Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/04/2024

Trụ thứ 2 trong "tứ trụ" sắp bị đốn, trụ đó là ai ?

Trà My - Trần Chương - Hoàng Anh

Vì sao Huệ Vương sẽ mất chức nhanh hơn Võ Văn Thưởng ?

Trà My, Thoibao.de, 17/04/2024

Chính trường Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy, sự rối ren và bất ổn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, với mức độ khủng hoảng ngày càng trầm trọng.

tutru1

Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ

Sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bất ngờ bị hạ bệ, đã có những đồn đoán cho rằng, một trụ thứ 2 trong "tứ trụ" sẽ bị trảm tiếp, có khả năng đó là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Truyền thông nhà nước chiều tối 15/4 đồng loạt đưa tin, "Bắt Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng". Bản tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, và lệnh bắt tạm giam, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng trên.

Cùng vụ án, C03 ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Anh Quang – Phó Tổng Giám đốc, về tội "Đưa hối lộ" ; ông Nguyễn Khắc Mẫn – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Cơ quan C03 cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, gồm : ông Nguyễn Văn Thạo – Giám đốc Ban và Đàm Văn Cường – phó Giám đốc Ban. Cả hai bị can trên bị điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", riêng ông Thạo bị điều tra thêm tội "Nhận hối lộ".

tutru2

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, cùng 6 người khác bị bắt

Được biết, Tập đoàn Thuận An thành lập từ năm 2004, với vốn điều lệ tính đến tháng 8/2020 là 300 tỉ đồng. Trong những năm gần đây, trong vai trò là nhà thầu độc lập, hoặc thành viên liên danh, Thuận An liên tục đạt được nhiều gói thầu xây lắp, bao gồm cả những gói thầu quy mô lớn, trị giá hàng trăm tỉ đồng.

Theo giới quan sát, Thuận An Group là một Tập đoàn sân sau của phe Nghệ An, lớn nhanh như thổi, và trúng thầu nhiều dự án, tương tự Tập đoàn Phúc Sơn của Hậu "pháo" – vốn là nguyên nhân dẫn đến việc ông Thưởng bị mất chức.

Vụ bắt Nguyễn Duy Hưng đã xác nhận tin đồn trước đó, khi mạng xã hội cho rằng, khả năng ông Huệ mất chức Chủ tịch Quốc hội đến nay chỉ còn tính bằng ngày.

Thậm chí, có dư luận cho rằng, việc ông Huệ mất chức sẽ còn nhanh hơn ông Thưởng, và bộ máy "tứ trụ" quyền lực cao nhất, trong vòng vài ngày tới sẽ chỉ còn lại hai trụ.

Việc Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Hưng đã làm mạng xã hội một lần nữa nổi sóng. Nhiều ý kiến cho rằng, sau ô Hưng sẽ là Phạm Thái Hà – Trợ lý của ông Huệ. Như vậy, có khả năng, ông Huệ sẽ lên thớt.

Công luận thắc mắc, những người bị bắt trong vụ án này đều dính tội "đưa hối lộ". Nhưng họ đưa hối lộ cho ai, thì cho đến nay, Bộ Công an vẫn giấu kín, chưa gọi tên người nhận. Nhưng, song song với đồn đoán về việc ông Hưng bị bắt, là tin đồn, Trợ lý của ông Huệ là ông Phạm Thái Hà, đã bị C03 mời đi làm việc, liên quan đến việc nhận hối lộ 2 nghìn tỷ, trong các dự án tuyến cao tốc và làm công trình ven biển, thì cũng có thể đoán ra.

Tuy nhiên, việc để ông Hà có quyền ký tá, hay đề nghị ra Quốc hội, để nhận được hối lộ với số lớn tiền lớn như vậy là một điều hết sức khó hiểu ?

