Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/06/2024

Ai là người ra lệnh bắt Huy Đức ?

Tuấn Ngô - Trà My - BBC

Bắt khẩn cấp Huy Đức liên quan gì đến Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – tân ủy viên Bộ Chính trị ?

Trà My, Thoibao.de, 05/05/06/2024

Việc gần đây nhà cầm quyền Việt Nam cho bắt hàng loạt những tiếng nói trái chiều, là sự tái khẳng định, việc đàn áp tự do sự biểu đạt cũng như tự do ngôn luận.

huyduc5

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – tân ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, kiêm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Xung quanh lý do Bộ Công an khởi tố bắt giam đối với nhà báo Huy Đức, nhiều ý kiến cho rằng, liên quan đến một vài status mang tính "nhạy cảm" trong thời gian gần đây của ông. Những status này đề cập đến các sai lầm về chủ trương của Tổng Trọng, cũng như chỉ trích cựu Bộ trưởng Tô Lâm lạm quyền.

Nhưng việc đẩy hoàn toàn trách nhiệm cho ông Trọng và ông Tô Lâm, quy cho họ là thủ phạm đưa ra yêu cầu bắt giữ "khẩn cấp" đối với nhà báo Huy Đức, xem ra chưa thực sự công bằng.

Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc chỉ trích các lãnh đạo cấp cao đang đương chức, ông Huy Đức còn viết status tấn công cố Tổng bí thư Lê Duẩn, và con trai ông Ba Duẩn – Tiến sĩ Lê Kiên Thành. Được biết, ông Lê Kiên Thành rất tức giận, và đã gửi đơn thư đề nghị các cơ quan chức năng của Đảng xem xét, xử lý nghiêm nhà báo Huy Đức.

Được biết, cố Tổng bí thư Lê Duẩn vẫn còn uy tín đối với giới chức lãnh đạo quân đội hiện nay, cũng như vẫn có tầm ảnh hưởng lớn và được trân trọng. Do đó, công luận bỏ qua sự kiện, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 4/6 ghế ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – tân ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, kiêm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Cho nên, việc xử ý nhà báo Huy Đức, theo đúng trình tự, sẽ do Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – một tân Ủy viên Bộ Chính trị, tham gia chỉ đạo, và đưa ra yêu cầu nhanh chóng xử lý Huy Đức, với Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an, là điều chắc chắn.

Nhà báo Hoàng Linh, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, một đồng nghiệp của nhà báo Huy Đức, và cả 2 cùng từng dính dáng đến vụ án "trùm xã hội đen" Trương Văn Cam, tức Năm Cam.

Sau khi nhà báo Huy Đức bị khởi tố, bắt giam, nhà báo Hoàng Linh đã có một dòng trạng thái trên Facebook cá nhân, đưa ra nhận xét, Huy Đức nổi tiếng với cuốn sách "Bên thắng cuộc", và sau đó "Huy Đức càng nổi tiếng hơn với những bài bình luận chính trị, sau đó là những tin tức mang tính chất tiết lộ, thí dụ như bắt ai đó, thì Huy Đức là người đầu tiên đưa ra".

Ví dụ như vụ bắt Trịnh Văn Quyết, Huy Đức đã sớm đưa ra hình ảnh Trịnh Văn Quyết ăn tô mì tôm, và nói rằng, "với kiểu này, có lẽ Trịnh Văn Quyết sẽ ăn mì tôm dài dài, ngầm ý là sắp đi ở tù".

Đó là lý do vì sao, mạng xã hội đặt cho Huy Đức hỗn danh là "chim cú". Bởi theo nhà báo Hòang Linh, khi Huy Đức đã gọi tên ai, thì "không sớm thì muộn, người đó cũng đi chăn kiến, cũng bị bắt".

Chưa hết, nhà báo Hoàng Linh nhắc lại, trước đây, "Huy Đức là nhà báo đã từng công kích trực diện lúc đương chức của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Và cuối cùng, thì ông Đinh La Thăng đã bị bắt".

Nhà báo Hoàng Linh nhận xét, điều đó đã chứng tỏ cho thấy, uy lực của Huy Đức lúc đó, với thế lực chống lưng là quá mạnh.

Ngoài ra, từ trước, trong và sau Đại hội Đảng lần thứ 12 đến nay, Huy Đức đã tấn công liên tục vào ông Nguyễn Tấn Dũng cùng gia đình, mà được cho là theo lệnh từ ai đó. Theo tác giả Hoài Linh, "anh Huy Đức có một sai lầm chết người tiếp theo nữa, là có vẻ như, anh viết không dựa trên sự thật khách quan, hay là, chính điều anh suy nghĩ, mà viết theo một khuynh hướng của ai đó, của nhóm lợi ích nào đó".

