Miếng ngon Đảng dành cho "Tứ trụ" và những cuộc chiến sinh tử giữa các "đồng chí" !
Thái Hà, Thoibao.de, 04/05/2024
Lãnh đạo cấp quận huyện, thậm chí cấp tỉnh, khi bị bắt, chính quyền không ngần ngại công bố việc họ làm, số tiền tham nhũng, nhận hối lộ.
Cho đến nay, đã có 3 nhân vật Tứ trụ bị rụng (Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ), nhưng không một ai trong đó bị chính quyền công bố sai phạm.
Tuy nhiên, cho đến nay, đã có 3 nhân vật Tứ trụ bị rụng, nhưng không một ai trong đó bị chính quyền công bố sai phạm. Đảng chỉ đưa ra kết luận chung chung, như : Vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm ; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ; và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng ; những vi phạm, khuyết điểm của họ đã gây ra dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, và cá nhân người vi phạm ; nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, nhà nước và nhân dân vv…
Nghĩa là, theo các thông tin công bố, cả 3 vị ở Tứ trụ đều bị mất chức do cấp dưới làm bậy, chứ các vị ấy đều "trong sạch". Cách kết luận như vậy của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng cho thấy, dường như, các vị ấy bị xui xẻo do có thuộc cấp làm bậy thôi.
Cách làm của Đảng cộng sản đã cứu cho nhân vật bị kỷ luật khỏi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và bảo đảm sự an toàn cho khoản tiền họ vơ vét được. Rõ ràng cũng là miếng ăn, nhưng miếng ăn của "Tứ trụ" nhiều hơn, ngon hơn, và an toàn hơn.
Thế thì, ông Trọng nói "chống tham nhũng không có vùng cấm" là thế nào ? Chẳng phải, chính ông đã tạo vùng cấm cho các Tứ trụ đấy thôi !
Chưa có thời nào mà tham nhũng lại quy mô, có thể thống, như thời này. Ở tầm của ủy viên Trung ương Đảng, có thể lập sân sau để kinh tài. Có thể nói, đằng sau mỗi một quan chức là cả một bộ máy tham nhũng đồ sộ. Ví dụ như ông Vương Đình Huệ, ông lập hẳn sân sau cho em họ đứng tên ; nuôi đệ tử ruột làm tay hòm chìa khóa, đảm nhận chức năng kết nối từ ông Huệ và chính quyền tỉnh, nhận dự án từ Trung ương rồi đẩy xuống tỉnh, sau đó trao dự án vào tay em họ ông Huệ.
Không có đất nước nào mà mức độ tham nhũng kinh khủng như Việt Nam. Sau lưng mỗi quan lớn đều là một hoặc vài tập đoàn, chuyên rút ruột ngân sách. Điều này gây nguy hiểm cho nền kinh tế đất nước vô cùng.
Mỗi ghế quan chức đều là nơi lập ra và bảo kê cho tập đoàn tham nhũng sau lưng. Ông Tô Lâm đánh ông Huệ và ông Thưởng, ngoài mục đích loại đối thủ tranh ghế Tổng bí thư, thì ông cũng muốn lập hệ sinh thái quyền tiền của riêng mình. Ông đánh cho "Tứ trụ" trống chỗ, tạo điều kiện cho bên dưới trám vào. Người trám vào đó lại để lại chỗ trống, cho bên dưới nữa leo lên. Cứ như thế, phe Hưng Yên của ông Tô có cơ hội leo cao trên các nấc thang quyền lực, và nhờ đó, cũng xây dựng được bộ máy tham nhũng lớn hơn và hoành tráng hơn.
Miếng ăn của "Tứ trụ" vừa lớn, vừa ngon, vừa an toàn, nên mới có những cuộc chiến sinh tử để tranh nhau vào "Tứ trụ". Tuy nhiên, cũng vì miếng ăn quá hấp dẫn, nên rất có thể, càng về sau, những trận thư hùng càng khốc liệt, và không loại trừ khả năng thuốc nhau. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có nhiều cái chết bất thường của các quan chức cấp cao trong Đảng, nên tương lai, điều này có khả năng cũng tiếp diễn.
Trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ, các nhóm lợi ích chính trị địa phương lại đánh nhau quy mô như hiện nay. Trong Bộ Công an, ông Tô Lâm có 2 thứ trưởng gốc Hưng Yên, được ông nuôi dưỡng để kế nhiệm ghế Bộ trưởng. Trong Trung ương Đảng, nhóm Hưng Yên cũng dìu dắt nhau, và hiện họ có 5 ủy viên. Một khi người đứng đầu nhóm này giành được ghế Tổng bí thư, thì cả nhóm sẽ chia nhau các lợi ích quốc gia.
Nhóm Nghệ An cũng có 10 ủy viên Trung ương Đảng, 2 ủy viên Bộ Chính trị và 1 Ủy viên Dự khuyết. Nhóm Hà Tĩnh có 10 ủy viên Trung ương, 1 Ủy viên Bộ Chính Trị. Nhóm Ninh Bình có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 6 ủy viên Trung ương.
Sắp tới, rất có thể, sẽ còn tiếp tục có rất nhiều trận thư hùng giữa các nhóm mạnh trong Trung ương Đảng. Người dân lại có phim hay để xem, nhưng đất nước sẽ điêu tàn.
Thái Hà
Nguồn : Thoibao.de, 04/05/2024
******************************
Nguyên nhân cốt lõi của tham nhũng là bản chất chế độ độc tài và thiếu minh bạch
Minh Vũ, Thoibao.de, 04/05/2024
Ngày 29/4, BBC tiếng Việt có bài "Ông Vương Đình Huệ mất chức : Còn ai "trong sạch như tuyết" ?"
BBC cho biết, các nhà quan sát mà họ phỏng vấn, đều cho rằng, việc trừng phạt các lãnh đạo không giải quyết được cốt lõi vấn đề tham nhũng, vốn bắt nguồn ngay trong chính nội tại của Đảng cộng sản Việt Nam.
Các nhà quan sát nhận định rằng, việc thiếu một nhà nước pháp quyền và một quy trình kế nhiệm minh bạch, cho thấy sự yếu kém trong công tác xây dựng Đảng của Tổng Trọng, và một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội tại Đảng cộng sản Việt Nam.
Theo BBC, chính sách xây dựng Đảng của ông Trọng "phải luôn luôn đi đôi với chấn chỉnh, củng cố Đảng".
Ông yêu cầu "tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ".
Như vậy có nghĩa, những người còn lại phải "trong sạch như tuyết", "không chút tì vết", BBC dẫn lời Giáo sư Carl Thayer – nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Úc.
Tuy nhiên, công tác này, theo thực trạng đến nay và theo đánh giá của các nhà quan sát, đã thất bại – BBC cho hay.
Bởi chưa nói tới việc giới lãnh đạo có thực sự liêm chính hay không, Giáo sư Carl Thayer chỉ ra rằng, các phe phái trong Đảng sẽ luôn tìm ra "tì vết" của nhau, hoặc ít ra cũng tìm ra "tì vết" thuộc cấp của họ.
Điều kỳ khôi là, nguyên tắc "chịu trách nhiệm người đứng đầu" đã không được áp dụng với Tổng Trọng.
Hiện ông Trọng đang có vấn đề về sức khỏe, do đó, chuyện kế vị ông hẳn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.
"Theo cách nói của người Mỹ, ông Trọng là một Tổng bí thư "vịt què" – theo Giáo sư Carl Thayer.
Tuy nhiên, với tình trạng sức khỏe hiện nay, cùng với vấn đề tuổi tác, ông Trọng đã không thể chọn được người kế vị do tranh chấp giữa các phe phái. Những vấn đề trong Đảng cho thấy, "công tác nhân sự rất yếu kém", ông Thayer bình luận.
