Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/05/2024

Tản mạn ngày 30 tháng Tư

Trần Hiếu Chân, Viết từ Sài Gòn, JB Nguyễn Hữu Vinh

30 tháng Tư về, da diết nhớ hòa bình…

Trần Hiếu Chân, RFA, 02/05/2024

Nhớ đến hòa bình những ngày này sau gần năm thập kỷ, vẫn là trạng thái tinh thần sang chấn. Sang chấn nhưng không thể không ghi lại hàng loạt sự kiện lẫn biến cố để giữ lấy những khoảnh khắc xuyên suốt không – thời gian.

tanman1

Một viên công an đi qua một tấm biển cổ động kỷ niệm ngày 30/4 trên đường phố Hà Nội hôm 25/4/2024 - AFP

----------------------

Nửa thế kỷ bom đạn đã qua… Tuy vẫn còn tranh cãi về tên gọi cuộc chiến, nhưng các bên đã trở thành ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của nhau (CSP). Là nói giữa hai chính quyền, Mỹ và Việt. Còn giữa Việt Nam cộng sản với Việt Nam Cộng hòa, dù cả hai chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, thì vẫn còn đó bộ phận không nhỏ, nhìn nhau bằng "những ánh mắt hình viên đạn"Nhớ hòa bình những ngày này là nhớ về trạng thái bị sang chấn. Sang chấn nhưng không thể không ghi lại hàng loạt sự kiện lẫn biến cố để giữ lại những khoảnh khắc xuyên thế kỷ... Bên tai ta vẫn "đùng đùng đùng, đoàng đoàng đoàng" từ trên thượng tầng Bộ Chính trị và Trung ương tận Ba Đình… Cố nhận diện "các khuôn mặt Beria" – Lavrenty Pavlovich Beria (1) luôn rình mò, "tiến bước tiến, đi theo dò…" các đồng chí chưa hoặc sắp bị lộ "từ đống rơm" để cưa tiếp các chân ghế còn lại... Các Phó Thủ tướng, những Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội… các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương… ai dám tự nhận "bàn tay mình chưa từng nhúng chàm". Tất cả đều như "cá nằm trên thớt". Nấp từ các "boong-ke", bắt tay nhau xong các đồng chí’ vẫn phải đếm lại xem, bàn tay mình còn đủ năm ngón ? 30 tháng Tư về, chưa dám "rời nơi trú ẩn".

Việc người đứng đầu nhánh Hành pháp "từ chức" dẫn đến một tình trạng hỗn loạn chính trị trên cả thượng tầng lẫn người dân. Luật sư Lê Quốc Quân viết trong Facebook cá nhân về việc Vương Đình Huệ "ngã ngựa’ : ‘’Chưa bao giờ chính trường Việt Nam mâu thuẫn căng thẳng và xung đột gay gắt như bây giờ. Cũng chưa bao giờ báo chí bị bịt kín thông tin, nhân dân chỉ biết đứng ngoài (tròn xoe mắt) xem vị chủ tịch của cái ‘Cơ quan quyền lực cao nhất’ ấy bị hạ bệ một cách bí mật, bất ngờ… Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam) sẽ đi vào lịch sử như một lực lượng chiếm đóng tại một xứ sở, nơi người dân và ngay cả 5 triệu đảng viên của họ cũng hoàn toàn không được biết và không có quyền được tham gia vào công cuộc quản trị đất nước" (2). Một bộ phận mạng xã hội hoan hỉ, từng có Facebookker viết, Vương Đình Huệ bị đuổi về là phúc lớn của dân... (3) Bởi vì, trong hành trình thăng tiến từ Bộ trưởng Bộ Tài chính, lên Phó Thủ tướng, Vương Đình Huệ đã "lập công dâng Đảng" bằng nhiều chủ trương có hại cho người dân, nhất là trên lĩnh vực y tế, dẫn đến bao cái chết trong thời bình của nhiều người già lẫn trẻ nhỏ.

Bỉnh bút Zachary Abuza bình luận trên RFA ngày 27/4/2024 : "Chắc chắn là chính trị Việt Nam chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay cũng như chưa bao giờ mang tính tàn phá thể chế đến vậy. Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa ĐCS lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào" (4). Cùng ngày, trên VOA, Blogger Trân Văn đã trích các dòng trạng thái : Toàn bọn lưu manh chính trị, bọn hại nước hại dân ! "Minh triết chính trị" là đây, việc gì phải để ai dạy bảo. "Có thể nói mô hình phát triển gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam lúc này đã hoàn toàn sai đường. Còn sống được chỉ nhờ kiều hối, FDI chống đỡ, không có chắc rã rồi. Thấy sai mà vẫn bắt dân phải theo mình là một tội ác. Người ra khỏi nhà nước này cảm thấy cuộc đời mình thật vô nghĩa khi cống hiến cho ảo tưởng giả dối, tưởng đẹp nhưng hại người biết bao nhiêu..". (5). Hơn hai trăm đồng chí được cho là tinh hoa của Đảng, nào là Tổng bí thư, nào là Bộ tam, Bộ tứ. Lú hết cả rồi hay sao, thấy sai mà vẫn bắt dân làm bừa ? Khỏi chờ lịch sử lên án. Đấy chính là tội ác !

