Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục dẫn dắt đồng chí, đồng bào "đi từ bất ngờ (chứ không phải thắng lợi)này đến bất ngờ khác".
Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam tại Hà Nội sáng 22/5/2024.
Sau bất ngờ về việc Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 "thống nhất rất cao" trong chuyện "giới thiệu đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước" và khẳng định, vì Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 "chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an" nên Quốc hội "chưa miễnnhiệm chức danh này", thành ra ông Tô Lâm sẽ vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch nước, vừa kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an, bất chấp Hiến pháp, rồi Tổng bí thư lên tiếng "chúc mừng" [1], Quốc hội thông qua nghị trình, nhất trí sẽ làm y như thế là chuyện phút chót : Bỗng nhiên Thủ tướng lên tiếng, cần miễn nhiệm không để ông Tô Lâm giữ vai trò Bộ trưởng Công an để bảo đảm tuân thủ các "quy định pháp luật" ! Ngay sau đó, Quốc hội từ chỗ "đồng thuận" để ông Tô Lâm vừa làm Chủ tịch nước, vừa là Bộ trưởng Công an, "nhất trí" đổi ý, xoay 180 độ. Thời gian chuyển đổi từ "đồng thuận" [2] sang "nhất trí" làm ngược lại[3] chỉ chừng 24 tiếng !
Một yếu tố khác khiến đồng chí, đồng bào bất ngờ là bất kể việc chuyển đổi từ "đồng thuận" sang "nhất trí" thực hiện ngược lại dẫu khác thường nhưng ông Tô Lâm vẫn được 99,78 % phiếu tán thành làm Chủ tịch nước, đúng như ý của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 ! Trong 472 Đại biểu quốc hội tham gia bỏ phiếu chọn ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước, chỉ có một người "không tán thành" [4].
Không chỉ có thế, tháng 5 năm ngoái, Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với 21 cá nhân là Ủy viên Bộ Chính trị và thành viên Ban Bí thư. Theo kết quả đợt bỏ phiếu tín nhiệm ấy thì bà Trương Thị Mai là người xếp thứ hai (sau ông Nguyễn Phú Trọng) về số phiếu "tín nhiệm cao" (95,68%), xếp thứ tư (sau ông Phan Văn Giang) là ông Võ Văn Thưởng (94,05%), ông Vương Đình Huệ xếp thứ năm (92,97%) – đồng hạng với ông Phạm Minh Chính.
Tuy nhiên sau đó, cũng các thành viên ấy của Ban chấp hành trung ương đảng "đồng tâm" bất tín nhiệm bà Mai, ông Thưởng, ông Huệ. Nếu tính cả ông Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13) – nhân vật đạt 49,73% phiếu "tín nhiệm cao" ở đợt bỏ phiếu tín nhiệm vừa đề cập và vài tháng sau cũng bị Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 "nhất trí" bất tín nhiệm - rõ ràng "đồng tâm" và "nhất trí" trong đảng vừa đáng ngờ, vừa đáng ngại !
Trước nay, Đảng cộng sản Việt Nam luôn dùng các con số để khoa trương về sự "quang vinh" của họ nhưng nếu chịu khó đối chiếu, chúng có thể khiến người xem loạn thần ! Tại sao Ban chấp hành trung ương đảng lại "thống nhất rất cao" về việc chọn ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch quốc hội, ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước trong khi ở đợt bỏ phiếu tín nhiệm hồi tháng 5/2023, cả hai chỉ xếp thứ mười về tỷ lệ số phiếu "tín nhiệm cao" (81,08%), sau các ông Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc, Lương Cường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Hòa Bình[5] ?
Sẽ có người trả lời, ông Mẫn và ông Lâm đạt được sự "thống nhất rất cao" trong việc "giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch quốc hội và Chủ tịch nước" vì Ban chấp hành trung ương đảng khóa trước quy định, đại khái "chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên" nên Ban chấp hành trung ương khóa này không thể làm khác ! Phải chăng đó cũng là yếu tố vun xới "quang vinh" ?
***
Cứ đem các dữ liệu và số liệu chính thức mà đảng đã công bố ra đối chiếu với nhau ắt sẽ thấy, các quy định về "quy hoạch nhân sự" như "Quy định số 214-QĐ/TW của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 12" ban hành hồi tháng 1/2020[6], "Quy định số 50-QĐ/TWcủa Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13" ban hành tháng 12/2021 [7], "Hướng dẫn số16-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13" ban hành tháng 2/2022 [8] vừa là kế hoạch giúp một số cá nhân trong đảng giành chỗ và giữ chỗ, thủ tiêu cả "tài, đức" lẫn "tín nhiệm" khi thực hiện "công tác cán bộ", vừa là nguyên nhân khiến hàng loạt ứng cử viên cho vai trò Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội đang dẫn đầu về mức độ "tín nhiệm cao", đột nhiên "nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng, nhà nước và nhân dân" vì những "vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước" và tự nguyện "thôi tất cả các chức vụ trong đảng, chính quyền" để Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 rút lại "tín nhiệm cao", đột xuất "đồng thuận" bãi nhiệm !
