Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/05/2024

Cuộc vi hành cước của thầy Minh Tuệ được đông đảo tín đồ ngưỡng mộ

Nam Việt, Ngọc Lan, Gió Bấc, Viết từ Sài Gòn

Toàn cảnh bất chiến tự nhiên thành, của sư thầy Thích Minh Tuệ

Nam Việt, RFA, 18/05/2024

Sự kiện vị hành cước tu sĩ Thích Minh Tuệ khởi cuộc hành pháp đơn độc xuyên Việt Nam lần thứ 6 đã trở thành cái gai trong mắt Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước cộng sản dựng lên, vốn nhằm kiểm soát tín ngưỡng theo mô hình của Trung Quốc : tôn giáo - trại lính.

minhtue1

Vị hành cước tu sĩ Thích Minh Tuệ khởi cuộc hành pháp đơn độc xuyên Việt Nam lần thứ 6

Hình ảnh vị sư gầy gò, khiêm tốn, không nhận cúng dường tiền bạc và chỉ đi theo lối khất sĩ để tu tập đã làm cảm động dân chúng mộ đạo cả nước. Khởi đầu thì một ngày người chặn đường hỏi thăm, rồi đến gửi thức ăn cúng dường... cho đến ngày 15/5, người ta chứng kiến cả trăm người đi bộ theo sư Thích Minh Tuệ để bày tỏ lòng kính trọng, nhiều người dân chạy trước để quét đường, không để tổn thương chân trần của vị sư.

Vấn đề của sư Thích Minh Tuệ, là các tu thanh bạch, chân chính và khiêm tốn, không nhận tiền của của ông đã bất ngờ tạo thành một sự đối nghịch gay gắt với những lời rao giảng hù dọa Phật tử, hối thúc cúng dường và vạch rõ sự vô nghĩa, se sua của các quan chức Phật giáo nhà nước, hay tự xưng mình là đại đức, hòa thượng... không ngượng miệng. 

Trên các trang mạng hàng ngày, tràn ngập các video ca ngợi cách tu của ông Thích Minh Tuệ, cùng với các bản video của các tăng sĩ nhà nước, tạo nên nghịch cảnh dở khóc dở cười.

Tức giận và bẽ bàng, ông Thích Chân Quang, sư nhà nước đã đăng đàn gọi sư Tuệ là "thằng ba trợn". Nhưng ngay lập tức sự phản ứng đã dữ dội đến mức khiến ông Quang phải vội vã kéo video xuống, và cắt bỏ những phần chửi bới xúc phạm sư Tuệ, nhưng vẫn chậm hơn sự nhận biết của dân chúng.

Như để tiếp sức với Quang, ngày 16 Tháng Năm, Giáo hội Phật giáo Quốc doanh đã phát đi một văn thư, như một loại truy nã tôn giáo, ký tên Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội quốc doanh gửi khắp các cơ quan địa phương, kể cả Ban tôn giáo, và A02 của Bộ Công an, tức phân ban chuyên chống phản động của Hà Nội. 

Văn bản ghi số 151/HĐTS-VP1, hỏa tốc gửi đi từ Hà Nội, báo cáo rằng "Trong mấy ngày nay, ông Lê Anh Tú đang đi bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hướng về Khánh Hòa. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo Phật tử và Nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư, liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

Chính văn bản này khi bị tiết lộ, chính là cao trào của những những nhận rõ về cái gọi là Giáo hội Phật giáo do nhà nước dựng lên từ năm 1981. 

Cùng ngay trong chiều ngày 16 Tháng Năm, giới sử dụng mạng Việt Nam đã truy tìm tài sản che giấu của ông Thích Đức Thiện, qua số điện thoại và tên thật của ông, cho thấy, ít nhất ông Thiện đang có số tiền của riêng, từ 5 đến 7 tỷ đồng, từ những tài khoản bị tiết lộ.

Nhiều trang đã đưa lại tin tức này, trong đó có trang facebook của nhà báo Hoàng Mạnh Hà . Nội dung bài viết có hướng dẫn cách tìm "Lên Goolge gõ chữ ‘Thượng tọa Thích Đức Thiện’, dẫn vào các trang mạng Phật giáo, mình biết được tên thật của thầy là Nguyễn Tiến Thiện, số ĐT là 0912019747, địa chỉ 73 Quán Sứ, Hà Nội".

Cũng số điện thoại này, khi tìm đến trang Scribd. Người ta tìm thấy một file excel. Trong bảng excel, khách hàng Nguyễn Tiến Thiện với số điện thoại và địa chỉ như trên, đang có số dư 2 tỷ đồng từ năm 2020.

Khi tiếp tục tìm với google, lại tìm được bảng dữ liệu, kê 34.500 số điện thoại "Gửi tiết kiệm Hà Nội từ 5 tỷ". Trong bảng này, lại có số điện thoại 0912019747. Tức là số điện thoại của ông Thiện, đang là khách hàng thân thiết có số dư gửi tiết kiệm từ 5 tỷ.

Vài tiếng sau khi có phát hiện về những tài sản bí mật này của ông Thiện, được lan truyền trên mạng, đồng loạt các bài liên quan đều bị đánh sập vào từ 6g30 tối, ngày 17/5. Truy từ các dấu vết ngăn chặn các bài viết, cho thấy có liên quan đến an ninh mạng của Nhà nước Việt Nam.

Thế nhưng, nhiều người nói, ông Thiện đang có chức vụ cao cấp hơn ông Quang, nên tiền không thể ít hơn được, trong khi theo tìm kiếm của dân cư mạng, tài sản từ kêu gọi cúng dường của Quang, có thể lên đến khoảng 300 tỉ, theo tố cáo từ nhiều trang, có thể tìm thấy nội dung với từ khóa "kê biên tài sản Thích Chân Quang".