Mới nhất, một nguồn tin khả tín từ Hà Nội vừa tiết lộ với thoibao.de, "ông Phạm Thái Hà – Trợ lý của Vương Đình Huệ, trở về từ Trung Quốc đã bị câu lưu khi xuống sân bay Nội Bài. Sau khi Bộ Công an câu lưu để hỏi một số vấn đề, ông Hà đã được thả ra, và đã đi làm. Còn ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, bị câu lưu trước ông Hà, từ hôm 8/4 đến nay vẫn chưa được cho về".

Mạng xã hội còn chia sẻ các hình ảnh được cho là điềm gở, khi một cái cây trước nhà ông Huệ đột nhiên bị gãy.

Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị Bộ trưởng Tô Lâm, hạ bệ nhanh chóng, chỉ trong vòng 17 ngày. Điều này đã khiến phe Nghệ Tĩnh và ông "trùm" Huệ Vương ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi đích nhắm tiếp theo của ông Tô Lâm là Huệ Vương.

Theo giới thạo tin, vụ bắt giữ Phạm Thái Hà, được cho là tương tự vụ bắt Đặng Trung Hoành.

Nhà kinh tế Frederic Bastiat khi đề cập đến tâm sinh lý kẻ cướp hợp pháp, đã viết rằng : "Khi mà việc cướp bóc đã trở thành lối sống thường ngày của một nhóm người trong một xã hội. Với thời gian, nhóm người này sẽ tạo ra một hệ thống pháp luật để cho phép họ ăn cướp, và tạo ra một hệ luân lý để vinh danh việc cướp bóc của họ".

Rõ ràng, điều này đang diễn ra trong hệ thống chính trị độc đảng ở Việt Nam.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 17/04/2024

**************************

Tô Đại sẽ không bỏ qua trách nhiệm của Huệ Vương trong vụ án Trương Mỹ Lan

Trà My, Thoibao.de, 17/04/2024

Phiên tòa sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát đã khép lại sau hơn một tháng xét xử, vào chiều 11/4. Đây là một vụ án tham nhũng lớn nhất lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng cộng, vụ án này có đến 86 bị cáo, trong đó, Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình. Nhiều ý kiến cho rằng, bản án tử hình đối với bà Lan chỉ là một đòn gió. Các cơ quan tư pháp Việt Nam đang chơi chiêu "rung cây để dọa khỉ", để tìm ra sự thật về số tiền hối lộ cho các quan chức cấp cao.

tutru3

Bị cáo Trương Mỹ Lan (hàng đầu : thứ hai, từ trái sang) tại tòa

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống để vay tiền.

Theo Hội đồng Xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tham ô, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỉ đồng dư nợ gốc, và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 64.000 tỉ đồng.

Một vấn đề mà công luận Việt Nam vẫn đang hết sức quan tâm, đó là : "Vì sao và lỗ hổng nào đã giúp bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn hoành hành thời gian dài như vậy, mà không bị phát hiện ?". Và chắc chắn, nếu được phát hiện sớm, thì số tiền hơn một triệu tỷ, trong đó có số tiền gửi, mua trái phiếu của khách hàng, lên tới 304.000 ngàn tỷ, sẽ không thất thoát toàn bộ.

Điều người ta ngạc nhiên là, sau hơn một năm, kể từ khi bà Lan bị khởi tố, bắt giam, cho đến nay, không có bất kỳ một quan chức cấp cao trong bộ máy Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước bị cách chức hay truy tố. Việc chỉ có bị cáo Đỗ Thị Nhàn – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước, phải nhận bản án chung thân về tội "nhận hối lộ", là chưa thỏa đáng.

Dư luận cho rằng, các cơ quan tố tụng đã bỏ qua các sai phạm của hệ thống Ngân hàng Nhà nước và các Thống đốc. Đặc biệt là vai trò của cựu Thống đốc Lê Minh Hưng, người bị cho là đã góp phần vào các sai phạm kéo dài của bà Trương Mỹ Lan.

