Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

I. Giới thiệu chương trình học                 

Đó là chương trình do Ban Tuyên giáo đưa ra, nhằm nâng cao nhận thức về lý luận chính trị và giáo dục đạo đức. Đối tượng học là đảng viên và cán bộ cơ sở của Đảng, cán bộ của Mặt trận cùng các đoàn thể và có thể mở rộng cho một số người dân.

hoc1

Chương trình học do ông Võ Văn Thưởng đề xuất cho các đảng viên và cán bộ cơ sở của Đảng, cán bộ của Mặt trận cùng các đoàn thể và có thể mở rộng cho một số người dân.

Nội dung gồm 6 vấn đề (Vấn đề : I, II… VI), mỗi vấn đề gồm một số chuyên đề (1 ; 2… 5)

Vấn đề I. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Chuyên đề 1. Cơ sở hình thành và phát triển Chủ nghĩa yêu nước.

Chuyên đề 2. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong lịch sử.

Chuyên đề 3. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Chuyên đề 4. Giáo dục Chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn mới.

Vấn đề II. Giáo dục đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới

Chuyên đề 1. Đạo đức và vai trò của đạo đức.

Chuyên đề 2. Truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Chuyên đề 3. Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chuyên đề 4. Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.

Vấn đề III. Tư tưởng Hồ Chí Minh

Chuyên đề 1. Nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển của Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chuyên đề 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam.

Chuyên đề 3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, nhà nước, đại đoàn kết.

Chuyên đề 4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, văn hóa, con người.

Chuyên đề 5. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng.

Vấn đề IV. Vấn để tôn giáo và chính sách tôn giáo

Chuyên đề 1. Tôn giáo trong đời sống xã hội.

Chuyên đề 2. Tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Chuyên đề 3. Chính sách tôn giáo của Đảng.

Chuyên đề 4. Đảng viên với tín ngưỡng và tôn giáo.

Vấn đề V. Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc

Chuyên đề 1. Vấn đề chung về dân tộc và quan hệ dân tộc.

Chuyên đề 2. Đặc điểm các dân tộc ở nước ta.

Chuyên đề 3. Công tác và chính sách dân tộc của Đảng.

Chuyên đề 4. Nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng.

Vấn đề VI. Hội nhập quốc tế

Chuyên đề 1. Quan điểm, chủ trương về hội nhập quốc tế.

Chuyên đề 2. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Chuyên đề. Hội nhập quốc tế về văn hóa.

Chuyên đề 4. Hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh.

Việc mở lớp học do các Huyện ủy, Quận ủy thực hiện. Mỗi chuyên đề được trình bày trong 1 buổi, ngoài ra còn thảo luận, liên hệ, tham quan, viết thu hoạch. Mỗi Vấn đề được học trong thời gian 3 đến 3,5 ngày, học viên được cấp Giấy chứng nhận.

Để chuẩn bị, Nhà xuất bản Chính trị phát hành 6 cuốn sách, ứng với 6 Vấn đề. Ban Tuyên giáo soạn và phổ biến, mỗi Vấn đề có 2 loại hướng dẫn : thực hiện chương trình và chi tiết các chuyên đề. Giảng viên do Ban Tuyên giáo cấp huyện đề xuất và cấp ủy quyết định.

II. Vài nhận xét về nội dung

Mới xem qua thấy rất phong phú, nhưng ít thích hợp với đối tượng. Phần lớn kiến thức ở các chuyên đề đầu là thuộc dạng hàn lâm, it phù hợp cho trình độ phổ thông hoặc quá chung chung. Trình bày những kiến thức đó mà không hấp dẫn thì chỉ làm người nghe thêm chán. Gần hết nội dung cơ bản của mỗi Vấn đề lại là những điều đã trở nên quá bình thường, nhiều học viên đã biết rõ từ trước, nay bị đặt vào thế "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Đó là chưa kể một số nội dung do suy luận, bị áp đặt, không phản ảnh thực tế khách quan. Bị nhồi nhét những nội dung như thế làm cho nhận thức bị chây lì, lệch lạc, xa rời chân lý.

Về vấn đề Chủ nghĩa yêu nước. Phải chăng tôn giáo đã thấy được tình cảnh đất nước có thể bị rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới nên đã đưa yêu nước lên thành chủ nghĩa. Tuy vậy không đề cập gì đến nguy cơ trước mắt mất dần biển đảo và chủ quyền vào tay Tàu phù. Hơn nữa một vài nội dung là yêu Đảng chứ không hẳn là yêu nước, là áp đặt, khó được chấp nhận.

