Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật
Chỉ một dự án đầu tư sang Venezuela đã ngốn 14,2% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia thời điểm năm 2010, phải chăng đây là cuộc chơi liều lĩnh của một nhóm người ?
Một dự án khai thác dầu khí của PVEP tại Peru. Ảnh : PVEP
Ngày 21/2/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg (QĐ213) "Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019".
Quyết định nêu rõ :
"Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài ; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.
Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước".
Vì sao nhà nước đã có "Luật Đầu tư công" mà Thủ tướng còn phải ban hành quyết định trong đó đặc biệt nhấn mạnh chuyện "Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm…" ?
Nhiều năm gần đây, đầu tư công luôn là mảnh đất màu mỡ cho một bộ phận không nhỏ quan chức lợi dụng đục khoét ngân sách, vơ vét chia nhau những đồng tiền thuế người dân chắt chiu đóng góp.
Có thể nêu một số dẫn chứng, chẳng hạn vụ mua bán ụ nổi 83M tại Vinalines, vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, vụ nhà máy gang thép Thái Nguyên đầu tư tới hơn 8.000 tỉ đồng nhưng nay đang dần biến thành đống sắt gỉ,...
Một trong những vụ việc được dư luận quan tâm là việc Tổng công ty khai thác thăm dò dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thực hiện liên doanh với đối tác là Tổng công ty dầu khí Venezuela (thành viên của Công ty dầu khí quốc gia Venezuela) tại mỏ dầu Junin 2 và các dự án tại một số quốc gia khác.
Xin tóm lược một số thông tin mà báo chí đề cập về vụ việc tại mỏ dầu Junin 2.
Thứ nhất là ý kiến cho rằng các cơ quan thuộc Chính phủ đã vượt quá thẩm quyền, không trình Quốc hội phê duyệt trong việc thực hiện hợp đồng, cụ thể là bài báo :
"PVN 'ném' nghìn tỉ tại Venezuela : Ép bộ trưởng ký, 'phớt lờ' báo cáo Quốc hội" đăng trên Thanhnien.vn ngày 15/3/2019.
Thứ hai là thông tin từ tháng 11/2008, "Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có cuộc họp thẩm định báo cáo việc đầu tư này với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và có tờ trình Thủ tướng xin phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 1,24 tỷ USD" [1].
Sau đó "Với tư cách cơ quan thẩm tra hồ sơ xin cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đặc cách với dự án để sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên trả lời bằng văn bản sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã "bác" đề xuất này và "Yêu cầu Chính phủ có tờ trình chính thức gửi Ủy ban làm rõ phần vốn nhà nước góp vào dự án. Trường hợp dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư" [1].
Vậy điều gì đã xảy ra sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ?
"Báo cáo tháng 5/2009 của Chính phủ gửi cơ quan thường trực Quốc hội dự án Junin 2, cơ cấu phần vốn góp Nhà nước tại dự án được thay đổi.
Phần vốn góp từ vốn chủ sở hữu của PVN giảm từ 956 triệu USD dự kiến ban đầu, xuống còn 547 triệu USD, tức chỉ còn 29,9% tổng chi phí góp vốn của phía Việt Nam.
Điều này đồng nghĩa dự án đầu tư không còn nằm trong diện phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư (dự án có mức góp vốn 30% trở lên)" [1].
Đến tháng 6/2010 dự án chính thức động thổ, tổng nhu cầu vốn phía Việt Nam phải đóng góp trong dự án tăng thành 1,825 tỉ USD trong đó có một khoản hết sức phi lý mà phía Việt Nam phải thực hiện, đó là "phí tham gia" (bonus) hay còn gọi là "phí hoa hồng".
Theo đó Việt Nam phải trả cho Venezuela 584 triệu USD bằng tiền mặt chia làm ba đợt, đợt đầu 300 triệu, hai đợt còn lại mỗi đợt 142 triệu USD [1].
Đến năm 2013 sau khi đã nộp 442 triệu USD tiền "phí tham gia", 90 triệu USD tiền góp vốn, tổng cộng là 532 triệu USD, ban lãnh đạo mới của PVN đã phải quyết định đơn phương không thực hiện cam kết nộp số tiền "phí tham gia" còn lại (142 triệu USD).
