Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/04/2024

Ai kế nhiệm Tổng Trọng : Quyền chủ động thuộc về họ Tô

Chánh Thành - Trà My - Nguyễn Anh Tuấn

Tô Lâm sẽ nhường ghế Chủ tịch nước cho Trương Thị Mai

Chánh Thành, VNTB, 02/04/2024

Theo quy định 214 của Bộ Chính trị (do ông Nguyễn Phú Trọng ban hành năm 2020) thì các chức danh trong tứ trụ gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Trong 14 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay chỉ có 5 người đủ tiêu chuẩn này là Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai và Tô Lâm.

1truongthimai1

Muốn làm tổng bí thư thì Tô Lâm phải giữ ghế bộ trưởng bộ công an thêm hai năm nữa.

Sẽ rất khó có chuyện đương nhiệm giống như trường hợp ông Trọng vừa làm Tổng bí thư vừa làm Chủ tịch nước giai đoạn 2018-2021, nên ghế chủ tịch nước hiện nay chỉ có hai ứng viên đủ điều kiện là Tô Lâm và Trương Thị Mai.

Với vai trò là bộ trưởng Bộ Công an, kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tô Lâm dường như đã nắm thóp được tất cả các đối thủ chính trị còn lại trong hệ thống chính trị Việt Nam. Cùng với việc thâu tóm mọi quyền lực vào tay mình, có thể nói cái ghế trống trong phủ Chủ tịch nước hiện nay là do Tô Lâm quyết định, ngồi hay nhường là quyền của họ Tô.

Chủ tịch nước chỉ là một chức vụ mang tính hình thức chứ không nắm nhiều thực quyền, đặc biệt là có thể bị phế truất bất cứ lúc nào giống như Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng. Trong khi đó, Tổng bí thư là lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời là chức vụ nắm quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam. Tổng bí thư là người đứng đầu Ban chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư, kiêm luôn chức Bí thư Quân ủy Trung ương và là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Buông rèm nhiếp chính" : dọn đường lên Tổng bí thư

Cũng theo quy định 214 của Bộ Chính trị, Tổng bí thư phải là người "tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng". Việc lên làm "đầu đảng" sẽ giúp Tô Lâm tha hồ thuyết giảng trí tuệ và đạo đức với các thuộc cấp. Với tham vọng của mình, Tô Lâm chỉ có thể đứng thứ hai sau Nguyễn Phú Trọng, khi ông Trọng không ngồi ghế Tổng bí thư nữa, thì Tô Lâm phải là số một.

Nếu Tô Lâm bỏ chức bộ trưởng Bộ Công an để lên ngôi chủ tịch nước ngay bây giờ, thì cũng chỉ có thể ngồi ở vị trí này được thêm hai năm nữa, vì tới 2026 là hết nhiệm kỳ. Tô Lâm ắt hẳn sẽ không "tham bát bỏ mâm", nhường ghế bộ trưởng công an cho người khác để nhảy qua một cái ghế gãy, bù nhìn và có nhiều "dớp" ngã ngựa như ghế chủ tịch nước Việt Nam. Hơn nữa, khi Tô Lâm chủ động nhường chức chủ tịch nước cho Trương Thị Mai, thì bà Mai bắt buộc phải "nghe lời" bộ trưởng bộ công an, nếu không muốn đi vào vết xe đổ của ông Phúc và ông Thưởng.

Như vậy, trụ lại bộ Công an thêm hai năm, Tô Lâm sẽ vừa có thể "buông rèm nhiếp chính", thao túng chủ tịch nước, vừa dễ dàng thanh trừng các đối thủ chính trị và dọn sạch cỏ trên đường tiến thẳng lên ghế Tổng bí thư. Còn nếu qua làm chủ tịch nước, vừa không còn thực quyền, vừa có thể bị các đối thủ lật đổ hoặc đầu độc. Tô Lâm chắc chắn không muốn trở thành Trần Đại Quang thứ 2, khi chỉ mới rời ghế tư lệnh ngành công an lên làm chủ tịch nước được hai năm là chết bất đắc kỳ tử.

