Vì sao, sự "nổi loạn" của Tô Đại, chỉ Tổng Trọng và Bắc Kinh có lợi ?
Trà My, Thoibao.de, 17/05/2024
Sáng 16/5, Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đã khai mạc, dự kiến bế mạc vào chiều ngày 18/5.
Đây là kỳ họp thường niên của Ban Chấp hành Trung ương, với nhiệm vụ trọng tâm là điều chỉnh, bổ sung các vị trí lãnh đạo Đảng và nhà nước còn khuyết trống. Đã có hơn 20 ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có 6 ủy viên Bộ Chính trị đã phải ra đi, với các lý do khác nhau.
Sáng 16/5, Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đã khai mạc, dự kiến bế mạc vào chiều ngày 18/5.
Cụ thể, Hội nghị Trung ương 9 sẽ tập trung giải quyết các vị trí nhân sự cấp cao sau :
1. Bầu bổ sung các vị trí là ủy viên Bộ Chính trị và thành viên Ban Bí thư.
2. Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu nhân sự, để Quốc hội khóa XV trong kỳ họp thứ 7, bầu và phê chuẩn các chức danh : Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, và Phó Chủ tịch quốc hội. Kỳ họp này sẽ khai mạc ngày 20/5 tới.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét, đồng ý về việc thôi các chức vụ, và cho nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai. Được biết, bà Mai đã chính thức có đơn xin thôi tất cả các chức vụ.
Đồng thời, Bộ Chính trị cũng thông báo với Ban Chấp hành Trung ương về việc phân công Đại tướng Lương Cường – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, thay bà Mai.
Bốn ông bà : Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc ; Lê Minh Hưng – Chánh Văn phòng Trung ương Đảng ; Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng ban Dân vận Trung ương ; và Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đều đã được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Ông Lê Minh Hưng được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, thay bà Mai.
Theo dự kiến, sáng 19/5 tới đây, Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ họp, để phân công nhiệm vụ cho các ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, thay thế các vị trí vẫn còn bị khuyết hoặc có sự thay đổi.
Theo tin rò rỉ, Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương bỏ phiếu giới thiệu :
– Đại tướng Tô Lâm, đương kim Bộ trưởng Bộ Công an, sẽ ứng cử chức danh Chủ tịch nước.
– Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ứng cử chức danh Chủ tịch Quốc hội.
– Người kế nhiệm ông Lê Minh Hưng làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, dự kiến sẽ là Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, đồng thời ông Ngọc sẽ được giới thiệu bầu bổ sung vào Ban Bí thư.
Những thay đổi lớn về nhân sự cấp cao kể trên, được Hội nghị Trung ương 9 giải quyết, và được đánh giá là một cuộc cải tổ sâu rộng các vị trí lãnh đạo cao cấp nhất, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và chính quyền. Nhưng đây không phải là một cuộc "thay máu" như nhiều ý kiến đánh giá. Bởi về cơ bản, theo công luận, vẫn chỉ là kiểu "bình mới – rượu cũ". Các nhân sự thay thế vẫn chủ yếu do Tổng Trọng giới thiệu và kiểm soát.
Hội nghị Trung ương 9 của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh, cuộc chiến quyền lực trên thượng tầng lãnh đạo cấp cao bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, và bị chặn lại, sau nhiều tháng Tô Lâm mượn danh chủ trương chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ", để hạ bệ hàng loạt lãnh đạo cấp cao.
Theo giới phân tích quốc tế, nhiều dấu hiệu cho thấy, Ban lãnh đạo Hà Nội và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có biểu hiện xa rời dần phương Tây và nghiêng về phía Trung Quốc. Đồng thời, cuộc chiến quyền lực cấp cao vừa qua đã khiến Việt Nam mất dần sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, và trở thành một lựa chọn "rủi ro" cho họ.
Mới đây, có tin Việt Nam trì hoãn cuộc gặp với Liên Hiệp Châu Âu (EU), để chuẩn bị cho chuyến thăm có thể sắp diễn ra, của Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội. Đồng thời, nhiều bằng chứng cho thấy, Việt Nam chuẩn bị nộp đơn xin gia nhập tổ chức kinh tế BRICS. Đây là một tổ chức quốc tế, với sự tham gia của các quốc gia có nền dân chủ kém, hoặc độc tài, như : Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Một hãng tin quốc tế mới đây đã đưa ra nhận định, những chuyển động bên trong chính trường Việt Nam, đang dần "biến miền Bắc Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc".