Về vấn đề đạo đức. Chủ yếu viết chung chung, một vài nhận định chưa chính xác, chưa chỉ ra đúng nguyên nhân gốc của suy thoái đạo đức. Giáo dục đạo đức lại chủ yếu là đạo đức Hồ Chí Minh, trùng lặp qúa nhiều.

Về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuyệt đại đa số dân Việt biết về Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua tuyên truyền một chiều, rằng ông không những là một lãnh tụ cách mạng mà còn là một vị thánh. Có thể điều đó là phù hợp với thời gian xa xưa trước đây, còn bây giờ, khi thông tin đa chiều đã khá phổ biến, khi nhiều bí mật đã được công khai, mà vẫn giữ cách tuyên truyền áp đặt như cũ, thì may ra chỉ có thể làm thỏa mãn một số ít người cuồng tín, còn đại đa số sẽ càng mất tin tưởng.

Về vấn đề tôn giáo. Bản chất của cộng sản là dị ứng với tôn giáo. Chấp nhận tự do tôn giáo chỉ là thế buộc phải làm. Trình bày tôn giáo theo quan điểm duy vật là khá xa rời bản chất tâm linh của nó. Vừa qua Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng và tôn giáo. Hội đồng Liên Tôn cho rằng Đảng đang đàn áp tôn giáo bằng cả luật pháp và hành động. Vậy nội dung của Vấn đề này ít phù hợp thực tế và khó thuyết phục được số đông có hiểu biết.

Về vấn để dân tộc. Viết nhiều về bình đẳng, về phát triển kinh tế, văn hóa, về sự quan tâm đến các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trong lúc việc quan trọng và cấp thiết là sự hòa hợp dân tộc sau chiến tranh lại ít được bàn đến.

III. Vài điều bình luận

1. Nhận định chung

Thực trạng của đạo đức trong đảng đang suy thoái, có nguy cơ lớn đến sự tồn vong. Phải chăng tổ chức các lớp học như trên là cần thiết để cứu vớt sự tan rã về tư tưởng, sự yếu kém về nhận thức chính trị, để ngăn ngừa sự tự diễn biến trong nội bộ, để chống trả sự tấn công của các thế lực thù địch. Sự chuẩn bị là khá chu đáo. Thế thì tại sao dám có ý nghĩ là càng học càng bị tụt lùi.

Thưa rằng : Để việc dạy học làm phát triển và tích lũy được những phẩm chất tốt đẹp thì nội dung và phương pháp phải đúng, phù hợp, tiến bộ (hấp dẫn được càng tốt), người dạy và học đều có tinh thần say sưa và trách nhiệm cao. Nếu ngược lại, nội dung nhàm chán, lạc hậu hoặc không phù hợp thực tế, phương pháp áp đặt, gò bó, người dạy và học không say sưa, chỉ làm cho qua chuyện thì hiệu suất của dạy học rất thấp. Dạy và học như thế, với một số người, nói rằng càng học càng bị tụt lùi là còn nhẹ, nặng hơn là càng học càng lú lẫn, càng ngu muội, chỉ bị nhồi sọ hoặc tẩy não để trở thành công cụ và biết nói như vẹt. Kinh nghiệm hoạt động sư phạm hơn nửa thế kỷ qua cho tôi dự đoán về kết quả những lớp học nói trên như sau : Với Tuyên giáo và các tổ chức cơ sở của Đảng : Có được thành tích dổm để báo cáo và tuyên truyền. Với người học, phần lớn càng học càng xa rời thực tế và Chân, Thiện, Mỹ. Với xã hội, tạo ra sự lãng phí đáng kể.

