Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2024

Việt Nam muốn được Mỹ nhìn nhận là ‘nền kinh tế phi thị trường’

Trà My - BBC tiếng Việt

Vì sao khó có thể hy vọng, Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, vào tháng 7 tới ?

Trà My, Thoibao.de, 10/05/2024 |

Nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và đầy đủ theo tiêu chuẩn của phương Tây và Hoa Kỳ, đó là, không có sự can dự mạnh mẽ của Nhà nước vào nền kinh tế và xã hội. Bởi điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế.

kinhte1

Nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và đầy đủ theo tiêu chuẩn của phương Tây và Hoa Kỳ

Theo giới chuyên gia, trong một nền kinh tế thị trường, những lĩnh vực tư nhân có thể đảm trách, thì nhà nước không tham gia.

Báo Người Việt ngày 8/5 đưa tin, "Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét để công nhận Việt Nam là "nền kinh tế thị trường’". Bản tin cho hay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 8/5 đã nhóm họp, nghe các bên điều trần, để đi đến quyết định có công nhận Việt Nam là "nền kinh tế thị trường" hay không ? Nội dung cuộc họp này sẽ là một phần của kết luận đánh giá vào cuối tháng 7/2024 tới đây.

Giới lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần đề nghị, Hoa Kỳ và phương Tây công nhận Việt nam có nền kinh tế thị trường. Mục đích, hy vọng Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ và ưu đãi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng, khổ nỗi, mãi mà Hoa Kỳ và các nước phương Tây vẫn không chịu thừa nhận.

Được biết, ngay sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào trung tuần tháng 9/2023, khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất – "Đối tác Chiến lược Toàn diện", vào tháng 10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du Hoa Kỳ, đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, chấm dứt việc gắn nhãn "nền kinh tế phi thị trường" cho Việt Nam. Và Việt Nam đã được phía Mỹ hứa hẹn là sẽ xem xét.

Theo quy định của luật pháp nước Mỹ, quá trình xem xét sẽ được hoàn thành trong vòng 270 ngày, tức là, vào khoảng giữa tháng 7/2024 tới đây, Việt Nam sẽ nhận được câu trả lời từ Mỹ.

Việc Việt Nam bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách "12 nền kinh tế phi thị trường", trong đó có cả Nga, Trung Quốc và một số quốc gia có hơi hướng độc tài. Điều đó đã khiến Việt Nam liên tục gặp bất lợi trong các vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ, với lý do "có sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế".

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các công ty sản xuất thép và các doanh nghiệp sản xuất tôm tại Mỹ, không ủng hộ việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, các hãng bán lẻ và nhiều nhóm doanh nghiệp khác lại ủng hộ. Khi so sánh với Thái Lan – một quốc gia có nền kinh tế thị trường, thì mức thuế của Mỹ áp với tôm đông lạnh chỉ là 5.34%. Trong khi, cũng mặt hàng này, Việt Nam phải chịu thuế suất gấp gần 5 lần, lên tới 25.76%.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại giữa 2 nước tăng gần 300 lần, đến cuối 2023 đã đạt doanh số 111 tỷ USD.

Theo giới quan sát, dường như nhà nước Việt Nam và người đứng đầu Chính phủ là ông Phạm Minh Chính, liên tiếp có những phát biểu và hành động phớt lờ những điều cấm kỵ đối với một nền kinh tế thị trường, theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ – đó là sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế.

Không chỉ là vấn đề trước đây, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều kinh doanh lỗ lã triền miên, không tương xứng với số vốn và tài sản mà nhà nước bỏ ra. Hay mới nhất, việc nhà nước can thiệp vào thị trường vàng là một bằng chứng không thể chối cãi.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà nước Việt Nam muốn đồng hành, muốn dựa vào thị trường, nguồn vốn và công nghệ từ Hoa Kỳ, để phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ cao. Bắt buộc, Việt Nam phải thể chế hóa nền kinh tế, để trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, theo đúng các tiêu chí của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Nói rõ hơn, đó là, các quốc gia có nền chính trị độc đoán như Việt Nam, không tuân thủ nghiêm ngặt, đúng và đủ khái niệm kinh tế thị trường, thì lập tức bị đưa vào danh sách "nền kinh tế phi thị trường". Cho nên, công luận cho rằng, việc hy vọng Bộ Thương mại Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là "nền kinh tế thị trường", trong tháng 7/2024 tới đây, chỉ là một mơ ước hão huyền.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 10/05/2024

***************************

Vì sao Việt Nam ráo riết vận động hành lang để Mỹ cho ra khỏi danh sách ‘nền kinh tế phi thị trường’ ?

Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5/2024 đã có phiên điều trần với Việt Nam nhằm xem xét khả năng đưa Việt Nam ra khỏi danh sách "nền kinh tế phi thị trường" và nâng cấp lên thành "nền kinh tế thị trường".

kttt1

Việt Nam vẫn bị Mỹ xếp vào nhóm "nền kinh tế phi thị trường"

Quyết định cuối cùng có thể được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra trước ngày 26/7/2024.

Việt Nam hiện đang ráo riết vận động hành lang để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua việc bãi bỏ quy chế "nền kinh tế phi thị trường".

Không chỉ chính thức đề nghị Washington trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, chính phủ Việt Nam còn thuê hẳn một công ty của Mỹ để giúp cho quá trình này.

Bản đăng ký bổ sung của Đạo luật Đăng ký Đại diện cho Nước ngoài (FARA) đệ trình lên Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy Việt Nam đã thuê Công ty Steptoe có trụ sở tại Washington để hỗ trợ việc này.

Ráo riết trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ

Việt Nam được cho là đang nỗ lực hết sức để đảm bảo việc nâng cấp trước cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ, sự kiện có thể đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây, ông Donal Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế đối với Việt Nam vì nước này có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.

Dưới thời chính quyền Trump, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.

Ông Trump được cho là đã bắt đầu điều tra việc bán phá giá của Việt Nam ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2021. Và khả năng ông Trump sẽ tái khởi động tiến trình này nếu đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Mỹ liệt kê Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam. Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.

Hiện chỉ có 12 quốc gia được Mỹ xác định là có nền kinh tế phi thị trường,

Trong 21 năm qua, Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

Việt Nam hiện đang ráo riết vận động hành lang để quốc hội Mỹ sớm thông qua việc nâng cấp lên thành nền kinh tế thị trường trước kỳ bầu cử Mỹ vào tháng 11/2024.

"Tất nhiên, chúng tôi muốn Việt Nam được loại khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường của Hoa Kỳ," Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, theo tường thuật của Reuters.

"Quý vị có thể hình dung, với những gì chúng tôi đã làm, những gì chúng tôi đang cố gắng và nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, liệu Việt Nam có thể chấp nhận được việc nằm trong số 12 nước… tệ nhất thế giới không ?"

"Như vậy là không thể chấp nhận được," ông Dũng nói. "Thế nên nếu Bộ Thương mại Mỹ từ chối, tôi nghĩ điều đó sẽ rất, rất tệ cho cả hai nước".

Năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính năm ngoái cũng đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen chấm dứt quy chế "nền kinh tế phi thị trường" đối với Việt Nam.

Sự phản đối từ Mỹ

Chiến dịch vận động của Việt Nam đang vấp phải sự phản đối từ bên trong nước Mỹ và các tổ chức nhân quyền.

Đã có 31 nhà lập pháp Mỹ , trong đó đại diện là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, vào tháng Một đã gửi thư chung cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo  kêu gọi chính quyền Biden không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thay đổi quy chế và việc đáp ứng mong muốn của Hà Nội sẽ là "sai lầm nghiêm trọng".

Theo 31 nhà lập pháp này, việc trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam có thể đe dọa người lao động và nhà sản xuất Mỹ, trong khi thúc đẩy kinh tế Trung Quốc.

"Chúng tôi đề nghị bà (Gina Raimondo) và cơ quan của bà xem xét kỹ lưỡng các điều kiện kinh tế và lao động ở Việt Nam khi tiến hành đánh giá tình trạng nền kinh tế thị trường của Việt Nam và chúng tôi tin rằng các bằng chứng đã đưa tới một kết luận : Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu để được hưởng quy chế kinh tế thị trường theo thương mại của luật pháp Hoa Kỳ," thư của các nghị sĩ nêu rõ.

"Việc Bộ Thương mại xem xét lại quy chế kinh tế phi thị trường của Việt Nam là quá sớm và sẽ đe dọa tính liêm chính của các luật thực thi thương mại của chúng ta," Chủ tịch Nghiệp đoàn Thống nhất Công nhân ngành thép David McCall lên tiếng.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Việt Nam với Trung Quốc.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, khiến ngành này "dễ bị xảy ra tình trạng lao động cưỡng bức".

