Trung ương 9 và kỳ họp thứ 7 Quốc hội : ‘Con quay búng sẵn trên trời…’
Trần Hiếu Chân, RFA, 19/05/2024
Trung ương Đảng họp lần thứ 9 đã giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị. Từ đầu Đại hội 13 đến nay, Trung ương đã có 7/16 cuộc họp bất thường. Các thông báo ‘nửa kín nửa hở’ cho thấy Trung ương 9 đã trải qua một cuộc giao tranh khốc liệt…
Quang cảnh phiên Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV - VTV24 ng ày 20/05/2024
Sáng 19/5/2024 đã có họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, kỳ họp này sẽ bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội. Đến sáng ngày 22/5 sẽ hoàn thành công đoạn này (1). Trước đó, 10 giờ sáng ngày 18/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với các thành viên lãnh đạo chủ chốt. Tham dự có ông Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ; ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương. Sau phiên bế mạc Trung ương 9, các lãnh đạo chủ chốt đã họp để nghe đánh giá tình hình công việc của đất nước trong thời gian vừa qua và tập trung cho ý kiến chỉ đạo để triển khai công việc trong thời gian tới theo kết luận Trung ương 9 vừa đề ra (2). Dù họp diện hẹp hay mở rộng, họp bất thường hay bình thường, thì Đảng cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị mọi kịch bản. Giống như "con quay búng sẵn trên trời…", mọi số phận của các yếu nhân liên quan đều đã được định đoạt sẵn, như con quay được búng lên và không thể tự mình quyết định kết cục của định mệnh.
Được biết, Ban Chấp hành trung ương Đảng nhóm họp trong ba ngày 16 – 18/5 để giới thiệu Đại tướng Tô Lâm vào ghế Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn vào ghế Chủ tịch quốc hội (3). Trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam từng có khái niệm "các đồng chí lãnh đạo chủ chốt" để nhấn mạnh tầm quan trọng của các Ủy viên Bộ Chính trị trong việc lãnh đạo và điều hành các hoạt động của Đảng/Nhà nước, đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong công tác quản trị quốc gia. Nhưng khái niệm dùng kỳ này có ý nghĩa đặc biệt. Nó để lộ ra hai điều rất cơ bản. Thứ nhất, Trung ương 9 vừa qua rất kịch tính và có nhiều điều chưa thống nhất với nhau, nay cần bàn thêm trong diện hẹp. Phải trám 6 ghế trống trong Bộ Chính trị, nhưng chỉ bầu được 4, vì các bên không muốn tăng người của Công an vào Bộ Chính trị. Thứ hai, không có "người tâm phúc" của mình "giữ gôn" ở Bộ Công an, Tô Lâm "ra đi" không yên tâm, vẫn muốn đòi thêm người của mình vào Bộ Chính trị. Để ngăn vỡ trận, Bộ Chính trị phải bàn hẹp để "khóa" Tô Lâm, và có thể công bố một kiểu "Thường vụ Bộ Chính trị" giống bên Tàu, cho dù Việt Nam đã có Ban bí thư (4).
Những ngày này nên nhắc lại tác phẩm của Phạm Thành, một ấn phẩm đầu tiên dám lên án nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (5). Bởi vì giờ đây, từ các đảng viên lẫn quần chúng ngoài đảng, đa số ngày càng nhận thức ra, chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới là đầu mối của mọi vấn đề. Vì ‘tham vọng quyền lực’ muốn ngồi lại nhiệm kỳ thứ 4 sau Đại hội Đảng 14 ở cái tuổi bát tuần, ông Trọng không chỉ ngồi xổm lên Hiến pháp, Điều lệ Đảng (6), mà còn gây ra tình trạng ‘trên dưới’ không ‘đồng lòng’, ‘dọc ngang’ không ‘thông suốt’ như bản thân ông từng cảnh báo. Các nhà phân tích tình hình nội chính ở Việt Nam ví ông Trọng như một thầy phù thủy, với nhiều chiêu trò dùng người đầy ma thuật. Cách ví von này hoàn toàn phù hợp với kết quả có thể cho là quan trọng nhất của kỳ họp Trung ương 9 lần này bằng việc Đảng đã giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị.
Trường hợp Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn được giới thiệu vào chiếc ghế Chủ tịch quốc hội không có gì đặc biệt, vì bản tính vô can, hiền lành của một chính khách miền Nam, lại hoạt động tại một cơ quan lập pháp trên danh nghĩa nhưng không có thực quyền. Ngược lại, trường hợp của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thì quả là một trường hợp điển hình về thuật dùng người của Nguyễn Phú Trọng. Trước Trung ương 9 dư luận trong nước đã râm ran về chủ trương này, mà thực chất đấy là kế "đuổi hổ ra khỏi rừng" của Tổng bí thư. Ai cũng biết trong hơn hai năm qua, Tô Lâm với "thượng phương bảo kiếm" trong tay, đã đốn ngã các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ và một lô xích xông các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các quan chức đầu tỉnh, đầu ngành trong cả nước.
