Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/04/2024

Việt Nam ngày càng rạn nứt và tham nhũng

Joshua Kurlantzick

Cả hai chủ tịch nước từ chức cũng làm lộ ra rằng tham nhũng đã thâm nhập vào cấp độ cao nhất của chính trường Việt Nam

dcsvn1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Trụ sở Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 10/9/2023 (Ảnh AP của Evan Vucci).

Lãnh đạo của nhà nước độc đảng bí ẩn và độc tài Việt Nam thường cố thể hiện sự hợp tác chặt chẽ với nhau, không bất hòa và đoàn kết trên mọi mặt trận. Họ tìm cách từ từ và tuần tự thay đổi lãnh đạo ; trước đây, các quá trình chuyển đổi đã được vạch ra từ trước. Thực tế hiện nay đã khác xa. Đằng sau vẻ ngoài bí ẩn, lãnh đạo Việt Nam hiện nay rõ ràng vừa tham nhũng vừa cực kỳ ngang ngược, khác xa với danh tiếng của Đảng cộng sản Việt Nam là trật tự, chậm chạp và bài bản.

Trước đây, đảng đã chọn cách cai trị độc tài đồng thuận, giống như Trung Quốc thời Hồ Cẩm Đào hay Giang Trạch Dân, phân chia trách nhiệm giữa bốn hoặc năm lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên, kể từ khi Nguyễn Phú Trọng giữ chức Tổng Bí Thư vào năm 2011 và kiêm luôn chức chủ tịch nước vào năm 2018, Đảng đã tạo điều kiện cho Nguyễn Phú Trọng thâu tóm nhiều quyền lực to lớn giống như Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Sự tập trung lãnh đạo này ngày càng có vẻ bất an : Nguyễn Phú Trọng đã 80 tuổi và sức khỏe kém rõ đi và không có kế hoạch kế nhiệm rõ ràng.

Đấu đá chính trị ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, kinh tế và chính Đảng cộng sản Việt Nam. Việt Nam hiện nay dường như được quản lý kém hơn và mất kiểm soát nhiều hơn không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn đối với các nước láng giềng và các cường quốc toàn cầu. Họ ngày càng chỉ trích nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam và lo ngại rằng bất ổn chính trị có thể dẫn đến khả năng phòng thủ kém trước các mối đe dọa quân sự hóa Biển Đông ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Dấu hiệu gần đây nhất về sự suy thoái trong giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam xuất hiện vào ngày 20/03/2024. Ban Chấp hành trung ương Đảng khi đó thông báo Chủ tịch nước Võ Văn Thưỏng sẽ từ chức mọi chức vụ vì vi phạm nội quy đảng – hiểu gọn theo kiểu Việt Nam là vì tội tham nhũng. Võ Văn Thưởng nhậm chức thay thế cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Hồi tháng 1/2023. Nguyễn Xuân Phúc từ chức ngay sau bài phát biểu trong sự kiện Xuân Quê Hương dành cho người Việt ở nước ngoài nhân dịp Tết Nguyên đán 2023. Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tô hồng điển hình những thành công gần đây của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản nhân từ.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn tuyên bố chính thức của Trung ương Đảng rằng ông Nguyễn Xuân Phúc "nhận trách nhiệm chính trị với tư cách là người lãnh đạo khi một số quan chức, trong đó có 2 phó thủ tướng và 3 bộ trưởng, có sai phạm, thiếu sót, gây hậu quả rất nghiêm trọng". Nhiều vi phạm trong đó được cho là liên quan đến gian lận và lừa đảo liên quan đến bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19.

Việc hai chủ tịch nước từ chức trong vòng một năm, đều do cáo buộc tham nhũng, làm suy yếu nghiêm trọng uy tín của lãnh đạo cấp cao trong việc lựa chọn ứng cử viên của đảng. Cả hai chủ tịch nước từ chức cũng làm lộ ra rằng tham nhũng đã thâm nhập vào cấp độ cao nhất của chính trường Việt Nam – một thực tế mà Hà Nội trước đây đã phủ nhận. Điều này xảy ra trong bối cảnh có nhiều tiết lộ lớn khác về gian lận và hối lộ trong các tổ chức ưu tú của Việt Nam. Việt Nam chống dịch Covid-19 khá hiệu quả. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức cấp dưới gồm cả bộ trưởng Bộ y tế và Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ đã nhận hối lộ trong khi giám sát việc mua bán bộ dụng cụ xét nghiệm và nhiều khía cạnh khác trong chiến lược chống Covid của chính phủ. Họ bị cáo buộc đã thay đổi chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 quốc gia và sử dụng bộ dụng cụ bị lỗi của một công ty đã "lại quả" cho họ.

Trong khi đó, nạn hối lộ cũng xuất hiện đầy rẫy trong lĩnh vực tài chính. Trùm bất động sản Việt Nam Trương Mỹ Lan đang bị xét xử cùng với 85 đồng phạm bị cáo buộc là lừa đảo Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn khoảng 12,5 tỷ USD. Dù chính bà Lan chứ không phải ngân hàng đang bị xét xử, nhưng cáo buộc gian lận lớn nhất trong lịch sử Việt Nam như vậy cho thấy rõ ràng rằng bà Lan có các mối liên hệ với ngân hàng tham gia vào vụ tham ô. Thật vậy, như tờ Bưu Điện Hoa Nam đã đưa tin, "Theo điều tra, bà Lan chỉ có thể lừa đảo được sau khi hối lộ thống đốc và các quan chức chủ chốt của ngân hàng nhà nước. 85 người khác đang bị truy tố liên quan đến vụ án, trong đó có một cựu quan chức ngân hàng trung ương bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD". Những cáo buộc này cho thấy có vấn đề mang tính hệ thống trong hệ thống ngân hàng.

