Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ ra sức lấy lòng Trung Quốc
Nguyễn Huỳnh, VNTB, 12/04/2024
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đang dọn đường vào ghế Tổng bí thư trong chuyến công du Trung Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Diễn biến chuyến công du Bắc triều của Chủ tịch Vương Đình Huệ đang cho thấy dường như ông đang tranh thủ lấy lòng Trung Quốc ở chuyến công du Trung Quốc tháng 4/2024.
Bắt đầu từ chiều 7/4, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thủ đô Bắc Kinh, thăm chính thức nước Trung Quốc từ ngày 7 đến 12/4. Chuyến công du này được cho là theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước nâng tầm quan hệ, là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch quốc hội, cũng là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch quốc hội Việt Nam sau 5 năm.
Sau Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đã có 2 cuộc hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc khóa XIII Lật Chiến Thư (17/6/2021), và Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc khóa XIV Triệu Lạc Tế (27/3/2023). Đáng chú ý, hội đàm trực tuyến với Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ là hoạt động đối ngoại đầu tiên của ông Triệu Lạc Tế ngay sau khi được bầu giữ chức vụ Ủy viên trưởng Nhân đại.
Ngày đầu tiên làm việc với phía Trung Quốc là sáng 8/4 tại Đại lễ đường Nhân dân, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ở hội kiến này rằng việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam ; khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách "một Trung Quốc".
Đáp lời, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, luôn mong muốn và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất.
Tiếp sau đó, chiều 8/4, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế đã chủ trì lễ đón và hội đàm với Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Thông tin ngoại giao cho biết, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn ; đẩy mạnh kết nối chiến lược phát triển, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực. Chủ tịch quốc hội cũng đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô, Hải Khẩu và Nam Kinh, tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, sớm đàm phán ký kết Thỏa thuận khung về thương mại gạo ; triển khai hiệu quả xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam qua đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba qua tuyến đường sắt Á – Âu.
Phản hồi, ông Triệu Lạc Tế bày tỏ đồng tình với những đề xuất của Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu hợp tác thực chất, mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối chiến lược phát triển, thực hiện phát triển chất lượng cao ; tăng cường kết nối chiến lược giữa sáng kiến Vành đai và Con đường và Hai hành lang, một vành đai, trọng tâm là xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông đường bộ, đường sắt, cửa khẩu thông minh, góp phần nâng cao hiệu suất thông quan ; thúc đẩy hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng mới, khoáng sản then chốt, 5G.
Ủy viên trưởng Triệu Lạc Tế cũng nhấn mạnh hai bên cần đẩy mạnh tuyên truyền về quan hệ "vừa là đồng chí, vừa là anh em Việt Nam – Trung Quốc", kể những câu chuyện hữu nghị về nhau.
Tuy nhiên trong chuỗi tiếp xúc cấp cao kể trên người ta không thấy Chủ tịch Vương Đình Huệ đi sâu vào bàn luận vấn đề Biển Đông, cũng như chuyện những đập thủy điện của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dòng Mekong gây cạn kiệt ở mùa khô hiện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cương vị là người đứng đầu cơ quan lập pháp, việc tránh né có chủ đích về vấn đề thời sự nhân sinh liên quan yếu tố Trung Quốc của Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, càng thêm củng cố cho thuyết âm mưu rằng chuyến công du Bắc triều tháng 4-2024 là nhằm đến tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh về chức vụ Tổng bí thư mà ông Huệ đang hướng đến ở nhiệm kỳ mới thứ XIV của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 12/04/2024
*********************
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ mời Huawei ‘tìm hiểu cơ hội đầu tư’ tại Việt Nam
VOA, 11/04/2024
Chủ tịch quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ mời tập đoàn Huawei của Trung Quốc "nghiên cứu cơ hội đầu tư" tại Việt Nam.
"Huawei có thể tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong các ngành công nghiệp, trong đó nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao", truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Huệ nói với Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa khi phái đoàn của nhà lãnh đạo Việt Nam thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc hôm 8/4.
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng khi tham quan triển lãm về quá trình hình thành và phát triển của Tập đoàn Huewei. Ông nói rằng Việt Nam đang thu hút các tập đoàn lớn, trong đó có Huawei, tham gia đóng góp vào quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tường thuật.
Ông Huệ khen ngợi Huawei đạt doanh thu gần 100 tỷ USD, trở thành một trong các tập đoàn công nghệ lớn nhất toàn cầu, với nhiều phát minh và bằng sáng chế vượt trội, đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao.
Các trang báo của Việt Nam dẫn lời ông Lương Hoa nói rằng Huawei "sẵn sàng cống hiến nhiều hơn nữa cho các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam như xây dựng mạng 5G, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin".
Hồi tháng trước, tại Hà Nội, ông Lâm Bách Phong, Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Huawei, Chủ tịch Huawei khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng và bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam thương mại hóa mạng 5G.
Ngoài ra, ông Phong còn đề xuất xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo 5G tại Việt Nam để giới thiệu tiêu chuẩn kiểm thử 5G và phòng lab, hỗ trợ đào tạo nhân lực số.
Tập đoàn Huawei của Trung Quốc và giới chức Việt Nam trao đổi về các cơ hội hợp tác này giữa lúc Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây cấm các công ty của họ mua bán hoặc trao đổi thiết bị viễn thông với Huawei, cho rằng Huawei đe dọa an ninh quốc gia, điều mà Huawei phủ nhận.
"Lúc đầu nhiều nước thương tây chọn Huawei vì giá rẻ hơn hẳn so với các nhà cung cấp dịch vụ khác, nhưng chung cuộc họ cuối cùng cảnh giác với Huawei và loại Huawei vì lý do an ninh", ông Nguyễn Hoàng Hải, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ ở Brussels, Bỉ, nêu ý kiến cá nhân với VOA.
Ông Hải nhận định thêm rằng việc chính phủ Việt Nam mời gọi Huawei vào đầu tư "nhìn vậy nhưng chưa chắc đã là như vậy, có thể chỉ là để xoa dịu Trung Quốc", vì ông cho rằng "chưa chắc Huawei đã được đấu thầu các dự án mạng quan trọng tại Việt Nam", đề cập đến mạng 5G đang được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel thực hiện.
Huawei được xem là một trong những thương hiệu công nghệ toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc và là đại diện cho "giấc mơ công nghệ" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hoạt động tại Việt Nam hơn 25 năm, Huawei đã có những đóng góp trong việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số ở nước này và bắt đầu tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, theo truyền thông trong nước.
Nguồn : VOA, 11/04/2024