Các vị có nghe thấy gì không ? Một vị từng là Bí thư Đảng đoàn của Bộ Ngoại giao… Đại sứ Nguyễn Đình Bin, hơn một lần khẩn thiết kiến nghị, khẩn thiết đề xuất cháy bỏng lên Đảng nhân dịp 30/4. Theo Nguyễn Đình Bin, Đảng cộng sản Việt Nam phải từ bỏ học thuyết Mác – Lê-nin đã thực sự lỗi thời. Đấy chính là cội nguồn đẻ ra đặc quyền đặc lợi, các nhóm lợi ích vị kỷ, làm cho kinh tế thị trường méo mó, không phát huy được đầy đủ các mặt mạnh vốn có ; ngược lại, đã tạo ra mảnh đất mầu mỡ cho các mặt tiêu cực phát triển, nạn tham nhũng và các quốc nạn khác, ngày càng trầm trọng, đang tiếp tục hoành hành, phá hoại chính đảng, nhà nước và xã hội ta, đến tận cội rễ là con người, đặc biệt nguy hiểm là người nắm quyền sinh, quyền sát quốc gia (6). Ngoại giao ngày nay phải là thế, không phân biệt nội trị với đối ngoại, đó là hai mặt của một đồng tiền. Nguyễn Phú Trọng và Ban bí thư động não đi chứ ! Cuộc nội chiến về tư tưởng này lúc nào mới chấm dứt, mới có hòa bình ?

Và cùng một ngày, ngày 25/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cao giọng, "yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam ; không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông" (7). Cũng ngày hôm ấy, vẫn bà Phạm Thu Hằng, quyết liệt phản đối "báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế ở Việt Nam, về các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người…" (8) Chúng ta như sống lại những năm 80 của thế kỷ trước. Hồi ấy Đảng lấy đâu ra nhiều kẻ thù vậy, coi Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm, cảnh cáo Mỹ là kẻ thù lâu dài… Và đến giờ phút này, sau khi thề thốt "cùng chia sẻ tương lai chung" (một biến tướng của CCD) với Bắc Kinh và nâng cấp quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" (CSP) với Washington, vậy mà trong nội bộ Đảng vẫn còn một bộ phận nhìn đâu cũng thấy "kẻ thù trước mắt và truyền kiếp", "kẻ thù vĩnh viễn và lâu dài". Nhớ hòa bình da diết…

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tình trạng Hà Nội cho giết hại người dân một cách phi pháp, tùy tiện ; các giới chức chính phủ tra tấn, đối xử vô nhân đạo, độc ác ; hoạt động cưỡng bức điều trị tâm lý, y tế ; bắt giữ, giam cầm tùy tiện ; hệ thống tư pháp không độc lập ; đàn áp xuyên biên giới đối với những cá nhân tại nước khác ; hạn chế nghiêm trọng quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, quyền tự do Internet ; quyền tự do hội họp ôn hòa, tự do lập hội, quyền tự do tôn giáo – tín ngưỡng, quyền tự do đi lại ; người dân không có quyền tự do ứng cử, bầu cử, quyền tự do tham gia các đảng phái chính trị ; hạn chế việc cổ xúy cho nhân quyền và quyền tự do lập nghiệp đoàn công nhân ; làm ngơ trước các tệ nạn tham nhũng, buôn người… (9). Từ EU, Đạo luật của Liên bang Đức từ năm 2023 cũng nhấn mạnh đến việc cần bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, cấm những chất gây hại cho con người và môi trường. Đạo luật cũng chống phân biệt đối xử, phải trả lương đủ sống và thời gian làm việc đúng mức (10).

Mỹ, Trung là nước lớn, lắm duyên nợ với Việt Nam đã đành, nhưng đến cái vương triều Hun Sen – Hun Manet cạnh ta nay cũng gây chuyện om sòm. Mới đây, ông Hun Sen nay là Chủ tịch Thượng viện Campuchia cho biết, Campuchia "không nhượng bộ hay đàm phán" về kênh đào Phù Nam, bất chấp Việt Nam phản đối. Tại một buổi tiệc của Hiệp hội Oknha Campuchia hôm 26/4, liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo, ông Hun Sen nó : "Tôi sẽ không lùi bước về vấn đề này và tôi muốn thẳng thắn nhấn mạnh rằng không cần phải đàm phán. Đừng cố ép Campuchia vào bàn đàm phán… Tôi sẽ không để bất cứ ai đốt nhà của mình để luộc một quả trứng, cho dù đó là đồng minh hay là kẻ thù đi chăng nữa". Ông nói thêm rằng, Việt Nam thịnh vượng là nhờ bảo vệ lợi ích cho chính người dân của mình, điển hình là nhiều công trình xây dựng đập. Vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, khi lũ lụt đe dọa mùa màng, Việt Nam đã đóng các đập để bảo vệ lúa gạo và mùa màng, gây lũ lụt ở các tỉnh Campuchia giáp biên giới Việt Nam, đặc biệt là ở Kandal, Prey Veng, Svay Rieng, Takeo và Kampot… (11)

