Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/05/2024

Dao làm bếp cũng có thể làm chế độ sơ hãi

Huy Đức - JB Nguyễn Hữu Vinh

Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi

Huy Đức, 26/05/2024

"Xem phim chưởng, thì một đôi đũa, một lá bài, trong tay cao thủ cũng có thể trở thành vũ khí. Nếu tư duy 'quy đồng' [mọi người là tội phạm] thì có lẽ, có ngày chúng ta phải ăn bốc, vì đũa là vũ khí nguy hiểm" - một giáo sư luật nói khi theo dõi những sửa đổi trong "Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ".

sohai1

Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải

Theo Giáo sư : Cách quản lý hiệu quả và văn minh là quản lý hành vi sử dụng, gắn liền bối cảnh không gian, ví dụ như [mang những công cụ ấy đến] bến xe, ga tàu... ; chứ bà bán phở, anh tỉ lô... phải đeo cái giấy phép lủng lẳng ở cổ khi mưu sinh thì thật là nực cười ; quản lý từ sản xuất thì sẽ đẩy chi phí kinh doanh lên, mà chả có tác dụng gì khi làm bếp người ta choảng nhau.

Rất đồng tình với Giáo sư nhưng tôi không chỉ tiếp cận vấn đề ở góc độ pháp lý, tôi suy nghĩ rất nhiều ở khía cạnh an ninh của người dân. Nếu định nghĩa như dự thảo thì gia đình nào của Việt Nam, đặc biệt là nông dân, mà không có ít nhất một công cụ "thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định" [Xem dưới chân bài, phần PS].

Vài tuần trước, một vị lãnh đạo lão thành của ngành công an cũng đã rất ngạc nhiên khi thấy báo đài đưa tin "Thanh tra Bộ Công an thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước". Và ông được một vị tướng về hưu giải thích, đây là "thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng".

Khi Luật An Ninh Mạng đang được thảo luận, một số đại biểu và chuyên gia pháp lý đã nhìn thấy tình huống này [công an có thể "vào" trong nhiều ngành] ; dù, bằng tư duy quản trị quốc gia thông thường, và hiểu biết của một người từng lãnh đạo ngành, không ai hình dung, công an có thêm chức năng ấy.

Chúng tôi hiểu những khó khăn của các đại biểu quốc hội khi phản biện những chính sách, những luật do Bộ Công an trình. Ngay cả chúng tôi, khi lên tiếng góp ý cho những chính sách của ngành công an, cũng thường nhận được khá nhiều khuyến cáo. Nhưng, "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách".

Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng : Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an.

Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát.

Cảnh sát nên có cảnh sát quốc gia và cảnh sát địa phương. Cảnh sát quốc gia, chủ yếu là lực lượng cảnh sát cơ động [chống bạo động và duy trì tính thống nhất]. Còn, đã là cảnh sát địa phương [nhằm đảm bảo an ninh và bảo vệ dân] thì phải do chính quyền địa phương quyền tuyển chọn, bổ nhiệm và điều động, phù hợp với ngân sách và đặc thù địa phương. Những địa phương an ninh tốt [do kinh tế phát triển, dân tin tưởng chính quyền] có thể biên chế một lực lược cảnh sát cực kỳ tinh gọn.

Ngược lại, cơ quan điều tra thì không bố trí theo cấp hành chính mà có thể phân vùng, địa hạt. Cơ quan điều tra quốc gia chủ yếu điều tra tội phạm tham nhũng, tội phạm về chức vụ và tội phạm có tổ chức [cảnh sát địa phương có thể điều tra hình sự thường như trộm cắp, cố ý gây thương tích…].

Quốc hội nên giám sát, đánh giá chủ trương đưa công an chính quy về xã. Nhiều lãnh đạo cơ sở hiện nay đang nuối tiếc cái thời những công an viên của xã dù không ăn lương chính quy, hễ nghe ở đâu có việc [trộm cắp, gây rối…] là "vừa mặc áo vừa chạy tới" ; họ là những công an viên gần dân, nắm chắc địa bàn và luôn sát cánh cùng chính quyền xã.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn. Chưa bao giờ tội phạm phát triển phức tạp như vừa qua và nếu như lừa đảo trên mạng có yếu tố [mặt trái] của thời đại công nghệ thì "cướp ngân hàng" là hiện tượng mà trước đây rất hiếm [và, bà Trương Mỹ Lan chuyển hàng nghìn tỷ tiền mặt ra khỏi ngân hàng ; bạo loạn có hàng trăm người tham gia... mà không phát hiện được từ trong trứng nước].