Cho nên Tô Lâm đã trở thành một nỗi kinh hoàng đối với hầu hết tất cả các đồng chí Trung ương. Trong một thể chế lấy "quyền và tiền" chứ không phải lý tưởng làm động lực tiến thân, thì để ngồi vào cái ghế "Trung ương ủy viên", không có đồng chí nào là "không nhúng chàm". Tô đại tướng trên thực tế đã trở thành thủ lĩnh của các nhóm "kiêu binh" đánh Đông dẹp Bắc, có khi theo lệnh của Tổng bí thư, mà cũng có lúc "tiền trảm hậu tấu". Vì thế từ năm ngoái, nhiều thế lực trong Đảng đã hè nhau, muốn đẩy "con hổ Tô Lâm" về đồng bằng. Nhưng khi Đảng gợi ý chiếc ghế Chủ tịch nước vào tháng 3/2023, Tô Đại tướng đã nhường chiếc ghế ấy cho Võ Văn Thưởng, người được cho là "học trò cưng" của Tổng bí thư. Vị trí mà Tô Lâm hướng tới là chiếc ghế Tổng bí thư tương lai. Nhưng rồi "người tính không bằng Trời tính". Sau cú ngã ngựa của Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, Tô Lâm trở nên quá nguy hiểm đối với hầu hết các phe phái. Đồng đội muốn ông phải sớm "giã từ vũ khí".
Giờ đây, Đại tướng Tô Lâm rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Để có thể ngồi lại sau Đại hội 14, ông không thể giữ mãi chiếc ghế "Bộ trưởng Công an", vì ông đã giữ nó hai nhiệm kỳ. Chỉ có cách phải lọt vào "Bộ Tứ", ông mới có cơ hội hưởng suất "đặc biệt", nếu không, bước sang năm 2026, ông thuộc diện quá tuổi. Chờ để "tập kích" vào ghế Tổng bí thư thì thời cơ dường như ngày càng xa vời trước quyết tâm của Tổng Trọng trụ lại sau Đại hội. Bám vào ghế Công an, ông sẽ bị loại do tuổi tác. Đành chấp nhận vị trí "Nguyên thủ" trên danh nghĩa. Nhưng ngự trên ghế Chủ tịch nước mà để ghế Công an cho người không thuộc diện "tâm phúc" ngồi vào thì quá nguy hiểm cho bản thân, cho gia tộc và phe cánh Hưng Yên. Đại tướng Tô Lâm chưa ngồi vào ghế Chủ tịch mà hàng loạt tin rúng động về đại gia Tô Dũng – "bào đệ" của ông vẫn đang khuấy đảo thương trường bao lâu nay – đã ‘rợp trời’ trên mạng xã hội như bươm bướm vào hè, suốt cả mấy tuần nay (7).
Quốc hội chưa bỏ phiếu bầu ông lên "ngai vàng" mà một "bàn tay vô hình" nào đó đang muốn gom các sự kiện thành một "tệp tin". Nhưng "Mật lệnh 419a" trong vụ 3.000 công an tập kích thôn Hoành, Đồng Tâm (Hà Nội) lúc 3 giờ sáng ngày 9/1/2020, tấn công thường dân để hạ sát, rồi phanh thây lão nông Lê Đình Kình, 84 tuổi đời, 56 tuổi đảng và đưa 25 nông dân ra tòa, thì đâu phải là tội của một mình Tô Đại tướng (8) ? Rồi việc ký 3 công văn "Mật" lúc tân Chủ tịch nước mới ở cương vị Thứ trưởng Bộ Công an để bịt miệng báo chí vụ nâng khống giá trị của hợp đồng chuyển nhượng, chênh lệch 7 ngàn tỷ VND để chia nhau… (9) thì cũng đã chìm xuồng. Tuy chưa lâu bằng vụ "Hậu pháo" chục năm có lẻ, nhưng nay lôi ra ánh sáng là với ý đồ gì ? Các bộ trưởng ăn chia trong vụ này cũng đã "đầu quân vào đội Juventus". Kể cả vụ "người nách thước kẻ tay đao" sang tận Đức quốc, bắt nghi can Trịnh Xuân Thanh, phá nát quan hệ đối tác chiến lược với Bonn… (10)
Không loại trừ trường hợp "chủ lò" Nguyễn Phú Trọng tính đến chuyện "bẻ cung, giết chó" sau khi ông muốn "tạm dừng việc săn thỏ". Tô Lâm lên Chủ tịch nước không phải nhờ uy tín hay một phần thưởng nào đó, mà chủ yếu do "các đồng chí" trong cả Trung ương lẫn Quốc hội đều quan ngại một người sở hữu khối "big data" về các thành tích bất hảo của "các đồng chí chưa bị lộ". Nay Tô Lâm chấp nhận cái ghế Chủ tịch nước mà trước đây một năm ông đã khước từ, thì đấy là cái thế đang đi xuống của Tô đại tướng. Nói cách khác, tất cả "các đồng chí chưa bị lộ" tán thành kế "điệu hổ ly sơn". Nhưng Tô đại tướng không phải là ‘robot’. Ông cũng có những tính toán riêng của mình, nhưng đành phải từ bỏ kế hoạch vận động cho Thượng tướng Lương Tam Quang ngồi vào ghế Bộ trưởng Công an. Chưa rõ, bức ảnh hiếm hoi ghi lại buổi làm việc giữa Tổng bí thư với "các đồng chí lãnh đạo chủ chốt" lúc 10 giờ sáng hôm 18/5 có chuyển tải thêm ý nghĩa gì hay không, khi mà Tô đại tướng ngồi đối diện với Tổng bí thư ?
