Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/04/2024

Kinh tế quốc doanh ở Việt Nam sẽ theo khuôn mẫu Trung Quốc ?

Thới Bình

Tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) của Việt Nam phối hợp với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (SASAC) tổ chức tọa đàm "Cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc". Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự tọa đàm.

toadam01

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự toạ đàm (Ảnh : TTXVN)

Thông tin công khai trên website Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch CMSC Đỗ Hữu Huy nói rằng, "Với kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước từ Đại hội XVII, năm 2012 của Trung Quốc đến nay sẽ là những bài học kinh nghiệm và giá trị đối với cải cách doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam". Đỗ Hữu Huy cho biết thời gian qua phía SASAC đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cao cấp cho doanh nghiệp nhà nước của CMSC. Nay, CMSC mong muốn được SASAC tiếp tục mở các lớp đào tạo, đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam các lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp Trung Quốc như cơ sở hạ tầng công nghệ cao, năng lượng sạch và viễn thông.

Phản hồi đề nghị trên, ông Trương Ngọc Trác – Chủ nhiệm SASAC cho rằng bên cạnh việc dựa trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và nhận thức chung cấp cao hai Đảng Cộng sản Trung – Việt, ông Trác mong muốn được phía Việt Nam cần thể hiện bằng hành động cụ thể hóa quan hệ hợp tác, cùng xây dựng kết nối "Hai hành lang, Một vành đai" và "Vành đai và Con đường" mà Trung Quốc khởi xướng.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (OBOR) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9/2013) và Đông Nam Á (tháng 10/2013). Về phạm vi địa lý, sáng kiến "Vành đai và Con đường" trải dài từ Châu Á sang Châu Âu và có thể mở rộng ra Châu Phi, Châu Mỹ La-tinh. Hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Ngày 12/11/2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Trước đó vào ngày 14-15/5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế về "Vành đai và Con đường" lần đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Phát biểu tại Diễn đàn lần thứ nhất này, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực nói chung, sáng kiến "Vành đai và Con đường" nói riêng, cũng như sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đem lại lợi ích chung, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Mới đây, từ ngày 17 đến ngày 20/10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ ba tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Lần thứ hai là do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự.

Trong chuyến thăm chóng vách diễn ra chỉ 24 tiếng từ trưa ngày 12/12 đến trưa ngày 13/12 tại Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, thông tin ngoại giao cho biết : cả hai bên đã nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt "Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường" giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Theo những nhà quan sát chính trị thì OBOR nếu được triển khai theo đúng tôn chỉ hợp tác kinh tế bình đẳng cùng có lợi, thì sẽ mang lại những lợi ích chung cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên, triển vọng của OBOR còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình nội bộ của Trung Quốc, cũng như những thay đổi trong cục diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như tình hình an ninh thế giới. Do đó, phía Việt Nam cần phải cân nhắc chuẩn xác phạm vi và mức độ tham gia hợp tác OBOR, trên cơ sở khai thác tối đa những nhân tố tích cực, có lợi cho phát triển đất nước và an ninh chủ quyền lãnh thổ quốc gia, hạn chế ở mức thấp nhất những tác động tiêu cực.

Như vậy, nay với sự hối thúc từ phía SASAC cho thấy đây còn là răn đe nếu như Việt Nam cứ chần chừ quyết định tham gia OBOR, thì phía Trung Quốc sẽ có thể khước từ những đề xuất hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. 

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 12/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình
Read 237 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)