Một tờ báo viết : "PVN mất trắng hàng ngàn tỉ đồng tại Venezuela" [2].
Cũng trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PVN và PVEP tạm dừng việc khai thác thử tại mỏ Junin 2 để tiến hành công tác nghiên cứu đánh giá lại toàn bộ dự án, đàm phán với nước chủ nhà về các điều khoản của hợp đồng.
PVEP cho biết sẽ tiếp tục dự án khi các vấn đề liên quan được làm rõ, đặc biệt phải đảm bảo tránh được các rủi ro về tỉ giá, lạm phát của nước sở tại [3].
Với tình hình chính trị không ổn định kéo dài nhiều năm cho đến nay tại Venezuela, liệu bao giờ PVEP sẽ tiếp tục dự án và giả sử tiếp tục thì lãi thu được có đủ hoàn lại các khoản đã "mất trắng" ?
Nếu thông tin đăng tải trong bài "Dự án tỷ đô sa lầy của PVN ở Venezuela" [1] là chính xác, có thể thấy đã có vượt qua rào chắn pháp lý trong Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 (NQ66) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ban hành ngày 29/6/2006) và Nghị quyết 49/2010/QH12 (NQ49) (ban hành năm 2010).
Theo NQ66 "Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư với các dự án có quy mô vốn đầu tư từ hai mươi nghìn tỷ đồng Việt Nam trở lên, đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba mươi phần trăm vốn nhà nước trở lên".
Và như vậy, ý kiến cho rằng cơ quan chức năng "phớt lờ báo cáo Quốc hội" là hoàn toàn có cơ sở, và phải xem xét trách nhiệm của PVN, của PVEP hay cấp nào khác ?
Có hai lý do để dẫn tới kết luận này :
Thứ nhất, ý kiến của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bị bác và Ủy ban đã yêu cầu "Chính phủ có tờ trình chính thức gửi Ủy ban".
Thứ hai, theo NQ66 "Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư" chứ không phải cấp thấp hơn là các bộ, ngành, tập đoàn hay tổng công ty nhà nước.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành và có hiệu lực tương đương như luật.
Vi phạm các quy định trong Nghị quyết này là hành vi vi phạm pháp luật.
Những gì báo chí phát hiện liệu có cho thấy sự bất cập trong điều hành kinh tế vĩ mô, sự chưa hoàn thiện cơ cấu kiểm soát quyền lực và những hạn chế của thể chế kinh tế, chính trị ?
Chính phủ là cơ quan hành pháp nghĩa là phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Nói theo ngôn ngữ của ngành luật, Chính phủ chỉ được phép làm những gì mà luật pháp cho phép, còn người dân thì được phép làm những gì mà pháp luật không cấm.
Tại thời điểm năm 2010, khi PVN ký hợp đồng lập liên doanh với Venezuela, một đô la Mỹ tương đương 19.500 đồng.
Số liệu mà báo Thanhnien.vn nêu trong bài báo "Điều tra vụ PVN 'mất trắng' hàng ngàn tỉ đồng tại Venezuela" đăng ngày 14/03/2019 cho thấy dự án mà PVN thực hiện có tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1,825 tỉ USD.
Số tiền này tương đương khoảng 36.000 tỷ đồng, gấp khoảng 1,8 lần so với quy định của Quốc hội (20.000 tỷ).
Số liệu trong Thống kê tài chính quốc tế của IMF, WB và Báo cáo nợ nước ngoài số 7 - Bộ Tài chính cho thấy dự trữ ngoại hối quốc gia cuối năm 2010 khoảng 12,86 tỷ USD và nợ nước ngoài ngắn hạn là 6,95 tỷ USD [4].
Chỉ một dự án đầu tư của PVN (1,825 tỷ USD) sang Venezuela đã ngốn 14,2% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia tại thời điểm năm 2010, phải chăng đây là cuộc chơi liều lĩnh của một nhóm người chứ không phải là cách thức đầu tư có tính toán của Chính phủ ?
Và phải chăng đây cũng là một cách thể hiện quyền lực vượt trên pháp luật ?
