Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/05/2024

Được Mỹ hỗ trợ, Philippines vượt qua nỗi sợ Trung Quốc

RFI tổng hợp

Philippines và Mỹ tập trận chung với kịch bản chống quân xâm lược trên Biển Đông

Anh Vũ, RFI, 06/05/2024

Theo AFP, trong cuộc tập trận chung hôm 06/05/2024, quân đội Mỹ và Philippines đã tiến hành bài tập oanh kích bằng tên lửa và đạn pháo với giả định bị xâm lược tại bờ biển phía bắc Philippines. Cuộc tập trận diễn ra ít ngày sau khi chính quyền Manila phản đối các hành động "nguy hiểm" của Trung Quốc trên Biển Đông.

biendong1

Tập trận chung thường niên giữa quân đội Mỹ và Philippines mang tên "Balikatan" tại Laoag, Ilocos Norte, Philippines, ngày 06/05/2024. Reuters - Eloisa Lopez

Trong bối cảnh đối đầu gia tăng giữa các tàu Trung Quốc và Philippines xung quanh các bãi cạn ở Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền, cũng như hoạt động hải quân và không quân của Trung Quốc ngày càng nhiều xung quanh đảo Đài Loan gần đó, quân đội Mỹ và Philippines đã tổ chức cuộc diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ.

Theo ghi nhận của phóng viên AFP, quân đội Mỹ, tập trung trên một cồn cát bên bờ phía tây bắc đảo Luzon (đảo lớn nằm ở phía bắc Philippines cách Đài Loan khoảng 400 km), đã bắn hơn 50 quả đạn pháo 155 ly vào các mục tiêu nổi đặt cách bờ 5 km. Tiếp theo, quân đội Philippines đã bắn tên lửa vào lực lượng "xâm lược" giả định, trước khi quân đội hai nước kết thúc bài tập bằng súng máy, tên lửa cơ động Javelin...

Nói với các phóng viên có mặt tại chỗ, trung tướng Michael Cederholm, chỉ huy Lực lượng viễn chinh thủy quân lục chiến số một của Mỹ, cho biết các bài tập được xây dựng nhằm "đẩy lùi một cuộc xâm lược".

Thiếu tướng Marvin Licudine, điều hành cuộc tập trận bên phía Philippines, cho biết, do các vấn đề về tranh chấp chủ quyền Manila đang gặp phải, cần thực hiện các bài tập chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất.

Hơn 16 nghìn binh sĩ Mỹ và Philippines đang tham gia cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan  trên nhiều địa điểm của quần đảo Philippines. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cho biết cuộc diễn tập này là nhằm phối hợp triển khai nhanh chóng hệ thống tên lửa trên khắp bờ biển của Philippines trên Biển Đông nhằm "bảo đảm và bảo vệ các vùng lãnh hải và các lợi ích trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines".

Cuộc tập trận hôm nay diễn ra vài ngày sau khi các bộ trưởng quốc phòng Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Úc gặp nhau ở Hawaii và đưa ra tuyên bố chung phản đối mạnh mẽ "hành vi nguy hiểm và gây bất ổn" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các bộ trưởng "đã thảo luận về thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng" và "làm việc cùng nhau để hỗ trợ các quốc gia thực thi các quyền và tự do của mình ở Biển Đông".

Các cuộc đối đầu trên biển giữa Trung Quốc và Philippines đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn có thể có sự tham gia của Mỹ và các đồng minh khác.

Anh Vũ

**************************

"Mô hình mới" giảm nhẹ căng thẳng ở Biển Đông : Manila lên án Bắc Kinh "đánh lạc hướng"

Trọng Thành, RFI, 05/05/2024

Một ngày sau khi đại sứ quán Trung Quốc cho biết Philippines và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận về một "mô hình mới" nhằm giảm nhẹ các căng thẳng tại Biển Đông, hôm 05/05/2024, nhiều quan chức cao cấp của Philippines, trong đó có bộ trưởng quốc phòng nước này, đã lên tiếng cực lực bác bỏ và khẳng định đây là một hành động nhằm gây chia rẽ, và đánh lạc hướng công luận về các hành động "bất hợp pháp" của Trung Quốc tại Biển Đông.

biendong2

Nhiều người Philippines biểu tình phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trước cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Makati, Philippines, ngày 19/04/2024. AP - Aaron Favila

Theo hãng tin Philippines News Agency, bộ trưởng quốc phòng Gilberto C. Teodoro Jr. khẳng định rằng tuyên bố nói trên của Trung Quốc là "để biện minh cho sự hiện diện bất hợp pháp" của họ ở vùng Biển Tây Philippines (tức Biển Đông), là một "trò chơi chữ", và nhằm mục đích chủ yếu là để chia rẽ người Philippines về vấn đề này. Lãnh đạo bộ quốc phòng Philippines giải thích ông đưa ra tuyên bố này nhằm để nâng cao nhận thức về nỗ lực rõ ràng của Trung Quốc "nhằm đánh lạc hướng khỏi sự hiện diện và các hành động bất hợp pháp của họ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hôm qua tuyên bố, Lực lượng vũ trang của Bộ Tư Lệnh miền Tây Philippines (Wescom) đã nhiều lần xác nhận rằng "mô hình mới" để xử lý căng thẳng gia tăng ở các vùng tranh chấp đã được các quan chức chủ chốt của chính phủ Philippines, bao gồm cả bộ trưởng quốc phòng Teodoro và cố vấn An ninh Quốc gia Eduardo Año, ủng hộ. Phía Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ lưu giữ hồ sơ "liên lạc và đàm phán" về vấn đề này, và các đàm phán không liên quan đến lập trường chủ quyền giữa hai nước.