Những điều vừa kể cho rằng, chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam đã bị trói hẹp, và quay trở lại với quỹ đạo chịu sự kiềm tỏa, cũng như ngày càng lệ thuộc hơn vào Bắc Kinh, như trước đây.
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 17/05/2024
**************************
Trung ương Đảng họp : người thăng tiến, kẻ bị trừng phạt và những điểm đáng lưu ý
BBC, 17/05/2024
Ngày đầu tiên của Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng kiến những biến động dữ dội ở thượng tầng của nền chính trị quốc gia. Thấy gì từ những diễn biến này ?
Bà Trương Thị Mai, nhân vật thân cận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã rời chính trường
Hội nghị lần này diễn ra từ ngày 16/5 đến 18/5, giữa bối cảnh nhân sự cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam có nhiều biến động dữ dội.
Chỉ từ đầu năm 2024 đến trước hội nghị đã có 3 ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm 2 người trong "Tứ Trụ", bị cho thôi chức, miễn nhiệm.
Do đó, hội nghị này được chờ đợi sẽ đưa ra những quyết định quan trọng về các vị trí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Dù thế, thông tin về kỳ họp đã không được Trung ương Đảng công bố cho đến sau thời điểm khai mạc.
Và chỉ trong ngày đầu tiên của hội nghị đã có nhiều dấu hiệu và diễn biến quan trọng được ghi nhận :
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái xuất sau thời gian dài không xuất hiện.
- Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai bị cho thôi chức.
- Đại tướng Lương Cường làm thường trực Ban Bí thư.
- Bổ sung 4 người vào Bộ Chính trị.
- Giới thiệu nhân sự để bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội (chưa công bố cụ thể).
- Kỷ luật một số nhân vật cấp cao, trong đó có cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Bà Trương Thị Mai mất chức
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã kết thúc sự nghiệp chính trị
Theo thông cáo ngày 16/5 của Văn phòng Trung ương Đảng, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 đã xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
Người phụ nữ 66 tuổi quê Quảng Bình này là một bóng hồng hiếm hoi trong một nền chính trị do nam giới thống trị.
Từ một cán bộ Đoàn thanh niên, bà đã dần thăng tiến qua các thang bậc trong hệ thống của Đoàn và Đảng, để rồi nắm giữ một trong những chức vụ cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam : thường trực Ban Bí thư.
Bà từng được đánh giá là sẽ tiếp tục đảm đương các trọng trách của nhà nước Việt Nam, sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà "đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân".
"Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, bà đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác", thông cáo nêu.
"Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của bà Trương Thị Mai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để bà Trương Thị Mai thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13".
Chiều 16/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đã có thông cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với bà Trương Thị Mai.
Theo đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để xem xét quyết định về việc cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với bà Trương Thị Mai, đại biểu Quốc hội thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.
Căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định pháp luật có liên quan, căn cứ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, căn cứ tờ trình của Ban Công tác đại biểu, đồng thời, xét đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội ngày 13/5 của bà Trương Thị Mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, bỏ phiếu kín thông qua và ban hành nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với bà Trương Thị Mai.
Theo quy trình thì Đảng xử lý các chức vụ trong Đảng, còn Quốc hội xử lý các chức vụ thuộc thẩm quyền của Quốc hội (ở đây là đại biểu Quốc hội).
Tương tự các trường hợp cho thôi chức ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, thông cáo của Trung ương Đảng không nêu rõ vi phạm cụ thể của bà Trương Thị Mai là gì.
Từ nhiều ngày qua, thông tin bà Trương Thị Mai rời ghế đã xuất hiện dưới dạng tin đồn ở trên mạng xã hội. Có thông tin cho rằng bà bị cáo buộc liên quan tới sai phạm tại dự án Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng.