Hình ảnh của Thiện hay Quang, chỉ là đại diện nhỏ lẻ của một hệ thống tăng ni được nhà nước Việt Nam nuôi dưỡng, thao túng và lạm quyền trong âm mưu kiểm soát cả Việt Nam bằng tôn giáo - xã hội chủ nghĩa. Những con số tài sản rủng rỉnh đang được đồn thổi trên mạng có thể là không chính xác, nhưng hoàn toàn đối lập với Hình ảnh một người tu sĩ nhẫn nại và an nhiên trên con đường hành đạo của mình, mà không hề có bóng dáng tư lợi. 

Để ra vẻ là có sự công bằng và xoa dịu công chúng, sau khi phát đi công văn đòi công an phải có hành động với thầy Thích Minh Tuệ, ông Thiện cũng cho loan đi nội dung rằng Giáo hội nhà nước đã tổ chức buổi làm việc với ông Thích Chân Quang "để kiểm điểm, chấn chỉnh phát ngôn". Tin báo ngày việc kiểm điểm ngày 17/5 nhưng có tin chuyện đã cũ, và cũng đã xử êm nội bộ từ ngày 19/4.

Ông Thích Đức Thiện là ai mà ra mặt, có nhiều quyền lực như vậy ? Hiện Thiện là con át chủ bài mới của Ban Tôn giáo, đang được chuẩn bị cho nhiều nhiệm vụ đối ngoại. Năm 2023, Thích Đức Thiện đại diện cho Phật giáo, Nguyễn Thanh Lý đại diện cho Công giáo đã đi sang Hoa Kỳ để "minh oan" cho Hà Nội về vấn đề đàn áp tôn giáo, và kêu gọi Hoa Kỳ hãy bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách SWL (Special Watch List).

Sau sự lồng lộn tức giận của các quan chức tôn giáo cộng sản, sư Thích Minh Tuệ nói mình sẽ ẩn tu để tránh làm phiền mọi người. Trong toàn bộ câu chuyện của sư Thích Minh Tuệ, hình ảnh một người tu áo vá, an nhiên với hành trình đạo pháp của mình đã bất chiến tự nhiên thành với cả một hệ thống tay sai tôn giáo điên cuồng muốn hủy diệt hình ảnh thanh bạch truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Điều đáng ngạc nhiên, cho thấy giữa chằng chịt các luật lệ, những ngôn luận vuốt đuôi nhà nước với cái gọi là "thế lực thù địch", bẫy rập chực chờ... Tôn giáo chân chính vẫn điềm nhiên đi xuyên qua, không mất một chút lực nào.

Nam Việt

Nguồn : RFA, 18/05/2024

****************************

Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sư Minh Tuệ cho thấy "ai mới là bậc chân tu"

RFA, 17/05/2024

Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ ra hai công văn trong cùng ngày nói sư Thích Minh Tuệ "không phải tu sĩ Phật Giáo", khẳng định việc ông này bộ hành ở các tỉnh thành "gây dư luận trái chiều ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam". Tuy nhiên các văn bản này đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều.

congvan1

Sư Minh Tuệ cầm nồi cơm điện bộ hành hồi năm 2022 và lòng bàn chân của ông - Facebook Thịnh Nguyễn

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 16/5 có văn bản nói rằng, người đàn ông được mạng xã hội gọi là "sư Thích Minh Tuệ" không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong các video được những người dùng mạng xã hội quay lại, ông lúc nào cũng xưng "con" và khẳng định không theo giáo hội nào, chỉ đang học tu theo Đức Phật Thích Ca và lấy "giới, định, tuệ làm thầy".

Tuy vậy, văn bản ký bởi Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban Trị sự Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng "trong quá trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng vật phẩm, thức ăn, tạo ra nhiều hình ảnh clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

Sự việc sư Minh Tuệ mang theo nồi cơm điện thay vì bình bát, bộ hành từ Nam chí Bắc tu theo 13 hạnh đầu đà như : không nhận tiền cúng dường, ăn mỗi ngày một buổi, ngủ ngồi, y áo may bằng vải vụn, ngủ ở nghĩa trang đã thu hút dư luận trong và ngoài nước thời gian vừa qua, nhất là có nhiều người dân theo dõi hành trình của ông cả ngoài đời và trên mạng. 

Bình luận về thái độ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sư Minh Tuệ, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 17/5 :

"Nó (công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - PV) như một cái cú nghiến răng và tức giận không kiềm chế nổi của những người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi họ không có một cái quyền gì để có thể cấm cản ông Thích Minh Tuệ đi tu và cũng không có một cái quyền gì để xác định người này tu hay là không tu.

Cho nên ngay cả những ngôn ngữ hàm hồ đó cho thấy họ đang muốn độc quyền một cái tôn giáo và thậm chí là họ độc quyền luôn giá trị Đức Thích Ca ở Việt Nam".

Trong nhiều ngày qua, những thông tin liên quan đến chuyến bộ hành của sư Minh Tuệ tràn ngập Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam. Hàng trăm Phật tử, người hiếu kỳ theo sát bước chân của vị tu sĩ này cùng với những người quay phim để đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội.

Có một số video clip đưa hình ảnh nhiều người phụ nữ tình nguyện quét bụi, đá dăm bên vệ đường trước khi vị tu hành này đi qua.

