Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/05/2024

Nốt lặng trong giáo dục

Viết từ Sài Gòn

Câu chuyện về một em bé bị nhìn thèm, ngồi nhìn các bạn và thầy cô ăn tiệc liên hoan cuối năm, em ngồi nhìn như vậy cho đến khi tan buổi liên hoan và ra về ở trường Tiểu học Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương trong dịp kết thúc niên khóa 2023 - 2024 vừa qua khiến cộng đồng mạng sôi sục. Ở một góc khác, có thể xem đây là nốt lặng trong giáo dục, một nốt nhạc khiến cho mọi thứ như đứng im, hóa đá và theo sau đó là một chuỗi bàng hoàng. Nỗi bàng hoàng của nốt lặng này nằm ở chỗ trách nhiệm làm cha, làm mẹ, trách nhiệm làm thầy cô, làm ban đại diện phụ huynh và trên hết là trách nhiệm làm người của những người lớn có liên quan.

ngheo1

Một em bé bị nhìn thèm, ngồi nhìn các bạn và thầy cô ăn tiệc liên hoan cuối năm, em ngồi nhìn như vậy cho đến khi tan buổi liên hoan và ra về

Theo báo Dân Trí, lớp học có 32 học sinh nhưng ban phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm chỉ mua 31 suất gà rán và để cho một em bé ngồi nhìn các bạn ăn vì gia đình không đóng tiền khẩu phần ăn cho em bé ấy. Vậy là cộng đồng mạng sôi sục và ném đá về phía các đại diện cha mẹ học sinh cũng như giáo viên chủ nhiệm.

Về phần ban đại diện cha mẹ học sinh (trước đây gọi là ban đại diện phụ huynh học sinh) và giáo viên chủ nhiệm, họ cũng phản hồi thông tin, nêu ra sự thật là trước đó, tức năm học 2022 - 2023, cùng chính em bé này và người mẹ này đã làm họ uất ức. Nghĩa là người mẹ cũng không đóng tiền liên hoan cho con, tuyên bố rằng có tiền nhưng không đóng khoản vô lý ấy. Sau đó, buổi tiệc liên hoan vẫn diễn ra, cả lớp đều có phần ăn, em bé ấy cũng có phần ăn. Xong buổi liên hoan, người mẹ lên mạng xã hội buông lời quở trách, thậm chí sỉ vả ban phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm với nội dung thức ăn tệ hại, không xứng đáng để con cô ăn.

Theo ban đại diện cha mẹ học sinh, vậy là rút kinh nghiệm năm trước, năm nay quyết định không mua suất thứ 32 cho bé, không mua gà rán cho bé nhưng vẫn để bé cùng ăn bánh kẹo với các bạn. Sự vụ tưởng dừng ở đó, ai dè mạng xã hội, rồi báo Dân Trí đưa tin, sau đó là cuộc ném đá của bạn đọc vì bức xúc. Chuyện trở nên trầm trọng, người ta đặt câu hỏi về nhân cảm, nhân tính của giáo viên chủ nhiệm cũng như ban đại diện cha mẹ học sinh. Và đương nhiên, người ta không quên đặt câu hỏi về trách nhiệm làm mẹ của người mẹ.

Điều này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về quá trình lịch sử của ngành giáo dục Việt Nam, một ngành giáo dục vừa có tính cách mạng nhưng cũng vừa có tính lạc hậu thuộc vào hàng bậc nhất thế giới này.

Tính cách mạng của Giáo dục Việt Nam (cả hai phía) với miền Nam - Việt Nam Cộng Hòa dựa trên nền tảng triết lý : Nhân Bản - Dân Tộc - Khai Phóng. Miền Bắc - Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với chủ trương nam nữ bình đẳng trong học tập. Tức có một bước cách mạng trong giáo dục miền Bắc, đó là phụ nữ được đi học, đây là điểm khác biệt giữa giáo dục miền Bắc với giáo dục thời phong kiến.