Đồng thời, nhà báo Hoàng Linh đã khuyên Huy Đức, "chúng ta làm truyền thông, đôi khi chịu thiệt thòi, đôi khi túng thiếu, đôi khi cũng thiếu danh vọng, nhưng mà nó an toàn và nó sẽ được công chúng tôn trọng. Có những vinh quang nhất thời do nhóm lợi ích mang lại, do những thông tin mang tính rò rỉ mang lại, không bền lâu đâu, thưa các anh chị".

Một số ý kiến đánh giá rằng, đúc kết những điều vừa kể, có lẽ, là bài học cần thiết cho các nhà báo chân chính, trong một xã hội kim tiền như ở Việt Nam hiện nay.

Trà My

***************************

Ngẫm từ vụ bắt Huy Đức và Trần Đình Triển

Tuấn Ngô, Đất Việt, 04/06/2024

Với quy định của pháp luật hiện hành, đối với một số tội danh, đặc biệt là quy định về quyền tự do dân chủ, bất kỳ ai cũng có thể vi phạm những quy định này mà không hề biết. Tôi cho rằng, những người dám đứng thẳng lưng giữa lằn ranh sinh – tử, dù hiểu thế nào đi nữa thì họ cũng là những người đáng trân trọng.

ai1

Nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn "Bên Thắng Cuộc"

Ngày 1/6/2024, hai người xứ Nghệ bị bắt, đó là nhà báo Trương Huy San (Huy Đức) và luật sư Trần Đình Triển. Trên mạng xã hội, cái bóng của ông Osin Huy Đức quá lớn nên nhiều người quên đi một người cũng không hề tầm thường là Luật sư Triển, một người đã có rất nhiều năm lăn lộn với những người dân ở tầng dưới đáy xã hội. Không ít người tỏ ra hả hê vì ông Osin bị bắt vì cho rằng ông là người hai mặt, chuyên gia đu theo phe phái mạnh để sống. Nói cách khác, họ cho rằng đó là cái giá mà ông ấy phải trả cho hành xử của ông trong suốt một thời gian dài.

Có người còn cho rằng, việc ông ấy bị bắt là hơi muộn… Tôi tiếp xúc với ông San trong một số dịp, có trao đổi công việc chung, không nói chuyện riêng và cũng không bầu bạn ngoài đời dù bạn chung của chúng tôi rất nhiều.

Riêng luật sư Triển thì khác, ngoài là đồng nghiệp, chúng tôi còn là bạn bè ngoài đời dù so về tuổi đời, anh ấy hơn tôi cả một thế hệ. Chính anh là người hay khuyên nhủ tôi nhẹ nhàng, lắng xuống khi cần và bản thân tôi cũng không ít lần nhắc lại anh ấy là anh cũng nên cẩn trọng hơn một chút; anh ừ, cười và nói rằng việc anh làm là vì Đảng, vì Dân chứ không chống đối gì ai cả, em yên tâm.

Dù tôi không thân với nhà báo Trương Huy San và cũng không đủ thông tin, dữ liệu để đánh giá ông ấy thuộc hội nhóm hay phe cánh nào và việc ông ấy bị bắt như vậy là có xứng đáng hay không. Thế nhưng, tôi đủ nhận thức để thấy rằng, những lời ông ấy nói, những việc ông ấy làm, loại bỏ bớt sự phe nhóm (nếu có), thì nó là sự phản ánh hiện thực khách quan đang diễn ra ở thượng tầng xã hội mà chúng ta nên biết. Tôi nghĩ rằng không mấy ai trong chúng ta bị lãnh những hậu quả xấu từ những nội dung tiếp nhận từ ông ấy, còn thẩm thấu những nội dung, câu từ ấy ra sao phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người.

Như vậy, chúng ta được, mất gì ? Chúng ta không mất gì, cái được, như tôi nói, tùy vào cảm nhận của mỗi người. Vậy tại sao chúng ta phải hồ hởi khi người cho ta thông tin, cho ta sự phản biện xã hội khi họ bị rơi vào vòng lao lý ? Điều thực sự chúng ta cần trong cuộc đời này là gì ?

