đến các vụ án oan ở Việt Nam đều chưng hửng khi nghe tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký quyết định ân giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án có đơn gửi xin. Lẽ nào núi đơn chồng chất suốt hơn một thập niên của các gia đình như Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đã gửi sai địa chỉ, sai con người ?
Nhưng những chuyện đó giờ cũng đã qua. Vị Chủ tịch nước quyền thế đã bước xuống. Người đàn ông Võ Văn Thưởng đã trao trả mọi thứ và về nhà. Nói theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi thôi chức vụ, là thôi hết mọi thứ để "về làm người tử tế". Nhưng về sau, khi sóng gió chính trường đi qua, ngồi ngẫm lại, ông Thưởng có tự đếm xem mình đã là người tử tế được bao nhiêu lần ?
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 21/03/2024
"...Đảng, nhà nước ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị…".
"Nhà nước xã hội chủ nghĩa" chủ động dựng lên Chủ tịch hà nước và chỉ trong vòng một năm "nhất trí" thay hai cá nhân đảm nhận trọng trách ấy.
Phần 1
Một ngày sau khi Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 "nhất trí" cho ông Võ Văn Thưởng "xin thôi" các chức vụ trong đảng (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng), trong hệ thống công quyền (Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh)[1], Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tập hợp bất thường để bỏ phiếu miễn nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước và Đại biểu quốc hội khóa 15 của ông Thưởng[2].
Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chính thức xác nhận, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng phát giác ông Thưởng "vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của đảng và pháp luật của nhà nước", đồng thời xác định "những vi phạm, khuyết điểm" của ông Thưởng "gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước và cá nhân" song thay vì xử lý ông Thưởng theo qui định của đảng, truy cứu trách nhiệm của ông theo pháp luật nhà nước thì Ban chấp hành trung ương đảng lại khuyến khích ông Thưởng gửi "đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác" để cùng gật đầu, bất kể hành xử kiểu đó chẳng khác gì phủ nhận "nhà nước xã hội chủ nghĩa" vốn luôn đề cao "sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật", thực thi "pháp chế xã hội chủ nghĩa", xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm tạo ra một "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" !
"Nhà nước xã hội chủ nghĩa" thường xuyên khẳng định "của dân, do dân, vì dân", tạo lập – duy trì "dân chủ xã hội chủ nghĩa" để bảo đảm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhưng tự lựa chọn, tự sắp đặt Chủ tịch nước và khi cần tự tổ chức các vở diễn để loại bỏ. "Nhà nước xã hội chủ nghĩa" chủ động dựng lên Chủ tịch nước và chỉ trong vòng một năm "nhất trí" thay hai cá nhân đảm nhận trọng trách mà về lý thuyết phải do dân cử này nhưng chỉ thông báo gọn lỏn là các đương sự có "vi phạm, khuyết điểm" !
Cách nay một năm, khi nhiều người thắc mắc, phán đoán về việc loại bỏ ông Phúc và sắp đặt ông Thưởng làm Chủ tịch nước, hệ thống truyền thông phục vụ "nhà nước xã hội chủ nghĩa" cao giọng khẳng định, những thắc mắc, phán đoán vốn vừa là quyền hiến định, vừa được thiên hạ khẳng định là nhân quyền ấy là... "lưu manh chính trị" ! Hãy thử tham khảo một trong những lập luận nhằm quy chụp, biến tự do biểu đạt thành "lưu manh chính trị" của các cơ quan truyền thông phục vụ "nhà nước xã hội chủ nghĩa" [3] :
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình. Lợi dụng sự kiện này, các "nhà bình luận", "nhà dân chủ", "nhà báo tự do" đã ra sức xuyên tạc thông tin nhằm chống phá đảng, nhà nước... Trong những thông tin, bài viết được đưa ra, các đối tượng xấu tiếp tục giở thói "lưu manh chính trị". Chúng bàn tán, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, đời tư của lãnh đạo đảng, nhà nước nói chung và ông Võ Văn Thưởng nói riêng. Chúng ra sức chọc ngoáy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đảng, nhà nước ta và lồng ghép những quan điểm sai trái, thù địch, sai lệch bản chất sự việc. Chúng vu khống cho rằng nội bộ đảng, nhà nước ta lục đục, không đoàn kết, "đấu đá, tranh giành quyền lực"… Suy cho cùng, việc tung ra những luận điệu sai trái, độc hại này cũng không ngoài mục đích gây nhiễu dư luận, kích động sự hoài nghi trong xã hội, t ạo cớ để chống phá đất nước.
Đảng, nhà nước ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược được đảng ta thực hiện một cách vô cùng thận trọng, đánh giá kỹ và cân nhắc nhiều chiều. Nguyên tắc trong việc thực hiện công tác cán bộ là kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên ; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc ; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển ; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta chứng kiến công tác cán bộ được thực hiện quyết liệt, bài bản như thời gian vừa qua. Theo đúng tinh thần "có lên, có xuống", "có vào, có ra", khi cán bộ có sai phạm đều bị xử lý nghiêm theo đúng quy định. Không chỉ dừng lại ở việc xử lý trách nhiệm cá nhân, trực tiếp, chúng ta còn xử lý cả trách nhiệm liên đới. Ngược lại, với những cán bộ có năng lực, trình độ, đạo đức, uy tín, có tinh thần trách nhiệm, có thành tích nổi tr ội, có triển vọng phát triển thì đều được tạo điều kiện để bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách và cất nhắc vào các vị trí phù hợp theo đúng quy định. Việc ông Võ Văn Thưởng được bầu giữ chức Chủ tịch nước khi tuổi đời còn rất trẻ là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Liên quan đến việc Quốc hội khóa 15bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức vụ Chủ tịch nước, đây là sự lựa chọn hết sức khách quan. Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đề ra giải pháp : "Nói chung, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới ; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhân sự không trúng cử cấp ủy cấp dưới thì không giới thiệu để bầu cấp ủy cấp trên". Đối chiếu với quy định này, ông Võ Văn Thưởng hoàn toàn phù hợp... Bản thân ông Võ Văn Thưởng là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những luận điệu xuyên tạc thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đang được các "nhà dân chủ" đưa ra là hoàn toàn phi lý, vô căn cứ, không thể chấp nhận.
Việc ông Võ Văn Thưởng được bầu giữ chức Chủ tịch nước cũng đánh dấu việc chuyển giao thế hệ trong cơ cấu quyền lực đất nước. Đây không phải là điều bất ngờ, bởi ngay tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành trung ương khóa XII đã chỉ rõ : "Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau". Từ việc nhìn thẳng vào thực tiễn, đảng ta đã đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tế, các "nhà dân chủ" đều là những kẻ "lưu manh chính trị", có những chiếc "lưỡi không xương" nên đã "trăm đường lắt léo". Khi đảng ta bầu cán bộ có kinh nghiệm dày dạn, có tuổi đời lớn giữ chức vụ lãnh đạo thì chúng vu cáo là "tham quyền cố vị". Ngược lại, khi chúng ta lựa chọn cán bộ trẻ thì chúng lại rêu rao là "không đủ sức lãnh đạo đất nước", "thăng tiến thần tốc", "chỉ ngồi cho đủ ghế chứ không có quyền hành trên thực tế". Đúng là không thể chấp nhận !