Việc Tô Lâm "giã từ sân cỏ" chắc sẽ khó thay đổi, dù bất luận thế lực nào thay thế ông ở Bộ Công an. Hy vọng sau Trung ương 9 và kỳ họp thứ 7 Quốc hội, không có nguy cơ vỡ trận. Trong nguy có cơ, nếu các bên tạm hòa hoãn cho đến thời điểm Đại hội 14, đầu năm 2026. Các phái trong Đảng cũng như trong Nhà nước có khả năng chặn tình trạng ‘tất cả sẽ chống lại tất cả’ ? Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày. Bắt đầu ngày 20/5 và bế mạc vào chiều ngày 27/6/2024. Kỳ họp theo hai đợt. Đợt 1 là từ 20/5 đến 8/6/2024. Đợt 2 là từ 17/6 đến 27/6/2024. Quốc hội kỳ này sẽ bàn riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia (11). Trung Quốc công bố đường cơ sở thẳng bên trong Vịnh Bắc Bộ đòi hỏi Việt Nam cần chủ động đàm phán lại để giải quyết các vấn đề này theo luật pháp quốc tế. Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam Trung Quốc mặc dù có hiệu lực từ 20 năm trước (năm 2004) nhưng có nhiều điểm để ngỏ khả năng thay đổi, cho nên Việt Nam sẽ phải sớm có những động thái mới để ứng phó.
Trần Hiếu Chân
Nguồn : RFA, 19/05/2024
Tham khảo :
(7) https://baotiengdan.com/2024/05/12/tap-doan-xuan-cau-va-cac-dai-du-an-hang-chuc-ngan-ty/
(8) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54143629
**************************
Chính trị sẽ ổn định ?
Đồng Phụng Việt, RFA, 19/05/2024
Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa loan báo kết quả hội nghị lần thứ chín của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 13. Theo đó, các thành viên trong Ban chấp hành trung ương đảng nhiệm kỳ này "thống nhất rất cao" về việc "giới thiệu" để các đại biểu quốc hội khóa 15 "bầu" ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an) làm Chủ tịch chính thức thứ 12 của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1).
Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/12/2023 - AFP
Từ 1976 (thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam quyết định đổi quốc hiệu Việt Nam thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), có 14 cá nhân đảm nhiệm vai trò Chủ tịch nước, trong đó có ba người chỉ giữ vai trò này theo kiểu tạm điền vào chỗ trống : người thứ nhất là ông Nguyễn Hữu Thọ - làm Quyền Chủ tịch nước một năm và 96 ngày sau khi ông Tôn Đức Thắng (Chủ tịch nước đầu tiên) qua đời và bị thay thế bởi ông Trường Chinh (Chủ tịch nước thứ hai).
Người thứ hai giữ vai trò Chủ tịch nước theo kiểu tạm điền vào chỗ trống là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – làm Quyền Chủ tịch nước 32 ngày sau khi ông Trần Đại Quang (Chủ tịch nước thứ tám qua đời) và bị thay thế bởi ông Nguyễn Phú Trọng (Chủ tịch nước thứ chín). Người thứ ba giữ vai trò Chủ tịch nước theo kiểu tạm điền vào chỗ trống là bà Võ Thị Ánh Xuân. Bà Xuân có tới hai lần phải "thế thân". Lần đầu bà Xuân làm Quyền Chủ tịch nước trong 43 ngày sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc (Chủ tịch nước thứ mười "từ chức") và trong vòng chưa đầy sáu tuần bị thay thế bởi ông Võ Văn Thưởng (Chủ tịch nước thứ 11). Lần sau, bà Xuân làm Quyền Chủ tịch nước trong 58 ngày và sẽ bị thay thế bởi ông Tô Lâm (Chủ tịch nước thứ 12). Giới lãnh đạo Việt Nam vẫn thường vỗ ngực tự hào vì chính trị "ổn định" nhưng cứ nhìn vào vị trí Chủ tịch nước trong tám năm vừa qua thì tự nhiên sẽ thấy chính trị Việt Nam "ổn định" tới mức nào...
Bốn mươi tám năm sau khi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trình làng và từ 2016 tới nay, việc thay đổi Chủ tịch nước diễn ra như thiên hạ thay áo. Ông Trần Đại Quang – Chủ tịch nước thứ 8 - chỉ tại nhiệm hai năm 172 ngày rồi đột tử. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh làm Quyền Chủ tịch nước chỉ 43 ngày và được thay thế bởi ông Trọng. Tuy nhiên ông Trọng – Chủ tịch nước thứ chín chỉ tại nhiệm hai năm 164 ngày rồi thôi. Thời gian tại nhiệm của ông Phúc – Chủ tịch nước thứ mười – còn ngắn hơn (chỉ một năm 288 ngày). Giống như bà Thịnh, khi đảm nhiệm vai trò Quyền Chủ tịch nước thay ông Phúc "từ chức", bà Võ Thị Ánh Xuân chỉ tại vị 43 ngày. Thời gian tại vị của ông Võ Văn Thưởng - Chủ tịch nước thứ 11 – còn ngắn hơn nữa (một năm 18 ngày) nên bà Xuân mới bị đẩy ra "thế thân" lần hai. Chẳng ai dám chắc sau khi Việt Nam có Chủ tịch nước thứ 12, bà Xuân có bị đẩy đến chỗ phải "thế thân" lần ba hay không !
