Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2024

Đại gia Dương Công Minh dùng công an đàn áp truyền thông ?

Gió Bấc

Tin đồn về đại gia Dương Công Minh : dùng công an đàn áp truyền thông, căn bệnh nan y của tư sản đỏ

Trong ngày cá tháng 4, trang Facebook tên "Thang Dang" đăng tin ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - bị cấm xuất cảnh vì tham gia rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan số tiền lên đến 108.000 tỷ đồng và hơn 12 triệu USD, được bà Lan trả công 30.000 tỷ đồng. Thang Dang là nickname của ông Đặng Tất Thắng, là cộng sự thân thiết hiếm hoi của Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) không dính vào lao lý. Ngược lại, sau khi Quyết Còi (tên thường được gọi của ông Trịnh Văn Quyết) bị khởi tố, ông Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo airline một thời gian cho đến khi hãng hàng không này bị Dương Công Minh thâu tóm.

daigia1

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank - Báo Công thương

Ngay sáng 2/4, thị trường chứng khoán náo động, cổ phiếu STB của Sacombank bị bán tháo, ảnh hưởng dây chuyền đến các cổ phiếu khối ngân hàng. Đây là sự cố truyền thông khá nguy hiểm trong lĩnh vực tài chính cần phải có biện pháp xử lý khẩn cấp, tinh tế, phù hợp để ngăn ngừa giảm thiểu thiệt hại về vật chất cũng như uy tín thương hiệu. Xử lý khủng hoảng truyền thông không phải là điều xa lạ mà đã thành khoa học, bài bản vỡ lòng cho các nhà quản lý

Tầm vóc ngân hàng lớn như Sacombank hẳn luôn luôn có sẵn phương án dự phòng cho các tình huống khủng hoảng khác nhau. Có trong tay một hãng máy bay thương mại, nếu thật sự không bị cấm xuất cảnh, ông Dương Công Minh chỉ cần bỏ chút ít tiền, chút ít thời gian, mời một nhóm báo chí, truyền thông thân hữu, làm chuyến du lịch đột xuất đi Bangkok, Singapore hay Phnom Penh uống cà phê, nghe nhạc… chụp ảnh quay phim rồi quay về. Chỉ trong vài giờ những hình ảnh, clip video này sẽ lan tràn trên mạng xã hội, báo chí, truyền thông. Thông tin xấu sẽ bị đánh tan mà không cần đính chính. Đó chỉ là giả định của một người không có chuyên môn. Đội ngũ chuyên gia của ông Minh chắc hẳn sẽ có nhiều chiêu thức hay hơn, độc đáo, hiệu quả hơn để xử lý hậu quả của tin tức sai lệch từ một trang Facebook cá nhân chưa phải tầm cỡ Kols (người gây ảnh hưởng trên mạng xã hội).

Ấy nhưng ông Minh và Sacombank lại có lựa chọn khác. Sự lựa chọn thường thấy của các doanh nghiệp thân hữu với guồng máy Nhà nước. Sáng 2-4, báo chí đồng loạt đưa tin theo công văn của Sacombank là "Sacombank bác thông tin ông Dương Công Minh bị cấm xuất cảnh".

Thông cáo báo chí phản bác tin đồn có hại là điều bình thường. Nhưng đáng nói ở đây, công văn của Sacombank còn gửi đến các cơ quan Đảng, Nhà nước như Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và truyền thông và đặc biệt là Bô Công an với yêu cầu gay gắt nặng nề : "Ngân hàng Sacombank khẳng định những thông tin đăng trên Facebook Thang Dang về ông Dương Công Minh là hoàn toàn bịa đặt, vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định" (1).

Nói về sự chùng chình, đủng đỉnh của quan chức Việt Nam Xã Nghĩa, người ta có câu "Hà Nội không vội đươc đâu". Thế nhưng do hồng phúc nào đó của Sacombank, chỉ vài giờ sau, các báo điện tử của Nhà nước lại rộ lên lời vàng ngọc của cơ quan quyền lực "Bộ Công an"

Báo chí dẫn lời Trung tướng Tô Ân Xô : "Bộ Công an xác định, cho đến thời điểm hiện nay, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Ngân hàng Sacombank không nằm trong danh sách chú ý xuất nhập cảnh hoặc cấm xuất cảnh".

Đáp ứng yêu cầu của Sacombank, ông Tô Ân Xô đe dọa : "Bộ Công an bác bỏ mọi thông tin sai sự thật nhằm phá hoại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của hệ thống tài chính, ngân hàng. Mọi hành vi đưa tin sai sự thật sẽ bị phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" (2).