2. Nhu cầu của việc học

Ban tôn giáo thấy rất cần mở các lớp học, nhưng liệu đảng viên và cán bộ cơ sở có thấy được, cảm nhận được đó là nhu cầu bức thiết không, hay là họ bị bắt đi học. Nếu học viên không có nhu cầu, không hứng thú, bị bắt buộc thì tại sao tôn giáo lại mở lớp. Ấy là vì duy ý chí, xa rời thực tế, thiếu trí tuệ / thiếu dũng khí để đánh giá đúng nguyên nhân gốc gây ra tình trạng suy thoái. Họ tưởng nhầm sự suy thoái chủ yếu do làm kém công tác tư tưởng mà không biết rằng chính vì Đảng đã phạm nhiều sai lầm.Trong những năm đầu của cách mạng, của chế độ, những lớp học chính trị như kể trên là đáng mong đợi, những cuộc chỉnh huấn là có tác dụng lớn về cải tạo tư tưởng, nhưng hiện nay không còn phù hợp. Hiện nay vẫn phải động viên tinh thần, vẫn phải làm công tác tư tưởng, nhưng phải tìm cách làm khác có hiệu quả. Tình hình đã thay đổi nhiều mà vẫn giữ cách làm không thích hợp thì chỉ có thất bại. Cuối đợt học thế nào chẳng có viết thu hoạch, có đánh giá kết quả. Chưa mở lớp cũng đã biết trước kết quả tốt đẹp. Liệu trong những thu hoạch, những đánh giá như vậy có bao nhiều phần là bịa đặt, dối trá.

3. Sự lãng phí

Khi huy động hết tất cả các đối tượng cần học theo quy định của tôn giáo thì số học viên là vài triệu. Nếu mỗi người đều học cả 6 Vấn đề thì phải mất nhiều chục triệu ngày công, tính thành tiền vào khoảng nhiều ngàn tỷ đồng, đó là chưa kể công sức và tiền của để chuẩn bị và phục vụ cho các lớp học. Khi bỏ ra công sức và tiền của lớn mà thu được kết quả mỹ mãn, làm cho tình trạng trở nên tốt hơn, có chuyển biến tích cực thì quá xứng đáng đồng tiến bát gạo. Nhưng như đã phân tích, các lớp học chỉ nặng về hình thức để tạo thành tích dổm, thế thì lợi bất cập hại là rõ ràng.

IV. Vài đề nghị

1. Nên làm cách khác

Để nâng cao tinh thần yêu nước, chấn hưng đạo đức, hòa hợp dân tộc và tôn giáo thì nên tìm cách làm khác có hiệu quả hơn là tổ chức các lớp học như trên. Sẽ vô ích và phản tác dụng khi một mặt dạy Chủ nghĩa yêu nước, mặt khác ngăn cản kỷ niệm các chiến sĩ hy sinh ở Vị Xuyên, ở Hoàng Sa, khủng bố người yêu nước dám thể hiện bất đồng quan điểm, khi một mặt kêu gọi đoàn kết lương giáo, mặt khác tổ chức ra Hội Cờ đỏ để quậy phá các Linh mục và giáo dân, khi một mặt nêu cao HTQT, mặt khác tổ chức mật vụ đến nước khác bắt người bất chấp luật pháp quốc tế v.v…

2. Nên học thứ khác

Đó là học kiến thức về nhân quyền, về tự do và dân chủ, về luật pháp, về cách người dân chống lại áp bức cường quyền, chống lại các oan sai, về đạo lý làm người lương thiện v.v…. Những điều này cơ bản được dạy trong các nhà trường, nhưng chưa đủ. Khi tôn giáo không thể hoặc không muốn dạy những thứ này thì hãy để cho các cá nhân, các tổ chức dân sự được tự do mở lớp. Vào Google và trên các trang mạng sẽ tìm được khá nhiều bài giảng rất hay.

3. Nên chấp nhận và tổ chức đối thoại

Tháng 5/2017 ông Võ Văn Thưởng đề xuất việc đối thoại giữa tôn giáo với những người bất đồng chính kiến để cùng nhau tiếp cận chân lý. Có tiếp cận được nó thì mới đề xuất được việc làm đúng, còn nhận thức sai thì càng tích cực bao nhiêu càng xa rời Chân Thiện Mỹ bấy nhiêu. Một số nội dung của 6 Vấn đề trên đây là không tiếp cận mà xa rời chân lý. Đã có một số người, trong đó có tôi, từng yêu cầu được đối thoại với Ban tôn giáo, với Hội đồng lý luận nhưng chưa được chấp nhận. Ban tôn giáo nên nghiên cứu để chấp nhận càng sớm càng tốt.

Nguyễn Đình Cống

Nguồn : Tiếng Dân, 08/01/2018

Published in Diễn đàn

Một đương kim Ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam làm xôn xao giới blogger trong tuần qua. Đó là ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban tuyên giáo trung ương, cơ quan phụ trách tuyên truyền của đảng.

vvt1

Ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban tuyên giáo trung ương, cơ quan phụ trách tuyên truyền của đảng. Courtesy chinhphu.vn

Ngày 18 tháng 5, trong một phát biểu về phong trào học tập theo ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng, ông Thưởng nói là đảng của ông không sợ tranh luận và đối thoại, và có thể mở ra những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác với đảng của ông.

