Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/06/2024

Tìm hiểu thêm vụ bắt nhà báo Huy Đức

Trà My, Mạnh Kim, Nguyễn Nam

Vì sao Tô Chủ tịch chỉ đạo Bộ Công an bắt Huy Đức tại thời điểm hiện nay ?

Trà My, Thoibao.de, 03/06/2024

Đêm 1/6, tin nhà báo nổi tiếng Huy Đức – tức tức Facebooker Trương Huy San, bị khởi tố và khám xét nơi ở, đã làm chấn động mạng xã hội.

huyduc1

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đón Nhà báo Huy Đức tại phi trường Tân Sơn Nhất sáng ngày 4/7/2013.

Có ý kiến so sánh, tin Huy Đức bị bắt được công luận quan tâm, ngang với việc bắt Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo giới thạo tin, đây là điều mà một số người, trong đó có cả bản thân nhà báo Huy Đức đã biết trước. Bởi trong chế độ này, đó là vấn đề sẽ xảy ra, chỉ là đến nhanh hay chậm mà thôi.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, lý do người ta bắt Huy Đức lúc này, có liên quan đến một số status mang tính nhạy cảm, động chạm đến một số nhân vật lãnh đạo cao cấp, như Tổng Trọng hay cựu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Cụ thể, trong status "Những suy nghĩ không rời rạc", viết trên Facebook cá nhân ngày 28/5 ; hay bài "Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi" trước đó ít ngày, được cho là động chạm các chính sách của Bộ Công an và Tổng Trọng.

Đáng chú ý, nhà báo Huy Đức được đánh giá là một nhân vật gây tranh cãi. Luật sư Đặng Đình Mạnh trong status, "Sao lại hồ hởi với việc Osin bị bắt ?", đã đưa ra nhận xét :

"Nếu các bạn cho rằng, Huy Đức là người được ông Trọng chống lưng, tôi đồng ý. Nếu các bạn cho rằng, Huy Đức là cây viết đấm đá cho phe cánh trong chế độ, tôi vẫn đồng ý. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận, Huy Đức đã không viết để "đánh" người chống lưng cho mình".

Có ý kiến cho rằng, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, Huy Đức, và một số cây bút nổi tiếng nằm trong "Nhóm truyền thông" của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – tức Tư Sang. Đầu năm 2024, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Công Khế, khi đó, đã có những tin "rò rỉ" : Sau Nguyễn Công Khế sẽ là Osin Huy Đức.

Nhà báo Huy Đức vốn là dân gốc Hà Tĩnh, và là đồng hương của ông Trương Tấn Sang. Ông Tư Sang là dân Đức Hòa, tỉnh Long An, nhưng có quê gốc tại xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, và là lãnh tụ tinh thần của phe chính trị Hà Tĩnh.

Nhà báo Huỳnh Văn Hoa, một đồng nghiệp của Huy Đức, tiết lộ trên trang Facebook cá nhân :

"Ngoài đời, Huy Đức thường chơi với một nhóm sĩ quan an ninh cao cấp gốc Nghệ – Tĩnh ở Sài Gòn ; họ thường gặp nhau ăn sáng, vài tuần một lần, tại một nhà hàng trên đường Sương Nguyệt Anh, quận Nhất. Có thể, từ nhóm bạn đồng hương này mà Huy Đức khai thác được nhiều thông tin thuộc loại quý hiếm, mà các báo khác không có được… Nhiều người đoán rằng, chắc chắn anh sẽ bị bắt, xong, điều đó đã không xảy ra, tôi nghĩ, có phần "bảo kê" của nhóm đồng hương Nghệ Tĩnh, thậm chí ở cấp cao hơn".

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao, Bộ Công an lại bắt Huy Đức ngay tại thời điểm này, khi cuộc chiến quyền lực trong nội bộ Đảng đang đi tới hồi kết ?

Theo một số ý kiến, trong thời gian gần đây, ông Tư Sang có các chuyến đi ráo riết, vận động Tổng bí thư và các cấp có thẩm quyền, lật lại hồ sơ vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty AVG, làm thất thoát của nhà nước hơn 7.000 tỷ. Theo đó, trong vụ AVG, tài liệu được đóng dấu "mật", thậm chí là "tối mật" về những công văn trao đổi, giữa Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Công An, giữa ông Tô Lâm và ông Trương Minh Tuấn, được tung ra. Phía Tô Lâm định áp dụng bài cũ, với lập luận, ai là kẻ tung tài liệu "mật" này để quy tội đối thủ. Nhưng đối thủ của Tô Lâm đẳng cấp hơn, đã lập luận rằng, tại sao những tài liệu này được xếp vào loại "mật" ?