***
Đem lập luận vừa trích dẫn đặt bên cạnh quyết định mới nhất của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13, sau đó là quyết định của Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng nói riêng và hàng loạt "cán bộ cấp chiến lược" như : Trần Văn Nam (Bí thư Bình Dương), Chu Ngọc Anh (Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Hà Nội), Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế), Phạm Xuân Thăng (Bí thư Hải Dương), Nguyễn Thành Phong (Phó Ban Kinh tế Ban chấp hành trung ương đảng), Bùi Nhật Quang (Chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam), Huỳnh Tấn Việt (Bí thư Khối các cơ quan trung ương), Bùi Thanh Sơn (Ngoại trưởng), Phạm Bình Minh (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực), Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng), Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước), Nguyễn Phú Cường (Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Điểu K’Ré (Phó Bí thư Thường trực Đắk Nông), Lê Đức Thọ (Bí thư Bến Tre), Phan Việt Cường (Bí thưkiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Quảng Nam), Trần Đức Quận (Bí thư kiêmChủ tịch Hội đồng nhân dân Lâm Đồng), Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Ban chấp hành trung ương đảng), Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư kiêmChủ tịch Hội đồng nhân dân VĩnhPhúc) và sắp tới là Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội)... sẽ thấy cộng sản nói khác xa với cộng sản làm và ngoài "lưu manh chính trị" còn cách nào khác để diễn đạt sự trâng tráo bất chấp khác biệt ấy ?
Phần 2
Một tháng sau khi tuyên bố ông Nguyễn Phú Trọng là... "tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo" (tháng 3/2023), ông Thưởng được sắp xếp để đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Phú Trọng. Photo : Bao Chinh phu.
Từng là Bí thư Quận 12 thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bí thư Quảng Ngãi, Phó Bí thư Thường trực Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam... việc lựa chọn, sắp đặt ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ca ngợi là dấu chỉ khởi đầu tiến trình "chuyển giao thế hệ trong cơ cấu quyền lực đất nước" (từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau), là kết quả của việc "nhìn thẳng vào thực tiễn", qua đó "đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" (4).
Tháng 7/2019, tại "Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương", nhân vật dẫn đầu tiến trình "chuyển giao thế hệ trong cơ cấu quyền lực đất nước" tuyên bố, đại ý :Internet là xa lộ, cho dùng bao nhiêu làn là quyền của đảng, thành ra không cần lo lắng về chuyện tự do Internet sẽ ảnh hưởng tới nhân quyền hay tự do ngôn luận[5]. Vào thời điểm đó, ông Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương đảng không giấu diếm hận thù với đám đông dám góp ý về... "băng rôn sai chính tả, băng rôn sai ngày tháng năm", khẳng định đó là "đả phá và tấn công vào đội ngũ của chúng ta". Ông Thưởng cũng là người đầu tiên, công khai xếp cán bộ, đảng viên, kể cả cao cấp, nói khác với chủ trương, đường lối của đảng vào "nhóm thứ ba thuộc thế lực thù địch" và cảnh báo về việc đội ngũ giảng viên chính trị loan truyền các câu chuyện tiếu lâm chính trị là nguy hại nên yêu cầu chấn chỉnh ngay lập tức "công tác giáo dục chính trị, tư tưởng" để "xây dựng đội ngũ giáo viên lý luận chính trị đạt yêu cầu".
Đó cũng là lần đầu tiên ông Thưởng gây kinh ngạc khi ca ngợi : "Tổng bí thư hiện nay thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng. Tuy nhiên, đảng ta với tinh thần khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân mà đề cao vai trò tập thể của đảng cho nên đôi khi không tuyên truyền một cách đầy đủ làm cho chúng ta không thấy đủ, thấy hết hệ thống đầy đủ những thành tựu về mặt lý luận mà chúng ta đã đạt được". Bốn năm sau (tháng 2/2023), cũng "với tinh thần khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân", ông Thưởng - khi ấy đã là Thường trực Ban Bí thư - nhận định, Tổng bí thư là "hạt nhân lãnh đạo" đã "tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị với tinh thần tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", là "ngọn cờ lý luận của đảng", là người "chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn đảng" [6].
Một tháng sau khi tuyên bố ông Nguyễn Phú Trọng là... "tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo" (tháng 3/2023), ông Thưởng được sắp xếp để đảm nhận vai trò Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong khoảng ba năm vừa qua (tính từ 30/1/2021 – thời điểm Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 bắt đầu "nhiệm vụ chính trị") có 18 Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng đương nhiệm - những người nhất trí với ông Thưởng, xem ông Trọng (phụ trách Tiểu ban Nhân sự, lựa chọn thành viên cho Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13) là "tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo", hoặc bị "phê bình", hoặc bị "cảnh cáo", hoặc phải "xin thôi" thực hiện "nhiệm vụ chính trị", hoặc bị "cách chức, khai trừ khỏi đảng, bị truy tố". Ông Thưởng vừa trở thành... Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng thứ 19 và là Ủy viên Bộ Chính trị thứ tư có "vi phạm, khuyết điểm" tới mức phải xử lý và sắp có người thứ 20 (ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội)... "Học tập" và "noi theo" như thế quả là "cổ lai hy" !
***
Ở "Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương", ông Thưởng công khai bày tỏ sự bất bình khi xử lý cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với chủ trương, đường lối quá nhẹ nhàng. Lúc ấy, ông nhấn mạnh, chuyện một đảng viên, làm việc tại Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa hình ảnh một cựu lãnh đạo đảng, nhà nước lên Internet, tố giác nhân vật này tham nhũng, rồi phê phán cả Trưởng ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhưng chưa xử lý tới nơi, tới chốn là không thể chấp nhận được.
Đảng viên mà ông Thưởng nêu ra như dẫn chứng là Quách Duy – Chuyên viên tin học của Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Duy là một trong những người sử dụng mạng xã hội để bày tỏ sự yêu mến ông Nguyễn Phú Trọng, tin rằng công cuộc phòng – chống tham nhũng do ông Trọng dẫn dắt sẽ thành công tốt đẹp. Đó cũng là lý do lý do Quách Duy tìm kiếm thông tin, tố giác những cá nhân mà ông cho là đã hậu thuẫn Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") lũng đoạn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Trong số những cá nhân mà Quách Duy tố giác có ba nhân vật "tai to, mặt lớn". Nhân vật thứ nhất là ông Hoàng Trung Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội). Theo Quách Duy khi còn là Phó Thủ tướng, ông Hải đã ký Công văn số 80/TTg-KTN chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bán "khu đất vàng" số 139 Pasteur, phường 6, quận 3 cho Vũ "Nhôm" mà không tổ chức đấu giá, song chỉ mới có hai Thứ trưởng Công an là ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành bị xử lý [7].
Nhân vật thứ hai là ông Nguyễn Văn Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Ban chấp hành trung ương đảng khóa 12). Theo Quách Duy khi còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Bình chính là người hỗ trợ Vũ "Nhôm" thâu tóm 60 triệu cổ phần của Ngân hàng Đông Á. Tuy nhiên chỉ có ông Phan Hữu Tuấn (Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an) bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì gửi công văn số 2800/BCA-B11, ký ngày 20/8/2013 cho ông Bình. Dù là người phê duyệt, ông Bình vẫn bình an vô sự[8].
Riêng với ông Võ Văn Thưởng, Quách Duy khẳng định : Khi còn là Phó Bí thư Thường trực của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thưởng đã chỉ đạo giao "khu đất vàng" tại 130 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1 cho Vũ "Nhôm". Chỉ đạo của ông Thưởng được ghi nhận trên "giấy trắng mực đen" là Kết luận số 318-KL/TU ngày 14/7/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về chủ trương chọn nhà đầu tư mới khai thác "khu đất vàng" [9].
