Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/05/2024

Tại sao ai cũng sợ Tô Lâm nắm chức Tổng bí thư Đảng cộng sản ?

Trà My

Vì sao Tổng Trọng và lãnh đạo Việt Nam rất "lo ngại" Tô Chủ tịch lên chức Tổng bí thư ?

Trà My, VOA, 28/05/2024

Chủ tịch nước, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã bước vào các hoạt động chính thức trong vai trò nhân vật số 2, trong Tứ trụ. Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Bộ Công an, người sẽ thay thế cho ông Tô Lâm là ai, vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

tutru

Tứ trụ mới vừa được thành hình tháng 5/2024

Theo giới quan sát quốc tế, ông Nguyễn Phú Trọng và số đông các lãnh đạo chủ chốt của Đảng cộng sản Việt Nam, trong thời gian gần đây, hết sức "ngần ngại" trước viễn cảnh, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm lên chức Tổng bí thư, vì họ sợ, ông Tô Lâm có thể phá nát Đảng.

Tại sao họ lại nghĩ xấu cho tân Chủ tịch nước Tô Lâm như vậy ?

Công luận cho rằng, trong quá khứ ông Tô Lâm có mối quan hệ khá thân thiết với cựu Thủ tướng 2 nhiệm kỳ là ông Nguyễn Tấn Dũng – đối thủ chính trị của Tổng Trọng. Bộ trưởng Công an trước đây từng là Thư ký riêng của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, cố vấn An ninh và Tôn giáo, một nhân vật thân cận với ông Ba Dũng.

Sau Đại hội Đảng 12, với sự hỗ trợ của Bắc Kinh, ông Nguyễn Phú Trọng đã đảo ngược tình thế, để chiến thắng cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và đẩy ông Ba Dũng về vườn, làm người tử tế. Kể từ đó, quyền lực của Tổng Trọng tăng lên nhanh chóng.

Giới phân tích đánh giá :

"Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ còn là cái bóng của Tổng bí thư Trọng. Những gì ông Trọng nói, các ủy viên Trung ương xem như nghị quyết, và vấn đề gì ông Trọng viết, thì họ được tuyên truyền, thổi phồng thành "kim chỉ nam", như Kim Jong Un ở Bắc Triều Tiên".

Tất cả các đối thủ chính trị vốn là đàn em của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lần lượt bị đưa lên "đoạn đầu đài". Điển hình là Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành Hồ Đinh La Thăng. Nhưng trong cái rủi đó, thì Bộ trưởng Tô Lâm lại có cái may. Theo đó, để truy tố được Đinh La Thăng, thì cần phải bắt được Trịnh Xuân Thanh.

Song, lúc đó, Trịnh Xuân Thanh đã nhanh chân, cao chạy xa bay sang Berlin để xin tỵ nạn chính trị. Lập tức, Tô Lâm tình nguyện "điệu" Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam, để lấy lòng Tổng Trọng, và đã thành công. Với chiến công "oanh liệt" này, Tô Lâm được Tổng Trọng tin dùng, và nhanh chóng trở thành cánh tay đắc lực của ông Trọng.

Đó là lý do vì sao, Giáo sư Zachary Abuza, từ Hoa Kỳ, đã nhận định rằng :

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao cho ông Tô Lâm quá nhiều quyền lực, để chống tham nhũng, và có thời điểm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn có thể kiểm soát quyền lực của Đại tướng Tô Lâm".

Trong lúc, có những đồn đoán cho rằng, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những thỏa thuận ngầm với Tổng Trọng, để đảm bảo sự an toàn cho Ba Dũng sau khi nghỉ hưu. Việc hai con trai của ông Ba Dũng, Nguyễn Thanh Nghị – Bộ trưởng Bộ Xây dựng ; và Nguyễn Minh Triết – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, vẫn tiếp tục thăng tiến, là minh chứng cho điều vừa kể.

Nhưng điều đó không có nghĩa là có thể khẳng định, ông Ba Dũng vô can trong cuộc chiến "vương quyền", ở thượng tầng vừa qua, với sự nổi loạn của Bộ trưởng Tô Lâm.

