Tổng Trọng đã thành công trong việc vô hiệu hóa Tô Đại như thế nào ?
Thụy My, Thoibao.de, 21/05/2024
Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ bầu chọn các nhân sự "chủ chốt". Đây được cho là việc khắc phục hậu quả, sau vụ nổi loạn của Tô Lâm và Ban lãnh đạo Bộ Công an, trong việc lạm dụng quyền lực chống tham nhũng, để loại bỏ một lượng không nhỏ cán bộ cấp cao.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, ra khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an và Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, đầy quyền lực.
Đó là lý do vì sao, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu cao nhất của Hội nghị Trung ương 9 là phải đẩy Tô Lâm ra khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Công an đầy quyền lực, bằng mọi giá.
Ngày 18/5, khi Hội nghị Trung ương 9 bế mạc, truyền thông nhà nước ngay lập tức đưa tin :
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao, về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2024".
Phát biểu của ông Trọng đã chứng minh điều vừa kể.
Theo giới phân tích, ông Tô Lâm đã loại bỏ hàng loạt đối thủ, là những ứng viên tiềm năng kế nhiệm chức Tổng bí thư, khi ông Trọng rút lui. Việc này khiến các ông bà : Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, nằm trong mục tiêu loại bỏ của Tô Lâm, trong nỗ lực chiếm lấy chiếc ghế Tổng bí thư một cách sớm nhất.
Không loại trừ khả năng, ông Tô Lâm sẽ loại bỏ cả Tổng Trọng, vẫn theo kịch bản : "bắt trợ lý, buộc cấp trên phải từ chức", mà Vương Đình Huệ đã mắc phải. Đây là biện pháp nhanh nhất buộc ông Trọng phải rút lui, không thể thoái thác được. Lúc đó, Bộ trưởng Tô Lâm sẽ chớp cơ hội, để chiếm lấy ghế Tổng bí thư siêu quyền lực, và trở thành ông trùm của Đảng cộng sản Việt Nam.
Dẫu rằng, ông Tô Lâm – một chính khách Việt Nam được đánh giá là có quyền lực vô đối, với lợi thế có một kho "tàng thư", đầy đủ các tội trạng, những chuyện nhúng chàm, của tất cả các quan chức lãnh đạo, từ cấp cao đến cấp trung. Đây vừa là thế mạnh, nhưng cũng trở thành một điểm yếu của Tô Lâm.
Yếu điểm trầm trọng của Bộ trưởng Tô Lâm là ỷ thế, nên đã quá lạm quyền, luôn tìm mọi cách để bành trướng thế lực của Bộ Công an một cách quá mức.
Do đó, đa số các lãnh đạo cấp cao, ngoài mặt thì tỏ ra kiêng dè, nhưng bên trong, họ vẫn tìm cách tập hợp nhau lại, để chống lại Bộ trưởng Công an. Mục tiêu cao nhất của họ là cùng nhau đánh bật Tô Lâm ra khỏi chiếc ghế Bộ trưởng đầy quyền lực.
Điều đó đã khiến cho Tô Lâm không nhận được sự ủng hộ của số đông thành viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cũng như số đông đại biểu quốc hội. Trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo nhà nước, ông Tô Lâm đã đội sổ trong danh sách 6 ủy viên Bộ Chính trị được Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Cho nên, thế mạnh của Tô Lâm được đánh giá là nằm ở thực quyền, chứ không phải do phe cánh mang lại. Cho nên, việc Tô Lâm phải thất bại trong cuộc đấu với Tổng bí thư, là lẽ tất yếu.
Điều đáng nói là, Tổng Trọng và các đồng chí thân cận của ông, đã hoàn toàn bất ngờ trước các động thái của Tô Lâm, được cho là "vuốt mặt không nể mũi" bất kỳ ai, kể cả Ban lãnh đạo Bắc Kinh. Vì thế mới có những tình huống nước sôi lửa bỏng, tới mức, "lò lửa" trong cuộc tấn công của Tô Lâm đã suýt "xém râu bác Trọng".
Rất may mắn, trận tiến công cuối cùng của Bộ Công an vào hang ổ của Tổng bí thư đã bị chặn đứng. Vì một Nghị quyết tập thể của Bộ Chính trị, đã ép Tô Lâm phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước, đồng thời chặn đứng sự thao túng quyền lực của ông tại Bộ Công an. Nghĩa là, phải nhốt Tô Lâm vào trong chiếc "lồng quyền lực".
Với kinh nghiệm lão luyện của một ông già tuổi đã ngoại 80, ông Trọng đã được ví là một con "cáo già đã thành tinh", nhanh chóng hóa giải và vô hiệu hóa thành công của Tô Lâm. Kết quả, ông Tô Lâm buộc phải rời ghế Bộ trưởng Công an, để sang ngồi ghế Chủ tịch nước đầy rủi ro, và có "dớp" rất xấu.
Việc đẩy Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vào ghế Chủ tịch nước – một chiếc ghế với chức năng mang tính lễ nghi, đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong công tác đối ngoại, là việc làm có chủ đích. Bởi trong những năm gần đây, Tổng Trọng hầu như chủ động trong việc đón tiếp, đàm phán, và thảo luận với các chính khách quốc tế, trên cương vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đây sẽ là một trở ngại, và có thể nói, Tổng Trọng sẽ giám sát mọi hoạt động của Chủ tịch nước Tô Lâm, tiến tới sẽ vô hiệu hóa triệt để ông "trùm an ninh và mật vụ" khét tiếng một thời.