Tôi tin, nếu cắt giảm 2/3 và tăng lương lên gấp 3, không những an ninh sẽ được cải thiện mà hình ảnh người công an trong mắt người dân cũng sẽ đẹp hơn.

Cơ chế quản lý, đặc biệt là quản lý đất đai, dự án của ta hiện nay rất khó làm đúng. Rất ít ai ở trong hệ thống này đã từng ký tá mà dám tin rằng mình chưa làm gì sai. Hiện thực ấy, đã khiến cho chỉ có rất ít người đang vận hành hệ thống này không phải sống trong sợ hãi. Không chỉ quan chức. Nên tránh những điều luật khiến cho gần như mọi gia đình và phần lớn người dân đều có thể vi phạm. Đừng để thường dân cũng phải luôn nơm nớp, bất an.

Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi.

Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc bộ công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành.

Sau những năm tháng ngao ngán chứng kiến quan tham "ăn không từ một cái gì", háo hức chờ những vụ bắt bớ ; giờ đây, cái đất nước cần là một giai đoạn thật sự thái bình. Cần những sửa đổi về thể chế để sao cho quan có thể tử tế khi còn tại chức, dân có thể ngủ ngon khi nói và làm những điều ngay thẳng.

Huy Đức

(26/05/2024)

PS : Theo dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Dự thảo luật này cũng yêu cầu "khai báo vũ khí thô sơ và dao có tính sát thương cao trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu".

*************************

Tước vũ khí : biểu hiện của nỗi sợ hãi 

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 25/05/2024

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ?

Nhà nước pháp quyền được mô tả là nhà nước mà ở đó, mọi người, mọi tổ chức trong xã hội (bao gồm cả nhà nước), phải được cai trị và hành xử tuân theo luật pháp, đồng thời, luật pháp đó phải sao cho mọi người có thể và sẵn sàng tuân theo.

phapquyen1

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 11/2022

Trong nhà nước pháp quyền một số nguyên tắc phải được áp dụng vào thực tế : Đó là pháp luật phải được xây dựng một cách bình đẳng, công bằng và không ai được đứng trên luật pháp. Sự phân chia quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hệ thống tư pháp độc lập, công bằng, công khai. Luật pháp được đưa ra bởi đại diện của người dân một cách công khai và minh bạch. Pháp luật có khả năng được mọi người biết đến, để mọi người đều có thể tuân theo.

Tuy nhiên, trong cái gọi là Pháp quyền xã hội chủ nghĩa – một "sáng kiến" hoặc được gọi là mô hình quái gở tại Việt Nam – thì mọi điều không tuân theo nguyên tắc đó.

Ở đó, câu khẩu hiệu "Mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" được giăng khắp nơi, từ hang cùng ngõ hẻm. Nhưng cái Hiến pháp và pháp luật đó, được đưa ra bằng chủ quan của một tổ chức với 5 triệu thành viên trên tổng số 100 triệu người dân Việt Nam : Đảng cộng sản Việt Nam.

Thế nên, trong cái gọi là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam" theo Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng thì ai nào nói đến "Tam quyền phân lập" là đã suy thoái về tư tưởng. Dù nhà nước pháp quyền, thì cũng phải được đảng lãnh đạo tuyệt đối thì mới là tiến bộ. Tất tần tật, tuốt tuồn tuột đều "dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng". Đó mới là thể chế tiến bộ nhất hiện nay trên thế giới – theo nghiên cứu của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Thế nhưng, nếu tổ chức đó là một tổ chức có đủ các tố chất là "khoa học của mọi khoa học, là đội quân tiên phong, là đạo đức, là văn minh"… nhưng những lời tự ca ngợi mình thì có lẽ còn phần nào có thể giải thích. Trái lại, ở đây, cái tổ chức ấy, cái đảng ấy - theo chính lời của những người lãnh đạo cấp cao của đảng – thì đó là "một bầy sâu" - lời của Trương Tấn Sang, chủ tịch nước ; Nó là một bình đựng chuột, nên "đánh chuột nhưng đừng để vỡ bình" – lời của Nguyễn Phú Trọng ; Nó là một tổ chức ăn cắp, ăn cướp của dân mà chúng ăn "Không chừa một thứ gì" – lời của Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước ; và không chỉ ăn, "chúng vừa ăn, vừa phá, chúng phá tàn canh đất nước" – lời của Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính của đảng. Và kết luận cuối cùng, thì đảng là ổ tham nhũng, trộm cướp, vì thế mà "Chống tham nhũng là Ta đánh Ta" – lời của Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Vậy nên, quá trình hình thành và ban hành, thi hành luật pháp tại Việt Nam có những điều đi ngược với thế giới văn minh vì nó chỉ nhằm phục vụ cho cái ổ tham nhũng ấy.

