Vì sao Tổng Trọng sẽ được Tô Đại tiễn về chung lối với Thưởng và Huệ ?
Trà My, Thoibao.de, 29/04/2024
Chỉ trong vòng vẻn vẹn có 35 ngày, 2 nhân vật "hạt giống" được Tổng Trọng dày công nâng đỡ và dìu dắt, để kế nhiệm ông sau khi ông rút lui, đã đã bị đánh gục.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh : Phạm Thắng).
Việc Võ Văn Thưởng và sau đó là Vương Đình Huệ bị buộc phải làm đơn từ chức, cho thấy uy quyền của Tổng Trọng đã suy giảm nghiêm trọng.
Một nguồn thạo tin từ Hà Nội, mới đây đã cho thoibao.de biết, ông Vương Đình Huệ đã bị cấm xuất cảnh, và ngày 27/4 đã bắt đầu bàn giao tất cả hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các hoạt động của Quốc hội.
Đồng thời, kể từ ngày 1/5 trở đi, ông Huệ buộc phải thực hiện các yêu cầu cụ thể như sau :
"Không được tham dự trả lời phỏng vấn báo chí trong nước và quốc tế ; cấm tham gia các hoạt động có tổ chức, gây ảnh hưởng đến Đảng và nhà nước ; không được phép đi nước ngoài, trừ trường hợp đi chữa bệnh ở nước ngoài, thì phải báo cáo để bố trí người đi theo giám sát".
Những yêu cầu này khá đặc biệt và nhạy cảm, chưa từng áp dụng cho các lãnh đạo "Tứ trụ" bị mất chức trước đây, hoặc có áp dụng nhưng bảo mật tốt, không bị lộ ra công luận. Dấu hiệu bất thường này đã cho thấy, có thể, ông Huệ đã phạm vào một trọng tội nào đó, và sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng cao, ông Trọng sẽ chủ động đệ đơn xin về hưu, vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác lại cho rằng, rất có thể, ông Trọng sẽ bị ép về hưu theo đề nghị của Bộ Công an.
Theo thông lệ, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13, dự kiến sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 5/2024. Đây là một Hội nghị thường niên 2 kỳ trong một năm, theo quy định.
Trên một số diễn đàn chính trị, đã có thông tin từ các nguồn thạo tin cho hay, Bộ trưởng Tô Lâm đang vận động các lãnh đạo chủ chốt trong Đảng, thống nhất để có thể ra một Nghị quyết của tập thể Bộ Chính trị, về việc "xem xét trách nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác cán bộ, với tư cách người đứng đầu".
Trong bối cảnh chính trường Việt Nam hết sức rối ren như hiện nay, ông Tô Lâm không cần dấu diếm, đã và đang nỗ lực, gấp rút bằng mọi giá, quyết tâm "soán ngôi, đoạt vị", ép Tổng Trọng phải rút lui khỏi chính trường, và nhường quyền lãnh đạo tối cao cho ông.
Khi phát động cuộc chiến "đốt lò", với mục đích làm trong sạch Đảng, nhưng kết quả cho thấy, Tổng Trọng càng đánh thì tham nhũng càng tăng, và nội bộ Đảng be bét chưa từng thấy. Các quan chức lãnh đạo cấp cao lại là những kẻ phạm tội lớn nhất, như 2 nhân vật thân tín của ông Tổng là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.
Theo giới quan sát, lý do buộc Tổng Trọng phải chủ động rời chức vụ, liên quan đến "trách nhiệm chính trị", trong tư cách là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, như những lãnh đạo đã từ chức, là Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.
Với sức mạnh vô đối của ông Tô Lâm hiện nay, theo giới quan sát, tất cả các lãnh đạo trong Bộ Chính trị, cũng như ở mọi cấp, mọi ngành, đều đang run sợ, lo lắng. Bởi không ai biết, khi nào sẽ tới phiên họ bị Bộ Công an gọi tên, như các nhân vật lãnh đạo đã bị khởi tố và bắt giam gần đây.
Theo giới quan sát, việc ông Thưởng và ông Huệ bất ngờ "ngã ngựa" đã cho thấy, tất cả các lãnh đạo cấp cao của Đảng không ai thực sự trong sạch. Và việc hồi tố để lật lại hồ sơ "nhúng chàm" trong quá khứ, thì động đến ai chết người ấy, kể cả Tổng Trọng.
Bộ Công an hạ bệ liên tiếp 2 nhân vật "Tứ trụ", là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, vốn là những nhân vật thân cận của ông Trọng, mà Tổng Trọng phải bất lực khoang tay đứng nhìn. Điều đó cho thấy, phe của Tổng Trọng cũng như phe Nghệ Tĩnh, đã không còn đủ uy lực và sức mạnh để đối phó với Bộ Công an.
Có ý kiến cho rằng, Tổng Trọng – người đứng đầu Đảng, đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương, là nhân vật bất khả xâm phạm, và Tô Lâm sẽ không dám đụng tới. Tuy nhiên, khi Điều lệ Đảng còn không được chính người đứng đầu Đảng tôn trọng, thì ông Tô Lâm có gì phải ngại ? Thực tế, Tổng Trọng đã ngồi lên Điều lệ Đảng để giữ ghế Tổng bí thư đến 3 nhiệm kỳ, thì chức Bí thư Quân ủy Trung ương cũng chẳng còn có ý gì. Nghĩa là, quyền lực luôn thuộc về kẻ mạnh.