Trong khi đó, cũng có thông tin nói rằng bà bị vu oan giá họa và rằng bà rời chức là do không chịu nổi cuộc đấu đá nội bộ giữa các đồng chí của mình.
Thông báo chung chung của Trung ương Đảng càng khiến những đồn đoán về trường hợp của bà cũng như về cuộc nội đấu trong Đảng tiếp tục lan truyền.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bà Mai đã được cho "hạ cánh an toàn" như các trường hợp lãnh đạo cấp cao trước bà, cụ thể là các ông Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trần Tuấn Anh.
Đại tướng Lương Cường
Con đường binh nghiệp của Đại tướng Lương Cường chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chính trị
Sau sự ra đi của bà Trương Thị Mai, ghế thường trực Ban Bí thư được phân công cho Đại tướng Lương Cường đảm nhiệm.
Đại tướng Lương Cường là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 ; Bí thư Trung ương Đảng khóa 12 ; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13 ; Đại biểu quốc hội khóa 15.
Ông Cường từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (12/2011 và 11/2013).
Trước khi được phân công nhiệm vụ mới, ông là Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông Lương Cường có trình độ chuyên môn là cử nhân xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.
Vào quân ngũ từ giữa thập niên 1970, ông Cường lần lượt được thăng quân hàm qua các năm : 1981 - trung úy ; 1982 - thượng úy ; 1985 - đại úy ; 1989 - thiếu tá ; 1993 - trung tá ; 1997 - thượng tá và thăng quân hàm đại tá vào năm 2001.
Từ năm 2003 đến 2006, ông Lương Cường giữ chức Phó Tư lệnh về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 2. Đầu năm 2006, ông được thăng quân hàm thiếu tướng. Sau đó, ông Cường có hơn một năm làm Chính ủy Quân đoàn 2.
Ông được thăng quân hàm trung tướng vào năm 2009 và giữ chức Chính ủy Quân khu 3 từ tháng 1/2008 đến 5/2011.
Cuối năm 2014, ông Lương Cường được thăng quân hàm thượng tướng. Ông cũng giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hơn 4 năm, từ tháng 6/2011 đến tháng 12/2015.
Ông Cường được thăng quân hàm đại tướng vào đầu năm 2019.
Trong giai đoạn từ tháng 5/2016 đến 1/2021, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Việt Nam ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương ; Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ; Ủy viên Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.
Đầu năm 2021, ông Lương Cường được Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6 cùng năm, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.
Xét quá trình công tác, có thể thấy con đường binh nghiệp của ông Cường chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, chứ không phải sĩ quan tác chiến.
Tại Việt Nam, Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.
Nghị quyết 51 năm 2005 của Bộ Chính trị đã định hình rõ hơn vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị. Những sĩ quan chuyên trách về chính trị như ông Lương Cường vì thế có nhiều lợi thế trên chính trường.
Việc ông được phân công giữ chức thường trực Ban Bí thư cho thấy điều đó.
Bổ sung ủy viên Bộ Chính trị
Từ trái qua : ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến
Sau khi bà Trương Thị Mai xin thôi chức thì ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn 12 người, so với con số 18 người vào đầu khóa, thời điểm sau Đại hội 13 vào đầu năm 2021.
Những ủy viên Bộ Chính trị đã bị "cho thôi" hoặc bị miễn nhiệm bao gồm : Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Giờ đây đến lượt bà Trương Thị Mai.
Tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13.
Cụ thể gồm :
Ông Lê Minh Hưng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ông Đỗ Văn Chiến và bà Bùi Thị Minh Hoài.
1. Ông Lê Minh Hưng, 54 tuổi, quê ở Hà Tĩnh. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 12, 13 và là Đại biểu quốc hội khóa 15.
Trước khi vào Bộ Chính trị, ông là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và là ủy viên Ban Bí thư.
Ngoài việc được bầu vào nhóm những nhân vật quyền lực nhất, ông Hưng cũng thay bà Trương Thị Mai đảm nhiệm chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Ông Hưng có hơn 20 năm gắn bó với Ngân hàng Nhà nước. Ông từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Khi vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB được đưa ra xét xử sơ thẩm, đã có những câu hỏi đặt ra về trách nhiệm quản lý nhà nước của Thống đốc Lê Minh Hưng.
