Thời nay thật khó kiếm một lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc cùng bắt tay hợp tác. Tại thời điểm bài viết này, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến đi tới Trung Quốc, một phần để gây sức ép nhằm thuyết phục Bắc Kinh ngừng bán các vật liệu có thể dùng để sản xuất vũ khí cho Nga. Ở phía còn lại, Trung Quốc chỉ cần nở một nụ cười lịch sự thôi đã là tốt lắm rồi. Trong bối cảnh đó, thật đáng chú ý khi gần đây hai nước đã quyết định tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong một lĩnh vực khác : chống rửa tiền. Tháng 4 vừa qua hai bên đã mở một diễn đàn song phương để thảo luận về vấn đề này. Không như ở Nga, đây là một vấn đề lớn đối với cả hai nước.
Hình minh họa : Ben Jones
Nạn rửa tiền có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt vì các mạng lưới ngầm từ Trung Quốc với công nghệ mới có thể rửa sạch tiền bẩn chỉ trong vài phút. Những "ngân hàng" mờ ám này đang đóng vai trò nhà băng cho các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Để trấn áp chúng, Mỹ-Trung cần phải đàm phán với nhau. Giữa một không khí chính trị chật chội, các cuộc thảo luận về nạn rửa tiền đã bị đóng băng suốt nhiều năm qua. Gần đây, một quan chức của bộ tài chính Mỹ cho biết việc nối lại hoạt động này đánh dấu "thay đổi lớn, một bước chuyển biến tích cực lớn".
Ở Mỹ nạn rửa tiền là một vấn đề nghiêm trọng. Trong 12 tháng tính đến tháng 11 năm 2023, hơn 105.000 người Mỹ đã thiệt mạng do sử dụng ma túy quá liều, chủ yếu do fentanyl và các loại thuốc phiện tổng hợp khác được nhập lậu vào nước này từ Mexico. Các ngân hàng ngầm từ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong cuộc chơi bằng cách cung cấp một giải pháp cho phép các cartel ma tuý Mexico rửa tiền nhanh chóng và với chi phí thấp.
Trong một bài báo xuất bản năm 2021 trên Tạp chí Tình báo Hoa Kỳ, Virginia Kent đến từ Bộ Ngoại giao Mỹ và Robert Gay thuộc Đại học Tình báo Quốc gia ở Maryland đã viết về một "cuộc đảo chính không đổ máu" của các tổ chức xử lý tiền của Trung Quốc, lưu ý rằng trong những năm gần đây, họ đã đã thay thế các ngân hàng ngầm đến từ Mexico. Các tác giả gọi những nhà khai thác Trung Quốc này là "kẻ thù rửa tiền mới và thách thức hơn".
Chính phủ Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Trong "Đánh giá rủi ro rửa tiền quốc gia" năm 2022, Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh các thực thể tài chính bất hợp pháp từ Trung Quốc, nói rằng những kẻ buôn ma túy đang ngày càng sử dụng kênh này nhiều hơn trong hoạt động rửa tiền. Báo cáo mới nhất của bộ, được công bố vào tháng 2, cho biết các tổ chức Trung Quốc kể từ đó đã trở nên "phổ biến hơn" và hiện nằm trong số "các tác nhân chính" của nạn rửa tiền trên toàn cầu. Các quan chức Mỹ hy vọng rằng diễn đàn chống rửa tiền mới, cùng với một diễn đàn khác do Mỹ và Trung Quốc thành lập trong năm nay nhằm giải quyết nạn buôn bán ma túy, sẽ giúp chống lại chúng.
Các cơ quan chức năng khác cũng đã vào cuộc. Năm 2019, Europol, cơ quan cảnh sát của EU, cho biết hoạt động rửa tiền của các nhóm tội phạm châu Á, đặc biệt là các nhóm Trung Quốc, tạo ra "mối đe dọa ngày càng tăng đối với châu Âu". Họ nói các băng đảng Trung Quốc "cực kỳ linh hoạt" và đang xử lý "lượng tiền đáng kể" từ nhiều hoạt động tội phạm khác nhau. Hồi tháng 1, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) đã báo cáo về một "cuộc cách mạng" đang diễn ra trong "kiến trúc ngân hàng ngầm" ở Đông Nam Á, liên quan đến mọi thứ từ sòng bạc đến tiền điện tử. Các chi tiết mà báo cáo cung cấp cho thấy các băng đảng Trung Quốc đang đi đầu.
Trung Quốc cũng có lý do để lo lắng. Họ không muốn các ngân hàng ngầm này tạo điều kiện cho hành vi lách luật kiểm soát ngoại hối nghiêm ngặt (tháo vốn, thậm chí bằng các phương tiện hợp pháp, là một vấn đề đau đầu dai dẳng của Trung Quốc). Người Trung Quốc đại lục không được phép gửi hơn 50.000 USD mỗi năm ra nước ngoài. Và đối với nhiều người Trung Quốc giàu có, quy định này thật gò bó.
