Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2024

Chừng nào Huệ Vương mới ra đi ?

Trà My - Hoàng Phúc

Huệ Vương nhập Viện 108 để câu giờ, chờ Bắc Kinh can thiệp - Sự thật hay tin đồn ?

Trà My, Thoibao.de, 19/04/2024

Vụ C03 của Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, có khả năng tương tự như vụ Tập đoàn Phúc Sơn của "Hậu Pháo", với sự ra đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong những ngày này, trên mạng xã hội rộ tin đồn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sắp ngã ngựa.

Vietnam Communist Party

Trên mạng xã hội rộ tin đồn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sắp ngã ngựa.

Ngày 17/4, nhiều nguồn tin khả tín khẳng định, "hôm nay, anh Huệ đã phải đến làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Trần Cẩm Tú, và suýt ngất vì chứng cứ quá đầy đủ, và anh Huệ vừa mới viết đơn từ chức xong. Mọi việc diễn biến theo đúng kịch bản của Võ Văn Thưởng".

Trước đó, có những đồn đoán cho rằng, sau Nguyễn Duy Hưng, đến lượt Phạm Thái Hà – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sẽ lên thớt. Ông Phạm Thái Hà liên quan đến việc nhận hối lộ 2 nghìn tỷ, cho các dự án tuyến cao tốc và làm công trình ven biển, phải thông qua Quốc hội.

Mới nhất, nguồn tin của thoibao.de từ Hà Nội tiết lộ, "đêm 17/4, ông Vương Đình Huệ đã được đưa vào Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 vì lý do sức khỏe. Và được các bác sĩ Trung Quốc túc trực chăm sóc".

Nguồn tin cũng cho biết, có khả năng, ông Huệ muốn câu giờ để chờ Bắc Kinh can thiệp theo kênh Đảng. Thoibao.de không có điều kiện kiểm chứng tin này.

Chưa bao giờ, ở Việt Nam, tình trạng người dân tin vào tin đồn hơn tin chính thống của báo chí nhà nước lại cao như hiện nay. Vì đến bây giờ, ai cũng biết, phần lớn tin đồn là sự thật, do các thế lực "kình địch" trong nội bộ Đảng chủ động tuồn ra bên ngoài, để triệt hạ đối thủ hoặc thăm dò phản ứng của dư luận.

Nguồn cơn của cuộc chiến nội bộ trên thượng tầng cung đình cộng sản Việt Nam hiện nay, là vì câu hỏi "Ai sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng bí thư ?" chưa có câu trả lời. Nhưng Vương Đình Huệ là cái tên được đích thân Tổng Trọng dày công vun đắp. Ông Trọng là người giới thiệu và quy hoạch chức danh Tổng bí thư cho Vương Đình Huệ, khi đưa ông Huệ từ vị trí Phó Thủ tướng Chính phủ, sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay cho ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật. Đây được coi là việc "tráng men" vào đầu năm 2020, để một năm sau đó, tại Đại hội 13, ông Huệ nhảy vào ghế Chủ tịch Quốc hội, chiếm một chân trong "Tứ trụ".

Công luận cho rằng, trong "Tứ trụ" khóa 13, ông nào cũng có "tì vết". Hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng đều đã bị bay ghế Chủ tịch nước, đã cho thấy điều đó.

Ngoài tham nhũng, nhận hối lộ, và lợi ích nhóm, ông Huệ còn bị cáo buộc "say mê ca hát và gái gú". Đó là sự thiếu chuẩn mực của một chính khách hàng đầu. Năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vướng tin đồn tình ái với ca sĩ Hương Tràm. Mạng xã hội đồn rằng, Hương Tràm đã mang thai và sang Mỹ sinh con cho Huệ Vương, mấy năm liền không về Việt Nam.

Theo giới phân tích, hiện nay, "Tứ trụ" của Đảng "mất 2, còn 2". Vì thế, 2 ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế Tổng bí thư, là các Vương Đình Huệ và Tô Lâm.

Bộ trưởng Tô Lâm chơi chiêu "tiên thủ hạ vi cường" – ra tay trước, thì việc ông Huệ không bị bay ghế mới là chuyện lạ.

Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam dưới sự chỉ huy của Tổng Trọng, đã bị biến tướng, trở thành mục tiêu loại bỏ mầm mống đối trọng chính trị trong nội bộ Đảng. Thậm chí, Tổng Trọng còn coi đó là mục tiêu hàng đầu trong việc trừng phạt những lãnh đạo có biểu hiện không phục tùng, bất tuân ý chỉ của ông, như Đinh La Thăng hay Nguyễn Xuân Phúc… là những ví dụ.

Ngược lại, đối với các "đồng chí" cùng phe cánh, đồng thời là bệ đỡ cho Tổng Trọng, như phe Nghệ Tĩnh và Vương Đình Huệ, thì ông Trọng ban cho đặc quyền, dẫu rằng ông vẫn luôn khẳng định, "chống tham nhũng không có vùng cấm".

Những yếu tố chính góp phần gây ra tình trạng khó khăn trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… ở Việt Nam hiện nay có nhiều nguyên nhân. Trong đó, sự cai trị kéo dài đến hơn 12 năm cầm quyền của Tổng Trọng, là nguyên nhân chính.

Trong quãng thời gian đó, ông Trọng đã liên tục xây dựng vây cánh, để tập trung quyền lực cao nhất cho ông trong Đảng, đó chính là lý do khiến ông dứt khoát không rời ghế.

Đó cũng là lý do, vì sao, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Trọng lại càng chống càng tăng. Khởi tố, bắt giam mãi vẫn không hết quan tham. Bắt đến gần hết lãnh đạo các cấp, nhưng các "đồng chí chưa bị lộ" vẫn không sợ. Với thảm trạng này, thì "công tác nhân sự" chắc chắn là một phần của câu trả lời.

Theo giới thạo tin, cuối năm 2022, lúc ông Nguyễn Xuân Phúc chưa bị truất phế, trong 2 lần lấy phiếu thăm dò tại Bộ Chính trị, ông Huệ đều không đạt 70% số phiếu theo yêu cầu. Vì thế, việc Vương Đình Huệ mất chức không có gì lạ.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 19/04/2024

************************

Đốn trụ Huệ, Tô sẽ là nhà vô địch "đốn trụ" ?

Hoàng Phúc, Thoibao.de, 19/04/2024

Nguồn tin nội bộ đang đợi kiểm chứng cho biết, ngày 17/4, Vương Đình Huệ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương triệu tập lên làm việc. Kết quả sau 2 buổi làm việc, Vương Đình Huệ viết đơn xin từ chức như kịch bản đã diễn ra với Võ Văn Thưởng. Nếu đây là thông tin chính xác, thì sẽ có cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng, và sau đó là họp Quốc hội.

hue2

Nếu Vương Đình Huệ "ngã ngựa" thì Tô Lâm sẽ rộng đường tiến thẳng đến chiếc ghế quyền lực cao nhất.

Hiện nay, thông tin ông Vương Đình Huệ viết đơn từ chức bị nhà cầm quyền cộng sản ngăn chặn. Giả sử đây là tin thất thiệt thì cần gì phải chặn, còn nếu là tin đúng sự thật, thì trước sau gì cũng phải công khai trên báo chí nhà nước. Cho nên, việc nhà cầm quyền ngăn chặn tin đồn là động tác thừa, chỉ càng làm cho dân thêm tò mò, rồi rủ nhau vượt tường lửa để đọc tin tức từ báo chí tự do.

Nếu ông Huệ từ chức, thì Tứ trụ chỉ còn 2, đó là Tổng bí thư và Thủ tướng. Nếu Tô Lâm thực sự có thể làm cho Vương Đình Huệ "ngã ngựa", thì người được ông Tổng chọn kế vị, đã không còn cửa tranh chức Tổng bí thư nữa, Tô Lâm sẽ rộng đường tiến thẳng đến chiếc ghế quyền lực cao nhất.

Ông Tô Lâm đã "xỏ mũi" Trần Cẩm Tú dắt đi, trong vụ triệt hạ Võ Văn Thưởng. Bởi ông Tú mới là người lên danh sách kỷ luật, trình Bộ Chính trị phê duyệt, theo quy trình mà Tổng Trọng ban ra. Giờ đây, sau khi thành công hạ ông Thưởng, Tô Lâm quyết moi cho ra tội của Vương Đình Huệ theo những điều cấm của Đảng luật. Đến lúc đó, Trần Cẩm Tú cũng chỉ biết theo đuôi và ông Tổng thì cũng đành bất lực. Tô Lâm đánh Vương Đình Huệ bằng chính vũ khí của ông Nguyễn Phú Trọng.