Im lặng trước những bất công xã hội là điều dễ nhất để làm, nhưng đó là với kẻ hèn. Phán xét người khác cũng vậy, đó là cách dễ nhất để làm. Tôi cũng đã từng như thế và có khi vẫn đang như vậy. Tôi có sửa nhưng chỉ được phần nào mà thôi. Chắc hẳn, cũng giống như tôi, bạn cũng yêu quý sự tự do, yêu quý sự công bằng và mong muốn đất nước mình ngày một văn minh hơn để con cháu mình được hưởng thái bình, thịnh vượng; bọn chúng không phải bôn ba xứ người tìm việc nặng nhọc hay lựa chọn xứ người để dung thân. Tôi tin đa số các bạn suy nghĩ giống tôi ở điểm này.

Thế nhưng, để có được điều nói rất dễ ấy, phải mất một quá trình dài, thậm chí rất dài mới có được. Người giỏi về kỹ thuật, cần có phương tiện kỹ thuật, công nghệ để thực hành; người giỏi về kinh tế, phải có doanh nghiệp tốt để dung thân, có môi trường quốc tế để vẫy vùng; người giỏi về chính trị, văn hóa, phải có nơi để thể hiện, giãi bày, tranh luận.

Thế nhưng chúng ta đang thiếu nhiều thứ, từ kỹ thuật, kinh tế tới vấn đề tự do, dân chủ trong văn hóa ứng xử khiến người dân nếu có bức xúc, không biết giải bày thế nào cho đúng; thế nào là giới hạn của Hiến pháp về quyền tự do dân chủ, thế nào là vượt qua ranh giới của nó… Từ những vấn đề mập mờ, chưa rõ ràng về ranh giới giữa một công dân có ích và một kẻ phản đồ ấy khiến không ít người bước qua bên kia lằn ranh lúc nào không hay. Không ai xứng đáng bị bắt chỉ vì nói lên chính kiến của mình cả!

Với quy định của pháp luật hiện hành, đối với một số tội danh, đặc biệt là quy định về quyền tự do dân chủ, bất kỳ ai cũng có thể vi phạm những quy định này mà không hề biết. Tôi cho rằng, những người dám đứng thẳng lưng giữa lằn ranh sinh – tử, dù hiểu thế nào đi nữa thì họ cũng là những người đáng trân trọng.

Như tôi đã rất nhiều lần nói, chúng ta không mất mát, tổn thương từ hành vi của họ, không hề, những người mất mát là người thân của họ, không phải chúng ta. Vậy thì hà cớ gì chúng ta lại hả hê, vui mừng khi người ta bị rơi vào nghịch cảnh ? Bạn có biết không, khi thưa dần những tay phản biện xã hội, xung quanh chỉ còn lại những tiếng tung hô, bạn có muốn, đất nước mình sẽ như Bắc Hàn không ?

Dù chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can được chính thức công bố nhưng khả năng nhà báo Trương Huy San và luật sư Trần Đình Triển được cho về là rất thấp. Tuy vậy, vẫn hy vọng mong manh về một kết quả giải quyết tích cực hơn, đặc biệt là đối với luật sư Triển vì ông đang phải giải quyết công việc cho rất rất nhiều khách hàng là những người dân nghèo đang vướng mắc về pháp lý…

Tuấn Ngô

*************************

Tổng Trọng và Tô Chủ tịch, ai đứng sau chỉ thị bắt "khẩn cấp" nhà báo Huy Đức ?

Trà My, Thoibao.de, 04/06/2024

Trên mạng xã hội và các diễn đàn chính trị của người Việt trong những ngày gần đây, có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại đối với tình trạng gia tăng bắt bớ đối các nhân vật có tiếng nói khác biệt với nhà cầm quyền Việt Nam.

ai2

Ngày 1/6, Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, đã bị khởi tố bắt giam.

Ngày 1/6, xuất hiện thông tin Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, đã bị khởi tố bắt giam. Cùng thời điểm đó, nhà báo Huy Đức bị bắt và khám xét nơi ở.

Được biết, Luật sư Trần Đình Triển là bạn đồng môn với cựu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Theo giới quan sát, trên mạng xã hội, Luật sư Triển thường có các ý kiến ủng hộ ông Tô Lâm, nhưng lại thường chỉ trích ông Nguyễn Hòa Bình về năng lực và trình độ. Khác với nhà báo Huy Đức, cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu lý do vì sao Luật sư Triển lại bị khởi tố bắt giam trong lúc này ?

