Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/04/2024

Phát minh mới của Việt Nam : Quỹ bình ổn xăng dầu

Phương Nguyên, RFA tiếng Việt

Luật quy định phải có thời hạn

Không chỉ vậy, việc quản lý Quỹ bình ổn giá đang được giao cho nhiều cơ quan tham gia như Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công thương phối hợp…

xangdau1

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là sự sáng tạo của Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau qua giá (không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu)

Điều 18. Nguyên tắc và các trường hợp bình ổn giá

1. Nguyên tắc bình ổn giá được quy định như sau :

a) Công khai, minh bạch ; hài hòa lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng ;

b) Phù hợp với điều ước mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên ;

c) Phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát ;

d) Xác định rõ thời hạn và phạm vi thực hiện trên phạm vi cả nước hoặc tại địa phương.

2. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, bình ổn giá trong các trường hợp sau đây :

a) Mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế – xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân ;

b) Khi cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường (trích Luật Giá).

Sử dụng sai mục đích ?

Trong thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ hàng loạt vi phạm của các "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Phổ biến nhất là vi phạm pháp luật liên quan đến việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá do Bộ Công thương, Bộ Tài chính quản lý.

Theo đó có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ bình ổn giá với số tiền là 7.927 tỷ đồng; Trong số này có 3 thương nhân đầu mối đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên : Đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải thủy bộ Hải Hà bị phạt 4 lần, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil bị phạt 3 lần, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức bị phạt 3 lần.

Nhìn toàn cảnh, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dư hàng ngàn tỷ đồng nhưng lại không sử dụng để điều tiết giá xăng dầu trên thị trường. Đặc biệt người dân ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải mua giá xăng dầu theo giá vùng 2, gánh thêm một khoản chi phí, khiến cho cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Cụ thể, theo Cục Quản lý giá, số dư Quỹ bình ổn giá đến hết quý III-2023 (tính đến hết ngày 30/9/2023) là 6.767,27 tỷ đồng. Trong quý IV-2023 (tính từ ngày 1/10/2023 đến hết ngày 31/12/2023), tổng số trích Quỹ bình ổn giá là 14,94 tỷ đồng ; tổng số sử dụng Quỹ bình ổn giá là 132,83 tỷ đồng ; lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá dương là 3,34 tỷ đồng. Còn tính từ đầu năm 2024 đến nay, liên bộ : Công thương – Tài chính đã 12 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó có 7 lần tăng, 5 lần giảm.

Trong lần điều chỉnh gần đây nhất (ngày 21/3), Liên bộ Công thương – Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, xăng E5 RON 92 và RON 95 đồng loạt tăng. Giá xăng RON 95-III tăng so với kỳ điều chỉnh trước, có giá 24.810 đồng (tăng 530 đồng/lít) ; xăng E5 RON 92 là 23.620 đồng một lít (tăng 410 đồng).

Giá các mặt hàng dầu đồng loạt giảm. Giá dầu diesel là 21.690 đồng một lít (giảm 320/lít) ; dầu hỏa có mức giá mới là 20.870 đồng (giảm 390 đồng/lít) ; dầu mazut tăng 50 đồng, có giá mới là 17.140 đồng/kg. Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu đối với các mặt hàng xăng và dầu DO, dầu hỏa. Trong khi đó, dầu mazut trích lập 300 đồng.

Sáng tạo của riêng Việt Nam

Tính đến hiện tại thì Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn được nằm ở doanh nghiệp và do thương nhân đầu mối quản lý trên cơ sở trích lập, hạch toán và theo dõi riêng bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập, chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương.

Định kỳ 6 tháng các thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán độc lập chuyên đề về Quỹ bình ổn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương ; báo cáo kiểm tra sản lượng, chủng loại xăng dầu thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn.

"Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả quỹ đúng đắn", PGS.TS Phạm Thế Anh (Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân) dẫn chứng.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Thế Anh đánh giá, như vậy cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy quỹ bình ổn giá không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước, do đó, đề nghị bỏ quỹ này.

"Quỹ bình ổn giá xăng dầu là sự sáng tạo của Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau qua giá (không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu). Quỹ có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra trích lập khi giá thế giới tăng cũng phổ biến. Tuy nhiên, nguyên tắc này không đảm bảo bình ổn giá trong nước. Theo đó, mức độ biến động của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn trong 3 năm gần đây 2020-2022", Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Thế Anh nói.

Phương Nguyên

Nguồn : VNTB, 02/04/2024

*******************************

Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu : ai giám sát, ai chịu thiệt ?

