Một thất bại "đậm đà bản sắc dân tộc"
Trận bóng đá Việt Nam – Indonesia kế thúc với tỷ số 0-3 ngay trên sân Mỹ Đình, đã bồi thêm một nhát búa cuồng nộ của dư luận đổ lên đầu Huấn luyện viên Philippe Troussier, người Pháp.
Chưa đầy 25 phút đội khách Indonesia đã có hai bàn thắng vào lưới chủ nhà Việt Nam. Ảnh : Giang Huy/VnExpress, 26/03/2024
Thất bại này, đánh dấu một quãng thời gian 20 năm đội tuyển Việt Nam không thua Indonesia trên sân Mỹ Đình, đánh dấu một bước thụt lùi của bóng đá Việt Nam. Bước tiếp theo của đội tuyển Việt Nam muốn đi sâu hơn vào vòng loại WolrdCup 2026 đã trở nên những bước chân trên con đường vạn dặm, xa xôi và khó khăn.
Đã từ khá lâu, dư luận Việt Nam, nhất là những kẻ cuồng nộ về bóng đá, đã từng nghi ngại và ái ngại với những thành quả của đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của một huấn luyện viên ngoại quốc chưa thể hiện được những mong muốn, những hứa hẹn, những viễn cảnh khi ông ta đến nhậm chức tại Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.
Quá trình cầm còi huấn luyện đội tuyển Việt Nam của huấn luyện viên người Pháp này mới được hơn 1 năm, đã đưa đội tuyển qua 14 trận với 4 chiến thắng và 10 thất bại. Đặc biệt trong 3 lần đối đầu với đội tuyển Indonesia chỉ trong 3 tháng, tuyển Việt Nam đều "phơi áo", không ghi được bàn nào và để thủng lưới 5 bàn.
Kết quả trận đấu trên sân Mỹ Đình này, đã làm bật nắp cái tức tối, cái hậm hực và nóng nảy của đám khán giả Việt Nam xưa nay vốn coi việc thắng được một quả bóng còn hơn là việc lấy lại được Hoàng Sa từ tay giặc. Và ngay cả khi trận đấu đang diễn ra, một số khán giả đã căng cờ, căng băng rôn, khẩu hiệu đòi đuổi cổ huấn luyện viên người Pháp này không hề khoan nhượng hoặc nể nang.
Và kết quả cuối cùng trong công việc của huấn luyện viên này là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định sa thải, chấm dứt hợp đồng với huấn luyện viên này.
Như vậy, bóng đá Việt Nam lại trở lại cái ao làng muôn thuở. Qua đó, người ta bàn tán, người ta chê bai, người ta dèm pha đủ mọi cách và với mọi cái có thể ghép cho là nguyên nhân để bóng đá Việt Nam "tụt hậu", lại về cái ao làng như điểm xuất phát trước đây.
Trước kết quả này, những người vốn am hiểu nền thể thao nước nhà, thì cười mỉm : Ừ, dù sao thì cũng đỡ cái nạn cả dân tộc lên đồng, đi bão từ Phó Thủ tướng cho đến cùng đinh nát rượu đổ xuống đường. Dù sao đi nữa, thì cũng đỡ được cái nạn phát ngôn bừa bãi từ những đứa tài xế ít học cho đến tay Thủ tướng "Ngất xăng" khi thắng được một trận cầu.
Đúng vậy thật, bởi một không khí u ám bao trùm cả đất nước, thỉnh thoảng vẳng lên những câu chửi thề độc địa nhằm vào huấn luyện viên ngoại quốc kia. Họ cứ coi như mọi thất bại, mọi hư hỏng, mọi sự không thành công là chỉ do một mình ông huấn luyện viên ấy mà ra vậy.
Nó làm mất đi cái khung cảnh náo loạn, đi bão, nẹt pô xe máy suốt đêm, cảnh đám đàn bà, con gái thoải mái cởi áo giữa đường ôm cờ đỏ sao vàng cho… nổi tiếng. Và sau đó là dăm bảy mạng người được đưa sang thế giới bên kia cho thỏa cơn kích động sau những đêm "đi bão".
