Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/06/2024

Vì sao nhà báo Huy Đức bị bắt khẩn cấp ?

Nhiều tác giả

Sao lại hồ hởi với việc Osin Huy Đức bị bắt ?

Đặng Đình Mạnh, SaigonnhoNews, 02/06/2024

Sau khi cô Lê Nguyễn Hương Trà, cây viết thạo tin nhất Việt Nam đưa tin nhà báo Huy Đức (tức Trương Huy San, Osin) vừa bị bắt giữ, khởi tố hình sự và khám xét nơi ở, thì khá nhiều bạn tỏ vẻ hồ hởi?!

huyduc01

Nhà báo Huy Đức xuống đường chống Trung Quốc năm 2014 - Ảnh minh họa (FB)

Tôi hơi ngạc nhiên vì nếu không có mối thâm thù riêng tư gì với Huy Đức, thì sao các bạn lại vui như vậy ? Theo dõi Huy Đức từ lâu, tôi nhận thấy anh ấy là người rất điềm đạm trên trang FB của mình, không sa đà vào những tranh cãi trước những lời bình luận trái chiều hoặc khiêu khích.

Nếu các bạn cho rằng Huy Đức là người được ông Trọng chống lưng, tôi đồng ý. Nếu các bạn cho rằng Huy Đức là cây viết đấm đá cho phe cánh trong chế độ, tôi vẫn đồng ý.

Nhưng những điều đó chưa đủ vẽ lên chân dung đầy đủ của Huy Đức để mà chúng ta có thể phán xét, quy chụp.

Chắc nhiều bạn còn nhớ Huy Đức đã là tác giả của bộ sách Bên Thắng Cuộc khi đưa công khai ra trước công chúng toàn bộ chuyện cung đình của chế độ kéo dài trong nhiều thập kỷ, liên quan đến hàng trăm nhân vật, sự kiện mang tầm vóc lịch sử. Trong đó, có nhiều nhân vật, sự kiện công chúng chỉ biết qua sự xét đoán, thông tin rời rạc, thì nhờ nhà báo Huy Đức, qua bộ sách Bên Thắng Cuộc mà các sự kiện đó đã được xác nhận là sự thật lịch sử. Không chỉ là sự thật lịch sử, mà còn cho thấy rõ bản chất phản động, là bộ mặt thật đầy xấu xí của chế độ.

Thỉnh thoảng, trên trang mạng xã hội của mình, Huy Đức vẫn đăng tải các bài viết có nội dung đánh giá về chính sách, về nhân vật chính trị đương thời… Như lời một ký giả đang làm việc tại một đài truyền thông lớn của Hoa Kỳ có trụ sở tại DC đã đánh giá về Huy Đức khi biết tin anh ấy bị bắt giữ : "Huy Đức viết đánh thẳng vào đầu não, chứ đâu phải là người chỉ đánh từ vai trở xuống…". Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận Huy Đức đã không viết để "đánh" người chống lưng cho mình.

Chỉ với từng ấy việc, Huy Đức đã là cây viết gần đúng với thiên chức nhà báo nhất mà chúng ta đã từng biết. Anh ấy bị bắt giữ, khởi tố hình sự chứng tỏ anh ấy đã viết những điều mà chế độ không cho phép viết. Cho thấy, anh ấy đã bản lĩnh hơn cả hàng vạn cây viết được xưng danh nhà báo cách mạng nhưng chỉ viết một chiều, kể cả viết dối trá và viết những điều được phép viết.

Thậm chí, cho dù chúng ta không hài lòng hoặc có quan điểm trái ngược với những vấn đề mà nhà báo Huy Đức đã từng viết, đề cặp, thì việc chế độ đàn áp anh ấy chỉ vì những bài viết thể hiện quan điểm chính trị của một người, thì cũng vẫn là bất công. Vì lẽ, thế giới văn minh không ai cầm tù những người có quan điểm, nhận thức và viết trái với chính sách, quan điểm của chính quyền cả.