Chỉ đến khi khả năng mất trắng số tiền nghìn tỷ bị phát hiện thì vụ việc mới được các cơ quan bảo vệ pháp luật và truyền thông đề cập, vậy phải chăng đã có "tác động" thế nào đó để các cơ quan hữu quan trong đó có Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước… án binh bất động ?
Năm 2010 cả nước xuất khẩu 6,88 triệu tấn gạo thu được 3,23 tỉ đô la Mỹ.
Số tiền 532 triệu USD đã giao cho phía Venezuela (mà báo chí nói là mất trắng) gần bằng 1/6 tống số tiền bán gạo.
Để có chừng ấy tiền bao nhiêu triệu nông dân trồng lúa phải lao động cật lực cả năm ?
******************
Ngày Pháp luật
Mọi vi phạm trong hệ thống chính trị phải xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu, chứ không chỉ cấp dưới, và tên tuổi phải công khai...
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 - Ảnh minh họa (https://moha.gov.vn)
Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định ngày 09 tháng 11 hàng năm là "Ngày Pháp luật".
Ngày Pháp luật trùng với ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng chính thức công bố "Ngày Pháp luật Việt Nam".
Baodientu.chinhphu.vn viết :
"Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Tổ chức Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" [5].
Đọc toàn bộ bài báo, chỉ thấy nói "giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội" mà không thấy nói "giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật" cho các cơ quan hành pháp và tư pháp cũng như tổ chức chính trị xã hội, có phải đây chỉ là "lỗi soạn thảo văn bản" ?
Trước và sau khi công bố "Ngày Pháp luật" cơ quan hành pháp đã làm việc thế nào ?
Ngay từ năm 2010, "Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng lấy ví dụ từ dự án đường Hồ Chí Minh "được làm từng đoạn một rồi mới nối với nhau để trình ra Quốc hội. Lúc đó Quốc hội không cho nối cũng không được" [6].
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 6/4/2010, "Nhiều vị ủy viên thường vụ băn khoăn bởi đã có không ít dự án được "xé lẻ" để qua "cửa" Quốc hội". [6]
Chỉ mới đây, tháng 1/2016 MobiFone thực hiện thương vụ mua lại 95% cổ phần của AVG với tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng 8.889,8 tỉ đồng.
Vì sao hồ sơ vụ mua bán này đóng dấu "mật" cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng dù báo chí nhiều lần nêu câu hỏi ?
Đến tháng 7/2017, Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo thanh tra toàn diện thương vụ, Tổng Bí thư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ việc.
Ngày 10/07/2018 Bộ Công an công bố quyết định khởi tố vụ án, nhiều cựu lãnh đạo liên quan bị khai trừ khỏi đảng, bị bắt tạm giam như Lê Nam Trà, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn...
Tại Hà Nội, Baovanhoa.vn – cơ quan của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch viết :
"Với vụ Sóc Sơn, cả nghìn héc ta rừng bị "xẻ thịt" để xây biệt phủ, nhà vườn một cách công khai, lại xuất phát từ việc chính quyền đã ngang nhiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận chuyển nhượng một cách trái pháp luật…
Gần đây nhất là năm 2013, sau nhiều đợt thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn này, cơ quan thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm và kiến nghị xử lý.
Nhưng hàng chục năm trời, những kiến nghị này đã không được xử lý một cách dứt điểm, các công trình xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại khiến dư luận không khỏi băn khoăn về năng lực của các cơ quan hành pháp từ cấp xã, huyện đến thành phố" [7].
Năng lực của các cơ quan hành pháp tất cả các cấp bị đặt dấu hỏi chắc là không sai, tiếc rằng cho đến nay gần như không thấy đề cập đến năng lực giám sát của cơ quan lập pháp ?
Liệu có chuyện cơ quan lập pháp nhường sân chơi cho cơ quan hành pháp ?
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia, là cơ quan lập pháp nhưng việc soạn thảo dự án luật nhiều lúc lại do Chính phủ và các cơ quan trực thuộc chủ trì hoặc thực hiện.