***
Ai cũng thấy chính quyền Việt Nam phải đổi Chủ tịch nước xòanh xoạch bởi "dường như" các Chủ tịch nước đã bảo kê cho một số doanh nghiệp thuộc loại thân hữu. Nếu ông Trần Đại Quang không đột tử, có lẽ ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") vẫn còn "chọc Trời, khuấy nước". Việc điều tra – xét xử hàng loạt vụ án liên quan tới ông Phan Văn Anh Vũ cho thấy, may mà Chủ tịch nước thứ tám đột tử chứ không thì ít nhất ông cũng phải "từ chức" như ông Nguyễn Xuân Phúc (Chủ tịch nước thứ mười), ông Võ Văn Thưởng (Chủ tịch nước thứ 11). Dẫu nguyên nhân dẫn đến viêc ông Phúc, ông Thưởng "tự nguyện" xin "thôi giữ tất cả các chức vụ trong đảng và chính quyền" không được thông báo cụ thể nhưng việc họ "tự nguyện" thoái lui đã xác nhận tất cả "tin đồn" về việc họ đỡ cả đầu lẫn đuôi cho một số doanh nghiệp, khiến những doanh nghiệp này lớn nhanh như thổi là hoàn toàn chính xác. Đó cũng là lý do không thể đoan chắc chính trị sẽ "ổn định"...
Khác với ông Quang, ông Phúc và ông Thưởng – trở thành Chủ tịch nước giữa làn sóng về "tin đồn", sau đó "sự nghiệp chính trị" mới tan tành, phải tự kết liệu "sinh mạng chính trị" vì "dường như" tin đồn hoàn toàn chính xác - ít nhất có một "tin chính thức" về trách nhiệm của ông Tô Lâm trong việc thổi doanh nghiệp thành "Thánh Gióng" nhưng ông vẫn được Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 "thống nhất rất cao" để giới thiệu làm Chủ tịch nước thứ 12...
Năm 2018, theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ, công an Việt Nam khởi tố vụ án "đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra khi MobiFone (một doanh nghiệp nhà nước) mua 95% cổ phần của An Viên Group (AVG – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông do ông Phạm Nhật Vũ, em ông Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị). Thương vụ ấy trở thành "đại án" vì giá trị 95% cổ phần của AVG chỉ chừng 1.900 tỷ đồng nhưng được thổi lên thành 8.900 tỷ đồng, khiến công quỹ thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng. Vụ án vừa đề cập có nhiều điểm ly kỳ, chẳng hạn, hai năm sau khi thương vụ hoàn tất, AVG đột nhiên "tự nguyện" hoàn trả 8.900 tỷ đồng đã nhận của MobiFone. Chẳng hạn Thanh tra chính phủ chỉ công bố Kết luận thanh tra sau khi hai bên (MobiFone và AVG) hoàn tất việc hủy "thỏa thuận chuyện nhượng cổ phần" một ngày, nhờ vậy, ông Vũ người "đưa hối lộ" chỉ bị phạt ba năm tù, còn ông Nguyễn Bắc Son (cựu Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông) bị phạt tù chung thân, Ông Lê Nam Trà (Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị phạt 23 năm tù), ông Trương Minh Tuấn (Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông tại nhiệm) bị phạt 14 năm tù
Song đáng chú ý nhất là MobiFone không thể trả hớ cho AVG khoản tiền lên tới 7.000 tỷ đồng nếu như Bộ Công an không nhân danh "an ninh quốc gia", khuyến cáo Bộ Thông tin và truyền thông nên chỉ đạo MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG, không đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các bên có liên quan và báo chí xếp thương vụ này vào loại "Mật" để cấm thông tin và bình luận, thậm chí Bộ Công an còn khẳng định, khoản tiền 8.900 tỷ đồng mà MobiFone bỏ ra để mua 95% cổ phần của AVG là "thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá", bởi vậy, bất chấp đơn tố cáo bay như bươm bướm đến các cá nhân, cơ quan hữu trách, thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG vẫn hoàn tất. Cũng vì vậy, trong Kết luận thanh tra, Thanh tra chính phủ mới xác định, ba công văn của Bộ Công an (Công văn số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, Công văn số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015) "không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định" và đề nghị "Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ Thông tin và truyền thông mà Thanh tra chính phủ đã nêu tại Điểm 6, Mục 2 của Kết luận thanh tra" (2).
Cả ba công văn mà Thanh tra chính phủ đề cập đều do ông Tô Lâm - khi ấy là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an ký. Có thể xem cả ba công văn này trên website của tờ Tiếng Dân (3) và nếu chịu khó tham khảo sẽ thấy ông Tô Lâm hết sức nhiệt tình trong việc thúc đẩy thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG sớm hoàn tất. Liệu Chủ tịch nước thứ 12 có tiếp tục "bình an vô sự" hay sẽ phải ngậm ngùi giã biệt chính trường như Chủ tịch nước thứ 11 ?
Bộ trưởng Công an Tô Lâm (bên phải) với các ủy viện Ban chấp hành Trung ương Đảng tại lễ bế mạc Đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 - AFP
Bên cạnh "tin chính thức" cho thấy ông Tô Lâm vẫn "bình an, vô sự" trong vụ Mobifone trả hớ 7.000 tỷ đồng khi mua 95% cổ phần của An Viên Group (AVG) là "chuyện khó tin nhưng có thật", còn có một số "tin đồn" về Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Xuân Cầu (Xuân Cầu Holdings), có trụ sở chính tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do các em, các cháu của ông Tô Lâm điều hành.