Ngoài ra, sự thiếu trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước, thì trách nhiệm của Bộ Tài chính cũng không thể bỏ qua. Nhà báo Đào Tuấn – báo Lao Động, mới đây đã đưa ra nhận xét trên trang Facebook cá nhân :

"Công ty Kiểm toán Ernst & Young ; Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam ; Công ty Kiểm toán KPMG – 3 cái tên thuộc nhóm Big4 trên thị trường. Và đây cũng là những cái tên thực hiện kiểm toán Báo cáo Tài chính và soát xét Ngân hàng SCB.

Khi khởi tố vụ án, sổ sách của SCB thể hiện tổng tiền 673.586 tỉ, vốn chủ sở hữu 21.036 tỉ. Tổng nguồn vốn 713.420 tỉ. Nhưng khi rà soát, đánh giá lại cho thấy, SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỉ ; lỗ lũy kế 464.547 tỉ. Con số đó cho thấy, khác nhau một trời một vực vẫn là chưa hẳn đúng. Mà đó là sự đổi trắng thay đen".

Dù rằng Hội đồng Xét xử đã đề cập tới kiến nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm, của các công ty kiểm toán liên quan đến SCB. Theo giới phân tích, đây là một sự gợi ý ác nghiệt đối với trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính – vốn là 2 tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ với phe Nghệ Tĩnh và ông Vương Đình Huệ.

Theo đó, tới đây, Bộ Công an sẽ tiếp tục "đào bới", và làm rõ việc, khi Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính đã không làm hết trách nhiệm, thì đó cũng là hành vi dung túng cho Vạn Thịnh Phát cũng như bà Trương Mỹ Lan.

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm nhận xét :

"Vô hiệu hóa cả kiểm toán, thanh tra, công an. Tất cả các vụ lớn đều như vậy, vụ án AVG cũng là một ví dụ. Kiểm toán mà không khách quan thì nói gì là kiểm toán nữa, tồn tại để làm gì. Không biết nay thế nào, chứ hồi tôi còn làm báo, thì tất cả những đơn vị lớn đều có cảnh sát kinh tế (A17) nằm vùng, phát hiện sai phạm. Ngành hàng không khi đó (những năm 1990) có tới 2 nhân viên A17 giám sát. Thế nhưng chính họ lại bao che cho tham nhũng".

Theo giới thạo tin, trong thời gian ông Huệ làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, và sau đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính, có rất nhiều sai phạm tày đình liên quan đến hối lộ và tham nhũng, gấp vạn lần Võ Văn Thưởng. Dưới thời Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trước đây, do vô trách nhiệm, nên đã để tình trạng mua bán trái phép hóa đơn "trị giá gia tăng – VAT" diễn ra trong một thời gian dài, nhưng không bị xử lý. Hơn thế nữa, các vị trí "béo bở" vừa kể, liên tiếp do phe Nghệ An kiểm soát trong một thời gian rất dài.

Trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng bí thư Đại hội 14, ông Tô Lâm và phe cánh chắc chắn sẽ không bỏ qua những sai phạm này./.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 17/04/2024

*************************

Công bố Nguyễn Duy Hưng bị bắt, Tô Dát Vàng công khai tấn công Huệ "đom đóm" !

Trần Chương, Thoibao.de, 17/04/2024

Ngày 15/4, ông Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, đã chính thức thông báo với báo chí, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03 đã ra quyết định khởi tố bị can ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.

tutru4

Ông Nguyễn Duy Hưng (bên trái, hàng trên) cùng các bị can khác. Ảnh : Bộ Công an

Ông Hưng bị bắt vì tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ". Ngoài ông Nguyễn Duy Hưng, còn có ông Hoàng Thế Du – Trưởng ban Ban Quản lý Dự án tỉnh Bắc Giang, bị bắt về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" ; ông Trần Anh Quang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, bị bắt về tội "đưa hối lộ" ; ông Nguyễn Khắc Mẫn – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An, bị bắt về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ" ; ông Nguyễn Văn Thạo – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang ; và ông Đàm Văn Cường – Phó Giám đốc Ban cũng bị bắt.