Thật ra, nếu ông Đặng Tất Thắng có nói sai thì chỉ sai với cá nhân ông Dương Công Minh, không có tình tiết nào cho thấy thông tin này "nhằm phá hoại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của hệ thống tài chính, ngân hàng". Hơn nữa ông Thắng đang cư trú tại Úc, muốn bắt về Việt Nam quy án xử lý nghiêm theo Điều 331 (Bộ luật Hình sự) hoặc điều luật ất ơ nào đó e rằng lại xảy ra scandal Trịnh Xuân Thanh thứ hai.

Miệng của quan có gang có thép, dưới tay của quan có cả đạo quân bò đỏ, hacker, nên chỉ vài giờ sau, trang Facebook Dang Thang không còn truy cập được nữa. Tuy vậy, việc ngăn chặn tin đồn trên mạng vẫn chưa phải là hoàn hảo. Đến rạng sáng ngày 3-4 trên trang Facebook Thanh Hieu Bui (Nguoi Buon Gio) vẫn còn đầy đủ thông tin của ông Thắng. Trang này còn đăng lại đơn thư tố cáo Dương Công Minh hối lộ trung tướng Đỗ Văn Hoành - Cục trưởng C01 (Bộ Công an) hai triệu đô la trong quá trình Minh cưỡng ép, lừa gạt Trịnh Văn Quyết để mua cổ phần Bamboo với giá rẻ mạt 250.000 đồng/cổ phiếu. Thanh Hieu Bui bàn thêm "Có thể Minh Xoài và Đỗ Văn Hoành sắp đến ngày bị điều tra. Thấy nói Minh Xoài đã bị phát hiện liên quan rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan. Còn Hoành thời làm công an Vĩnh Phúc nhận tiền của Hậu Pháo" (3).

daigia2

Hình chụp một post trên trang Facebook Thanh Hieu Bui về đơn tố cáo của ông Đặng Tất Thắng. Facebook/Thanh Hieu Bui

Có thể còn nhiều trang Facebook khác cũng đã lưu lại thông tin này, nên việc dùng quyền lực công an ngăn chặn tin đồn chỉ là lấy mùi xoa che voi ma mút.

Mặc khác, liệu tuyên bố trấn an của Trung tướng Công an có thuyết phục được công chúng hay không ? E rằng không ! Người Việt đã có quá nhiều "kỷ niệm" về sự trung thực của quan chức, báo chí Việt Nam. Từ chuyện "Tao có chi mô. Mỗi bữa ăn hai bát cơm" của hồn ma Nguyễn Bá Thanh tới chuyện ông Đại Tướng Phùng Quang Thanh trị bệnh… Ngay với ngành Công an và Trung tướng Tô Ân Xô "kỷ niệm" về sự nay có mai không càng đậm đà. Trong vụ bắt Trịnh Văn Quyết, dư luận đồn ầm ĩ đã bắt, có hình ảnh Quyết ăn mì gói trên sân bay, ngày 28/3/2022 báo chí đăng "Cơ quan điều tra phủ nhận thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt" với lý lẽ hùng hồn, chi tiết (4).

Nhưng chỉ một ngày sau, Trung tướng Tô Ân Xô, xác nhận cơ quan điều tra đã bắt tạm giam bị can Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán (5).

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, ngày 8/10 cùng năm, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan.

Chiều cùng ngày, tại Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo thông tin về hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) sau vụ bà Trương Mỹ Lan và một số người bị khởi tố, bắt tạm giam.

Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành SCB, khẳng định Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông không phải là cổ đông của SCB. Bà Trương Mỹ Lan cũng không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng này (6).

Nhưng rồi Bộ Công an kết luận điều tra khẳng định, bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cổ đông chiếm hơn 90% vốn điều lệ tại SCB) đã chỉ đạo người thân, thuộc cấp tại SCB và các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát lập các hồ sơ "khống" vay vốn của SCB, sau đó chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng và gây thiệt hại hơn 415.000 tỷ đồng của ngân hàng này (7).

Thực tế đó buộc người ta phải tin vào tin đồn và buộc phải hiểu ngược lại những gì ông Xô hay các quan chức nói. Hơn thế nữa, trường hợp ông Dương Công Minh, câu nói ông Tô Ân Xô rất ỡm ờ : "cho đến thời điểm hiện nay, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Ngân hàng Sacombank không nằm trong danh sách chú ý xuất nhập cảnh hoặc cấm xuất cảnh". Người ta buộc phải diễn dịch là hôm nay (2/4) thì chưa, còn hôm khác thì sẽ có.

Sự hoài nghi, hoang mang ấy đã thể hiện thành hành động. Mặc dù Sacombank, ông Tô Ân Xô trấn an nhưng đến cuối ngày 2/4, báo chí ghi nhận sự thật đáng buồn : "cổ phiếu STB của Sacombank trải qua một ngày giao dịch đầy biến động khi xuất hiện tin đồn về ông Dương Công Minh. Thị giá mất gần 4%, trong khi khối lượng giao dịch vọt lên 105 triệu đơn vị.