Kết quả của việc Quách Duy "kính đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền của đảng, nhà nước trong phòng - chống tham nhũng xem xét làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối vớicác ông HoàngTrung Hải, Nguyễn Văn Bình, Võ Văn Thưởng và xử lý nghiêm minh theo quy định của đảng, pháp luật của nhà nước" là ông bị "xử phạt hành chính" vì "bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo" [10]. Đáng lưu ý là bất kể một số nhân vật từng bị Quách Duy chỉ mặt, gọi tên như Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh), Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình... hoặc đã bị bắt (như ông Tuyến), hoặc đã bị xử lý kỷ luật (như ông Bình, ông Hải), ngay sau khi ông Thưởng phê phán việc để Quách Duy dùng mạng xã hội tố giác lãnh đạo, xem không xử lý tới nơi tới chốn là không thể chấp nhận được, Quách Duy bị khai trừ đảng, cho thôi việc, bị khởi tố và cuối cùng là bị phạt bốn năm, sáu tháng dù do "lợi dụng các quyền tự do, dân chủxâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" [11].
***
Tại sao nhà nước "của dân, do dân, vì dân", thường xuyên hứa hẹn, cam kết thực thi "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhưng lại giấu nhẹm "vi phạm, khuyết điểm" của ông Thưởng và các "cán bộ cấp chiến lược" ? Những "vi phạm, khuyết điểm" của ông Thưởng có liên quan đến tố cáo của Quách Duy không ? Nếu có thì giải quyết hậu quả của việc xử phạt hành chính, khai trừ đảng, cho thôi việc và bản án bốn năm, sáu tháng tù đối với Quách Duy thế nào ? Nếu không thì chẳng lẽ nhà nước xã hội chủ nghĩa vừa có quyền lựa chọn "vi phạm, khuyết điểm" của "cán bộ cấp chiến lược" để xử lý, vừa có quyền lựa chọn hình thức xử lý, bất kể pháp luật quy định thế nào, thích thì "xem xét", không thích thì thôi, khi nhà nước xã hội chủ nghĩa đã muốn thôi mà ai đó còn thắc mắc thì tự nhiên sẽ là "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ", đủ yếu tố để xử lý hình sự ? Chẳng lẽ đây là ưu điểm của "dân chủ xã hội chủ nghĩa", là đặc thù của "pháp chế xã hội chủ nghĩa", là sản phẩm do... "tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo" tạo ra ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/03/2024
Chú thích
[1] https://vnexpress.net/trung-uong-dong-y-ong-vo-van-thuong-thoi-chuc-chu-tich-nuoc-4722542.html
[3] https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/142340/luu-manh-chinh-tri
[4] https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/142340/luu-manh-chinh-tri
[7]https://www.facebook.com/qduyvn/posts/357754314941547
[8]https://www.facebook.com/qduyvn/posts/357754314941547
[9]https://www.facebook.com/qduyvn/posts/314226792627633
[11]https://www.sggp.org.vn/tuyen-phat-bi-cao-quach-duy-4-nam-6-thang-tu-725296.html
Ở một khía cạnh khác, điều đó cũng cho thấy, vai trò Chủ tịch nước thực ra… ai ngồi cũng được và không có cũng chẳng sao.
Cái ghế Chủ tịch nước hiện nay bị "mất giá" bởi quan chức cấp cao e ngại cái… "dớp" đen đủi. Ảnh minh họa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngồi chiếc ghế sắp gãy bên bờ hồ, khi đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 6 năm ngoái.
Ông Võ Văn Thưởng, người được coi như "thái tử điện hạ" khi trở thành Chủ tịch nước vào tháng 3/2023 với số phiếu gần tuyệt đối, đã lộ rõ sự thân cận với "bác Trọng" khiến...
Kịch bản ngoài dự tính của ông Nguyễn Phú Trọng
Giới chức Việt Nam thường tự tin và nhấn mạnh một trong những "ưu thế" mà quốc gia cộng sản này có là sự ổn định chính trị, vì Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất, tuyệt đối và chi phối mọi khía cạnh đời sống. Do đó, sẽ không phải lo chuyện biểu tình, đình công hay thay đổi nội các chính phủ chóng mặt như các quốc gia dân chủ khác.
Tuy nhiên, dưới bề mặt phẳng lặng của cái ao tù chính trị nhàm chán đó, những cơn sóng ngầm, lật đổ phía sau hậu trường, thanh trừng đấu đá không kém phần tàn khốc vẫn luôn diễn ra.
Ngày 20/3/2024 vừa qua, ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 tiến hành họp bất thường lần thứ 6 về công tác nhân sự cấp cao của đảng. Theo đó, ông Võ Văn Thưởng, ủy viên bộ chính trị, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy trung ương, bị "thôi chức", chỉ sau một 1 năm 18 ngày nắm quyền nguyên thủ. Truyền thông trong nước đưa tin với nội dung vắn tắt :
"…Vừa qua theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Võ Văn Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Như vậy, kể từ 2018, Việt Nam đã có 6 lần thay đổi nguyên thủ sau cái chết bất thường của ông Trần Đại Quang (tính cả hai lần bà Võ Thị Ánh Xuân giữ chức Quyền Chủ tịch). Ông Võ Văn Thưởng cũng là ủy viên Bộ chính trị thứ 4 "rớt đài" sau Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh trong vòng 1 năm.
Vị trí nguyên thủ của Việt Nam chưa bao giờ bất ổn như hiện nay. Điều này mang những ý nghĩa rất khác nhau. Có thể, công cuộc "đốt lò" quả thực không có "vùng cấm" như ông Nguyễn Phú Trọng cam kết. Nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy cuộc đấu đá nội bộ dưới danh nghĩa "đốt lò" ngày càng gay gắt và rất có thể đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của "chủ lò".
Sau khi Hậu "pháo" - chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn, bị khởi tố và bắt giam vào ngày 26 tháng 2 năm 2024, hàng loạt chủ tịch, bí thư đương chức, nguyên chủ tịch, nguyên bí thư của các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi được cho là có liên quan, đã bị bắt tạm giam… Chưa bao giờ việc bắt giữ các quan chức cấp cao lại dồn dập, trong một thời gian ngắn, đồng loạt như vậy. Nhưng điều đặc biệt là việc bắt tạm giam các quan chức này không thấy có ý kiến của Ủy ban kiểm tra trung ương, Ủy ban phòng chống tham nhũng hay Ban nội chính trước đó. Thường qui trình trước đây đối với các quan chức cấp cao sẽ phải có ý kiến của Ủy ban kiểm tra trung ương "Đồng chí XYZ có khuyết điểm, cần phải kỷ luật, khiển trách" trước khi cho thôi các chức vụ. Nhưng giờ đây, cơ quan điều tra Bộ công an và tòa án đang làm "trọn gói" từ A-Z. So sánh qui trình "xử lý vi phạm" hai Ủy viên Bộ chính trị là ông Võ Văn Thưởng và ông Trần Tuấn Anh, có thể thấy sự khác biệt.
Truyền thông trong nước không nói rõ ông Thưởng có liên quan gì đến những sai phạm của Hậu "pháo" và Tập đoàn Phúc Sơn. Cho dù những đồn đoán về khoản tiền lớn được Nguyễn Văn Hậu hối lộ thông qua cấp dưới của ông Thưởng là có căn cứ đi nữa, thì hãy lưu ý thời điểm diễn ra vụ việc này đã là từ hơn 11 năm trước. Võ Văn Thưởng khi đó vừa từ Đoàn Thanh niên về nhậm chức bí thư Quảng Ngãi. Nếu ông Thưởng có thể đóng vai trò nào đó trong vụ án này thì nhiều khả năng chỉ là vai trò phụ mà thôi. Một quan chức cấp cao mới "chân ướt, chân ráo" đến một địa bàn xa lạ, không ai dễ dàng vồ vập nhận những khoản hối lộ và nhắm mắt ký những chủ trương đầu tư lớn mà không biết rõ đâu là "quân xanh", đâu là "quân đỏ". Thông thường là phải có sự "gửi gắm" từ người tiền nhiệm hoặc những người cùng phe với mình ở cấp cao hơn.