Về cáo buộc "tạo nên hiệu ứng câu views và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni và Giáo hội Phật giáo Việt Nam" trên mạng xã hội, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng thầy Thích Minh Tuệ không thể chịu trách nhiệm cho tất cả những lời bình luận của những người khác về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Một nữ giảng viên đại học ở Hà Nội cho rằng bất cứ ai cũng có quyền tự do tu tập theo khả năng và nhận thức của mình. Bà nói rằng thầy Minh Tuệ không có làm gì to tát cả mà chỉ là buông bỏ tất cả mọi thứ, kể cả danh vọng lẫn vật chất. Đánh giá về văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bà nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh :

"Văn bản đấy nó đã được đưa ra trong cái tình trạng nóng vội và có thể là người đưa ra văn bản không suy xét hết được, không lường hết được phản ứng của xã hội. Tôi nghĩ đây cũng là một cái kết, nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì đây là quả báo, còn nếu nói bình thường ra thì mình cũng có thể nhìn thấy bản chất của giáo hội thông qua việc này đã được bộc lộ và người dân càng nhìn được rõ hơn đâu là bậc chân tu, đâu là lợi dụng Phật giáo để kiếm lợi".

Trong fanpage Phật giáo Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đăng tải bài viết về sư Thích Minh Tuệ cùng đường dẫn đến bài viết Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông tin về hiện tượng "Sư Thích Minh Tuệ" trên website của tổ chức này. Bài viết với nội dung như công văn trên trang Facebook có hơn 3.000 lượt tương tác, 3.000 bình luận và 262 lượt chia sẻ sau 20 giờ đăng.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến chỉ trích công văn này, điển hình là bình luận của Facebooker Hoàng Hùng :

"Theo Phật cũng phải có thẻ hay sao ? Phật Tổ ngày xưa từ bỏ ngai vàng, đi bộ, nhận khất thực, để hiểu nỗi khổ của người dân, rồi truyền đạo.

Ngày nay một số người tự nhận là theo Phật, mang họ Thích, nhưng đi xe đẹp, ở nhà gắn máy lạnh, nhận cúng dường và bái lạy của dân chúng.

Ai mới là con nhà Phật, ai là mạo danh con nhà Phật, thì chắc mọi người cũng đoán được".

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đồng tình với các công văn của giáo hội, danh khoản Facebook Nguyễn Tiến Mạnh viết : "Sự kiện của Lê Anh Tú (tên thật của sư Minh Tuệ-PV) đã bị các thế lực thù địch đẩy lên cao, gây hiểu lầm trong nhân dân, giảm uy tín của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều người lợi dụng để câu like câu view gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự".

Cũng trong ngày 16/5, Ban Tôn giáo Chính phủ ra văn bản về "Công tác quản lý nhà nước liên quan đến Phật giáo trên địa bàn" gửi các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, cơ quan này đề nghị Ban tôn giáo các địa phương tham mưu cho Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban Nhân dân để chỉ đạo các cơ quan chức năng khi ông Thích Minh Tuệ tới địa bàn không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh trật tự.

Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo chỉ đạo : "không để các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật".

Nói với Đài Á Châu Tự Do, một tu sĩ trẻ tên Minh Hải cho rằng công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ là văn bản nội bộ và chỉ có hiệu lực trong giáo hội, không ảnh hưởng gì đến sư Minh Tuệ. Tu sĩ này cho biết thêm :

"Vì mỗi người tu một đường riêng, Giáo hội Phật giáo họ tu theo Pháp môn riêng của họ còn ông Minh Tuệ tu tự do theo các môn riêng của ông ấy - theo pháp môn cổ truyền của Phật giáo cổ truyền. Hai đường lối này khác nhau hoàn toàn, không liên quan hay ảnh hưởng gì tới nhau cả".

Trên trang Facebook của mình, nhà báo kỳ cựu Chu Vĩnh Hải cho rằng "Phật giáo có tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn, trong đó hạnh đầu đà (tu khổ hạnh) chỉ là một. Hàng trăm ngàn người dân mới chỉ có một tu sĩ, mới chỉ có một đầu đà, vì vậy họ không làm ảnh hưởng đến đến cá nhân và cộng đồng nếu xét về kinh tế và phát triển".

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng mọi người nên giữ khoảng cách với sư Thích Minh Tuệ, "nên đứng lặng im bên đường để chiêm bái thầy ! Cá nhân đời thường trong thời hiện đại cần quyền riêng tư thì thầy cũng cần cô đơn như tuệ niệm của pháp môn mà thầy đã lựa chọn".

Nguồn : RFA, 17/05/2024

***************************

Tu sĩ Phật giáo có cần phải phụ thuộc tổ chức tự, viện ?

Ngọc Lan, VNTB, 17/05/2024

Pháp luật Việt Nam không có quy định ràng buộc khi là tu sĩ thì phải tu tập theo cộng đồng, phải tham gia vào tổ chức hội đoàn tôn giáo nào, hoặc phải trú ở chùa chiền, tự viện.

minhtue2

Các đả kích về chuyện tu hành của tu sĩ Thích Minh Tuệ, hay nhóm Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ/Tịnh xá Bồng Lai là cần thận trọng cho các cáo buộc về pháp luật.

Hầu hết, các tu sĩ Phật giáo đều ở chùa, viện, tịnh xá… Tuy nhiên, có một số trường hợp người tu vì nhiều nhân duyên khác nhau nên không muốn phiền thầy tổ và huynh đệ, lui về theo hình thức "tu sĩ ở nhà như người dân".