Theo đó, từ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe hai bánh gắn máy nhãn hiệu Piaggio, Xuân Cầu Holdings đã trở thành chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản cao cấp (nhà vườn, biệt thự) ở Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định. Những dự án này có diện tích từ vài chục đến vài trăm héc ta và vốn đầu tư từ hàng trăm đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng. Xuân Cầu Holdings còn là chủ nhiều tổ hợp trung tâm thương mại – khách sạn, resort, sân golf, và vói tay vào lĩnh vực năng lượng bằng cách liên kết với một số tập đoàn ngoại quốc để xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện mặt trời ở Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Thuận, Quảng Trị,
"Tin đồn" nhấn mạnh chuyện thân nhân ông Tô Lâm chính là chủ Xuân Cầu Holdings, trong đó ông Tô Dũng (em trai Tô Lâm) nắm giữ 61,76% vốn điều lệ, bà Tô Thị Thu Hiền (em gái Tô Lâm) nắm giữ 16,15% vốn điều lệ, ông Tô Duy (con trai Tô Dũng) nắm giữ 11,1% vốn điều lệ, bà Tô Hồ Thu (con gái Tô Dũng) nắm giữ 7,77% vốn điều lệ, và nếu không có ông Tô Lâm chống lưng, Xuân Cầu không thể lớn mạnh như vậy (4).
Dẫu "tin đồn" luôn có trước và hiếm khi sai, thậm chí khiến công chúng có cảm giác "tin đồn" định hướng cho hoạt động của cả Ủy ban Kiểm tra thuộc Ban chấp hành trung ương đảng lẫn các quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng, thậm chí "tin đồn" là nguồn duy nhất thỏa mãn quyền được biết của công chúng nhưng phải lưu ý, "tin đồn" vẫn chỉ là tin đồn, cần chờ thực chứng.
***
Thử tìm kiếm thông tin về Xuân Cầu Holdings trên Internet thì đúng là sự nghiệp kinh doanh của Xuân Cầu Holdings rất đáng nể (5). Hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào tại Việt Nam nuôi tham vọng trồng đủ thứ (lúa, bắp và các loại cây có hạt khác, cây lấy củ có chất bột, rau đậu các loại, hoa và cây cảnh, gia vị và dược liệu, cây giống, rừng, dịch vụ trồng trọt), nuôi đủ thứ (trâu, bò heo, gia cầm, chăn nuôi khác, thủy sản nội địa, dịch vụ chăn nuôi), khai thác đủ thứ (quặng sắt, quặng kim loại khác không chứa sắt, đá, cát, sỏi, đất sét, khoáng hóa chất và khoáng phân bón, lâm sản), xây dựng không chừa thứ gì (nhà để ở, nhà không để ở, công trình đường sắt, công trình đường bộ, công trình cấp thoát nước, công trình viễn thông và thông tin liên lạc, phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng), bán đủ thứ (xe hai bánh gắn máy và phụ tùng, đồ ăn, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào, bất động sản), muốn cung cấp đủ loại dịch vụ (vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lưu trú, nhà hàng, du lịch, tư vấn quản lý, tư vấn kỹ thuật, vui chơi giải trí, cho thuê máy móc thiết bị, đào tạo) như Xuân Cầu Holdings (6) và đến giờ dường như không những không gặp bất kỳ rắc rối nào từ thuế, thanh tra, chính quyền địa phương, chính quyền trung ương mà còn được ưu ái đặc biệt.
Chẳng hạn hồi tháng 9/2019, khi Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh tổ chức khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng DT1 và DT2, ngoài ông Nguyễn Minh Triết, cựu Chủ tịch nước, còn có "Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và nhiều lãnh đạo các các tỉnh, thành phía Nam" cùng tìm đến chúc mừng. Báo chí Việt Nam cho biết, Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh là "liên doanh giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty trách nhiệm hữu hạn B. Grimm Power Public (Thái Lan) với số vốn đầu tư hơn 9.100 tỷ đồng" (7). Cho dù trên Internet có nhiều thông tin ấn tượng như chỉ tính riêng giá trị khối tài sản trong lĩnh vực bất động sản của Xuân Cầu Holdings đã là hàng tỷ USD (8), tính đến tháng 10/2023, vốn điều lệ của Xuân Cầu Holdings là 8.800 tỷ đồng (9) nhưng Xuân Cầu Holding vẫn được xếp vào loại "kín tiếng". Sau 15 năm hoạt động (2000 – 2015), vốn điều lệ của Xuân Cầu Holdings nằm ở mức 150 tỷ đồng nhưng bảy năm sau (2022), con số này tăng lên, thành 4.580 tỷ đồng và thêm một năm nữa (2023) thì là 8.800 tỷ. Năm 2016, Thượng tướng Tô Lâm đặt chân vào Ban chấp hành trung ương Đảng, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an. Năm 2019, tướng Tô Lâm là Đại tướng và được bầu vào Bộ Chính trị.
