Ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu quốc hội - vừa đề đạt chuyện chưa từng có từ cổ chí kim : Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nên dùng luật pháp vạch "lằn ranh đỏ" mà bên này là "cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng quy định pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực", còn bên kia là những người, những doanh nghiệp tự giác khai báo, tự nguyện nộp lại tài sản từng chiếm đoạt.
Ông Hòa bảo rằng, nếu "nhà nước bảo vệ bí mật, khép lại hồ sơ" và để những cá nhân "lỡ nhúng chàm" được "hoạt động, công tác bình thường" thì tham quan, ô lại và doanh nghiệp hối mại quyền thế "sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm". Hình minh họa.
Cứ như ông Hòa giải thích thì nhiều tham quan, ô lại và các doanh nghiệp lớn mạnh nhờ hối mại quyền thế đang "sẵn sàngkhai báo và hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp", mắc mứu chỉ nằm ở chỗ hệ thống lập pháp, lập quy chưa có "văn bản hướng dẫn" thành ra cần soạn – công bố các quy phạm pháp luật, khuyến khích số này tự giác. Ông Hòa bảo rằng, nếu "nhà nước bảo vệ bí mật, khép lại hồ sơ" và để những cá nhân "lỡ nhúng chàm" được "hoạt động, công tác bình thường" thì tham quan, ô lại và doanh nghiệp hối mại quyền thế "sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm" !
Không phải tự nhiên mà ông Hòa đề đạt như vậy. Ông cho rằng cần làm như vậy vì "củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm, rất xót xa", vì "tiền nhân đã dạy đánh người chạy đi, chứ không đánh người trở lại", vì "chính sách khoan hồng nhân đạo, nhân văn của đảng, nhà nước", vì "cơ chế, chính sách" thành ra mới dám đến suy nghĩ "có làm thì có sai, nếu sai thì bị xử lý, còn không làm không sai" và cuối cùng, toàn bộ hệ thống tê liệt phải khuyến khích "dám nghĩ, dám làm" [1].
Cần lưu ý, ông Hòa từng là đại biểu quốc hội cả khóa trước lẫn khóa này. Ở khóa này, ông là thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – nơi chuyên thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các dự luật, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống quy phạm pháp luật, đồng thời cũng là nơi giám sát việc thi hành các quy phạm pháp luật, đưa ra các đề nghị nhằm hoàn thiện bộ máy công quyền và hệ thống pháp luật... Tại sao một người như thế lại xem hiến pháp và luật pháp hiện hành như... giấy lộn !
***
Tuy luật hình sự của Việt Nam dành riêng chương 23 để xử lý những tội phạm liên quan đến chức vụ nhưng xét về bản chất, các tội phạm về tham nhũng ở Mục 1 và nhiều tội ở Mục 2 của chương này chẳng khác gì các tội xâm phạm sở hữu cá nhân ở chương 16[2]. Do vậy, cần phải hỏi, tại sao cá nhân trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, sử dụng trái phép tài sản... của người khác phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự nhưng tham quan, ô lại và doanh nhân hối mại quyền thế chỉ cần tự nguyện khai báo sẽ được tha bổng, thậm chí được cam kết che đậy hành vi phạm tội để tiếp tục "sống, làm việc theo... đảng" ? Vì sao lại tha những kẻ xâm phạm công sản vốn thuộc "sở hữu toàn dân", về nguyên tắc phải được sử dụng đúng cách để đem lại ấm no, hạnh phúc cho toàn dân và hậu quả của việc xâm phạm công sản gieo họa cho cả quốc gia, dân tộc chứ không phải chỉ gieo họa cho một hoặc vài cá nhân như các hành vi xâm phạm sở hữu cá nhân ?
Thả bổng những cá nhân câu kết với nhau xâm phạm công sản nếu cá nhân đó "tự giác khai báo" có khác gì công nhiên chà đạp Hiến pháp [3]. Nếu "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật" như hiến định thì ông Phạm Văn Hòa nói riêng và quốc hội, chính phủ nói chung sẽ dựa vào đâu để ban hành quy phạm pháp luật mới theo hướng đã bỏ qua còn che đậy cho những cá nhân từng lợi dụng chức vụ quyền hạn xâm phạm công sản và cuối cùng cũng chỉ vì lợi ích của chính họ, "tự nguyện" bước qua bên kia "lằn ranh đỏ" để có thể tiếp tục thủ đắc chức vụ, có thể tiếp tục sử dụng công quyền, có thể tiếp tục "ăn trên, ngồi trốc" ? Thả bổng những cá nhân câu kết với nhau xâm phạm công sản nếu cá nhân đó "tự giác khai báo" có khác gì sổ toẹt luật hình sự, chứng minh điều mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định, nhiệm vụ của luật hình sự là "bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội ; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm" chỉ là cố tình lừa bịp đồng chí, đồng bào ?
***
Nếu chịu khó đối chiếu, ngẫm nghĩ, hẳn sẽ dễ dàng nhận ra đề nghị của ông Phạm Văn Hòa không phải là sáng kiến của riêng ông. Đề nghị này chỉ là bước tiếp theo của một kế hoạch đang được hoàn thiện để cuối cùng có thể sử dụng chính luật pháp xã hội chủ nghĩa để giúp tham quan ô lại tại Việt Nam tẩy rửa sạch sẽ mọi tì vết theo kiểurũ bùn đứng dậy... sáng lòa" để tiếp tục cùng Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh dẫn dắt toàn dân bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội...