*

Điểm qua một số thời sự những ngày này, rõ ràng đã đến lúc Việt Nam phải kiến tạo một chính sách hòa bình toàn diện nhằm thúc đẩy sự ổn định và hợp tác với các quốc gia bên ngoài, cũng như sự hóa giải trong cộng đồng nội địa. Chính sách này bao gồm một chiến lược nhiều mặt nhằm ngăn ngừa và giải quyết xung đột, trước hết trong cuộc tranh giành quyền lực trên thượng tầng ngõ hầu tìm con đường để chuyển đổi thể chế. Thông qua ngoại giao, tôn trọng nhân quyền, thúc đẩy phát triển bền vững và một môi trường có lợi cho an ninh quốc gia lẫn khu vực. Thiếu vắng một chính sách hòa bình là thiếu vắng các nguyên tắc chỉ đạo để quốc gia điều hướng mạng lưới quan hệ quốc tế phức tạp, giảm thiểu căng thẳng tiềm ẩn và mở đường cho mội trường hòa bình và thịnh vượng hơn. Để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển và người dân có thu nhập cao vào năm 2045, chắc chắn Việt Nam không thể duy trì thể chế quản trị quốc gia và mô hình tăng trưởng như cũ, dựa trên các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và tài nguyên, hay phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài (12).

Trần Hiếu Chân

Nguồn : RFA, 02/05/2024

Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.

Tham khảo :

(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Lavrenty_Pavlovich_Beria

(2) https://www.voatiengviet.com/a/gioi-quan-sat-vuong-dinh-hue-tu-chuc-cho-thay-dau-hieu-khung-hoang-chinh-tri-thuong-tang/7587312.html

(3)https://www.facebook.com/tuannguyendkher55/posts/pfbid021qckbUh1FTfLNYXmJ3qxLnXcvyTCbuaDq6Sg8KCi3Kt4nFr4CLTbvUryAEGtmsHSl

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/and-a-hue-we-go-04272024083220.html

(5) https://www.voatiengviet.com/a/ong-hue-la-chuyen-nho-the-che-moi-la-chuyen-lon/7586538.html

(6)https://www.facebook.com/dinh.nguyen.94009841/posts/pfbid0hRDS41kvrKhbrbpJv19QFxgX9ZdVbVZnnvDvaxi23YgtGHLdFUnLC9tdaUmEAZHTl

(7) https://www.sggp.org.vn/viet-nam-phan-doi-viec-trung-quoc-don-phuong-ban-hanh-lenh-cam-danh-bat-ca-o-bien-dong-post737060.html

(8) https://hanoimoi.vn/bao-cao-nhan-quyen-thuong-nien-cua-hoa-ky-chua-phan-anh-khach-quan-tinh-hinh-o-viet-nam-664634.html

(9) https://www.voatiengviet.com/a/7580677.html

(10) https://vietnam.diplo.de/vn-vi/%C4%91%E1%BB%A9c-vi%E1%BB%87tnam/aktuelles/-/2543812

(11) https://www.khmertimeskh.com/501478966/hun-sen-asks-viet-nam-to-also-consider-cambodias-interests-regarding-the-funan-techo-canal-project/

(12) https://nghiencuuquocte.org/2024/01/03/giai-ma-cac-dieu-kien-de-viet-nam-tro-thanh-cuong-quoc-hang-trung/

****************************

Bốn mươi chín năm, nhìn lại...

Viết từ Sài Gòn, RFA, 30/04/2024

Tuổi trẻ của tôi đi qua một mùa lúa không thể nào quên, mùa lúa đen đúa và hôi hám, năm ấy lụt toàn miền, các hợp tác xã chính thức bỏ đồng, người nông dân đua chen nhau gặt mót những bông lúa thối, đương nhiên, nó sẽ được phơi khô, sấy, giã lấy gạo để nấu cháo. Và đương nhiên, tôi không thể nào quên mùi cháo đó, nó còn đáng sợ hơn rất nhiều so với mùi cơm độn khoai mì khô xắt lát hay hạt kê. Nhưng đó là bữa cháo may mắn toàn gạo thời kinh tế tập trung bao cấp, cái thời mà cả nước rồng rắn nối đuôi, bà lương thực như bà chúa, ông thuế vụ tợ ông vua.

1468198242

Thường dân và quân đội lên một tàu Hải quân quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc sơ tán thành phố Huế ở miền Nam Việt Nam vào ngày 26/3/1975 (Hình : UPI/Bettmann Archive/Getty Images)

Thế rồi cái thời khốn nạn và kinh hoàng ấy cũng đi qua, thay vào đó là thời kinh tế thị trường, mở cửa nhưng phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thống soái, điều hành đất nước và lãnh đạo tiên phong của đảng cộng sản.

Năm 1986, năm mở cửa kinh tế bắt đầu, cũng là năm bắt đầu mùa bội thu của những kẻ biết cơ hội và cán bộ cộng sản.

Khi kinh tế mở cửa, có nhiều thứ được nới lỏng, trong đó cơ hội làm giàu của người thuộc chế độ cũ cũng được mở ra. Tuy nhiên, nó chỉ mở rộng và dễ chịu với những kẻ biết cơ hội, những kẻ trước 30 tháng 4 còn là cán bộ miền Nam, sau 30 tháng 4 bỗng chốc đội nón cối, mang túi xách theo đoàn đi lùng sục nhà từng người để tịch biên tài sản.

Cú đánh vào tư sản sau 30 tháng 4 khiến cho gia đình ông bác họ của tôi lụn bại đúng nghĩa, cả nhà bị tịch biên mọi thứ, ông là người liều lĩnh và thông minh, trước đó đã cho một ít vàng vào nồi canh khi nghe đoàn công tác tới. Đoàn tới ngay bữa cơm trưa, vậy là đoàn tha hồ khám xét và kê biên, cả nhà chỉ còn biết ngồi như tượng đất, và chẳng ai dám múc canh vì sợ tiếng leng keng.

