Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/08/2017

Điều đáng sợ nhất đối với người làm báo

Quốc Phong

Điều cần nhất ở người cầm bút, đó là phải có được niềm tin và sự tôn trọng của bạn đọc. Dứt khoát không thể để tình trạng bên ngoài thì người ta sợ nhà báo, tờ báo nhưng trong lòng thì khinh bỉ.

lambao1

Phóng viên Phạm Lê Hoàng Uyển, người bị bắt quả tang nhận 280 triệu đồng của doanh nghiệp tại Công an Thành phố Cần Thơ - Ảnh do Công an cung cấp

Tôi thấy thật buồn khi sự việc đau lòng lặp lại chỉ cách nhau đúng 2 ngày, đó là việc báo chí dồn dập thông tin về một số nhà báo đi tống tiền doanh nghiệp và bị bắt giam. Buồn hơn là ở chỗ vụ nhà báo "dính đòn" cũng kiểu đó ở tỉnh Yên Bái mới xảy ra chưa lâu, ấy vậy mà sao nó lại có thể tiếp tục diễn ra lạnh lùng, ngông nghênh và liều lĩnh đến thế !

Như báo Một Thế Giới đã thông tin, tối 6/8, Công an Thành phố Cần Thơ đã bắt quả tang phóng viên Phạm Lê Hoàng Uyển (SN 1976, phóng viên của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập) nhận tiền của 2 doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại tỉnh hậu Giang. Nơi nhận tiền là 1 quán cà phê tại quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ. Theo thông tin ban đầu thì có 2 đối tượng đi cùng với Uyển. Uyển đòi 2 doanh nghiệp có liên quan đến 3 bài báo mà báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải phải đưa 700 triệu đồng nếu muốn gỡ bài. Khi đang nhận 280 triệu đồng thì Uyển bị bắt quả tang...

Sự thực thì tờ báo nói trên không hề có ai có tên như vậy. Theo bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh : "Uyển không phải là phóng viên, cũng không phải là cộng tác viên của Báo Phụ nữ Thành phố HCM. Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên này". Bà Mỹ cũng nói : "Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chân chính, không nên tiếp tay cho những phóng viên lợi dụng danh nghĩa báo chí để làm tiền. Đối với phóng viên Uyển bị Công an Thành phố Cần Thơ bắt quả tang nhận tiền doanh nghiệp bất động sản ở Hậu Giang, chúng tôi không liên hệ với Ban biên tập Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập để tìm hiểu thêm làm gì mà chỉ mong cơ quan chức năng làm đúng nhiệm vụ, xử lý nghiêm theo pháp luật...".

Một vụ khác cũng vừa được báo VietNamnet đưa : ngày 7.8, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận, họ đang tạm giữ hình sự ông Nguyễn Thế Thắng (SN 1976, ngụ xã Hòa Thắng, Thành phố Buôn Ma Thuột), là phóng viên của VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) khu vực Tây Nguyên để điều tra, xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời, công an cũng bắt khẩn cấp 1 người khác được cho là đồng phạm của ông Thắng, là Hoàng Văn Thanh (SN 1982, ngụ P.Tự An, Thành phố Buôn Ma Thuột) cũng về hành vi trên.

Thông tin ban đầu xác định, 18 giờ 45 ngày 4.8 lực lượng công an tỉnh đã bắt quả tang ông Thắng đang có hành vi cưỡng đoạt số tiền 45 triệu đồng từ 2 cá nhân là anh Trần Quang P. (SN 1988, ngụ đường Phan Chu Trinh, Thành phố Buôn Ma Thuột) và Đinh Thanh H. (SN 1984, ngụ xã Cư Êbur, Thành phố Buôn Ma Thuột). Từ khai báo của ông Thắng, ngày 5.8, phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ khẩn cấp Hoàng Văn Thanh. Bước đầu, công an xác định, ông Thắng lợi dụng hoạt động nghề nghiệp, cấu kết cùng ông Thanh và có hành vi cưỡng đoạt tài sản 2 cá nhân như đề cập trên.