Bộ trưởng quốc phòng Philippines nhấn mạnh là "bất kỳ ám chỉ nào" của phía Trung Quốc về việc bộ quốc phòng Philippines tham gia vào "mô hình mới" giải quyết tranh chấp đều là một "mưu đồ quỷ quyệt" của Bắc Kinh thông qua đại sứ quán ở Manila, và điều rất đáng đặt câu hỏi là vì sao hành động này lại xảy ra sau cuộc họp lần đầu tiên của lãnh đạo bộ quốc phòng bốn nước đồng minh Philippines, Mỹ, Nhật và Úc, tại trụ sở Bộ Tư Lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (Mỹ) tại Hawai hôm 02/05. Sau cuộc hội kiến này, bộ trưởng quốc phòng bốn nước ra thông cáo chung "phản đối mạnh mẽ" việc Trung Quốc sử dụng các tàu Hải cảnh và dân quân biển ở Biển Đông gây nguy hiểm, "liên tục cản trở tàu Philippines thực thi quyền tự do hàng hải và làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế tới Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal)".

Trọng Thành

*****************************

Biển Đông : Mỹ, Nhật, Úc, Philippines lên án Trung Quốc dùng vũ lực cản trở "tự do hàng hải"

Trọng Thành, RFI, 04/05/2024

Bộ trưởng quốc phòng bốn nước Mỹ, Nhật, Úc và Philippines, ngày 03/05/2024, ra một thông cáo chung lên án Trung Quốc liên tục có các hành động "vũ lực" cản trở tự do hàng hải tại vùng quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

biendong3

Các tàu chiến của hải quân Mỹ, Úc, Nhật và Philippines tập trận chung ngày 07/04/2024, trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông. AFP - Leo Baumgartner

Thông cáo của bộ trưởng quốc phòng bốn nước "phản đối mạnh mẽ" việc Trung Quốc sử dụng các tàu Hải cảnh và dân quân biển ở Biển Đông gây nguy hiểm, "liên tục cản trở tàu Philippines thực thi quyền tự do hàng hải trên biển và làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế tới Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal)".

Lãnh đạo quốc phòng bốn nước kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết "cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý" của Tòa Trọng tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc năm 2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền Trung Quốc trên gần trọn Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm "hợp tác để hỗ trợ các quốc gia thực thi các quyền của mình tại Biển Đông".

Thông cáo chung được đưa ra sau khi bộ trưởng quốc phòng Úc Richard Marles, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru, bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin III, hội kiến ngày 02/05 tại Hawaii. Đây là cuộc họp lần thứ hai giữa lãnh đạo quốc phòng bốn nước đồng minh. Cuộc họp nói trên diễn ra ngay sau khi bốn nước lần đầu tiên tập trận chung tại Biển Đông đầu tháng 4/2024.

Cũng ngày hôm qua, bộ trưởng quốc phòng ba nước Mỹ, Nhật, Úc ra một thông cáo khác, "cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc bằng áp lực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông", trong đó có "các hành động gây bất ổn ở Biển Đông như các va chạm không an toàn trên biển và trên không, quân sự hóa các thực thể tranh chấp và sử dụng nguy hiểm các tàu tuần duyên và dân quân biển, cũng như can thiệp vào các hoạt động hàng hải thông thường và các nỗ lực nhằm ngăn chặn hoạt động thăm dò tài nguyên ngoài khơi của các nước khác".

Cuộc hội kiến giữa bộ trưởng quốc phòng bốn nước Mỹ, Nhật, Úc và Philippines diễn ra một ngày trước cuộc bàn giao quyền chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ (UsIndoPacom), tại trụ sở Hawaii. Trong buổi nhậm chức hôm qua, đô đốc Samuel Paparo, người thay đô đốc John Aquilino, cũng đã trực tiếp lên án hoạt động "bành trướng" của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tân chỉ huy Mỹ gọi các hành động hiện nay của Trung Quốc là "bất hợp pháp, cưỡng bức, hung hăng và lừa đảo" ("illegal, coercive, aggressive and deceptive"), vượt khỏi khuôn khổ các chiến thuật thường được gọi là "vùng xám", tức sử dụng các lực lượng dân sự hoặc bán quân sự để lấn dần từng bước. Đô đốc Samuel Paparo nhấn mạnh "sẽ phối hợp với các đồng minh, đối tác và các đồng đội để bảo vệ khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cụm từ của cố thủ tướng Shinzo Abe", "sẵn sàng chiến đấu chống lại bất kỳ kẻ thù nào đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của nước Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Trọng Thành
Read 353 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)