Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2017

"Quan lệnh, chửi, choảng, nhầm, bụi và… smart-Tai"

Xuân Dương

Xin giải thích "quan lệnh" đây không phải ở chốn công đường, không phải quan nhấc cái triện to tướng, uỵch cái rầm vào tờ trát mỏng...

Xin giải thích "quan lệnh" đây không phải ở chốn công đường, không phải quan nhấc cái triện to tướng, uỵch cái rầm vào tờ trát mỏng. Đây chỉ là chuyện quan rỉ tai kẻ dưới, rằng "chị để cái xe đi ăn bún, em ngó hộ chị tí nhé".

Nếu quý bạn không tin thì cứ tìm hiểu, chỉ có điều "rỉ tai" thời hiện đại không phải là ghé môi sát vào tai người muốn "rỉ" mà chỉ là nhờ cái "phôn thông minh" (smartphone) ghé vào tai mấy em cấp dưới thôi.

Ngay cả khi "chị" chỉ nói nhõn câu "chị để cái xe đi ăn bún" mà không nhờ "ngó hộ tí" thì khi cái "phôn thông minh" đã áp vào cái "smart-Tai" (tai thông minh) tất chủ của cái "smart-Tai" phải hiểu, có thế mới gọi là "smart-Tai", ngốc nghếch đến mức không hiểu "chị" muốn gì thì vứt quách cái tai đi, giữ làm gì cho tốn…

Dùng từ "Smart-Tai" bạn đọc tinh ý có thể bảo cái nhà ông này lại lạm dụng từ ngữ bởi đã có lần ông dùng "Smart-dê" rồi. Biết thế nhưng nếu không dùng thuật ngữ "smart-Tai" thì dùng cái gì ?

Có người "ní nuận" thế này : Camera ghi hình chỉ có hình, không có tiếng thì làm sao biết "chị rỉ" cái gì !

Thế nên nếu chưa đạt đến đẳng cấp "smart-Tai" thì ngồi xê ra mà chầu rìa, nếu cố đoán mò điều mà "chị rỉ" có khi mắc lỡm, tội gì mang dại vào thân.

Nước mình có Xuân Bắc giỏi "đuổi hình bắt chữ", nếu mà Xuân Bắc giỏi "đuổi hình" thật thì thuê làm chuyên gia "khẩu hình", nhìn mồm… đoán chữ, giống như bên Tây người ta nhìn mồm tay hậu vệ Marco Materazzi để đoán tay láu cá này nói gì khiến Zinedine Zidane nổi điên tung cú "thiết đầu công" vào ngực Materazzi, kết cục Zidane nhận thẻ đỏ rời sân, khiến Pháp thua Ý ở chung kết World Cup 2006.

Các cụ nhà ta ngày xưa không "đuổi hình bắt chữ", cũng không "nhìn mồm đoán chữ" mà "nhìn mặt đoán số", chẳng thế mà có câu "trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon".

Theo các cụ, khuôn mặt "lưỡi cày" là gớm lắm, chả thế mà có bà làm đến vụ trưởng, lại có bà làm đến tổng giám đốc, còn ba cái chức phó thì nhằm nhè gì, ra đường võng giá nghênh ngang tí để thiên hạ biết ta là "phó rỉ", về gặp mấy trưởng có mà… anh hùng núp. 

Chuyện "quan chửi" thì cũng giống "mấy mẹ" ở chợ, cãi nhau một lúc cho tỉnh ngủ, ầm ĩ một tí cho cánh săn tin có cái mà "ném" rồi cũng êm xuôi, chứ nhìn vào cái hình "bắn ôtô", ai chẳng biết trình độ "Công ty trách nhiệm vô hạn tập đoàn Cửa hàng phô tô" (photoshop) nhà mình như thế nào.

Có cái lạ là các "cửa hàng phô tô" ấy tuy có vụng về tí nhưng lại được không ít bác "thợ săn" xúm xít khen, xem đó là đồ quý để minh chứng cho cái tội không thể chối cãi là "chưởi".

Vì chú "chửi quá trời chửi" - như lời người trong cuộc - là hành vi không thể chấp nhận nên chuyện nhờ "cửa hàng phô tô" là có thể chấp nhận khi mà "mục đích có thể biện minh cho phương tiện ?".

Việc giảng hòa là đương nhiên vì "mi láo nên tau mới chưởi", xe "tau" ở chỗ đường cụt chứ chạy trên phố đâu mà mi "bắn". Từ đường cụt "tau" mới rỉn ga có vài mét thì lấy đâu con số 81 mà mi "shop" !