Và đặc biệt về phương diện nhà nước, bóng đá Việt Nam đã không tạo nên cơ hội để cho Thủ tướng Chính phủ được rưng rưng xúc động như mọi lần, để thủ tướng thốt lên một câu nói để đời… rằng thì là "Bóng đá Việt Nam thắng Indonesia là do được "được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc", như trong thư ông ta đã viết sau khi Việt Nam thắng đội bóng trẻ Indonesia 4-0 ở vòng loại World Cup 2022.
Ở trận cầu này, người ta chỉ thấy thủ tướng ngồi đó, mặt tái dại nhìn diễn biến trên sân bóng mà chán nản bên cạnh đám cổ động viên áo đỏ sao vàng với biểu ngữ đòi huấn luyện viên biến đi.
Và thất bại được báo trước ở trận đấu này tại sân Mỹ Đình, lại chứng minh điều mà ông Thủ tướng không nói ra : Rằng là "Thất bại này của bóng đá Việt Nam được hun đúc từ truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc".
Thất bại bởi tư duy ăn đong, cách làm ăn xổi ở thì và những tác động tiêu cực, những quan niệm có tính chất "ao làng" đối với vấn đề xã hội và đất nước.
Vấn đề là ở người lãnh đạo
Nhìn lại sự việc một cách bình tĩnh, người ta thấy rằng : Hẳn là mọi sự không chỉ do huấn luyện viên mà nên cơ sự này. Bởi thật ra, thì đây cũng là một huấn luyện viên có bề dày lịch sử với nhiều thành tích chứ không phải là một huấn luyện viên không tiếng tăm.
Có điều, ông ta đã thành công ở nhiều nơi, với nhiều đội bóng khác nhau, với nhiểu giải khác nhau. Nhưng đến Việt Nam thì ông ta thất bại và thất bại thảm hại.
Cũng có thể thời gian cầm quân của ông ta chưa đủ dài, để có thể thực hiện được những ý đồ, kế hoạch của ông ta đặt ra cho việc huấn luyện một đội bóng. Do vậy, với cái bệnh sốt ruột, muốn "ăn ngay" của độc giả Việt Nam, nhất là áp lực với thành tích cụ thể, đã dẫn đến kết quả ngày hôm nay của ông ta.
Một mặt khác, ông huấn luyện viên người Pháp đã chịu một áp lực hết sức lớn lao trước một giai đoạn vừa qua, khi mà ánh hào quang của Pak Hang-seo, cựu huấn luyện viên người Hàn Quốc của đội tuyền Việt Nam vẫn đang còn chói lọi và trong tâm tưởng người Việt, đó là một giai đoạn phát triển "rực rỡ", nhảy vọt của bóng đá Việt Nam.
Ánh hào quang của Pak Hang-seo, cựu huấn luyện viên người Hàn Quốc của đội tuyển Việt Nam vẫn còn hiện diện
Giai đoạn đó, dưới sự dẫn dắt của vị huấn luyên viên người Hàn Quốc, đội tuyển Việt Nam đã từ chỗ ngoi ngóp ở hàng sau trong vùng trũng Đông Nam Á trên tấm bản đồ thể thao thế giới để đạt những thành tích nhất định như :
U23 Việt Nam giành ngôi Á quân U23 Châu Á 2018 tại Thương Châu (Trung Quốc). Đến cuối năm đó, Đội tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup 2018 đầy thuyết phục.
Cũng trong năm 2018, huấn luyện viên Park đưa U23 Việt Nam lọt vào top 4 đội mạnh nhất ở ASIAD 2018. Ông Park cũng đã giúp Việt Nam giải tỏa cơn khát huy chương vàng SEA Games (2019) sau 60 năm chờ đợi. Sau đó hai năm, cùng U23 Việt Nam bảo vệ thành công danh hiệu vô địch SEA Games ngay trên sân Mỹ Đình. Trong năm 2019, tuyển Việt Nam đánh bại chủ nhà Thái Lan và giành ngôi Á quân King's Cup 2019.