Theo quan điểm nguyên thủy của Phật giáo, chỉ có những người sống viễn ly mới có thể đạt được giác ngộ, nên những người tu hành còn gọi là người xuất gia (rời khỏi nhà), họ thường gia nhập những tăng đoàn. Người ta cho rằng tu sĩ hay nhà tu hành là người tu dưỡng tôn giáo khổ hạnh, sống một mình hoặc với một nhóm các nhà tu khác trong tự, viện. Tu sĩ đó có thể là người cống hiến cuộc đời mình để phụng sự chúng sinh, hoặc là một người tu hành khổ hạnh tránh xa trần thế để sống cuộc sống cầu nguyện và chiêm nghiệm cuộc đời.

Phật giáo được truyền vào Việt Nam, lúc ban đầu chỉ có một dòng duy nhất là Bắc truyền Phật giáo. Nhưng đến sau này, Phật giáo từ Campuchia vào, người Việt có thêm Phật giáo Nam tông Kinh, và Việt Nam có dân tộc Khmer, nên có thêm Phật giáo Nam tông Khmer. Cuối thế kỷ XX, lại có thêm Phật giáo Khất sĩ ra đời do ngài Minh Đăng Quang sáng lập. Vì vậy, Việt Nam có Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông Kinh, Phật giáo Nam tông Khmer và Phật giáo Khất sĩ.

Và Phật giáo không phải là một tôn giáo khu biệt theo dòng nào, trong quá trình xã hội phát triển, hoàn toàn có thể sinh ra các nhánh khác của Phật giáo. Theo nghĩa đó, có thể chia sẻ hoàn toàn cách thức tu hành của tu sĩ Thích Minh Tuệ, hay nhóm người ở Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ/Tịnh thất Bồng Lai. Bởi về biệt truyền sinh hoạt có thể những nét khác nhau, nhưng thống nhất một điểm, tất cả đều là con của Phật, đều sống trong giáo pháp Phật, không có gì khác.

Trong sách Kinh Tương ưng bộ II (tập IV) có viết : "Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, còn gọi là người xuất gia, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định".

Nói cách khác, tu sĩ và cả cư sĩ đều gọi tắt là tứ chúng, là người có khả năng nhân danh Đức Phật truyền giáo pháp cho mọi người. Mỗi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ trong cuộc sống tu thân và kết nối với nhau để hoằng truyền chánh pháp vì lợi ích của nhân loại, vào thời Đức Phật còn tại thế và hiện tại.

Thời Phật còn tại thế, nơi tu tập của cộng đồng tu sĩ, được gọi là tịnh xá, chung quanh tịnh xá, mỗi vị có một am thất riêng cho từng cá nhân được gọi là tịnh thất. Nơi thất của đức Phật được gọi là hương thất.

Khi Phật giáo truyền qua các nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Campuchia, Lào… nơi thờ tự và tu tập được gọi là chùa. Những đại già lam chuyên tu thiền gọi là thiền viện. Riêng hệ phái khất sĩ, vẫn giữ hình thức tu tập và hành trì khất thực, lối kiến trúc chỗ thờ Phật hình bát giác, các am thất chung quanh dùng để chư tăng an trú, ngôi tam bảo đó vẫn được gọi tên hồi thời Phật còn tại thế là tịnh xá.

Ngày nay dân đông, đất hẹp, không thể mỗi vị một am cốc riêng như thuở xưa, do vậy, tăng phòng, tăng xá cho tập thể tăng chúng cũng được kết cấu từng dãy bao quanh nơi thờ Phật.

Pháp luật Việt Nam không có quy định ràng buộc khi là tu sĩ thì phải tu tập theo cộng đồng, phải tham gia vào tổ chức hội đoàn tôn giáo nào, hoặc phải trú ở chùa chiền, tự viện.

Do vậy các đả kích về chuyện tu hành của tu sĩ Thích Minh Tuệ, hay nhóm Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ/ Tịnh xá Bồng Lai là cần thận trọng cho các cáo buộc về pháp luật.

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 17/05/2024

****************************

Vì sao Giáo hội Phật giáo Việt Nam cáo buộc sư Minh Tuệ "không phải là tu sĩ Phật giáo" ?

Gió Bấc, RFA, 17/05/2024

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, mấy chục năm qua Phật giáo Nhà Nước đã biến tướng theo mô thức chùa to phật lớn, pháp giới buông lung. Bầy đàn Thích Cúng Dường, Thích Chuyển Khoản, Thích xe sang… nặn ra những cơn mê cúng vong, giải hạn, cầu siêu, biến phật tử thành con nhang cuồng tín, kích hoạt lòng tham điên đảo hối lộ thần linh như một cuộc đầu tư.

minhtue3

Sư Minh Tuệ thực hành Hạnh Đầu Đà, đầu trần chân đất suốt 6 năm, 4 lần đi xuyên Việt tu rèn phẩm hạnh.

Sự kiện sư Minh Tuệ thực hành Hạnh Đầu Đà, đầu trần chân đất suốt 6 năm, 4 lần đi xuyên Việt tu rèn phẩm hạnh, gột bỏ bản ngã, tìm sự an lạc thân tâm như ánh đuốc giữa đêm đen, cơn mưa trong mùa hạn. Hàn trăm, hàng ngàn người kính ngưỡng, hoan hỉ tháp tùng cùng sư trên chặng đường dài hàng trăm cây số từ Cao Bằng về tận Hà Tỉnh, Quảng Bình… là hiện tượng hiếm có. Nếu biết vận dụng, trân quý giá trị màu nhiệm của Phật pháp thì đây là cơ hội hoằng dương chánh pháp. Phẩm hạnh và con đường thực hiện đại nguyện của nhà sư cần được trân trọng. Thế nhưng thật bất ngờ, ngày 16/5 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản nội dung lạnh lùng, ác ý như dội cả núi băng vào niềm hy vọng vừa lóe sáng của chư Phật tử và những người dân Việt có tín ngưỡng nói chung.