Cần lưu ý là giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến hành vi của bà Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB.
"Tôi nghĩ ông Lê Minh Hưng nên có trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được vấn đề, dù không phải là người mở màn cho sai phạm nhưng tôi chắc rằng ông ấy phải nhận thấy vấn đề và lẽ ra phải ngăn chặn nó", một nhà quan sát chính trị nói với BBC trước khi tòa tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát.
Ông Lê Minh Hưng là con của cố Thượng tướng Lê Minh Hương - Bộ trưởng Bộ Công an giai đoạn 1996-2002.
2. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, 62 tuổi, quê ở Tiền Giang. Ông là Bí thư Trung ương Đảng khóa 13, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13.
Ông Nghĩa cũng là Đại biểu quốc hội khóa 14 và 15.
Từ tháng 9/2012 - 1/2021, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Nghĩa được thăng quân hàm thượng tướng vào năm 2017.
Ông giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương từ tháng 2/2021 cho đến nay.
3. Bà Bùi Thị Minh Hoài, 59 tuổi, quê ở Hà Nam.
Bà Bùi Thị Minh Hoài là Ủy viên Trung ương Đảng chính thức các khóa 11, 12 và 13.
Bà cũng là Đại biểu quốc hội khóa 15.
Bà Bùi Thị Minh Hoài có thời gian dài gắn bó với ngành thanh tra, kiểm tra và từng giữ các chức vụ : Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Nam ; Bí thư Thành ủy Phủ Lý ; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam…
Tháng 3/2011, bà giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rồi Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Từ 4/2021, bà làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho đến nay.
4. Ông Đỗ Văn Chiến, 62 tuổi, quê ở Tuyên Quang.
Ông là Ủy viên Trung ương chính thức các khóa khóa 11, 12 và 13.
Ông cũng là Đại biểu quốc hội các khóa 13, 14 và 15.
Ông Chiến lần lượt kinh qua nhiều chức vụ ở Tuyên Quang : Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương ; Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy ; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Yên Sơn.
Tháng 9/2001, ông làm Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang và trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang sau đó.
Tháng 8/2011, ông được luân chuyển, giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2010-2015.
Tháng 2/2015, ông làm Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Ông giữ chức Bộ trưởng - Chủ nhiệm ủy ban này từ tháng 4/2016.
Từ tháng 4/2021 cho đến nay, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 9, nhiệm kỳ 2019-2024.
Giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn
Ông Trần Thanh Mẫn (bìa trái) và ông Tô Lâm (thứ hai từ trái) được nhận định sẽ là hai gương mặt mới trong "Tứ Trụ"
Sau khi ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức vào tháng 3 vừa qua thì Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền chủ tịch nước.
Đối với Quốc hội, hiện Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa 15 bầu chức chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội thay cho ông Thưởng và ông Huệ.
Về các chức danh trong "Tứ Trụ", theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước và/hoặc chủ tịch Quốc hội, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.
Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì quy định chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội đều phải là đại biểu Quốc hội.
Hiện những người thỏa mãn cả quy định của Đảng và quy định trong hiến pháp, pháp luật thì có ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.
Trong bốn người này, hiện ông Trọng và ông Chính đã ở trong "Tứ Trụ".
Xét sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng thì ông khó có thể kiêm thêm chức chủ tịch nước, điều mà ông từng làm sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018.
Còn vị trí thủ tướng của ông Phạm Minh Chính là vị trí điều hành các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, nếu thay đổi sẽ gây ra nhiều xáo trộn.
Do đó, ông Tô Lâm là người duy nhất đủ tiêu chuẩn cho vị trí chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội.
Cần lưu ý, Quy định 214 cũng nêu rằng Ban Chấp hành Trung ương có thể xem xét trường hợp đặc biệt đối với các chức danh trong "Tứ Trụ".
Điều đó cho thấy, trong trường hợp Đảng muốn cơ cấu người không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo Quy định 214, sẽ có thêm các ứng viên khác là các ủy viên Bộ Chính trị chưa tham gia trọn một nhiệm kỳ.