Có ý kiến cho rằng, "người có tài thì lắm tật", ông Huy Đức hay ông Trần Đình Triển đều nằm trong số những người như vậy. Họ là những người có chuyên môn, cũng như có trình độ cao, có mối quan hệ rộng với các quan chức cao cấp. Do đó, họ phải gánh chịu số phận của những người luôn phải đứng giữa các làn đạn, của các thế lực chính trị cấp cao trong Đảng.

Việc bắt hay không bắt một ai đó, phụ thuộc vào tình hình chính trường, sự thắng thua của người chống lưng cho họ. Huy Đức bị bắt, chứng tỏ, phe kẻ chống lưng cho ông đang thua cuộc.

Một câu hỏi đặt ra, đó là, Tổng Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm, ai là người đứng sau việc bắt nhà báo Huy Đức và Luật sư Trần Đình Triển nói riêng, hay chủ trương dập tắt những tiếng nói trái chiều ở Việt Nam nói chung ?

Nhà báo, Luật sư Lê Quốc Quân đã đưa ra nhận xét trên Facebook cá nhân, rằng :

"Cả nhà báo Huy Đức và Luật sư Trần Đình Triển đều là người Hà Tĩnh. Họ bị 2 mũi tấn công, bắt khẩn cấp vào cùng 1 thời điểm. Trước đó, có 3 "Nghệ nhân" đều bị bắt về tội "trốn thuế", là : Luật sư Trần Vũ Hải, Luật sư Lê Quốc Quân và Luật sư – Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, nhưng với động cơ chính trị rõ ràng".

Đồng thời, ông Lê Quốc Quân cũng đưa ra một cảnh báo đáng lo ngại :

"Chưa bao giờ mà tư duy về băng hội, địa lý, phe nhóm, dữ dằn như hiện nay. Cũng chưa bao giờ mà đại biểu quốc hội lo lắng, lặng câm như bây giờ. Cứ nhìn vào gương Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, là các đại biểu [Quốc hội] run sợ 'són đái'".

Facebooker Nguyen Chiến Thắng – một người Việt định cư tại Châu Âu, đã đưa ra nghi vấn :

"Trước đây, nhiều người không hiểu cứ đổ cho Tô Lâm. Từ đàn áp biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, "đặc khu"… bắt bớ, tù đày các nhà hoạt động môi trường, giết cụ Kình, ra lệnh bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh… Cho đến bây giờ, khi Tô Lâm đã bị đá ngược lên, nhưng bắt bớ, đàn áp vẫn diễn ra còn gắt gao hơn".

"Mới nhất, vụ bắt nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển, đã cho thấy, bàn tay của kẻ nào đã nhúng vào tất cả các cuộc bắt bớ, đàn áp, giết người từ trước tới nay ?"

Theo giới thạo tin, không khó để hiểu rằng, ông Nguyễn Chiến Thắng đang ẩn ý, thủ phạm chính là Tổng Trọng.

Nhưng ngược lại, trong bài viết, "Vì sao nhà báo Huy Đức bị bắt khẩn cấp ?" của tác giả Nam Việt, đã đánh giá :

"Lâu nay, nhà báo Huy Đức được coi là người ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng, trong các chính sách điều hành đất nước, và đặc biệt là trong vấn đề chống tham nhũng.

Nhưng có ý kiến nói rằng, những bài viết gần đây được viết với sự hậu thuẫn của ông Trọng – [ông Trọng] tự chịu đau, để lấy đà cho một cuộc dọn dẹp sự thao túng của Tô Lâm đang diễn ra".

Nhà báo Nam Việt nhận định :

"Tô Lâm đã nhận thức thấy chuyện gì sắp xảy ra với mình. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, tên bạo chúa này [Tô Lâm] lập tức tiến hành bắt giữ nhà báo Huy Đức, mỉa mai thay, cũng dựa vào Điều luật 331 và 117 (Bộ luật Hình sự) mà Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn y trong việc trấn áp cả nước, và việc Huy Đức bị bắt, ngoài dự liệu của ông Nguyễn Phú Trọng".

Công luận ở Việt Nam có nhận định chung rằng, có vẻ như, ông Trọng không muốn Tô Lâm trở thành người nắm quyền cao nhất của Đảng, và đang nỗ lực chuẩn bị một cuộc thanh trừng, để hạ bệ Tô Lâm. Theo đó, đây là biện pháp một công đôi việc, ông Trọng và phe cánh sẽ loại trừ con hổ "ăn thịt" tất cả "đồng chí" của mình.

