Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/06/2024

Việt Nam "mơ" trình độ công nghệ quân sự Bắc Triều Tiên nhưng không đánh đổi kinh tế

Nguyễn Thế Phương - Thu Hằng

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên được thúc đẩy mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm 2018 đến đầu 2019 với đỉnh điểm là chuyến công du Hà Nội của lãnh đạo Kim Jong Un và họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump. Việt Nam thường xuyên được nhắc đến như một điển mẫu về mở cửa để Bình Nhưỡng có thể hướng theo. Tuy nhiên, trên phương diện quân sự và công nghiệp quốc phòng, Bắc Triều Tiên bỏ xa Việt Nam.

vietnambachan1

Bắc Triều Tiên thử tên lửa bắn chặn một vụ tấn công hạt nhân của "kẻ thù" ngày 22/04/2024. Ảnh của chính phủ Bình Nhưỡng do cơ quan thông tấn KCNA đăng tải. AP

Năm 2023, Hà Nội không nhập khẩu vũ khí dù có ngân sách mua sắm hàng năm khoảng 1 tỉ đô la. Nga, nguồn cung lớn nhất của Việt Nam, đang vướng vào chiến tranh Ukraine và bị cấm vận. Israel, một nhà cung cấp khác, dù không bán thiết bị quân sự cho Việt Nam trong những năm gần đây, cũng đang phải tập trung khí tài đối phó với lực lượng Hamas ở dải Gaza. Dù thực hiện chính sách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí nhưng dường như Việt Nam gặp trở ngại trong đàm phán với các đối tác mới. Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng nội địa mới chỉ sản xuất được những loại vũ khí cơ bản, chưa đủ trình độ để sản xuất các loại khí tài cần công nghệ lõi.

Những thành tựu vượt bậc về quân sự và công nghiệp quốc phòng của Bắc Triều Tiên liệu có phải là một mô hình để Việt Nam theo đuổi ? Bình Nhưỡng sẵn sàng hy sinh kinh tế để củng cố quốc phòng. Trong khi Việt Nam không có chủ trương như vậy. Trên đây là một trong số những nhận định của nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải, Đại Học New South Wales, Úc, khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.

***

RFI : Việt Nam từ lâu được đề cập là nước hỗ trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên, nhưng về mặt quốc phòng và công nghiệp quân sự, Bắc Triều Tiên dường như là mô hình để Việt Nam học hỏi ?

Nguyễn Thế Phương : Nhận định này có mặt đúng nhưng có mặt không đúng lắm, theo quan điểm cá nhân của tôi. Quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên sẽ phải xuất phát từ nhu cầu của cả hai bên : Việt Nam cần gì ? Và Bắc Triều Tiên cần gì ? Thực tế mà nói, mối quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên không thực sự suôn sẻ như những gì báo chí đưa ra, từ lịch sử cho tới nay, có nhiều khúc mắc và khúc khuỷu lắm. Đặc biệt khi mà Bắc Triều Tiên có một thể chế tương đối là toàn trị hơn Việt Nam.

Điểm thứ hai, mô hình công nghiệp quốc phòng của Bắc Triều Tiên đáng học hỏi nhưng phải xem là cái mô hình đó được xây dựng dựa trên sự đánh đổi nào. Ở đây, Bắc Triều Tiên đánh đổi kinh tế với quốc phòng, hy sinh toàn bộ thiết chế chính trị của họ và tập trung mọi nguồn lực vào quốc phòng. Và rõ ràng sự đánh đổi ở đây, mọi người đều biết là thực trạng kinh tế Bắc Triều Tiên như thế nào. Và Việt Nam rõ ràng không thể áp dụng một cách máy móc tư duy dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia vào quốc phòng được. Rõ ràng là khi dồn toàn bộ tiền cho quốc phòng thì chắc chắn sẽ phải đạt được một cái thành tựu nào đó, không đạt được thành tựu thì mới là có vấn đề.

Nhưng mô hình Việt Nam không phải như vậy. Việt Nam không phải là một mô hình toàn trị và coi quốc phòng như là một nền tảng để quản lý quốc gia. Còn Bắc Triều Tiên, vì lịch sử, vì vấn đề địa lý, tư duy, chính trị quốc tế nên họ đã lựa chọn đặt quân đội trên hết. Và chính sách "tiên quân" có từ thời Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) cho tới bây giờ là "song tiến" của Kim Jong Un, tức là vừa kinh tế vừa quốc phòng nhưng thực ra quốc phòng vẫn nổi trội hơn.