Tuy nhiên, cái ách giáo dục xã hội chủ nghĩa cùng với biến thiên lịch sử, từ thời Cải Cách Ruộng Đất cho đến thời Kinh Tế Hợp Tác Xã, Tập Trung Bao Cấp, rồi đến nay là Kinh Tế Thị Trường theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, dường như nền giáo dục chịu quá nhiều cái ách và vết thương trên gáy của nó chưa kịp chai sần thì mưng mủ.

Nói về một bữa ăn hụt trong buổi liên hoan của một em bé tiểu học, tại sao tôi phải lôi cả chuỗi dài lịch sử giáo dục ra và điều này có khiên cưỡng quá không ? Tôi nghĩ là không, bởi giáo dục đi ra từ tâm thức và tâm thức đi ra từ giáo dục. Ở một nền giáo dục có bước chuyển từ chỗ đấu tố, anh em, chạ mẹ, con cái sẵn sàng đấu tố, lật tội, thậm chí vu khống nhau vì tiếng vỗ tay của "bề trên" không rõ ràng nào đó, rồi đến lúc người ta ngồi phanh phui từng lát thịt mỡ để cạnh tranh, hơn thua, thậm chí từng lạng ngô, từng lát khoai, lát sắn khô, thậm chí từng mét vải quần cũng bị soi vì chuyện hơn thua... Một nền giáo dục trải qua hai giai đoạn tâm thức chỉ làm cho con người trở nên hơn thua, tranh nhau, kèn cựa nhau khốc liệt vì miếng ăn.

Mãi cho đến khi nền kinh tế thị trường mở cửa, thì toàn bộ nếp nghĩ, toàn bộ các nếp nhăn trên vỏ não ấy được lưu cửu, di truyền sang thế hệ khác, một thế hệ thoải mái hơn về vật chất. Nhưng, có một cuộc cạnh tranh, kèn cựa khác còn khốc liệt hơn, nó hiện hữu nhân danh vật chất. Mọi giá trị của con người được qui đổi về vật chất, người ta định dạng giá trị của con người dựa trên căn nhà anh/chị ta đang ở, chiếc xe anh/chị ta đang đi, chiếc điện thoại di động cùng giày dép, áo quần hàng hiệu mà anh/chị ta đang xài, thậm chí cách vung tiền của anh/chị ta. Tất cả những chỉ dấu trên đều cho thấy giá trị con người được qui vào vật chất.

Và nó "hữu lý" đến độ ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải thốt lên "Có bao giờ được như hôm nay !". Và, trong nền giáo dục trọng vật chất, lấy vật chất làm nền tảng này, quyền lực được định nghĩa theo "phản vật chất", tức là trong lúc người khác phải se sua, bợ đỡ, xu nịnh để con cái được yên ổn học hành, thì ta không tốn xu nào, không cần se sua, bợ đỡ mà con ta vẫn được ưu tiên.

Thứ mặc cảm quyền lực ấy đầy rẫy trong các bậc cha mẹ có con đến lớp. Tôi từng chứng kiến nhiều cảnh dở khóc dở cười khi cha mẹ học sinh lôi cái thông tư 55 của Bộ Giáo dục về việc thu phí hay không thu phí hội cha mẹ học sinh, quĩ lớp... và tuyên bố không đóng các quĩ ấy vào đầu năm học, thế nhưng đến cuối năm học, chính cái người không đóng quĩ lớp lại là người to tiếng nhất trong việc phanh phui, yêu cầu ban đại diện phải nói rõ số tiền đã tiêu vào mục gì, tại sao lạm dụng chi, tại sao không có hóa đơn đỏ khi mua... Trong khi đó, nếu mua một cuốn tập hay một lẵng hoa đặt trên bàn mà ghi hóa đơn đỏ thì quá vô ích, bởi hóa đơn đỏ phải cõng thêm thuế giá trị gia tăng.