Tôi đã từng thấy nhiều bạn trích dẫn câu nói kinh điển thường được cho là của Voltaire, nhà văn, nhà tư tưởng Pháp quốc rằng : "Tôi không đồng tình với những gì bạn phát biểu, nhưng tôi sẵn sàng chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền được phát biểu của bạn".

Cho nên, lúc này, hồ hởi trước việc nhà báo Huy Đức bị chế độ bắt giữ, khởi tố hình sự, chẳng khác nào chúng ta hồ hởi trước quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí bị chế độ tước đoạt cả !

Đặng Đình Mạnh

Nguồn : SaigonnhoNews, 02/06/2024

*************************

Tin đồn về việc nhà báo Huy Đức bị cơ quan an ninh câu lưu

Trọng Thành, RFI, 02/06/2024

Ngày hôm nay, 02/06/2024, các mạng xã hội trong nước loan tải tin đồn về việc nhà báo Trương Huy San, biệt danh Huy Đức hay Osin, một người nổi tiếng trong giới blogger, đột ngột bị cơ quan chức năng câu lưu.

huyduc1

Nhà báo Huy Đức. © ảnh chụp màn hình Facebook.

Hiện tại, truyền thông chính thức trong nước hoàn toàn không đưa thông tin nào về vụ nhà báo Huy Đức. Theo nhà giáo Hoàng Dũng, tin đồn về việc nhà báo này bị công an bắt giữ xuất phát từ blogger Lê Nguyễn Hương Trà trên mạng Facebook với dòng tin ngắn ''Đang khám xét nhà, bắt khẩn cấp nhà báo Huy Đức''.

RFI tiếng Việt liên lạc được với nhà văn Trần Thanh Cảnh (Bắc Ninh), một người bạn của nhà báo Huy Đức. Nhà văn Trần Thanh Cảnh cho biết ông với nhà báo Huy Đức có kế hoạch tham gia một sinh hoạt tại Hà Nội vào chiều hôm qua 01/06, nhưng không còn liên lạc được kể từ đó. Trang Facebook cá nhân của blogger Huy Đức cũng không còn truy cập được tại Việt Nam. 

Nhà văn Trần Thanh Cảnh : "Hôm qua mình với Huy Đức có buổi hẹn để làm việc tại một chương trình Cafe thứ Bảy ở Hà Nội, vào lúc 3 giờ chiều. Cafe thứ Bảy là một quán cà phê của nhạc sĩ Dương Thụ, ở đó tổ chức các chương trình để các học giả, trí thức đến nói chuyện, cũng có thể mời các ca sĩ, nhạc sĩ đến biểu diễn. Hôm ấy, chúng mình tổ chức chương trình về chuyển giao quyền lực thông qua các cuộc hôn nhân thời nhà nước phong kiến Việt Nam.

Buổi sáng mình gửi tin nhắn và gọi điện đều không được. Mình tìm cách liên lạc với người nhà, người có thể gọi là bạn gái Huy Đức, gần như ở cùng. Chị ấy chỉ nói là đang bận việc, và không trả lời gì cả. Chỉ nói là : Bận ! Bận ! Bận ! … Mình đoán lúc đấy đang đứng bên cạnh những người khác nữa, nên không trả lời. Sau đó, hỏi thêm một số người nữa thì thấy thông tin, tin đồn bảo là cơ quan chức năng đến làm việc ở khu nhà Huy Đức". 

Trọng Thành

*******************************

Vì sao nhà báo Huy Đức bị bắt khẩn cấp ?