Về quyền tự do ngôn luận và biểu đạt ở Việt Nam, theo đánh giá và xếp hạng mới nhất của tổ chức Phóng viên Không biên giới, Việt Nam hiện gần như "đội sổ" ở bảng chỉ số về tự do ngôn luận, với vị trí 174/180 – còn tệ hơn cả Nga (162/180) và Trung Quốc (172/180).

Trà My 

***************************

Vì sao Tô Chủ tịch chỉ đạo Bộ Công an bắt Huy Đức tại thời điểm hiện nay ?

Trà My, Thoibao.de, 03/04/2024

Đêm 1/6, tin nhà báo nổi tiếng Huy Đức – tức tức Facebooker Trương Huy San, bị khởi tố và khám xét nơi ở, đã làm chấn động mạng xã hội.

[30/07/2014 16:42:14]  Chi?u 30/7/2014, t?i Ph? Ch? t?ch, Ch? t?ch nu?c Truong T?n Sang làm vi?c v?i lãnh d?o T?ng c?c C?nh sát phòng, ch?ng t?i ph?m (B? Công an) v? k?t qu? th?c hi?n nhi?m v? 6 tháng d?u nam và tri?n khai công tác 6 tháng cu?i nam 2014.

Có ý kiến cho rằng, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, Huy Đức, và một số cây bút nổi tiếng nằm trong "Nhóm truyền thông" của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – tức Tư Sang

Có ý kiến so sánh, tin Huy Đức bị bắt được công luận quan tâm, ngang với việc bắt Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo giới thạo tin, đây là điều một số người, trong đó có cả bản thân nhà báo Huy Đức đã biết trước. Bởi trong chế độ này, đó là vấn đề sẽ xảy ra, chỉ là đến nhanh hay chậm mà thôi.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, lý do người ta bắt Huy Đức lúc này, có liên quan đến một số status mang tính nhạy cảm, động chạm đến một số nhân vật lãnh đạo cao cấp, như Tổng Trọng hay cựu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Cụ thể, trong status "Những suy nghĩ không rời rạc", viết trên Facebook cá nhân ngày 28/5 ; hay bài "Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi" trước đó ít ngày, được cho là động chạm các chính sách của Bộ Công an và Tổng Trọng.

Đáng chú ý, nhà báo Huy Đức được đánh giá là một nhân vật gây tranh cãi. Luật sư Đặng Đình Mạnh trong status, "Sao lại hồ hởi với việc Osin bị bắt ?", đã đưa ra nhận xét :

"Nếu các bạn cho rằng, Huy Đức là người được ông Trọng chống lưng, tôi đồng ý. Nếu các bạn cho rằng, Huy Đức là cây viết đấm đá cho phe cánh trong chế độ, tôi vẫn đồng ý. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận, Huy Đức đã không viết để "đánh" người chống lưng cho mình".

Có ý kiến cho rằng, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, Huy Đức, và một số cây bút nổi tiếng nằm trong "Nhóm truyền thông" của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – tức Tư Sang. Đầu năm 2024, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Công Khế, khi đó, đã có những tin "rò rỉ" : Sau Nguyễn Công Khế sẽ là Osin Huy Đức.

Nhà báo Huy Đức vốn là dân gốc Hà tĩnh, và là đồng hương của ông Trương Tấn Sang. Ông Tư Sang là dân Đức Hòa, tỉnh Long An, nhưng có quê gốc tại xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, và là lãnh tụ tinh thần của phe chính trị Hà Tĩnh.

Nhà báo Huỳnh Văn Hoa, một đồng nghiệp của Huy Đức, tiết lộ trên trang Facebook cá nhân :

"Ngoài đời, Huy Đức thường chơi với một nhóm sĩ quan an ninh cao cấp gốc Nghệ – Tĩnh ở Sài Gòn ; họ thường gặp nhau ăn sáng, vài tuần một lần, tại một nhà hàng trên đường Sương Nguyệt Anh, quận Nhất. Có thể, từ nhóm bạn đồng hương này mà Huy Đức khai thác được nhiều thông tin thuộc loại quý hiếm, mà các báo khác không có được… Nhiều người đoán rằng, chắc chắn anh sẽ bị bắt, xong, điều đó đã không xảy ra, tôi nghĩ, có phần "bảo kê" của nhóm đồng hương Nghệ Tĩnh, thậm chí ở cấp cao hơn".

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao, Bộ Công an lại bắt Huy Đức ngay tại thời điểm này, khi cuộc chiến quyền lực trong nội bộ Đảng đang đi tới hồi kết ?

