Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau nhiều tuần Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc bình ổn giá vàng, và kéo ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Nhưng với việc áp dụng các biện pháp "phi thị trường", giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng phi mã, có thời điểm, giá vàng SJC đã vượt mốc 92 triệu đồng/lượng.

vang1

Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo dừng việc đấu thầu bán vàng miếng, do không đạt hiệu quả.

Báo Dân trí ngày 3/6 đưa tin, "Giá vàng miếng SJC lao dốc, về 81 triệu đồng/lượng". Bản tin cho biết, mở phiên ngày 3/6, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức từ 80,5 đến 82,5 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng so với phiên cuối tuần vừa qua. Chênh lệch giữa chiều mua và bán giảm về mức 2 triệu đồng/lượng.

Như vậy, sau một tuần, giá vàng đã "bốc hơi" khoảng 10 triệu đồng.

Giới chuyên gia kinh tế nhận xét về lý do giá vàng "rơi tự do" như vừa kể, là do Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sẽ cùng 4 ngân hàng quốc doanh, gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank, tham gia mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước, để bán trực tiếp cho người dân, bắt đầu từ ngày 3/6. Đây là chủ trương mới nhất của Chính phủ, nhằm thu hẹp khoảng cách về giá vàng trong nước với thế giới. Theo phương án mà Ngân hàng Nhà nước công bố cho 4 ngân hàng và Công ty SJC, giá bán ra là 78,98 triệu đồng/lượng.

Trước đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất vất vả, loay hoay với kế hoạch đấu thầu vàng. Theo đó, ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước công bố chủ trương cho đấu thầu vàng miếng SJC, sau 11 năm, để bình ổn thị trường.

Với phiên đấu thầu mở màn ngày 22/4, và từ đó đến nay, đã tổ chức được tổng cộng 9 phiên, trong đó chỉ 6 phiên thành công. Kết quả của 6 phiên đấu thầu, tổng khối lượng vàng miếng SJC giao dịch là 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng, đã được các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng mua vào, để cung ứng ra thị trường.

Tuy nhiên, đến ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo dừng việc đấu thầu bán vàng miếng, do không đạt hiệu quả. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tìm các phương án khác để bình ổn giá vàng, trong thời gian sớm nhất.

Đáng chú ý, ngày 16/5, Tổng Giám đốc SJC Lê Thị Thúy Hằng đã đưa ra ý kiến cho rằng, "nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng". Trước đó, bà Lê Thị Thúy Hằng từng khẳng định, SJC không thao túng hay làm giá, mà giá vàng là do cung – cầu của thị trường quyết định.

Tuy nhiên, giới chuyên gia ngân hàng khẳng định, với sự chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, có chiều hướng tăng đều từ năm 2012 đến nay, nếu cho rằng không có sự làm giá, và giá vàng hoàn toàn do cung cầu của thị trường quyết định, là điều rất khó thuyết phục.

Theo đó, chỉ bằng một phép so sánh đơn giản, trước đây ít ngày, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã bất lực trong việc bình ổn và kiểm soát giá vàng. Cụ thể, báo VietnamNet ngày 10/5, đưa tin "Giá vàng tăng "điên loạn" : SJC lên đỉnh cao kỷ lục 92 triệu". Đây chính là sự thất bại trong những nỗ lực "giải cứu" của Chính phủ. Giá vàng không những không giảm, mà chênh lệch giữa giá trong nước với quốc tế còn tăng lên đến mức kỷ lục, hơn 30 triệu đồng/lượng.

Công luận cho rằng, việc giá vàng trên thị trường trong nước đã giảm xuống đáng kể vào lúc này, là thành công của Chính phủ Phạm Minh Chính – người có chủ trương xóa sổ tệ nạn độc quyền trong việc quản lý và kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC.

Việc giao vàng cho 4 ngân hàng thương mại bán trực tiếp cho người dân, nhằm tiến tới xóa bỏ Nghị định số 24, ra đời từ tháng 4/2012. Nghị định này được ban hành chỉ hơn một năm, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng bí thư trong nhiệm kỳ đầu tiên. Bằng chính sách độc quyền này, hơn 11 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã kiếm được biết bao nhiêu lợi nhuận từ số tiền chênh lệch khổng lồ, không biết đã chạy vào túi những ai và nhóm lợi ích nào.

Trong khi, mọi thiệt hại cho nền kinh tế, do chủ trương độc quyền kinh doanh vàng, đã trút hết lên đầu dân chúng. Thành công bước đầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc bình ổn thị trường vàng là điều đáng khích lệ.