Tuyên bố này được báo Người lao động bản điện tử trích lại và lập tức gây một làn sóng tranh luận trong giới blogger và cư dân mạng xã hội.

Điều làm nhiều người ngạc nhiên nhất là Ban tuyên giáo trung ương vốn là đầu não về tư tưởng của đảng cộng sản, luôn chủ trương một chế độ độc đảng, và suy tôn duy nhất lý thuyết chính trị xã hội Mác Lê Nin.

Ông Võ Văn Thưởng là ai ?

Ông Thưởng là người trẻ tuổi nhất trong số 18 nhân vật thành viên Bộ chính trị, cơ quan quyền lực nhất đất nước hiện nay.

Theo facebook của nhà báo Tâm Chánh, ông Thưởng xuất thân từ một gia đình cán bộ nghèo ở tỉnh Vĩnh Long, học ban triết học Mác Lê Nin tại Đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tiến thân bằng con đường làm cán bộ đoàn của trường đại học, rồi đứng đầu cơ quan thành đoàn của thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Tâm Chánh so sánh cơ quan thành đoàn của Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó như là một nhà trẻ của các quan chức cấp cao, hàm ý rằng đây là nơi bắt đầu con đường hoạn lộ, của con cái các quan chức, hay là những người đàn em được sủng ái của họ.

Từ thành đoàn, ông Thưởng vào trung ương đảng, rồi làm bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi, và đầu năm 2016 vừa qua được bầu vào Bộ chính trị sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12.

Nhà báo Tâm Chánh thuật lại rằng trong giai đoạn ông Thưởng mới bước vào con đường chính trị qua ngả đoàn thanh niên cộng sản, thì cũng là lúc phong trào Cải tổ và Minh bạch (Glassnos và Perestroika) từ Liên Xô cũ lan sang Việt Nam một cách mạnh mẽ, làm dấy lên sự phản ứng của giới sinh viên lúc đó tại Sài Gòn, đòi quyền tự quyết cho những tổ chức thanh niên của chính mình. Giới chức chính quyền, cũng như các quan chức đoàn thanh niên phải gặp sinh viên, tạo ra một không khí mà trong chừng mực nào đó có thể gọi là đối thoại.

Ông Võ Văn Thưởng đã chứng kiến những cuộc đối thoại đó, mặc dù sau đó đảng lại siết chặt sự kiểm soát, sự sôi nổi của sinh viên lặng xuống cho đến ngày hôm nay.

Không tin, nghi ngại, cho đến hy vọng

Xung quanh tuyên bố đối thoại của ông Thưởng, có những blogger hoàn toàn không tin đó là lời nói thật, có những người nghi ngờ, nhưng cũng có người cho đó là một điều tiến bộ đáng trân trọng.

Ông David Trần viết trên trang blog Bà Đầm Xòe rằng  Đối với cộng sản thì luôn xem trời bằng vung, đảng là tất cả… từ ý thức, lý luận, chủ trương, chính sách đường lối luôn là khuôn vàng thước ngọc và không thể góp ý cho dù là ai, ở cương vị nào !

Vì thế ông không tin ông Thưởng và đảng của ông nói thật.

vvt2

Bên ngoài xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chụp hôm 21/4/2017. RFA photo

Không gay gắt như ông David Trần, nhà báo Phạm Trần được trang Dân Làm Báo đăng ý kiến cho rằng đảng cộng sản, qua lời ông Thưởng, tuyên bố như vậy chỉ để đánh lạc hướng dư luận sau cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, nơi chính quyền phải nói chuyện với dân chúng, hứa giải quyết những yêu cầu về đất đai của họ, và làm dịu đi dư luận xã hội vì những cuộc biểu tình chống nhà máy Formosa làm ô nhiễm biển miền Trung.

Đồng Tâm, và Formosa cũng là dẫn chứng được nhà báo tự do Phạm Chí Dũng đưa ra để nói rằng có thể đảng cộng sản lo ngại sự chống đối của tầng lớp bình dân, chứ họ chưa lo ngại đến những phản biện hiện nay của giới trí thức.