Có vẻ như bài học từ việc phóng viên lợi dụng nghề nghiệp đi hù dọa quan chức xây biệt thự hoành tráng ở Yên Bái để đòi tiền cách đây 1 tháng rưỡi vẫn chưa đủ sức răn đe nhà báo về hậu quả của những hành vi phạm pháp. 

Tất nhiên, ở góc độ báo chí, nhà báo có quyền điều tra, phanh phui những khuất tất của những khối tài sản có dấu hiệu bất minh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu nói sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của những người liên quan. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế để giám sát tài sản của quan chức, thiếu nhiều biện pháp chế tài, nên để điều tra, bạch hóa những tài sản bất minh là điều không hề dễ dàng. Quan chức có thể thiếu trung thực khi kê khai tài sản, có thể khai đó là tài sản được thừa kế, của con cái cho, do "trúng số", nhờ mua bán, môi giới bất động sản mà giàu lên...

Hồi tháng 10 năm ngoái, khi báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết đã có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập. Có điều, qua xác minh 414 trường hợp chưa phát hiện người nào kê khai không trung thực (?!). Ông Tổng Thanh tra cũng cho hay : "Quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức. Chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm". 

Có đại biểu quốc hội mới đây chỉ ra : "Chúng ta có đầy đủ hệ thống kê khai tài sản cũng như các tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, có các cuộc báo cáo hàng năm, thậm chí ở các doanh nghiệp có sai phạm nghìn tỉ đồng vẫn được thanh tra, kiểm toán đầy đủ đúng quy trình, đúng thời gian, nhưng ít phát hiện ra những sai phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí." 

Như thế đủ hiểu chuyện xác minh tài sản cán bộ khó đến cỡ nào ! Và báo chí muốn điều tra ra được lại càng khó. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra chống tiêu cực, đã xuất hiện hiện tượng nhà báo lợi dụng vị thế của mình để dọa dẫm, tống tiền. Vụ việc nhà báo D.P. ở Yên Bái vừa qua là một ví dụ đau lòng cho nghề báo. Trong một cuộc họp trực tuyến gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình trạng báo chí "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" là vô cùng nguy hiểm.

Tôi hiểu rằng nhà báo phải có nhiều mối quan hệ xã hội thì mới có được nhiều thông tin và từ đó mới có thể có bài viết tốt. Nhưng quan hệ thế nào, ở mức nào thì vừa đủ lại là câu chuyện dài. Chỉ khi không lệ thuộc về tình cảm, về tài chính trong những mối quan hệ đó, nhà báo mới giữ được sự độc lập và trung thực cho ngòi bút của mình, trước người đọc. Chỉ như vậy mới có được những bài viết công tâm, mạnh mẽ và hữu ích cho nhân dân, đất nước... 

Tôi cũng hiểu rằng nghề làm báo là nghề không nhẹ nhàng chút nào. Đây không phải là nghề mà thấy thích thì vung bút viết, mà phải hiểu mỗi câu chữ mình viết, dù khen hay chê, dù đúng hay sai, nhiều khi lại gây rắc rối cho người mình đề cập trong bài. Cổ nhân có câu : "Lời nói đọi máu" không hề là điều vô tình.

Đây cũng là một nghề đầy cám dỗ, đầy cạm bẫy, mà nếu không vững lòng, "bút sắc lòng trong" thì nhà báo rất dễ dàng sa ngã, tha hóa. Và khi đó họ sẽ đánh đổi lương tâm, đạo đức nghề nghiệp lấy những đồng tiền sai trái, nhơ bẩn. 

Điều cần nhất ở người cầm bút, đó là phải có được niềm tin và sự tôn trọng của bạn đọc. Dứt khoát không thể để tình trạng nhìn từ bên ngoài thì người ta sợ nhà báo, tờ báo nhưng trong lòng thì khinh bỉ. Đây chính là điều đáng sợ nhất đối với những người làm báo chân chính.

Và những hiện tượng kiểu "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" càng cần phải được xử nghiêm để củng cố lòng tin, sự tôn trọng của người dân vào báo chí.

Quốc Phong

Nguồn : Một Thế Giới, 08/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 698 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)