Để thay thế vị trí của ông Trọng, nguồn nhân lực hiện nay chỉ có 3 người trong Bộ Chính trị dưới 65 tuổi, nhưng cả 3 đều có tầm ảnh hưởng không đáng kể.
Giáo sư Carl Thayer cho hay, vào tháng 11/2023, khi đi công tác tại Việt Nam, ông được cho biết, Việt Nam sẽ thay đổi Điều lệ Đảng và nâng độ tuổi tham gia Bộ Chính trị lên 70 hoặc 71 tuổi.
"Vậy là sẽ có những người già hơn. Đây là sự quản lý yếu kém. Và đây không phải là cách để một đất nước phát triển".
BBC dẫn quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam, cho rằng, vấn đề là "phải bắt trúng bệnh gốc".
"Chứ không phải bắt một, hai hay 100 người, bỏ tù một ông ủy viên Trung ương, 10 ông tướng quân đội, hay bảy, tám ông tướng công an, xử lý hết ông nọ đến ông kia".
"Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này".
Ông cũng nói rằng, việc hạ bệ hàng loạt cán bộ cấp cao, đỉnh điểm là 3 "Tứ Trụ" mất chức trong vòng hơn một năm "với lý do không được minh bạch cho lắm", khiến người dân mất niềm tin vào Đảng.
Ông A đánh giá :
"Vì nó không minh bạch, nên ai cũng muốn lên vị trí đó. Việc cạnh tranh là tốt, lành mạnh, không có gì là không tốt, đáng chê cả. Nếu cạnh tranh theo quy trình lành mạnh, chứng minh được tôi thỏa mãn các tiêu chí đó, thì đó là một quy trình làm cho việc kế vị rõ ràng, minh bạch và người dân được thấy rõ. Lúc đó sẽ không có chuyện đồn đoán. Tiếc là vài năm trở lại dây chuyện đồn đoán nở rộ. Vì bây giờ công nghệ cho phép sự đồn đoán này lan ra nhanh chóng".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, điều này cho thấy, một chính sách kế vị thất bại hoàn toàn, một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.
Minh Vũ
Nguồn : Thoibao.de, 04/05/2024
**************************
Khi Thẩm phán nhận tiền để chạy án, nhưng làm không xong, điều gì sẽ xảy ra ?
Trà My, Thoibao.de, 04/05/2024
"Chạy án" là một tình trạng đã trở thành phổ biến ở Việt Nam, và được coi là một lỗ hổng lớn trong ngành tư pháp. Đó là một trong các lý do khiến tình trạng công lý luôn bị quan tòa bẻ cong.
Ông Nguyễn Văn Quý – phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Cam Lộ, bị đâm trọng thương khi đang ở phòng làm việc.
Báo Tuổi Trẻ ngày 3/5 đưa tin "Phó Chánh án tòa huyện bị đâm trọng thương tại phòng làm việc". Bản tin cho biết, một nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online tại Công an huyện Cam Lộ (Quảng Trị) xác nhận, cơ quan này đang điều tra vụ ông Nguyễn Văn Quý – phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Cam Lộ, bị đâm trọng thương khi đang ở phòng làm việc.
Vụ việc xảy ra vào chiều 2/5, Công an huyện Cam Lộ nhận được tin báo, có người tấn công cán bộ Tòa án huyện, nên đã cử một tổ công tác đến khám nghiệm hiện trường và điều tra vụ việc.
Theo đó, khi đang ở phòng làm việc của mình, Phó Chánh án Tòa án huyện Cam Lộ – ông Nguyễn Văn Quý đã bị một người đàn ông xông vào đâm trọng thương. Nhân chứng tại hiện trường xác nhận, ông Quý bị đâm khi đang ở trong phòng làm việc.
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, ông Quý đang được điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, với nhiều vết thương, có cả các vết thương sâu, tuy nhiên, tình trạng ổn định.
Trên mạng xã hội và các diễn đàn như : Quảng Trị 24h, Người Quảng trị, hay Tin Nóng Quảng trị… đa số các ý kiến cho rằng, khả năng cao, ông Quý do lỡ "nhận quà" từ gia đình của bị án nào đó, nhưng không thực hiện được cam kết, nên bị tính sổ.