Dù ghế chủ tịch hay tổng bí thư thuộc về ai thì người dân Việt Nam cũng là nạn nhân của chế độ độc tài, khi không có quyền bầu cử tự do, không được lựa chọn lãnh đạo. Tuy nhiên việc đấu đá, hãm hại, thanh trừng giữa các phe phái trong Đảng sẽ gây ra chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Các đảng viên sẽ nghi ngại và đề phòng lẫn nhau khiến cho đảng cộng sản càng ngày càng suy yếu và dễ bị sụp đổ nếu có ngoại lực tác động. Tình hình tuy rối ren, nhưng "trời mau tối mau sáng", đó cũng là thời cơ để thúc đẩy nền dân chủ cho nước nhà.

Chánh Thành

Nguồn : VNTB, 02/04/2024

**************************

Sự lộng hành quá mức của Tô Đại : Vì sao Đại biểu quốc hội cũng không chịu nổi ?

Trà My, Thoibao.de, 01/04/2024

Trong những năm gần đây, dư luận xã hội hết sức bức xúc trước sự lộng hành của cán bộ công an, của Bộ Công an cũng như Bộ trưởng Tô Lâm.

csgt1

Bên cạnh việc tuần tra công khai, cán bộ Cảnh sát giao thông còn kết hợp hóa trang, mặc thường phục bí mật nắm tình hình để thông báo và kịp thời xử lý người vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ trên các tuyến đường, đặc biệt là xử lý người sử dụng rượu bia tham gia giao thông.

Theo số liệu chi ngân sách của Bộ Tài chính, trong 3 năm liên tiếp (từ 2021 đến 2023), số tiền chi cho Bộ Công an luôn cao thứ 2, chỉ sau Bộ Quốc phòng, và gấp hơn chục lần so với Bộ Giáo dục cũng như Bộ Y tế.

Ví dụ cụ thể, năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng, và được tăng lên gần 100 ngàn tỷ đồng trong năm 2023. Trong khi, năm 2022, số tiền chi cho Giáo dục chỉ là 6,521 ngàn tỷ, và 6,526 tỷ cho năm 2023.

Điều đó cho thấy, chi ngân sách cho ngành Công an cao gấp khoảng 13 lần ngân sách chi cho Giáo dục, và chi cho Y tế cũng ở tình trạng tương tự. Theo giới chuyên gia, điều đó thể hiện chính sách bất hợp lý của chính quyền Việt Nam, đã có sự ưu tiên quá mức đối với lực lượng "thanh kiếm và lá chắn".

Mới nhất, truyền thông nhà nước ngày 22/3 đưa tin, theo đại diện của Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ mặc thường phục để "bắt" người vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, cảnh sát giao thông sẽ bố trí lực lượng mặc thường phục, bí mật nắm tình hình để thông báo và xử lý người vi phạm sử dụng rượu, bia tham gia giao thông trên tuyến.

Truyền thông quốc tế đánh giá rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có quy định ngặt nghèo nhất về nồng độ cồn, đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Việc chính quyền Việt Nam đưa ra chính sách cấm tuyệt đối người lái xe có hơi men, ban đầu được công luận đồng tình, nhất là việc lực lượng cảnh sát giao thông xử lý quyết liệt đối với các lái xe say xỉn. Công luận thấy rằng, trong thời gian qua, tình trạng tai nạn giao thông trên đường đã giảm hẳn. Đồng thời, việc quyết liệt xử phạt người có nồng độ cồn tham gia giao thông, cũng thay đổi thói quen của những người dân thích nhậu nhẹt. Đây là điều đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, việc lạm quyền của công an khi gia tăng phạt người vi phạm, cũng như việc xử phạt hành chính những người, những hội nhóm trên mạng xã hội, thông báo về các trạm kiểm soát của công an, là điều không thể chấp nhận được. Ngay cả đại biểu quốc hội cũng không đồng tình với chủ trương "lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tiến hành mặc thường phục để "bắt" người vi phạm nồng độ cồn".