Như vậy thì cơ hội vào "Tứ Trụ" sẽ rộng cửa hơn cho nhiều người khác. Trong số này có ông Trần Thanh Mẫn, người đang được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau khi ông Huệ bị miễn nhiệm.
Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, từng chia sẻ với BBC sau khi ông Vương Đình Huệ từ chức rằng ông Mẫn có khả năng sẽ lên làm chủ tịch Quốc hội.
Ông Mẫn hiện là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 15.
Trong một Bộ Chính trị già nua như hiện tại với hơn 75% sẽ quá 65 tuổi vào Đại hội Đảng 14, ông Mẫn là một trong ba gương mặt có thể tái ứng cử ủy viên Bộ Chính trị khóa 14 nếu xét theo quy định tuổi tác.
Về vùng miền, ông Mẫn là một trong hai ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi từ miền Nam.
Người còn lại là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhưng ông Nên không phải là đại biểu Quốc hội nên không thể vào "Tứ Trụ", theo quy định của hiến pháp và pháp luật.
Nếu cơ cấu nhân sự đảm bảo tính vùng miền thì khả năng cao ông Mẫn sẽ có một chân trong "Tứ Trụ".
Sau khi bà Trương Thị Mai thôi chức thì xác suất ông Mẫn trở thành Chủ tịch Quốc hội càng gia tăng.
Nếu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước và ông Mẫn làm chủ tịch Quốc hội, thì Đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải tính toán phương án bộ trưởng Công an (thay ông Tô Lâm) và phó chủ tịch Quốc hội (thay ông Mẫn).
Trong đó, chức danh phó chủ tịch Quốc hội sẽ do Quốc hội bầu ; chức danh bộ trưởng sẽ do Quốc hội phê chuẩn.
Ông Lê Thanh Hải bị tước hết tất cả các chức vụ
Cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tước hết tất cả các chức vụ từng nắm giữ.
Thông tin được công bố qua thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
Theo đó, ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc.
Ông bị quy là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại, thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước ; để xảy ra nhiều vụ án hình sự, trong đó có vụ án rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền thành phố.
Trước đó, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sai phạm của ông Hải được xác định là có liên quan tới các vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Những chức vụ ông Hải bị tước bỏ bao gồm :
- Ủy viên Bộ Chính trị
- Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
- Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh
Về chức vụ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015, ông Hải đã bị cách chức từ năm 2020 do những sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trước đó, theo quy trình kỷ luật đảng viên cấp cao, trường hợp của ông Lê Thanh Hải đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo và đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật.
Sau khi xem xét, Bộ Chính trị đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật theo quy định của Đảng.
Theo Khoản 9 Điều 2 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng viên, đảng viên sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng khi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, việc ông Hải chỉ bị cách chức mà không bị khai trừ có thể hiểu rằng Đảng đã đánh giá những sai phạm của ông Hải không tới mức xử lý hình sự.
Ngoài ông Hải, trong số cựu quan chức Thành phố Hồ Chí Minh còn có ông Lê Hoàng Quân và ông Nguyễn Thành Phong cũng có sai phạm được xác định có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Hai ông này đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vào ngày 14/5.
Cũng trong thông cáo ngày 16/5 của Văn phòng Trung ương Đảng, có hai người khác bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, gồm :
- Ông Dương Văn Thái , Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Giang
- Ông Mai Tiến Dũng , cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Cả hai ông Thái và Dũng đều đã bị khởi tố, tạm giam trước đó.
Hôm 14/5, ông Phạm Thái Hà , Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch quốc hội, cũng đã bị Ban Bí thư khai trừ khỏi Đảng.
Nguồn : BBC, 17/05/2024
*************************
Hội nghị Trung ương 9, cuộc sống mái giữa các phe nhóm ?