Trong khi đó thì luật sư Lê Công Định khi trả lời BBC thì cho rằng tuyên bố của ông Thưởng chỉ để nhắn nhủ với chính phủ Hoa Kỳ, trước cuộc gặp gỡ đối thoại nhân quyền Việt Mỹ, rằng chính phủ Việt Nam mong muốn sự đối thoại với những người khác chính kiến.

Trong số những người hy vọng có Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Nguyễn Đình Cống. Hai ông đã gửi những ý kiến về cuộc đối thoại tương lai đến với ông Võ Văn Thưởng và Bộ chính trị. Giáo sư Cống đề nghị là những cuộc đối thoại nên được tổ chức công khai, còn Giáo sư Hưng đề nghị những vấn đề nên được đưa ra bàn thảo tại cuộc đối thoại như là môi trường, luật sở hữu đất đai, giáo dục…

Có những người nghi ngờ.

Các bài viết trên blog và mạng xã hội của những người này được trình bày bằng những câu hỏi lớn ở tựa bài, như nhà báo bất đồng chính kiến đang tị nạn ở Pháp Bùi Tín hoặc là một loạt những câu hỏi, hay là một nửa tin một nửa ngờ.

Blogger Kami đoán rằng có thể đảng cộng sản mong muốn có một sự đối thoại thật sự nào đấy nhưng nằm dưới sự kiểm soát của đảng.

Ông Bùi Quang Vơm, người thường có những bài phân tích về chính trị Việt Nam cho rằng lời tuyên bố đối thoại xuất phát từ một Ủy viên bộ chính trị, mà nếu đó là sự mong muốn thật tâm thì đây phải là một sự thay đổi lớn, một cuộc cách mạng về tư tưởng của đảng cộng sản. Tuy nhiên ông lại nghi ngờ điều đó vì chỉ cách đây không lâu, sau hội nghị trung ương 5 của đảng cộng sản, người ta vẫn nghe thấy những lời tuyên bố kiên định lập trường tư tưởng của họ.

Điền Phương Thảo hỏi trên trang Bauxite rằng Đối thoại hay đối thọi ? Hàm ý sẽ có những cuộc nói chuyện hòa bình hay lại là những trấn áp bằng bạo lực của nhà cầm quyền như từ trước đến nay.

Tác giả Đỗ Thanh Nhan, có vẻ như là một người quen cũ của ông Võ Văn Thưởng, viết rằng :

Trước hết là nói về hy vọng là vì "miệng nhà quan có gang có thép", bởi vì ông Thưởng đang nằm trong top người quyền lực nhất nước. Quan nói thì dân nghe và hy vọng.

Còn nói chưa chắc tin là bởi vì trước đây, khi ông Thưởng là người quyền lực nhất tỉnh Quảng Ngãi với vị trí là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản, Bí thư Tỉnh ủy ; có lần tôi đã "ĐỐI" với ông Thưởng rồi, nhưng không được "THOẠI" mà còn bị "THỤI" (nếu "anh" Thưởng đồng ý thì mình có thể công khai với nhau việc này ? !).

Nhà văn Phạm Đình Trọng, trong bài Đối Thoại của ông, viết rằng một khi đảng cộng sản vẫn thượng tôn chủ nghĩa Mác Lê Nin thì không thể có một không khí đối thoại lành mạnh, ông thách thức đảng cộng sản rằng nếu thực tâm muốn đối thoại thì hãy trả tự do lập tức cho những người tù chính trị, những người đấu tranh vì nhân quyền và môi trường hiện vẫn đang bị giam cầm.

Một người từng bị tù vì quyền tự do phát biểu là blogger Trương Duy Nhất viết :

Đừng dựng kịch, cài "quân xanh", hay lôi mấy cụ hưu hết thời, hoặc vài gã ất ơ nào đó ngồi giữa Ba Đình ê a diễn thuyết, rồi gọi đấy là "đối thoại".

Quân xanh, quân đỏ, là những từ dùng để chỉ việc đảng cộng sản, hay các quốc gia không có nền dân chủ thực sự, thường dàn dựng nên những phe đối lập giả tạo, tạo nên một hình ảnh dân chủ.

Một số blogger lại đem những câu chuyện lịch sử để bày tỏ mối nghi ngờ của mình, hoặc chứng minh rằng ý tưởng đối thoại không có gì là mới.

Nhà văn Hữu Nguyên cho đăng lại trên blog của ông một bài viết cách đây hơn 10 năm về cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, người mà ông cho rằng rất quan tâm đến việc tranh luận giữa những người có ý kiến khác nhau.