Thực ra, nguồn tin nội bộ cho biết, ông Hưng đã bị bắt ngày 8/4, đến bây giờ, ông Tô Ân Xô mới thông báo chính thức cho báo chí. Ông Hưng là người gốc Nghệ An, là sân sau của nhóm lợi ích chính trị Nghệ An – Hà Tĩnh. Đối với ông Vương Đình Huệ thì việc bắt ông Hưng cũng tương tự như việc bắt Hậu Pháo, đối với ông Võ Văn Thưởng. Ông Tô Lâm đang nhắm vào nhân vật quyền lực tiếp theo trong tứ trụ, sau ông Thưởng.

Ngoài ông Nguyễn Duy Hưng, thông tin nội bộ cho biết, ông Tô Lâm cũng đang giam giữ ông cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nhưng chưa công bố. Có thể, trường hợp của ông Dũng vẫn còn đang ngã giá sau cánh gà. Nếu chưa công bố cho báo chí, thì việc giữ hay thả người là tuỳ vào ý muốn của Tô Lâm. Nếu ngã giá thành công thì sẽ thả người.

Khi ông Xô thông báo Nguyễn Duy Hưng bị bắt, thì xem như, ông Tô Lâm đã không cho phe Vương Đình Huệ ngã giá để ông Hưng được thả. Ông Tô Lâm đã chính thức tuyên chiến với Vương Đình Huệ, với đòn đánh nhằm loại ông Huệ khỏi vũ đài chính trị.

"Nước xa không cứu được lửa gần", việc ông Huệ đi cầu viện Bắc Triều là tính kế lâu dài. Nhưng tại Việt Nam, ông Huệ lại bị Tô Lâm đánh tới tấp, không kịp đỡ đòn.

Ông Huệ nhờ Bộ Chính trị, nhờ ông Nguyễn Phú Trọng, và nhờ Thiên triều, để bao vây tấn công Tô Lâm. Thì ngược lại, ông Tô lâm cho bắt Nguyễn Duy Hưng, câu lưu em trai ông Huệ, và tạm giam trợ lý của ông Huệ, để lấy lời khai,… chính là cách mà Tô Lâm bao vây và tấn công ngược trở lại ông Huệ. Chưa biết bên nào sẽ bị hạ trước.

Nếu đánh gục Vương Đình Huệ, thì điều đó cũng có nghĩa, ông Tô Lâm đã thành công triệt được sức mạnh của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bởi nếu còn quyền lực, thì ông Trọng đã không để cho Tô Lâm chạm vào ông Vương Đình Huệ.

Đã gần 1 tháng trôi qua, kể từ ngày ông Thưởng rời ghế Chủ tịch nước, mà Tô Lâm vẫn chưa chịu lên thế. Điều đó cho thấy, sự tính toán trong kế hoạch của Tô Lâm – ông phải dọn sạch mọi lực cản, trước khi ngồi lên ghế Chủ tịch nước.

Từ đây cho tới Đại hội 14, nếu ông Huệ không bị hạ, thì ông Tô Lâm sẽ đánh tiếp. Nếu hạ được ông Vương Đình Huệ, thì Tô Lâm cũng không ngồi yên, mà tiếp tục tấn công phe đối lập. Lúc đó, nạn nhân tiếp theo rất có thể là Phạm Minh Chính. Bất kỳ ai có khả năng cạnh tranh chức Tổng bí thư với Tô Lâm, thì chắc chắn, Tô Lâm không tha.

Đại hội 14 còn chưa đầy 20 tháng nữa, chắc chắn, sẽ có nhiều trận thư hùng khốc liệt và đặc sắc, cho đến khi nào chỉ còn lại một kẻ chiến thắng sau cùng.

Trần Chương

Nguồn : Thoibao.de, 17/04/2024

**************************

Thế Huệ mạnh, khả năng Lâm – Chính liên thủ ?