Trong quá trình giao tiếp với đại chúng đồng hành, sư Minh Tuệ đã chia sẻ ý chí buông xã của mình. Khởi đầu quá trình khổ hạnh ông đã bỏ điện thoại, khóa Fb, xé bỏ cả giấy tờ tùy thân và không còn nhắc đến thế danh. Đã từng thọ giới, xuất gia, xưng sư với mọi người, khi thực hiện Hạnh Đầu Đà ông buông bỏ những nghi thức vướng mắc ấy, xác định mình chỉ là học trò thực hành theo hạnh nguyện và lời dạy của Như Lai, xưng con với mọi người, đối xử kính trọng, bình đẳng xem tất cả đều là cha mẹ anh em. Khiêm tốn nhưng thẳng thắn ông không ngại khẳng định với báo chí mình "không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam" (1).

Ấy vậy mà Giáo hội Phật giáo lại cất công lôi ra tên tuổi, quá khứ của ông để khẳng định : "Qua tìm hiểu xác minh, Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải tu sĩ Phật giáo, không tu tập và hiện không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở thờ tự nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều này cũng đã được người đàn ông này khẳng định trong các clip trên mạng xã hội".

Văn bản đề nghị "Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo phật tử và nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư ; liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam" (2).

Không hiểu các chức sắc Giáo hội hiểu thể nào là Tu sĩ Phật Giáo mà kết luận thầy Minh Tuệ không phải là Tu sĩ ?

Ngay trên các trang web của Giáo hội, nhiều bài viết đã trích dẫn định nghĩa từ kinh điển sau đây "Trong sách Kinh Tương ưng bộ II, (tập IV) có viết : "Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, còn gọi là người xuất gia, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định" (3).

Phật giáo căn bản là hệ thống giáo lý giải thoát, chỉ đường cho đại chúng tự giác hành trì. Tu sĩ chỉ là khái niệm định danh. Nó khác hoàn toàn với 19 điều cấm đảng viên làm hay các phẩm hàm bí thư, chi ủy viên… theo hệ đảng.

Theo định nghĩa của kinh điển phật học đó, thầy, hay sư Minh Tuệ hoàn toàn xứng đáng là Tu sĩ. Phải chăng các đồng chí Giáo hội dựa vào cái gọi là Hiến chương của Giáo hội quốc doanh năm 1981 quy định phải đăng ký, được các đồng chí Giáo hội cho phép mới là Tu sĩ ?

Tương tự, căn cứ vào đâu các đồng chí lại kết luận một người nghiêm cẩn hành trì Hạnh Đầu Đà khắc khổ, kiên trì giữ giới luật, thân tâm buông xã, đã đi bộ hàng ngàn cây số và phát nguyện sẽ đi đến khi tịch diệt là không tu tập ?

Văn bản này ngay lập tức được guồng máy tuyên truyền của Đảng phát tán với tất cả sức mạnh. Chỉ sau 1 ngày search từ khóa "Minh Tuệ không phải là Tu sĩ" trên Google sẽ có đến trên 4 triệu lượt tìm kiếm. Ngược lại, văn bản đã gây phản ứng dữ dội trên cộng đồng mạng.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nguyên Thư Ký tòa soạn báo Thanh Niên đã viết trên fb "Giáo hội Phật Giáo không có quyền nói Ngài Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo mà chỉ được quyền nói rằng : không phải là tu sĩ của giáo hội.

Ngài Minh Tuệ chưa bao giờ nói mình là sư mà chỉ nói là đang học tập tu hành theo lời dạy của Phật Thích Ca.

Ngài không nhận ngài là sư, nhưng tui là người dân tui muốn xưng tụng ngài là sư đó là quyền của tui.

Cũng tương tự như vậy, những người dân mến mộ khác có quyền tôn Ngài lên là Thánh tăng, là Đức Bồ Tát, là bậc chân tu, là Hành Giả… đó là quyền của mỗi người (có chùa vẫn tôn ông Hồ Chí Minh và ông Đỗ Mười là Bồ tát đấy thôi).

Độc quyền lời dạy của Đức Phật, độc quyền kinh Phật là sự lố bịch. Tất cả mọi người đều có quyền học theo lời dạy của Phật, tu theo kinh Phật và đều có thể là tu sĩ nếu như họ muốn" (4).

Nhà giáo Thái Hạo bức xúc có hai bài viết về văn bản này, trong đó bài "Giáo hội và tinh thần Bi - Trí – Dũng của nhà Phật" có đoạn cảm thán : "Riêng cá nhân tôi cho rằng, nội dung của văn bản này thiếu hẳn tinh thần Bi - Trí - Dũng của Phật giáo.

Bi, tức từ bi, là lòng thương yêu con người, thương yêu chúng sinh với tâm rộng lớn. Khi thấy có một người dân bất kỳ phát tâm tu hành, nhất lại là tu khổ hạnh theo giáo lý của Phật (đầu trần chân đất, ba y một bát, ngày ăn một bữa, tối ngủ nghĩa địa...), thì đáng ra với tư cách là một cái hội của các tu sĩ Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên thể hiện tâm từ bi, thương yêu và che chở ; nhưng không, Giáo hội lại ra một văn bản mà điều đầu tiên là phủ nhận tư cách nhà tu hành của người dân ấy, tiếp theo là chỉ đạo "ngăn chặn" "ảnh hưởng" từ người này…" (5).

