Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam cho ra đời Nghị quyết 36 về "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài" (26/03/2004 -26/03/2024). Nhưng đầu là nguyên nhân chưa có "đoàn kết trọng-ngoài" để hòa giải, hòa hợp dân tộc ?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho rằng lớp kiều bào về nước từ những năm 1980 nay đã lớn tuổi, Thành phố (Hồ Chí Minh) cần có đội ngũ kiều bào trẻ để tiếp tục kế thừa lớp kiều bào nay đã lớn tuổi - Ảnh : Hữu Hạnh (Tuổi Trẻ online, 07/01/2023)
Nhìn lại chặng đường gian nan này, đã có nhiều ý kiến và bài viết được trình bầy để giải thích tại sao vẫn còn ngăn cách giữa cộng đồng trên 6 triệu người Việt ở nước ngoài với Nhà nước cộng sản Việt Nam ?
Một trong những lý do vì Đảng cộng sản Việt Nam chỉ muốn "hòa hợp" mà "không hòa giải", xóa bỏ khác biệt về chính trị giữa đảng cầm quyền và người Việt Nam ở nước ngoài.
Nói và làm
Trước hết, Đảng tuyên bố 2 chủ trương : "Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam
Đảng kêu gọi : "Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp ; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai".
Nhưng thực tế vẫn còn kỳ thị trong-ngoài và phân biệt đối xử giữa giới cầm quyền và người Việt bỏ nước chạy trốn cộng sản.
Nhà nước cộng sản Việt Nam gọi những người bất đồng chính kiến trong ngoài là "thế lực thù địch" và tìm cách chia rẽ, sử dụng cán bộ và "cảm tình viên" để thao túng nội bộ những người không đồng tình với độc quyền cai trị cộng sản.
Báo Công an Nhân dân viết : "Ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong 20 năm qua, Nghị quyết 36 đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nhịp cầu góp phần gắn kết chặt chẽ người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội vẫn tìm cách đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài, kích động chống phá, gây chia rẽ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc".
Công an Nhân dân còn gay gắt : "Các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong cùng một số đối tượng chống đối cực đoan lập các trang web, facebook, youtube, twitter, tiktok, zalo… tuyên truyền bịa đặt, bôi nhọ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với những luận điệu xuyên tạc như : Nhà nước không giúp gì, chỉ tìm cách khai thác nhân tài, vật lực của người Việt hải ngoại ; việc thành lập các hội, đoàn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cách cho thấy "Đảng cộng sản Việt Nam đang tham vọng định hướng chính trị" ; cộng sản xâm nhập, phá hoại và lũng đoạn các cộng đồng, các hội đoàn, các cơ sở thương mại, trường học của người Việt tại hải ngoại…".
Chủ trương "đảng hóa các tổ chức người Việt ở nước ngoài" là một chính sách từ thập niên 80 nhưng Đảng giả bộ như không biết nên đã tìm cách phủ nhân : "Thậm chí các đối tượng còn rêu rao rằng, Việt Nam đang tìm cách "đảng hóa" với cả những hội, đoàn trong tương lai mà Đảng hậu thuẫn tại hải ngoại ! Các đối tượng cố tình xuyên tạc, vu cáo rằng kể từ Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đến Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai "thực chất là những chiêu trò ru ngủ giả hiệu dân chủ" !
Thực tế là Đảng đã thất bại trọng nỗ lực này. Nhà nước cộng sản Việt Nam không tập hợp được một tổ chức thống nhất ủng hộ Đảng ở nước ngoài.
Ngay trong nước, Đảng cộng sản Việt Nam cũng không còn "hấp dẫn" giới trẻ.
Bằng chứng thứ nhất : "Tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có khoảng 6,4 triệu đoàn viên trên tổng số khoảng 23,6 triệu thanh niên Việt Nam (từ 16 - 35 tuổi)" (Tài liệu Đảng). Như vậy số thanh niên không gia nhập Đảng là 17,2 triệu người.
Bằng chứng thứ hai là nhiều du học sinh không chịu về giúp nước sau khi đã tốt nghiệp ở nước ngoài. Theo tin cũa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thì trong giai đoạn 2013-2022, Bộ đã cử 11.657 người du học bằng tiền nhà nước, nhưng chỉ có khoảng 7.186 người tốt nghiệp, về nước. 4.471 người chưa trở về nước làm việc dù đã đến hạn.