Một nguồn tin từ nội bộ tiết lộ, "nếu ông [Nguyễn Phú] Trọng mà muốn xử ông Tô Lâm, thì việc đã xong từ lâu. Nhưng không bao giờ có chuyện đó, vì quyền lợi giữa ông Trọng và Tô Lâm trước đây đan xen bám chặt vào nhau".

Hơn thế nữa, duy nhất có ông Trương Tấn Sang, người theo đuổi vụ AVG này từ nhiều năm nay, ông Tư Sang chính là người mang những hồ sơ này cung cấp cho "nhóm truyền thông" của mình, rồi tung ra các tài liệu đánh Tô Lâm. Trong đó có Nguyễn Công Khế, Trương Huy San tức Huy Đức, và một số nhân vật khác, với những bút danh lạ hoắc của "nhóm truyền thông bẩn", như Nguyễn Văn Tung, Hoàng Việt…

Khả năng cao, nhà báo Huy Đức sẽ bị khởi tố với một tội danh nào đó, theo Điều 331 về "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" ; hoặc Điều 117, về "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", của Bộ Luật Hình sự 2015.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 03/06/2024

*****************************

Không ai còn có thể "an toàn"

Mạnh Kim, VNTB, 03/06/2024

Việc bắt Huy Đức chỉ là vấn đề thời điểm

huyduc2

Huy Đức trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2014

Cách đây vài tháng, tôi nhận được cuộc gọi của anh T. Anh cho biết, một nguồn khả tín của anh báo rằng danh sách bị bắt trong năm nay có tên Huy Đức. Không chỉ có tên, Huy Đức còn nằm ở đầu bảng. Do vậy, việc bắt Huy Đức chỉ là vấn đề thời điểm. Tôi tin Huy Đức nhận thức rõ mức độ đe dọa cá nhân mình.

Cùng với Huy Đức, danh sách còn có vài người khác, trong đó có XXX. Không thân với Huy Đức và cả với XXX, anh T. muốn tôi nhắc với XXX rằng phải cẩn thận. Cá nhân tôi không thân Huy Đức. Trước giờ tôi chỉ gặp vài lần, trong đó có một số buổi chiêu đãi ngoại giao của các lãnh sự quán ở Sài Gòn. Do đó, tôi đã không nói gì với Huy Đức.

Vả lại, một người có quá nhiều nguồn như Huy Đức, từ công an, quân đội đến tình báo và cả các nhân vật chóp bu trong hệ thống, hẳn nhiên anh ấy biết nhiều hơn rất nhiều mà những gì "bên ngoài" biết về anh ấy. Tuy nhiên, tôi báo tức thời cho XXX, thậm chí còn nhắn thêm với vài bạn thân của XXX, để cùng đánh động rằng sự việc thật sự rất nghiêm trọng, rằng đang có một làn sóng bắt bớ nhằm vào những người "mặc định" được xem là "bất khả xâm phạm".

Quen thuộc với cách thức làm việc của an ninh (dựa vào việc quan sát đối tượng bị bắt, lý do được nêu khi bị bắt và thời điểm bị bắt), có một lúc, tôi tin rằng có một số người chắc chắn không bao giờ bị an ninh đụng đến.

An ninh thường chỉ nhắm vào những người hoạt động có tổ chức (cho dù "tổ chức" ở đây là một nhóm rất nhỏ), những người công khai kêu gọi cổ xúy hoạt động xã hội dân sự, những người có liên lạc với các tổ chức nước ngoài ; và những người gặp gỡ viên chức ngoại giao phương Tây khi họ đến để tìm hiểu về tình trạng nhân quyền Việt Nam. Với những "đối tượng" độc lập, dù sức ảnh hưởng mạnh như thế nào, chỉ lên tiếng bày tỏ quan điểm, chủ yếu là cảm xúc nhiều hơn là lý lẽ và lập luận chạm đến hệ thống, thì "an toàn".

