Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/06/2024

Tàu Trung Quốc đáp xuống Mặt Trăng, ý nghĩa như thế nào ?

Georgina Rannard, Laura Bicker

Trung Quốc tuyên bố tàu thăm dò không người lái của họ đã hạ cánh thành công ở phía xa của Mặt Trăng - một khu vực chưa được khám phá và hầu như không ai dám mạo hiểm.

mattrang1

Tàu Hằng Nga 6 được phóng từ bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vào tháng 5/2024

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết Hằng Nga 6 (Chang'e-6) đã đáp xuống Bồn địa Nam Cực-Aitken (SPA) vào sáng Chủ nhật hôm 2/6.

Được phóng vào ngày 3/5, sứ mệnh Hằng Nga 6 có mục đích thu thập đá và đất quý từ khu vực này lần đầu tiên trong lịch sử.

Tàu thăm dò có thể lấy một số loại đá cổ xưa nhất của Mặt Trăng tại một miệng hố khổng lồ ở vùng cực nam.

Việc tiếp đất tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì rất khó để liên lạc với tàu vũ trụ khi nó đến phía xa Mặt Trăng. Trung Quốc là quốc gia duy nhất từng thực hiện được kỳ tích này trước đây khi hạ cánh tàu Hằng Nga 4 vào năm 2019.

Sau khi được phóng từ bãi phóng Văn Xương, tàu vũ trụ Hằng Nga 6 đã bay quanh Mặt Trăng để chờ hạ cánh.

Tiếp đó, tàu đổ bộ đã tách ra khỏi tàu quỹ đạo để đáp xuống phía xa Mặt Trăng, nơi không bao giờ hướng mặt về Trái Đất.

Trong quá trình hạ cánh, một hệ thống tránh chướng ngại vật trực quan tự động đã được sử dụng để tự phát hiện chướng ngại vật, một camera sẽ giúp chọn khu vực hạ cánh tương đối an toàn dựa trên độ sáng và bóng tối của bề mặt Mặt Trăng, theo Tân Hoa Xã.

Tàu đổ bộ bay lơ lửng cách khu vực hạ cánh an toàn khoảng 100m và sử dụng máy quét 3D với laser trước khi đáp đất từ từ theo phương thẳng đứng.

CNSA cho biết hoạt động này do vệ tinh tiếp sóng Thước Kiều 2 (Queqiao-2) hỗ trợ.

Truyền thông Trung Quốc mô tả việc hạ cánh thành công là "khoảnh khắc lịch sử".

Đài phát thanh nhà nước cho biết "tiếng vỗ tay vang lên tại Trung tâm Kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh" khi tàu đổ bộ của Hằng Nga 6 đáp xuống Mặt Trăng vào sáng sớm Chủ nhật.

Tàu đổ bộ sẽ dành tới ba ngày để thu thập vật liệu từ bề mặt trong một hoạt động mà CNSA cho biết sẽ liên quan đến "nhiều cải tiến kỹ thuật, các rủi ro cao và thách thức lớn".

"Mọi người đều rất vui mừng vì chúng ta có thể nhìn thấy những mẫu đá mà chưa ai từng thấy trước đây", Giáo sư John Pernet-Fisher, chuyên gia về địa chất Mặt Trăng tại Đại học Manchester (Vương quốc Anh), nói.

Ông đã phân tích các loại đá mặt trăng khác được mang về từ sứ mệnh Apollo của Mỹ và các sứ mệnh trước đây của Trung Quốc.

Nhưng ông nói rằng việc phân tích đá từ một khu vực hoàn toàn khác trên Mặt Trăng có thể giải đáp những câu hỏi cơ bản về cách những hành tinh hình thành.

Hầu hết các loại đá được thu thập cho đến nay đều là đá núi lửa, tương tự như những gì chúng ta có thể tìm thấy ở Iceland hoặc Hawaii.

Nhưng mẫu vật liệu ở phía xa Mặt Trăng có thể có thành phần hóa học khác biệt.

"Điều này sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi thực sự lớn lao, chẳng hạn như hành tinh được hình thành như thế nào, vỏ Trái Đất được hình thành ra sao, nguồn gốc của nước trong Hệ Mặt Trời ?" vị giáo sư chia sẻ.

Theo CNSA, sứ mệnh này nhằm mục đích thu thập khoảng 2kg vật liệu bằng cách sử dụng máy khoan và cánh tay cơ khí.

Bồn địa Nam Cực-Aitken - một hố va chạm - là một trong những miệng hố lớn nhất được biết đến trong Hệ Mặt Trời.