Khi nhắm vào Vương Đình Huệ, Tô Lâm đã thể hiện sự nguy hiểm của bản thân. Nếu ông Phạm Minh Chính cũng có tham vọng tranh đoạt ghế Tổng với Tô Lâm, thì nên cẩn thận. Thà thỏa hiệp để Tô Lâm ngồi ghế Tổng bí thư, ông Chính tiếp tục ngồi ghế Thủ tướng, thì cũng không thiệt thòi gì cho ông. Còn như quyết sống mái với Tô Lâm, có khi, Phạm Minh Chính lại là nạn nhân tiếp theo ?

Nếu đốn được Vương Đình Huệ, thì đấy là thắng lợi lớn của Tô Lâm, nhưng vẫn chưa đủ. Tô Lâm cần phải dọn sạch nhóm Nghệ An ra khỏi Bộ Công an, đặc biệt là đối với Phan Đình Trạc. Ông Trạc cũng rất muốn nắm Bộ Công an, để sau đó tranh hùng tranh bá với các tứ trụ, cho bản thân ông và cho phe Nghệ An của ông.

Đứng ngoài Tứ trụ mà đốn ngã Tứ trụ, thì chỉ có Tô Lâm mới làm được. Cũng bởi Tô Lâm nắm binh quyền trong tay nên mới có khả năng này. Cho nên, ghế Bộ trưởng Bộ Công an cũng là chiếc ghế mà các phe nhóm đều muốn chiếm lấy, để mưu cầu sự nghiệp chính trị cho riêng mình.

Tin nội bộ cho biết, ông Trọng vẫn thường phải kiểm tra máu tại Bệnh viện Quân Y 108. Ở tuổi này, cộng thêm di chứng sau những lần ngã bệnh trước đó, có thể nói việc kéo dài tuổi thọ đến hết nhiệm kỳ cũng là một vấn đề lớn đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng ông Trọng khó lòng nhả ghế, đặc biệt là phải nhả cho một kẻ "phản trắc" như Tô Lâm thì ông lại càng không muốn. Tuy nhiên, một khi Tô Lâm đã dùng đến "binh đao" để tranh đoạt, ắt Tô Lâm cũng sẽ có biện pháp mà không cần ông Tổng bí thư "tự nguyện" trao ghế. Mà đã có ý đồ đoạt ghế, thì không cần phải đợi đến hết nhiệm kỳ. Đặc biệt, khi vây cánh làm nên sức mạnh cho ông Tổng trước đây, đã bị Tô Lâm "xỏ mũi", thì khả năng Tô Lâm đoạt ghế trước Đại hội 14 là rất cao.

Cách tranh đoạt ghế Tổng bí thư của Tô Lâm sẽ gây thù chuốc oán không ít với nhóm lợi ích bị Tô Lâm tấn công. Nếu Tô Lâm đoạt được ngôi Tổng, thì vây quanh ông vẫn có rất nhiều kẻ thù chực chờ. Rất có thể, dù Tô Lâm ngồi ghế cao nhưng phải vất vả để chống lại vô số kẻ thù ẩn hiện.

Hoàng Phúc

Nguồn : Thoibao.de, 19/04/2024

****************************

Vụ Thiên Minh Đức : Vương Đình Quán là ai ?

Trà My, Thoibao.de, 19/04/2024

Ngày 18/4, tức ngày 10/3 âm lịch, truyền thông nhà nước đưa tin, tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Việt Nam đã đến dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương.

hue3

Đáng chú ý, trong danh sách lãnh đạo cùng dự lễ dâng hương, có ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ; Đại tướng Tô Lâm, Đại tướng Lương Cường… nhưng lại vắng mặt Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trong bối cảnh có nhiều đồn đoán liên quan đến số phận chính trị của ông Huệ, thì việc ông vắng mặt trong lễ giỗ Tổ được đánh giá là bằng chứng, củng cố thêm cho những đồn đoán rằng, ông Huệ sẽ mất chức còn nhanh hơn ông Võ Văn Thưởng.

Trước đó, xuất hiện những đồn đoán cho rằng, sau khi xử lý xong ông Võ Văn Thưởng, thì Tô Lâm sẽ diệt tiếp ông Vương Đình Huệ, để rảnh chân trong cuộc đua vào ghế Tổng bí thư tại Đại hội 14.