Và câu định nghĩa về luật pháp rằng : "Luật pháp là những nguyên tắc cai trị mà giai cấp thống trị đặt ra để bảo vệ giai cấp đó" được chủ nghĩa cộng sản đưa ra, đã được áp dụng triệt để tại Việt Nam, chỉ nhằm bảo vệ sự cai trị của Đảng cộng sản, bất chấp ý nguyện, bất chấp thực tế đời sống xã hội Việt Nam.

Một dự luật quái gở

Dù đã bị phản đối, thì Bộ Công an vẫn tiếp tục đưa ra cái Quốc hội để bàn về dự thảo "Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ" (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, trong đó đề xuất nhiều quy định mới về vũ khí.

Theo đề xuất của cái gọi là "Luật" này thì ngoài Vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và vũ khí thể thao. Trong đó, súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng bắn đạn nổ, súng bắn đạn sơn, súng nén gas, súng nén khí, súng nén hơi… được bổ sung vào danh mục vũ khí quân dụng. Thì lần này, Bộ Công an còn đưa vào danh mục Vũ Khí bao gồm : "Các loại dao có tính sát thương cao", những loại này được bổ sung vào danh mục "các loại vũ khí thô sơ".

Hẳn nhiên, đã là dao thì dao nào mà chẳng có tính sát thương. Dao mà không có tính sát thương đâu còn là dao. Bởi chức năng của dao, hẳn nhiên là phải sắc, phải bén.

Mà định nghĩa dao là "Vũ khí" – nghĩa là công dân không được sử dụng mà không phải xin phép công an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ Công an cho rằng : "Dao có tính sát thương cao được định nghĩa là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi từ 20cm trở lên, hoặc dao có chiều dài lưỡi dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao".

Thế rồi hôm nay, khi đưa ra thảo luận tại cái gọi là Quốc hội, một đại biểu còn cho biết rằng không chỉ dao dài 20 cm trở lên, mà có những con dao nhỏ, vẫn có công năng sát thương rất cao. Vậy liệu có nên cấm tất, cấm tuốt những gì liên quan đến dao búa, đến sắt thép.

Tước vũ khí - đưa xã hội về thời kỳ đồ đá

phapquyen2

Một Đại biểu quốc hội còn cho biết rằng không chỉ dao dài 20 cm trở lên, mà có những con dao nhỏ, vẫn có công năng sát thương rất cao.

Thông thường, khi một thực thể đứng trước một thực thể khác với mối quan hệ bình đẳng, cộng sinh, với ý chí cùng xây dựng hòa bình và sự tử tế thì ít khi bạo lực được đề cập đến, trái lại, ở đó là những quan hệ tốt đẹp, hòa bình và cùng phát triển.

Ở những nhà nước bình thường, nhà nước của nhân dân thì nhà nước được sự xây dựng, chăm nuôi bởi người dân và nhà nước ấy phục vụ mục đích, lợi ích của nhân dân, thì nhà nước ấy sẵn sàng đứng trước mũi súng của nhân dân mà không bao giờ sợ hãi. Bởi họ biết chắc chắn rằng nhân dân coi họ là của mình.

Theo con số thống kê gần đây, thì Hoa Kỳ có 331 triệu người, nhưng có đến gần 400 triệu khẩu súng trong dân chúng. Điều đó có nghĩa là ở Hoa Kỳ, mỗi người trưởng thành sử dụng trung bình nhiều hơn 2 khẩu súng.

Dù xã hội Mỹ thỉnh thoảng vẫn có những vụ xả súng và tai nạn súng đạn mà mỗi lần xảy ra là cơ hội cho báo chí Việt Nam tung hê rằng xã hội ấy mất an toàn. Nhưng, chính phủ Hoa Kỳ vẫn đứng vững trước mũi của hàng trăm triệu khẩu súng ấy của người dân.