"100% du học sinh không muốn quay về. Và rất khó cho những người đã trở về áp dụng những gì được học vào thực tế tại Việt Nam…"
Bộ này cũng cho hay hiện có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài, kể cả những người dụ học tự túc. Số sinh viên Việt tại Mỹ có khoảng 21.000 người và trong năm học 2022-2023, du học sinh Việt đã đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 816 triệu USD, tăng so với 721 triệu USD của năm học trước (Tiền Phong, ngày 14/11/2013).
Sinh viên tốt nghiệp không mặn mà với những mời gọi trong nước vì ở Việt Nam không có tự do tư tưởng, không biết tôn trọng giá trị trí thức mà chỉ biết áp đặt các tiêu chuẩn "chính trị, quan hệ" vào việc trọng dụng nhân tài.
Một nghiên cứu của Đại học Sydney (Úc) đã chứng minh rằng : "100% du học sinh không muốn quay về. Và rất khó cho những người đã trở về áp dụng những gì được học vào thực tế tại Việt Nam, theo kết quả một nghiên cứu của Tiến sĩ Phạm Thị Liên, thuộc Đại học Công nghệ Sydney".
BBC viết tiếp : "Nhiều người cho rằng, lựa chọn - về hay ở lại - không chỉ là lựa chọn cá nhân, mà còn là phản ánh khả năng tiếp nhận nguồn vốn con người của một nền kinh tế.
Một ví dụ thường được nêu lên là trong số 17 quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" đi du học Úc, chỉ 2 người chịu về nước" (BBC, ngày 24/9/9 2019).
Việt Nam gọi tình trạng này là "chảy máu chất xám". Nhưng ngay ở trong nước, thanh niên trí thức cũng không mặn mà với chính sách chiêu dụ nhân tài của Nhà nước. Ngược lại, đa phần đã chọn làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài, khi có cơ hội. Việt Nam gọi hiện tượng này là "chảy máu chất xám tại chỗ".
Vậy Nhà nước cộng sản Việt Nam đã biết cách giữ chân trí thức hay chưa ?
Vẫn lạc hậu và chậm tiến
Cho đến năm 2024, Việt Nam vẫn chậm tiến và lạc hậu so với các dân tộc láng giềng. Khả năng lao động và kiến thức kỹ thuật của công nhân Việt Nam thấp hơn các nước trong khối ASEAN (The Association of Southeast Nations - Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á).
Vì vậy Việt Nam nhìn nhận vẫn tiếp tục : "Tụt hậu về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch là "4 nguy cơ trước mắt" của Đảng. Tới nay, nhiều người cho rằng, cả 4 nguy cơ đã được Đảng chỉ ra vẫn đang tồn tại, thậm chí có phần gay gắt, phức tạp hơn".
Phức tạp hơn vì hiện tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã lan nhanh và ăn sâu trong nội bộ Đảng, kể cả Quân đội và Công an. Bên cạnh đó là tình trạng đảng viên công khai chỉ trích đường lối lãnh đạo độc tôn và độc tài của Đảng, đồng thới bài bác chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lớp người chống đối này kêu gọi Đảng thực hành dân chủ và tôn trọng các quyến tự do ứng cử, bầu cử, tự do ngôn luận và báo chí của dân.
Đến nay, sau 94 năm có mặt trên đất nước, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tìm mọi cách để đánh lừa dân, nhất là trong công tác ứng cử và bầu cử người đại diện từ cấp Hội dồng Nhân dân đến Quốc hội.
Tập quán "Đảng cử dân bầu" vẫn được áp dụng trong các cuộc bầu cử.
Vì vậy, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin, tác giả của Nghị quyết 36 năm 2004, đã nói thẳng : "Nguyên nhân chính, cơ bản, cốt lõi, quyết định nhất, như tôi đã lý giải trong bài viết cách đây gần hai năm, ngày 30/4/2022, là do Đảng cộng sản Việt Nam, người đang gánh vác trọng trách lãnh đạo đất nước, dù đã có nghị quyết về đổi mới toàn diện và đồng bộ, vẫn chưa thực hiện đổi mới thật sự về chính trị, vẫn kiên trì níu giữ mô hình quản lý đất nước cũ - hệ thống chính trị hiện hành - theo quan điểm Mác-Lênin, xã hội chủ nghĩa, thực chất là Đảng trị, độc quyền, không dân chủ, đã quá lẻ loi, lạc lõng, lỗi thời trên thế giới" (Bài viết phổ biến trên Internet, 2024).
Đó là lý do tại sao Đảng cộng sản Việt Nam chĩ muốn người Việt đối lập "hòa hợp" vào với đảng cầm quyền mà không muốn "hòa giải" để phải "chia quyền".
Phạm Trần
(09/04/2024)