Ông Lê Phú Khải, một nhà báo lâu năm của đài truyền hình nhà nước Việt Nam, nhắc lại câu chuyện giữa ông và ông Nguyễn Hà Phan vào năm 1995. Ông Phan lúc đó có triển vọng nắm quyền lực cao trong đảng, và mong muốn đối thoại với những người bất đồng chính kiến, và chỉ một thời gian ngắn sau đó ông Phan bị khai trừ khỏi đảng.

Tương tự như vậy, nhà báo Tâm Chánh nhắc lại những ý kiến phản biện của luật sư Nguyễn Mạnh Tường vào những năm 1950 ở miền Bắc, hay của ông Trần Xuân Bách vào những năm 1990. Cả hai ông này đều bị đảng cộng sản loại trừ.

Những lời khuyên

Nhà báo Nguyễn Thông viết trên mạng xã hội lời nhắn gửi tới ông Võ Văn Thưởng :

Bây giờ mới nghĩ (nghĩ chứ chưa thực hiện) là quá muộn rồi, ông Thưởng ạ. Đối thoại, đó là biểu hiện rõ nhất của dân chủ và tôn trọng sự khác biệt về tư tưởng, quan điểm. Còn rụt rè, chần chừ gì nữa mà không làm ngay đi.

Những kẻ cùng đinh như tôi, ban tổ chức sẽ cho rớt ngay từ vòng gửi xe nên cũng chẳng ham đối thoại. Ghế ấy để dành cho những đấng bậc hào kiệt, trượng phu, thông tỏ sự đời. Tuy nhiên, từ bãi xe, tôi đề nghị các ông phe ông Thưởng trả lời giùm cho tôi câu hỏi :

Trong những nước giàu có, dân hạnh phúc sung sướng, có nước nào theo chủ nghĩa xã hội không ? Trong những nước theo chủ nghĩa xã hội, có nước nào sớm thoát khỏi nghèo đói, nội chiến không ? Bây giờ thế giới có gần 200 quốc gia, còn mấy nước bám vào thứ chủ nghĩa này ?

Ông giả nhời được một cách thuyết phục tức là đối thoại đã thành công.

Kỹ sư Tô Văn Trường thì nhận định ở một khía cạnh bình thường của chuyện đối thoại trong những xã hội dân chủ, thì chuyện ông Thưởng bảo rằng đảng của ông không sợ, tức là đã có một thái độ kiêu ngạo, tức là ông Thưởng nên nói rằng đảng của ông mong muốn chứ đừng nên nói là không sợ, vì ngữ nghĩa của hai từ ấy trong tiếng Việt rất khác nhau.

Tiếp tục có sự nghi ngời thành tâm của đảng cộng sản, tác giả Thiện Tùng đưa ra lời khuyên cho những người bất đồng chính kiến :

Tình hình đang căng thẳng chẳng khác trước năm 1986, Đảng khó an toàn nếu tiếp tục leo thang. Do lực bất tòng tâm, buộc Đảng phải từ từ xuống thang chớ chắc gì có thiện ý. Bởi vậy, có không ít người cảnh báo hảy coi chừng "Con hổ trước khi vồ mồi nó thu hình lại". Sự nghi ngờ ấy là có cơ sở, bởi vì họ vốn đã từng "cả tin nên mắc, cả nghe nên lầm".

Người viết thấy rằng, Đảng cầm quyền đang muốn giảm bớt độc tài, nới rộng dân chủ để thoát hiểm cho mình và cho đất nước – đó là sự nhượng bộ cần thiết cho cái riêng và cái chung. Những người đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, nhân quyền nên vui vẻ cùng đại diện Đảng cầm quyền đối thoại, loại bỏ dần cái thô lấy cái tinh. Nếu khi vào đối thoại mà xuất hiện "cả vú lấp miệng em" thì mình có quyền ngưng - "gà ai nấy ôm".

Ông Nguyễn Quang A, thì nói chuyện đối thoại hay không là ở phía dân chúng, bằng chính thái độ của mình, với những phản ứng như bất tuân, bỏ đi để phản đối chính sách, và ông nói rằng những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam nên gia tăng sức ép của mình lên nhà cầm quyền.

