Chuyện Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 nhất trí cho ông Vương Đình Huệ "thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, theo nguyện vọng cá nhân" (1), cho thấy giới lãnh đạo đảng không còn chút liêm sỉ nào.
Gắn kết nhau bằng tình yêu thương và lòng nhân ái. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến dự phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Một tổ chức chính trị ra rả "nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức", khẳng định đó là "một trong những điều kiện tiên quyết của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (2) nhưng vừa thản nhiên thừa nhận ông Huệ "vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm", phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của đảng và pháp luật của nhà nước" (3), vừa khẳng định chắc nịch rằng ông Huệ có thể "hạ cánh an toàn" (đồng ý cho thôi chức theo nguyện vọng cá nhân), rồi trước ông Huệ là ông Võ Văn Thưởng (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng khóa 13, Chủ tịch thứ 12 của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), trước ông Thưởng là ông Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng khóa 13, Trưởng ban Kinh tế của Ban chấp hành trung ương đảng), trước ông Anh là ông Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng khóa 13, Chủ tịch thứ 11 của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) cũng y hệt như vậy. Kiểu hành xử ấy có khác gì vừa tự khoe sạch sẽ vì "học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh", nỗ lực "giữ gìn vệ sinh thật tốt", vừa bôi tro, trát trấu vào mặt và bảo đó là điểm "ưu việt" của "nhà nước dân chủ kiểu mới" !
Một trong những lý do dẫn tới việc bốn Ủy viên Bộ Chính trị vừa kể phải "tự nguyện" xin "thôi giữ các chức vụ" và được Ban chấp hành trung ương đảng nhất trí đáp ứng là không thể thoái thác "trách nhiệm chính trị của người đứng đầu". Nếu đúng là "người đứng đầu" không thể né tránh "trách nhiệm chính trị" vì "để xảy ra nhiều vi phạm khiến nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật đảng, hành chính" thì tại sao ông Nguyễn Phú Trọng chưa tự xử hoặc Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 không ngồi lại để xem xét, xử lý Tổng bí thư ? Nên xếp ông Trọng vào loại nào khi ông thường xuyên răn dạy các đồng chí phải "tự soi lại mình, tự gột rửa" (3), gọi hiện tượng "chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người" là bệnh, lớn tiếng cảnh báo căn bệnh này vừa là nguyên nhân dẫn tới, vừa là biểu hiện của "tự diễn biến, tự chuyển hóa" (4) nhưng vẫn không xin thôi làm Tổng Bí thư, cho dù Bộ Chính trị mất năm Ủy viên trong vòng chưa đầy 18 tháng, chưa kể khi đảm nhận vai trò lãnh đạo tiểu ban chuẩn bị nhân sự cho Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13, ông Trọng còn chọn nhầm, giới thiệu sai nên Ban chấp hành trung ương khóa này mất thêm hơn một chục Ủy viên nữa bởi từng có đủ thứ "vi phạm, khuyết điểm" trước khi được tiến cử vào Ban chấp hành trung ương đảng khóa này ?
***
Bởi thiếu liêm sỉ nên bất chấp thực trạng thế nào, đầu năm 2021, lúc Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam kết thúc, bất chấp Điều lệ đảng không cho phép một cá nhân đảm nhiệm vai trò Tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ (5), sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, ông Trọng mới dõng dạc tuyên bố : "Đại hội đã tiến hành nghiêm túc, đúng Điều lệ Đảng, sáng suốt lựa chọn và bầu các đồng chí đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13" (6)
Tổng bí thư như thế thì đồng đảng cũng thế. Không ít cá nhân phụ họa như ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương : "Chúng ta chuẩn bị rất kỹ lưỡng về chất lượng chứ không chỉ có điều kiện, tiêu chuẩn Qua công tác nhân sự tại đại hội lần này thấy được niềm tin của nhân dân với đảng, đây là nét rất mới, mang lại thành công lớn của đại hội" (7). May là ông Thắng tán láo. Ông mà đúng, sau scandal Vương Đình Huệ, sẽ có bao nhiêu triệu dân vì thất vọng mà tự tử ?
***
Mười năm trước, ông Trọng định hướng thế này cho công cuộc chống tham nhũng : "Chúng ta làm rất kiên quyết nhưng phải tỉnh táo, làm lâu dài, giữ cho được ổn định đất nước để phát triển chứ giũ tung tất cả, tạo sự mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm Phải khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định" (8).
"Sự khôn ngoan", "con mắt chiến lược" nhằm "bảo vệ được bình hoa" là lý do khiến ông Trọng và đảng của ông khẳng định, vừa điều hành công cuộc chống tham nhũng theo hướng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai" (9), vừa bảo đảm "nhân văn, nhân ái, nhân tình" vì "răn đe, giáo dục, ngăn ngừa là chính, nếu phải xử lý thì nghiêm minh, đúng pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm của con người" (10).
Phải rất thiếu liêm sỉ mới thản nhiên biện luận về việc đặt định những yêu cầu mâu thuẫn, chẳng nơi nào, thời nào trong lịch sử nhân loại dám dùng trong ngăn ngừa "tham quan ô lại". Thực trạng kinh tế - xã hội càng ngày càng thê thảm chứng minh "nhân văn, nhân ái, nhân tình", chỉ kích thích các đồng đảng nhũng lạm táo tợn hơn, không những không "răn đe, giáo dục, ngăn ngừa" được ai mà còn là nguyên nhân khiến các đồng đảng "giũ tung tất cả" nhằm giành phần lớn hơn và cuối cùng vẫn là dân lành lãnh hết hậu quả.
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 29/04/2024
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/trung-uong-dong-y-ong-vuong-dinh-hue-thoi-chuc-chu-tich-quoc-hoi-4735654.html
(4) https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/truoc-het-phai-tu-phe-binh-738951
(8) https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/chong-tham-nhung-danh-chuot-dung-vo-lo-20141006212715536.htm
(10) https://tienphong.vn/chong-tham-nhung-nhan-van-nhung-du-ran-de-ngan-ngua-post1604684.tpo