Luật sư Luân Lê có nhận xét sắc sảo về phong thái thể hiện, tính chất của văn bản này nặng tính hành chánh mà không có sắc thái tôn giáo. "Một văn bản được thảo lập bởi một Hội đồng cao nhất (xét trên tính chất và việc phân cấp tổ chức) về tôn giáo nhưng điều nổi bật lên trong bản văn đó hoàn toàn là một điển hình của lối biểu văn hành chính, và ngay cả nội dung của nó cũng không mang dấu tích gì của các yếu tố tôn giáo mà chủ yếu đề cập đến các vấn đề vốn nằm ngoài các phận sự của chính nó, không những thế chúng còn phản ánh một thứ tâm lý bất an và tự ti và thiếu tôn trọng về chính địa vị của tôn giáo (không cho thấy sự chánh ngữ, chánh tư duy thuần khiết). Từ thể thức văn bản, cấu trúc văn phạm và khách thể được điều hướng đều tô đậm một thứ phẩm chất (mệnh lệnh/uy thế) của một hành động hành chính trong việc đưa ra một tuyên cáo về sự quản lý hơn là thông cáo theo lề lối tôn giáo" (6).

Biết nói sao bây giờ ! Muốn biết cái Hội đồng Trị sự Giáo hội này thuộc đơn vị nào phải hỏi ngài Tô Đại Tướng, hàng năm họ đều nghiêm cẩn chúc tết bác Tô.

Không phải dư luận khách quan mà cả nhưng quan chức có hiểu biết của nhà nước cũng bức xúc. Tiến sĩ Hoàng Đình Chung (Trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và chính sách tôn giáo, Viện Nghiên cứu tôn giáo) có bình luận về văn bản của Giáo hội. Theo ông, Giáo hội chỉ nên lên tiếng khi người ta nhận nhầm ông ấy với một tu sĩ trong hệ thống mà Giáo hội quản lý.

Hoặc từ trường hợp này mà có người quay phim, chụp ảnh đưa ra thông điệp trái chiều mà ảnh hưởng đến dư luận xã hội mới cần lên tiếng.

"Miễn là người ta tin và tu hành theo Phật giáo thì người ta có quyền của người ta, không nhất thiết có chứng nhận của Giáo hội Phật giáo thì ông ấy mới là tu sĩ Phật giáo. Phật giáo không phải của riêng ai, không phải của riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam" – Tiến sĩ Chung bày tỏ.

Tiến sĩ Chung cũng cho rằng bản thân ông Minh Tuệ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình, chưa cần đến mức bên ngoài phải can thiệp sâu như thế. Thậm chí, ông ấy nhân thân thế nào, xuất phát thế nào đó là câu chuyện riêng tư và không được phép đem những việc đó để tấn công ông ấy với cuộc sống hiện tại.

"Theo tôi, văn bản của Giáo hội cần phải có nhìn nhận khách quan, giữ khoảng cách tốt hơn chút nữa. Những vấn đề liên quan đến dư luận, Giáo hội phải liên tục giữ gìn và chấn chỉnh hình ảnh của tăng sĩ trong Giáo hội của mình" - ông Chung nói (7).

Không thể trách các đồng chí Giáo hội nặng mệnh lệnh mà thiếu từ bi, giỏi ní nuận mà bất cần kinh điển. Trung thành tuyệt đối là quy tắc, là nguyên lý của đảng. Với Giáo hội Quốc doanh khẩu hiệu Đạo Pháp - Dân Tộc - Chủ nghĩa xã hội là để nói nhưng khi làm thì ngược lại. Chủ nghĩa xã hội phải là cái đầu tiên, quyết định, đạo pháp chỉ là thứ phông màn che mắt đại chúng. Tinh túy đạo pháp Phật giáo là đánh thức giá trị tốt đẹp của con người, trong đó cảnh giới cao nhất là tự do, thoát ra khỏi ràng buộc của danh lợi quyền, tham sân si.

Trong tầm nhìn của chư đồng chí quý thầy cấp Giáo hội, sự mê tín, tham cầu của phật tử, đại chúng, là nguồn thu vô tận. Phải cúng dường bằng tiền mệnh giá cao mới có nhiều phước. Phải cúng nhiều tiền để hưởng ở kiếp sau hoặc hóa độ cho người thân…

Nếu Phật tử giác ngộ theo chân lý của Phật theo gương hành của sư Minh Tuệ xem tiền tài vật chất là hư không thậm chí là nguồn gốc phiền não. Ai cũng sống thiểu dục hành thiền thì còn ai cúng dường ?

Với tầm nhìn của cấp cao hơn, người dân cần phải ngoan ngoãn ràng buộc trong vòng xoáy xin cho. Thần phục tuyệt đối trong sự lãnh đạo anh minh, tôn kính những cán bộ ưu tú, thanh liêm như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ.

Phát đại nguyện hành trì khổ hạnh thoát ra mọi ràng buộc như Minh Tuệ là mầm mống nuôi dưỡng tự do, đó là điều tối kỵ. Càng nguy hiểm hơn, thầy Minh Tuệ đã tạo tiếng vang lớn, thu phục tình cảm yêu quý, sự kính trọng và nhất là ít nhiều đánh thức tâm đạo của công chúng.

Vòng kim cô Minh Tuệ "không phải là Tu sĩ" không phải phải mới mẽ. Nó là khởi đầu cho trùng trung kiếp nạn sẽ đổ xuống cho vị sư này. Hoạn nạn của cụ Lê Tùng Vân cũng bắt đầu từ vòng kim cô này. Tu không đăng ký, giả tu rồi sau đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 331, loạn luân. Không thể lấy lòng ngay đo bụng kẻ gian. Không thể đoán được thầy Minh Tuệ sẽ phải hứng chịu những kiếp nạn gì nhưng chắc chắn rằng nó sẽ không nhẹ hơn cụ Tùng Vân.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 17/05/2024

 Tham khảo :

1. https://vnexpress.net/ong-thich-minh-tue-noi-chua-tung-nhan-la-tu-si-474...