Nhưng công luận thấy rằng, việc chỉ có SJC được thực mọi giao dịch mua và bán vàng miếng SJC, trong khi, 4 ngân hàng quốc doanh : Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank, chỉ được phép bán ra, mà không được mua vào từ khách hàng, là sự thiếu bình đẳng và không mang tính thị trường.

Trà My 

Published in Diễn đàn

Giá vàng tại Việt Nam có thể bình ổn như Ngân hàng Nhà nước muốn ?

RFA, 28/05/2024

Ngân hàng Nhà nước hôm 27/5/2024 đã chính thức thông báo dừng đấu thầu bán vàng miếng. Đồng thời cơ quan này cũng cho biết sẽ tìm phương án bình ổn vàng khác thay thế trong thời gian sớm nhất, nhưng không nói rõ là giải pháp gì ?

giavang1

Vàng miếng SJC - AFP PHOTO

Trước đó vào ngày 15/4/2024, Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin cho đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm, với lý do để tăng nguồn cung cho thị trường, giúp bình ổn thị trường. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

Phiên đấu thầu trở lại được tổ chức vào ngày 22/4/2024, đến nay đã đã có 9 phiên đấu thầu được Ngân hàng Nhà nước tổ chức, trong đó 3 phiên không thành công do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu. Theo Ngân hàng Nhà nước, với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã trúng thầu là 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng mua vào và cung ứng ra thị trường.

Một người từng có đầu tư vàng ở Việt Nam, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 28/5/2024 cho RFA biết ý kiến :

"Từ trước đến nay, nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng. Việc độc quyền này chỉ nhằm mục đích duy nhất là phục vụ cho ‘lợi ích nhóm’ của các tổ chức tài chính nói chung, ngân hàng nói riêng mà trong đó các quan chức nhà nước và người nhà quan chức, có cổ phần hoặc sân sau của quan chức ! Ngay cả Campuchia là quốc gia láng giềng Việt Nam có giá vàng tương đương với giá vàng thế giới vì họ không độc quyền nhập khẩu vàng. Vì vậy mà có tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới để hưởng chênh lệch giá giữa Việt Nam so với Campuchia !"

Ông này nhận xét thêm về cách thức cơ quan chức năng Việt Nam bình ổn giá vàng :

"Việc ngân hàng nhà nước loay hoay tìm cách bình ổn giá vàng chỉ là cái ngọn, chẳng giải quyết được gì khi mà cái gốc thì không giải quyết. Vì vậy, cần giải quyết cái gốc này là bãi bỏ độc quyền nhập khẩu vàng. Nhưng giải pháp này sẽ khó thực hiện vì đụng đến ‘lợi ích nhóm’ của các quan chức nhà nước cấp cao có thẩm quyền trong lĩnh vực này, cùng với những lợi ích đan xen với các quan chức nhà nước cấp cao ở các lĩnh vực khác".

Lý do Ngân hàng Nhà nước cho đấu thầu vàng trở lại được cho là để bình ổn thị trường vàng, tuy nhiên theo truyền thông nhà nước, tại Việt Nam hôm 28/05 giá vàng miếng SJC tăng vượt 90 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới chỉ khoảng 72,2 triệu đồng/lượng, đang thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 18 triệu đồng/lượng.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, giải thích :

"Thị trường vàng là một bộ phận của hệ thống tài chánh tiền tệ trong một quốc gia, biến động của nó tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ cho nên nhà nước luôn luôn phải làm sao để hiểu cái thị trường này. Trong bối cảnh hiện nay do cơ chế chính sách trong thời gian gần đây đã làm cho vàng trở thành điểm nóng và chính vàng trong điểm nóng đó chính là tâm bão của giai đoạn hiện nay mà chính phủ đang khắc phục dần.

Để thu hẹp được giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thì phải chờ thời gian. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Ngân hàng nhà nước là phải dùng vai trò của mình bằng cơ chế chính sách chứ không trực tiếp tham gia vào việc bán vàng, trực tiếp kinh doanh thì chắc chắn hiệu quả sự ổn định trường vàng khó có khả năng thực thi trong mục tiêu đã đặt ra".

Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên vào ngày 28/3/2013. Tổng cộng Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng trong năm 2013, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng (tương đương 69,9 tấn vàng) trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó dù tăng nguồn cung vàng để bình ổn thị trường vàng, nhưng giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

Sau 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã ngưng cho đấu thầu vàng cho đến khi cho đấu thầu lại vào tháng 4 năm 2024… và lại cho ngưng đấu thầu vào ngày 27/5/2024.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, khi trả lời RFA hôm 28/5/2024 thì cho rằng, phần đông người dân mua và giữ vàng như một phương tiện để bảo lưu giá trị tài sản, chứ không phải là một phương tiện để đầu tư. Vì vàng giữ giá trị của nó theo thời gian khi so với sự lạm phát quá nhanh của tiền Đồng. Nhưng vàng theo ông Vũ không hẳn là một phương tiện để đầu tư được ưa chuộng vì sự tăng trưởng giá trị của nó theo thời gian khá khiêm tốn khi so với việc đầu tư vào các lĩnh vực khác. Ông Vũ cho biết tiếp :

"Muốn bình ổn giá vàng thì phải tạo một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để người dân dùng tài sản của mình đầu tư nhằm sinh ra lợi nhuận. Khi lợi nhuận từ việc đầu tư lớn hơn lợi ích từ việc nắm giữ vàng thì người có tiền sẽ chuyển sang đầu tư, không còn mặn mà với vàng nữa. Vàng vì vậy mà sẽ không còn nóng sốt nữa".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, một trong những kênh đầu tư đơn giản đối với người dân bình thường đó là gửi tiết kiệm ngân hàng. Chỉ khi mà lãi suất ngân hàng lớn hơn giá trị của lạm phát một cách đáng kể thì lúc đó người dân sẽ chuyển từ việc nắm giữ vàng sang gửi tiền vào các quỹ tiết kiệm. Do đó điều hành chính sách tiền tệ trong tình trạng Việt Nam hiện nay phải để dòng tiền tiết kiệm chuyển sang ngân hàng để bảo lưu giá trị, tăng tính thanh khoản và kích thích đầu tư thay vì chuyển sang vàng. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp :

"Một trong những kênh đầu tư khác là thị trường chứng khoán. Chỉ khi thị trường chứng khoán được cải cách để tăng tính linh hoạt của nó, mà nơi đó người tham gia được quyền đánh lên (long) và đánh xuống (short) đối với các cổ phiếu và các quỹ nhằm bảo vệ tài sản của mình, thì lúc đó sự nhộn nhịp tham gia và việc tạo ra lợi nhuận từ thị trường sẽ thu hút nhiều người đầu tư. Lúc đó tài sản thay vì nằm trong vàng sẽ chuyển thành vốn cho doanh nghiệp".

Về lâu về dài theo Tiến sĩ Vũ, sự năng động của nền kinh tế với các cơ hội đầu tư sinh lợi và sự ổn định của tiền Đồng sẽ thu hút tài sản của người dân thay vì mua vàng dự trữ sẽ chuyển thành vốn để phát triển các doanh nghiệp. Lúc đó thị trường vàng sẽ trở nên bình ổn hơn, không còn nóng sốt như đã chứng kiến trong khoảng thời gian vừa qua.

Nguồn : RFA, 28/05/2024

*************************

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dừng đấu thầu vàng

VOA, 28/05/2024

Ngân hàng Nhà nước hôm 27/5 thông báo dừng đấu thầu vàng miếng và cho biết "sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất".

giavang3

Giao dịch tại một tiệm vàng ở Việt Nam (Hình minh họa)

Ngân hàng này nói rằng phương án khác dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 3/6/2024.

Tuy nhiên, trong thông cáo ngắn, Ngân hàng Nhà nước không cho biết cụ thể về phương án bình ổn thị trường mới.

Theo ngân hàng này, phương án này sẽ được tiến hành "nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của chính phủ, thủ tướng chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới".

Theo VnExpress, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu gọi thầu vàng miếng SJC từ ngày 22/4 để tăng cung bình ổn thị trường. Sau 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên thành công, với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường.

Tuy nhiên, báo điện tử này dẫn lời ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nói rằng cách thức thực hiện các phiên đấu thầu vàng vừa qua "không rõ mục tiêu".

VnExpress cũng đưa tin, nhiều Đại biểu quốc hội nhận định rằng giải pháp đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước "chưa hiệu quả".

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Phó thủ tướng Lê Minh Khái hôm 14/5 chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tham gia đoàn liên ngành, công bố quyết định thanh tra thị trường vàng sau khi giá vàng ở Việt Nam đã vọt lên mức cao chưa từng thấy, khiến người dân đổ xô đi mua vàng, buộc chính phủ phải ra lệnh siết chặt quản lý thị trường vàng.

