Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2017

Tình nghĩa Việt-Trung đã rã rời ?

Phạm Trần

Quan hệ Việt-Trung đã chuyển từ xám sang đen trong thời gian kỷ lục chưa đầy 60 ngày, sau khi Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ động hủy bỏ cuộc họp đã sắp đặt trước với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 7/8/2017.

viettrung1

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ động hủy bỏ cuộc họp đã sắp đặt trước với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 7/8/2017

Chuyện này xẩy ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 50 của Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á (ASEAN, The Association of South East Asia Nations) tại Thủ đô Manila, Phi Luật Tân từ ngày 05 đến 08/08/2017

Cả hai nuớc Việt-Trung đều im tiếng về quyết định bất ngờ của Vương Nghị, nhưng các nhà ngoại giao theo dõi Hội nghị cho biết họ Vương đã nổi giận khi thấy nội dung lên án hành động lấn chiếm và những hoạt động quân sự khác của Trung Quốc ở Biển Đông do Phạm Bỉnh Minh chủ động đã thuyềt phục được các nước trong ASEAN ghi vào Thông cáo cuối cùng của Hội nghị.

Tuy không có sự thống nhất của tất cả 10 Quốc gia, nhưng đoạn Tuyên bố nói vể Biển Đông viết rằng (tạm dịch) :

"Chúng tôi đã thảo luận sâu rộng những vấn đề liên quan đến Biển Đông và ghi nhận sự bầy tỏ mối quan tâm của vài Bộ trưởng về tình hình chiếm lĩnh đất đai và những hoạt động khác trong khu vực đã xói mòn lòng tin và sự tín nhiệm, gia tăng căng thẳng và phương hại đền hòa bình, an ninh và sự ổ định của khu vực".

(We discussed extensively the matters relating to the South China Sea and took note of the concerns expressed by some Ministers on the land reclamations and activities in the area, which have eroded trust and confidence, increased tensions and may undermine peace, security and stability in the region).

Thông cáo chung không tiết lộ "vài Bộ trưởng" là ai, nhưng viết tiếp rằng :

"Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và cổ võ hòa bình, an ninh, sự ổn định, an toàn và tự do lưu thông trên không và trên mặt biển ở Biển Đông".

(We reaffirmed the importance of maintaining and promoting peace, security, stability, safety and freedom of navigation in and over - flight above the South China Sea.)

Tất nhiên chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất đã lấn chiếm nhiều đảo và bãi đá của Việt Nam và không ngừng đe dọa sẽ chiếm dẫy bãi đá Scarborough Shoal tranh chấp với Phi Luật Tân mà họ gọi là quần đảo Trung Sa (Phi gọi là Biển Tây Phi Luật Tân).

Bắc Kinh đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/01/1974 từ tay Hải Quân Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, từ đầu năm 1988, theo tài liệu của Bách khoa toàn thư mở, Trung Quốc xua quân tấn công Trường Sa, khi ấy do quân cộng sản Việt Nam kiểm soát, chiếm 5 vị trí gồm đá Chữ Thập (31 tháng 1), đá Châu Viên (18 tháng 2), đá Ga Ven (26 tháng 2), đá Tư Nghĩa (Huy Gơ) (28 tháng 2), Xu Bi (23 tháng 3).

Đến ngày 14/03/1988 Bắc Kinh lại tung quân đánh chiếm thêm 3 bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef hay Chigua Jiao),  Cô Lin và (Johnson North/Collins Reef, hay Guihuan Jiao) Len Đao (Lansdowne Reef, hay Qiong Jiao) ở Trường Sa.

Cho đến nay (tháng 8/2017) Trung Quốc đã xây dựng căn cứ phòng thủ, xây sân bay, bến cảng và đóng quân kiểm soát một vùng biển rộng lớn bao quanh các đảo nhân tạo mà trước đây là các bãi đá Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi.

Năm 2013, Phi đã kiện Trung Quốc ra tòa Quốc tế vì Bắc Kinh không ngừng đem quân và tầu chiến đấu vào lãnh hải Phi để đòi quyền biển đảo phi lý. Đến năm 2016, tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc phán quyết chủ quyền vùng Biển Tây hoàn toàn thuộc về Phi Luật Tân. Tòa cũng bác bỏ chủ quyền tự nhận của Trung Quốc trong "đường 9 đoạn", hay còn được gọi là đường Lưỡi Bò (vì đường vẽ giống cái Lưỡi Bò), chiếm 3/4 diện tích trên 3 triệu cây số vuông Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tòa án nói rằng, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy người Trung Quốc đã sinh sống thường trực và có những chứng tích lịch sử tại những vùng lãnh thổ trong hình Lưỡi Bò.