Nam Việt, RFA, 02/06/2024

Chiều ngày 1/6, nhà báo Huy Đức (tên thật là Trương Huy San) vắng mặt không lý do tại buổi trò chuyện chuyên đề ở chương trình Cà Phê Thứ Bảy, ở Times City Hà Nội. Không ai gọi được cho ông, và đây là chuyện bất thường vì ông Huy Đức không bao giờ bỏ hẹn mà không báo trước.

huyduc2

Nhà báo Trương Huy San (Huy Đức) - Facebook Truong Huy San

Thính giá của buổi trò chuyện mang tên "Chuyển giao quyền lực thông qua các cuộc liên hôn trong lịch sử phong kiến Việt Nam" mà ông Huy Đức làm diễn giả chính, đã hoàn toàn không biết, một chuyến xe 7 chỗ mang biển số 80 của Bộ Công An đã đón ông giữa đường mang đi, theo một lệnh bắt giữ được phát đi khẩn cấp vài ngày trước đó.

Đến tối Thứ Bảy, tin tức mới được truyền đi trên mạng xã hội bởi những người sống gần nhà ông Huy Đức nhìn thấy hơn chục công an thường phục, sắc phục bao vây là khám xét nhà, như khám xét một tội phạm ma túy. Đến khoảng 9 giờ tối, trang Facebook Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin đầu tiên "Đang khám xét nhà, bắt khẩn cấp nhà báo Huy Đức".

Trước đó, trên trang Facebook của Bùi Thanh Hiếu có nói vu vơ về chuyện Huy Đức đang chỉ trích từ Nguyễn Tấn Dũng, sang Tô Lâm, rồi status cuối, chỉ trích cả ông Trọng về chuyện ảo tưởng cứ xây dựng con người lãnh đạo có đạo đức.

Huy Đức liên tiếp có hai bài viết mà được cho là lý do của cuộc bắt giữ bất ngờ hôm 1/6. Đó là bài viết "Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi" hôm 27/5, nhắm vào các mưu mô của ông Tô Lâm leo vào vị trí Chủ tịch nước, rồi đang thao túng, tổ chức cho đàn em của mình là Lương Tam Quang vào ghế Bộ trưởng Công An, vượt mặt việc đề cử và chọn lựa của hệ thống cộng sản Ba Đình.

Bài viết thứ hai, hôm 28 Tháng Năm, có tựa đề "Những suy nghĩ không rời rạc", phê bình ông Trọng với cái nhìn về Đức trị và Pháp trị, có ý mô tả cách ông Trọng chống tham nhũng nhưng bằng chỉ đạo, tạo sự khủng hoảng vì không tiến hành bằng hoạt động pháp lý minh bạch, đồng thời biến vị trí Tổng bí thư thành một nhân vật anh hùng đạo đức. Trong bài viết, có đoạn "Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có "đổi mới II" trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa".

Sự bình lặng của xã hội Việt Nam, không mô tả hết sóng gió của Ba Đình qua hai bài viết này. Một chuyển động tức thì, nhiều hơn tức giận, mà lo sợ cái nhìn này của nhà báo Huy Đức sẽ khiến xã hội nổi sóng dư luận theo thời gian, có thể vì vậy, lệnh bắt được đưa ra nhanh chóng. Những bài viết kể trên cũng không còn được nhìn thấy trên trang Facebook của ông Huy Đức.

Lâu nay, nhà báo Huy Đức được coi là người ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng trong các chính sách điều hành đất nước và đặc biệt là trong vấn đề chống tham nhũng. Có ý kiến nói rằng ông Huy Đức đã quá mệt mỏi trước tiến trình thanh trừng không ngừng mà ông Trọng chủ trương, dần dần mở ra một lộ trình độc tài chỉ huy, làm nền cho Tô Lâm tiếp bước, đưa đất nước vào một con đường tăm tối không biết về đâu. Bài viết "Những suy nghĩ không rời rạc" được bình luận rằng đó là một lời nói thẳng cảnh tỉnh ông ,Trọng vào giai đoạn ông sắp sửa rời khỏi vị trí cầm quyền của mình.