Theo một số ý kiến, trong thời gian gần đây, ông Tư Sang có các chuyến đi ráo riết, vận động Tổng bí thư và các cấp có thẩm quyền, lật lại hồ sơ vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty AVG, làm thất thoát của nhà nước hơn 7.000 tỷ. Theo đó, trong vụ AVG, tài liệu được đóng dấu "mật", thậm chí là "tối mật" về những công văn trao đổi, giữa Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an, giữa ông Tô Lâm và ông Trương Minh Tuấn, được tung ra. Phía Tô Lâm định áp dụng bài cũ, với lập luận, ai là kẻ tung tài liệu "mật" này để quy tội đối thủ. Nhưng đối thủ của Tô Lâm đẳng cấp hơn, đã lập luận rằng, tại sao những tài liệu này được xếp vào loại "mật" ?

Một nguồn tin từ nội bộ tiết lộ, "nếu ông [Nguyễn Phú] Trọng mà muốn xử ông Tô Lâm, thì việc đã xong từ lâu. Nhưng không bao giờ có chuyện đó, vì quyền lợi giữa ông Trọng và Tô Lâm trước đây đan xen bám chặt vào nhau".

Hơn thế nữa, duy nhất có ông Trương Tấn Sang, người theo đuổi vụ AVG này từ nhiều năm nay, ông Tư Sang chính là người mang những hồ sơ này cung cấp cho "nhóm truyền thông" của mình, rồi tung ra các tài liệu đánh Tô Lâm. Trong đó có Nguyễn Công Khế, Trương Huy San tức Huy Đức, và một số nhân vật khác, với những bút danh lạ hoắc của "nhóm truyền thông bẩn", như Nguyễn Văn Tung, Hoàng Việt…

Khả năng cao, nhà báo Huy Đức sẽ bị khởi tố với một tội danh nào đó, theo Điều 331 về "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" ; hoặc Điều 117, về "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", của Bộ Luật Hình sự 2015.

Trà My

************************

Nhà báo Huy Đức đã đi đâu, có thể bị 'tạm giữ' trong bao lâu ?

BBC, 04/06/2024

Nhà báo Huy Đức vẫn bặt vô âm tín sau 3 ngày kể từ khi có thông tin ông bị bắt. Bạn bè và người thân của ông vẫn chưa nhận được thông tin gì. Nhà báo Huy Đức đang ở đâu ? Ông có thể bị tạm giữ trong bao lâu ?

ai4

Nhà báo Huy Đức vẫn bặt vô âm tín sau 3 ngày xuất hiện thông tin ông bị bắt

Ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, còn được biết đến với bút danh Osin ở trên mạng xã hội.

Ông là một cây viết chính luận nổi tiếng, tác giả của bộ sách Bên thắng cuộc.

Gần đây, ông Huy Đức đã có nhiều bài phản biện về hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là nói đến vai trò của Đại tướng Tô Lâm và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Như BBC đã đưa tin, vào thứ Bảy ngày 1/6, nhà báo Huy Đức đột ngột "biến mất" giữa lúc mạng xã hội rộ lên tin đồn ông bị bắt. Cùng ngày, ông vắng mặt trong một sự kiện mà ông là diễn giả chính.

Trang Facebook mang tên Truong Huy San, sở hữu hơn 350.000 người theo dõi, đã đóng vào ngày 2/6.

Một người bạn của ông Huy Đức nói với BBC rằng tới hôm nay ngày 4/6, gia đình và bạn bè ông vẫn không có thêm thông tin gì về việc ông đã đi đâu và ra sao.

"Anh Huy Đức đã chuyển hẳn ra Hà Nội ở mấy năm nay và sống ở khu Long Biên. Họ bắt và khám nhà ở tại nơi ở và nhà cũ trong Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị khám. Anh ấy ở một mình và chắc là cũng đã chuẩn bị cho ngày này", người bạn giấu tên của ông Huy Đức nói với BBC ngày 4/6.

Ngoài ra, người này còn thông tin thêm rằng, gia đình của ông Huy Đức hiện đang ở Việt Nam nhưng không ai nhận được tin gì và không biết chuyện gì xảy ra với người thân của mình, chỉ có thể "bình tĩnh chờ đợi".

'Có thể bị tạm giữ đến 10 ngày'

BBC News tiếng Việt chưa thể xác minh được thông tin nhà báo Huy Đức bị bắt. Tuy nhiên, một số người gần gũi với ông đã không thể liên lạc với ông từ sáng thứ Bảy ngày 1/6.