Thắng lợi của Phi cũng đem lại chiến thắng cho những quốc gia có biển đảo bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, hay đang bị đe dọa, đặc biệt là Việt Nam.

Nhưng dù được Phi mời tham gia vụ kiện đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn không dám đưa Trung Quốc ra tòa vì sợ bị Bắc Kinh trừng phạt kinh tế và quân sự.

Vì vậy, trong cuộc họp báo ngày 6/8/2017 tại Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghịđã nói "chỉ có hai" trong số 10 nước ASEAN chống Trung Quốc.

Nam Dương, Mã Lai Á và Brunei cũng tranh chấp chủ quyền một số bãi đá ở Biển Đông, nhưng chưa bao giờ bị Bắc Kinh lấn chiếm.

Riêng Tân Gia Ba (Singapore), Thái Lan, Lào, Cao Miên và Miến Điện (Myanmar, tên cũ là Burma) không có tranh chấp với Trung Quốc nên thường đứng giữa hay thiên về Bắc Kinh để bảo vệ quyền lợi chính trị, thương mại và viện trợ kinh tế. Vì vậy chưa bao giờ ASEAN đạt được thống nhất lập trường khi phải đối phó với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong Thông cáo chung, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng đã nhất trí nhấn mạnh trong Thông cáo cuối cùng rằng (tạm dịch) :

"Chúng tôi cũng khẳng định thêm rằng cần phải tăng cường lòng tin và sự tín nhiệm, tự chế trong các hành động và tránh những động thái làm cho tình hình thêm rắc rối, theo đuổi tìm giải pháp cho các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế, bao gồm cả Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự chế các hoạt động của các bên liên quan và các nước khác, kể cả những quốc gia có tên trong Văn kiện Tuyên bố ứng xử giữa các bên (Declaration of Conduct, DOC), có thể làm cho tình hình phức tạp hơn và lan rộng căng thẳng ở Biển Đông".

(We further reaffirmed the need to enhance mutual trust and confidence, exercise self-restraint in the conduct of activities and avoid actions that may further complicate the situation, and pursue peaceful resolution of disputes in accordance with international law, including the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS). We emphasised the importance of non-militarisation and self-restraint in the conduct of all activities by claimants and all other states, including those mentioned in the DOC that could further complicate the situation and escalate tensions in the South China Sea.)

Ngoài 10 nước hội viên của ASEAN, tài liệu DOC ký ở Nam Vang, Cao Miên ngày 04/11/2002 còn có chữ ký của, Đặc phái viên, Phó Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Wang Yi.

Trong diễn văn đọc tại diễn đàn ASEAN ngày 06/08 (2017), theo bản tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thì Trưởng đoàn cộng sản Việt Nam Phạm Bình Minh đã có những tuyên bố khiến Vương Nghị hủy bỏ cuộc gặp Phạm Bình Minh. TTXVN viết :

"Phó Thủ tướng đã chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây và hiện nay tại Biển Đông, bao gồm các hành động đơn phương như bồi đắp, cải tạo đất và quân sự hóa, làm xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông ; đề nghị các nước tiếp tục ủng hộ ASEAN và đóng góp xây dựng cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực ; thúc đẩy các bên tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, kiềm chế, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, sớm đi vào đàm phán thực chất và hoàn tất Bộ quy tắc COC hiệu quả trên cơ sở Khung COC đã được thông qua".

Từ DOC đến COC

Nên biết Tuyên bố ứng xử (DOC-Declaration of Conduct) là văn kiện không có ràng buộc pháp lý. Sự tuân theo tùy vào thiện chí của các nước đã ký nên Trung Quốc đã lợi dụng kẽ hở này để ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các bên ở Biển Đông, bất chấp cam kết của Phó Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi tại Nam Vang.

Tỷ dụ như Điều 4 của DOC đã viết :

"Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982" (bản dịch chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam)

(The Parties concerned undertake to resolve their territorial and jurisdictional disputes by peaceful means, without resorting to the threat or use of force, through friendly consultations and negotiations by sovereign states directly concerned, in accordance with universally recognized principles of international law, including the 1982 UN Convention on the Law of the Sea).