Tuy nhiên, có một góc nhìn khác với những nhà quan sát thời sự, cho rằng bài viết này được viết với sự hậu thuẫn của ông Trọng, tự chịu đau, để lấy đà cho một cuộc dọn dẹp mới từ sự thao túng của Tô Lâm đang diễn ra. Vào lúc này, nếu không có những hành động quyết liệt được lobby trên báo chí, Tô lâm sẽ nghiễm nhiên ngồi vào chức Tổng bí thư, và có đàn em nắm Bộ Công an kiểm soát cả nước, lẫn Bộ Chính trị cho Lâm. Đất nước, sẽ rơi vào tình cảnh không khác gì như Bắc Triều Tiên.

Từ góc nhìn này, các nhận định cho rằng Tô lâm đã nhận thức thấy chuyện gì sắp xảy ra với mình. Vì vậy, có ý kiến cho rằng tên bạo chúa này lập tức tiến hành bắt giữ nhà báo Huy Đức, mỉa mai thay, cũng dựa vào điều luật 331 và 117 (Bộ luật Hình sự) mà Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn y trong việc trấn áp cả nước. Hiện chưa có thông tin xác nhận chính thức từ phía Nhà nước về việc bắt giữ và cáo buộc đối với Huy Đức.

Việc Huy Đức bị bắt, ngoài dự liệu của ông Nguyễn Phú Trọng - nếu đúng như vậy - cho thấy tình thế của ông Nguyễn Phú Trọng mỗi lúc càng ngặt nghèo, và chỉ có thể ngồi yên ở trên ghế vị trí Tổng bí thư như một bù nhìn cho đến khi rời chức.

Trong tháng 5, hầu hết các ý kiến của các chuyên gia về Việt Nam đều cho thấy rằng Tô Lâm đang nhắm đến chức tổng bí thư. Riêng nhà bình luận thời sự Nguyễn Anh Tuấn từ Canada, thì nhận định rằng có vẻ như ông Nguyễn Phú Trọng không muốn Tô Lâm trở thành người nắm quyền sinh sát cao nhất của đảng cộng sản, và dự trù sẽ có một cuộc thanh trừng để hạ bệ Tô Lâm – một công hai việc : loại trừ con hổ ăn thịt tất cả đồng chí ngay trong nội bộ. Đồng thời, sự kiện này sẽ gắn kết Đảng cộng sản chung quanh việc lãnh đạo của Tổng trọng tài đức sáng ngời.

Dĩ nhiên tất cả mọi bình luận ở trên chỉ là những suy nghĩ và được đồn đoán trong giới bình luận thời sự ở Việt Nam. Riêng với hai bài viết cuối của nhà báo Huy Đức, có thể thấy sự lên tiếng của ông là suy nghĩ của một nhà báo dám nói, và không ngại lên tiếng vào đúng thời điểm, khiến bộ máy cai trị phải tìm cách dập tắt tiếng nói của ông.

Bất luận Huy Đức là ai, và có thể là của phe nào đó trong bộ máy cộng sản cầm quyền, nhưng Huy Đức vẫn là một nhà báo lớn với bộ sách "Bên Thắng Cuộc", đem lại nhiều giá trị lịch sử quan trọng cho người Việt. Vào lúc này, khi tin tức ông Huy Đức bị bắt lan truyền trên mạng, có nhiều người tỏ vẻ vui mừng ( ?), sai lầm đó được nhìn thấy qua việc ông Huy Đức bị bắt, tức là điều mà Đảng cộng sản Việt Nam đang chà đạp quyền tự do ngôn luận, và cách bắt bớ này biểu hiện rõ sự đàn áp con người ; nếu không phải là ông Huy Đức đang gánh chịu, thì tất cả những người Việt Nam ai ai cũng là nạn nhân của chế độ. Việc lên tiếng cho bất công này, là cần thiết như với mọi người Việt khác đang bị cầm tù ở Điều 331 hay 117 (Bộ luật Hình sự).