Ông Võ Văn Thưởng là "hạt giống Đỏ", trưởng thành từ môi trường Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Được cho là người có nền tảng học vấn và phong cách rất tương đồng với ông Nguyễn Phú Trọng, cả hai đều xuất thân từ giới khoa bảng nghiên cứu chuyên sâu về lý luận, triết học Marx Lenin. Ông Thưởng là ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, trưởng ban tuyên giáo TW khi mới 46 tuổi và cũng là Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy trung ương trẻ tuổi nhất từ trước tới nay ở tuổi 52. Ông được coi là người được lựa chọn để kế vị cho ông Nguyễn Phú Trọng cho kỳ đại hội đảng lần thứ 14, vào năm 2026. Việc ông Thưởng đột ngột bị tước bỏ mọi chức vụ, cùng với 3 ủy viên Bộ chính trị "ngã ngựa" trước đó trong thời gian ngắn, là chỉ dấu rõ ràng về một cuộc khủng hoảng nhân sự cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam.
Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì chính ông là người ủng hộ ông Võ Văn Thưởng từ trước tới nay, cũng đồng thời là Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội đảng khóa 12, 13. Việc ông Thưởng bị buộc "thôi chức" báo hiệu quyền lực thực sự của "người đốt lò vĩ đại" đã suy giảm đáng kể.
"Đốt lò" hay đảo chính ?
Sau khi ông Thưởng bị buộc "thôi chức" hôm 20 tháng Ba, nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng ông Tô Lâm sẽ ngồi ghế Chủ tịch nước.
Trên thực tế, Chủ tịch nước dù chỉ được coi là chức danh biểu tượng không có thực quyền trong hệ thống quyền lực của nhà nước Việt Nam, nhưng đó vẫn là một ghế trong "Tứ Trụ" với những đặc quyền lớn hơn bất cứ các ủy viên trung ương khác. Cái ghế Chủ tịch nước hay Chủ tịch quốc hội thường là bước đệm tốt cho những cá nhân có tham vọng tiến lên ngôi "cửu ngũ chí tôn" Tổng bí thư hay vị trí béo bở Thủ tướng.
Đối với ông Tô Lâm, việc ông ngồi ghế "tứ trụ" cũng đảm bảo cho ông trở thành một "trường hợp đặc biệt" khác sau ông Trọng, khi vừa là Chủ tịch nước vừa nắm trong tay thực quyền Bộ Công an trong trường hợp tướng Lương Tam Quang hay tướng Nguyễn Duy Ngọc – đều là "đệ tử", đồng hương Hưng Yên của ông - nắm chức vụ Bộ trưởng. Theo qui định của Đảng cộng sản Việt Nam thì người giữ chức Chủ tịch nước phải có ít nhất một nhiệm kỳ trọn vẹn là ủy viên Bộ chính trị. Với qui định đó thì người có thể tiếp nhận cái ghế ông Thưởng để lại, chỉ có thể là một trong bốn người : Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang ; Bộ trưởng Công an Tô Lâm : Chánh án tòa án tối cao Nguyễn Hòa Bình và bà Trương Thị Mai – Trưởng ban tổ chức trung ương. Nhưng nổi bật, quyền lực và tham vọng nhất chỉ có ông Tô Lâm.
Tuy vậy, nhiều nguồn tin nội bộ cho biết, đến phút 89, ông Tô Lâm dứt khoát không rời ghế Bộ trưởng bộ Công an theo sắp xếp của Bộ chính trị - cơ quan quyền lực tối cao của Đảng cộng sản Việt Nam. Cả ba trường hợp còn lại đều không mặn mà gì với vị trí Chủ tịch nước. Điều này khiến cho ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ chính trị rơi vào thế lưỡng nan. Cuối cùng, thế "tứ trụ" tạm thời được lập lại bằng việc đưa bà Võ Thị Ánh Xuân một lần nữa nắm Quyền Chủ tịch nước.
Công tác nhân sự cấp cao của Đảng CSVN thực sự có vấn đề. Không những liên tục 4 trong số 18 ủy viên Bộ chính trị bị "ngã ngựa" trong vòng 1 năm mà ngay cả việc tìm nhân sự thay thế cũng rất khó khan.
Ở một khía cạnh khác, điều đó cũng cho thấy, vai trò Chủ tịch nước thực ra… ai ngồi cũng được và không có cũng chẳng sao. Còn Bộ trưởng Công an bây giờ thích ngồi đâu… không còn do Bộ chính trị quyết định.
Nhiều ý kiến cho rằng cái ghế Chủ tịch nước hiện nay bị "mất giá" bởi quan chức cấp cao e ngại cái… "dớp" đen đủi. Mặc dù là theo chủ nghĩa Marx Lenin vô thần, nhưng giới chức Việt Nam rất mê tín. Một vị trí mà thay ngôi đổi chủ tới 6, 7 lần trong vòng hơn 5 năm, với 2 trường hợp bị buộc "thôi chức", một trường hợp chết vì "bệnh lạ" và một trường hợp bị đột quị chỉ sau 6 tháng nhậm chức thì quả thực là… bất thường.
Quan niệm có phần mê tín trên có lẽ không có tác động gì tới sự lựa chọn của ông Tô Lâm. Điều khiến ông ta phải lo ngại là trong trường hợp rời Bộ Công an và làm Chủ tịch nước thì rất có thể Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc – người xuất thân từ ngành an ninh, có kinh nghiệm phong phú và dày dạn về cả mặt tổ chức Đảng, an ninh và phòng chống tham nhũng – sẽ nắm giữ chức Bộ trưởng Công an. Ông Trạc được đánh giá là người thâm trầm, cơ mưu, có trình độ và đặc biệt nhận được sự ủng hộ của ông Nguyễn Phú Trọng. Một khi ông Trạc nắm Bộ Công an, ảnh hưởng của ông Tô Lâm sẽ nhanh chóng mờ nhạt và rất có thể một kết cục giống như 4 vị Chủ tịch tiền nhiệm trước đây. Đó là lý do tại sao tướng Tô Lâm sẽ không thể buông ghế bộ trưởng cho đến kỳ đại hội 14.
Câu hỏi đặt ra là tại sao tướng Tô Lâm lại chọn thời điểm này để tấn công ông Võ Văn Thưởng và mục đích thực sự của ông Lâm là gì ?
Từ trước tới nay, tướng Tô Lâm là thanh kiếm sắc trong tay ông Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc "đốt lò". Ông ta có lẽ, hoàn toàn tin rằng mình là ứng viên số 1 để kế nhiệm ngôi vị Tổng bí thư. Thế nhưng, điều này đã thay đổi kể từ sự cố "bò dát vàng" năm 2021. Khi hình ảnh "thánh rắc muối" Salt Bae đích thân phục vụ và đút vào miệng tướng Tô Lâm miếng thịt bò dát vàng tràn ngập trên báo chí nước ngoài,ông Trọng đã nóng mặt lẩy câu Kiều"Ngẫm mình phương diện quốc gia. Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào". Rõ ràng với scandal để đời, ông Lâm đã tự để mất điểm trước ông Trọng.
