Vài nhận định về vấn đề định vị của ông Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc
Từ khi ông Tập trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012, Trung Quốc liên tiếp gây hấn với thế giới, từ Mỹ, Châu Âu tới các quốc gia láng giềng...
Rất nhiều sự kiện trọng đại xảy ra ở Trung Quốc khiến người dân Trung Quốc và giới quan sát sửng sốt đều mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Tập, xảy ra nhanh, khó lường, không lộ trình, không giải trình và bất chấp hậu quả.
Trải qua hai nhiệm kỳ và hiện đang ở nhiệm kỳ thứ 3, trong hơn 10 năm là Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình ngày càng khiến cộng đồng quốc tế, người dân Trung Quốc và giới quan sát lo ngại trước các chính sách đối nội và đối ngoại của ông. Bài viết này chia sẻ một góc tiếp cận chính sách của ông Tập từ lăng kính định vị của Tập Cận Bình trong dòng chảy của thời đại và trong quan hệ đối ngoại đối nội.
1. Định vị Trung Quốc trong dòng chảy thời đại
Thời gian gần đây, giới quan sát Trung Quốc trong và ngoài nước nhận định, ông Tập Cận Bình có xu hướng quay đầu xe đưa Trung Quốc quay trở về thời đại Mao Trạch Đông và từng bước đóng cửa đất nước với thế giới.
Nhìn về quá khứ, vào thời kỳ tiền hiện đại khi giao thông chưa phát triển, các quốc gia trên thế giới tồn tại tương đối biệt lập với nhau, thi thoảng có giao lưu kết nối như qua Con Đường Tơ Lụa. Nhưng sau khi giao thông phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh kéo theo sự phát triển của ngành đường sắt, đặc biệt ngành hàng hải với các phát kiến địa lý của các nhà thám hiểm như Vasco da Gama, Christopher Columbus, Fedinand Magellan, v.v... đã khởi nguồn cho các cuộc chiến tranh khai thác thuộc địa.
Nhiều quốc gia nghèo lạc hậu ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, bị các quốc gia phương Tây giàu mạnh xâm lược và trở thành thuộc địa. Trung Quốc, do diện tích quá lớn, không thuộc địa hóa hoàn toàn mà bị nhiều quốc gia phương Tây đến xâm chiếm, chia cắt đất nước.
Ban đầu thương nhân Anh muốn giao thương với Trung Quốc, nhưng triều đình Mãn Thanh cự tuyệt và đóng cửa đất nước, nên năm 1840 nổ ra cuộc chiến tranh Nha phiến. Từ đó đến năm 1949, Trung Quốc luôn trong tình trạng bị ngoại bang xâm chiếm lãnh thổ và chiến tranh liên miên. Sau này, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đàm phán thành công xóa bỏ các Điều ước bất bình đẳng mà triều Mãn Thanh ký kết với các quốc gia phương Tây cũng là nhờ phong trào phi thực dân hóa trên thế giới.
Cuộc kháng chiến chống Nhật (1931-1945), hai đội quân hùng hậu của Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông giao chiến với quân Nhật 14 năm không thể đánh đuổi quân Nhật ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Chỉ đến năm 1945, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Liên Xô đưa quân vào đánh quân Nhật mới rút khỏi Trung Quốc. Sau khi quân Nhật rút, Trung Quốc rơi vào nội chiến giữa quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và quân đội Đảng cộng sản của Mao Trạch Đông. Thời điểm đó, quân đội của Tưởng mạnh và tinh nhuệ hơn quân của Mao nhiều lần, vũ khí hiện đại hơn. Nhưng cuối cùng năm 1949 Mao và Đảng cộng sản Trung Quốc đã chiến thắng thành lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Đại Lục. Tưởng cùng quân đội, nội các và những người trung thành phải chạy sang Đài Loan. Mao và Đảng cộng sản Trung Quốc chiến thắng Tưởng vì nhận được cảm tình của người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.
Công cuộc cải cách mở cửa năm 1978 giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển thần kỳ cũng bởi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa với thế giới, hợp tác kinh tế với các quốc gia, đặc biệt sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.
Điểm qua các sự kiện lịch sử nổi bật ở Trung Quốc từ cuối thế kỷ 19 đến nay có thể thấy, tất cả những gì xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc đều gắn chặt với các trào lưu xu thế của thế giới, không thể tách rời dòng chảy chung của thời đại. Vì vậy, hiện nay trong khi cả thế giới đang phát triển như vũ bão hướng về tương lai, ông Tập muốn quay đầu xe đưa Trung Quốc quay trở về thời Mao Trạch Đông và đóng cửa đất nước là điều bất khả thi.
