Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/06/2024

Philippines và Việt Nam nên tăng cường hợp tác...

Nagao Satoru, Hoàng Việt

Nagao Satoru, Hoàng Việt, RFA, 29/05/2024

Trung Quốc, nhiều tuần qua, tiếp tục triển khai đồng thời lực lượng trên khắp các vùng biển khác nhau. Họ tập trận phong tỏa đảo Đài Loan trên thực địa,  triển khai tàu chiến ở quân cảng Ream và tập trận với Campuchia tại đây, đưa tàu cảnh sát biển tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, phong tỏa bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough. 

11111111111111111111111111111111

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và (cựu) Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng chứng kiến Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Philippines trao đổi các văn bản đã ký tại Hà Nội, ngày 30/1/2024 - Hoang Thong Nhat/VNA via AP

Theo Tiến sĩ Nagao Satoru, đối với Trung Quốc, tất cả các mặt trận này là một. Các hành động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, Đài Loan, Biển Đông, Nam Thái Bình Dương, biên giới Ấn Độ-Trung Quốc và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đồng thời leo thang. Trung Quốc có thể kiểm soát những hoạt động này dưới một chính phủ. Đối với Trung Quốc, tất cả những khu vực riêng rẽ này chỉ là một khu vực. Khi Hoa Kỳ bị đánh giá thấp, Trung Quốc đã cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình ở mọi nơi nhiều nhất có thể. Đó là lý do tại sao những căng thẳng trên đã xảy ra ở nhiều nơi cùng một lúc. 

Hợp tác khu vực để đối phó với Trung Quốc

Trái ngược với khả năng chỉ huy thống nhất của Trung Quốc, theo Tiến sĩ Nagao, đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, những căng thẳng trên bị "phân mảnh" cho nhiều quốc gia. Nhật Bản chỉ quan tâm biển Hoa Đông, Đài Loan quan tâm đến cuộc tập trận phong tỏa của Trung Quốc, Philippines quan tâm đến bãi cạn Scarborough và Cỏ Mây, Việt Nam lo bảo vệ bãi Tư Chính, Ấn Độ chỉ nhìn vào biên giới với Trung Quốc. Đó là sự khác biệt giữa Trung Quốc và các nước khác. Vì vậy, theo vị chuyên gia Nhật Bản về an ninh quốc tế ở Hudson Institue, các nước xung quanh Trung Quốc nên phối hợp để đối phó với các chuyển động của nước này.

Câu hỏi đặt ra là liệu chiến lược "nhân nhượng Trung Quốc" trên Biển Đông hiện nay của một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia có hợp lý hay không. 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng chiến lược này vừa có điểm hợp lý vừa có điểm chưa hợp lý. Điểm hợp lý là các nước này đều nhỏ yếu hơn Trung Quốc nên muốn tránh đối đầu càng nhiều càng tốt. Mặt khác, nước nào cũng muốn tranh thủ Trung Quốc để lấy được nhiều lợi ích kinh tế hơn. Cho nên, theo ông Hoàng Việt "bản thân mình chưa nguy hiểm lắm thì họ sẽ giữ im lặng". Ông giải thích tiếp: 

"Về cách này thì Malaysia thậm chí còn nổi tiếng hơn với chính sách ngoại giao được gọi là "ngoại giao im lặng". Về mặt nào đó thì cách này có thể coi là hợp lý, khi họ khôn khéo tránh căng thẳng và lấy được lợi ích cho nước mình. Nhưng đó chỉ là lợi ích trước mắt thôi. Còn về lâu dài, từ trước đến nay, chưa bao giờ Trung Quốc từ bỏ chiến lược độc chiếm biển Đông. Đường lưỡi bò trái pháp luật như thế, Tòa Trọng tài 2016 đã tuyên như thế nhưng họ có chịu từ bỏ đâu. Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mộng độc chiếm biển Đông. Nếu Trung Quốc đã làm thì họ sẽ nhắm đến tất cả các quốc gia khác chứ không chỉ nhắm đến Philippines như hiện nay. Bây giờ thì các quốc gia khác cứ nghĩ là Trung Quốc sẽ trừ mình ra, mình có thể ung dung hưởng lợi. Cách nhìn này rất nguy hiểm".