Hoàng Anh, Thoibao.de, 16/04/2024

Hiện nay, Vương Đình Huệ đang cố gắng để tạo ra thế "3 mũi giáp công", đánh vào Tô Lâm, hay chí ít thì cũng tạo được thế gọng kìm, kìm hãm Tô Lâm.

tutru5

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp chính phủ. Ảnh : Viết Chung

Tại Bộ Chính trị, Vương Đình Huệ chiếm ưu thế hơn hẳn. Tại Bộ Công an, phe Huệ và phe Tô bất phân thắng bại. Tại Bắc Triều, Vương Đình Huệ cũng đang lợi thế hơn Tô Lâm. Ngược lại, phe Tô Lâm chỉ còn bám víu vào một thế cờ duy nhất, đó là đánh mạnh vào đàn em của Vương Đình Huệ. Hiện có thông tin, em trai ông Huệ bị câu lưu và trợ lý của ông cũng đang nằm trong tầm ngắm của Tô Lâm.

Nếu nắm được bằng chứng phạm pháp rõ ràng, như trường hợp Hậu "Pháo" hối lộ ông Võ Văn Thưởng, thì Vương Đình Huệ cũng không có lối thoát. Tuy nhiên, câu hỏi mà giới phân tích đặt ra là, bằng chứng về những khoản tiền bẩn qua tay em ruột và trợ lý của ông Huệ, có đủ thuyết phục hay không ? Bởi đa số thời gian công tác của ông Huệ là ở Trung ương, thời gian về địa phương chỉ khoảng 1 năm. Đó là lúc ông Huệ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, tạm thay thế cho Hoàng Trung Hải bị kỷ luật.

Ông Tô Lâm đã bố trí tay chân làm giám đốc công an 63 tỉnh thành trên cả nước. Cho nên, những người từng kinh qua các chức vụ bí thư hay chủ tịch tỉnh, thường khó thoát khỏi bàn tay của Tô Lâm. Với thời gian ngắn ngủi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội của ông Vương Đình Huệ, nếu ông có "nhúng chàm" và bị ông Tô Lâm nắm được thì ông Huệ rất khó thoát khỏi bàn tay Tô Lâm.

Bản tính Tô Lâm là hay làm liều, ra tay mạnh mẽ và bất chấp. Cho nên, tin đồn về việc bắt giữ em ruột và nhắm vào trợ lý của ông Huệ, mà không công bố trước báo chí nhà nước, thì điều này cũng có khả năng. Không rõ, ông Tô Lâm dùng chiến thuật "rung cây dọa khỉ", để cho ông Vương Đình Huệ "có tật giật mình", hay là 2 người thân cận của ông Vương Đình Huệ đã bị Tô Lâm nắm hết bằng chứng sai phạm ? Với tính khí Tô Lâm, một khi đã có bằng chứng, thì sẽ đánh úp ngay, chứ không chần chừ, thương lượng, ngã giá… mất thời gian. Cho nên, việc bắt người không công bố, làm cho một số nhà phân tích nghi ngờ về thứ vũ khí lợi hại trong tay Tô Lâm.

Nếu ông Tô Lâm không đủ bằng chứng thuyết phục để hạ ông Vương Đình Huệ, thì rất có thể, người bị thịt không phải là ông Huệ mà chính là Tô Lâm. Bởi ông Huệ đã thể hiện rõ ý đồ cắt đứt quyền lực của nhóm Hưng Yên tại Bộ Công an, bằng con bài Phan Đình Trạc. Nếu Tô Lâm mất Bộ Công an và bị đẩy lên ghế Chủ tịch nước, thì khi đó, ông Tô Lâm sẽ trở thành cá nằm trên thớt đối với ông Huệ. Lúc đó, ông Huệ có thể thịt Tô Lâm bất cứ lúc nào.