Hay như đã đồng ý ghi trong
Điều 5 :

"Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng…".

("The parties undertake to exercise self-restraint in the conduct of activities that would complicate or escalate disputes and affect peace and stability including, among others, refraining from action of inhabiting on the presently uninhabited islands, reefs, shoals, cays, and other features and to handle their differences in a constructive manner…").

Chỉ trong phạm vị 2 Điều này, so với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đối với Việt Nam và Phi Luật Tân từ năm 2002 đến 2017, tổng cộng 15 năm, đã có bao nhiêu mạng ngư dân Việt Nam đã hy sinh ở Biển Đông vì sự tàn bạo của quân Trung Quốc ?

Vậy mà đảng cầm quyến cộng sản Việt Nam, chỉ vì mối lợi thiển cận cần sự bảo hộ để tồn tại mà đã cúi đầu cam chịu để cho Trung Quốc tự do lấn chiếm biển đảo và tài nguyên của Tổ tiên để lại ở Biển Đông từ sau 1975 đến nay.

Có lẽ đã thấm đòn mà từ tháng 7/2992, Việt Nam và Phi Luật Tân đã chủ động việc thành hình văn kiện Quy tắc ứng xử (Code of Conduct-COC) để ràng buộc các bên phải trả gía cho những hành động bất hợp pháp của mình.

Nhưng Trung Quốc không bao giờ chịu vào khuôn phép của pháp luật nên đã tìm mọi cách và lợi dụng mọi cơ hội để từ chối hoàn tất văn kiện COC (Code of Conduct), hay Bộ Quy tắc ứng xử, bắt đầu thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc từ năm 2000.

Sau 17 năm giằng co, mãi đến ngày 06/08/2017, ASEAN và Trung Quốc mới đạt thỏa thuận một "dự thảo khung" cho COC tại Manila, Phi Luật Tân để bắt đầu thương thảo, bắt đầu từ tháng 11/2017 tại Hội nghị ASEAN-Trung Quốc.

Tuy nhiên, nội dung cái khung của COC như thế nào không được tiết lộ. Một mẩu tin của Thông tấn xã Việt Nam chỉ cho biết :

"Tại hội nghị, các Bộ trưởng ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo khung COC, tạo cơ sở đi vào đàm phán thực chất nội dung COC trong giai đoạn tới. Các nước đồng thời tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông ; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 ; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, kiềm chế và tránh các hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực".

Đó là sự mơ ước của ASEAN đã có từ mấy chục năm rồi, nhưng Trung Quốc vẫn làm ngơ và tiếp tục bồi đắp các bãi đá thành đảo để xây dựng căn cứ quân sự có khả năng khống chế con đường lưu thông hàng hải huyết mạch từ Địa Trung Hải (Trung Đông) xuyên qua Ấn Độ Dương để sang Thái Bình Dương đi sang Bắc Đại Tây Dương.

Vương Nghị - Phạm Trường Long

Nhưng Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị đã nói gì về triển vọng của COC ?

Trong cuộc họp báo ngày 06/08/017 ở Manila, họ Vương đã bất ngờ đưa ra một lịch trình thương thuyết có điều kiện và yếu tố nước ngoài khó hiểu.

Theo Tân Hoa Xã của Trung Quốc (Xinhua News Agency), ông Vương đưa ra 3 giai đoạn, tóm tắt là :

1. Bước một, các cuộc tham khảo sâu rộng sẽ bắt đầu trong năm nay (2017), sau khi những chuẩn bị cần thiết đã hoàn tất.

(In the first step, 11 Foreign Ministers jointly confirm the framework of the COC and announce that the next substantive consultations should be initiated in due course within the year when the necessary preparations ar.)

2. Bước hai. thi hành những sáng kiến, các nguyên tắc và quảng bá kế hoạch của COC đã thảo luận tại Toán hỗn hợp bàn về Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông vào cuối tháng 8.

(The second step is to implement the ideas, principles and promotion plans of the COC discussed on the joint working group meeting for the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea at the end of August).

3. Bước thứ ba, lãnh đạo Trung Quốc và các quốc gia ASEAN chính thứccông bố bản dự thảo về đàm phán COC cho bước tiếp theo tại kỳ họp của lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN vào tháng 11. 
Tuy nhiên, Vương Nghị đã ra 2 điều kiện tiên quyết để Trung Quốc tham dự các cuộc họp bàn về COC trong tương lai sau khi các bên đã chuẩn bị xong, đó là : 1. không có sự can thiệp từ bên ngoài. Và 2. Ổn định ở Biển Đông.

