Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/05/2024

Thanh trừng chính trị : Vai trò giới hạn của Bộ Công an

Nguyễn Anh Tuấn

Khi ba trong năm nhân vật quyền lực nhất chính trường Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai bị thanh trừng, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

thanhtrung1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai bị thanh trừng - Ảnh minh họa

Có vài lý do cho điều này. 

Đầu tiên, xét về tuổi tác, Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ phải về hưu vào đầu năm 2026, khi Đại hội XIV khai mạc. Chiếm lấy một trong những chiếc ghế "tứ trụ" là điều kiện tiên quyết để ông có thể vượt qua giới hạn tuổi tác cho việc ở lại Trung ương một nhiệm kỳ nữa, chiếu theo đảng quy hiện hành. Quả thật, ít lâu sau những vụ thanh trừng vô tiền khoáng hậu, ông Tô Lâm đã được "đôn" lên làm Chủ tịch nước.

Một lý do khác, quan trọng hơn, là vai trò của Bộ Công an trong chiến dịch đốt lò mười năm qua. Dư luận tin rằng Bộ Công an, với độc quyền điều tra theo luật định, đã khống chế chiến dịch đốt lò. Theo đó, người đứng đầu Bộ Công an, Tô Lâm, đương nhiên trở thành thế lực nắm quyền sinh sát trong đảng. Giáo sư Abuza Zachary, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, còn đưa ra cáo buộc cụ thể là Bộ trưởng Tô Lâm đang "vũ khí hóa" chiến dịch chống tham nhũng  để nuôi tham vọng chính trị cá nhân. 

Dư luận có xu hướng tin vào cáo buộc này bởi ấn tượng của họ về Bộ Công an trong đời sống thường nhật. Chưa bao giờ công chúng thấy thấy Bộ Công an nhiều quyền lực đến vậy. Với ngân sách tăng không ngừng, Bộ Công an không chỉ giới hạn mình trong các công tác trị an thông thường, mà còn dài tay chiếm giữ nhiều lãnh vực vốn thuộc cơ quan khác, tạo ra cảm giác rõ ràng của công chúng về một xã hội công an trị ở Việt Nam. 

Vừa sợ vừa ghét, công chúng có xu hướng tin vào những cáo buộc tham vọng quyền lực cá nhân của bất kỳ ai đến từ Bộ Công an, dĩ nhiên là bao gồm cả người đứng đầu. 

Tuy nhiên, liệu điều này có phản ánh đúng những gì xảy ra trên chính trường Việt Nam ?

Đúng là ông Tô Lâm có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa khi ngồi một trong những ghế tứ trụ. Nhưng nếu thế thì ông đâu cần phải loại bỏ cùng lúc ba trong năm nhân vật quyền lực nhất. Chưa kể, ghế Chủ tịch nước gần mười năm nay mang cái dớp khiến bất kỳ ai ngồi vào cũng gặp điều không may, bao gồm cả tiền nhiệm Bộ trưởng Công an của ông là ông Trần Đại Quang, ông Tô Lâm không lẽ không mảy may cân nhắc ? Cũng có thể như một số người nói, ông Tô Lâm chấp nhận ghế Chủ tịch nước để nhiệm kỳ tới có thể kế nhiệm ông Trọng làm Tổng Bí thư. Nhưng cơ sở nào cho thấy ông có thể trở thành Tổng Bí thư khi ông Trọng chưa tỏ ra bất kỳ ý định nào sẽ bước xuống ? Nếu ông Trọng có ý định rời ghế Tổng Bí thư, vì sao ông lại quyết định tới đây sửa Điều lệ Đảng ?

Ngộ nhận tiếp theo quan trọng hơn liên quan đến vai trò của Bộ Công an trong chiến dịch đốt lò. 