Kết phiên hôm 2/4, khối lượng giao dịch STB ở mức đột biến và đạt kỷ lục với hơn 105 triệu đơn vị, cao hơn năm lần so với khối lượng giao dịch bình quân ngày hôm qua. Giá trị giao dịch STB đạt khoảng 3.200 tỷ đồng phiên này. Khác với xu hướng thường mua vào nhóm cổ phiếu điều chỉnh, hôm nay khối ngoại cũng bán ròng mạnh STB với gần 290 tỷ đồng.

Việc cổ phiếu Sacombank chịu áp lực bán tháo được nhận định có liên quan tới tin đồn về ông Dương Công Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank". (8)

daigia3

Sân golf Tân Sơn Nhất doTập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh đầu tư. AP

Thế lực chống lưng ông Dương Công Minh rất mạnh. Thực tế trong khi sân bay Tân Sơn Nhất kẹt từ trên không đến mặt đất, ông vẫn ung dung chiếm giữ trên 100 ha đất sân bay kinh doanh sân golf. Bộ trưởng Giao thông vận tải, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ngay cả Thủ tướng cũng không hé miệng đòi. Ông thâu tóm Sacombank nhẹ nhàng từ tay Trầm Bê khi ông này dính án và một lần nữa thâu tóm Bamboo khi Trịnh Văn Quyết đang bị tạm giam, đủ thấy thủ thuật của ông cũng rất cao cường. Nhưng trong cuộc chiến cung đình hiện nay người ta chặt nhánh trước khi đốn củi, bắt sân sau để chiếm mặt tiền, liệu ông Minh có thể tiếp tục an hưỡng ?

Với doanh nghiệp, sự bền vững không phải từ thế lực thân hữu chống lưng mà chính từ niềm tin của khách hàng. Cơ sở xây dựng lòng tin là sự trung thực, tôn trọng khách hàng, lắng nghe dư luận. Dùng quyền lực của bộ máy nhà nước, công an trấn áp dư luận là con đường ngắn nhất để tự sát. Chỉ trong ngày 2/4, khách hàng khối ngoại cũng bán ròng mạnh STB với gần 290 tỷđồng là dấu hiệu cho thấy không chỉ trong nước, lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đang sụp đổ.

Không riêng ông Dương Công Minh, hấu hết các đại gia đều dùng quyền lực công an để giải quyết sự cố. Trần Qúy Thanh Tân Hiệp Phát nổi danh là Đốc tờ Ruồi đã đẩy khách hàng vào tù. Gần đây hơn và mạnh mẽ hơn VinFast cũng đã dùng công an trấn áp dư luận ngay khi chuẩn bị IPO trên thị trường Mỹ càng gây ra dư luận xấu trên trường quốc tế.

BBC tiếng Việt và các hãng tin quốc tế đã cảnh báo "Vinfast gây tranh cãi khi báo công an xử lý khách hàng phàn nàn" (9) dự báo rằng cung cách ứng xử này sẽ tác hại rất lớn cho tương lai.

Dù có vượt qua đại nạn rửa tiền cho Vạn Thịnh Phát hay đại án Hậu Pháo Vĩnh Phúc e rằng Dương Công Minh cũng khó vượt qua liều thuốc tự sát dùng công an bịt miệng truyền thông. Khốn thay, những doanh nghiệp, đại gia này vốn ra đời và lớn lên từ thể chế độc quyền, lạm quyền của cộng sản, cậy dựa vào quyền lực công an, chính quyền để cướp bóc, chiếm đoạt, trấn áo đã nghiện ngập sự lạm quyền ấy như căn bệnh nan y.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 03/04/2024

Tham khảo :

1. https://tuoitre.vn/sacombank-bac-thong-tin-ong-duong-cong-minh-bi-cam-xu...

2. https://congly.vn/bo-cong-an-bac-bo-tin-don-chu-tich-sacombank-bi-cam-xu...

3. https://www.facebook.com/nguoibuon.gio.9/posts/pfbid027pTK2Pcu3ZBLX8BeC9...

4. https://tienphong.vn/co-quan-dieu-tra-phu-nhan-thong-tin-ong-trinh-van-q...

5. https://tuoitre.vn/chu-tich-flc-trinh-van-quyet-bi-bat-vi-thao-tung-chung-khoan-20220328004526775.htm

6. https://nld.com.vn/thoi-su/bat-tam-giam-ba-truong-my-lan-202210082227589...

7. https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-ba-truong-my-lan-da-rut-ruot-ngan-hang-scb-nhu-the-nao-post334144.html

8. https://tuoitre.vn/co-phieu-ngan-hang-dai-gia-duong-cong-minh-sang-tay-n...

9. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56942461

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc
Read 491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)