Thế rồi người cán bộ - cũng là đồng nghiệp cũ của ông, người thuộc cấp của ông và bây giờ đã theo cơ hội mới - liếc thấy gia đình không ai dám múc canh cả, ông ta hoài nghi, lấy cái vá khuấy vào nồi canh, tiếng leng keng khiến ông ta cười đắc chí, còn ông thì ngã ngửa vì đau đớn, gia đình thì mất mọi thứ và mất cả nồi canh hến, thứ rất quí hiếm sau ngày 30 tháng 4.

Sau đó gia đình ông bác tôi trở nên bần hàn đúng nghĩa, kéo nhau về quê, lam lũ, vất vả với đám ruộng tập thể, đất đai ở quê cũng bị tịch biên sung công cả, tự mình đi làm công điểm trên đám ruộng của mình. Đương nhiên, gia đình ông bị xếp vào diện tư sản và phong kiến, bị đẩy vào những chỗ dơ dáy, rác rưởi và đầy phân heo, phân bò để đứng cấy, đứng cào cỏ.

Người anh cả trong gia đình cũng không được thi vào đại học vì lý lịch đen, may sao đến thời tôi thì nhà nước đã bỏ thứ qui định quái quỉ ấy nên các anh họ khác cùng lứa với tôi vào đại học. (Thực tâm mà nói, tôi cho rằng nhà nước bỏ thứ qui định đó là còn biết khôn, chứ nếu cứ giữ, chả có mấy đứa đi học đại học, trường đại học cũng không còn bao cấp như xưa, có mà phá sản à. Đó là chưa muốn nói đến lượng chất xám bị vứt đi một cách ngu xuẩn !).

Thời gian trôi qua, khốn cùng trôi qua, thế rồi gia đình ông bác tôi cũng gượng dậy dưới thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lúc này, những đứa cơ hội bắt đầu toa rập, áp phe với cán bộ địa phương, rồi leo dần lên những nấc thang cao hơn để qua lại, áp phe làm ăn. Những đại gia mọc ra như nấm sau đêm mưa, sau một trận mưa thị trường nhà đất thì người ta đếm đại gia không xuể, toàn tiền tỉ này tỉ nọ, thậm chí trăm tỉ, ngàn tỉ...

Tất cả các đại gia trên đều không có khả năng sản xuất nổi một con ốc hay gói mì tôm theo dây chuyền đúng nghĩa, tất cả các đại gia trên đều trở thành ăn mày nếu như đất có sự cố thị trường, nếu như cái dù che họ bị bật gốc, hay nói khác đi là nếu như kẻ chống lưng quyền lực bị rớt, mọi thứ coi như xong.

Cho đến lúc này, hàng loạt các đại gia bị tó, kèm theo việc này là hàng loạt quan chức cấp cao, cao khủng khiếp cũng bị tó, nếu không bị tó thì bị xua về vườn một cách nhục nhã. Mọi thứ đã nói lên vấn đề, chắc không nên bàn thêm.

Nghe con số vài ngàn tỉ, thậm chí vài triệu tỉ đồng cứ như giấy lộn, lá mít, những con số đầy nhức nhối ấy mọc ra giữa một mặt bằng dân sinh hết sức lổm chổm, có nhiều người vì nợ vài chục triệu đồng (khoản tiền tương đương một miếng bò dát vàng ăn lót bụng của giới quan chức) mà phải bỏ nhà đi biệt xứ.

Có nhiều người cả đời loay hoay với căn nhà vá chằng vá đụp, chẳng biết bao giờ có được bữa cơm, và miếng ăn ngon, bữa no vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Mà đâu riêng gì những người thiếu ăn, thiếu mặc mới bị ám ảnh về miếng ăn. Ngay cả những kẻ giàu nứt đố đổ vách hay những người thuộc hạng trung lưu, tiền bạc rủng rẻng vẫn cứ bị ám ảnh về miếng ăn. Văn hóa về miếng ăn như một tập khí dân tộc, mọi thứ hoạt động văn hóa, mọi thứ sinh hoạt đều qui về miếng ăn cho đến lúc này.

Thử nghĩ có quốc gia nào giống quốc gia của chúng ta, một quốc gia có quá nhiều kỉ lục về miếng ăn, từ chiếc bánh chưng nặng hàng tấn cho đến bát hủ tiếu nặng cả tấn, rồi dĩa bê thui cho cả ngàn người ăn, tô mì Quảng cũng cho cả ngàn người ăn, một cái bánh xèo cho cả ngàn người ăn, và gần đây nhất là cây chả mực nặng hơn hai trăm ký, dùng hơn bốn ngàn lít dầu để chiên... Tất cả đều có chung một nghi thức : Dâng lên tổ tiên ! Lẽ nào tổ tiên của chúng ta phàm ăn tục uống đến vậy ? !

Tôi nghĩ là không, chính nỗi ray rứt, cơn ám thị về cái đói, miềng ăn của một dân tộc đã tạo ra những thứ kỉ lục quái thai và bế tắc trên. Khi nhìn những thứ kỉ lục của Việt Nam, người ta chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẫm, nhẹ thì cho rằng cụt ý tưởng, nặng hơn thì cho rằng đó là biểu hiện của sự dốt nát, chưa thoát khỏi miếng ăn. Nhưng, sâu xa hơn nữa, nó cho thấy căn tính của dân tộc, một căn tính rỗng nhưng ưa vĩ đại.