Nếu thế lực của Vương Đình Huệ đủ mạnh, khiến Tô Lâm bất lực, thì người thua cuộc không chỉ có Tô Lâm, mà có thể có cả Phạm Minh Chính. Còn nhớ, trước Đại hội 13, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính đấu nhau giành ghế Thủ tướng, nhưng cuối cùng, ông Huệ đã thua cuộc. Có lẽ, ông Huệ khó mà nuốt trôi cục tức này.

Nếu Phan Đình Trạc ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an, thì gần như chắc chắn, Vương Đình Huệ sẽ trở thành Tổng bí thư. Bởi một khi ông Trạc nắm thóp được Bộ Công an, thì sức mạnh của Tô Lâm sẽ bị hóa giải. Mà khi Vương Đình Huệ vừa nắm chức Tổng bí thư, vừa điều khiển được Bộ Công an, thì lúc đó, có thể Phạm Minh Chính cũng rơi vào vòng nguy hiểm. Lúc đó, ông Chính phải lo giữ cho chắc chức Thủ tướng, nếu không, ông cũng có khả năng ngã ngựa.

Những ngày gần đây, mạng xã hội lại rộ lên tin đồn, ông Chính liên minh với ông Tô Lâm. Không biết, ông Chính có thực sự nhảy vào bên này để đánh bên kia hay không ? Bởi ông Chính cũng có tham vọng đoạt ghế Tổng bí thư.

Hiện nay, 3 người – Tô Lâm, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính, đang tạo thành thế chân vạc trong cuộc chiến tranh giành ghế Tổng bí thư. Vì vậy, nếu thấy ông Huệ đến được gần ghế Tổng hơn, thì khả năng 2 người còn lại liên thủ để hạ ông Huệ là rất cao. Họ liên thủ để loại bỏ 1 đối thủ, rồi sau đó quay ra đấu nhau tiếp.

Hoàng Anh

Nguồn : Thoibao.de, 16/04/2024

**************************

Thủ Chính chọn phe của Tô Lâm : Điều gì sẽ xảy ra với Tổng Trọng và Huệ Vương ?

Trà My, Thoibao.de, 16/04/2024

Việc các đối thủ hay phe nhóm chính trị hợp rồi tan, tan rồi hợp, vốn là điều thể hiện một nguyên tắc của chính trị. Đó là "không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi mới là vĩnh viễn".

tutru6

Bộ trưởng Tô Lâm vinh dự đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Đại hội thành lập Hội Cựu Công an Nhân dân Việt Nam ngày 17/8/2023.

Mối quan hệ "nóng lạnh" thất thường giữa Thủ Chính và Tổng Trọng, cũng như Bộ trưởng Tô Lâm, thông qua việc truy lùng Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty cổ phần Tiến bộ AIC, là một ví dụ.

Theo giới phân tích, trong một thời gian dài, Tổng Trọng và Bộ trưởng Tô đã sử dụng con bài Nhàn AIC – một người đang trốn truy nã, để gây sức ép cũng như buộc Thủ Chính phải rút lui khỏi cuộc đua nhân sự cấp cao.

Truyền thông nhà nước ngày 14/4 đồng loạt đưa tin về việc hơn 5.000 Cảnh sát cơ động và dàn xe đặc chủng hiện đại, phô diễn sức mạnh của lực lượng này, tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần thứ 2. Theo giới quan sát, đây là lần biểu dương, phô diễn sức mạnh của lực lượng này với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, các hình ảnh của Thủ tướng Chính trong buổi lễ vừa kể, đặc biệt hình ảnh có mặt Tô Lâm, đã cho thấy mối quan hệ nồng ấm giữa Thủ Chính và Tô Đại tướng.

Các Bộ trưởng Bộ Công an từ thời ông Trần Đại Quang tới nay, đã và đang bành trướng sức mạnh quân sự, không ngại tranh chấp quyền lực với quân đội, thông qua lực lượng Cảnh sát Cơ động. Việc Bộ Công an tăng cường bổ sung xe bọc thép, máy bay trực thăng chiến đấu, không đơn giản chỉ nhằm mục đích đàn áp dân, mà còn có mục tiêu cạnh tranh với Bộ Quốc phòng.