Đương nhiên cũng không ít trường hợp ngược lại, tức ban đại diện cha mẹ học sinh lại yêu cầu một phụ huynh nào đó "cá biệt" vì nghèo nên đưa con ra khỏi lớp học, chuyển con sang lớp khác vì đây là lớp của "những đại gia, những người chịu chơi... không chấp nhận người nghèo !".

Mọi thứ màu sắc phản giáo dục đều có, diễn ra khắp mọi nơi. Bởi ngay cả nhà giáo, lãnh đạo của nhà giáo như Hiệu trưởng, Hiệu phó - kẻ có chữ nghĩa mà còn ăn không từ thứ gì, kể cả mấy lát thịt trong bữa cơm của học sinh nghèo miền núi, thì sá gì những người ít chữ, ít nhận thức hơn !

Và chuyện người mẹ cương quyết không nộp tiền suất ăn cho con mình từ năm ngoái nhưng vẫn để con đến lớp ăn uống cùng bạn bè, rồi sau đó lên mạng xã hội sỉ vả ban đại diện cha mẹ học sinh, năm sau lại tiếp tục bổn cũ, là một chuyện hết sức đau lòng khi bàn về tính thể cũng như tri đức của người làm cha, làm mẹ. Một người dám đánh đổi niềm vui của con trẻ, đánh đổi cả sự tổn thương của con trẻ chỉ vì tin và dám thách thức một tập thể nào đó, vì tin vào sự khuếch đại của mạng xã hội, chứng tỏ người đó đã bị tổn thương và mặc cảm quyền lực quá nặng nề, điều đó khiến người ta quên cả sứ mạng làm mẹ.

Ngược lại, ban đại diện cha mẹ học sinh và cô giáo chủ nhiệm, không cho bé ăn gà rán vì kinh nghiệm năm cũ, nhưng vẫn chó bé ăn bánh ngọt, bánh bông lan (theo giải thích của giáo viên chủ nhiệm và ban phụ huynh) thì chưa chắc đã đúng, chưa chắc đã không có lỗi.

Về tính sòng phẵng và kinh nghiệm xã hội của con người, giữa con người với con người thì giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện hoàn toàn hợp lý, không có lỗi. Nhưng, về mặt nhân bản, nhân vị và nhân cảm, thì việc không cho bé ăn gà rán diễn ra từ hai ý thức : Vì không nộp tiền thì không có phần ; Vì chê gà này nọ thì đừng cho ăn, nhỡ có ảnh hưởng gì về thực phẩm thì nguy to...

Nhưng, nếu vì không nộp tiền mà không cho bé ăn, thì nếp suy nghĩ quá nhỏ, chưa phải là nếp nghĩ của người thầy cũng như nếp nghĩ của những vị đại diện cha mẹ học sinh. Một lối nghĩ còn chưa thoát khỏi thời phân chia lát thịt trên đầu người, và nói một cách nghiêm túc là kém tính người.

Ngược lại, nếu nghĩ rằng vì sợ mẹ đứa bé sẽ lên gân thậm chí ăn vạ vì ăn gà rán, e rằng nếp nghĩ này cũng chưa thoát được kiểu tư duy chụp mũ xã hội chủ nghĩa, mà chính xác hơn, đó là thứ tư duy chụp mũ hiện hành. Một kiểu nói lấy được, bởi người ta phải tin tưởng rằng gà an toàn mới dám cho 31 bé còn lại ăn chứ ! Sợ điều tiếng chỉ là cách đổ thừa, dựa trên tư duy chụp mũ.

Suy cho cùng, người thiệt thòi nhiều nhất là đứa bé. Một đứa bé mới học tiểu học đã phải chịu đựng quá nhiều trí trá từ người thân và nhà trường như vậy, thì sẽ phát triển tâm hồn, nhân cách ra sao ? Và tương lai của bé sẽ về đâu ? Và câu chuyện về một suất ăn của một em bé học sinh cứ như một nốt lặng giữa vô vàn nốt lặng của ngành giáo dục xứ này !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 28/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn
Read 192 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)