Thứ căn tính rỗng nhưng ưa vĩ đại này hiện rõ trong hành xử thô lỗ và kệch cỡm của giới quan chức, cho đến lúc này, có quá nhiều nhân vật để ví dụ chứ chẳng còn tính chất đại diện hay điển hình nữa rồi !

Sau bốn mươi chín năm, đất nước có phát triển về kinh tế, đất nước được thống nhất hai miền Nam - Bắc, người miền Nam có thể thăm Hà Nội, thăm các tỉnh thành phía Bắc và người miền Bắc có thể thăm Sài Gòn, thăm Huế, thăm Đà Nẵng và thăm mọi nơi trên đất nước này. Đó là một sự thành công về địa lý.

515402828

Chỉ mang theo vài thứ trên lưng, một gia đình khóc trên đường chạy loạn khi đi bộ dọc theo Quốc Lộ 1, cách Nha Trang 30 km về phía bắc hướng tới Qui Nhơn. Ước tính có khoảng 1,5 triệu người bị mắc kẹt ở Đà Nẵng, nơi nằm dưới sự kiểm soát của cộng sản trước ngày 30/4/1975. (Ảnh : Getty Images)

Nhưng, có một thứ địa lý khác đã ăn chết trong tâm hồn người Việt, hễ cứ người miền Nam, cụ thể là Nam vĩ tuyến 17 đều không ưa người miền Bắc, ngược lại, người miền Bắc cũng coi thường người miền Nam vì họ cho rằng "người miền Nam hời hợt, không sâu sắc". Tất cả những biểu hiện trên chiếm con số đại trà chứ không riêng lẻ.

Ranh giới, khoảng cách và hố ngăn chia rẽ tâm hồn Nam - Bắc ngày càng nặng nề, sự tổn thương và có cả thù hận của bên thua cuộc sau một quá trình dài bị phân biệt đối xử, bị tịch biên tài sản, gia đình tứ tán, bỏ mạng trên biển Đông, bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc trại cải tạo và mất cơ hội tương lai do chính sách phân biệt lý lịch... Mọi vết thương, mọi nỗi đau dường như vẫn còn đó, vẫn còn mưng mủ và rưng đau khi trái gió trở trời.

Trong khi đó, một mặt kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc, một mặt phân biệt đối xử và ưu tiên cho con ông cháu cha, thái tử đảng xử sự như một ông kễnh địa phương, thậm chí chẳng coi ai ra gì, ăn chơi bạt mạng, trác tán, cán bộ chỉ biết hưởng lạc và sẵn sàng bóp chết tương lai, số phận của bất kì người dân nào thấp cổ bé miệng...

Với tất cả những gì có được sau bốn mươi chín năm kẻ buồn thối ruột, người vui ngoác miệng như vậy thì e rằng, không có câu nào để mô tả đúng bản chất hơn câu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : "Đất nước có bao giờ được như hôm nay !".

Đúng, sau bốn mươi chín năm, kinh tế có phần phát triển, phát triển nhanh và một số kẻ quyền thế, cơ hội giàu phất lên. Nhưng, cũng sau bốn mươi chín năm, cả dân tộc bị thụt lùi vào hố lạc hậu, chúng ta đứng qua xa sự văn minh, tiến bộ.

Có phát triển mà không có tiến bộ, ấy là sự phát triển của chuồng trại. Thế giới loài người cần văn minh và tiến bộ trước, rồi sau đó phát triển trên nền tảng văn minh, tiến bộ đã đạt được. Còn chúng ta, hoàn toàn ngược lại sau gần nửa thế kỉ !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 30/04/2024

******************************

Học lấy chữ khôn

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 30/04/2024

Đến hẹn, lại lên của con nghiện

Kỷ niệm biến cố Sài Gòn thất thủ trước đội quân Miền Bắc cộng sản - kết thúc một giai đoạn tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa - vào ngày 30.04.1975 là một dịp để "Bên Thắng cuộc" hàng năm có dịp thể hiện "tầm vóc, vĩ đại, thành quả" của sức mạnh của "Chiến tranh nhân dân do đảng lãnh đạo".

tanman4

Một buổi đọc báo bằng loa giấy bồi tự chế trong một xí nghiệp ở miền Bắc trước 1975 - Ảnh minh họa

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, việc nhà cầm quyền Việt Nam hàng năm diễn đi diễn lại các màn kịch, bài viết, hoạt động nhằm kỷ niệm một ngày mà Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Việt Nam (không bị đuổi) đã nói : "Đó là ngày mà có triệu người vui, nhưng cũng có triệu người buồn" đã trở thành một thói quen, một "phản xạ có điều kiện". Các màn diễn ấy hàng năm, được tung hứng, được ca ngợi, được thể hiện bằng nhiều hình thức để kỷ niệm cái gọi là "Chiến thắng vĩ đại" do Đảng cộng sản Việt Nam là "Người tổ chức và lãnh đạo".

Đó là cuộc chiến mà người cộng sản Miền Bắc gọi là "Giải phóng" cho đồng bào Miền Nam thoát khỏi sự "xâm lăng của Đế quốc Mỹ" và "Ngụy quyền Sài Gòn" làm tay sai cho Mỹ. Tuy nhiên, nhìn lại bản chất, thì đó là một cuộc xâm lăng trắng trợn của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là quốc gia cộng sản vào Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia được công nhận tại Miền Nam.