Việc phô diễn sức mạnh của lực lượng Cảnh sát Cơ động này, trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa Bộ trưởng Tô với Tổng Trọng đang vào hồi quyết liệt. Điều đó đã ảnh hưởng đến vị thế và khả năng trở thành người kế nhiệm Tổng bí thư của Vương Đình Huệ.

Theo giới phân tích, việc Tổng Trọng cho ông Huệ làm người kế nhiệm là điều chắc chắn. Với sự ủng hộ của Tổng Trọng, phe Nghệ Tĩnh đã chiếm số lượng ghế ủy viên Trung ương Đảng không hề nhỏ. Đặc biệt, số lượng ủy viên Bộ Chính trị cũng áp đảo trong Bộ Chính trị, phe Nghệ Tĩnh và Vương đình Huệ từng làm mưa làm gió một thời gian dài.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều đồn đoán từ giới thạo tin cho thấy, Tô Lâm đã quay mũi tấn công vào các doanh nghiệp sân sau, cũng như người thân cận của ông Huệ, tương tự bài học tày liếp của cựu Chủ tịch Thưởng mới đây.

Trong cơ cấu nhân sự của Bộ Chính trị hiện nay, có 6 tướng Công an và Quân đội. Đó là : Phạm Minh Chính, Lương Cường, Tô Lâm, Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình và Phan Văn Giang. Hiện nay, phe của Bộ trưởng Tô Lâm đang ở thế chủ công, ngược lại, phe của Tổng Trọng đang ở thế phòng thủ.

Một trong những lý do buộc Tô Lâm và phe cánh phải gia tăng sức ép lên Tổng Trọng, buộc ông sớm rời bỏ chính trường, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Trọng đang tìm cách để ngồi lại ghế Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 4.

Theo giới thạo tin, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, đồng thời là cố vấn An ninh và Tôn giáo của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có mối quan hệ bền chặt với Bộ trưởng Tô Lâm. Do ông Hưởng là "thủ trưởng" cũ của Tô Lâm.

Sự góp mặt của Thủ tướng Chính – cũng là một nhân vật thân cận với ông Ba Dũng, trong liên minh chính trị này, rõ ràng, sẽ bổ sung nanh vuốt cho ông Tô Lâm.

Tác giả Dương Vũ đã có loạt bài viết "Ai đang làm khánh kiệt đất nước ?" dài 16 kỳ. Giới thạo tin tiết lộ, Dương Vũ chính là Thượng tướng Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an. Bài viết trên đã tiết lộ một chi tiết quan trọng. Đó là, sau Đại hội Đảng 12, với sự thất bại của cựu Thủ tướng Dũng, tại biệt thự của cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng đã tổ chức một cuộc họp bàn về "Kế hoạch hậu chiến", với sự có mặt của nhiều quan chức thân cận với Nguyễn Tấn Dũng, như : Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải, Tô Lâm v.v…

Xin nhắc lại, bài "Nguyễn Tấn Dũng lại thoát nữa !" của tác giả Trung Điền, đã đưa ra một dự báo đáng chú ý, khi cho rằng "sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ tại Kiên Giang đã hé mở một viễn cảnh là phe nhóm ông Dũng có thể quay trở lại trong Đại hội 13".

Theo giới quan sát, dưới thời Tổng Trọng đã để xảy ra tình trạng cán bộ chạy chức chạy quyền, dùng tiền bạc để mua ghế, với mức độ chưa từng có trước đây. Điều đó cho thấy, việc lựa chọn nhân sự do Trưởng tiểu ban Nguyễn Phú Trọng rất có vấn đề.

Những điều vừa kể cho thấy, Tô Lâm và phe cựu Thủ tướng Ba Dũng muốn tiến tới việc thay thế, thậm chí là xử lý hình sự Tổng Trọng, chứ không riêng Huệ Vương.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 16/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, Trần Chương, Hoàng Anh
Read 1034 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)