***
Cứ như những gì đã biết và đang thấy, "tin đồn" có thể không tạo ra hậu quả nào cụ thể cho đến ngày xấu trời, các đương sự vốn là đối tượng của những "tin đồn" ngậm ngùi xin "thôi tất cả chức vụ trong Đảng và chính quyền". Ông Võ Văn Thưởng - Chủ tịch nước thứ 11 – đột nhiên "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân" vì những "vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước" cách nay hơn một thập niên chính là ví dụ mới nhất ! Ngày xấu trời ấy hoàn toàn có thể xảy ra với ông Tô Lâm bởi ngoài những "tin đồn", còn có "tin chính thức" về trách nhiệm (không trực tiếp thì cũng là gián tiếp) của ông trong việc bơm... 7.000 tỷ công quỹ vào AVG. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà ông Tô Lâm vừa làm Chủ tịch nước, vừa kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an, buộc ông Bùi Văn Cường – Tổng thư ký Quốc hội, ấp úng : "Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu chức danh Bộ trưởng Bộ Công an. Vì thế tại Kỳ họp lần thứ bảy này, Quốc hội chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Công an" (10). Khi Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bất chấp điều lệ Đảng của chính mình, nhất trí trong việc để ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba (8) thì việc bất kể Hiến pháp, "thống nhất rất cao" để Chủ tịch nước kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên !
Tuy nhiên thực tế cho thấy, "thống nhất rất cao" vẫn không thể loại trừ vĩnh viễn tai nạn chính trị. Tổ chức đã từng "thống nhất rất cao" trong việc đưa ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị, rồi "thống nhất rất cao" với đề nghị giới thiệu họ làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội r ô ồ i cũng đổi ý rất nhanh và tiếp tục "thống nhất rất cao" trong việc gây áp lực để các ông này "tự nguyện" từ bỏ mọi thứ.
"Tin đồn" từ đâu mà ra ? Chắc chắn không phải từ dân lại càng không phải từ "các thế lực thù địch, phản động". Dân và "các thế lực thù địch, phản động" đâu có thạo tin và rành rẽ ngọn ngành đến mức đáng ngạc nhiên như vậy. "Tin đồn" đều từ "ruột gan" mà ra và "tin đồn" là tin báo cuồng phong. Cứ cho là ông Tô Lâm có thể kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an đến hết nhiệm kỳ này nhưng sau đó thì sao ? Chính trị sẽ ổn định ? Ai tin ?
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 19/05/2024
Tham khảo :
(4) https://baotiengdan.com/2024/05/12/tap-doan-xuan-cau-va-cac-dai-du-an-hang-chuc-ngan-ty/
(5) https://xuancau.com.vn/project-category/du-an-vi/
(6) https://masothue.com/0107821619-cong-ty-tnhh-thuong-mai-va-dich-vu-xuan-cau
**************************
Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Công an ?
BBC, 19/05/2024
Đại tướng Tô Lâm đã được Trung ương Đảng giới thiệu cho chức danh chủ tịch nước. Do ông chưa được miễn nhiệm chức bộ trưởng Bộ Công an nên một khi ông làm chủ tịch nước thì sẽ kiêm luôn chức bộ trưởng.
Đại tướng Tô Lâm có thể làm chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Công an
Sáng 19/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp thứ 7 sắp tới, Quốc hội sẽ bầu chức danh Chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm.
Quốc hội sẽ có cuộc họp thường kỳ lần 7, được chia thành hai đợt : đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6 ; đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 27/6.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Ông Tô Lâm được Trung ương Đảng giới thiệu cho vị trí Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu cho vị trí Chủ tịch Quốc hội.
Tuy nhiên, Quốc hội sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm, đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Công an thay thế ông.
Theo lời ông Cường, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 (diễn ra từ ngày 16 đến 18/5), Trung ương Đảng "chưa giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm Bộ trưởng Công an".
"Vì thế, tại kỳ họp này chưa phê chuẩn, miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an", báo Thanh Niên dẫn lời ông Cường.
Một số câu hỏi đã được đặt ra về việc Đại tướng Tô Lâm chưa được miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an mà có thể được bầu làm Chủ tịch nước.
Đảng chưa chọn được người
Ngoài việc thông tin rằng kỳ họp của Quốc hội chưa miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường còn cho biết :
"Nội dung nhân sự Bộ trưởng Công an vẫn chờ cơ quan có thẩm quyền, Bộ Chính trị xem xét, quyết định".
Theo Điều 9 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì vị trí phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của chính phủ một số là do Quốc hội phê chuẩn, theo đề nghị của thủ tướng Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.
Đấy là về mặt hình thức, còn về mặt thực chất thì các vị trí này đều do Đảng cộng sản sắp xếp.
Câu nói của ông Cường cho thấy thực tế rằng, với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện thì các sắp xếp về nhân sự của Đảng mới mang tính quyết định.
Việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp thức hóa sự sắp xếp ấy của Đảng, bao gồm cả việc bầu, phê chuẩn hay miễn nhiệm các chức vụ.
Quốc hội chưa phê chuẩn chức vụ bộ trưởng bộ Công an là do Bộ Chính trị, Trung ương Đảng chưa thống nhất được người thay thế ông Tô Lâm.
Như để thuyết phục rằng việc ông Tô Lâm sẽ giữ hai chức Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an là điều bình thường, ông Bùi Văn Cường lấy ví dụ trường hợp ông Trần Hồng Hà khi được phê chuẩn giữ chức phó thủ tướng (tháng 1/2023) vẫn kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.
Giờ đây, nếu ông Tô Lâm được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước (điều hầu như chắc chắn xảy ra), ông sẽ vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ công an do chưa được miễn nhiệm.