Nếu muốn là cho ra ngô ra khoai, mượn cái xe đua "công thức 1" đem đặt vào chỗ đường cụt ấy chạy thử vài mét xem có đạt đến con số 81 không rồi cùng nhau… "chưởi" tiếp, hả ?

quan1

Ảnh chụp màn hình

Hề hề, còn chuyện "quan choảng" thì bây giờ nó tùm lum nên chẳng biết thế nào, gõ cụm từ "giám đốc sở đánh lái xe" nhờ Google tìm hộ, nhận được hình như sau :

Nhìn hình thì thấy ngài Giám đốc nọ vừa "choảng", vừa "hành hung", lại còn "đánh lái xe tới tấp", một bài khác thì viết "đấm đá túi bụi"… [1] thế mới biết người Tây, người Tàu kêu tiếng Việt khó học không phải không có căn cứ.

Mấy từ trên đều có nghĩa là "đánh", mà "đánh tới tấp" chứng tỏ vị giám đốc nọ có sức khỏe rất tốt, còn "cống hiến" được nhiều nên đặt vấn đề như Vov.vn : "Giám đốc Sở đánh nhân viên lái xe : Có xứng là lãnh đạo ?" liệu có hơi vội ?

Trộm nghĩ thế này, các "anh hùng bàn phím" nên tìm hiểu cách mà bên doanh nghiệp có "cửa hàng phô tô" người ta dùng, đại loại nên nói là bác "Giám sở" chỉ "vung tay chạm má, đá mới chạm đùi" chứ ai lại nói bác ấy "đấm đá túi bụi", nghe ghê khiếp.

Lại nữa, bài báo viết : "Một vị lãnh đạo ở địa phương lại là Tỉnh ủy viên, thì những hành động "du côn" như vậy là không thể chấp nhận. Không thể cho mình cái quyền là lãnh đạo, nhục mạ, đánh đập cấp dưới rồi xin lỗi là xong !" [1].

Đến đây thì mấy bác nhà quê ngồi uống trà sớm cảm thấy nên "cãi nhau tí" cho ra nhẽ.

Lẽ ra nếu không vội thì nên tìm hiểu "đầu cua tai nheo" xem sự thể thế nào, có trách thì trước hết phải trách mấy "thủng trư" trong nớ ("thủng trư" là tiếng Tàu chứ không phải tiếng ta, cũng đừng hiểu "trư" là…).

Khi mà bàn nhậu đã vui, đã nâng lên đặt xuống thì giả dụ có quá chén tí cũng nên thông cảm.

Vì "quá tí" nên không kìm được "tốc độ", nên có tí "túi bụi", ấy là "rượu làm" chứ không phải người làm. Ấy là rượu nó "du côn" chứ đâu phải người mà chụp cho bác ấy cái mũ to thế, nặng thế ?

Còn nếu chẻ hoe ra, nếu bảo Giám đốc sở Khoa học Công nghệ tất phải có học, tất phải có bằng nọ, cấp kia, lại còn là Tỉnh ủy viên mà có hành động "du côn" như bài báo thì liệu có phải là hơi thiên vị ?

Này nhé "Hai phó giám đốc sở "choảng" nhau ở quán karaoke nhận kỷ luật" (Tuoitre.vn 10/3/2015) ; "Giám đốc và phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị Thành phố Bảo Lộc xảy ra to tiếng rồi dẫn đến đánh nhau" (Vietnamnet.vn 20/6/2017) ; "Kon Tum : Cách chức hai cán bộ choảng nhau chảy máu mũi" (Tuoitre.vn 30/6/2017)…

Vậy đấy, cũng là "choảng nhau", nhưng cùng "cỡ" thì không phải "du côn", khác "cỡ" thì là "du côn", hóa ra người hiện đại không phải như một số người xưa "thực bất chi kỳ vị" (đánh chén không quan tâm ngon hay không), "choảng nhau" là khái niệm được phân loại kỹ lưỡng, khi nào là "du côn", khi nào không !

Hóa ra "choảng nhau" cũng có năm bảy đường, vậy khi nào sẽ xuất hiện "choảng có văn hóa" giống như một ông ở Thủ đô dạo nọ bảo "cướp có văn hóa" ?

Chuyện "quan nhầm" thì phải nói ngay rằng chẳng bao giờ có chuyện "quan nhầm", có chăng là "lỗi đánh máy", "lỗi văn thư", "lỗi do thư ký", "lỗi văn bản" hoặc "lỗi phông (font) chữ".