Tiếp đó, đội Việt Nam lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup, cùng chiến thắng lịch sử trước tuyển Trung Quốc mang đậm dấu ấn huấn luyện viên Park Hang-seo.
Ngôi Á quân AFF Cup 2022 là danh hiệu cuối của ông Park với bóng đá Việt Nam trước khi chia tay đội tuyển.
Với bấy nhiêu thành tích, cũng đã đủ để đám "con nghiện bóng đá" tại Việt Nam lên đồng và cái chứng tôn thờ thần tượng được dịp nở rộ. Bởi có thể nói, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đạt được đến trình độ đó.
Và cũng những ánh hào quang ấy, đã trở thành cái giá khắc nghiệt mà những huấn luyện viên kế tiếp buộc phải vượt qua, nếu muốn đám "con nghiện" hài lòng.
Đó là một bài toán không hề dễ dàng.
Có một điều, mà huấn luyện viên người Pháp Philippe Troussier khi đến Việt Nam đã mắc phải và điều đó không dễ dàng để sửa sai. Đó là bệnh "nổ".
Những thất bại liên tiếp của huấn luyện viên khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, thường được đặt "ngay ngắn" bên những thành tích của cựu huấn luyện viên để so sánh, để dè bỉu, để tỏ thái độ không hài lòng.
Về phía huấn luyện viên, có thể nói, một sai lầm lớn nhất của ông ta, đó là không hiểu được đối tác của mình. Bởi lịch sử ngành thể thao Việt Nam, sự im lặng thời gian qua, không có nghĩa là những mâu thuẫn, những bê bối của các quan chức, nạn tham nhũng cũng như những vấn nạn khác đã được xử lý. Thế nên, những "Tin Mật" được tiết lộ công khai về chế độ, về tiền lương, về nhiều thứ khác sẵn sàng được tung ra để tạo áp lực xã hội cho huấn luyện viên khi mà "cơm không lành, canh không ngọt" vẫn là chiêu xưa nay, dù có cam kết, dù có được hứa hẹn "giữ bí mật" đến đâu.
Và cho đến nay, Bóng đá Việt Nam đã trải qua hai thời kỳ khá gần nhau : thắng lợi và thất bại.
Và người ta kết luận rằng : Cũng đội tuyển ấy, cũng những con người ấy, cũng sân cỏ ấy, nguồn lực ấy mà làm nên chiến thắng khác hẳn giai đoạn trước đây.
Thế rồi, cũng đội tuyển ấy, cũng những con người ấy, cũng sân cỏ ấy, nguồn lực ấy mà bóng đá Việt Nam lại thất bại liên tiếp dưới một huấn luyện viên khác.
Vậy thì điều ai cũng thấy rất rõ là vấn đề thành bại có vai trò quan trọng ở chỗ người cầm quân, người lãnh đạo.
Nhiễm "Bệnh lãnh đạo Việt Nam" : Nổ
Có một điều, mà huấn luyện viên người Pháp khi đến Việt Nam đã mắc phải và điều đó không dễ dàng để sửa sai. Đó là bệnh "nổ".
Ngay từ khi đến Việt Nam chân ướt chân ráo để ký hợp đồng làm huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam, huấn luyện viên người Pháp đã công bố với báo chí nhiều điều hứa hẹn, nhiều khẳng định như "đinh đóng cột". Rằng thì là mục tiêu của ông đến Việt Nam là WorldCup 2026, rằng thì là với việc huấn luyện của ông, thì mục tiêu WorldCup là điều không khó khăn…
Và như cha ông đã nói : "Nói trước, bước không qua". Ông đã thất bại liên tiếp.
Và những quả "nổ" do ông cài ra từ đầu vẫn còn nguyên trên báo chí và sẵn sàng "nổ" bất cứ lúc nào vào uy tín của ông. Người ta nhắc lại, người ta đay nghiến, người ta ỉ ôi, dè bỉu… bằng những lời ông đã nói, ông đã "nổ" hoặc chỉ vì ông tin vào khả năng của mình khi đó mà nói thật lòng như vậy.