Các quy định về "quy hoạch nhân sự" và "công tác cán bộ" cũng là lý do Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 "thống nhất rất cao" trong việc chọn hai cá nhân mà mức độ tín nhiệm của các thành viên Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 không cao lắm làm Chủ tịch quốc hội và Chủ tịch nước. Sự "quang vinh" của đảng không chỉ có thế !
Tháng 2/2021, sau khi Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 giới thiệu Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13, ông Nguyễn Phú Trọng – người được Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 "nhất trí" chọn làm Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp Điều lệ đảng (không được để bất cứ ai làm Tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ) – tuyên bố : "Công tác nhân sự cho Đại hội 13 của đảng được chuẩn bị chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó. Do vậy khi đưa ra đại hội đã nhận được sự thống nhất rất cao" [9].
Ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch quốc hội Việt Nam ngày 20/5/2024
Đến nay, thực tế cho thấy có thể xếp tuyên bố vừa đề cập vào loại nào ! Chỉ trong vòng ba năm ba tháng, Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 phải "nhất trí" loại bỏ 21 thành viên từng được ca ngợi là thuộc nhóm "hội tụ của lịch sử, hội tụ uy tín của đảng".
Chưa hết, trong 21 thành viên mà Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 phải "nhất trí" loại bỏ có tới sáu Ủy viên Bộ Chính trị. Trong đó có hai bị loại bỏ sau khi được chọn - giới thiệu – rồi Quốc hội "nhất trí" bầu làm Chủ tịch nước (các ông : Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng), một bị loại bỏ sau khi được chọn – giới thiệu – rồi Quốc hội "nhất trí" bầu làm Chủ tịch quốc hội (ông Vương Đình Huệ), một bị loại bỏ khi được Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 "tín nhiệm" cử làm Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương (bà Trương Thị Mai). Chuyện phải "nhất trí" loại bỏ các Ủy viên Bộ Chính trị đủ "tư cách" đảm nhiệm trọng trách Tổng bí thư ở nhiệm kỳ sau, diễn ra sau khi họ từng được các đồng đảng "nhất trí" tín nhiệm ở mức gần như tuyệt đối (số phiếu "tín nhiệm cao" đạt tỷ lệ hơn 92%) !
Bởi phải bám sát các quy định về "quy hoạch nhân sự" và "công tác cán bộ", chẳng có gì lạ khi Ban chấp hành trung ương "thống nhất rất cao" trong việc chọn hai cá nhân chỉ đạt số phiếu "tín nhiệm cao" hạng thứ mười để giới thiệu cho Quốc hội bầu làm Chủ tịch quốc hội và Chủ tịch nước. Vì Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 chọn cách như thế nên Quốc hội cũng vậy. Tháng 10/2023, ở kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa này, 90,85% Đại biểu quốc hội xác định họ dành sự "tín nhiệmcao" cho ông Vương Đình Huệ[10] nhưng sáu tháng sau, đa số nhất trí bãi nhiệm ông Huệ khỏi vị trí Chủ tịch quốc hội. Tương tự, hồi tháng 10/2023, chỉ có 86,07% Đại biểu quốc hội khóa này dành sự "tín nhiệm cao" cho ông Trần Thanh Mẫn nhưng đầu tuần này, 100% Đại biểu quốc hội đồng ý làm theo ý chỉ của Ban chấp hành trung ương đảng – chọn ông Mẫn làm Chủ tịch quốc hội[11].
Tương tự, hồi tháng 10/2023, số phiếu "tín nhiệm cao" mà các Đại biểu quốc hội khóa này dành cho ông Tô Lâm trong vai trò Bộ trưởng Công an chỉ đạt tỷ lệ 68,40% nhưng tuần này, không có ai phản đối ý tưởng của Ban chấp hành trung ương đảng – chọn ông Tô Lâm vừa làm Chủ tịch nước, vừa tiếp tục đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an, bất chấp sự kiêm nhiệm ấy vi hiến, rồi chỉ trong vòng một ngày, gần như toàn bộ Đại biểu quốc hội vừa bày tỏ sự tin tưởng ông Tô Lâm xứng đáng làm Chủ tịch nước, vừa cần phải miễn nhiệm ông làm Bộ trưởng Công an [12] bởi Thủ tướng "phát hiện" việc kiêm nhiệm không bảo đảm yêu cầu phải tuân thủ pháp luật[13]. Bất nhất cả trong nhận thức lẫn hành động, trải rộng từ Ban chấp hành trung ương đảng đến Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là biểu hiện khác của "tài tình" và "sáng suốt", góp phần khiến Đảng cộng sản Việt Nam mãi mãi "quang vinh" ?