(In the third step, leaders of China and ASEAN countries officially announce the draft consultation on the COC for the next step at the China-ASEAN Leaders' Meetings in November after the basic completion of the preparation, and without significant interference from the outside world and on the basically stable situation in the South China Sea...

Đọc 2 điều kiện của họ Vương, ai cũng biết ông ta muốn mua thời gian để thực hiện các mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông vì rất khó mà định nghĩa rõ thế nào là "có can thiệp từ bên ngoài" và "tình hình ở Biển Đông phải ổn định như thế nào mới thỏa mãn đòi hỏi của Trung Quốc ?

Bởi vì hiện nay, ngoài lực lượng quân sự của Trung Quốc còn có hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Như vậy, bất cứ động thái quân sự nào của Mỹ trong khu vực cũng có thể bị Băc Kinh lấy cớ để trì hoãn thương thuyết về COC.

Nhưng không chỉ có Vương Nghị mới "giở chứng bất thường" như thế mà chuyện cơm không lành, canh không ngọt giữa Việt Nam và Trung Quốc đã nóng lên từ chuyến sang thăm và làm việc với lãnh đạo Việt Nam của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong) trong hai ngày 18-19/06/2017.

Tướng họ Phạm đã gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch ngày 18/6/2017.

Báo chí Việt Nam tường thuật chi tiết các cuộc họp với lời lẽ ôn hòa để đề cao hợp tác giữa hai nước, nhưng lại bỏ sót câu nói hỗn xược như nhổ nước bọt vào mặt các lãnh đạo của cộng sản Việt Nam.

Đó là khi Phạm Trường Long đã lưu ý nhóm lãnh đạo Việt rằng tất cả những đảo ở Biển Nam Hải (Biển Đông) là của Trung Quốc từ thời cổ đại.

Lời nói của họ Phạm chỉ đến tai người Việt Nam sau khi bài tường thuật các cuộc họp đôi bên của Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency)có ghi câu :

"Liên quan đến vấn đề Biển Nam Hải, tướng Phạm nhấn mạnh rằng những đảo ở Biển Nam Hải là của Trung Quốc từ thời cổ đại".

(Regarding the South China Sea issue, Fan stressed that the South China Sea islands have been China's territory since ancient times").

Tướng Phạm của Trung Quốc đã rời Hà Nội ngay sau lời tuyên bố này và không tham dự chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt–Trung lần thứ 4 tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) dự trù diễn ra từ ngày 20/6 đến 22/6.

Không biết bên nào chủ động hủy bỏ cuộc giao lưu, nhưng sau đó phía Trung Quốc nói tướng Phạm bận với chuyến đi khác nên không tham dự được.

Không có bất cứ phản ứng nào từ phiá Việt Nam được công khai, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên một tướng lãnh của Trung Quốc đã dám tuyên bố chủ quyền biển đảo như tạt gáo nước lạnh vào mặt nhóm Lãnh đạo đầu não của đảng cộng sản Việt Nam.

Biến cố này, nếu so với vụ Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan tìm dầu Hải Dương 981 vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển của Việt Nam năm 2014 (mỗi Hải lý dài 1.852 mét) thì sức ép làm nhục lãnh đạo Việt Nam của Phạm Trường Long nặng hơn ngàn cân. Bởi vì trong khi Hải Dương 981 ở cách xa bờ biển Việt Nam 130 hải lý thì họ Phạm đã vào tận trong Văn phòng trung ương đảng cộng sản Việt Nam để nói thẳng điều Trung Quốc muốn với ông Nguyễn Phú Trọng thì có cay đắng và hổ thẹn không ?

Bây giờ, tại diễn đàn ASEAN ngày 7/8 (2017) ở Manila, Phi Luật Tân, chưa đầy 60 ngày sau khi tướng Phạm Trường Long rời Hà Nội, Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị của Tầu lại công khai vỗ vào mặt Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khi Vương tự ý bỏ cuộc hẹn đã đồng ý thì cuộc tình Việt-Trung đã rã rời chưa, hay biết ê chề mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn cố níu chânTrung Quốc để được nuôi ăn ?

Phạm Trần

(10/08/2017)

Quay lại trang chủ
Read 828 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)