Trong vụ án Đại tá Nguyễn Duy Linh – cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo – con trai Tướng Hưởng, bị truy tố với cáo buộc nhận hối lộ của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm", 5 triệu USD. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy, ông Tô Lâm – trong vai trò Bộ trưởng Bộ Công an, đã tham gia chỉ đạo, để Cơ quan Điều tra của Bộ Công an, làm sai lệch hồ sơ của vụ án, nhằm chạy tội cho Đại tá Linh.

Việc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quyết định trả lại Hồ sơ của vụ án, yêu cầu Bộ Công an phải tiến hành điều tra lại, theo yêu cầu từ Văn phòng Tổng bí thư, đã cho thấy, ông Trọng nắm rất chắc nội tình của Bộ Công an.

Nhưng vào thời điểm đó, Bộ trưởng Tô Lâm vẫn còn có giá trị sử dụng, nên sau khi hoàn tất hồ sơ, vụ án Nguyễn Duy Linh được đưa ra xét xử. Theo đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Duy Linh 14 năm tù, về tội nhận hối lộ, với số tiền chỉ còn là 500 ngàn USD.

Vào thời điểm đó, theo giới thạo tin, ông Tô Lâm đã giúp cho con trai của Tướng Hưởng giảm bớt số tiền nhận hối lộ, xuống chỉ còn 10%, để giảm nhẹ hình phạt tù. Quan trọng hơn, số tiền nhận hối lộ chênh lệch hơn 4 triệu USD không bị thu hồi, là một thắng lợi lớn. Với bản án 14 năm tù, Nguyễn Duy Linh sẽ thụ án khoảng nửa thời gian, tức 7 năm, rồi sẽ ra tù với số tiền nhiều triệu USD, có lẽ là "giấc mơ" của không ít người.

Xin đừng quên, gần đây, Tướng Hưởng bị mạng xã hội cáo buộc, là người đứng sau chỉ đạo sự "nổi loạn" của Bộ Công an và Bộ trưởng Tô Lâm, trên danh nghĩa kế hoạch "Ván bài lật ngửa" của Bộ Công an, hay "Cuộc đảo chính không tiếng súng".

Trà My

*************************

Ai sẽ là Tổng bí thư Đại hội 14 : Vì sao Tô Đại và Thủ Chính hy vọng rất mong manh ?

Trà My, Thoibao.de, 28/05/2024

Theo giới quan sát, mặc dù hai ghế "Tứ trụ" – Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội – còn trống đã được bổ sung, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy, cuộc đấu đá nội bộ trong Ban lãnh đạo cấp cao sẽ tiếp tục tiếp diễn, thậm chí ở mức độ cao hơn.

tolam2

Bộ trưởng công an Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính grof cuyện trong hàng lang Quốc hội - Ảnh minh họa

Cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng bí thư giữa các ứng viên còn "sót lại", đã có biểu hiện tăng tốc, khi còn 19 tháng nữa là Đại hội 14 sẽ khai mạc, vào đầu năm 2026.

Theo đó, trong 4 ứng viên hiện nay, ngoài Tổng Trọng – người gần đây không giấu diếm tham vọng ngồi lại ghế đứng đầu Đảng, thêm nhiệm kỳ thứ 4. Trong lúc, ông Trọng có biểu hiện cho thấy, ông có về vấn đề sức khỏe. Mới đây nhất, sau Hội nghị Trung ương 9, Tổng Trọng lại biến mất một cách bí ẩn, nhưng lần này có vẻ là có chủ đích.

Cuộc đua vào ghế Tổng, ngoài các nhân vật như Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng cần phải kể tới một "ngôi sao" mới nổi, đó là, Đại tướng Lương Cường. Ông Cường mới được đưa lên ghế Thường trực Ban Bí thư – nhân vật số 5 theo cấp bậc trong Đảng.

Theo giới quan sát quốc tế, nhiều dấu hiệu cho thấy, khả năng rất cao, tân Thường trực Ban Bí thư – Đại tướng Lương Cường, có thể dễ dàng trở thành Tổng bí thư kế nhiệm, nếu ông Trọng chịu rút lui.