Từ đó, tàu thăm dò có thể thu thập vật chất có nguồn gốc từ lõi bên trong Mặt Trăng, theo ông Pernet-Fisher.

Cực nam là khu vực tiếp theo đối với các sứ mệnh khám phá Mặt Trăng. Các quốc gia rất muốn tìm hiểu khu vực này vì ở đó rất có thể chứa băng.

mattrang2

Tàu vũ trụ trong sứ mệnh Hằng Nga 5 của Trung Quốc mang đất đá Mặt Trăng trở lại Trái Đất vào năm 2020

Sự tồn tại của nước sẽ thúc đẩy đáng kể cơ hội thành lập thành công một căn cứ nghiên cứu khoa học của con người trên Mặt Trăng.

Nếu nhiệm vụ thành công, tàu vũ trụ sẽ mang theo các mẫu vật quý giá trở về Trái Đất trên một khoang chứa đặc biệt.

Vật liệu sẽ được bảo quản trong điều kiện đặc biệt để giữ nguyên trạng thái ban đầu tốt nhất có thể.

Các nhà khoa học Trung Quốc sẽ được ưu tiên phân tích các mẫu đá đầu tiên, sau đó các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới cũng có thể nộp đơn để có cơ hội này.

Tham vọng vũ trụ của Trung Quốc và hơn thế nữa

mattrang3

ên lửa đẩy Trường Chinh 5 mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 6 tại bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vào tháng 5/2024

Đây là lần thứ hai Trung Quốc thực hiện sứ mệnh thu thập mẫu vật từ Mặt Trăng.

Tàu Hằng Nga 5 vào năm 2020 đã mang về 1,7 kg vật liệu ở một khu vực có tên Oceanus Procellarum tại phía gần của Mặt Trăng.

Trung Quốc đang lên kế hoạch thực hiện thêm ba sứ mệnh không người lái trong thập kỷ này nhằm tìm kiếm nước trên Mặt Trăng và nghiên cứu việc thiết lập một căn cứ thường trú ở đó.

Trung Quốc và Nga đang hợp tác đẩy mạnh tham gia quốc tế vào Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) và đồng thời phát triển các công nghệ nền tảng tiên tiến như lò phản ứng hạt nhân nhằm cung cấp năng lượng cho căn cứ trên Mặt Trăng vào ban đêm.

Chiến lược rộng lớn hơn của Bắc Kinh hướng tới việc đưa một phi hành gia Trung Quốc đặt chân lên Mặt Trăng vào khoảng năm 2030.

Mỹ cũng nhắm đến việc đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng, trong đó NASA đặt mục tiêu phóng tàu Artemis 3 vào năm 2026.

Vào tháng 5 năm 2024, một quan chức cấp cao trong lĩnh vực khoa học vũ trụ Trung Quốc đã tiết lộ một loạt sứ mệnh đầy tham vọng việc khám phá không gian, như lấy mẫu một tiểu hành tinh gần Trái Đất, thăm một sao chổi, thu thập mẫu từ Sao Hỏa và gửi một tàu thăm dò tới Sao Mộc.

Một sứ mệnh trong tương lai đang được cân nhắc với điểm đến là một trong hai hành tinh băng khổng lồ của Hệ Mặt Trời : Sao Thiên Vương hoặc Sao Hải Vương.

Bên cạnh mục đích khoa học, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc còn có những tham vọng phức tạp khác trong việc khám phá vũ trụ.

Theo Bleddyn Bowen, nhà nghiên cứu về chính sách vũ trụ và quan hệ quốc tế ngoài vũ trụ tại Đại học Leicester (Vương quốc Anh), các quốc gia theo đuổi các chương trình vũ trụ vì nhiều lý do, bao gồm mục đích quân sự, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia.

"Một số dự án mang tính khoa học và khám phá, chẳng hạn như các sứ mệnh Hằng Nga, một số khác phục vụ mục tiêu kinh tế và cơ sở hạ tầng, và một số khác phục vụ cho khả năng quân sự hoặc tăng cường lực lượng vũ trang", ông Bowen nhận định.

Trung Quốc cho biết họ cam kết thám hiểm không gian một cách ôn hòa và trước đó đã bác bỏ những lo ngại của Mỹ về chương trình không gian của họ.

Ông Bill Nelson, Tổng Giám đốc NASA, từng bày tỏ lo ngại rằng nếu Trung Quốc tìm thấy nước ở cực nam Mặt Trăng, họ sẽ tuyên bố chủ quyền với khu vực này.

Nguồn : BBC, 02/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Georgina Rannard, Laura Bicker
Read 139 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)