Báo Nld.com.vn viết : "Thứ trưởng ký xong đổ lỗi cho cấp dưới" [2].

"Lỗi đánh máy' không thể có ở nơi liêm chính !" là bài đăng trên báo Nongnghiep.vn, bài báo viết : "Đã có quá nhiều lần chữ "chính" không có trong cách thức cư xử của những vị có trách nhiệm ở các cơ quan Nhà nước, được thể hiện bằng chuyện họ đổ tại nguyên nhân khi xem xét trách nhiệm trong các vụ việc có "kết quả không thơm", là do "lỗi đánh máy" [3].

Nghe nói tờ đơn tự thú của Trịnh Xuân Thanh, người từng có hàm vụ trưởng, Phó Chủ tịch tỉnh còn viết sai be bét chính tả thì thư ký hay nhân viên đánh máy mắc lỗi không nên xem là chuyện lạ.

Chẳng lẽ Sếp chính tả sai be bét lại chọn cho mình "thằng thư ký" uyên thâm, phải chọn cái đứa "cứng đầu, cứng cổ" để thỉnh thoảng giơ ra chịu "báng" chứ không phải để "náo" với sếp !

Vì tít bài còn nói đến "quan bụi" nên đành viết thêm tí, bạn đọc thấy chán thì cứ "choảng", choảng bằng "Com mèn" thì "Bọ" chẳng ngại, cũng như có nơi khi bị "choảng" thì họ giữ "quyền im lặng", thế là xong.

Nếu thấy "choảng" có lý thì ít lâu sau đăng đàn thông báo "sáng kiến" của mình, rằng theo chúng tôi là "thế lọ, thế chai" chứ không phải ý kiến của cánh "anh hùng bàn phím".

Từ "quan bụi" là dựa vào câu "du lịch bụi", cũng dựa vào câu "Tây ba lô". Có cô Tây du lịch bụi sang Việt Nam, được người Việt cho ở nhờ, được đãi cơm miễn phí thế rồi đến Sài Gòn thì bị nẫng mất chiếc xe đạp, tiếc của nhưng cô vẫn yêu người Việt, vẫn hứa sẽ đến Việt Nam làm việc.

May mà chiếc xe được tìm thấy, được tìm cách gửi trả, còn tay đạo chích không biết sẽ "bóc lịch" bao lâu.

Thế thì thế nào là "quan bụi" ? Đó là quan nhưng đã lao động đến "thối móng tay", đã buôn chổi đót, nuôi lợn (nái ?), chữa xe đạp,… mới có được cơ ngơi hơn người. Quan đã "bụi" hơn cả "Tây bụi" mà sao khối người cứ không tin, cứ dè bỉu ?

Có phải cái thói "trâu buộc ghét trâu ăn" nó đã nhiễm vào tận tâm can hay chẳng qua "quan nói thế thế thời nghĩ thế" ?

Làm quan đâu có dễ, nghèo thì bảo dốt, giàu thì bị chê, ăn bún bị "soi", quá chén tí bị mắng, "choảng" cấp dưới tí bị "chưởi", quan khổ thế, đau lòng thế mà thiên hạ không "cám thẩu" (thấu cảm) lại còn hè nhau dè bỉu.

Chờ "hoàng hôn nhiệm kỳ" buông xuống, bỏ quách tất cả về nhà vui với cá cảnh, chó Nhật, tội gì sửa tuổi ở thêm cho mệt thân, nhọc óc.

Có tấm gương nhỡn tiền ra đấy, có cái nhà riêng cho thuê chưa đến hạn đòi, về hiu thuê cái nhà công ở trọ thêm một năm, trả tiền đàng hoàng mà còn bị "choảng" túi bụi thì tội gì không kiếm lấy vạn mét vuông đất mang tên vợ con, dựng cái nhà sàn cấp 4 bằng gỗ để thi thoảng ngồi hóng mát ?

Định viết tiếp nhưng mà thôi, nói dài, nói dai thế nào cũng có lúc nói dại, may mà còn có mấy anh em biên tập thông cảm, sửa hộ nên đôi lúc cũng yên tâm "dại" thêm tí, sửa là vừa.

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 10/08/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://vov.vn/vov-binh-luan/giam-doc-so-danh-nhan-vien-lai-xe-co-xung-la-lanh-dao-656248.vov

[2] http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thu-truong-ky-xong-do-loi-cho-cap-duoi-20170604223650215.htm

[3] http://nongnghiep.vn/loi-danh-may-khong-the-co-o-noi-liem-chinh-post191346.html

Quay lại trang chủ
Read 645 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)