2. https://vov.vn/xa-hoi/giao-hoi-phat-giao-khang-dinh-su-thich-minh-tue-kh...

3. https://vatphamphatgiao.com/cu-si-la-gi/

4. https://www.facebook.com/ho.lytien.1/posts/pfbid0fYLsGqH9FceTpMUThrHHrJi...

5. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02tPvJDDxMoS6RdMv...

6. https://www.facebook.com/HienTheVoCung/posts/pfbid0B8FgocDM4qLBm3PvXLRx4...

7. https://plo.vn/hien-tuong-su-thay-thich-minh-tue-nhieu-nguoi-dang-nghien...

**************************

Hiện tượng Thích Minh Tuệ nhìn từ góc độ xã hội học

Viết từ Sài Gòn, RFA, 16/05/2024

Hơn tuần này, dường như hình ảnh tu sĩ Thích Minh Tuệ (người được cho rằng đang tu theo Hạnh Đầu Đà trong Phật Giáo nguyên thủy) chiếm hầu như mọi trang mạng xã hội. Và làn sóng hưởng ứng, tôn sùng cách tu của Thích Minh Tuệ nhanh chóng trở thành những đám đông, đặc biệt đám đông ở Nghệ An lên đến hơn năm ngàn người. Điều này vô hình trung gợi nhớ đến các đám đông theo Thích Trúc Thái Minh, Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ... Và các đám đông này cho thấy điều gì ?

congvan0

Hình ảnh tu sĩ Thích Minh Tuệ (người được cho rằng đang tu theo Hạnh Đầu Đà trong Phật Giáo nguyên thủy) chiếm hầu như mọi trang mạng xã hội.

Trước nhất, hãy nhắc về các đám đông hàng ngàn người theo Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang... Họ là ai ?

Xin thưa, họ là những Phật Tử và họ đã bị các trang mạng xã hội ném đá, phàn nàn, thậm chí nói nặng lời vì họ "mê tín, ngu muội, vô minh..".. Kỳ thực, có đến nỗi phải nói họ như vậy không ?

Cũng giống như đám đông đi theo sư Thích Minh Tuệ hiện tại, có người quỳ khóc nức nở, có người xuống tóc đòi theo thầy Minh Tuệ... đủ các sắc thái nhuốm màu thần tượng. Như vậy, có nên kết luận họ vô minh hay không ?

Tôi nghĩ là không, bởi quần chúng, nhân dân mãi là những đám đông, điều này luôn tồn tại và nó chỉ chấm dứt khi nhân dân không cần bất kì trật tự chính trị, trật tự hành chính nào. Bất kì quốc gia nào, hễ có quần chúng ắt có đám đông. Mà đám đông ấy chắc chắn có cả những trí thức, họ có lý lẽ của họ, rất khó lạm bàn, bởi ngoài cái Lý còn có cả cái Lẽ.

Cái Lý ở đây là sự hiểu biết về kinh Phật, kiến thức Phật Học và các triết lý của Đức Phật được ứng dụng phù hợp với đời sống. Nhưng cái Lẽ ở đây chính là cơ địa và thân phận con người, thân phận xã hội của từng người riêng lẻ cùng với hệ hình ứng xử của họ.

Cái Lý, có vẻ như là cái Lý chung, không cần bàn thêm, bởi kinh sách, mọi triết lý của Đức Phật đều xoay quay trục Nhân - Quả và muốn cho các đệ tử của Ngài thấy lý Nhân - Quả để hành động. Trong việc hành động theo lý Nhân - Quả sẽ có rất nhiều mô phạm đạo đức tương ứng và tốt đẹp... có lẽ không cần bàn thêm.

Nhưng cái Lẽ, nhất là cái Lẽ của người Việt, một dân tộc mang thân phận nhược tiểu, dễ khóc, dễ than vãn, dễ nỗi nóng, dễ điên loạn và bốc đồng, dễ bạo động... Tính cách chung của một dân tộc trải qua quá nhiều chiến tranh, đói khổ và mất mát.

Và những đám đông cuồng tín, cuồng thần tượng, cuồng nộ... là biểu hiện của một dân tộc giàu tiền bạc trong sinh quyển thực dụng, trong cơ chế chính trị và tôn giáo không có tự do, kìm kẹp, thiếu dưỡng chất tiến bộ.

Không riêng gì tu sĩ Thích Minh Tuệ mới tạo ra được hiệu ứng đám đông hàng ngàn người, mà trước đây (thiết nghĩ sau này vẫn sẽ vậy) những đám đông hàng ngàn, hàng vạn người chạy ra đường, thậm chí múa may quay cuồng và khỏa thân, hò hét sau một trận cầu, gây ra ách tắc giao thông, tai nạn xe cộ và xả rác khắp mọi nơi. Rồi những đám đông đi đón giao thừa, những đám đông kéo ra biển nhân ngày lễ, những đám đông kéo lên Yên Tử, Ba Vàng, điện Cậu ở Tây Hồ... nhiều vô kể. Không có nơi nào có thể nhanh tập hợp các đám đông như Việt Nam.

Do đâu ? Đây lại là một phạm trù về tâm lý học và phân tâm học, một dân tộc bị tổn thương và mặc cảm trong tâm lý lúc nào cũng được quyền Ca Ngợi và Tự Hào nhưng không được phép Ta Thán và Phản Biện, kẻ nào biết tự hào, biết ca ngợi thì tồn tại, phát triển và gặp suông sẻ, kẻ nào Ta Thán, Phản Biện thì gặp những điều không may, xui rủi, thậm chí tai vạ.