Cho tới nay đã ba ngày, bạn bè nhà báo Huy Đức cho biết vẫn không có tin tức gì từ ông. Một số người nói với BBC rằng, ông Huy Đức đã bị công an đưa đi vào ngày 1/6. Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có thông tin chính thức về vụ việc liên quan đến ông.

Trao đổi với BBC News tiếng Việt ngày 4/6, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích ở góc độ luật pháp rằng hệ thống pháp luật tố tụng hình sự của Việt Nam hiện nay không tồn tại khái niệm "câu lưu". Thuật ngữ này chỉ được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ nghiệp vụ của lực lượng công an.

Theo quy định hiện hành, chỉ có hai hình thức tạm giữ người là tạm giữ hành chính và tạm giữ hình sự. Thời hạn tối đa đối với tạm giữ hành chính là 24 giờ, còn hình sự thì dài hơn, có thể lên tới 9 ngày :

"Về tạm giữ hình sự, thời hạn tối đa ban đầu là 3 ngày kể từ khi cơ quan chức năng tiếp nhận đối tượng. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được gia hạn thêm 3 ngày".

"Đặc biệt, thời hạn tạm giữ có thể được gia hạn lần hai với tối đa 3 ngày nữa. Tuy nhiên, mọi trường hợp gia hạn đều phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trong vòng 12 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị".

"Đồng thời, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo cho người thân, chính quyền địa phương nơi người bị tạm giữ sinh sống, làm việc biết về quyết định tạm giữ trong vòng 24h. Nếu người bị tạm giữ là người nước ngoài, thì cơ quan ngoại giao Việt Nam cũng cần được thông báo để chuyển tới cơ quan đại diện nước ngoài liên quan", luật sư Sơn nói.

Luật sư Phùng Thanh Sơn còn lưu ý thêm rằng, pháp luật hiện hành không cấm việc chuyển một người từ diện tạm giữ hành chính sang tạm giữ hình sự.

Vì vậy, điều này có thể dẫn đến việc một người bị tạm giữ trên thực tế lên đến 10 ngày, chưa kể thời gian chờ đợi cơ quan chức năng tiếp nhận người bị tạm giữ và ra quyết định chính thức.

"Sự im lặng của báo chí chính thống cho thấy đây là một sự kiện phức tạp, không đơn giản như việc bắt giữ một 'tội phạm' thông thường. Điều này đòi hỏi sự tìm hiểu kỹ lưỡng và thông tin một cách khách quan, trung thực từ phía các cơ quan truyền thông để tránh gây hoang mang dư luận".

"Trong mọi trường hợp, quyền tự do và an toàn cá nhân của công dân, bao gồm cả ông Trương Huy San, cần phải được tôn trọng và bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng cần sớm công bố thông tin chính thức về vụ việc để đảm bảo tính minh bạch và sự giám sát của xã hội", luật sư Phùng Thanh Sơn nhận định.

Mạng xã hội nói gì ?

Trước thông tin ông Huy Đức biến mất, nhiều người đặt câu hỏi về quy trình làm việc của cơ quan chức năng.

Facebook tên Nguyễn Quang Lập, được cho là của nhà văn Nguyễn Quang Lập, chất vấn rằng nếu đúng là nhà báo Huy Đức bị bắt thì phải có lệnh bắt, nhưng khi hỏi đến thì mọi người đều không biết :

"Tội nhất là người nhà Huy Đức, không biết cha mình, em mình, anh mình bị đem đi đâu, lại không biết hỏi ai. Vào những lúc đen tối này người ta hay nghĩ đến cái chết của người thân, tội lắm", Facebook Nguyễn Quang Lập viết.

Ông Lập còn chia sẻ thêm trải nghiệm của mình :

"Ngày tôi bị bắt, hơn chục người đến nhà, ông trung tá đọc lệnh bắt rõ ràng từng chữ. Khám xét cả buổi sáng, lập biên bản ký tá đàng hoàng mới đem đi về 4 Phan Đăng Lưu. Sau đó báo công an, ti vi đều đưa tin rất rõ ràng. Vậy mà với nhà báo Huy Đức lại, im lặng là sao nhỉ ?"

Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng từng bị cơ quan an ninh bắt tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2014 liên quan đến những gì ông viết trên mạng xã hội.