Qui định 214 QĐ/TW về"Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý" ban hành năm 2020 có tiêu chuẩn chung :
Về đạo đức, lối sống : Mẫu mực về phẩm chất đạo đức ; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung ; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc ; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt.
Về năng lực uy tín :… Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao.
Đối với vị trí Tổng bí thư :… Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân ; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại…
Ông Tô Lâm là người có nhiều kẻ thù và nhân scandal "bò dát vàng", không ít ý kiến "lời ra tiếng vào". Bộ trưởng Công an đã coi đây là một thách thức chính trị tới vị trí của mình. Việc ông ta lập "đại công" phanh phui 2 đại án "Chuyến Bay giải cứu" và "Kit test Việt Á" khiến hàng loạt Ủy viên Bộ chính trị, ủy viên trung ương, bí thư, chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng mất chức, vô hình chung đã khẳng định quyền uy tuyệt đối trên sân khấu chính trị Việt Nam. Điều này, chắc chắn ông Trọng không thể không nhìn ra. Bộ Công an liên tục mở rộng qui mô, quân số, ngân sách, chế độ đặc quyền và tự áp đặt các chính sách thay đổi giấy tờ, đăng kiểm, mức phạt hành chính, thổi nồng độ cồn… gây ra vô số phiền hà cho nhân dân, rối loạn xã hội, tiêu tốn ngân sách và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tất cả những điều này ông Trọng và Bộ chính trị không thể không hay biết.
Ông Võ Văn Thưởng, người được coi như "thái tử điện hạ" khi trở thành Chủ tịch nước vào tháng Ba năm 2023 với số phiếu gần tuyệt đối, đã lộ rõ sự thân cận với "bác Trọng" khiến Tô Lâm nhận ra mình đã không còn là sự lựa chọn nữa. Nếu như ngồi ghế bộ trưởng đến hết nhiệm kỳ và về hưu, ai sẽ đảm bảo sự an toàn và gia sản của gia tộc trước những phe cánh và quan chức đã bị ông ta triệt hạ ? Còn nếu muốn trở thành "trường hợp đặc biệt" thì phải tự tay giành lấy. Nắm trong tay cỗ máy giám sát, trấn áp khổng lồ, hồ sơ sai phạm của tất cả các quan chức đều trong tay tướng Tô Lâm. Điều đó đem đến cho ông ta khả năng vượt trội hơn tất cả. Trong tình huống này, mọi ứng viên của vị trí Tổng bí thư đều có khả năng trở thành mục tiêu công kích tiếp theo. Võ Văn Thưởng chỉ là cái tên đầu tiên trong cuộc đảo chính không tiếng súng núp dưới danh nghĩa "đốt lò". Điều này sẽ dẫn đến thời kỳ hỗn loạn chính trị và nạn kiêu binh tràn lan của lực lượng Công An.
Tùng Phong
Nguồn : VOA, 22/03/2024
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chiều hôm qua ra thông báo đã chấp nhận đơn xin từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khỏi mọi chức vụ trong Đảng và chính quyền. Sáng nay, Quốc hội sẽ triệu tập phiên họp bất thường để chính thức bỏ phiếu về việc để ông Thưởng từ chức, chỉ một năm sau khi ông được bổ nhiệm. Ông Thưởng được cho là có dính líu đến một vụ bê bối hối lộ liên quan đến nhà tập đoàn Phúc Sơn, hiện đang bị điều tra và truy tố về các tội danh tham nhũng khác nhau. Các nguồn tin không chính thức nhưng đáng tin cậy cho biết trong thời gian ông còn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011-2014), một người thân của ông Thưởng ở huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long, đã nhận 60 tỷ đồng từ Phúc Sơn, được cho là để giúp ông Thưởng xây nhà thờ họ.
Việc ông Thưởng bị (bà Võ Thị Ánh Xuân) thay thế sẽ không dẫn đến các thay đổi chính sách.
Việc ông Thưởng từ chức đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn bất định chính trị mới ở Việt Nam. Kể từ Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2021, đã có nhiều vụ cách chức và truy tố ở cấp cao, trong đó có bốn ủy viên Bộ Chính trị (bao gồm ông Thưởng và người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc), một phó thủ tướng, hai bộ trưởng và hơn chục lãnh đạo cấp tỉnh. Việc miễn nhiệm và thay thế nhanh chóng hai chủ tịch nước là đặc biệt đáng chú ý, vì ông Phúc cũng bị cách chức vào đầu năm 2023 sau chưa đầy hai năm tại nhiệm.
Giống như sự ra đi của ông Phúc, việc ông Thưởng bị thay thế sẽ không dẫn đến các thay đổi chính sách. Tuy nhiên, điều này vẫn gây ra quan ngại cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Việt Nam vì chính môi trường chính trị tương đối ổn định của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Vậy nên thông tin ông Thưởng chuẩn bị từ chức khiến các nhà đầu tư bất an. Hơn nữa, các vấn đề sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự không chắc chắn xung quanh kế hoạch tìm người kế nhiệm ông có thể sẽ làm gia tăng đấu đá chính trị nội bộ trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc tiếp theo vào đầu năm 2026. Điều này sẽ càng làm gia tăng quan ngại của các nhà đầu tư.
Tác động từ sự ra đi của ông Thưởng đối với tương lai chính trị Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc đua trở thành người kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phụ thuộc vào việc ai sẽ đảm nhận vai trò mà ông Thưởng để lại. Theo quy định hiện nay của Đảng, tân chủ tịch nước sẽ phải hoàn thành đủ một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị, nghĩa là các ứng cử viên tiềm năng hiện nay bao gồm Tổng bí thư Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ông Trọng, người từng kiêm chức chủ tịch nước từ năm 2018 đến năm 2021, có thể được bầu lại chức vụ này, nhưng vấn đề sức khỏe của ông có thể là một trở ngại đáng kể. Ông Chính và ông Huệ dường như không quan tâm, vì vị trí hiện tại của họ quyền lực hơn nhiều so với chức chủ tịch nước. Điều này khiến ông Tô Lâm và bà Mai trở thành những lựa chọn khả dĩ nhất.
Ở tuổi 66, ông Tô Lâm có thể rất quan tâm đến vị trí này vì nó có thể cho phép ông tìm kiếm ngoại lệ đối với quy định giới hạn độ tuổi của Đảng và được đề bạt cho vị trí tổng bí thư như một "trường hợp đặc biệt" vào năm 2026. Tuy nhiên, ông có thể e ngại về việc chuyển sang vị trí mới bởi vị trí bộ trưởng công an hiện tại của ông cực kỳ quyền lực, đặc biệt là trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra hiện nay. Trong khi đó, vai trò chủ tịch nước chủ yếu liên quan đến các nhiệm vụ mang tính lễ nghi. Bà Mai cũng là một ứng cử viên khả dĩ cho chức chủ tịch nước, đặc biệt là trong mắt những người đang muốn cạnh tranh chức tổng bí thư. Điều này là do cơ sở quyền lực của bà Mai tương đối mỏng, khiến bà khó có thể tận dụng bệ phóng chủ tịch nước để cạnh tranh chức tổng bí thư vào năm 2026.
Một lựa chọn khác là Đảng sẽ bỏ qua các quy tắc và đề cử một chính trị gia khác, người chưa hoàn thành một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị, nhưng có khả năng mang lại sự ổn định cho hệ thống. Trong kịch bản này, các ứng cử viên tiềm năng có thể gồm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, hay Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Tuy nhiên, các ứng cử viên tiềm năng hiện tại để thay thế ông Trọng và phe phái của họ có thể không ủng hộ quyết định này vì họ không muốn chứng kiến sự xuất hiện một ứng viên mới có khả năng cản trở cuộc đua giành chức tổng bí thư vào năm 2026 của họ.