Báo Thanh Niên ngày 27/3 đưa tin, "Đại biểu quốc hội : "Cảnh sát giao thông mặc thường phục xử phạt nồng độ cồn, mắc cớ gì phải làm thế ?". Tuy nhiên, ngay sau đó, bản tin này đã không còn tồn tại. Bấm vào đường link thì được báo lỗi 404 và thông báo "lỗi không truy cập được". Tuy nhiên, nội dung của bài báo vẫn có thể theo dõi được trên các trang khác của mạng xã hội.

Bản tin cho biết, sáng 27/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 khóa XV, thảo luận về Dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) bày tỏ đồng tình với phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, Đại biểu Lan đã đề nghị rà soát, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp, và phải có lộ trình, từng bước theo thời gian, để tạo thành ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông.

Đại biểu quốc hội chuyên trách Phạm Văn Hòa thì cho rằng, ủng hộ nguyên tắc đã uống rượu, bia thì không lái xe. Nhưng việc "uống ½ cốc bia từ ngày trước, đến sáng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn", nếu bị cảnh sát giao thông phạt thì rất vô lý.

Qua tìm hiểu của phóng viên thoibao.de, được biết, nguồn cơn của tình trạng trên xuất phát từ Nghị định 100 của Chính phủ, ban hành năm 2019, và Nghị định do Bộ Công an ban hành vào cuối năm 2023, về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Nhưng quan trọng hơn, theo Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương được Quốc hội thông qua chiều ngày 10/11/2023, Bộ Công an được hưởng 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, 15% còn lại dành cho các địa phương, để chi cho các lực lượng khác. Đây là điều rất bất hợp lý.

Công luận cho rằng, điều đó đã kích thích sự "hưng phấn" làm tiền của lực lượng cảnh sát giao thông. Lực lượng này bất kể nắng mưa, 24/7 có mặt trên đường để hành dân.

Công luận thấy rằng, việc Quốc hội cho phép công an được hưởng tới 85% tiền phạt, là nhà nước mặc nhiên cổ vũ và khích lệ việc xử phạt – đó là hành vi "coi dân là con bò sữa".

Dù rằng chủ trương cấm người có nồng độ cồn cao khi điều khiển phương tiện giao thông là hợp lý, góp phần làm giảm tai nạn, nhưng cũng không thể áp dụng một cách quá cứng nhắc như hiện nay.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 01/04/2024

****************************

Ai sẽ kế nhiệm ông Trọng trong Đại hội 14 : Không ai cả

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 31/03/2024

Những cuộc thảo luận xung quanh cú ngã ngựa bất ngờ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tập trung vào câu hỏi ai sẽ là người thay thế ông. Một vài cái tên được đưa ra, từ Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. 

kevi2

Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm tham quan gian hàng của Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an.

Dù vị trí Chủ tịch nước không nắm giữ nhiều thực quyền trong hệ thống chính trị nhà nước đảng ở Việt Nam, song sở dĩ dư luận quan tâm là vì người ngồi vào chiếc ghế này có cơ hội kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong vị trí Tổng bí thư. 

Kể từ khi ông Trọng đánh bại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Đại hội XII (2016), sự cân bằng tinh tế giữa Bộ Chính trị - đại diện cho bộ máy quan liêu đảng ở trung ương, và Ban Chấp hành Trung ương - đại diện cho các cơ cấu đa dạng trong hệ thống chính trị, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, Quân đội và Công an, đã dần bị thay thế bằng sự tập trung quyền lực cao độ vào vị trí Tổng bí thư. 

Các quy chế nội bộ mới được ban hành và những cơ quan giám sát được tăng quyền đã giúp vị trí Tổng bí thư nắm giữ quyền sinh sát với mọi đảng viên, bao gồm cả Ủy viên Trung ương lẫn Ủy viên Bộ Chính trị. 