Người Trung Quốc thường tìm đến các tổ chức tài chính bất hợp pháp không phải để rửa tiền, mà để chuyển một phần tài sản của họ ra nước ngoài. Nhu cầu này sẽ còn tăng lên khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái. Một số người trong số này là tội phạm, bao gồm cả những quan chức tham nhũng muốn che giấu tiền của của mình khỏi công an Trung Quốc. Họ có lý do để lo lắng : nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang tiến hành một cuộc chiến chống tham nhũng. Hồi năm 2022, văn phòng viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết các nỗ lực chống rửa tiền là một phần của "chiến lược quốc gia quan trọng nhằm duy trì an ninh chính trị và tài chính của đất nước". Theo truyền thông nhà nước, Trung Quốc đang soạn thảo những thay đổi lớn nhất đối với luật chống rửa tiền kể từ khi luật này có hiệu lực vào năm 2007.
Có một số yếu tố đang làm cho vấn đề trở nên khó giải quyết. Đầu tiên là sự phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng phi chính thức đã tồn tại hàng thế kỷ dựa trên cái thường được gọi là hệ thống phi tiền (tiền bay). Nguồn gốc của nó không liên quan gì đến tội phạm. Nó bắt đầu như một phương thức thanh toán mà không cần phải mang theo tiền mặt đi đường dài. Giống như hệ thống hawala phổ biến ở Trung Đông và Nam Á, phi tiền phụ thuộc vào niềm tin : một khoản tiền trao đổi giữa hai bên ở một địa điểm sẽ được khớp với một giao dịch tương đương ở một địa điểm khác.
Ở Trung Quốc, phi tiền vẫn được sử dụng phổ biến như một cách để giao dịch quốc tế một cách nhanh chóng mà không cần sự can thiệp của ngân hàng. Người lao động Trung Quốc ở nước ngoài thường sử dụng những phương pháp như vậy để gửi tiền về nước. Việc gần như mọi người Trung Quốc đều dùng WeChat, một ứng dụng nhắn tin thường được liên kết với tài khoản ngân hàng, đã thúc đẩy sự phát triển của hệ thống phi tiền.
Đại dịch opioid ở Mỹ khiến nó phát triển hơn nữa. Một phần trong số hàng tỷ đô la tiền mặt do nhu cầu ma túy tạo ra sẽ được chuyển lậu trở lại các băng đảng ở Mexico, với rủi ro đáng kể. Theo bà Kent và ông Gay, một số được giao cho những kẻ rửa tiền ở Mexico với hoa hồng cao : thường từ 8% đến 12%. Các tổ chức rửa tiền của Trung Quốc cung cấp một lựa chọn rẻ hơn nhiều, thậm chí gần như miễn phí.
Điều này được thực hiện nhờ hệ thống phi tiền và nhu cầu đô la cao của người Trung Quốc. Những kẻ rửa tiền Trung Quốc nhận tiền có nguồn gốc từ ma túy và dùng nó để mua nhân dân tệ với lợi nhuận cao : phi tiền cho phép người mua ở Mỹ gửi số tiền tương đương bằng nhân dân tệ từ tài khoản ngân hàng của họ ở Trung Quốc đến một hoặc nhiều tài khoản ở Trung Quốc do những kẻ rửa tiền kiểm soát. Vì không đi ra khỏi biên giới hai nước, loại hình hoán đổi này cực kỳ khó bị các nhà điều tra Mỹ phát hiện. Các khoản tiền này thường được chia thành số tiền nhỏ hơn nên cũng không thu hút sự chú ý của các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc sau đó sẽ được dùng để mua hàng hóa và gửi đến Mexico để bán lấy peso giao cho các cartel ma tuý. Môi giới Trung Quốc sắp xếp việc giao peso gần như ngay lập tức sau khi nhận được đô la bẩn. Laurence Howland, cựu điều tra viên của cơ quan thuế nước Anh, cho biết : "Họ làm việc rất, rất hiệu quả".
Những kẻ buôn lậu ở châu Âu cũng đang theo đuổi ý tưởng này. Hồi tháng 10, cảnh sát Ý đã bắt giữ 33 người vì cáo buộc liên quan đến việc rửa hơn 50 triệu euro (53 triệu USD) cho những kẻ buôn bán ma túy. Trong số những người bị bắt giữ có 7 công dân Trung Quốc. Một sĩ quan người Ý phụ trách hoạt động này nói với hãng tin Reuters rằng số tiền mà những kẻ bị cáo buộc rửa tiền xử lý có lẽ lớn hơn nhiều so với số tiền mà cảnh sát bắt được. Cũng trong tháng đó, cảnh sát Ý và Tây Ban Nha đã bắt giữ 78 người vì cáo buộc tham gia vào mạng lưới buôn bán cần sa. Europol cho biết tổ chức này có sự tham gia của các cá nhân thuộc nhiều quốc tịch, bao gồm cả người Albania và người Morocco. Việc thanh toán cho các chuyến hàng ma túy là do các môi giới Trung Quốc phụ trách.