Hơn nữa, chính Bộ Thương mại Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo về việc Trung Quốc sử dụng Việt Nam để lách thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Các nhà lập pháp cũng lưu ý Bộ Thương mại phải xem xét các vấn đề lao động nghiêm trọng ở Việt Nam, như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, gần 80% lao động Việt Nam làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, có ít hoặc không có bảo hộ lao động.

Việt Nam có đáp ứng tiêu chí của Mỹ ?

kttt2

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo

Để xác định xem có nên phân loại một quốc gia là nền kinh tế phi thị trường hay không, luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu xem xét các yếu tố, bao gồm mức độ kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với tài nguyên thiên nhiên, giá cả, tỷ giá hối đoái và các yếu tố khác, trong đó có "mức lương được xác định bằng sự thương lượng tự do giữa người lao động và người quản lý".

Tuy nhiên, yếu tố "thương lượng tự do về mức lương" được cho là không diễn ra ở Việt Nam, nơi chỉ có một tổ chức công đoàn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Việc này được xem là không phù hợp với các quy định quốc tế về quyền người lao động, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Về mặt luật pháp và thực tiễn, Việt Nam không cho phép các công đoàn độc lập đại diện cho người lao động.

Chương 13 của Bộ luật Lao động năm 2021 của Việt Nam quy định về "tổ chức người lao động cấp doanh nghiệp" và Luật Công đoàn quy định về "công đoàn" cũng như "tổ chức đại diện người lao động".

Tuy nhiên, Luật Công đoàn của Việt Nam chỉ cho phép các "công đoàn" do chính phủ kiểm soát.

Bộ luật Lao động vẫn yêu cầu ban hành các quy định hướng dẫn thi hành để luật có hiệu lực. Và không có tổ chức đại diện người lao động cấp doanh nghiệp nào tồn tại ở Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam luôn công khai phản đối công đoàn độc lập.

Mới đây, Chỉ thị mật số 24 của Bộ Chính trị bị rò rỉ cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu chính phủ chỉ "thí điểm" thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp, bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn duy nhất ở nước này "vững mạnh".

Một bài viết trên An Ninh TV vào ngày 27/11/2023 nhan đề Cảnh giác trước cái gọi là ‘Công đoàn độc lập’ có đoạn :

"Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết, không thể thiếu với vai trò, uy tín của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như tổ chức công đoàn các cấp hiện nay".

"Còn cái gọi là 'công đoàn độc lập', hay 'nghiệp đoàn độc lập' không hề và không thể đại diện cho quyền, lợi ích của công nhân, người lao động mà chỉ lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị".

Các tổ chức nhân quyền nói gì ?

kttt3

Ông Nguyễn Văn Bình bị bắt với cáo buộc tiết lộ thông tin mật theo điều 337 Bộ luật Hình sự Việt Nam

Bộ Thương mại Mỹ xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách "nền kinh tế phi thị trường" trong bối cảnh Hà Nội cho bắt giữ một nhà cải cách, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (MOLISA) với cáo buộc ông tiết lộ thông tin mật.

Trước khi bị bắt, ông Bình đã nỗ lực làm việc với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhằm thúc đẩy chính phủ Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 của ILO.

Công ước này nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động Việt Nam quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước.

Trong báo cáo phân tích vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, Dự án 88 - một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam - nhận định rằng "đây chưa phải là lúc Việt Nam thoát khỏi 'nền kinh tế phi thị trường'".

"Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Thương mại Mỹ và việc bắt giữ Nguyễn Văn Bình, người đang nỗ lực đưa luật lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cho thấy điều này".

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 9/5 cho rằng nay Việt Nam đang cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn cho Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác để đảm bảo hoặc duy trì các ưu đãi thương mại.

Ông John Sifton, Giám đốc vận động khu vực Châu Á của HRW, nói : "Sẽ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng công nhân Việt Nam có thể tổ chức công đoàn hoặc tiền lương của họ là kết quả của sự thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý".

"Không có một công đoàn độc lập nào tồn tại ở Việt Nam và không có khuôn khổ pháp lý nào cho phép thành lập công đoàn hoặc cho người lao động thực thi quyền lao động".

Ông Sifton của HRW nói : "Tuyên bố tôn trọng quyền lao động của Việt Nam dựa trên những lời nói và lời hứa suông, luật pháp và quy định không liên quan gì đến thực tế tình hình quyền lao động thực tế của nước này".

Nguồn : BBC, 09/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, BBC tiếng Việt
Read 298 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)