Đúng là Bộ Công an đang hiện diện ngày một sâu rộng hơn trong đời sống xã hội thường nhật trong bối cảnh Đảng cộng sản Việt Nam, học theo Đảng cộng sản Trung Quốc, tăng cường xu hướng an ninh hóa nhằm ứng phó với những thách thức của bối cảnh quốc tế đang thay đổi. Cũng đúng là chưa bao giờ công an bắt bớ cán bộ nhiều như những năm gần đây. 

Tuy nhiên, những vụ ông Thưởng, ông Huệ, bà Mai không phải là án tham nhũng thông thường mà là các vụ thanh trừng chính trị, là kết quả của những tranh chấp chính trị thượng tầng. Trong cuộc chơi này, Bộ Công an không hẳn đã có nhiều quyền lực như những gì công chúng hình dung. 

Cụ thể, ngay từ trước khi thâu tóm quyền hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kéo từ Chính phủ về một cơ quan mà sau này trở thành vũ khí chiến lược của ông - Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Cơ quan này đóng vai trò như một tiểu tổ lãnh đạo (lingdao xiaozu) theo kiểu Tập Cận Bình , một cơ chế mà lãnh đạo hạt nhân dùng để điều phối và chỉ đạo một loạt các cơ quan đảng và chính quyền nhằm thực hiện một công tác nhất định. Tiểu tổ lãnh đạo giúp lãnh đạo hạt nhân vừa chỉ đạo được một loạt các cơ quan, vừa khiến các cơ quan giám sát chéo lẫn nhau, và quan trọng nhất là không phụ thuộc vào riêng một cơ quan nào đối với công tác quan trọng. 

Chẳng hạn, trong chiến dịch đốt lò, thay vì phụ thuộc vào chỉ một cơ quan, như Bộ Công an, hoặc Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoặc Ban Nội chính Trung ương trong công tác chống tham nhũng tiêu cực, bằng cơ chế Ban Chỉ đạo, ông Trọng vừa có thể điều phối hoạt động giữa các cơ quan vừa để chúng giám sát lẫn nhau. Vừa đạt được mục tiêu "đốt lò", mà không lo có anh "thợ lò" nào thành kiêu binh quay lại chiếm đoạt "cái lò" của mình, đó là lý do tồn tại của các tiểu tổ lãnh đạo.

Lưu ý là trong Ban Chỉ đạo của ông Trọng không chỉ có Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính, mà còn gồm đại diện nhiều cơ quan khác. Với 8 Ủy viên Bộ Chính trị, và nguyên tắc làm việc nhấn mạnh sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và vai trò của Trưởng ban, thật khó để nói rằng một mình ông Tô Lâm, bất luận ở vị trí Bộ trưởng Công an hay Chủ tịch nước, có khả năng chi phối toàn bộ Ban Chỉ đạo. 

Riêng cái được cho giúp tạo ra sức mạnh của Bộ Công an là độc quyền điều tra của cơ quan này cũng là điều cần xem xét lại. Trong mô hình Ban Chỉ đạo, báo cáo về sai phạm của một quan chức nào đó không nhất thiết chỉ đến từ Bộ Công an mà còn có thể từ các cơ quan riêng biệt nhau như Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, và còn có thể là Tổng Cục II - Bộ Quốc phòng. Với vai trò là cơ quan tố tụng theo luật định, Bộ Công an có thể được Ban Chỉ đạo "giao" một vụ việc phát xuất từ báo cáo, công khai hoặc bí mật, của một cơ quan khác, và rồi phải xuất hiện trước công chúng như thể đã khởi sự điều tra vụ việc đó, trong khi thực tế họ chỉ đang làm một vụ được "giao".

Tóm lại, trong mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Tham nhũng, một bản sao của tiểu tổ lãnh đạo kiểu Tập Cận Bình ở Việt Nam, Bộ trưởng Công an chỉ là một thành viên, và vì thế không có khả năng chi phối Ban Chỉ đạo cũng như toàn bộ chiến dịch đốt lò. Người chủ lò quyền uy thực sự và nắm quyền sinh sát đồng chí trong tay vẫn là Đảng trưởng, tức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 31/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Anh Tuấn
Read 175 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)