Tuy nhiên, vài năm gần đây, dường như cách thức làm việc của an ninh và công an bắt đầu thay đổi. Đối tượng họ nhắm đến rộng hơn. Mức độ nguy hiểm đe dọa cao hơn. Chẳng ai có thể an toàn được nữa. Nếu lúc trước người ta chuẩn bị dư luận kỹ hơn trước khi ra tay bắt người, bây giờ họ trở nên bất chấp. Thái Văn Đường thậm chí bị bắt cóc ở Thái Lan. Trước khi được giới ngoại giao Đức can thiệp và đưa sang Đức an toàn, Nguyễn Tiến Trung cũng phát hiện mình bị theo dõi ở Thái Lan. Trước đó, khi còn ở Sài Gòn, dù hạn chế hoạt động tối đa, thậm chí đến mức "zero", Nguyễn Tiến Trung vẫn bị dọa dẫm.

Điều đó cho thấy, "mới" cũng như "cũ", còn "hoạt động" hay không, gần như bất kỳ đối tượng nào có "tiền án chính trị" cũng đều có khả năng bị bắt. Và người ta muốn bắt, chứ không phải chỉ giám sát và theo dõi. Thậm chí người ta sẵn sàng bắt những người mà không ai tin có thể bị bắt. Bắt với những quy kết rất không rõ ràng.

Khi nghe tin về "danh sách 2024", do vậy, tôi đã không còn hồ nghi – về sự bất khả xâm phạm của một số người mà tôi từng tin họ không thuộc đối tượng mà an ninh cần bắt. Nếu trước kia, tôi tin rằng an ninh luôn cân nhắc vấn đề dư luận, sự "rúng động dư luận", tác động và ảnh hưởng của sự việc, không chỉ với xã hội trong nước mà còn với cả phản ứng nước ngoài ; thì bây giờ, tôi thấy rằng "niềm tin" này không còn "có cơ sở". Bây giờ, dư luận đối với chính quyền không còn ý nghĩa gì. Cả nước đang sống trong sợ hãi. Chính sách khủng bố người dân bằng sự sợ hãi đã thành công gần như tuyệt đối.

Dư luận nước ngoài cũng không còn đủ mạnh để ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong cái gọi là thế giới toàn cầu và những ảnh hưởng ràng buộc toàn cầu, không còn có sự hiện diện của vấn đề nhân quyền. Với Mỹ lẫn EU, việc lên tiếng trước những vụ vi phạm nhân quyền ngày càng giống một hành động mang tính chiếu lệ. Việt Nam đang là một trong những trọng tâm của Mỹ trong bản thiết kế chính sách đối ngoại mà Hà Nội được dùng làm đối trọng với Trung Quốc.

Chẳng ai còn mặn mà thật sự với chuyện nội bộ Việt Nam. Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, thậm chí Trần Huỳnh Duy Thức… chỉ là những cái tên, rất cô độc, như là những con chữ lẻ loi, nằm trong bản báo cáo tình trạng nhân quyền Việt Nam. Họ không còn hiện diện trên bàn làm việc chính sách của giới chức ngoại giao giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists) cho biết, thời điểm hiện tại, ít nhất 19 nhà báo trong nước đang bị giam. Hai người bị bắt trong năm 2024 là Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình. Freedom House cho biết thêm, ít nhất 60 blogger và nhà hoạt động đã bị kết tội "làm, tàng trữ và phát tán tài liệu chống nhà nước" kể từ năm 2018. Và theo đánh giá và xếp hạng của Reporter Without Borders, Việt Nam hiện nằm ở vị trí 174/180 trong bảng chỉ số về tự do ngôn luận – tệ hơn cả Nga (162/180) và Trung Quốc (172/180).

Bây giờ, không ai còn có thể "an toàn", cho dù là người của phe nhóm hay là một người độc lập không dính dáng bất kỳ tổ chức nào, kể cả tổ chức phi chính phủ. Đã và sẽ không còn tiếng nói phản biện nào nữa. Không còn tư duy phản biện nào nữa, cho dù ý thức công dân vẫn mãnh liệt, và vẫn không thôi khát khao một tương lai sáng sủa hơn. Đất nước đang chìm hay đi lên, tự mỗi người đều có câu trả lời.

Mạnh Kim

Nguồn : VNTB, 03/06/2024

***************************

Nhà báo Hoàng Linh : Huy Đức bị bắt do những sai lầm chết người

Nguyễn Nam, VNTB, 03/06/2024

Nhà báo Hoàng Linh, một người bạn cùng làm báo Tuổi Trẻ với nhà báo Huy Đức đã thẳng thốt bằng loạt đại từ, rằng "những tin đồn này nếu là đúng sự thật thì đây quả là một quả bom thông tin, một cú địa chấn ngay trong ngày lễ thiếu nhi, thật là khủng khiếp !".