Facebook tên Nguyen Pham Xuan, được cho là của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chia sẻ hình ảnh của nhà báo Huy Đức được chụp ngày 26/5/2024 tại Hà Nội và kèm lời bình :

"Cho đến lúc này đã là ngày thứ ba Huy Đức bị biến mất. Điện thoại bị tắt. Facebook bị khóa. Người nhà người thân không biết. Bạn bè không biết. Mọi người không biết. Nhưng có điều này thì biết : Huy Đức đã đi vào lịch sử thời nay như một nhà báo phản biện độc lập mạnh mẽ cho dân nước Việt Nam. Tư cách ấy không ai xóa nhòa của anh được, dù đồng tình hay phản đối, yêu hay ghét anh", ông viết.

Facebook mang tên Lao Ta, được cho là của nhà văn Tạ Duy Anh, viết rằng câu chuyện Huy Đức Trương Huy San mất tích chắc chắn sẽ còn thu hút mối quan tâm của xã hội.

"Khi nghe tin ông gặp chuyện gì đó, sức khỏe của tôi đang ở mức tệ hại. Tôi nghe theo lời khuyên của nhiều người bạn khác, bình tĩnh chờ đợi thêm thông tin.

"Mong ông bình an. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng, một dân tộc thiếu vắng những nhà phản biện lớn là một dân tộc vô phúc và không có tương lai".

Luật sư Ngô Anh Tuấn viết trên Facebook của mình rằng, dù chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can được chính thức công bố nhưng khả năng nhà báo Trương Huy San được cho về là "rất thấp".

Còn luật sư Đặng Đình Mạnh thì đánh giá rằng Huy Đức đã là cây viết gần đúng với thiên chức nhà báo nhất.

"Cho dù chúng ta không hài lòng hoặc có quan điểm trái ngược với những vấn đề mà nhà báo Huy Đức đã từng viết, đề cập, thì việc chế độ đàn áp anh ấy chỉ vì những bài viết thể hiện quan điểm chính trị của một người thì cũng vẫn là bất công. Vì lẽ, thế giới văn minh không ai cầm tù những người có quan điểm, nhận thức và viết trái với chính sách, quan điểm của chính quyền cả".

Nhà văn Trần Thanh Cảnh, một người bạn của ông Trương Huy San, nói với BBC News tiếng Việt ngày 2/6 rằng ông chỉ biết hy vọng rằng sau khi các cơ quan chức năng đã làm việc, đã trao đổi với nhà báo Huy Đức, và thấy được bản chất của vấn đề thì "chúng ta sẽ lại thấy Huy Đức sớm xuất hiện trở lại trên mạng xã hội và cả ngoài đời".

Ông Cảnh cũng nói với BBC rằng, trong nhiều cuộc nói chuyện trước đây giữa hai người, cả hai đều đã trao đổi và lường trước khả năng ông Huy Đức "có thể sẽ bị bắt".

Những bài viết gai góc

Trước khi "biến mất", trên Facebook mang tên Truong Huy San có đăng tải bài viết "Những suy nghĩ không rời rạc" vào ngày 28/5, trong đó ông bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là "một bước lùi về chính trị".

Bài viết này có đoạn :

"Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có 'Đổi mới II' trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa".

Một bài viết khác gần đây có nhan đề "Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi" trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước :

"Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng : Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an".

"Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát…".

"Không có quốc gia nào có thể phát bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành", bài viết nêu.

Vào ngày 19/5, trước thềm họp thường kỳ Quốc hội khóa 15, Facebook Truong Huy San cũng viết về việc phải chăng ủy ban thường vụ Quốc hội đang giải thích Hiến pháp. Cụ thể là việc một người chưa được miễn nhiệm chức bộ trưởng bộ Công an mà có thể được bầu làm chủ tịch nước. Ở đây nói đến ông Tô Lâm.

Vào thời điểm đó, Quốc hội chưa có nội dung miễn nhiệm chức bộ trưởng của ông Tô Lâm nhưng có lịch bầu chủ tịch nước.

Tuy nhiên, tới ngày 21/5, Quốc hội đã thống nhất bổ sung vào chương trình nghị sự việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an đối với Đại tướng Tô Lâm.

Bên cạnh những bài viết nói trên, Facebook Truong Huy San cũng nói đến rất nhiều các vấn đề khác như các cuộc chiến mà lịch sử chính thống Việt Nam ít nhắc đến hoặc nhắc không đầy đủ như Chiến tranh Biên giới 1979, Gạc Ma 1988...

Nguồn : BBC, 04/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuấn Ngô, Trà My, BBC tiếng Việt
Read 1238 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)