Trong khi đó, hôm 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tuyên bố Philippines sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác và tiến hành các cuộc tập trận tại vùng biển tranh chấp để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và tiếp tục phát triển thêm các liên minh.

Góc nhìn Philippines : Việt Nam - Philippines nên tăng cường hợp tác

Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Celia Lamkin, nhà sáng lập "Phong trào Thanh niên Quốc gia vì Biển Tây Philippines" (Biển Tây Philippines là Biển Đông trong tiếng Việt), nói Philippines và Việt Nam nên hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Mặc dù vấn đề mà cả hai nước phải đối mặt hiện nay là vấn đề chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông trước chính sách bành trướng của Trung Quốc, theo Tiến sĩ Lamkin, điều trước tiên hai nước cần hợp tác không phải là quân sự mà là kinh tế. 

Theo Tiến sĩ Lamkin, Philippines thay vì nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Trung Quốc thì nên nhập khẩu từ Việt Nam: "Chúng ta không nên mua hàng hóa của Trung Quốc để rồi họ dùng chính số tiền đó để bắt nạt Philippines và Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, bắt nạt ngư dân của chúng ta và các nước khác", nhà sáng lập "Phong trào Thanh niên Quốc gia vì Biển Tây Philippines" nói với RFA. 

Tiếp theo vấn đề kinh tế, bà Lamkin cho rằng Việt Nam và Philippines cũng nên tuần tra chung ở Philippines và ngược lại. Theo Tiến sĩ Lamkin, "Việt Nam, Philippines và các quốc gia có yêu sách khác ở Biển Đông nên tiến hành tuần tra và tập trận chung ở Biển Tây Philippines và Biển Đông của Việt Nam". Ngoài hợp tác kinh tế và các tuần tra chung trên vùng biển của nhau, Tiến sĩ Lamkin đề xuất hai nước có thêm các chương trình trao đổi giáo dục và "quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Philippines như một điểm đến du lịch và ngược lại". 

Hoa Kỳ nên cứng rắn hơn nữa ? 

Theo Tiến sĩ Nagao Satoru, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Hudson Institute, Trung Quốc đẩy mạnh căng thẳng ở Biển Đông vì họ muốn tận dụng tình hình Mỹ suy yếu. Ông Nagao nhớ lại điều đó từng xảy ra khi ông Obama còn là tổng thống Mỹ. Trong cuộc chiến Syria, khi chính quyền Syria định dùng bom hóa học, Tổng thống Obama đã cảnh cáo họ. Nếu chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học thì đó là lằn ranh đỏ để Mỹ can thiệp. Dù vậy, chính quyền Obama vẫn lưỡng lự can thiệp khi chính quyền Syria thực sự sử dụng vũ khí hóa học. Kể từ đó, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo, còn Nga bắt đầu sáp nhập Crimea và chiếm đóng miền Đông Ukraine. Một khi chính phủ Mỹ bị đánh giá thấp, Trung Quốc sẽ lợi dụng tình thế để thu được lợi ích tối đa. 

Nhưng khi Tổng thống Obama cứng rắn hơn thì Trung Quốc bỏ cuộc. Tiến sĩ Nagao nhớ lại, khi Trung Quốc khảo sát ở Scarborough vào năm 2016, chính quyền Obama cho 6 máy bay tấn công A10 và bay ở độ cao rất thấp phía trên tàu khảo sát Trung Quốc để cảnh cáo. Tàu khảo sát Trung Quốc đã bỏ cuộc lần đó. Kết quả là bây giờ, không có hòn đảo nhân tạo nào ở Scarborough. 

Dự trên các "kinh nghiệm lịch sử" đó, Tiến sĩ Nagao cho rằng ở thời điểm hiện nay, chính quyền Biden nên thể hiện lập trường mạnh mẽ. Bởi vì nếu Mỹ không cứng rắn hơn, ít nhất Trung Quốc sẽ hung hăng đến mức tối đa vào cuối cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo.

Nguồn : RFA, 29/05/2024

Quay lại trang chủ
Read 116 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)