Bằng chứng của việc này là tất cả những cá nhân và tập thể phản biện trong xã hội đều gặp những điều bất lợi, bất trắc và nguy hiểm. Ngược lại, tất cả những kẻ a dua, biết nịnh, biết ngợi ca và tự hào đều trở nên đỏ da thắm thịt, vinh thân phì gia.

Với một xã hội tổn thương nặng nề như vậy, người thấp cổ bé miệng hoặc là bị vùi dập, hoặc là cắn răng cắn cỏ mà nỗ lực vượt thoát bằng cách lạn lách, nịnh bợ, bất chấp, thủ đoạn (nếu có được !)... thì chắc chắn một điều, trong sâu thẳm nội tâm của cả kẻ thắng và người thua đều mang nặng vết thương.

Vết thương này mưng đau và biến thành tiếng gào chung trong một sắc thái khác, đã được bao bọc dưới lớp vỏ tự hào hoặc trào lộng mỗi khi có cơ hội. Những đám đông như một chỉ dấu cho các mặc cảm và tổn thương xã hội. Hay nói khác đi, con người luôn cố tìm kiếm một điều gì đó đủ để khóc, cười, gáo thét, quên mình, xả bỏ bản thân trong chốc lát và chấp nhận đánh đổi vì nó. Trạng thái chấp nhận đánh đổi có thể đến từ ý thức hoặc vô thức.

Xã hội luôn trong trạng thái tâm lý căng thẳng, tổn thương và mặc cảm. Đương nhiên, bóng mát tôn giáo sẽ là chỗ để xoa dịu hữu hiệu cho xã hội. Nhưng, các tôn giáo "chính thống" tại Việt Nam lại là cánh tay nối dài của đảng Cộng sản. Họ là một thứ cơ quan ngôn luận khác nhằm tuyên truyền với nhân dân về tính ưu việt của đảng cầm quyền. Chính vì chức năng đặc trưng của tôn giáo tại Việt Nam mà hầu hết, các cơ sở tôn giáo chính thống đều thực hiện hai nhiệm vụ gồm nhiệm vụ tuyên truyền và nhiệm vụ thâu tóm tài chính. Tuyên truyền là nhiệm vụ bắt buộc, những ngôi sao tuyên truyền trong tôn giáo như Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ... cho đến thời điểm này đã hoàn toàn rõ chân tướng và họ không ngần ngại phơi bày con người thật của họ bởi họ đã thực hiện xong trách vụ và sứ mệnh của các nhà tu chính thống dưới lá cờ Đảng.

Điều này vô hình trung đẩy tổn thương của con người lên cao một bậc, tức từ chỗ tổn thương, mặc cảm và cam chịu, họ chuyển sang mê tín, dị đoan, không còn biết phân biệt đúng sai, phải trái bởi "bậc khai thị" đã nói với họ như vậy... như vậy... !

Tuy nhiên, sâu thẳm bên trong họ vẫn còn một thứ ánh sáng của từ tâm và giác linh, tánh giác, nó bị lấn át chứ không mất đi hẳn, nó sẽ trỗi dậy khi cần thiết, dưới hình thái cộng hưởng của đám đông. Nó có thể bị đánh trao bởi đám đông fan cuồng, đám đông lễ hội, tranh đoạt, chụp giật lộc lá, hoặc đám đông cuồng thần tượng...

Những đám động kéo theo thầy Thích Minh Tuệ trong hai tuần vừa qua là những đám đông Phản-Tỉnh-Tổn-Thương. Họ là những người luôn thao thức, tìm kiếm hình ảnh vị chân tu, với niềm tin tôn giáo nguyên sơ, họ cũng có thể là những đám đông cầu lộc và tin rằng bậc chân tu sẽ gieo duyên thực sự, không phải thứ duyên ba xàm của các sư đội lốt, họ cũng có thể là người không có tôn giáo, thậm chí cán bộ nhà nước, vì yêu mến hình ảnh đẹp... Tất cả họ đều khủng hoảng về hình ảnh Chân - Thiện - Mỹ và bất kì hình ảnh nào mang dấu hiệu của chân thiện mỹ sẽ nhanh chóng cuốn hút họ.

Thiên hình vạn trạng kiểu đám đông, nhưng, đám đông luôn bị dẫn dắt bởi truyền thông, sư Thích Minh Tuệ đã thực hành tu theo Hạnh Đầu Đà hơn sáu năm, đi khắp đất nước đã nhiều vòng, và cũng chẳng mấy người để ý tới sư, không phải do họ không thấy mà cái sự thấy của họ không được "khai thị" bởi truyền thông.

Ngay lúc này, tình hình chính trị rối ren, xã hội bất ổn về kinh tế, truyền thông, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà phổ biến rộng rãi hình ảnh một nhà tu không có gì cả nhưng được xem như giàu vô biên, ăn một ngày một bữa "cư trần lạc đạo" và luôn mang đến cho người khác cảm giác "thấy đủ là đủ"...

Đương nhiên tôi không dám khẳng định bất kì điều gì về vị tu sĩ đáng kính Thích Minh Tuệ, nhưng tôi cũng không thể nói rằng những đám đông vây quanh thầy Thích Minh Tuệ không phải là sản phẩm nhào nặn từ một bàn tay có chủ ý thông qua truyền thông, trong lúc này... !

Nhưng dù sao, con người vẫn còn cầu Chân - Thiện - Mỹ là vẫn còn hi vọng, không đến nỗi quá tối tăm !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 16/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nam Việt, Ngọc Lan, Gió Bấc, Viết từ Sài Gòn
Read 788 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)