Giới quan sát quốc tế mới đây đã đánh giá, quyền lực tối thượng trên chính trường Việt Nam đã và đang rơi vào bộ máy an ninh – cảnh sát của ông Tô Lâm, người đứng đầu Bộ Công an. Vì thế, việc ông Trọng phải ra đi là điều hoàn toàn có thể.
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 29/04/2024
*****************************
Đảng như "quái vật", biến cựu Chủ tịch Quốc hội thành "tù nhân", vì sao ?
Hoàng Phúc, 29/04/2024
Sau khi ông Vương Đình Huệ "ngã ngựa", một nguồn tin nội bộ cho biết, từ ngày 1/5 trở đi, ông Huệ sẽ phải tuân thủ chặt chẽ một số quy định do Đảng đặt ra : Thứ nhất, không được trả lời phỏng vấn báo chí trong nước và quốc tế ; thứ nhì, không được tham gia các hoạt động có tổ chức, gây ảnh hưởng đến Đảng và Nhà nước ; thứ ba, không được đi ra nước ngoài. Nếu đi chữa bệnh ở nước ngoài, phải báo cáo để bố trí người theo giám sát.
Đây là thông tin mới lạ, chỉ có những người trong nội bộ mới biết, bởi nó là quy định bí mật do Đảng đặt ra. Với quy định này, chẳng khác nào, Đảng đã biến cựu quan chức trở thành "tù nhân", bởi đây là cách mà Đảng hạn chế quyền tự do của công dân Vương Đình Huệ.
Điều lệ Đảng được xem là một hệ thống luật, do Đảng cộng sản đặt ra để quản lý người của Đảng. Ban đầu, Điều lệ Đảng mang đến một số đặc quyền đặc lợi cho đảng viên, cũng như bảo đảm sự trung thành của đảng viên đối với Đảng. Tuy nhiên, vì các quan chức của Đảng đã làm quá nhiều chuyện xấu xa, nên Đảng phải đặt ra những điều luật bí mật để che đậy.
Tương tự, 3 điều cấm với ông Vương Đình Huệ cũng chính là cách mà Đảng che giấu những điều thối tha bên trong nội bộ, mà Đảng không muốn để người dân và quốc tế biết.
Một người ở vị trí càng cao, thì sẽ biết được càng nhiều bí mật động trời bên trong Đảng. Ở vị trí Tứ trụ, ắt hẳn, ông Huệ biết rất nhiều. Khi ông bị bức phải buông bỏ quyền lực, tất nhiên sẽ sinh ra mất mãn, để trả đũa, có thể ông sẽ tung hê hết ra trước bàn dân thiên hạ. Đây là điều mà Đảng lo sợ, dẫn đến việc áp cho ông những điều cấm trên.
Cũng nguồn tin nội bộ này cho biết, nhiều ngày trước khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định loại bỏ ông Huệ vào ngày 26/4 vừa qua, bà Nguyễn Vân Chi – vợ ông Huệ đã rời khỏi Việt Nam. Khả năng cao là bà Chi đã sang Mỹ – nơi con gái của bà là Vương Hà My đang cư ngụ.
Việc ông Huệ cho con đi du học Mỹ, là điều mà dư luận đã biết từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi ông Huệ đánh hơi "điều chẳng lành" sắp xảy ra với mình, và để cho vợ khăn gói chạy thoát thân trước, thì rất có thể, việc đầu tư cho con gái đi du học nước ngoài, cũng là cách đề phòng bất trắc cho gia đình của ông.
Qua cách làm của ông Huệ, cho thấy, ngay cả những người đứng ở hàng cao nhất trong Đảng cũng không tin Đảng, dù trước truyền thông, họ luôn rao giảng về thứ lý tưởng Cộng sản "cao đẹp".
Để trói buộc người đảng viên vào với Đảng và mua sự trung thành của họ, Đảng dùng luật riêng để ban phát quyền lực, lợi ích. Khi người đảng viên bị loại khỏi mâm quyền lực, Đảng lập tức tròng lên đầu họ những điều cấm đoán, nhằm biến họ thành "tù nhân". Như vậy, Đảng chẳng khác nào con quái vật biến hình, vừa là thiên thần vừa là ác quỷ đối với người phục vụ cho nó.
Rất có thể, những quan chức đã "ngã ngựa" khác, như các ông Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh vv… cũng không ngoại lệ. Bởi nếu không cấm, thì có thể, đã có người ra nước ngoài rồi tung ra bí mật của Đảng.
Trong quá khứ, từng có nhiều lãnh đạo đi chữa bệnh nước ngoài, như ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang, ông Lê Văn Thành vv… Tuy nhiên, không một ai, không một hãng tin nào có thể khai thác được gì từ họ. Có lẽ, họ bị Đảng cử người đi theo dõi và giám sát. Làm quan chức cấp cao trong Đảng cộng sản Việt Nam, có thể, đến khi gần chết cũng không được yên thân.
Chỉ có những kẻ làm nhiều điều xấu xa thì mới muốn che giấu. Nếu Đảng không làm gì xấu xa, sao lại quản lý người đã từ bỏ quyền lực chặt chẽ đến như thế ?
Hoàng Phúc
Nguồn : Thoibao.de, 29/04/2024