Mỗi một mô hình có điểm mạnh và điểm yếu và có vấn đề là họ hy sinh cái gì để họ đạt được mục đích. Việt Nam hiện nay không thể đi theo mô hình như vậy được, mà mô hình của Việt Nam là độc nhất, chỉ phù hợp với đặc trưng kinh tế, xã hội chính trị và quan hệ quốc tế của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khi mà nguồn lực của Việt Nam phải được dành cho phát triển kinh tế và phát triển xã hội chứ không chỉ dành hoàn toàn cho cái gọi là "phát triển quốc phòng" được.

Nhưng nói như thế không phải là Việt Nam không có những học hỏi nhất định. Việt Nam vẫn sẽ có một số học hỏi nhất định về trao đổi đoàn, về mô hình công nghiệp quốc phòng của Bắc Triều Tiên. Nhưng thực tế mà nói, bởi vì mô hình khác nhau, ưu tiên khác nhau, nên theo cá nhân tôi, thì sự học hỏi đó không cao. Bởi mô hình của Việt Nam hiện tại, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng, Việt Nam học hỏi từ hai nước là chủ yếu : Trung Quốc và Nga. Đó là các mô hình lưỡng dụng, theo kiểu tư nhân tham gia vô mô hình đó và toàn bộ "tổ hợp công nghiệp quốc phòng" được đặt trong một mô hình kinh tế thị trường. Bắc Triều Tiên không có nền kinh tế thị trường đó.

Cho nên từ Bắc Triều Tiên có thể học hỏi việc họ phát triển cụ thể ở một số loại vũ khí, khí tài, ví dụ như là quá trình họ phát triển tàu ngầm. Việt Nam hiện nay đang cố gắng xây dựng một hạm đội tàu ngầm từ lớn tới nhỏ, trong đó mô hình xây dựng tàu ngầm mini là mô hình của Bắc Triều Tiên hoặc là một số kỹ thuật hoặc là một số loại vũ khí, ví dụ các loại tên lửa mang tính chiến lược thì Việt Nam cũng kế thừa được kinh nghiệm phát triển tên lửa của Bắc Triều Tiên, tất nhiên là từ rất lâu rồi, bây giờ thì không có chuyện đó bởi vì có liên quan đến cấm vận. Nhưng rõ ràng là sẽ có thể học hỏi, nhưng cái sự học hỏi đó nói chỉ mang tính cục bộ và hạn chế rất nhiều bởi vì về mặt thiết kế mô hình kinh tế chính trị, mô hình quản trị quốc gia thì Việt Nam và Bắc Triều Tiên hoàn toàn khác nhau.

RFI : Vũ khí hệ Nga chiếm khoảng 80% trong kho vũ khí Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam không mua được linh kiện hoặc vũ khí từ Nga do Moskva bị cấm vận. Từ cuối năm ngoái, Bình Nhưỡng và Nga thắt chặt quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Bắc Triều Tiên được cho là sản xuất vũ khí cho Nga và dường như được Nga chuyển giao công nghệ. Liệu Bắc Triều Tiên, dù vẫn bị cấm vận, có trở thành một kênh trung gian cho Việt Nam tiếp cận công nghệ vũ khí của Nga ?

Nguyễn Thế Phương : Điều này ở thời điểm hiện tại là khó có khả năng xảy ra bởi vì liên quan rất nhiều đến việc cả Nga và Bắc Triều Tiên bị cấm vận. Do đó việc Việt Nam có một mối quan hệ nào đó với Bắc Triều Tiên và với Nga có liên quan đến vũ khí là vấn đề hết sức nhạy cảm và sẽ tác động đến uy tín quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là ở Liên Hiệp Quốc. Cho nên khả năng Việt Nam tiếp cận vũ khí hay linh kiện vũ khí của Nga thông qua Bắc Triều Tiên là khá thấp. Đó là lý do thứ nhất, liên quan đến uy tín quốc tế, tới cấm vận.

