Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/06/2024

Thủ Chính kìm giá vàng để xóa bỏ Nhóm lợi ích của Tổng Trọng như thế nào ?

Trà My

Sau nhiều tuần Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc bình ổn giá vàng, và kéo ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Nhưng với việc áp dụng các biện pháp "phi thị trường", giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng phi mã, có thời điểm, giá vàng SJC đã vượt mốc 92 triệu đồng/lượng.

vang1

Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo dừng việc đấu thầu bán vàng miếng, do không đạt hiệu quả.

Báo Dân trí ngày 3/6 đưa tin, "Giá vàng miếng SJC lao dốc, về 81 triệu đồng/lượng". Bản tin cho biết, mở phiên ngày 3/6, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức từ 80,5 đến 82,5 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng so với phiên cuối tuần vừa qua. Chênh lệch giữa chiều mua và bán giảm về mức 2 triệu đồng/lượng.

Như vậy, sau một tuần, giá vàng đã "bốc hơi" khoảng 10 triệu đồng.

Giới chuyên gia kinh tế nhận xét về lý do giá vàng "rơi tự do" như vừa kể, là do Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sẽ cùng 4 ngân hàng quốc doanh, gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank, tham gia mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước, để bán trực tiếp cho người dân, bắt đầu từ ngày 3/6. Đây là chủ trương mới nhất của Chính phủ, nhằm thu hẹp khoảng cách về giá vàng trong nước với thế giới. Theo phương án mà Ngân hàng Nhà nước công bố cho 4 ngân hàng và Công ty SJC, giá bán ra là 78,98 triệu đồng/lượng.

Trước đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất vất vả, loay hoay với kế hoạch đấu thầu vàng. Theo đó, ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước công bố chủ trương cho đấu thầu vàng miếng SJC, sau 11 năm, để bình ổn thị trường.

Với phiên đấu thầu mở màn ngày 22/4, và từ đó đến nay, đã tổ chức được tổng cộng 9 phiên, trong đó chỉ 6 phiên thành công. Kết quả của 6 phiên đấu thầu, tổng khối lượng vàng miếng SJC giao dịch là 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng, đã được các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng mua vào, để cung ứng ra thị trường.

Tuy nhiên, đến ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo dừng việc đấu thầu bán vàng miếng, do không đạt hiệu quả. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tìm các phương án khác để bình ổn giá vàng, trong thời gian sớm nhất.

Đáng chú ý, ngày 16/5, Tổng Giám đốc SJC Lê Thị Thúy Hằng đã đưa ra ý kiến cho rằng, "nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng". Trước đó, bà Lê Thị Thúy Hằng từng khẳng định, SJC không thao túng hay làm giá, mà giá vàng là do cung – cầu của thị trường quyết định.

Tuy nhiên, giới chuyên gia ngân hàng khẳng định, với sự chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, có chiều hướng tăng đều từ năm 2012 đến nay, nếu cho rằng không có sự làm giá, và giá vàng hoàn toàn do cung cầu của thị trường quyết định, là điều rất khó thuyết phục.

Theo đó, chỉ bằng một phép so sánh đơn giản, trước đây ít ngày, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã bất lực trong việc bình ổn và kiểm soát giá vàng. Cụ thể, báo VietnamNet ngày 10/5, đưa tin "Giá vàng tăng "điên loạn" : SJC lên đỉnh cao kỷ lục 92 triệu". Đây chính là sự thất bại trong những nỗ lực "giải cứu" của Chính phủ. Giá vàng không những không giảm, mà chênh lệch giữa giá trong nước với quốc tế còn tăng lên đến mức kỷ lục, hơn 30 triệu đồng/lượng.

Công luận cho rằng, việc giá vàng trên thị trường trong nước đã giảm xuống đáng kể vào lúc này, là thành công của Chính phủ Phạm Minh Chính – người có chủ trương xóa sổ tệ nạn độc quyền trong việc quản lý và kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC.

Việc giao vàng cho 4 ngân hàng thương mại bán trực tiếp cho người dân, nhằm tiến tới xóa bỏ Nghị định số 24, ra đời từ tháng 4/2012. Nghị định này được ban hành chỉ hơn một năm, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng bí thư trong nhiệm kỳ đầu tiên. Bằng chính sách độc quyền này, hơn 11 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã kiếm được biết bao nhiêu lợi nhuận từ số tiền chênh lệch khổng lồ, không biết đã chạy vào túi những ai và nhóm lợi ích nào.

Trong khi, mọi thiệt hại cho nền kinh tế, do chủ trương độc quyền kinh doanh vàng, đã trút hết lên đầu dân chúng. Thành công bước đầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc bình ổn thị trường vàng là điều đáng khích lệ.

Nhưng công luận thấy rằng, việc chỉ có SJC được thực mọi giao dịch mua và bán vàng miếng SJC, trong khi, 4 ngân hàng quốc doanh : Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank, chỉ được phép bán ra, mà không được mua vào từ khách hàng, là sự thiếu bình đẳng và không mang tính thị trường.

Trà My 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My
Read 359 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)