Do quá trình lựa chọn ứng viên phức tạp và thời gian hạn chế nên rất có thể Đảng vẫn chưa đi đến quyết định thống nhất về việc ai sẽ thay thế ông Thưởng. Nếu vậy, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhiều khả năng sẽ được Quốc hội giao giữ vai trò quyền chủ tịch nước cho đến khi Đảng có quyết định cuối cùng.
Trong bối cảnh đó, tình trạng bất định chính trị ở Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục. Một số nhà đầu tư có thể quyết định đợi cho đến khi mọi chuyện ổn định trở lại trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư lớn nào. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng, với khả năng một số các các cuộc trao đổi song phương cấp cao có thể bị trì hoãn hay hủy bỏ. Chẳng hạn, do ông Thưởng đang chờ bị miễn nhiệm, chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Hà Lan Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima, dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 22 tháng 3, đã bị hoãn lại theo yêu cầu của phía Việt Nam.
Ngay cả sau khi tân chủ tịch nước được bổ nhiệm, đấu đá chính trị nội bộ có thể sẽ tiếp tục kéo dài cho đến năm 2026, trừ khi một kế hoạch kế nhiệm rõ ràng cho vị trí tổng bí thư được công bố. Trong thời gian đó, các nhà đầu tư và đối tác của Việt Nam sẽ phải chấp nhận thích nghi với thực tế chính trị mới của đất nước.
Đảng và ban lãnh đạo cao nhất cần tìm cách giảm thiểu những bất định này bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực và bầu ra một chủ tịch nước mới có thể đảm nhiệm nhiệm kỳ của mình một cách an toàn cho đến năm 2026. Đây nên là trọng tâm chính của ban lãnh đảo Đảng lúc này. Đồng thời, cần ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả ra quyết định và giảm bớt các rào cản pháp luật và quản lý nhà nước đối với các nhà đầu tư để bù đắp cho các bất định chính trị, đồng thời khôi phục niềm tin của họ vào triển vọng chính trị và kinh tế của đất nước.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 21/03/2024
Chủ tịch Võ Văn Thưởng từ chức
Thanh Phương, RFI, 20/03/2024
Theo báo chí trong nước, hôm nay, 20/03/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã "đồng ý để chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ" trong Đảng.
Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng. Ảnh chụp ngày 21/03/2023 tại Hà Nội. AP - Hau Dinh
Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng giải thích : "Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban Bí Thư, ủy viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Thông cáo nhấn mạnh : "Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông". Tuy nhiên, thông cáo không nói rõ đó là những vi phạm gì.
Cũng theo Văn phòng Trung ương Đảng, "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác".
Trong những ngày qua, đã có nhiều tin đồn về việc chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ buộc phải từ chức. Quyết định của Trung ương Đảng sẽ được Quốc Hội chính thức hóa trong một phiên họp bất thường bàn "về các vấn đề nhân sự" vào ngày 21/03.
Chủ tịch nước là một chức vụ phần lớn mang tính chất nghi thức, nhưng bất cứ ai nắm giữ chức vụ này đều có lợi thế trong cuộc chạy đua để kế nhiệm ông Trọng, dù là với tư cách quyền tổng bí thư hay chính thức được bầu sau Đại hội Đảng cộng sản kỳ tới vào năm 2026.
Thông tin Quốc hội Việt Nam triệu tập phiên họp bất thường được đưa ra sau khi Hoàng gia Hà Lan thông báo Việt Nam đã yêu cầu hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Vua và Hoàng hậu vốn được dự kiến diễn ra trong tuần này (19-22/03) theo lời mời của ông Võ Văn Thưởng. Hà Nội yêu cầu hoãn do "những vấn đề nội bộ", nhưng cũng không đề nghị một ngày khác cho chuyến thăm của Vua và Hoàng hậu Hà Lan.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 20/03/2024
****************************
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước
BBC, 20/03/2024
Chiều ngày 20/3, ông Võ Văn Thưởng đã được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước, bao gồm chức Chủ tịch nước.
Ngày 2/3/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức. Ảnh : TTXVN
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII đã có cuộc họp bất thường vào chiều 20/3 để cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Võ Văn Thưởng.
Ông Võ Văn Thưởng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Võ Văn Thưởng "đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng".
Ông Thưởng "chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Võ Văn Thưởng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ : Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.
Ông là Chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam khi nhậm chức ở tuổi 53, và cũng là chủ tịch nước tại vị ngắn nhất trong lịch sử, mới hơn 1 năm 1 tháng.
Ngôi sao trẻ trên chính trường
Ông Võ Văn Thưởng sinh ngày 13/12/1970 tại xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1992, ông theo học ngành triết học Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 1993 – 2004, ông Thưởng sinh hoạt trong Đoàn Thanh niên Cộng sản và công tác tại Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh
Sau đó ông là Bí thư Quận ủy 12, Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2004-2006.
Năm 2006, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Thường trực trung ương Đoàn 2006. Sau đó, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn, giữ vị trí từ năm 2007 – 2010.
Từ tháng 4/2006, ông là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Cũng trong năm 2007, ông được bầu làm Đại biểu quốc hội khóa XII.
Tháng 1/2011, tại Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Bảy tháng sau đó, Bộ Chính trị phân công ông giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Từ 4/2014 – 1/2016, ông là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ 1/2016 – 1/2021, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.
Từ 2/2021 tới 3/2023, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng
Ngày 2/3/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026), sau khi nhận 487 phiếu tán thành và 1 phiếu không tán thành, ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thời điểm nhậm chức, ông Thưởng 52 tuổi và là chủ tịch nước trẻ tuổi nhất.
Theo Hiến pháp năm 2013 – Điều 87, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước sẽ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Trong trường hợp ông Võ Văn Thưởng, nhiệm kỳ của ông sẽ theo Quốc hội khóa XV, tức tới năm 5/2026.
Nguồn : BBC, 20/03/2024
************************
Trung ương Đảng tổ chức hội nghị giữa tin đồn thay đổi nhân sự cấp cao
BBC, 20/03/2024
Chiều 20/3 (thứ Tư), Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị, thông tin về lịch làm việc của một số ủy viên trung ương tiết lộ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội tại Hà Nội ngày 15/1/2024
Lịch làm việc mới cập nhật của một số ủy viên Trung ương Đảng đang công tác tại các bộ ngành và địa phương cho thấy sẽ có một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào chiều 20/3.
Cụ thể, lịch làm việc được đăng trên cả Cổng thông tin Tỉnh ủy Hậu Giang lẫn Cổng thông tin Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, ngày 20/3, "Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy (ông Nghiêm Xuân Thành - BBC chú thích thêm) dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII".
Ông Nghiêm Xuân Thành đang là ủy viên Trung ương Đảng.
Lịch làm việc trên Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc cũng cho biết Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Hầu A Lềnh và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr (ủy viên dự khuyết) cùng dự hội nghị này.
Địa điểm dự họp được ghi trong các lịch làm việc là số 1 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội.
Cuộc họp này không được thông báo rộng rãi, báo chí chưa đưa tin và diễn ra trong bối cảnh có những đồn đoán về sự thay đổi nhân sự cấp cao.
Hình thức hoạt động của Ban Chấp hành trung ương là hội nghị. Các hội nghị được tổ chức theo chương trình toàn khóa này và ngoài ra còn có chương trình hàng năm do Bộ Chính trị triệu tập.
Thông thường, Ban Chấp hành trung ương họp trực tiếp định kỳ 6 tháng một lần.