Lý do thứ hai là không nhất thiết phải thông qua Nga mới có các linh kiện của Nga. Bởi vì hiện nay, Việt Nam có mối quan hệ an ninh quốc phòng khá tốt đẹp với những quốc gia cũng sử dụng linh kiện của Nga và Việt Nam hoàn toàn có thể mua lại những linh kiện thông qua các quốc gia đó. Ví dụ Ấn Độ là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng cũng như quân đội sử dụng vũ khí của cả hai hệ : Nga và Liên Xô trước đây và của cả phương Tây và Mỹ. Do đó, với quy mô quân đội hơn 1 triệu người thì vũ khí cũng như phụ tùng linh kiện vũ khí của Nga trong kho của quân đội Ấn Độ không phải là thiếu. Và ngoài Ấn Độ còn có các quốc gia Đông Âu.

Tiếp theo, Nga cũng đã chuyển giao giấy phép một số loại kinh kiện phụ tùng cho Ấn Độ, có nghĩa là cùng một loại linh kiện phụ tùng đó, thay vì Nga sản xuất thì Ấn Độ sản xuất. Việt Nam hoàn toàn có thể mua trực tiếp từ Ấn Độ, chuyển giao giấy phép sản xuất vũ khí hoặc phụ tùng cho các nước khác. Không chỉ có Ấn Độ mà còn có Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước mà nền công nghiệp quốc phòng phụ thuộc rất lớn vào năng lực quốc phòng của Nga.

Cho nên, xét tới những khả năng như vậy, có thể thấy việc Việt Nam thông qua Bắc Triều Tiên để tiếp cận vũ khí hoặc linh kiện sản xuất từ Nga tạo ra rủi ro nhiều hơn lợi ích. Rủi ro lớn nhất vẫn là rủi ro bị ảnh hưởng bởi cấm vận, bị ảnh hưởng về việc uy tín quốc tế của Việt Nam bị giảm sút. Nhưng quan trọng hơn nữa là cấm vận. Vì rủi ro khá là cao nên khả năng đó khá là thấp. Mặc dù đã có thảo luận nội bộ về vấn đề này nhưng khả năng đó khó xảy ra và hầu như không xảy ra ở thời điểm hiện tại. Và khả năng làm việc trực tiếp với Nga đã nổi lên từ cuối năm ngoái (2023). Việt Nam không cần thông qua Bắc Triều Tiên để là việc với Nga mà Việt Nam sẽ làm việc trực tiếp với Nga.

RFI : Trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng đạt nhiều tiến bộ hơn về công nghệ tên lửa đạn đạo, như chúng ta thấy qua những vụ thử gần đây và được cho là nhờ Nga giúp đỡ. Liệu thông qua Bắc Triều Tiên, Việt Nam có thể tiếp cận được những công nghệ tiên tiến đó không, theo mô hình trao đổi hợp tác đôi bên cùng có lợi ?

Nguyễn Thế Phương : Về mặt lý thuyết, đi đường vòng như vậy là có thể nhưng về mặt thực tế thì tốn cả thời gian, công sức và tiền bạc. Nhanh nhất, hiệu quả nhất, đỡ tốn thời gian nhất vẫn là Việt Nam làm việc trực tiếp với Nga bởi vì hai nước là đối tác chiến lược toàn diện, có mối quan hệ an ninh quốc phòng mật thiết và truyền thống. Hiện nay công nghệ mà Việt Nam quan tâm nhất của Nga là công nghệ hạt nhân, thì Việt Nam làm việc trực tiếp với Nga, không cần thông qua ai. Nên xét về lợi ích giá trị mang lại và mất đi, quan điểm riêng của tôi vẫn là làm trực tiếp với Nga sẽ nhanh hơn và đỡ tốn hơn là đi vòng.

Thứ hai, quan hệ song phương hiện nay giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên không được tốt như trước đây. Phải khẳng định như vậy ! Quan hệ chỉ ở mức ngoại giao, tạm gọi là "thân thiết" về mặt ý thức hệ, cũng như là việc Việt Nam làm trung gian trong một số vấn đề chính trị, ví dụ giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc hoặc là giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên hoặc Mỹ và Bắc Triều Tiên. Còn về mặt thực chất, hầu như mối quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên không tiến triển gì nhiều trong mấy thập niên trở lại đây. Cho nên khả năng thông qua bắc Triều Tiên để tiếp cận công nghệ, về mặt lý thuyết, là có, nhưng rất khó xảy ra. Với tình hình hiện tại, với mối quan hệ Việt-Triều, với mối quan hệ Việt-Nga hiện tại thì việc đó khó xảy ra.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải, Đại Học New South Wales, Úc.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 03/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Thế Phương, Thu Hằng
Read 237 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)