Và cuối cùng xin lấy hai nhận xét sau đây của hai nhà quan sát làm kết thúc cho câu chuyện ông Võ Văn Thưởng và lời đề nghị đối thoại :

Nhà báo Tâm Chánh viết rằng đối thoại là một quá trình chính trị không dễ dàng, và blogger Phạm Ngọc Hưng thì cho rằng, qua tuyên bố của ông Thưởng, dù sao đảng cầm quyền tại Việt Nam đã chính thức công nhận rằng trong xã hội Việt Nam hiện nay có tồn tại một lực lượng bất đồng chính kiến.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 29/05/2017

Additional Info

  • Author Kính Hòa
Published in Diễn đàn
lundi, 22 mai 2017 09:09

Đối thoại, thật hay giả

BBC ngày 19/05/2017 đưa tin, theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 18/05, ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương có tuyên bố : "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận".

doithoai00

Ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương

BBC còn viết : "Ông cho biết ngành tuyên giáo đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc 'trao đổi và đối thoại' với những người có quan điểm khác với đảng cộng sản".

Tuy nhiên, BBC không dẫn link tới nguồn của báo Pháp luật. Tìm trên mạng với những câu trích dẫn trên thì chỉ dẫn tới các tờ báo không chính thống, chép lại BBC.

Đối thoại là vấn đề tối quan trọng nhưng nhạy cảm.

Nếu đúng là đảng cộng sản, qua lời một ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban tuyên giáo trung ương, là cơ quan cao nhất phụ trách lĩnh vực lý luận và tư tưởng của đảng, quyết định mở cửa tiếp nhận đối thoại với "những người có quan điểm khác với đảng cộng sản", thì đây quả thật là một cuộc cách mạng tư tưởng của đảng cộng sản, cụ thể là của ban lãnh đạo.

Đối thoại với các đối tượng khác chính kiến nhằm tìm kiếm chân lý, chính là tư tưởng bình đẳng chính trị, một biểu hiện cụ thể của sinh hoạt có tính đa nguyên.

Nếu chúng ta đã từng thống nhất với nhau một nguyên tắc chung là phấn đấu cho một nền dân chủ đích thực bằng con đường ôn hoà, phi bạo lực, thông qua đối thoại giữa đảng cầm quyền với các tiếng nói chính trị khác đã và đang trở thành lực lượng vật chất trong xã hội, thì quyết định mở cửa đối thoại của đảng cầm quyền chính là một mục tiêu đã đạt được bước đầu của phong trào quần chúng và của tiến trình dân chủ hóa xã hội Việt Nam.

Và nếu hình dung rằng đây là bước khởi đầu của một cuộc đối thoại chân thành và thực chất, thì con đường dẫn tới dân chủ đích thực, con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam đang đứng trước một sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử 4000 năm, cuộc cách mạng một lần cho vĩnh viễn.

Có thật như vậy không ? Có thật là Đảng cộng sản Việt Nam đã thay đổi nhận thức không ?

Sự kiện này diễn ra ngay sau khi kết thúc Hội nghị trung ương 5/XII với tinh thần kiên định lập trường "định hướng xã hội chủ nghĩa" và kiên quyết chặn đứng "tự diễn biến, tự chuyển hóa", vốn vẫn là tư tưởng của tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng từ trước tới nay, khiến người ta nghi ngờ tính trung thực của mẩu tin của BBC, và nếu tin của BBC là có thật, thì sự nghi ngờ hướng tới tính trung thực của tín hiệu mở cửa đối thoại của đảng cầm quyền.

Đây là thủ đoạn lươn lẹo vốn đã thành bản tính của các nhà chỉ đạo chính sách của đảng cộng sản. Họ tung tin để làm mất hướng phong trào đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là quần chúng công giáo khu vực miền Trung đang có biểu hiện bất tuân dân sự, vô hiệu hóa quyền lực của chính quyền, và có xu hướng tiến tới giành quyền ? Từ kinh nghiệm đối thoại với Đồng Tâm, nhà cầm quyền bắn tin muốn đối thoại với những thành phần đứng sau phong trào ?

Đây là con bài sẽ được sử dụng để tiếp tục thủ đoạn đánh tráo mặt nạ mà đảng đã từng sử dụng và đã từng tưởng rằng đánh lừa được tổng thống Obama.

Trong cuộc đối thoại nhân quyền với phái đoàn nhân quyền Mỹ vào ngày mai, 23/05/2017 tại Hà Nội, kết quả và kết luận của phái đoàn Mỹ sẽ quyết định thái độ của tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp thủ thướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Mỹ sắp tới, với ý nghĩa quá quan trọng quyết định thành bại của chuyến đi và ấp ủ quá nhiều hy vọng lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam. Trump không phải là Obama, lập lờ, không trung thực sẽ không tránh được thất bại.