Bởi vậy, khi ông Thưởng bị loại, mọi ánh mắt đổ dồn vào chiếc ghế trống của ông để xem ai sẽ là người được ông Trọng chọn, như một dấu chỉ về người sẽ kế nhiệm vị trí Tổng bí thư đầy quyền lực trong nay mai. 

Song, những ai đang kỳ vọng có thể sẽ thất vọng. Ông Trọng có thể đang chẳng chọn một ai kế vị mình. 

Nói cách khác, ông Trọng đang tìm cách để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 của mình một cách xuôi chèo mát mái vào Đại hội XIV (2026) tới đây, và việc loại bỏ ông Thưởng, hay trước đó là ông Phúc, cần được xem như một phần của nỗ lực này. 

Ở kỳ Đại hội XIII (2021) vừa qua, ông Trọng đã khiến cho công chúng và giới quan sát ngỡ ngàng khi bất chấp Điều lệ Đảng để tại vị nhiệm kỳ thứ 3. Dù giữ được ghế, song ông Trọng có lẽ cũng cảm giác được hành động "cố đấm ăn xôi" này không được danh chính ngôn thuận cho lắm, nhất là khi nhìn qua Trung Quốc, nơi Tập Cận Bình khi muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 của mình đã cẩn thận sửa đổi Hiến pháp trước đó ra sao. 

Có lẽ vì thế mà lần này ông Trọng tiết lộ Đại hội XIV (2026) sẽ tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng, lần đầu tiên trong vòng 15 năm. Dù chưa rõ điểm nào sẽ được sửa đổi, song có thể dự đoán rằng quy định giới hại hai nhiệm kỳ của vị trí Tổng bí thư sẽ được gỡ bỏ, mở đường cho ông Trọng tại vị một cách chính danh.

Bên cạnh những trở ngại về quy chế, một thử thách khác đối với ông Trọng là sự phản đối từ các "nguyên lão" tức các cựu lãnh đạo cấp cao - những người vốn từng chịu những ràng buộc về nhiệm kỳ hoặc tuổi tác nay lại thấy đồng chí đàn em mình ngang nhiên bước qua. Thử thách này lẽ ra có thể có một sức nặng tuy nhiên nếu xét rằng đa số các cựu lãnh đạo đều có con em đương chức với những ràng buộc về quyền lợi và an toàn, không khó để ông Trọng hóa giải. Trường hợp Trần Tuấn Anh, con của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một ví dụ. Ông được đôn lên Bộ Chính trị vào Đại hội XIII như một cách để xoa dịu sự phản đối nếu có từ cha ông, song đã nhanh chóng bị loại bỏ một khi ông Trọng tại vị thành công.

Cuối cùng, một điều có thể khiến người trọng danh tiếng như ông Trọng e ngại là điều tiếng tham quyền cố vị từ dư luận về cá nhân ông, nhất là khi cân nhắc tuổi tác và tình hình sức khỏe của Tổng bí thư. Để xoa dịu dư luận trong và ngoài đảng, ông Trọng đã chấp nhận trong Đại hội XII (2021) ông không phải là trường hợp đặc biệt duy nhất, mà còn có ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông cũng cho dư luận thấy ông chấp nhận "tre già măng mọc" khi sắp xếp cán bộ trẻ Võ Văn Thưởng vào một trong những vị trí cao nhất. Tuy nhiên, điều gì xảy ra với Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng sau đó thì đến nay dư luận đã rõ. 

Tóm lại, cũng như Đại hội XIII (2021), vào kỳ Đại hội XIV (2026) tới đây, ông Trọng sẽ lại tiếp tục tạo ra một tình huống chính trị rằng ông là phương án hợp lý duy nhất cho vị trí Tổng bí thư. Và với một Điều lệ Đảng đã được gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ, ông Trọng sẽ tái cử nhiệm kỳ thứ tư danh chính ngôn thuận. 

Từ giờ tới lúc đó, những ai mong đợi một cái tên khác hẳn sẽ thất vọng. 

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 31/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chánh Thành, Trà My, Nguyễn Anh Tuấn
Read 297 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)