Điều khác nhau ở hai quốc gia ấy, là ở Miền Bắc có một chính quyền độc tài do phe đảng cộng sản, là thành viên của Cộng sản Quốc tế dựng lên. Còn Miền Nam, có một chính quyền được bầu chọn từ người dân bằng những cuộc bầu cử tiến bộ và dân chủ hơn nhiều. Chính vì vậy, chế độ Việt Nam Cộng Hòa lúc đó, dù có thể là một chế độ chưa đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của người dân, vẫn có những khuyết tật của nó, nhưng ở đó, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, được thể hiện bằng hành vi của chính phủ chứ không chỉ bằng mấy tờ giấy như ở Miền Bắc cộng sản dưới chế độ "Độc lập, Trừ Tự do, Trừ Hạnh phúc" như trên cái gọi là Quốc hiệu đã ghi và trở thành câu chuyện tiếu lâm thời cộng sản trong dân chúng.

Hậu quả của cuộc chiến mà Đảng cộng sản Việt Nam là "Người tổ chức và lãnh đạo" tiến hành. Bởi khi đó Việt Nam tự nhận là "Tiền đồn của Phe Xã hội Chủ nghĩa" để chống lại Đế quốc, thực dân ấy, đã gây ra cái chết cho khoảng từ 2 đến 4 triệu người Việt (tính cả binh lính và dân thường tùy theo từng nguồn thống kê khác nhau).

tanman5

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh theo internet

Và cuộc chiến ấy không chỉ có sự tổn thất của người Việt. Theo số liệu hiện nay được công bố từ wikipedia, thì ngoài Việt Nam, các quốc gia liên quan đã tổn thất tại đó những con số không nhỏ về người và của. Hoa Kỳ có số thương vong cao nhất với khoảng 58.200 binh sĩ chết và hơn 305.000 người bị thương (trong đó 153.000 bị thương nặng hoặc tàn phế). Hàn Quốc có từ 4.400 đến 5.000 binh sĩ chết và khoảng từ 11.000 đến 17.000 người bị thương, Trung Quốc có 1.446 binh sĩ chết (Trong đó 18 người chết và 67 bị thương trong Hải chiến Hoàng Sa cướp lãnh hải, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Australia có khoảng 500 binh sĩ chết và hơn 3.000 người bị thương, New Zealand có 38 binh sĩ chết và 187 người bị thương, Thái Lan có 351 binh sĩ chết, Liên Xô có 16 cố vấn quân sự chết, Bắc Triều Tiên có 14 phi công chết, còn Philippines có 9 binh sĩ chết và 64 người bị thương.

Đó là chưa nói đến sự tàn phá cơ đồ đất nước được xây dựng từ bao đời bị xóa sạch, nguồn lực quốc gia tan hoang bởi chiến tranh với mấy chục năm bom đạn.

Và điều đau đớn nhất, lớn lao nhất là vết thương hận thù trong nội tại của một quốc gia đã trải qua cuộc chiến huynh đệ tương tàn chỉ vì những lý tưởng, vì những hệ tư tưởng viễn vông giữa hai miền Bắc – Nam Việt Nam với mục đích rõ rệt là để bảo vệ, gieo rắc và chống lại hệ thống tư tưởng cộng sản lan truyền ở khu vực Đông Nam Á.

Lẽ thường, người ta vẫn quan niệm rằng mọi cuộc chiến tranh là một nỗi bất hạnh, dù đó là những cuộc chiến tranh chính nghĩa. Và vì thế, sau mỗi cuộc chiến, dù là cuộc chiến chính nghĩa hay phi nghĩa, thì người ta coi như đó là một hoạn nạn và mong xóa nó ra khỏi ký ức đau đớn của mình, để xây dựng lại đất nước, non sông.

Vậy nhưng, ở Việt Nam, nơi có một chính quyền cộng sản, điều đó đã không xảy ra, mà ngược lại. Đã gần nửa thế kỷ nay, cứ mỗi lần đến ngày này, khi mà hai miền đất nước, tại hàng triệu gia đình, khói hương đang nghi ngút tưởng nhớ đến những nạn nhân của cuộc chiến, thì trên Tivi, báo chí, đường phố, loa công cộng và mọi nơi, mọi lúc, nhà cầm quyền lại lên gân hò hét, ca ngợi, tự sướng đủ mọi cách, mọi thể loại, mọi hình thức như để khoét thêm một lần nữa vết thương của từng cá nhân, từng gia đình đã mấy chục năm qua chưa được hàn miệng.

Và đảng coi những hành động như vậy, là sự vinh danh cho đảng qua những ngôn từ xủng xoảng tiếng súng gươm là "Chiến thắng", là "Giải phóng", là "Tiêu diệt" là "Xóa sổ", là "Trừng trị"…

Quan sát hiện tượng này, người ta có cảm giác rằng đảng giống như một con nghiện. Nhân tố gây nghiện ở đây là bạo lực, là hình ảnh của sự tàn bạo, sự giết chóc để thỏa mãn bản chất bạo lực của Đảng của Giai cấp vô sản" chuyên nghề lật đổ và cướp từ chính quyền cho đến lợi ích, tài sản.

Hết thiêng hay cơ hội ?