Những điều đó đã đặt ông vào thế bị cô lập, bị tấn công. Và ông lại châm dầu vào lửa bằng những câu bất chấp, đối đầu. Rằng "80% người hâm mộ Việt Nam mong tôi bị sa thải".
Tuy rằng điều ông nói là sự thật. Nhưng ông không hiểu rằng ở cái đất nước mà sự thật là điều cấm kỵ thì việc nói ra sự thật sẽ dẫn đến thất bại.
Tại sao chỉ là bóng đá ? Đất nước này thì sao ?
Quan sát trận cầu giữa Việt Nam – Indonesia người ta thấy hàng loạt khán giả cầm băng rôn, khẩu hiệu hò hét đòi đuổi cổ huấn luyện viên ra khỏi vị trí lãnh đạo đội tuyển Việt Nam.
Nghĩa là với dàn khán giả Việt Nam, thì những thất bại liên tiếp kia, đều có nguyên nhân từ huấn luyện viên, là người lãnh đạo đội bóng.
Và họ giận dữ, họ hò hét, thậm chí buông lời mạt sát đòi đuổi huấn luyện viên.
Thậm chí, nhiều người còn hô hét nhau gửi tiền qua tin nhắn đề Liên đoàn bóng đá Việt Nam góp tiền đền bù hợp đồng cho việc đuổi huấn luyện viên người Pháp này.
Người ta thấy tinh thần yêu bóng đá của người Việt Nam thật là sôi nổi và quyết liệt.
Cũng trong thời gian đó, tại Biển Đông.
Trung Quốc vẫn chiếm không chỉ Quần đảo Hoàng Sa chạm mốc 50 năm – nửa thế kỷ rơi vào tay giặc – và Hoàng Sa, một số đảo đã bị Trung Quốc lấn chiếm, đang bị biến thành những căn cứ quân sự, cắm sâu mũi dao găm vào lãnh thổ đất nước ta.
Ngư dân vẫn bị tàu Trung Quốc (Đảng gọi là Tàu Lạ) đánh đuổi, đâm chém, bắt bớ, cướp giết mỗi ngày khi đánh cá hoặc tránh bão trong lãnh hải Việt Nam.
Hình ảnh tàu cá QNg 90819TS chìm tại Hoàng Sa được các ngư dân dùng điện thoại ghi lại - Ảnh cắt từ video của ngư dân
Bãi Tư Chính, nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, vẫn cứ bị tàu giặc càn đi quét lại suốt hàng tháng trời.
Đất nước rơi vào cơn đại loạn, cái gọi là Chống tham nhũng – thực chất là sự trừng phạt, tranh ăn lẫn nhau giữa các phe phái trong đảng – đã cho thấy sự đồi bại, thối rữa của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Đi theo đó, là con số tiền của tham nhũng, phá hoại từ tiền triệu, nay lên con số tiền tỷ, rồi chục, trăm ngàn tỷ và bây giờ là triệu tỷ...
Đất nước điêu linh, dân tộc hỗn loạn, lòng người ly tán, sức mạnh dân tộc bị tiêu vong… Tất cả nhờ sự lãnh đạo "Tuyệt đối và tài tình" của Đảng cộng sản Việt Nam.
Và vai trò của Đảng hết sức rõ ràng trong thành tựu đưa đất nước đến chỗ khốn cùng và suy vong là điều không thể chối cãi.
Vậy mà đám người cuồng nộ kia, không hề dám hở môi nửa lời để nói lên tình trạng đất nước, chưa nói đến việc đòi đuổi cổ đám lãnh đạo sâu mọt chỉ biết ăn hại và phá phách kia.
Cổ động viên quẩy trên đường phố Sài Gòn mừng chiến thắng của tuyển Việt Nam
Và đó là tấn bi kịch thời đại, tấn bị kịch của dân tộc, đất nước này
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 30/09/2024