2. Định vị vị thế của Trung Quốc trên thế giới
Từ khi ông Tập trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012, Trung Quốc liên tiếp gây hấn với thế giới, từ Mỹ, Châu Âu tới các quốc gia láng giềng, hành xử ngỗ ngược ở biển Đông, phản bội cam kết trong vấn đề Hong Kong, cứng rắn trong vấn đề Đài Loan, v.v… Trung Quốc nay dọa trừng phạt nước này, mai cấm nước kia, hung hăng với chính sách ngoại giao chiến lang.
Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng cho đến nay ông Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn từ chối hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong việc truy tìm nguồn gốc của Corona virus.
Trung Quốc đúng là quốc gia lớn mạnh, nhưng vẫn còn nhỏ bé so với phần còn lại của thế giới. Thế giới cần Trung Quốc và thị trường khổng lồ đầy tiềm năng hơn tỷ dân. Ngược lại, Trung Quốc cũng cần thế giới, cần đơn hàng từ Mỹ và Châu Âu, cần công nghệ của phương Tây.
3. Định vị vai trò của ông Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc với người dân Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình quản trị quốc gia theo mô hình gia trưởng. Cả đất nước Trung Quốc là một gia tộc lớn, ông Tập là trưởng tộc với quyền lực tuyệt đối trong tay. Ông Tập "đập bàn" là một tập đoàn tư nhân điêu đứng, như trường hợp Jack Ma và tập đoàn Alibaba. Gần như sau một đêm cả hệ thống giáo dục tư nhân dạy thêm sụp đổ khiến nhiều người mất việc làm.
Rất nhiều sự kiện trọng đại xảy ra ở Trung Quốc khiến người dân Trung Quốc và giới quan sát sửng sốt đều mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Tập, xảy ra nhanh, khó lường, không lộ trình, không giải trình và bất chấp hậu quả.
Chính sách "Zero Covid" đóng cửa cả đất nước trong 3 năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và nền kinh tế đất nước. Không ai có thể lý giải vì sao ông Tập làm như vậy trong khi cả thế giới đã mở cửa hoạt động trở lại bình thường. Khi đó tác giả bài viết này từng nhận định, sau Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3, vị trí được củng cố vững chắc, ông Tập sẽ chấm dứt chính sách Zero Covid, mở cửa đất nước. Không ngoài dự đoán, sau Đại hội 20, Trung Quốc chấm dứt phong tỏa đất nước và Coronavirus cũng biết mất.
Bộ máy nhà nước không tạo ra của cải, chính xã hội và từng người dân là chủ thể tạo ra nguồn lực kinh tế của đất nước. Chính quyền chỉ đại diện cho người dân điều tiết các nguồn lực quốc gia, xây dựng ngôi nhà chung an toàn, giàu đẹp để người dân có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, quan hệ giữa chính quyền và người dân cũng là quan hệ hợp tác, nếu chính quyền không làm tốt nhiệm vụ của mình, người dân sẽ không hợp tác.
Hiện nay chúng ta đang thảo luận về khủng hoảng kinh tế Trung Quốc ở tầng quản trị quốc gia. Tiền và tài sản trong dân vẫn còn đó, rất nhiều, những bộ óc tuyệt vời còn đó, rất nhiều. Có lẽ hiện nay họ không hợp tác. Trung Quốc có câu : "上有政策,下有对策" (trên có chính sách, dưới có đối sách). Ngay sau khi ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo Trung Quốc năm 2012, đã có làn sóng giới siêu giàu tháo chạy khỏi Trung Quốc, ví dụ như ông Li Jiacheng (李嘉诚), vợ chồng ông Pan Shiyi (潘石屹), v.v... sau này là tầng lớp trung lưu.
Hiện nay ở trong nước, người lao động thu nhập thấp, nhóm yếu thế trong xã hội thể hiện sự tuyệt vọng của họ qua phong trào "nằm ngửa" (平躺). Nhiều nhà máy, công ty, cửa hàng, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Vũ Hán v.v… đóng cửa hàng loạt. Họ kinh doanh thua lỗ do giảm đơn hàng từ Mỹ, Châu Âu, sức mua của người dân giảm, chính sách của chính phủ thay đổi liên tục, nhiều loại thuế phí, v.v…
Người làm của cải biết phải làm sao bảo vệ tải sản của mình bằng nhiều cách khác nhau.
Ngô Tuyết Lan
Nguồn : VOA, 12/04/2024
Tác giả Ngô Tuyết Lan là nhà quan sát Trung Quốc đương đại, nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử cận hiện đại Trung Quốc, từng tu nghiệp tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.