Năm nay, là kỷ niệm lần thứ 49 biến cố "Giải Phóng" trên đất nước Việt Nam không được hò hét, tung hứng bằng những màn trình diễn, bằng văn nghệ, bằng tuyên truyền như mọi năm.

Quan sát trên lĩnh vực báo chí, người ta thấy rõ điều đó.

Hàng năm, cứ đến những ngày này, Tuyên giáo cộng sản đều có kế hoạch hò hét cả ngàn tờ báo với chỉ tiêu rõ ràng, mục đích cụ thể cho mỗi tờ báo, mỗi tạp chí, đài truyền hình, thậm chí là từng chi bộ, phố xóm, từng loa phường… phải có bao nhiêu bài viết "Cúng cụ" để nâng đảng lên thành thánh, thần và đủ mọi trò nhiều khi đến hài hước.

Đọc qua các báo năm nay, hầu như không mấy tờ đề cập đến biến cố "Giải phóng" và "Chiến thắng" dày đặc như mọi năm. Mặc dù theo quán tính, thì tờ báo Đảng cộng sản và tờ Công an Nhân dân vẫn lên gân lên cốt bằng vài bài viết với tư duy "cả vú lấp miệng em" nói lấy được về cái gọi là "Ý nghĩa của chiến thắng 30.04". Tuy nhiên, đọc những bài viết ấy, người ta thấy cái sự đuối, sự lúng túng, sự gượng gạo bất ổn ngay cả trong tư duy người viết.

tanman6

Dân oan căng biểu ngữ đòi chính phủ và Quốc hội giải quyết dất bị chiếm đoạt ăn nằm dưới panô tuyên truyền tại Hà Nội - Ảnh minh họa

Mặc dù trên các đường phố Hà Nội và nhiều nơi, hệ thống quan chức địa phương vẫn coi đây là một cơ hội để có thể rỉa rói ngân sách quốc dân bằng cờ, bằng khẩu hiệu, bằng cổng chào… như một căn bệnh kinh niên. Nhưng, tâm trí người dân hầu như không coi điều đó như một sự lạ hay để gây chú ý cho ai. Cũng bởi từ xưa đến nay, người dân Việt đã quen với cảm giác cứ chỗ nào nhiều cờ đảng, cờ đỏ và băng rôn, khẩu hiệu thì phản xạ đầu tiên là cẩn thận, cảnh giác. Bao nhiêu cuộc cướp bóc tài sản, đất đai của người dân đã chẳng tràn ngập cờ đỏ, ảnh Hồ Chí Minh và khẩu hiệu đó sao.

Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và tự hỏi là tại sao, có vẻ như năm nay, đảng quên mất ngày "Chiến thắng, Giải phóng miền Nam" ? Nhưng lập tức đã có người phản bác rằng làm sao có chuyện đảng lại quên đi được việc ăn mày dĩ vãng đó được. Đó là nghề của đảng xưa nay.

Bởi đảng có gì để lấy làm tự hào nữa, nếu không lôi ra mà gặm nhấm mấy cái cuộc chiến và mấy cái "Chiến thắng" ấy. Chẳng lẽ đảng lại lôi mấy cái thành tích như đã ký văn bản Hiệp định với giặc để mất đi cả chục ngàn cây số vuông lãnh thổ trên bộ rồi cả các di tích quốc gia như Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc.

Chẳng lẽ đảng lại tự hào rằng sau nửa thế kỷ Tổng bí thư Đảng tuyên bố : "Tổ quốc chúng ta từ nay vĩnh viễn sạch bóng xâm lăng" thì bây giờ cả một Quần đảo Hoàng Sa và một loạt đảo Trường Sa đang nằm dưới gót giày quân xâm lược mà quân ấy, lại là bạn vàng, là quan thầy của đảng ?

Nhiều người giải thích rằng : Chẳng phải vậy, mà đảng đang tập trung nhân tài, vật lực để kỷ niệm "Giải phóng Điện Biên" vì đây là năm chẵn. Nhưng lại có người đáp trả rằng : Vậy thì cái ngày kỷ niệm lần thứ 45 đảng gọi là "Chiến thắng" ở cuộc chiến Biên giới phía Bắc năm 1979 mới qua đây, sao không thấy đảng hé răng nửa lời.

tanman7

Ngày 13/12/2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình cùng phu nhân trong một buổi tiếp tân tại Hà Nội. Ảnh VNA

Và câu giải thích khả dĩ được mọi người thấy đúng, đó là làm sao Đảng có thể dám mở miệng nói về cuộc chiến ấy hay những hành vi của giặc với biển, đảo quê hương với lãnh thổ đất nước hiện nay. Bởi những hành vi đó, đều do quan thầy của đảng, đều do bạn vàng của đảng gây ra. Mà Tổng bí thư đã khẳng định : "Nếu có đụng độ trên biển, liệu có thể ngồi bàn Đại hội Đảng được không ?". Trong khi đảng lại đang chuẩn bị cho Đại hội đảng, thì việc lên án kẻ thù xâm lược lãnh thổ, lãnh hải cũng bằng việc xúi đảng "sờ dái ngựa".

Nhưng, đảng thì không dại đến thế. Mất lãnh thổ là của quốc gia, còn cái ghế cai trị là của đảng.