Và hơn 200 năm qua, người dân vẫn không nổ súng vào chính phủ. Mặc cho chính phủ ấy không tự xưng là "của dân, do dân, vì dân".

Ngược lại, trước một thực thể luôn coi đối tác là thù địch, là đối tượng cần trấn áp, cần thống trị bằng vũ lực, thì bạo lực được tính đến.

Và khi đó, việc tước vũ khí đối phương là điều quan trọng.

Tại Việt Nam, một nhà nước được hình thành bằng cuộc Cướp chính quyền năm 1945, rồi tự xưng là "Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân", nhưng nhà nước ấy, do đảng tạo ra và nhằm phục vụ đảng. Khi mà quyền lợi đảng chính là những nguồn sống, là thành quả của người dân, là tài nguyên của đất nước, đảng thực hiện chính sách "của mày là của tao", thì đảng luôn luôn cảnh giác trước nhân dân và đặt nhân dân vào "thế lực thù địch". Bằng nhiều cách, cái nhà nước ấy đã tìm mọi cách "tước vũ khí của nhân dân".

Không phải bây giờ nhà nước Việt Nam mới nghĩ ra cái chuyện "tước vũ khí".

Trước tình hình người dân oán hận đủ mọi lĩnh vực, mọi hình thức và nhất là càng ngày, nhà cầm quyền càng lộ rõ bản chất của mình trước nhân dân, nhà cầm quyền Việt Nam đã đánh hơi thấy sự nguy cấp của mình khi họ biết rằng dân đã rõ bản chất của đảng và mất hết lòng tin, vào sự mơ hồ được đảng gieo rắc bấy lâu vào đảng.

Từ năm 1995, khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ra lệnh cấm pháo Tết, bắt đầu từ pháo nổ rồi pháo bông, rồi các loại pháo khác nhau đều bị cấm trong mọi trường hợp. Nguyên nhân là nỗi sợ hãi những tiếng nổ. Bởi chính Tết Mậu Thân 1968, người Cộng sản đã lợi dụng thời điểm nổ pháo mừng xuân mà thay bằng đại bác vào toàn Miền Nam. Nay họ sợ người dân học tập và làm theo khii mà lòng căm phẫn trong dân càng ngày càng sôi sục.

Bước tiếp theo là tịch thu toàn bộ vũ khí trong dân, kể cả súng đạn trước cấp cho các lực lượng tự vệ, dân quân.

Chưa yên tâm, nhà cầm quyền Việt Nam lại tịch thu toàn bộ vật liệu nổ, vũ khí thô sơ, súng săn, súng hơi… miễn là có tính sát thương, có nguy cơ nổ vào cơ quan đảng và nhà nước.

Rồi sau đó, là công cụ hỗ trợ và bây giờ là… dao.

Điều này nói lên rằng, Nhà cầm quyền Việt Nam sợ hãi đến từng dụng cụ hàng ngày trong đời sống xã hội.

Điều này, cũng có nghĩa là nhà cầm quyền Việt Nam đã phần nào hiểu được lòng dân và tự họ biết được vị trí của họ trong lòng dân ra sao.

Nhiều người nghĩ rằng chẳng lẽ Bộ Công an là nơi soạn thảo văn bản này lại không hiểu được con dao trong đời sống xã hội Việt Nam nó quen thuộc, thân thiết và cần cho đời sống con người như thế nào ?

Một xã hội từ bà nấu bếp cho đến thái rau, từ ông tiều phu đến người dân bán thịt, người đi rừng đến ra đồng cày cuốc… từ ngàn đời nay trên tay họ vẫn là con dao. Hẳn ai cũng biết rằng cái gọi là "Dao có tính sát thương cao" là một sự ngây ngô và mù mờ. Đã là dao mà không sắc, không bén thì ai gọi là dao. Mà đã sắc, đã bén thì cái gì chẳng có tính sát thương cao ?

Và trong đời sống xã hội, con dao không chỉ dài có 20 cm là đủ. Có những con dao lớn, dao bé, dao mẹ, dao con phù hợp với từng lĩnh vực công việc, nghề nghiệp của mỗi người. Muôn bình vạn trạng với dao thẳng, dao cong, dao nặng dao nhẹ.

phapquyen3

Đã là dao mà không sắc, không bén thì ai gọi là dao. Mà đã sắc, đã bén thì cái gì chẳng có tính sát thương cao ?

