Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/05/2024

Bộ Công an, từ thanh kiếm bảo vệ chế độ, thành đao "chém" các "đồng chí" !

Hoàng Phúc

Hiện nay, Bộ Công an được hưởng ngân sách lớn thứ nhì trong Chính phủ, chỉ sau Bộ Quốc phòng.

Hồi tháng 4, Bộ này đã tuyển và huấn luyện thêm 16.000 cảnh sát cơ động. Có thể, đây không phải là đơn vị duy nhất tăng quân số, mà còn nhiều đơn vị khác. Ngân sách leo thang từng năm, quân số tăng lên, thì tất nhiên, ban bệ cũng phình ra, và từ đó, ông Bộ trưởng có thể cơ cấu thêm người của mình.

boncongan1

Tô Lâm ngồi ghế Chủ tịch nước, nhưng vẫn muốn thủ ghế Bộ trưởng Bộ Công an

Thông thường, muốn giành ghế ngon cho phe mình, Tô Lâm cho chuyển người đang nắm giữ vị trí bị nhắm đến đi nơi khác, để chèn đệ tử của mình vào. Một cách nữa để giành ghế là gia tăng ban bệ, gia tăng quân số. Những yêu cầu như thế này, trước đây được Tô Lâm trình lên Bộ Chính trị, lấy lý do là vì an ninh chính trị, và luôn được ông Trọng đáp ứng. Để rồi sau đó, Tổng Trọng đã nhận một đòn thật nặng từ thuộc hạ mà ông vẫn luôn nuông chiều.

Tám năm nắm chức Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm đã mượn lý do trấn áp dân, để xây dựng quyền lực cho riêng mình. Như vậy, Tô Lâm đã đem người dân ra để che mắt ông Nguyễn Phú Trọng.

Tại Trung ương Đảng khóa 12, Bộ Chính trị chỉ rụng một mình ông Đinh La Thăng. Tuy nhiên, ở Trung ương Đảng khóa 13 này, chỉ mới 3 năm, mà đã rụng đến 5 ủy viên Bộ Chính trị, đấy là chưa kể hàng loạt các ủy viên Trung ương Đảng đang ngồi bóc lịch. Vai trò của Tô Lâm trong những đợt thanh trừng này là rất lớn, ít nhất, 3/5 người rụng là do Tô Lâm tự đánh, không phải nhận chỉ thị của Tổng Trọng.

Như vậy, Bộ Công an đã trở thành công cụ cho cựu Bộ trưởng đốn hạ "đồng chí", để mưu cầu quyền lực cá nhân.

Tô Lâm là người rất toan tính, ông âm thầm xây dựng lực lượng hậu thuẫn cho cá nhân, trong suốt nhiều năm ròng rã. Đến lúc cho rằng, tình thế đã chín muồi, ông mới ra tay, dùng Bộ Công an – như là công cụ của riêng ông – trong việc triệt hạ các "đồng chí".

Có thể nói, sự nuông chiều của Đảng cộng sản, mà cụ thể là Tổng Trọng, đối với Bộ Công an, giờ đây đã khiến cho người đứng đầu Đảng không thể cầm cương con voi dữ – Bộ Công an. Dùng quá nhiều tiền tài, vũ khí và quân lính để trấn áp dân, để rồi từng người, từng người trong hàng ngũ lãnh đạo đã phải trả giá.

Việc biến Bộ Công an thành công cụ để tranh ngai vàng của Tô Lâm sẽ tạo thành một tiền lệ xấu cho Đảng cộng sản. Chưa bao giờ, việc sắp xếp nhân sự cho ghế Bộ trưởng Bộ Công an lại khó khăn như bây giờ. Có ít nhất 6 ứng viên, gồm 3 ủy viên Bộ Chính trị, và 3 ủy viên Trung ương Đảng, đang tranh nhau quyết liệt ghế này. Ai/Phe nào có thể nắm được Bộ này, thì tự nhiên có thể tranh ghế cao nhất trong Đảng.

Ông Tổng bí thư muốn an tâm ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ 4, thì phải đưa được người của ông vào ghế Bộ trưởng Công an. Ông Phạm Minh Chính muốn trở thành thế lực thay thế cho Tổng Trọng, thì cũng cần có người của ông nắm Bộ Công an. Ông Tô Lâm muốn yên ổn ở ghế Chủ tịch nước đến hết nhiệm kỳ, thì cũng phải giữ quyền kiểm soát Bộ Công an. Cứ như vậy, các bên tranh giành nhau và tung ra những cú đòn hiểm hóc. Một khi có người chiếm được toàn quyền để kiểm soát Bộ Công an, thì người đó sẽ tha hồ dùng Bộ Công an như "máy chém", dọn sạch những thế lực muốn cản đường.

Ghế Chủ tịch nước đã có chủ, sau gần 2 tháng tranh giành và ngã giá. Tiếp theo, đến lượt các ứng viên và thế lực hậu thuẫn họ, đấu tranh để giành ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Quá trình tranh chiếc ghế này, có khi còn quyết liệt hơn nhiều, so với việc tranh các vị trí trong "Tứ trụ" thời gian qua.

Cuộc chiến cho chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an vẫn còn đang tiếp diễn. Hãy cùng chờ xem !

Hoàng Phúc

Quay lại trang chủ
Read 308 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)