Và người ta lại đặt câu hỏi rằng : Tại sao, cũng sự kiện ấy, nghĩa là cũng là "Giải phóng Miền Nam" cũng là "Chiến thắng Sài Gòn" mà mỗi năm, Đảng lại có thái độ khác nhau ? Phải chăng, năm trước thì có ý nghĩa trọng đại, quan trọng và nhất định phải gào lên cho cả thế giới biết là chúng tao tài giỏi, đánh đâu thắng đấy, là vĩ đại, là bất khả chiến bại… còn năm nay nó không còn vĩ đại nữa, không còn ý nghĩa nữa ?

Cũng có người giải thích rằng : Không hề, đảng vẫn nhớ, vẫn cứ tự hào, nhưng năm nay tự hào trong im lặng vậy thôi. Không ồn ào, vì đảng mới cố gắng thiết lập được mối quan hệ với Mỹ ở tầm cao hơn, ở mức độ "Chiến lược Toàn diện" nên đảng im, đảng lượng tình cho kẻ thù của mình.

Và người khác đáp lại : À, thì ra vậy, điều đó có nghĩa là cái vĩ đại, cái tuyệt đối, cái giòn giã, cái quan trọng ấy nó phụ thuộc vào thời điểm, vào đối tượng ấy khi nào đảng cần và khi nào đảng không cần chứ không phụ thuộc vào chính sự kiện đó nó ra sao.

Có nghĩa rằng đó là một sự kiện mang tính cơ hội như đảng ta vẫn là đám cơ hội xưa nay. Để rồi nếu ngày mai, mối quan hệ xấu đi hoặc cần cho mục đích nào khác, thì những sự kiện bị bỏ qua hôm nay, lại có ý nghĩa ngay lập tức trên miệng của đảng.

Học lấy cái khôn

tanman8

Ba người (x) bao quanh Nguyễn Phú Trọng đều đã bị loại ra khỏi Tứ Trụ - Ảnh minh họa

Nhiều người coi rằng việc Đảng không lên gân, không hò hét nhai lại món ăn đã quá ôi thiu gọi là "Chiến thắng" là "Giải phóng" ấy, vì mỗi lần nhai lại, thì không gây đau bụng cũng gây ngộ độc trong xã hội nên Đảng từ bỏ.

Nhưng cũng có người cho rằng, đó là cái khôn, nhưng cái khôn đó không xuất phát từ nhận thức vì nó đem lại điều có hại cho xã hội, mà cái chính là từ đảng.

Bởi Đảng càng hò hét bao nhiêu, thì người ta hỏi lại những câu hỏi mà chắc chắn là đảng chỉ biết… ngọng. Chẳng hạn :

Rằng : Vậy thì qua nửa thế kỷ sau "chiến thắng" ấy, Đảng đã lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối cđưa ả đất nước "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Thiên đường xã hội chủ nghĩa" thì nó đi đến đoạn nào rồi ?

Liệu con đường mà "Đảng và bác đã chọn" ấy, có đi đến Xã Hội Chủ Nghĩa theo các định nghĩa mà người dân đã đưa ra – nghĩa là Xuống Hố Cả Nút ? Hay Xuống Hàng Chó Ngựa ?

Rằng : Tại sao Đảng đã lãnh đạo tài tình, sáng suốt đưa cả nước tiến lên Thiên đường xã hội chủ nghĩa đã nửa thế kỷ, vậy mà con dân Việt hễ cứ có cơ hội là bằng mọi cách để thoát khỏi "sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng quang vinh là vì sao" ? Vậy thì có khác gì dân Việt ngầm bảo rằng tránh xa Đảng ra như tránh hủi ?

tanman9

Tại sao Đảng ta là "tài tình, đạo đức, văn minh" mà lại có hàng trăm ngàn đảng viên tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp ?

Rằng : Vậy Đảng "tài tình, đạo đức, văn minh" thì con số hàng trăm ngàn đảng viên tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp kia nó thuộc thành phần nào ? Ai đẻ ra cái đống ấy và vì sao Đảng tử tế vậy mà sản phẩm đảng lại thối tha đến thế ?

Rằng : Tại sao Đảng vẫn ra rả là đảng chiến thắng, Đảng chửi Mỹ, chửi đế quốc như hát hay, vậy mà Đảng hành động ngược lại : Con cái của Đảng, gia đình của lãnh đạo đảng cứ sểnh ra là đến Mỹ, đến các quốc gia đế quốc sài lang, là tư bản giãy chết.

Rằng : Còn cái nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh và là đội quân tiên phong của Giai cấp, của dân tộc. Vậy sao trong cái đội quân ấy, tiên phong ở mức nào mà hễ sểnh ra là người ta biết đều là một lũ ăn cắp, ăn cướp công quỹ, ngân sách hơn cả đám lục lâm thảo khấu, đầu đường xó chợ.

Rằng : Cách nào mà Đảng dạy được cái đám từ Ủy viên Trung ương và thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị như Đinh La Thăng, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ… nếu chưa hiện nguyên hình là kẻ cướp, thì đều là những chính trị gia lão luyện, những người thầy giảng dạy, rao giảng đạo đức cho cả dân tộc mà không hề biết ngượng ?

Với những câu hỏi đó, nếu Đảng đối diện, e rằng sẽ "sập nguồn" nếu cón chút liêm sỉ và tự trọng.

Thế nên, Đảng im lặng, cũng là cách để may ra học được phần nào cái chữ "Khôn".

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 30/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hiếu Chân, Viết từ Sài Gòn, JB Nguyễn Hữu Vinh
Read 332 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)