Con bài đối thoại với các lực lượng chính trị đối lập có thể chỉ được sử dụng như một thứ hàng trang trí, hoặc như một nơi trú ẩn khi còn đường lùi cho cuộc gặp ngày mai.

Nhưng con bài này có thể cũng được những người chủ trương cải cách thật sự sử dụng để lật thế cờ của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giả hóa thật. Đối phó với Mỹ, nhưng phải chứng tỏ thành tâm. Bởi vì tổng thống Mỹ Donald Trump đã không lạ gì thói đi giây giữa Mỹ và Trung Quốc của cộng sản Việt Nam (xem bài viết "nghề làm… mười phương").

Nếu đây là tín hiệu có thật thì Hội nghị trung ương 5 vừa rồi đã thất bại, chứ không phải "kết thức tốt đẹp" như ông Trọng nói trong diễn văn bế mạc.

Có thể hình dung cuộc tranh luận nảy lửa trong hội nghị và chắc chắn bất phân thắng bại giữa hai tư tưởng cải cách thật sự và cải cách nhưng giữ nguyên vai trò lãnh đạo quyết định của đảng.

Ông Trọng dựa vào nguyên tắc cổ điển trung thành với chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội để giành ưu thế chính thống, nhưng ông Trọng đã không có đa số. Ba nghị quyết được ông Trọng tuyên bố thông qua ngay trong Hội nghị, nhưng đến nay chưa được phổ biến. Cái không nhất trí chính là hai chữ "định hướng" bỏ hay không bỏ ra ngoài văn bản.

Có thể phỏng đoán sự phân hóa trong bộ chính trị như thế này : những kẻ theo đuôi ông Trọng chỉ có bà Ngân, bà Phóng, phần còn lại trong bộ chính trị sẽ chia làm hai phần, phần cải cách thực sự chắc chắn sẽ có mặt ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng và ông Đinh Thế Huynh, cùng gần toàn bộ ủy viên bộ chính trị thuộc chính phủ, nhóm này do ông Đinh Thế Huynh dẫn nhịp. Phần còn lại là vài nhân vật cơ hội, chờ ngã ngũ cuộc cờ, trong đám này có thể có ông Trần Quốc Vượng và ông Phạm Minh Chính.

Việc Ban bí thư có thể thông qua bản hướng dẫn đối thoại hay không, và nội dung chính thức của đối thoại là gì sẽ cho biết sự thật mối tương quan lực lượng và sẽ quyết định cuộc cách mạng "đẫm máu" trong nội bộ đảng sắp tới.

Nếu những phỏng đoán trên đây là đúng thì phỏng đoán sự thất bại cuả ông Trọng cũng sẽ đúng. Điều này có nghĩa rằng, nếu tín hiệu mở cửa cho đối thoại với các tư tưởng khác quan điểm của đảng là có thật, thì phái bảo thủ kiên cố chủ nghĩa Mác, chống đa nguyên chính trị của ông Trọng sẽ thất bại. Hội nghị trung ương 6 sắp tới sẽ là hội nghị kết thúc sự nghiệp chính trị của ông Trọng, nếu ông không còn khả năng thích ứng vói sự phát triển của lịch sử.

Những bước đi tiếp theo của lộ trình đối thoại sẽ trở thành hiện thực.

Về chủ đề "Đối thoại", từ tháng 9/2016, tác giả có viết một bài có tựa đề "Đối thoại và lựa chọn" trong đó có thể có một vài ý tưởng góp ích cho tham khảo.

Chưa có gì có thể giúp cho việc xác định, nhưng dù tín hiệu mở cửa cho đối thoại của đảng cộng sản là thật hay giả, cũng không thể bác bỏ một thực tế là thông điệp "đối thoại hòa bình" để đến một nền dân chủ đích thực cho Việt Nam bằng con đường bất bạo động của các tiếng nói dân chủ, đã đến và đang được đảng cộng sản tìm kiếm đối sách. Đó là một bước thắng lợi của dân chủ, và thắng lợi cuối cùng là không thể đảo ngược.

Paris, 22/05/2017

Bùi Quang Vơm 

Additional Info

  • Author Bùi Quang Vơm
Published in Quan điểm
Trang 5 đến 5