Hơn nữa, công chúng Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài và thế giới nói chung gặp khó khăn trong việc xác định cáo buộc tham nhũng nào mới là đúng. Trong nhiều năm qua, Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi điều tra và trừng phạt các quan chức tham nhũng, nhưng nhiều quan chức cấp cao dường như đã lợi dụng chỉ thị đó để để điều tra và trừng phạt các đối thủ chính trị. Đôi khi, những cáo buộc đó có thể đúng ; những cũng có thể không. Nhưng số vụ xử tham nhũng ngày càng tăng và thực tế là thường do một người hoặc một phe có quyền lực trong đảng đưa ra để loại đối thủ. Điều đó đã thuyết phục nhiều người Việt Nam và các nhà quan sát bên ngoài rằng tất cả mọi đảng viên ở cấp trung và cấp cao đều tham nhũng. Nói cách khác, nhìn từ bên ngoài ngày càng có vẻ như bất cứ ai bị lật đổ đều có thể là do hành vi tham nhũng.

Hơn nữa, Việt Nam hiện thiếu một kế hoạch rõ ràng về việc lựa chọn thế hệ lãnh đạo hàng đầu tiếp theo – chủ tịch nước, tổng bí thư và thủ tướng, cùng những chức vụ khác. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chịu trách nhiệm phần lớn về việc thiếu chiến lược kế nhiệm. Từng bị coi là một quan chức bảo thủ và nhàm chán, Nguyễn Phú Trọng đã loại bỏ hầu hết các đối thủ chính trị của mình và nắm được quyền lực đáng kể.

Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức ba nhiệm kỳ hết sức bất thường, trong khi hầu hết các lãnh đạo đảng khác chỉ được giới hạn ở hai nhiệm kỳ. Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết : "Cán cân quyền lực giữa đảng và nhà nước hiện nghiêng hẳn về đảng. Hệ thống tập thể lãnh đạo có trước nhiệm kỳ của Nguyễn Phú Trọng đã bị suy yếu nghiêm trọng trong 7 năm qua" và các lãnh đạo khác ngày càng cảnh giác với việc chỉ trích hay phản đối tổng bí thư, kể cả khi góp ý riêng.

Kiểu tập trung hóa này cản trở sự đổi mới. Việc đảng ngày càng can dự nhiều vào các lĩnh vực mà đảng đã giảm vai trò trong một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế, đã dẫn đến tăng trưởng yếu hơn, như có thể thấy ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh mấy lần, thể trạng yếu ớt và chưa có người kế vị rõ ràng. Nếu Nguyễn Phú Trọng chết, có thể thấy rõ sự tranh giành các chức vụ cao nhất trong nội bộ đảng, đây chính là điều mà đảng đã cố tránh trước đây.

Sự hỗn loạn chính trị ngày càng rõ ràng này đe dọa những nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang rút ra khỏi Trung Quốc, cũng như nỗ lực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các cường quốc khác có thể giúp đỡ Hà Nội trong trường hợp xảy ra xung đột với Bắc Kinh. Bất ổn chính trị cũng đe dọa sự ổn định nội bộ của quốc gia từng là quốc gia ổn định nhất. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa bỏ chạy hàng loạt, nhưng những cuộc đấu đá nội bộ tiếp tục và không có kế hoạch rõ ràng cho tương lai có thể khiến các công ty đang rời khỏi Trung Quốc chuyển sang các trung tâm sản xuất khác trong khu vực, như Malaysia, Thái Lan hoặc Ấn Độ.

Hoa Kỳ và các cường quốc khác trong khu vực cần Việt Nam giúp cân bằng tham vọng hải quân trong khu vực ngày càng tăng của Bắc Kinh. Những tiết lộ về tham nhũng chính trị và tài chính vẫn chưa ngăn cản được Washington và các nước khác lôi kéo lực lượng vũ trang Việt Nam vốn được đào tạo bài bản và trang bị tốt. Nhưng nếu Hà Nội tiếp tục vấp ngã và sự ổn định đáng quý biến mất, các cường quốc có thể không còn tin tưởng Hà Nội về các vấn đề an ninh nữa – một thảm họa tiềm ẩn đối với Việt Nam và các đối tác an ninh của nước này.

Joshua Kurlantzick

Nguyên tác : "Vietnam’s Politics are Increasingly Fractious and Corrupt", World Politics Review, 08/04/2024

Nguồn : VNTB, 10/04/2024

Joshua Kurlantzick là thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là nhà phân tích chính của Tạp chí Chính trị Thế giới. Cuốn sách mới của ông có tựa đề "Cuộc tấn công truyền thông toàn cầu của Bắc Kinh : Chiến dịch không đồng đều của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến Châu Á và thế giới".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Joshua Kurlantzick
Read 222 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)