Theo giới thạo tin, Bộ Công an khởi tố bắt giam Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng, để làm rõ về những cáo buộc cho rằng, Thuận An là Tập đoàn sân sau của phe Nghệ Tĩnh, do Vương Đình Huệ làm "ông trùm". Tiếp theo, sẽ đến lượt Phạm Thái Hà – Trợ lý của Huệ Vương, vì nhận hối lộ 2 nghìn tỷ đồng, cho các dự án liên quan đến các gói thầu hàng ngàn tỷ của Tập đoàn Thuận An.

Thêm vào đó, báo Thanh Tra ngày 11/3 loan tin dữ "Nghệ An : Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng của Tập đoàn Thiên Minh Đức".

Bản tin cho hay, sau khi Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chuyển kết luận thanh tra sang C03 của Bộ Công an, Công ty Thiên Minh Đức đã khắc phục hậu quả, nộp hơn 466 tỷ đồng vào tài khoản của "Quỹ bình ổn giá xăng dầu".

Công ty Thiên Minh Đức đã vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, liên quan đến việc trích lập, quản lý và sử dụng "Quỹ bình ổn giá xăng dầu", do Bộ Công thương, Bộ Tài chính quản lý. Cụ thể, Công ty Thiên Minh Đức đã trích lập và chi sử dụng Quỹ này "vượt" so với khối lượng trên sổ sách, dẫn đến trích lập Quỹ sai khoảng gần 5 tỷ đồng, và chi sử dụng Quỹ sai khoảng hơn 22 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu, được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức có địa chỉ trú tại số 2A, đường Lê Mao, phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, do bà Chu Thị Thành làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngày 20/9/2022, doanh nghiệp này điều chỉnh vốn điều lệ từ 1.455 tỷ đồng, tăng lên 2.022 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông góp vốn là 3 thể nhân, gồm : ông Vương Đình Quán, bà Chu Thị Thành và ông Chu Đăng Khoa. Được biết, ông Chu Đăng Khoa là con trai của bà Chu Thị Thành. Ông Khoa sinh năm 1982, có thời gian sống tại Nam Phi và kinh doanh kim cương, thường được gọi là "đại gia kim cương". Còn ông Vương Đình Quán chỉ có số vốn góp tượng trưng là 1,5 tỷ đồng, được cho là người đại diện cho một lãnh đạo cấp cao ở Quốc hội.

Trong thông báo của "Quỹ bình ổn giá xăng dầu" quý III/2023 của Bộ Tài chính, tổng số dư Quỹ trên cả nước, tính đến ngày 30/9/2023, của 35 thương nhân đầu mối, ở mức hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, số dư của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức là gần 500 tỷ đồng.

Vẫn theo Thanh tra Chính phủ xác định, Công ty Thiên Minh Đức còn thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường không trung thực, dẫn đến việc, từ năm 2018 đến năm 2021, tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường có dấu hiệu gian lận lên đến 3.287 tỷ đồng.

Theo giới chuyên gia, những sai phạm mang tính hệ thống của Công ty Thiên Minh Đức trong việc trích lập và chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cũng như nợ thuế triền miên. Điều đáng nói là, dù đang nợ ngân sách nhà nước với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, nhưng Công ty Thiên Minh Đức vẫn cho một số cá nhân vay, để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.

Tính đến thời điểm thanh tra, cả bà Chu Thị Thành và ông Chu Đăng Khoa nợ Công ty Thiên Minh Đức tổng số tiền trên 1.396 tỷ đồng. Trước đó, Công ty Thiên Minh Đức liên tiếp nợ nhiều kỳ thuế, bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn. Tiếp đến, người đại diện theo pháp luật của Công ty là bà Chu Thị Thành đã bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 20/12/2023.

Xin nhắc lại, theo giới thạo tin, Bộ trưởng Tô Lâm vốn là Thư ký riêng của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – cố vấn An ninh và Tôn giáo của cựu Thủ tướng Ba Dũng. Sự góp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính – một nhân vật thân cận với ông Ba Dũng, trong liên minh chính trị này, sẽ hỗ trợ cho Tô Lâm tăng thêm sức để công phá "thành trì" của phe Nghệ An, cũng như bệ đỡ của Tổng Trọng.

Kết quả ra sao, chúng ta hãy chờ xem.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 19/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, Hoàng Phúc
Read 1227 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)