Gió Bấc, RFA, 16/05/2024
Bí mật vĩ đại của Đảng mà ai cũng biết là Hội nghị trung ương 9 diễn ra từ ngày 16 đến 18-5 để cho phép thêm một trụ thứ năm xin nghỉ theo nguyện vọng và điền vào chỗ trống những chiếc ghế bị cưa chân . "Chiều nay" là đất nước tự do… tin đồn. 800 tờ báo lề Đảng chỉ đăng lại những tin đồn được tuyên giáo cấp phép không hề hé răng về hội nghị này. Hơn một tuần qua, tin đồn lao xao về ngày họp, anh nào lên, chị nào xuống nhưng chừng như các tinh hoa của Đảng ở trển chưa vừa ý với nhau nên danh sách cứ thay đổi lung tung. Riêng ngày họp thì chắc như bắp trùng khớp với nhau. BBC tiếng Việt còn cất công kiểm chứng dò tìm trong lịch làm việc của các cấp ủy địa phương và phát hiện có hai Bí thư tỉnh là Ủy viên trung ương đi họp vào các ngày nói trên.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp Hội nghị Trung ương 9 khóa 13
Đất nước không thể một ngày không có vua. Ấy vậy mà nhờ công chăm chỉ đốn củi thần tốc của Tô Đại tướng mấy tháng qua, hai trong tứ trụ triều đình đã bị cưa gãy, trụ quan trọng nhất già yếu trùm chăn trong phòng ICU quân y viện 108 suốt không mấy khi xuất hiện. Năm trên 18 vị thượng tầng nhà đỏ đã về vườn làm người tử tế đến nay vẫn chưa có người thay. Khoảng trống đáng sợ ấy kéo dài làm thế giới nghi ngại, nhà đầu tư nước ngoài tới thăm rồi quay đi không trở lại. Trung ương mấy lần họp bất thường nhưng chỉ đủ sức bỏ phiếu cho nghỉ theo nguyện vọng và chỉ định người thay thế tạm thời chứ không chọn được người chính thức. Không phải Đảng thiếu người tài ! Dù rơi rớt hơn 20 ủy viên, Trung ương đảng vẫn còn trên 150 tinh hoa ưu tú do Đảng trưởng dày công chọn giới thiệu và được đại hội 13 sáng suốt bầu chọn kia mà. Vai vế ủy viên nhà đỏ tối cao quyền lực ngất trời, lợi lộc sân trước sân sau vô đối, một lời nói ra trị giá ngàn vàng bốn số chín ai lại không ham.
Cái khó hiện là Tô Đại tướng đốn củi quá hăng, cổ thụ tươi xanh cũng thành củi lớn, lửa đang phừng phừng làm chủ lò suýt bị cháy râu, cháy áo. Sắp ghế không khéo Tô Đại tướng thêm vi thêm cánh, quyền lực độc tôn có khi đến lượt chủ lò thành củi. Ngược lại, sắp ghế trái ý, Tô Đại tướng xuống đao càng ngã ngựa lẹ hơn. Chính vì vậy phải cần thời gian hạ thấp uy phong, xây dựng lực lượng liên hoành hợp tung trước khi bày bát quái trận đồ Hội nghị trung ương 9.
Sau đòn sấm sét hạ gục Huệ Vương, Tô Đại tướng dùng mồm mép của Tô Ân Xô phát ngôn với báo chí vuốt ve Tổng Trọng có lời khen Bộ Công An và dặn dò tiếp tục đốt lò thượng tôn pháp luật. Một cách tế nhị vừa nhường công cho Tổng Trọng, vừa bày tỏ lòng trung thành. Ấy nhưng ai chẳng biết Huệ Vương là truyền nhân Tổng Trọng dày công, kiên trì nâng đỡ từng rớt Ủy viên Bộ Chính trị vẫn tiếp tục đưa vào khóa sau. Huệ Vương đi triều kiến thiên triều, bắt tay hội đàm với Tập Chủ hẳn là do Tổng Trọng tiến cử để giới thiệu, cầu phong. Phạm Thái Hà thư ký Huệ Vương cũng có mặt trong phiên họp cấp cao bị bắt khi vừa xuống sân bay. Huệ vương mất chức mấy ngày sau đó dù Bộ Trưởng Tư pháp Hạ Vinh của Tập bay sang can thiệp. Vừa mất quân tướng, vừa nhục mặt với thiên triều. Lẽ nào ông Trọng có thể xóa được "thâm tình" của Tô Đại tướng ? Tổng phải ra tay !