Ông Trần Thanh Mẫn (trái) và Đại tướng Tô Lâm (phải) được Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu vào "Tứ Trụ"
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 19/5, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời và phân tích gia chính trị từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nói rằng theo quy định hiện hành của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, chủ tịch nước không thể kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an.
Theo Hiến pháp 2013, chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, giữ vai trò là Người đứng đầu lực lượng vũ trang nhân dân và Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Hiến pháp cũng quy định, chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Công an là thành viên Chính phủ, lại chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực được phân công phụ trách.
Ông Hợp phân tích với BBC :
"Việc kiêm nhiệm hai chức vụ này sẽ dẫn đến xung đột thẩm quyền và vi phạm nguyên tắc phân công, phân nhiệm, phân quyền trong bộ máy nhà nước. Ngoài ra, điều này cũng không phù hợp với tinh thần tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
"Vì những lý do trên, theo quy định hiện hành, trường hợp chủ tịch nước kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an là không thể xảy ra trong hệ thống chính trị Việt Nam", ông Hợp nói, nhấn mạnh thêm rằng các chức vụ lãnh đạo quan trọng này đều phải được tách bạch và bổ nhiệm cho các cá nhân khác nhau để đảm bảo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Do chức chủ tịch nước độc lập với chính phủ nên trường hợp ông Tô Lâm kiêm nhiệm sẽ dẫn đến sự "tréo ngoe" trong việc điều hành bộ máy nhà nước và chính phủ.
Điều 88 Hiến pháp quy định chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn là "đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ".
Như vậy, với cương vị là nguyên thủ quốc gia, ông Tô Lâm có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm chức vụ của thủ tướng là ông Phạm Minh Chính.
Nhưng đồng thời, với cương vị bộ trưởng thì ông Tô Lâm lại dưới quyền Thủ tướng Chính. Ông Tô Lâm chịu trách nhiệm trước Quốc hội và ông Chính về lĩnh vực được phân công phụ trách.
Điều này khác với trường hợp ông Trần Hồng Hà, dù giữ chức phó thủ tướng kiêm bộ trưởng nhưng cả hai vị trí này đều cùng nằm trong chính phủ (tức nội các).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Trên Facebook cá nhân, ông Trương Huy San đặt vấn đề :
"Trong chính thể ta, chỉ duy nhất có Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao một thời gian. Nhưng, Hồ Chí Minh trong Chính phủ lâm thời là Chủ tịch Chính phủ và sau Hiến pháp 1946 thì Chủ tịch nước là người đứng đầu chính phủ [có lẽ như tổng thống của các quốc gia theo mô hình cộng hòa tổng thống].
"Chủ tịch nước theo Hiến pháp 2013 là người đứng đầu nhà nước và thủ tướng chính phủ là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Thủ tướng kiêm bộ trưởng thì chẳng có băn khoăn gì.
"Tôi cũng không rõ có phải vai trò 'thống lĩnh các lực lượng vũ trang' là có thể kiêm thêm bộ trưởng Bộ Công an", ông Trương Huy San viết.
Ông cũng nói thêm rằng, tuy Hiến pháp không cấm chủ tịch nước kiêm bộ trưởng nhưng nguyên tắc là nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép chứ không phải làm những gì pháp luật không cấm (khác với công dân là được làm những điều pháp luật không cấm).
Viễn cảnh Chủ tịch nước, Bộ trưởng Tô Lâm
Theo các chuyên gia, việc bà Trương Thị Mai từ chức đã tạo thêm áp lực lên Đại tướng Tô Lâm theo hướng ông rời Bộ Công an để làm Chủ tịch nước.
Nhưng việc Đảng cộng sản chưa chọn được người thay thế ông Tô Lâm ở vị trí Bộ trưởng Công an mà đã giới thiệu ông để bầu chủ tịch nước cho thấy nhiều khả năng.
Một là có thể Đảng đang lúng túng trong vấn đề chọn nhân sự.
Hai là có thể ông Tô Lâm không muốn rời bỏ chức vụ bộ trưởng Bộ Công an, một vị trí có thực quyền, có thẩm quyền điều tra sâu rộng - để giữ chức chủ tịch nước, một vị trí mang tính lễ nghi nhiều hơn là thực quyền.
Cụ thể, nếu làm chủ tịch nước thì ông Tô Lâm không còn nắm Bộ Công an nữa, cũng có nghĩa là ông sẽ mất quyền điều hành trực tiếp bộ máy điều tra khổng lồ, vốn là công cụ chính của chiến dịch "đốt lò". Đây hẳn là điều ông Tô Lâm ít mong muốn nhất.
Giờ đây, với việc Đảng chưa chọn được người làm Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đứng trước khả năng làm chủ tịch nước kiêm luôn ghế bộ trưởng.
Đó sẽ là một vị trí siêu quyền lực vì chủ tịch nước theo Hiến pháp là chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc phòng, người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân (gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ).
Ông Tô Lâm đã củng cố quyền lực trong Bộ Công an khi nắm giữ chức bộ trưởng gần hai nhiệm kỳ.
Còn chức danh chủ tịch nước vốn được xem là chỉ mang tính lễ nghi. Gần đây có nhiều chức năng của nguyên thủ quốc gia lại do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm nên tính chất "ít thực quyền" của ghế chủ tịch nước càng rõ hơn. Nhưng nếu ông Tô Lâm kiêm nhiệm thì có thể chức danh chủ tịch nước sẽ mang tính thực quyền hơn vì ông giữ được quyền điều hành các hoạt động điều tra như trước đây.