Trà My
************************
Tô đang nổi, Tổng đang chìm
Hoàng Phúc, Thoibao.de, 21/05/2024
Độc đảng cai trị quốc gia, tự ra luật pháp để trị dân, tự ra Đảng luật để trị lẫn nhau trong Đảng. Vì không có các nhánh quyền lực độc lập, kiểm soát chéo lẫn nhau, để nhà nước vận hành đúng hướng pháp quyền, nên luật pháp bị chà đạp trắng trợn. Mà một khi luật pháp đã bị chà đạp, thì Đảng luật cũng chẳng thoát, kẻ mạnh sẽ ngang nhiên áp đặt luật lệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng lãnh đạo Bộ Công an tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (15/4/1974 - 15/4/2024) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Điều đáng nói là, ở chế độ này, có kẻ nắm quyền lực có thể vẽ ra luật mới, để lách luật cũ. Ví như ông Trọng, vẽ ra quy định về "suất đặc biệt", để vô hiệu hóa luật của Đảng, mà chỉ vô hiệu hóa cho một mình ông cùng với số ít người trong nhóm "Tứ trụ". Người dân gọi một cách mỉa mai là, "mọi người điều bình đẳng trước pháp luật, trừ tao".
Khi ông Trọng là người mạnh nhất, thì ông bắt kẻ yếu theo luật, trừ ông. Tương tự, khi Tô Lâm ngoi lên, dùng bộ máy công an khổng lồ làm vũ khí, và dần dần trở thành kẻ mạnh, thách thức cả thế lực của Tổng Trọng.
Trước đây, ông Trọng đặt ra luật mới, để lách qua luật cũ, thì nay, Tô Lâm không cần, Tô Lâm bỏ qua quy trình, cho hốt củi một cách bất ngờ, để khai thác thông tin. Vì cùng là quan chức, nên Tô Lâm biết rằng, chỉ cần ông cho bắt bất kỳ ai, rồi khai thác thông tin, thì cũng đều lòi ra vết đen. Từ đó, Tô Lâm triệt phá hàng loạt nhóm lợi ích, mà không cần phải thông qua quy trình theo quy định của ông Tổng.
Trước đây, khi ông Trọng còn mạnh, ông vừa có trong tay Ban Bí thư, vừa có Bộ Công an. Nhưng giờ đây, ông Tổng đã mất quyền kiểm soát Bộ Công an, đồng thời, Ban Bí thư cũng bị Tô Lâm tấn công, gây tổn thương nghiêm trọng. Từ thế muốn đánh ai là đánh, giờ ông Tổng phải rơi vào thế phòng thủ trước Tô Lâm.
Sức mạnh chính trị của Tổng Trọng đang suy yếu tỷ lệ thuận theo mức độ sức khỏe của chính ông. Ở tuổi 80, với sức khỏe suy yếu, sức mạnh chính trị suy giảm, thì thời của Nguyễn Phú Trọng đang đi đến điểm kết thúc. Trong khi đó, với vị trí Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm là ngôi sao chính trị đang lên. Với vũ khí vẫn còn giữ chắc trong tay, Tô Lâm có thể đánh cho gục bất cứ ai, nếu còn trái ý.
Sáng 20/5, Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 7, nhưng ông Trọng không xuất hiện. Đây là dấu hiệu cho thấy, sức khỏe của ông không được tốt. Ông đã phải rất cố gắng để có mặt tại Hội nghị Trung ương 9, và giờ đây, liệu ông còn đủ sức để chèo chống đến bao lâu ?
Với tình trạng sức khỏe như thế này, việc Tổng Trọng có thể lết đến hết nhiệm kỳ, có thể còn khó khăn, chứ nói gì đến nhiệm kỳ thứ 4 ?
Giả sử ông Trọng đủ sức gắng gượng để ngồi đến nhiệm kỳ thứ 4, thì ông có thể gượng được bao nhiêu ngày ? Và trong cảnh ngày tàn không còn xa, Tô Lâm thì chực chờ sẵn để cướp lấy vị trí của ông, đồng thời loại bỏ bất kỳ ai có thể đến gần. Hiện nay, với Bộ Công an trong tay, Tô Lâm hoàn toàn có khả năng để làm như vậy.
Có thể nói, bàn cờ chính trị Việt Nam giờ đây "rối như nồi canh hẹ", Tô Lâm vừa làm sếp, vừa làm lính đối với Thủ tướng. Dư luận hết lấy tiền lệ, rồi đến lấy Hiến pháp để so sánh, thì quả thật, trường hợp của Tô Lâm không tuân theo một trật tự nào. Đây chẳng phải là dấu hiệu của thời kỳ hỗn loạn ở thượng tầng chính trị sao ?
Tuy Đảng cộng sản vẫn luôn hành động không theo luật lệ, nhưng trong thời kỳ ông Trọng cầm quyền, vẫn có những quy trình nhất định. Còn khi Tô Lâm nổi lên, thì chẳng còn luật lệ nào, quy trình nào được tôn trọng, dù đó là Đảng luật.
Giờ đây, Tô Lâm cứ một mông 2 ghế không tuân thủ Hiến pháp, thì đã sao, ai làm gì được ông ta ?
Rồi cuộc đời của ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ tàn, trong một tương lai không xa. Và nếu không ai triệt hạ được Tô Lâm, thì ông này sẽ trở thành "trùm Đảng" trong thời gian tới. Lúc ấy, sẽ bắt đầu một thời kỳ đen tối – thời kỳ khủng bố đối với toàn dân, cũng như toàn Đảng.
Tô Lâm bị căm ghét ngay cả trong Đảng, và đấy là mầm loạn lớn, chỉ đợi ngày bùng nổ.
Hoàng Phúc