Theo UNODC, các chính phủ ở Đông Nam Á đang đối mặt với "những thách thức chưa từng có" từ tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Một ví dụ tiêu biểu là Singapore, đất nước đã bị rung chuyển trong những tháng gần đây bởi vụ bê bối rửa tiền lớn nhất trong lịch sử. Nó liên quan đến việc thu giữ hoặc phong tỏa hơn 2 tỷ USD được giữ trong tài khoản ngân hàng hoặc dưới dạng tài sản như hàng hoá xa xỉ, ô tô, và vàng. Trong tháng này, một tòa án ở Singapore đã kết án hai trong số mười công dân Trung Quốc (một vài trong số họ còn có hộ chiếu khác) bị bắt vì liên quan đến vụ án. Cặp đôi này bị tuyên án 13 tháng và 14 tháng tù. Một người thậm chí bị tịch thu hơn 120 triệu USD.
UNODC cho biết tội phạm có tổ chức trong khu vực đã phát triển mạnh nhờ sản xuất ma túy tổng hợp ở "mức kỷ lục" ở "Tam giác vàng" trên lãnh thổ ba nước Lào, Myanmar, và Thái Lan. Chúng được phục vụ bởi các mạng lưới ngân hàng ngầm đang phát triển nhanh chóng, sử dụng sòng bạc, nền tảng cá cược trực tuyến, và tiền điện tử để rửa tiền cho những kẻ buôn lậu. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn công dân tiếp cận tất cả những thứ này (ví dụ như cảnh báo rằng đến thăm các sòng bạc ở nước ngoài có thể bị cảnh sát Trung Quốc coi là phạm tội) vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề. UNODC cho biết : "Việc thiết lập một hoạt động casino trực tuyến chưa bao giờ dễ dàng hơn với chuyên môn kỹ thuật và vốn đầu tư hạn chế, bất kể luật cờ bạc quy định ra sao trong một khu vực pháp lý nào".
Việc kết nối với các nhà môi giới Trung Quốc cũng rất dễ dàng. Các dịch vụ của họ tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và WeChat. Các chủ ngân hàng ngầm sử dụng các nền tảng internet để tuyển dụng những người làm "con la tiền," tức những người cho phép tài khoản ngân hàng của họ được dùng để rửa tiền. Họ thường nhắm tới các sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, những người có thể bị thu hút bởi tiền hoa hồng và không nhận thức được rủi ro. Hồi tháng 12, Europol tuyên bố đã xác định được gần 11.000 con la và 500 nhà tuyển dụng ở 26 quốc gia, dẫn đến việc bắt giữ hơn 1.000 người.
Vào năm 2022, cảnh sát Trung Quốc đã phát động chiến dịch chống rửa tiền kéo dài 3 năm và cho đến nay đã đưa hơn 2.300 người ra tòa. Nổi bật là một vụ, được công bố vào tháng 12, liên quan đến việc bắt giữ 74 người ở 17 tỉnh bị nghi ngờ xử lý gần 16 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ USD) trong các giao dịch kiểu phi tiền. Họ bị cáo buộc chuyển tiền qua hơn 1.000 tài khoản ngân hàng, mỗi tài khoản có lưu lượng trung bình hàng ngày là 3 triệu nhân dân tệ. Đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Mỹ cho biết mỗi năm có hơn 150 tỷ USD tiền bất hợp pháp được chuyển qua Trung Quốc.
Thỏa thuận của Trung Quốc với Mỹ để cùng chống rửa tiền đã được bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen công bố trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng 4. Bà nói Mỹ "không thể làm điều đó một mình". Bà cho biết những điểm yếu trong cơ chế quản lý ở Trung Quốc và các nước khác đang giúp đỡ các băng nhóm tội phạm từ buôn người đến lừa đảo. Nhưng ngay cả với ý chí cao nhất trên thế giới, cũng khó có thể kiểm soát được một vấn đề lớn, phức tạp, và dễ dàng che giấu như hoạt động rửa tiền. Đối với các quan chức ở hai quốc gia cảnh giác lẫn nhau và có ít kinh nghiệm thực thi pháp luật chung, điều đó sẽ còn khó khăn hơn.
The Economist
Nguyên tác : "How Chinese networks clean dirty money on a vast scale". The Economist, 22/04/2024.
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 24/05/2024