***
"Thượng" đã thế nên "hạ" không thể khác thế. Trung tuần tháng 12/2023, Hội đồng nhân dân khóa 17 của tỉnh Vĩnh Phúc công bố Nghị quyết số 52, loan báo kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với 28 người giữ các chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh này bầu ra. Theo đó, bà Hoàng Thị Thúy Lan (Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng khóa này, nhân vật đang đảm nhiệm vai trò Bí thư tỉnh kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh) là người dẫn đầu về tỷ lệ phiếu "tín nhiệm cao" (97,78%) [14]. Tuy nhiên chưa đầy ba tháng sau (thượng tuần tháng 3/2024), bà Lan bị tống giam để điều tra vì "nhận hối lộ" [15]. Hội đồng nhân dân khóa 17 của tỉnh Vĩnh Phúc đành phải tổ chức "kỳ họp chuyên đề" để "bãi nhiệm" bà Lan, cho bà Lan "thôi" đảm nhận cả vai trò đại biểu Hội đồng nhân dân lẫn Chủ tịch Hội đồng nhân dân của Vĩnh Phúc[16]. Không chỉ có Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Quốc hội cũng phải làm y hệt như thế đối với bà Lan [17].
Cần lưu ý, đảng đã biết bà Lan như thế nào từ lâu. Cuối năm 2017, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 12 đã từng xác định Tỉnh ủy Vĩnh Phúc có hàng loạt "sai phạm, khuyết điểm" trong "lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ", trong "lãnh đạo, chỉ đạo" về "quản lý, sử dụng đất", cũng như "quản lý đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm" dẫn tới "lãng phí, thất thoát ngân sách gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy xác định bà Lan phải chịu trách nhiệm nhưng UBKT của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 12 chỉ yêu cầu bà Lan "kiểm điểm nghiêm túc" [18]. Đó cũng là lý do bà Lan tiếp tục được giới thiệu vào Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13, tiếp tục đảm nhiệm vai trò Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, tiếp tục làm đại diện cho dân chúng Vĩnh Phúc tại Quốc hội với vai trò Trưởng đoàn đại biểu của Vĩnh Phúc tại Quốc hội.
Bà Lan vừa tiếp tục công việc, vừa tạo thêm scandal. Đầu năm 2021, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định bổ nhiệm ái nữ của bà Lan – cô Trần Huyền Trang, khi ấy 31 tuổi làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư. Cô Trang vốn là cán bộ đoàn, sau khi thân mẫu trở thành Bí thư tỉnh, cô chuyển sang làm chuyên viên của Sở Kế hoạch và đầu tư rồi được cử sang Singapore học một khóa ngắn hạn, khi trở về cô được bổ nhiệm làm phó một phòng của Sở Kế hoạch và đầu tư, rồi làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và đầu tư trước khi được đẩy lên làm Phó Giám đốc Sở. Tuy xác định việc bổ nhiệm cô Trang vi phạm đủ thứ nhưng giống như cách đó bốn năm, UBKT của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 chỉ yêu cầu "thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng" và "kiểm điểm trách nhiệm" [19].
Có thể thấy, nếu như không có sự dung dưỡng tới mức vô lối, nằm ngoài sự tưởng tượng ấy, bà Lan đã bị xử lý từ năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn không thể "chọc Trời, khuấy nước" thêm bảy năm nữa, khiến hậu quả trở thành "đặc biệt nghiêm trọng" và đối tượng gánh chịu toàn bộ hậu quả vẫn chỉ là dân lành.
Không may bà Lan chỉ là một trong vô số ví dụ. Có vô số dữ liệu "chẳng ra làm sao" về những cá nhân giống hệt bà Lan. Gần nhất là trường hợp ông Dương Văn Thái (Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Bắc Giang), ông Trần Đức Quận (Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Lâm Đồng) Nếu Đảng cộng sản Việt Nam không tự xếp vào loại "quang vinh", không thể có những chuyện như đã biết và đang thấy !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/05/2024
Chú thích
[2] https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/khai-mac-trong-the-ky-hop-thu-bay-quoc-hoi-khoa-xv-i372257/
[5] https://baotiengdan.com/2024/05/20/du-am-hoi-nghi-trung-uong-9-khoa-13/
[11] https://plo.vn/100-dai-bieu-co-mat-bau-ong-tran-thanh-man-lam-chu-tich-quoc-hoi-post791405.html
[14] https://congly.vn/ket-qua-phieu-tin-nhiem-nguoi-giu-chuc-vu-do-hdnd-tinh-vinh-phuc-bau-409710.html
[15] https://nld.com.vn/bi-thu-tinh-uy-tinh-vinh-phuc-hoang-thuy-loan-bi-bat-196240308103734262.htm
[18] https://vietnamnet.vn/bi-thu-chu-tich-vinh-phuc-bi-yeu-cau-kiem-diem-nghiem-tuc-410917.html