Trong một diễn biến có thể liên quan, Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ họp bất thường vào thứ Năm ngày 21/3 để xem xét, quyết định "công tác nhân sự".
Reuters dẫn lời một số quan chức và nhà ngoại giao Việt Nam cho biết khả năng vấn đề nhân sự mà Quốc hội thảo luận là việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin từ chức. BBC không thể kiểm chứng thông tin này.
Trong quá khứ gần, ngày 18/1/2023, Quốc hội cũng đã có một cuộc họp bất thường để xem xét miễn nhiệm Chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó một ngày, 17/1/2023, Ban Chấp hành trung ương cũng có hội nghị bất thường để xem xét việc ông Nguyễn Xuân Phúc xin thôi giữ các chức vụ.
Ông Phúc khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cuộc họp bất thường này là hình thức để Ban Chấp hành trung ương đồng ý nguyện vọng của ông Phúc.
Vào tháng 2/2022, Trung ương Đảng cũng mở hội nghị bất thường là để xem xét kỷ luật đối với hai ủy viên trung ương là ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long. Ông Nguyễn Thanh Long vào tháng 1/2024 đã bị tuyên 18 năm tù tội "nhận hối lộ" 51 tỷ đồng trong vụ Việt Á. Còn ông Chu Ngọc Anh lãnh 3 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Trả lời BBC News tiếng Việt ngày 18/3, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, giải thích :
"Về vấn đề kỷ luật một quan chức cấp cao, nếu ông đó là đảng viên thì đảng có quyền kỷ luật, khai trừ khỏi đảng. Nhưng chức vụ của nhà nước thì hiến pháp quy định là do Quốc hội bầu thì do Quốc hội xem xét".
Ông Thuận nhớ lại chuyện tại Hội nghị trung ương 6, Khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã bỏ phiếu nhất trí kỷ luật một "ông bự" - người khi đó được gọi là "một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị". Nhưng khi đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng - cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng - thì người này không bị kỷ luật.
"Sau vụ đó, nhân vật này mới có tên gọi là Đồng chí X", ông Thuận nhắc lại.
Cập nhật : Sau khi BBC có bài viết này, trong đó có chi tiết lịch dự họp Trung ương Đảng của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, thì khoảng 8 giờ vào sáng nay (20/3), Cổng thông tin Tỉnh ủy Hậu Giang và Cổng thông tin Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã sửa thành :
"Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi công tác Hà Nội".
Chi tiết đi họp ở cơ quan nào và địa chỉ ở đâu đã được lược bỏ.
Nguồn : BBC, 20/03/2024
***************************
Tập đoàn Phúc Sơn làm gì mà khiến nhiều cán bộ rơi vào vòng lao lý ?
BBC, 20/03/2024
Tập đoàn Phúc Sơn có dự án trên nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam và cáo buộc sai phạm tại tập đoàn này đã kéo nhiều quan chức cấp tỉnh, từ Vĩnh Phúc đến Quảng Ngãi, vào vòng lao lý.
Từ trái qua : ông Lê Duy Thành, bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo)
Hôm 20/3, trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam đã có bài viết thông báo việc Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu khẩn trương làm việc với Tập đoàn Phúc Sơn để kiểm tra, rà soát các dự án.
Theo đó, hiện tỉnh Khánh Hòa có hai dự án của tập đoàn được phê duyệt từ năm 2014, tới nay đã "treo" trong 10 năm, và ba dự án "chưa hoàn thành đúng cam kết". Bên cạnh đó, Tập đoàn Phúc Sơn vẫn chưa nộp số tiền gần 12.000 tỉ đồng mà tỉnh Khánh Hòa truy thu khi doanh nghiệp này thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Dự án này từng được Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều vi phạm.
Đáng chú ý, trang này còn liệt kê 15 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án Tập đoàn Phúc tính đến thời điểm hiện tại.
Trong số này có một bí thư tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ; hai chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ; một nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ; cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn và các cá nhân liên quan...
Những thông tin này trên trang của chính phủ cho thấy đây sẽ là một trong những "đại án".
Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết chỉ riêng hai dự án của tập đoàn này tại tỉnh Vĩnh Phúc "đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng".
Danh sách 9 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn
Nhiều quan chức bị bắt
Trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam cho biết, khi mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, có ba tỉnh là Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long được xác định là có liên quan.
Từ đó, các tội "Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" được khởi tố bổ sung.
Một số quan chức của ba tỉnh nói trên đã bị khởi tố, bắt tạm giam và khám xét.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 3/2024, hai quan chức ở Vĩnh Phúc là bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Lê Duy Thành đều bị khởi tố, tạm giam về tội "Nhận hối lộ".
Bà Thúy Lan là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu quốc hội Khóa XV. Bà vốn là một giáo viên trung học cơ sở (cấp 2), sau đó thăng tiến qua công tác đoàn hội. Trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2006, bà làm công tác đoàn thanh niên, là ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và ủy viên trung ương Đoàn trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2006.
Sau đó, bà trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Ông Lê Duy Thành là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Thành từng giữ các chức vụ như : Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc ; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Với trường hợp bà Lan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu của bà và cho phép các cơ quan chức năng thực hiện việc khởi tố, bắt tạm giam và khám xét.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cung cấp thông tin về vụ án Tập đoàn Phúc Sơn tại họp báo Chính phủ tháng 2/2024
Còn ở Quảng Ngãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải là ông Đặng Văn Minh và cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là Cao Khoa đều đã bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" và bị tạm giam.
Hàng loạt quan chức thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi cũng nằm trong danh sách bị can : ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc sở ; ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc sở, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật & Chất lượng thuộc sở này ; ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư thuộc sở này.
Ở Vĩnh Long, ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Tuyến đường bờ nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), dự án được cấp phép từ năm 2012 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng vào thời điểm đó
Trước đó, ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Hậu tức Hậu Pháo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, đã bị bắt với cáo buộc để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.
Cùng bị bắt với ông Hậu là bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc ; bà Đỗ Thị Mai, Kế toán trưởng ; bà Hoàng Thị Tuyết Hạnh, Kế toán viên ; ông Trần Hữu Định, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group và Nguyễn Hồng Sơn, lao động tự do. Những người này bị điều tra về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Có thể thấy, trong danh sách bị khởi tố đến nay, Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều cán bộ lãnh đạo bị liên lụy nhất, không tính "tỉnh nhà" Vĩnh Phúc, nơi Tập đoàn Phúc Sơn đóng trụ sở. Việc lật lại các dự án đã triển khai từ lâu (có công trình từ năm 2012) tại Quảng Ngãi có thể có những ngụ ý sâu xa hơn, theo một nhà quan sát am tường tình hình chính trị-xã hội của Việt Nam chia sẻ với BBC News tiếng Việt.
Trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ trên vùng đất thuộc dự án khu đô thị Bàu Giang với tổng mức đầu tư 3.318 tỉ đồng của Tập đoàn Phúc Sơn tại Quảng Ngãi
Tập đoàn Phúc Sơn
Phúc Sơn có xuất phát điểm là một công ty xây dựng nhỏ được thành lập vào năm 2004 tại Vĩnh Phúc.
Đến năm 2009, Tập đoàn Phúc Sơn ra đời, có trụ sở chính ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Hậu sinh năm 1981 sinh sống tại Hà Nội nhưng quê ông là ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn. Ngoài vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông còn là Tổng Giám đốc.
Ông Hậu còn là đại diện pháp luật của một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phúc Khánh, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long, Công ty TNHH Một thành viên khu đô thị Bàu Giang, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng công nghiệp Phúc Sơn.