Nguồn : VOA, 28/05/2024

Published in Việt Nam
mercredi, 27 décembre 2023 22:00

Giá vàng tăng liên tục

Giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới…

vang1

Tính từ đầu tháng 12 đến nay, giá vàng SJC đã tăng 3,4 triệu đồng mỗi lượng. Còn nếu tính từ đầu tháng 11 đến nay, giá vàng SJC đã tăng gần 7 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng 24k tăng gần 6 triệu đồng/lượng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng khoảng 10 triệu đồng/lượng.

Trên sàn Kitco, chốt phiên cuối tuần giá vàng giao dịch ở mức 2.052 USD/ounce, tăng 0,36%. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York giao dịch ở mức 2.064 USD/ounce. Đồng kim loại quý này tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD suy yếu, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt lao dốc và mất mốc 103 điểm. Hiện chỉ số DXY đã dừng ở mức 101,72 điểm, giảm 0,12% so với giao dịch ngày 22/12 và mức thấp nhất trong 3 tháng qua.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, "Giá vàng thế giới tăng do quyết định của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về ngưng tăng lãi suất và sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ năm sau ; yếu tố địa chính trị ; nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương các nước…".

Ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, "mua lướt sóng kiếm lời ngay thì quá khó. Với những người đầu tư cho trung dài hạn mục tiêu 3-6 tháng cũng cần chờ giá vàng điều chỉnh, chứ không mua ngay vùng đỉnh, nguy cơ ‘đu đỉnh’ và rất rủi ro".

Phân tích các nguyên nhân thúc đẩy giá vàng trong nước tăng cao kỷ lục, chuyên gia Trương Vi Tuấn cho biết, thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ tích cực mua vàng từ các nguồn ; trong đó, có nguồn mua bán lẻ. Khi các doanh nghiệp sẵn sàng mua vào ở mức giá hấp dẫn so với thời điểm trước, giá mua vào sẽ cao. Theo chuyên gia này, thị trường vàng trong nước đang đứng trước các yếu tố tăng giá gồm tỷ giá VND/USD, xu hướng tăng giá vàng thế giới và yếu tố mùa vụ, cụ thể là chu kỳ tiêu dùng cuối năm, mùa cưới.

"Thị trường vàng không phù hợp để dồn tiền lướt sóng, trừ trường hợp đầu tư có nhiều công cụ phái sinh để hạn chế rủi ro. Nếu mua vàng lúc này vì thấy giá đang lên thì nhà đầu tư cần có dự phòng" chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.

Theo chuyên gia vàng Dương Anh Vũ cho rằng với chính sách tiền tệ của Mỹ, nhiều khả năng giá vàng sẽ vượt mức 2.065 USD/ounce và hướng đến 2.130 USD/ounce trong tháng 1/2024. Mặc dù vậy, với thị trường trong nước, giá được điều chỉnh tăng nhanh tạo ra rủi ro đáng kể nếu mua ‘chạy đuổi’.

Ông Đinh Nho Bảng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định : "Giá vàng trong nước đang quá cao so với vàng thế giới. Người dân không nên lướt sóng vàng thời điểm này vì đây là cơn "sốt", mà sốt thì chắc chắn sẽ hạ nhiệt. Chưa kể khi giá vàng quá nóng thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có các động thái chính sách. Chẳng hạn như việc Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24 thì giá vàng chắc chắn sẽ hạ, rủi ro cho người mua"…

Tuy nhiên tính đến tối ngày 26/12, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về việc giá vàng đang biến động, mặc dù đây chính là cơ quan duy nhất quản lý về thị trường vàng tại Việt Nam.

Dự báo về xu hướng giá vàng, nói chung các chuyên gia cho biết trong ngắn hạn giá vàng còn tăng, nhưng về trung và dài hạn thì mức tăng đó sẽ khó có thể duy trì được. Ngay cả những người đầu tư dài hạn cũng không nên "tất tay" đổ toàn bộ tài sản vào vàng. Chỉ những người muốn đa dạng danh mục thì mới nên đổ tiền vào vàng…

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 27/12/2023

Published in Diễn đàn

Đăng video dân dùng dao rượt đuổi công an, Facebooker bị công an phạt

RFA, 21/07/2022

Một người dân ở thị trấn Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang vừa bị Công an huyện Sơn Dương mời làm việc và củng cố hồ sơ xử lý về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận.

dan1

Hình ảnh chụp từ video người dân rượt đuổi công an - Facebook

Truyền thông Nhà nước dẫn nguồn tin từ Công an huyện Sơn Dương cho biết như vậy hôm 21/7.