Bỗng nhiên, bây giờ nhà nước đưa ra cái gọi là "Luật". Những ai muốn chế tạo, mua bán, nhập cảnh, cất giữ, sử dụng phải có giấy phép, có lệnh của Công an, còn không là "Cấm".

Và điều hiển nhiên, là cả xã hội Việt Nam từ lớn đến bé, từ Nam đến Bắc, từ xuôi đến ngược, từ thành thị đến nông thôn đều là con tin, là tội phạm tiềm năng của công an.

Và khi đó, được bình an, được sống là ơn mưa móc của đảng qua hệ thống Công an.

Vậy làm sao để không ảnh hưởng đến xã hội ?

Thế nên, nếu "Luật" này được thông qua, người dân không được dùng dao có mũi nhọn, không được dùng dao sắc, chỉ được dùng dao cùn, dao ngắn dưới 20 cm, và không được hoán cải khác thông thường… hoặc tốt nhất là chỉ được dùng đồ đá, đồ bằng xương, bằng sành… như thời nguyên thủy.

Như vậy, đảng nói Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh thực hiện Chiến dịch Linebacker II nhằm "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá" nhưng không làm được, thì nay đảng đang từng bước hiện thực hóa thời kỳ đồ đá tại Việt Nam.

Vậy thì chắc lại phải sửa dự luât, cấm tất cả các loại dao thì may ra lãnh đạo đảng và nhà nước mới ăn ngon, ngủ yên mà không hề phải sợ nhân dân phản ứng. Phải đưa nhân dân về trang thái tuyệt đối "tay không tấc sắt".

Bởi dân còn cầm vũ khí, thì đảng còn mất ăn, mất ngủ.

Biểu hiện của nỗi sợ hãi

Dù cho đến tận khi đưa ra trước Quốc hội để bàn, thì ông Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc vẫn thú nhận là văn bản soạn thảo của Dự án này vẫn chưa đâu vào đâu và : "khẳng định ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu thận trọng, thấu đáo vấn đề này, để làm sao đạt được cả thuận lợi cho công tác quản lý cũng như không làm ảnh hưởng tới hoạt động xã hội".

Hẳn nhiên, ai cũng biết rằng, có đưa những nội dung nhảm nhí này vào đời sống xã hội, thì công an mới có công ăn việc làm đủ cho lực lượng hùng hậu của mình đã phình to một cách đáng sợ mấy chục năm qua. Và qua đó, hệ thống công an mới đủ lý, đủ lẽ bằng giấy trắng, mực đen vào tận nhà bếp, buồng ngủ công dân, mới có cớ mà bắt, mà phạt, mà kiếm ăn.

Hẳn nhiên, ai cũng biết rõ ràng rằng, khi đảng đã thích, thì chuyện lấy ý kiến, góp ý… chỉ là trò hề, trò trẻ con chẳng đánh lừa được ai, ngoại trừ những ý định bán nước lộ liễu bằng văn bản như "Luật đặc khu" hay những thứ tương tự kích động lòng dân đến mức hoặc đồng ý hoặc bị tiêu diệt tập thể. Còn lại, hầu như Ý đảng đều được các đại biểu "Đảng hội" giơ tay thông qua với tỷ lệ cao nhất dù đi ngược lòng dân.

Người ta biết rằng, với hệ thống chính trị nát bét như hiện nay và với cái gọi là Quốc hội với mỗi nhiệm vụ là "Giơ tay" theo nghị quyết, ý định của đảng. Trong khi đó, từ trứ trụ triều đình đến Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đến Quốc hội, đều được điều hành bởi hệ thống công an, thì việc đưa ra các chỉ thị, nội dung theo ý đồ công an không là chuyện khó.

Thế nhưng, nói rằng nó có tác dụng cho xã hội, cho đất nước thì chắc chắn là không.

Nó càng không thể là cái mà nhà cầm quyền, mà lực lượng nhà nước đang hà hiếp dân có thể yên tâm kê cao gối mà ngủ.

Bởi, điều mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam quên mất, rằng điều cốt yếu là ở lòng dân, chứ không phải vũ khí mà họ đang cầm trong tay.

Bởi lòng dân mới là biển lớn, sẽ đến lúc nhấn chìm bọn vô lại, đi ngược lại quyền và lợi ích của người dân, của đất nước, của dân tộc.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 25/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huy Đức, JB Nguyễn Hữu Vinh
Read 198 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)