Tập đoàn Phúc Sơn gây chú ý với hàng loạt dự án lớn và quỹ đất lên đến hàng trăm héc ta nhưng chậm tiến độ, "đắp chiếu" tại Vĩnh Phúc :
- Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (huyện Vĩnh Tường) với quy mô 127 ha ;
- Khu chợ đầu mối nông sản (huyện Vĩnh Tường) với quy mô 186 ha ;
- Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng tổng mức đầu tư là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh ;
Còn ở Quảng Ngãi, tập đoàn này có một số dự án vẫn chưa hoàn thành như : đường bờ Nam sông Trà Khúc (tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, thời điểm năm 2012) ; Khu đô thị công nghiệp Dung Quất (2.000 tỉ đồng) ; khu đô thị Bàu Giang (3.318 tỉ đồng) và dự án nhà máy nước Quảng Ngãi (540 tỉ đồng)...
Tập đoàn này còn vướng vào rắc rối với những dự án chậm tiến độ tại tỉnh Khánh Hòa. Hiện tỉnh này có hai dự án của tập đoàn được phê duyệt từ năm 2014 tới nay đã "treo" trong 10 năm, khiến "dư luận địa phương bức xúc", còn các thủ tục pháp lý về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại hai dự án đều chưa hoàn thành, theo trang Xây dựng chính sách, pháp luật.
Nguồn : BBC, 20/03/2024
******************************
'Vấn đề nhân sự' mà Quốc hội họp cụ thể là gì ?
BBC, 18/03/2024
Quốc hội Việt Nam họp bất thường vào ngày 21/3 là để cho thôi đại biểu đối với một số cán bộ, quan chức trong thẩm quyền của Quốc hội, một nguồn tin chia sẻ với BBC.
Từ trái qua (hàng đầu) : Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội tại Hà Nội ngày 15/1/2024
Trong bản tin trước, BBC đã đưa tin Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ họp bất thường vào thứ Năm ngày 21/3 để xem xét, quyết định "công tác nhân sự", trong bối cảnh có những đồn đoán về sự thay đổi nhân sự cấp cao.
Bức thư do Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ký gửi cho các đại biểu Quốc hội có nội dung : Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Reuters dẫn lời một số quan chức và nhà ngoại giao Việt Nam cho biết khả năng vấn đề nhân sự mà Quốc hội thảo luận là việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin từ chức. BBC không thể kiểm chứng thông tin này.
Ngày 18/3, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với BBC News tiếng Việt qua điện thoại rằng, các kỳ họp Quốc hội, dù là bất thường, đều nhằm giải quyết tất cả những vấn đề của đất nước, ví dụ như về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
"Trong đó có vấn đề nhân sự, những vị trí mà do Quốc hội bầu. Thông thường, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định triệu tập kỳ họp bất thường thì chỉ nêu tiêu đề là bàn chuyện gì chứ không nêu nội dung chi tiết.
"Ví dụ như 21/3 này, Quốc hội có kỳ họp bất thường về vấn đề nhân sự thì chỉ nêu vậy thôi".
"Vấn đề nhân sự thường là có sự thay đổi, bổ sung và đây là những nhân sự do Quốc hội bầu, nên do Quốc hội quyết. Các chức vụ do Quốc hội trực tiếp bầu thì phải họp Quốc hội, chứ không có người nào cấp bậc lớn hơn được đình chỉ, cách chức ông đó", luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC.
Quốc hội là cơ quan bầu ra các vị trí then chốt của bộ máy nhà nước, bao gồm ba vị trí trong tứ trụ :
- Chủ tịch nước (theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
- Chủ tịch Quốc hội (theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước)
- Thủ tướng Chính phủ (theo đề nghị của Chủ tịch nước)
Một nguồn tin giấu tên tiết lộ với BBC rằng trong dịp này, Quốc hội sẽ biểu quyết, cho thôi đại biểu đối với một số cán bộ như bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Đào Ngọc Dung...
Bà Hoàng Thị Thúy Lan là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu quốc hội. Đầu tháng 3/2024, bà Lan bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc "nhận hối lộ". Bà Lan bị cáo buộc liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn và Chủ tịch tập đoàn này là Nguyễn Văn Hậu, còn gọi là Hậu Pháo, người đã bị khởi tố trước đó. Tập đoàn Phúc Sơn có dự án trên nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam và vụ việc này đã kéo nhiều quan chức cấp tỉnh, từ Vĩnh Phúc cho đến Quảng Ngãi phải vào tù.
Thông tin ban đầu cho thấy đây sẽ là một trong những "đại án". Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết chỉ riêng hai dự án của tập đoàn này "đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng".
Ông Đào Ngọc Dung là Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội. Ngày 8/3/2024, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận Bộ trưởng Đào Ngọc Dung "vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật" do liên quan đến sai phạm tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Cụ thể, Ban cán sự đảng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để bộ này và một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực đào tạo dạy nghề ; trong thực hiện các gói thầu do AIC và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện.
Còn trường hợp nhân sự cấp cao hơn được xem xét trong kỳ họp bất thường lần này thì chưa biết thế nào, nhưng "xác suất là cao", vẫn theo nguồn tin nói trên.
Có kinh nghiệm làm việc tại Quốc hội Việt Nam 14 năm, luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC rằng, theo luật quy định thì Quốc hội mỗi năm họp hai lần, nếu có vấn đề gì do nhu cầu cấp bách thì có thể họp một kỳ họp thứ ba, gọi là kỳ họp bất thường.
"Bất thường thì cũng có khi chỉ là chuyện bình thường như ngoại giao, an ninh, quốc phòng nhưng mang tính đột xuất cần đem ra giải quyết. Bất thường nghĩa là họp nhiều hơn điều mà trong luật của Quốc hội quy định", ông Thuận diễn giải.
Luật sư Thuận nói thêm rằng, các kỳ họp Quốc hội đều nhằm giải quyết tất cả những vấn đề của đất nước, ví dụ như về kinh tế, xã hội rồi an ninh, quốc phòng.
"Về vấn đề kỷ luật một quan chức cấp cao, nếu ông đó là đảng viên thì đảng có quyền kỷ luật, khai trừ khỏi đảng. Nhưng chức vụ của nhà nước thì hiến pháp quy định là do Quốc hội bầu thì do Quốc hội xem xét", ông Thuận nói.
Ông Thuận nhớ lại tại Hội nghị trung ương 6, khóa 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã bỏ phiếu nhất trí kỷ luật một "ông bự" - người khi đó được gọi là "một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị". Nhưng khi đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng - cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng - thì người này không bị kỷ luật.
"Sau vụ đó, nhân vật này mới có tên gọi là Đồng chí X", ông Thuận nhắc lại.
Trở lại kỳ họp bất thường vào ngày 21/3 sắp tới đây, như đã đề cập ở trên, có thông tin cho rằng vấn đề nhân sự mà Quốc hội thảo luận là việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin từ chức.
Hồi tháng 1/2023, Quốc hội cũng đã có một cuộc họp bất thường để xem xét miễn nhiệm Chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Phúc từ chức với lý do là chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong buổi lễ bàn giao công tác ngày 4/2/2023, ông Phúc đã phát biểu rằng : "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á".
Tuy nhiên, câu nói này của ông Phúc sau đó đã bị gỡ khỏi các tờ báo Việt Nam.
Kế là, ông Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, được bầu làm chủ tịch nước thay cho ông Phúc từ tháng 3/2023.
Ông Thưởng cũng là chủ tịch nước trẻ nhất và cũng là thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị.
Nguồn : BBC, 18/03/2024