Video được ông Nguyễn Bá Lương (24 tuổi) đăng tải trên Facebook cá nhân hôm 20/7 cho thấy một người dân đang cầm dao rượt đuổi mấy người công an trên đường phố và nhóm công an này dường như gặp khó khăn trong việc khống chế người đàn ông cầm dao.

Video ngay lập tức nhận được nhiều tương tác và được một số các tài khoản Facebook khác đăng lại.

Một số comments ở dưới đoạn video ở một số các tài khoản Facebook khác đăng lại video còn nhận xét tại sao công an thường quảng cáo có võ mà sao nhiều người vậy không khống chế được một người.

Theo cơ quan công an, khoảng 15g10 ngày 20/7, tại UBND thị trấn Sơn Dương, Tạ Quang Minh (33 tuổi, ở thị trấn Sơn Dương) dùng dao cố ý gây thương tích một cán bộ UBND thị trấn Sơn Dương. 

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng công an đã có mặt để khống chế Minh, tuy nhiên Minh cầm dao rượt đuổi lực lượng công an để 'tẩu thoát'. 

Sau đó Minh bị khống chế đưa về trụ sở Công an huyện để giải quyết. 

Cũng theo cơ quan Công an, khi xảy ra vụ việc, Nguyễn Bá Lương đã quay lại video và đăng tải lên trang Facebook cá nhân "Nguyễn Bá Lươngg (Lươngg Tửngg)" do Lương quản lý, sử dụng với nội dung "Biến căng đét ở ủy ban huyện Sơn Dương, chém cán bộ huyện nóng hổi luôn. Chém cũng kinh mà không ăn thua so với mấy anh áo xanh". 

Hiện nay Công an huyện Sơn Dương đang củng cố hồ sơ xử lý Nguyễn Bá Lương về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận theo quy định của pháp luật.

Công an huyện Sơn Dương khuyến cáo người dân không đăng tải, chia sẻ những nội dung thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, vi phạm Luật an ninh mạng. 

Hiện video đã không còn trên trang Facebook của Nguyễn Bá Lương nhưng trong một status mới đăng, ông Lương viết chỉ trích chung chung rằng : "Lúc xem thì từ già trẻ lớn bé đua nhau hóng hớt vui vẻ gọi bạn bè đông lắm ấy thế mà mà sau lại chỉ trích này nọ".

Trong comments dưới status này ông Lương cho biết ông sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt từ năm đến 10 triệu đồng.

********************

Giá vàng nhảy múa - Nghị định 24 là thủ phạm ?

RFA, 20/07/2022

Đề xuất xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC được Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đưa ra mấy năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi. Đối với đề xuất bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định với truyền thông nhà nước rằng, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là kiên định với những chính sách, những kết quả đạt được trong thời gian qua và cụ thể chính là Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

dan2

Vàng chưa đóng thương hiệu tại công ty sản xuất vàng SJC - Reuters

Cũng theo ông Đào Minh Tú, phải đặt lợi ích vĩ mô, lợi ích chung cho mọi người dân lên đầu, sau đó mới tính đến lợi ích của các doanh nghiệp vàng.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành năm 2012. Khoản 2 và 3 Điều 4 quy định : "Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng".

Ngân hàng Nhà nước đã chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia và thuê Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sản xuất. Việt Nam chỉ có một thương hiệu vàng miếng duy nhất là SJC.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được thành lập vào năm 1988, là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày 16/9/2010, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV với tên gọi Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC.

Tiệm vàng Kim Thành ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 19 tháng 7 cho RFA hay :

"SJC là vàng của nhà nước còn vàng bốn số 9 là vàng của tư nhân sản xuất. Vàng SJC bán nguyên miếng nên giá thị trường nó cao hơn. Vàng này đi đâu cũng bán được hết vì công ty lớn nên chất lượng nó cao hơn. Bây giờ chỉ có loại vàng đó là giá cao nhất thôi".

Trải qua mười năm với nhiều biến đổi về kinh doanh liên thông với thế giới, chấp nhận nền kinh tế thị trường nên Nghị định 24 bị cho là lỗi thời, cần phải thay đổi.  