RFA, 29/03/2024

Trong dự thảo mới về nghị định sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu của Bộ Công thương hôm 28/3/2024, Bộ này đề xuất Nhà nước không điều hành, mà để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu 15 ngày/lần.

xangdau2

Người dân chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Hà Nội. AFP

Dự thảo này được Bộ Công thương cho biết, sẽ thay thế cho ba nghị định về kinh doanh xăng dầu gồm nghị định 83/2014, nghị định 95/2021 và nghị định 80/2023.

Lợi - hại khó đoán

Từ Na Uy hôm 29/3/2024, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhận định :

"Theo nghị định này thì ‘việc mua bán xăng dầu của thương nhân phân phối là từ các nguồn cung của thương nhân đầu mối, nên không phát sinh thêm nguồn cung.’ Khi mà nguồn cung không đa dạng hoá mà chính quyền bỏ kiểm soát thì các nguồn cung sẽ hợp tác với nhau và nâng giá xăng dầu lên. Nghị định này do đó làm lợi cho những doanh nghiệp có quyền nhập khẩu xăng dầu và làm đầu mối".

Ngoài ra, tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ nói thêm, muốn quản lý tốt thị trường xăng dầu, Chính phủ Việt Nam còn nhiều việc phải làm, cụ thể theo Tiến sĩ Vũ :

"Nhà nước nên giảm bớt các quy định và hỗ trợ việc xây dựng các kho chứa. Khuyến khích nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân nhập khẩu xăng dầu và trở thành những đầu mối và nhà phân phối. Khi có nhiều doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu của quá trình phân phối xăng dầu thì thị trường tự nó sẽ điều chỉnh để tạo ra giá tối ưu cho khách hàng.

Những chính sách như vậy nó làm lợi thị trường và nền kinh tế khi chi phí cho xăng dầu sẽ giảm xuống khi các chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ tìm kiếm các giải pháp để hạ giá thành tạo ra cạnh tranh. Nhưng ngược lại, nó làm hại những doanh nghiệp đang giữ quyền làm đầu mối xăng dầu, khiến họ mất đi lợi thế độc quyền và mất đi lợi nhuận".

Do đó theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, trước khi cho phép thị trường được tự do hoàn toàn để cạnh tranh với nhau, việc đầu tiên cần phải làm là rà soát và bỏ bớt các quy định để cho phép nhiều doanh nhân tham gia vào mọi khâu phân phối xăng dầu của nền kinh tế.

Anh Q. (tên viết tắt theo ý người trả lời vì lý do an toàn) - một người dân sinh sống ở miền Trung, hôm 29/3/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng, xăng dầu là loại hàng hóa có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, liên quan đến hầu hết tất cả các ngành và đời sống người dân. Do đó, mặt hàng này lâu nay do Nhà nước định giá và điều chỉnh lên xuống căn cứ vào sự biến động của thị trường xăng dầu thế giới, giờ cho tư nhân tự định giá, nghe có vẻ chưa ổn. Ông này nói :

"Nay, Nhà nước không điều hành mà để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu 15 ngày/lần thì mới nghe tưởng như làm như vậy thì Nhà nước sẽ từng bước hướng tới nền kinh tế thị trường đầy đủ, tức là từng bước cắt cái đuôi ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’.

Hiện nay trong kinh doanh xăng dầu tuy không độc quyền, nhưng vẫn có ‘ông lớn’ chi phối thị trường ! Đó là hiện có nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhưng riêng ‘ông lớn’ Petrolimex đã chiếm thị phần khoảng 65%, còn lại các doanh nghiệp khác chiếm 35%. Nếu ‘ông lớn’ này được thả tự do về định giá bán, thì họ sẽ dẫn đến lũng đoạn thị trường xăng dầu, nếu ‘ông lớn’ này tăng giá thì các doanh nghiệp khác cũng phải tăng và ngược lại. Khách hàng khó có sự lựa chọn khi đổ xăng vì như trên đã nói, các điểm bán xăng dầu của Petrolimex hầu như chỗ nào cũng có".

Chưa kể, theo ông Q., những ‘ông lớn’ như Petrolimex cũng có thể lợi dụng việc quyết giá bán xăng dầu để triệt hạ các công ty xăng dầu nhỏ hơn, nên theo ông, Nhà nước tuy không can thiệp về giá xăng dầu như trước, nhưng các Hiệp hội xăng dầu với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là thành viên, cần có vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp hoạt động theo đúng Luật về giá, Luật cạnh tranh...