Sau khi có thông tin triệu tập Hội nghị Trung ương 9, tình hình có những chuyển biến mới khá nóng. Ngày 10/5, trang Báo Tiếng Dân đăng bài "Ai bảo kê cho Tập đoàn CityLand cướp đất quốc phòng ?". Một hồ sơ chi tiết những sai phạm của tập đoàn CityLand được sự đỡ đầu của cha con đại tướng Phùng Quang Thanh và đại tá Phùng Quang Hải kéo dài hàng chục năm qua. Tài sản vi phạm trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng. Kèm theo bài là những tài liệu khá thuyết phục mà chỉ là quan chức cấp cao trong ngành nội chính mới có. Đặc biệt, trong bài có đoạn "Mới đây, hôm 2-5-2024, UBND tỉnh Hoà Bình ra quyết định chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu đô thị thương mại và nhà ở Sông Bùi cho liên danh CTCP Xuân Cầu Holdings với Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố (CityLand). Diện tích phê duyệt là 60,3 hecta, tổng vốn 5.500 tỉ đồng. Trong đó Xuân Cầu góp 85% vốn, CityLand góp 15%". (1)
Tiếp đó, ngày 12/5, Tiếng Dân đăng bài "Tập đoàn Xuân Cầu và các đại dự án hàng chục ngàn tỷ"
Bài báo đã điểm danh chi tiết những dự án, tài sản kếch xù của Tập Đoàn Xuân Cầu của gia đình ông Tô Dũng là em ruột của Tô Lâm. Bài báo kết luận rằng "Đến đây, mọi người có thể hiểu vì sao Tập đoàn Xuân Cầu không những thâu tóm bất động sản, mà còn trúng thầu, được chỉ định thầu các đại dự án có vốn đầu tư từ ngân sách lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt hơn nữa, chưa bao giờ Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hay các cơ quan điều tra nào dám nhắc đến cái tên Xuân Cầu trong các báo cáo hoặc bêu tên trên truyền thông của Đảng.
Nhiều cây bút sừng sỏ, các KoLs trên mạng xã hội, từng chỉ trích đích danh Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, Bộ trưởng… về vấn đề nọ kia, nhưng tuyệt đối chưa bao giờ họ dám đụng đến Tô Dũng và "đế chế" Xuân Cầu" (2).
Từ thông tin hai bài báo này cho thấy, do sai phạm của CityLand liên quan đến quân đội nên về thẩm quyền, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc Phòng có thể thụ lý điều tra. CityLand liên quan đến Xuân Cầu nên vụ việc có thể mở rộng điều tra đến Xuân Cầu. Phải chăng đây là gót chân Asin của Tô Đại tướng. Tuyệt chiêu khởi tố doanh nghiệp sân sau để đốn cổ thụ chống lưng có thể được áp dụng trong trường hợp này ?
Sáng 13/5, báo chí đưa tin Đại tá Vũ Như Hà, quê quán ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cư trú tại xã Phước Kiến, huyện Nhà bè, thành phố Hồ Chí Minh, từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an thành phố Hồ Chí Minh được bổ nhiệm làm Giám đốc công an tỉnh Lạng Sơn ông Thái Hồng Công vừa được Bộ Công an cho thôi chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn (3). Có tin đồn cho rằng ông Thái Hồng Công và toàn bộ Ban Giám Đốc công an Lạng Sơn đã bị bắt về tội gián điệp. Tin này hiện chưa thể kiểm chứng nhưng mạng xã hội vẫn "đồn thổi" và báo Nhà nước cũng không có giải thích cụ thể vì sao có sự thay đổi này.
Phải chăng, trước Hội nghị trung ương 9 uy thế của Tô Đại tướng có phần sụt giảm ?