Thu tiền ‘khắc phục’ và hệ thống vô phương ‘khắc phục’ - Ảnh minh họa
Cách nay đúng một năm, trong báo cáo gửi Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao – kiến nghị cơ quan này "chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng", đặc biệt là "cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục" [4].
Trước đó chừng một năm, ông Trí cũng là người khuấy động dư luận khi đề nghị "giảm phạt tù, tăng phạt tiền" [5], song một đại diện Bộ Tư pháp bảo rằng : "Đề xuất cho tội phạm tham nhũng nộp tiền thay cho trách nhiệm hình sự mà Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Lê Minh Trí đưa ra không phải là quan điểm mới" vì "Nghị quyết Trung ương 3 khóa 10 đã nêu rõ : Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng ; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng ; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện ; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng" [6]. Nhiệm kỳ của BCH TƯ Đảng cộng sản Việt Nam khóa 10 từ 2026 đến 2011. Khi ấy, ông Nguyễn Phú Trọng là thành viên Bộ Chính trị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội.
Nói cách khác, tuy xác định tham nhũng là quốc nạn, phải "quyết liệt" phòng chống nhưng từ lúc khởi đầu công cuộc này đến nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không bận tâm đến chuyện làm sao ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ gốc mà chỉ chuyên chú thu hồi tiền bị tham nhũng. Kết quả của công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực trong vài thập niên chỉ là viên chức vơ vét mạnh tay hơn, trắng trợn hơn còn các hệ thống thì hoan hỉ hơn bởi đã thu hồi khoản "khắc phục hậu quả" khổng lồ[7].
Nếu công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đừng tiến hành theo kiểu mà ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố cách nay mười năm :Chống tham nhũng là công việc phức tạp và rất khó. Đây là công việc đòi hỏi sựkhôn ngoan, có con mắt chiến lược.Chống tham nhũng không phải là xớitung tấtcả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm. Đánh chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình, tức là phải giữ cho được sự ổn định[8], chỉ thực hiện phòng chống tham nhũng như thiên hạ, chắc chắn các hệ thống sẽ không có cơ hội để khoe : "Trong vòng hai năm đã thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng từcác vụ án tham nhũng, kinh tế ; kê biên 249 bất động sản và hơn 56 triệu cổ phần, cổ phiếu" và không phải bạc mặt vì các hệ thống tê liệt, viên chức "tụ thủ bàng quan" bất chấp hậu quả đối với kinh tế - xã hội thế nào !
Dẫu Bộ Chính trị loan báo "chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung", rồi chính phủ ban hành "quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung" [9] nhưng các hệ thống vẫn không nhúc nhích và giờ, tới lượt quốc hội dự tính ban hành nghị quyết để khắc phục chuyện viên chức"không dám hành động do sợ sai" [6], một vài cá nhân như ông Phạm Văn Hòa kiến nghị vạch "lằn ranh đỏ".
***
Đã có lúc, thiên hạ từng thắc mắc, tại sao xác định tham nhũng là quốc nạn nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại bất chấp khuyến cáo của nhiều chính phủ, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, đề nghị của nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam, cương quyết gạt bỏ nỗ lực hình sự hóa "giàu có bất thường" (điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản của họ) ra khỏi Luật Hình sự khi sửa vào các năm 2015 và 2017[10] và Luật Phòng – chống tham nhũng vào năm 2018[11] nhưng ông Trọng - người giương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai" [12] - đã giải đáp thắc mắc này :Phòng chống tham nhũng phải bảo đảm"nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình" [13].
Đề nghị của ông Phạm Văn Hòa (ban hành các quy phạm pháp luật để tha bổng những tham quan ô lại tự nguyên khai báo, nộp lại tài sản, che đậy hành vi phạm tội và tiếp tục lưu dụng những tham quan ô lại này) chỉ là một bước trong kế hoạch thực thi "nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình". Trong kế hoạch đó chỉ có một vấn đề mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xem là chuyện nhỏ nên không bận tâm, đó là không có chỗ cho "nhân dân" dù "nhân dân" mới thực sự là chủ thể và "nhân dân" đang là đối tượng trực tiếp gánh chịu đủ loại hậu quả từ tham nhũng. Trong nhận thức của những người như ông Hòa, "nhân dân" không "quý" như tham quan, ô lại nên ông và các đồng chí của ông không hề cảm thấy "xót xa" như đã và đang "xót xa" cho các tham quan ô lại.
Trăn trở của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam về việc viên chức "không nghĩ, không làm, không hành động" cho nên phải chiêu dụ tham quan ô lại để kích thích "dám nghĩ, dám làm, dám hành động" chính là một trong những bằng chứng hết sức cụ thể cho thấy, xứ sở này, dân tộc này chỉ là tài sản của một nhúm người không thể thay thế, thành ra việc lựa chọn, sắp đặt và trọng dụng dứt khoát chỉ có thể nhắm vào những thành viên thuộc nhúm người ấy bất kể tài, đức ra sao !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/05/2024
Chú thích
[1] https://tuoitre.vn/vi-sao-can-bo-nhung-cham-chu-dong-nop-tien-khac-phuc-20240108073326154.htm
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx
[7] https://vnexpress.net/thu-hoi-hon-386-000-ty-dong-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-4661671.html
[8] https://dangcongsan.vn/tieu-diem/bai-4-dai-bao-hiem-cho-can-bo-dam-nghi-dam-lam-648686.html
[10] http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
[11] https://tuoitre.vn/chong-tham-nhung-van-bo-tay-voi-tai-san-bat-minh-20171121095053431.htm