Nghĩa là, doanh nghiệp xăng dầu tự định giá, nhưng Nhà nước phải khống chế giá trần phù hợp với giá xăng dầu thế giới, chứ không thể muốn làm gì cũng được và Hiệp hội xăng dầu nên đóng vai trò giám sát việc tăng giá.

xangdau3

Người dân chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Hà Nội. AFP.

Cơ chế mới, cách kiểm soát cũ ?

Thời gian qua, ngành xăng dầu do Bộ Công thương quản lý xảy ra nhiều bê bối. Theo kết luận thanh tra xăng dầu do Thanh tra Chính phủ công bố vào ngày 4/1/2024 có nêu, Bộ Công thương có vi phạm trong cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, điều hành giá xăng dầu... Cụ thể, trong hơn năm năm, liên Bộ Công thương – Tài chính quyết định chi từ Quỹ bình ổn giá khi giá nhiên liệu chưa tăng, số tiền gần 1.143 tỷ đồng, và chi bình ổn cao hơn mức tăng giá, hơn 318 tỷ đồng…

Cùng thời điểm đó, Bộ Công an cũng xử lý với hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường tại ba doanh nghiệp, gồm : Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (của đại gia kim cương Chu Đăng Khoa), Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Mới nhất là vào ngày 29/1/2024, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các Cục Hải quan dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với xăng dầu và nguyên liệu xuất nhập khẩu của Công ty Hải Hà và Công ty Xuyên Việt Oil vì không đủ điều kiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất…

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trần Tuyết Mai - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hải Hà - do không nộp số tiền trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và sử dụng tiền Quỹ Bình ổn giá trái quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 317 tỷ đồng.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, người từng được chính phủ mời góp ý về quản lý giá xăng dầu, giải thích với RFA hôm 29/3/2024 liên quan Dự thảo mới của Bộ Công thương :

"Nghị định kinh doanh xăng dầu trải qua rất nhiều thay đổi, gần đây nhất là nghị định 80 và sửa đổi bằng nghị định 83 và 95. Nhưng lần này thủ tướng quyết định là phải xây dựng cái mới, vì sửa đổi không thể thay đổi hơn 20% nội dung. Có mấy vấn đề cần phải được xem xét, thứ nhất là nghị định này đã giảm thiểu bớt các cơ quan trung gian, những đơn vị kinh doanh làm tăng chi phí… bây giờ chỉ cần đại lý thôi. Thứ hai là quỹ bình ổn có nên tồn tại hay không ? Thứ ba là điều kiện kinh doanh xăng dầu và thứ tư là cơ chế điều hành giá".

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong cơ chế thị trường có hai chủ thể điều hành giá, một là Nhà nước và hai là thị trường quyết định. Do đó, tiến sĩ Long cho rằng’ :

"Lần này để cho doanh nghiệp quyết định giá, nhưng Nhà nước vẫn quyết định những phần cứng như chi phí đầu vào, giá vốn, các loại thuế... còn những cái như chi phí kinh doanh, lợi nhuận các thứ là phần doanh nghiệp tự quyết định. Thế thì để cho doanh nghiệp quyết định có trái với các định chế về quản lý giá của pháp luật hay không ? Nhưng với cơ chế này, nói là Nhà nước để cho doanh nghiệp định giá, nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát, theo dõi chặt chẽ xem có bất thường hay không".

Trước kia giá xăng dầu tại Việt Nam được điều chỉnh 30 ngày một lần, sau đó rút xuống 15 ngày, 10 ngày rồi bảy ngày... bây giờ lại lên 15 ngày điều chỉnh một lần. Trong khi với các nước khi để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết định giá thì thường là được phép điều chỉnh hàng ngày. Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long giải thích :

"Vì trên thị trường Việt Nam chưa có cạnh tranh thật sự và đầy đủ nên bản thân doanh nghiệp không thể định giá hằng ngày. Tôi đã được mời tham gia góp ý, đây là cái mới phải chờ đợi để xem xét, nhưng cái mới này là một bước tiến, một cái thay đổi hẳn về tư duy. Nhưng theo tôi điều kiện kinh doanh xăng dầu phải quy định rõ từng đối tượng như tổng công ty đầu mối thì phải điều kiện như thế nào, có đủ chặt chẽ không ? Quy định rõ công ty phân phối, công ty bán lẻ tiêu chuẩn như thế nào ? Đây là bước đầu, cần phải xem xét và thay đổi cho phù hợp thực tế".

Nguồn : RFA, 29/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phương Nguyên, RFA tiếng Việt
Read 283 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)