Ngược lại, đối với ông Tô Lâm, cơ hội trở thành Tổng bí thư là điều hết sức mong manh. Dù rằng, ông Tô Lâm – trên cương vị Chủ tịch nước, cũng có những ưu thế nhất định, đó là vị trí thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Nhưng để thành công, Tô Lâm cũng cần một điều kiện khắc nghiệt. Đó là, tân Bộ trưởng Công an – người sẽ ngồi vào chiếc ghế còn bỏ trống, phải là nhân sự chịu ảnh hưởng của ông Tô Lâm.

Đây là điều hoàn toàn không tưởng, bởi lý do, Tổng Trọng và Ban lãnh đạo Đảng đã "ăn đòn" đủ, và nhớ đời về cuộc nổi loạn của ông Tô Lâm, kể từ đầu năm 2024 cho đến nay.

Giáo sư Nguyễn Văn Chữ từ Hoa Kỳ, đã đưa ra cảnh báo :

"Nếu mà ông Tô Lâm nắm được Bộ Công an và giữ chức vụ Chủ tịch nước, ông ta sẽ dùng chính lời của ông Trọng về "trách nhiệm của người đứng đầu", để đẩy ông Trọng ra đi, trước cuối năm nay. Lý do là, nếu ông Trọng còn ngồi ghế Tổng bí thư, thì ông Trọng sẽ không giới thiệu ông Tô Lâm kế nhiệm ông ta".

Hơn nữa, thực tế cho thấy, ông Tô Lâm đã không thành công khi đề cử người của mình vào Bộ Chính trị, để đoạt ghế tân Bộ trưởng Bộ Công an. Vì thế, khả năng rất cao, Tô Chủ tịch sẽ phải chống lại các nỗ lực rất lớn, đang đe dọa ông ta, và có nguy cơ, sẽ bị gạt ra khỏi cuộc đua. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, "Ông Tô Lâm khó có thể "sống sót", vì ông đã có quá nhiều kẻ thù". Chỉ riêng cái Công ty Xuân Cầu của em trai ông Tô Lâm, cũng đủ để những người khác đẩy ông ấy xuống rồi.

Theo Giáo sư Zachary Abuza, từ Hoa Kỳ, sau khi rời ghế Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm đã suy giảm quyền lực đáng kể, và khó có thể hạ được Thủ tướng Phạm Minh Chính – một đối thủ nặng ký.

Những phân tích trên hoàn toàn phù hợp với đánh giá của Giáo sư Chữ :

"Nếu ông Tô Lâm ra đi, thì ông Phạm Minh Chính thừa hưởng hết, và ông Chính lợi nhất".

Giáo sư Chữ giải thích, ông Phạm Minh Chính là người rất là tâm cơ. Ông rất giỏi cái chuyện này. Ông Vương Đình Huệ hay "làm thinh", nhưng rốt cục vẫn bị kẹt, nhưng ông Chính thì khác. Khi mọi người đang "đấm nhau", thì dường như ông Phạm Minh Chính đứng yên. Nhân vật đáng lo lắng phải là ông Tô Lâm, chứ không phải ông Chính.

Việc ông Phạm Minh Chính là người ký quyết định cho ông Trần Quốc Tỏ – Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an – một đối thủ trước đây của Tô Lâm, nắm quyền điều hành Bộ Công an, đã thể hiện rất rõ ý đồ của Thủ tướng Chính.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Chính – một ứng viên đang cố gắng để thay thế Tổng Trọng, hoàn toàn không suôn sẻ. Không phải chỉ do cái gốc tướng lĩnh Bộ Công an trước đây, mà ông Chính còn là người do ông Ba Dũng đưa lên, cũng là hạn chế rất lớn.

Hơn thế nữa, ông Chính có scandal về quan hệ trên mức tình cảm với bà "trùm" Nguyễn Thị Thanh Nhàn, và vấn đề tham nhũng của bà. Nếu các đối thủ của ông Chính lôi lại vấn đề này, và sử dụng làm cái cớ để hạ bệ, thì ông Chính cũng khó thành công.

Nhiều chỉ dấu cho thấy, Tổng Trọng đang dựa vào lực lương Quân đội, không chỉ làm đối trọng, mà còn để kiểm soát ngành Công an. Do đó, có thể tin rằng, Đại tướng Lương Cường là người có lợi thế nhất, để trở thành Tổng bí thư tại Đại hội 14, với điều kiện Tổng Trọng chịu rút lui khỏi cuộc chơi.

Trà My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My
Read 331 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)