Nguồn : RFA, 02/06/2024

****************************

Nhà báo Huy Đức 'biến mất' giữa lúc có thông tin ông bị bắt

Nguyễn Mạnh Hà, BBC, 02/0/2024

Trên mạng xã hội có những tin đồn về việc nhà báo Huy Đức bị bắt. Trang facebook cá nhân của ông mang tên Truong Huy San, sở hữu hơn 350.000 người theo dõi, hiện đã tạm đóng. Ông cũng đột ngột vắng mặt trong một sự kiện mà ông là diễn giả chính.

huyduc3

Nhà báo Huy Đức

Ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, còn được biết đến với bút danh Osin ở trên mạng xã hội. Ông là một cây viết chính luận nổi tiếng, tác giả của bộ sách Bên thắng cuộc.

Thông tin "nhà báo Huy Đức bị bắt" xuất hiện trên mạng xã hội vào chiều 1/6 và được rất nhiều người chia sẻ, bàn tán.

BBC News Tiếng Việt chưa thể xác minh được thông tin ông Trương Huy San bị bắt. Tuy nhiên, một số người gần gũi với ông đã không thể liên lạc với ông trong hơn một ngày qua. Ông cũng đột ngột vắng mặt trong một buổi tọa đàm mà ông là diễn giả chính.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh, một người bạn của ông Trương Huy San, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 2/6 rằng ông đã không thể liên lạc được với bạn mình từ sáng thứ Bảy ngày 1/6 và "có khả năng ông San đã bị công an mời làm việc".

Ở Việt Nam, "mời làm việc" là một thông lệ của công an. Nhiều người bị "mời làm việc" nhưng thực ra là bị tạm giữ, trước khi công an công bố các quyết định tố tụng chính thức.

'Sự việc gần như đã rõ'

Nhà văn Trần Thanh Cảnh nói rằng chương trình Cà phê thứ Bảy tại Hà Nội đã được "chốt lịch" từ trước và nhà báo Huy Đức đóng vai trò là diễn giả.

"Tôi và nhà báo Huy Đức có nhận lời mời của những người chủ trì Cà phê thứ Bảy làm một chương trình tọa đàm. Chương trình diễn ra vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy ngày 1/6/2024.

"Nhưng đến sáng hôm thứ Bảy, tôi không liên lạc được với Huy Đức, cả điện thoại và mạng xã hội. Tôi cố gắng liên lạc ngay với vài người thân bên cạnh anh ấy và hiểu điều gì đang diễn ra", nhà văn Trần Thanh Cảnh thuật lại với BBC.

Nội dung chương trình Cà phê thứ Bảy hôm 1/6 xoay quanh các cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang Tiền Lê, từ Tiền Lê sang nhà Lý, từ nhà Lý sang nhà Trần.

"Chúng tôi trao đổi quanh sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình êm thấm bằng các cuộc hôn nhân, không gây ra chiến tranh đầu rơi máu chảy tàn phá đất nước. Những cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình như vậy đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho sự phát triển của dân tộc và đất nước. Và từ những bài học của lịch sử, chúng ta nên soi chiếu gì cho hiện tại đất nước ngày hôm nay.

"Rất tiếc, nhà báo Huy Đức đã không đến được", ông Cảnh nói với BBC.

huyduc4

Chương trình Cà phê thứ Bảy với khách mời là nhà báo Huy Đức diễn ra vào ngày 1/6 nhưng ông Huy Đức đã không có mặt

Sau khi chương trình Cà phê thứ Bảy kết thúc, nhà văn Trần Thanh Cảnh lại một lần nữa liên lạc với người bạn của mình nhưng đầu dây bên kia vẫn không nhấc máy.

"Tôi có liên lạc với bạn bè chung của tôi và Huy Đức, kết hợp với các tin đồn đang lan truyền trên mạng xã hội, thì tôi cho rằng có khả năng nhà báo Huy Đức đã được các cơ quan chức năng của nhà nước 'mời' đi làm việc ! Tuy nhiên đây vẫn chỉ là tin chưa được xác thực".

"Nhưng với những diễn biến trong quan hệ công việc và cá nhân của tôi và nhà báo Huy Đức, thì tôi nghĩ rằng rất có thể điều đó là thực. Thế nhưng chúng ta cần phải bình tĩnh chờ thông báo của các cơ quan có thẩm quyền. Chắc điều này sẽ đến sớm thôi", ông Cảnh kết luận.