Tại phiên chất vấn trả lời Quốc hội và cử tri hôm 9 tháng 6 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, sắp tới sẽ xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác cùng sản xuất vàng miếng hoặc là một thương hiệu riêng của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đoàn Hà Nội đã đặt câu hỏi cho bà Nguyễn Thị Hồng rằng : "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thanh tra kiểm tra với thực trạng giá biến động hay chưa ? Liệu có sự bắt tay thao túng giá vàng SJC trên thị trường hiện nay hay không và đến thời điểm nào thì Ngân hàng Nhà nước sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định 24 để xử lý một cách căn cơ các vấn đề bất cập về kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua ?"

Việc SJC độc quyền sản xuất vàng miếng tạo bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng kinh doanh vàng. Điều này được Hiệp hội kinh doanh vàng nhiều lần lên tiếng với truyền thông nhà nước.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính nói với RFA sáng 19/7/2022 :

"Cái nghị định 24 đến nay đã 10 năm rồi nhưng vẫn không thay đổi, mà Nghị định 24 có rất nhiều cái bất cập. Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương mà lại độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong khi nhà nước chỉ có chức năng quản lý thôi chứ nhà nước không có chức năng kinh doanh mua bán. Cái thứ hai nguy hiểm nhất là xây dựng duy nhất một thương hiệu vàng SJC.

Chính vì sự độc quyền như thế làm cho giá vàng trong nước tăng cao so với giá vàng thế giới. Hôm nay là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam giá vàng giảm 5 triệu đồng/lượng trong ngày vì người mua có tâm lý nhà nước chuẩn bị sửa nghị định 24. Người ta phải bán tháo vàng. Nhiều người bán ít người mua dẫn đến giá vàng nó sụt giảm. Họ chuẩn bị sửa nghị định 24 và chắc chắn phải sửa vì hôm nọ Quốc hội đã chất vấn tại sao chỉ có một thương hiệu vàng SJC".

Tiến sĩ Ngô Trí Long nói thêm, Nghị định 24 được ban hành nhằm mục đích chống vàng hóa nền kinh tế và ổn định giá vàng, phát triển thị trường vàng trong nước theo hướng liên thông với thị trường vàng quốc tế. Hiện mục tiêu chống vàng hóa đã đạt được nhưng mục tiêu ổn định giá vàng không đạt được và giá vàng lại quá cao so với thế giới.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, được báo SGGP dẫn lời rằng, do mức chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới quá cao nên người mua vàng SJC chịu nhiều rủi ro, nhất là khi giá vàng trong nước và thế giới chưa liên thông. Vàng miếng SJC do Nhà nước độc quyền sản xuất. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Theo ông Khánh, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp nên việc giao cho cơ quan ngân hàng trung ương sản xuất vàng miếng tại nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp.

Lên tiếng với truyền thông nhà nước về vấn đề sản xuất và kinh doanh vàng trong nước, Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh : "Đã đến lúc các cơ quan liên quan, nhất là Ngân hàng Nhà nước cần xem xét một cách nghiêm túc việc sửa đổi Nghị định 24, không nên để tình trạng độc quyền sản xuất một thương hiệu vàng quốc gia SJC như hiện tại nữa".

Ông Thuấn, một người mua bán nhà đất ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA :

"Trả bằng loại vàng nào là tùy mình thỏa thuận với nhau. Vàng SJC là vàng thông dụng của nhà nước nhưng nó chênh lệch với giá vàng bốn số 9 mấy chục triệu một lượng. Bây giờ có những công ty khác vàng cũng tốt nên mua bán giao loại vàng nào là do hai bên thỏa thuận với nhau.

Trước đây người ta hay mua bán bằng vàng SJC vì chất lượng bảo đảm và giá cả không chênh lệch nhiều. Bây giờ có vàng Phú Nhuận, vàng Thăng Long nữa. Mua làm của thì người ta hay mua SJC nhưng tôi nghĩ một ngày nào đó giá cũng được điều chỉnh thì mua cũng không có lợi. Thật ra mua bán nhà thì nhà nước bắt giao dịch bằng tiền nhưng nếu người ta muốn chồng vàng thì tùy…"

Ngoài chuyện độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng cho thấy sự không công bằng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp, mà nó còn dẫn đến tham nhũng, vì đó là một loại quyền lực. Nếu một doanh nghiệp được độc quyền sản xuất mặt hàng nào đó thì họ sẽ nâng giá lên để kiếm lời thật nhiều. Đó là lý do được cho là khiến giá vàng SJC cao ngất ngưởng, cao hơn giá vàng thế giới đến mấy chục triệu đồng/lượng.

Muốn giải quyết vấn đề này thì phải xóa bỏ quyền lực, phải "nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế" như lời ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói từ năm 2017.

Published in Việt Nam