Điều này được coi là lợi thế cho ông trong bối cảnh chính trường ngày càng nóng bỏng ở giai đoạn tiền Đại hội 14.
Bên cạnh đó, chủ tịch nước cũng thường được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam đối với quân đội.
Tất nhiên, vị trí siêu quyền lực này, như đánh giá của các chuyên gia, là trái với Hiến pháp.
Về việc ông Tô Lâm trở thành chủ tịch nước, Tiến sĩ Bill Hayton trên trang web của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) đã viết rằng Việt Nam sẽ càng tô đậm ấn tượng về một nhà nước "công an trị".
Bởi lẽ, khi đó "Tứ Trụ" sẽ có hai người đi lên từ ngành công an là ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tính cả ông Chính và ông Lâm thì Bộ Chính trị có năm nhân vật xuất thân từ công an.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "trao cho ông Tô Lâm quyền lực để chống tham nhũng và ông Tô Lâm đã sử dụng quyền lực đó để hạ tới 5 hoặc 6 ủy viên Bộ Chính trị".
Một nhà quan sát khác thì đánh giá với BBC rằng, việc giữ chức chủ tịch nước từ nay cho đến Đại hội 14 (đầu năm 2026) sẽ tạo bước đệm để Đại tướng Tô Lâm có thể tiếp quản ghế tổng bí thư.
Bởi lẽ, khi đã vào "Tứ Trụ", ông có thể sẽ có suất đặc biệt tại Đại hội 14 để tái cử vì hiện ông đã 66 tuổi.
Bộ Công an
Bộ Công an là một bộ đầy quyền lực và đó là lý do vì sao các đời bộ trưởng luôn có chân trong Bộ Chính trị.
Nghị quyết về Dự toán ngân sách 2024 được Quốc hội thông qua cho thấy ngân sách chi cho Bộ Công an đứng thứ hai sau Bộ Quốc phòng - với hơn 113.000 tỷ đồng, tăng hơn so với con số 99.000 tỷ đồng vào năm 2023.
Về nhân lực, bộ này chưa bao giờ công bố con số chính xác lực lượng chính quy.
Nhưng vào năm 2017, Giáo Sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đăng trên blog của mình con số ước lượng công an ở Việt Nam, từ công an có thẻ ngành đến những lực lượng bán quân sự trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công an năm 2013 là khoảng 6,7 triệu người. Trong số này, có 1,2 triệu công an chính quy.
Ông Tô Lâm đóng vai trò to lớn trong chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Vào tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua "Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở" và luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật này sáp nhập các lực lượng tham gia bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng vào thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được coi là "cánh tay nối dài" của Bộ Công an.
Ước tính, Bộ Công an có thêm khoảng 300.000 nhân lực từ lực lượng này.
Dự thảo luật này từng được Quốc hội khóa 14 xem xét nhưng sau đó không được thông qua.
Tháng 11/2020, khi xem xét dự thảo "Luật Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở" nói trên, đại biểu Sùng Thìn Cò, Thiếu tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, cựu Phó Tư lệnh Quân khu 2 và là ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khóa 14, đã từng nêu ý kiến : "Xin lỗi bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông !"
"Một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa. Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình ?" ông Cò phát biểu.
Vào thời điểm đó, luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long nhận định với BBC rằng không phải ngẫu nhiên mà ông Sùng Thìn Cò lại phát biểu như vậy.
Ông Long nhắc đến việc ông Cò là một tướng lĩnh bên quân đội và cho rằng phát ngôn của ông Cò có thể "đại diện cho một nhóm trong quân đội đang cảm thấy bị ngành công an lấn sân quyền lực".
Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Thường trực Ban Bí thư thay bà Trương Thị Mai
Trong chiến dịch "đốt lò", đặc biệt là sau những diễn biến gần đây, một số nhà phân tích nói với BBC rằng quyền lực của ông Tô Lâm đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Do đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể dùng quân đội để cân bằng quyền lực, vì "chỉ có quân đội mới là lực lượng đủ sức làm đối trọng với Bộ Công an", theo Giáo sư Abuza.
Ông Abuza lưu ý rằng quân đội cũng có cơ quan điều tra, cơ quan xét xử riêng.
Sau khi bà Trương Thị Mai thôi chức, ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được phân công làm thường trực Ban Bí thư.
Giáo sư Alexander L Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Hoa Kỳ), nói với BBC News Tiếng Việt rằng việc thăng cấp thường trực Ban Bí thư cho Đại tướng Lương Cường giúp điều chỉnh lại cán cân quyền lực trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt là giữa hai lực lượng vũ trang của Đảng – đó là công an và quân đội.
Có thể thấy, với bốn nhân vật bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, lực lượng quân đội có tới ba vị tướng nằm trong Bộ Chính trị khóa 13, nhóm các nhân vật quyền lực nhất Đảng cộng sản.
Ở đây cần giải thích thêm rằng, với sự phân công của Đảng, ông Lương Cường và ông Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ tập trung cho công tác đảng chứ không phải công tác bên quân đội. Tuy nhiên, họ vẫn được coi là "người của quân đội".
Nguồn : BBC, 19/05/2024