Ông cũng nói thêm rằng, trong nhiều cuộc nói chuyện trước đây giữa hai người, cả hai đều đã trao đổi và lường trước khả năng ông Huy Đức "có thể sẽ bị bắt" và cho biết thêm :

"Lần gặp cuối cùng của tôi với Huy Đức là tại nhà riêng của tôi, khi chúng tôi cùng vài người bạn tổ chức uống rượu và ngắm hoa (tối thứ Tư tuần vừa rồi, ngày 29/5). Lúc chia tay chúng tôi có hẹn lại gặp lại nhau vào chiều thứ Bảy nhưng sáng sớm hôm qua tôi nhắn tin và gọi điện thoại đã không liên lạc được rồi.

"Và sau khi liên lạc với người thân của anh ấy, tôi thấy không cần thiết phải đến nhà riêng nữa, sự việc đã gần như được xác quyết", ông Cảnh kể lại.

huyduc5

Nhà báo Huy Đức (trái) và nhà văn Trần Thanh Cảnh (phải)

Bài viết trên Facebook

Hiện tài khoản Facebook mang tên Truong Huy San đã đóng.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh nói với BBC rằng, việc này là một diễn biến bình thường khi "chủ nhân của nó đang phải làm việc với các cơ quan chức năng. Rất có thể họ đã tạm khóa, phong tỏa lại để phục vụ công việc.

"Tôi chỉ biết hy vọng, sau khi các cơ quan chức năng đã làm việc, đã trao đổi với nhà báo Huy Đức, và thấy được bản chất của vấn đề, họ sẽ không phong tỏa nữa, chúng ta sẽ lại thấy Huy Đức sớm xuất hiện trở lại trên mạng xã hội và cả ngoài đời", ông Cảnh nói.

Trước khi biến mất, trên Facebook mang tên Truong Huy San có đăng tải bài viết "Những suy nghĩ không rời rạc" vào ngày 28/5, trong đó ông bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là "một bước lùi về chính trị".

huyduc6

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ông mở đầu bài viết : "Sáng qua, một vị tướng lão thành từng giữ một vị trí đầy quyền lực trong ngành công an điện thoại nói chuyện rất lâu sau khi đọc bài của tôi. Ông cho rằng, nếu như tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền từng thắng thế trong thập niên 2000 thì nay, tinh thần đó đã bị bóp chết".

"Trước Hiến pháp 1992, nhà nước của chúng ta là nhà nước chuyên chính vô sản. ‘Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền’. Cho dù không tuyên bố thì sau Hiến pháp 1992, từ hình luật, dân luật cho đến các luật chuyên ngành khác đều được Việt Nam xây dựng trên tinh thần hướng tới nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, Quốc hội đã phải sửa hàng trăm điều luật cho tương thích dần với các quốc gia mà ta làm ăn với họ [BTA với Mỹ, WTO…]. Những nỗ lực này kết thúc từ 2006 và những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma ‘pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền’ đang dần hiện về", ông viết trên trang Truong Huy San.

Trong bài viết này, chủ nhân Facebook còn nhắc đến những điểm mạnh và yếu của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam :

"Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông [ít nhất là cho đến nay]. Nhưng, quản trị quốc gia [trong đó có chống tham nhũng] phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào 'tấm gương đạo đức' của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.

"Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có 'Đổi mới II' trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa", dẫn bài viết trên Facebook Truong Huy San.

Chưa hết, một bài viết khác gần đây có nhan đề "Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi" trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước có đoạn :

"Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng : Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an".

"Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát..".

"Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn".

"Không có quốc gia nào có thể phát bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành", bài viết nêu.

Những bài viết này trên Facebook Truong Huy San được đánh giá là đã nêu bật một số vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản.