Tuy nhiên, qua các nguồn tin khá tin cậy từ nội bộ tung ra cho thấy, Bộ Chính trị, cơ cấu quyền lực cao nhất mà Tổng Trọng sử dụng để quyết định những vấn đề nhân sự vẫn chưa có phương án nhân sự ổn thỏa trước Hội nghị Trung ương 9. Về số lượng ứng viên Ủy viên Bộ Chính trị hiện đang khuyết năm người, trong hội nghị bà Trương Thị Mai sẽ xin nghỉ hưu sẽ khuyết đến sáu người. Nhưng Bộ Chính trị dự kiến chỉ giới thiệu năm người bầu chọn bốn người vẫn còn khuyết hai người. Với các chức danh chủ chốt dự kiến Tô Đại tướng làm Chủ tịch nước, Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch quốc hội, Đại tướng Lương Cường làm Thường trực Ban Bí thư nhưng các chức vụ quan trọng nhất là Bộ trưởng Công an còn đang bỏ ngỏ.
Theo logich quyền lực, nếu Bộ trưởng Công an là một trong hai đàn em thân tín như Lương Tam Quang hay Nguyễn Đình Ngọc, Tô Đại tướng hẳn yên lòng làm Chủ tịch nước hờ để lấy suất đặc biệt leo lên Tổng bí thư trong khóa tới. Nhưng các chiêu thức về tiêu chuẩn như : Bộ trưởng Công an phải là Ủy viên Bộ Chính trị ; Ủy viên Bộ Chính trị phải là Ủy viên Trung ương trọn một nhiệm kỳ và phải kinh qua lãnh đạo ngành, địa phương đã trói chân hai con gà chiến của Tô Đại tướng. Danh sách năm ứng cử viên được giới thiệu không có tên hai ông này. Trong khi đó Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú, Nguyễn Hòa Bình đều có đủ tiêu chuẩn và đều có nguyện vọng ngồi lên cái ghế quyền lực vô đối. Mặt khác, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, lần này Tô Đại tướng vướng vào vòng kim cô không thể từ chối chức vụ mà Bộ Chính trị đã phân công.
Nếu sau bao chiến công hạng mã, chặt hạ sáu cây cổ thụ để rồi giao Bộ Công an cho người khác, đổi lấy cái chức hữu danh vô thực, e rằng Tô Đại tướng khó may mắn làm người tử tế như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng mà sớm đoàn tụ với người tiền nhiệm Trần Đại Quang. Thật ra trong tay Tô vẫn còn quân bài dự bị chiến lược cực kỳ quan trọng là Tướng Trần Quốc Tỏ, có dư tiêu chuẩn, từng là Ủy viên Trung ương nhiều khóa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Vấn đề là mối quan hệ Lâm, Tỏ có đủ mức tin cậy đồng hội đồng thuyền ?
Đấu trường Hội nghị Trung ương về nhân sự vốn rất bất trắc do mâu thuẫn lợi ích, liên minh liên kết phức tạp đan chéo nhau giữa các nhóm. Ngay người chơi cờ dạn dày kinh nghiệm như Tổng Trọng còn mấy lần thất bại khi đề bạt Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ hay kỷ luật đồng chí X. Qua lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi Phạm Minh Chính đã vượt qua với phiếu khá cao, ngược lại Tô Đại tướng bất ngờ có thứ hạng chung khá thấp. Thế mạnh của Tô Đại tướng nằm ở thực quyền chứ không phải phe cánh nên chiến thắng khá mong manh.
Với bao nhiêu ân oán đã gieo, với bao nhiêu công lao đã đổ và nhất là với bao nguy cơ rập rình trước mắt nếu để quyền lực rơi vào tay người khác nhất định Tô Đại tướng hẳn có phương án dự phòng, Ngược lại phía cụ Tổng chủ lò, phe cánh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng phải có phương án giành lại những gì đã mất, phải chặn đứng nguy cơ có thể xảy ra. Đấu trường Trung ương 9 khó có chỗ thỏa hiệp. Nếu có, đó chỉ là thỏa hiệp tạm thời, chuyển tiếp cho xung đột mạnh hơn.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 16/05/2024
Tham khảo :
1. https://baotiengdan.com/2024/05/11/ai-bao-ke-cho-tap-doan-cityland-cuop-...
2. https://baotiengdan.com/2024/05/12/tap-doan-xuan-cau-va-cac-dai-du-an-ha...
3. https://tienphong.vn/bo-nhiem-giam-doc-cong-an-tinh-lang-son-post1636681...