3333333333333333333333

Việc Huy Đức đã công kích Tô Lâm và chỉ trích Nguyễn Phú Trọng là những giọt nước tràn ly…

Hoàng Linh kể rằng lúc ban đầu mới vào nghề Trương Huy San được biết đến với cái tên Trương Ngộ, sau này là bút danh Huy Đức, chuyên mảng chính trị xã hội của báo Tuổi Trẻ. Có thời gian Huy Đức chuyển sang báo Thanh Niên làm một thời gian rồi lại quay về báo Tuổi Trẻ. Rồi chuyển sang lần nữa tờ báo này rồi ông đi nước ngoài du học.

Theo nhận xét của Hoàng Linh thì Huy Đức còn là một người viết sách với tư cách là một người quan sát chính trị. Huy Đức đã xuất bản "Bên thắng cuộc" tại nước ngoài. Với "Bên thắng cuộc", Huy Đức được đánh giá là một người chép lại lịch sử, một người lật lại lịch sử cũng bằng cái tên Huy Đức của thời làm báo. Sau đó là Huy Đức mở tài khoản mạng xã hội yahoo 360, sau đó là tài khoản Trương Huy San trên mạng facebook.

Huy Đức càng nổi tiếng hơn với những bài bình luận chính trị, sau đó là những tin tức mang tính chất tiết lộ, thí dụ như bắt ai đó thì Huy Đức là người đầu tiên đưa ; như bắt Trịnh Văn Quyết, Huy Đức đưa hình ảnh Trịnh Văn Quyết ăn tô mì tôm ở Sapa và nói rằng Trịnh Văn Quyết sẽ ăn mì tôm dài dài, ngầm ý là ở tù.

Hoàng Linh kể rằng người ta đã đặt Huy Đức là "chim cú" bởi khi ông đã nói tên ai là không sớm thì muộn người đó cũng đi "chăn kiến", cũng bị bắt.

Hoàng Linh cũng cho rằng Huy Đức là nhà báo đã công kích trực diện lúc đương chức của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Và cuối cùng thì ông Đinh La Thăng đã bị bắt. "Uy lực của Huy Đức lúc đó quá mạnh" – nhà báo Hoàng Linh nhận xét.

Trên đỉnh cao quyền lực về truyền thông như vậy thì – như lời của Hoàng Linh, Huy Đức vấp hai khuyết nhược chết người.

Đó là thể hiện mối thù tức cá nhân, mặc dù người ta không làm gì hết, Huy Đức đã tấn công liên tục vào ông Nguyễn Tấn Dũng cùng gia đình của ông. "Thời gian gần đây cũng như vậy, anh Huy Đức có viết bài, viết một dòng trạng thái và trong đó có nói về ông Lê Duẩn ; đồng thời có tấn công cá nhân vào tiến sĩ Lê Kiên Thành, và việc này làm cho anh Lê Kiên Thành rất tức giận (…).

Sau đó anh Huy Đức có một sai lầm chết người tiếp theo nữa là có vẻ như anh viết không dựa trên sự thật khách quan, hay là chính điều anh suy nghĩ, mà viết theo một khuynh hướng của ai đó, của nhóm lợi ích nào đó.

Mới đây thì anh Huy Đức có những bài viết mà chúng tôi cũng đã có ý kiến là nếu khách quan thì nhận định về công cuộc đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Bộ trưởng Tô Lâm, đó là ý chí của hàng triệu đảng viên được lãnh đạo bởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bộ Chính trị chỉ là cơ quan được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ủy nhiệm để làm điều đấy. Và cơ quan thực hiện tố tụng đúng pháp luật đó là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Tất cả là một hệ thống chứ không phải là một cá nhân ai hết, và anh Huy Đức cũng không thể chứng minh có sự mâu thuẫn, hay là một vụ án nào sai, ít nhất là đến giờ phút này (…).

Chúng ta làm truyền thông, chúng ta đứng trên hai chân của mình. Đôi khi nó cũng chịu thiệt thòi, đôi khi nó cũng túng thiếu, đôi khi nó cũng không có tiền nó cũng thiếu danh vọng, nhưng mà nó an toàn và nó sẽ được công chúng tôn trọng. Có những vinh quang nhất thời do nhóm lợi ích mang lại, do những thông tin mang tính rõ rỉ mang lại, không bền lâu đâu, thưa các anh chị" – nhà báo Hoàng Linh chia sẻ với tư cách đồng nghiệp một thời với nhà báo Huy Đức.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 03/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, Mạnh Kim, Nguyễn Nam
Read 558 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)