"Trong tình hình chính trị xã hội của Việt Nam như hiện nay, tôi có thể nói rằng bất cứ một trí thức đích thực nào quan tâm đến vận mệnh của dân tộc và sự phát triển của đất nước đều có thể gặp tình trạng như Huy Đức", nhà văn Trần Thanh Cảnh nói với BBC.

huyduc7

Các bài viết gần đây trên Facebook Truong Huy San có đề cập đến ông Tô Lâm

Nhà báo Huy Đức là ai ?

Nhà báo Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, sinh 1962, quê quán tại Hà Tĩnh.

Ông từng tham gia trong quân đội với hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh giữa Việt Nam với chính quyền Khmer Đỏ.

Bút danh Huy Đức được công chúng biết đến trên báo Tuổi Trẻ.

Ông cũng từng làm báo cho tờ Sài Gòn Tiếp thị và bị sa thải vào năm 2009 vì bài viết "Bức tường Berlin".

Sau khi rời các cơ quan báo chí nhà nước, ông trở thành một cây viết chính trị-xã hội nổi tiếng trên mạng xã hội với bút danh Osin.

Năm 2012, ông nhận học bổng một năm của chương trình Nieman trao cho một số phóng viên tu nghiệp và nghiên cứu tại Viện Đại học Harvard.

Ông cũng được biết đến với bộ sách Bên thắng cuộc, ra mắt độc giả vào năm 2012. Tác phẩm gồm hai cuốn là Giải phóng và Quyền bính, với trọng tâm là những diễn biến chính trị tại Việt Nam từ những năm 1950, đặc biệt là từ năm 1975 đến cuối những năm 1990.

Vào năm 2022, kỷ niệm 10 năm sách Bên thắng cuộc ra mắt, Ben Kerkvliet, một giáo sư hưu trí của Đại học Quốc gia Úc, viết cho BBC và khen ngợi rằng Bên thắng cuộc "tự nó là một thành tựu đáng khâm phục và sẽ vẫn là một đóng góp vô giá cho học thuật trong thời gian dài".

Nhà văn Trần Thanh Cảnh thì nói với BBC rằng, bộ sách Bên thắng cuộc đã bất tử cùng với lịch sử hiện đại của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

"Những đóng góp của Huy Đức là vô giá cho văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam", ông chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Bên cạnh sự nghiệp viết, ông Trương Huy San cũng được biết đến với nhiều hoạt động xã hội. Ông là một trong những người sáng lập chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa nhằm hỗ trợ các gia đình tử sĩ, thương phế binh Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh, thương binh Trường Sa.

Gần đây ông có tham gia một số hoạt động trồng cây bảo vệ môi trường.

Nguyễn Mạnh Hà

Nguồn : BBC, 02/06/2024

*****************************

Nhà báo Huy Đức bị bắt 

Nguyễn Thị Sen, VNTB, 02/06/2024

Huy Đức bị bắt, cho tới lúc này cũng đã là đúng với quy trình khi chân lý và quyền lực thuộc về kẻ mạnh cùng đám đông hoang dã.

huyduc8

Hình ảnh lúc công an giải nhà báo Huy Đức đi vào chiều ngày 1/6, được chia sẻ trên mạng facebook.

Lúc còn tự do, nhà báo Phạm Chí Dũng từng nói, cây bút báo tín hiệu Osin Huy Đức là một người dám viết nhiều chuyện cung đình nhưng không ai dám bắt. Nhưng chỉ sau 5 năm nhà báo Phạm Chí Dũng thụ án tù, vật đổi, sao dời, nhà báo Huy Đức đã bị bắt. Có lẽ Huy Đức sẽ bị truy tố theo điều 331 vì đã "mạo phạm" tới lãnh tụ và lãnh đạo cấp cao.

Giữa những thông tin được cho là phát ngôn của nhiều phe phái đang đấu đá kịch liệt tại Việt Nam, đã có dự đoán rằng Huy Đức sẽ là người xộ khám tiếp theo vì đã biết quá nhiều cũng như đã tới lúc thu lưới. Cô gái Đồ Long – Lê Nguyễn Hương Trà đã đưa tin Osin Huy Đức bị bắt và cơ quan điều tra đang tiến hành khám xét nhà riêng của ông.