Đồng thời, nhiều ý kiến không đồng tình với hành vi sử dụng bạo lực, nhưng cũng cho rằng, phải xem xét nguyên nhân của hành vi trên. Việc hung thủ vào được tận phòng làm việc của ông Quý không phải là chuyện dễ dàng, vì các trụ sở tòa án đều có bảo vệ, nếu không được xác nhận có quan hệ quen biết, hay đã từng đến nhiều lần, thì khó có thể vào được cơ quan này.
Facebooker Lê Công Tuấn Anh tỏ ra biết rõ vụ việc, đã tiết lộ : "Không có cái gì là tự nhiên cả, do xử án không công bằng đó. Cứ mấy thằng cậy quyền cậy chức ép dân, thì người ta không chịu được, phải dẫn đến vậy thôi !".
Công luận cho rằng, việc người nhà bị án dùng tiền để hối lộ cho các cán bộ trong ngành tư pháp và bảo vệ pháp luật, để chạy án, là điều hết sức phổ biến. Nhiều đại biểu Quốc hội từng đặt câu hỏi, chất vấn về tình trạng tiêu cực trong ngành tòa án, trong đó, nhiều cán bộ tòa án tham gia chạy án.
Ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao từng thừa nhận : "có một số không ít cán bộ công chức tòa án bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì tiêu cực, nhận tiền của đương sự để giảm nhẹ tội". Và đó cũng là lý do, vì sao "số vụ án đưa ra xét xử thì ít, nhưng số bị cáo được hưởng án treo, phạt tù nhẹ chiếm rất cao, có nơi đến 45% ?".
Thậm chí, giới thạo tin cho rằng, việc chạy án hiện nay đã trở thành một hệ thống có tổ chức, với sự cấu kết giữa các cơ quan tư pháp, sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi và phức tạp. Toàn bộ quá trình chạy án có sự thống nhất chung giữa công an, viện kiểm sát, tòa án. Bất kỳ bị án nào có tiền, nhờ vả đường dây này, là họ lo cho hết từ A đến Z.
Đó chính là nguyên nhân dẫn đến một thực trạng ở Việt Nam hiện nay, đó là, bất cứ án gì, ở mức độ nào, nếu có tiền là lo được hết, kể cả án tử hình cũng có thể. Đối với các vụ án lớn, nghiêm trọng, nếu có một thế lực lớn đứng ra bảo kê, thì "không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều". Đó cũng là lý do khiến trùm xã hội đen Năm Cam đã từng tuyên bố : "Cái gì không mua được bằng tiền, thì có thể mua bằng rất nhiều tiền".
Một người dân ở Hà Nội, nói với thoibao.de :
"Nói thật, án gì cũng chạy được, án khó đến đâu, miễn có nhiều tiền, nhờ chạy là xong. Từ án tử hình xuống chung thân còn chạy được, có khó gì đâu, chưa kể đến việc mua để thay người [bị tử hình]. Ở Việt Nam, có những chuyện mà chúng ta không thể hiểu nổi đâu".
Ở Việt Nam hiện nay, không chỉ có tình trạng "cứ bắt là có tội, cứ ra Tòa là có án", mà còn là "có tiền để chạy án là sẽ thoát tội". Khi ấy, tội nặng sẽ thành tội nhẹ, tội nhẹ trở thành vô tội, là chuyện ai cũng biết. Bây giờ, chuyện chạy án đã là phổ biến, được người ta nhờ vả công khai.
Ở Việt Nam không có công lý, do không có một tư pháp độc lập và tam quyền phân lập. Một khi người dân đã không còn tin vào pháp luật, thì việc bỏ tiền chạy án chính là cứu cánh cho họ, nên chạy án vẫn còn tồn tại và phát triển.
Trà My – Thoibao.de
Nguồn : Thoibao.de, 04/05/2024