Huy Đức một vài năm trở lại dường như không viết nhiều nữa mà dùng nhiều thời gian để đi trồng rừng hay đấu giá, quyên góp giúp thân nhân của những gia đình các chiến sĩ hy sinh ở Trường sa. Thỉnh thoảng, ông có vài bài viết trên Facebook được nhiều người chia sẻ, bình luận. 

Những bài viết gần đây nhất của Huy Đức đã đụng chạm đến người quyền lực nhất Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng. Trong bài đăng đề cập đến "Đức trị hay Pháp trị", Huy Đức nêu đích danh Nguyễn Phú Trọng và chỉ trích việc chống tham nhũng nửa vời cũng như sự bất lực trong quản trị quốc gia của ông Trọng tuy có bày tỏ sự cảm phục đối với Tổng bí thư về lối sống liêm khiết. Huy Đức cũng thẳng thừng cho rằng "tấm gương đạo đức" của ai đó cũng không có ích gì trong quản trị quốc gia mà là thể chế.

"Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông [ít nhất là cho đến nay]. Nhưng, quản trị quốc gia [trong đó có chống tham nhũng] phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào "tấm gương đạo đức" của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.

Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có "đổi mới II" trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa".

Bài viết đã có từ năm 2016, nhưng tới nay những dự báo của Huy Đức đã thành sự thật. Chỉ hô hào đạo đức cùng giữ thân trong sạch, công cuộc đốt lò của ông Trọng chỉ là hớt váng trên mặt để mị dân mà không giải quyết gì được vấn đề gốc rễ. Khai quật lại bài cũ ý cũ, Huy Đức đã tiếp rượu cũ cho người ta có cớ bắt mình trong giai đoạn nhạy cảm này. 

Một bài đăng khác cách đây 2 ngày về cựu Tổng Thống Trump bị tuyên bố có tội với tất cả 34 tội danh, trong đó Huy Đức cho rằng "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khi những kẻ thô bạo và vô liêm sỉ nhất, chỉ vì quyền lực cá nhân, cũng có thể biến một nền dân chủ như nước Mỹ trở thành đám đông hoang dã".

huyduc9

Nhiều người cho rằng đây là Huy Đức mượn Tây để nói Đông trong khi không ít những người khác miệt thị người viết vì đã dám "mạo phạm" ông Trump của họ. Tuy nhiên có lẽ Huy Đức thật đang mắng tân Chủ tịch Nước Tô Lâm, mới tuyên thê, chưa ngồi nóng ghế. 

Nhưng thật ra Huy Đức mắng không sai. Tô Lâm đúng là thô bạo khi còn là tướng công an đã chỉ huy rất nhiều vụ bắt bớ, tấn công dân thường mà không hề có đối thoại. Tô Lâm cũng thuộc hạng vô liêm sỉ bậc nhất khi sẵn sàng vi phạm luật pháp quốc tế để đạt được mục đích chính trị, thậm chí trở thành kẻ bị truy tố ở Slovakia.

Với chức danh nguyên thủ quốc gia, Tô Lâm sẽ phải tiếp khách nước ngoài với "cái phốt" vi phạm luật quốc tế và là kẻ đang bị truy tố. Đám đông hoang dã bỏ phiếu gần 100% tán thành Tô Lâm làm Chủ tịch nước cũng vô liêm sỉ không kém. Chỉ một câu thôi, Huy Đức đã vỗ hết mặt các ban bệ trên tầng cao. Huy Đức bị bắt, cho tới lúc này cũng đã là đúng với quy trình khi chân lý và quyền lực thuộc về kẻ mạnh và đám đông hoang dã.

Nguyễn Thị Sen

Nguồn : VNTB, 02/06/2024 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đặng Đình Mạnh, Trọng Thành, Nam Việt, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Thị Sen
Read 1364 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)