Chính vì thế, một số quyền công dân đã ghi trong Hiến pháp từ năm 1946 song do Chính phủ "khất" nên Quốc hội chưa thể ban hành như các Luật Biểu tình, Luật về Hội...
Vậy nhân dân nên đặt câu hỏi với Quốc hội, Chính phủ hay cơ quan nào khác ?
Phải đến năm 2015 nước ta mới có "Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân", vậy trước khi có luật này ngoài chuyện xây dựng và ban hành luật (hoặc các văn bản quy phạm pháp luật), phải chăng quyền giám sát của Quốc hội với các hoạt động của Chính phủ còn bị hạn chế ?
Nếu không thì tại sao Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng khi ấy lại phải đề cập chuyện "cắt khúc" đường Hồ Chí Minh để thi công rồi yêu cầu Quốc hội cho nối các đoạn này và : "Quốc hội không cho nối cũng không được" ?
Muốn đất nước có kỷ cương thì phải xây dựng nhà nước pháp quyền, phải "Thượng tôn pháp luật".
Chỉ khi nào phép nước được tuân thủ trước hết ở cơ quan hành pháp, tư pháp sau đó là toàn dân thì thế nước mới vững bền, dân tộc mới trường tồn.
Như vậy, câu khẩu hiệu toàn dân "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" không chỉ dừng lại ở toàn dân tuân thủ mà bản thân các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và các các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp phải nêu gương đi đầu.
Đặt vấn đề như thế bởi nếu cơ quan lập pháp - Quốc hội và Hội đồng Nhân dân - thực hiện không đến nơi đến chốn quyền lực được nhân dân ủy nhiệm thì hiện tượng "phớt lờ báo cáo Quốc hội" vẫn có khả năng tiếp diễn và chuyện cơ quan lập pháp bị "tảng lờ" không phải là không thể xảy ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng yêu cầu các đại biểu quốc hội phải gương mẫu.
Các bộ, ngành mời giao lưu, dự tiệc thì không đi, nhất là tại kỳ họp có việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Bà Ngân "...đề nghị các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu gương, trừ khi tiếp khách, còn lại không tổ chức họp mặt trong thời gian diễn ra kỳ họp".
Chủ trương "Chống tham nhũng không có vùng cấm" cũng bao hàm ý nghĩa "Chống tham nhũng không có "người cấm".
Bằng chứng là chỉ trong vòng 3 năm gần đây, hơn 60 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị đã bị xử lý kỷ luật.
Theo tinh thần QĐ213 mà Thủ tướng đã ký, hy vọng thời gian tới mọi vụ việc vi phạm trong hệ thống chính trị sẽ tập trung vào trách nhiệm của người đứng đầu chứ không phải cấp phó, hoặc chuyên viên giúp việc.
Những ai liên quan đến các đại án tham nhũng, lãng phí gây tổn thất lớn kinh tế đất nước, ảnh hường nghiêm trọng đến hình ảnh một nhà nước pháp quyền "Của dân, do dân và vì dân" cần phải được chỉ đích danh cho nhân dân biết.
Nếu tên tuổi những người đó cũng đóng dấu "mật" như thương vụ mua bán AVG thì chắc chắn công cuộc chống nội xâm sẽ còn nhiều trắc trở.
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 19/03/2019
Tài liệu tham khảo :
[1] https://vnexpress.net/kinh-doanh/du-an-ty-do-sa-lay-cua-pvn-o-venezuela-3895316.html
[3] https://laodong.vn/kinh-te/tap-doan-dau-khi-viet-nam-tam-ngung-du-an-tai-venezuela-254326.bld
[4] https://www.sbv.gov.vn/webcenter/contentattachfile/idcplg?dDocName...filename..
[5] http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-cong-bo-Ngay-Phap-luat-Viet-Nam/185162.vgp
[6]http://vneconomy.vn/thoi-su/du-an-nao-can-quoc-hoi-quyet-chu-truong-dau-tu-20100506080314153.htm
Thực ra "4C" nơi nào cũng có chỉ có điều người ta chưa biết đến vì "các cụ" không thiếu kinh nghiệm "rào giậu".
Người Việt vài chục năm qua vốn đã quá quen với cụm từ "con ông, cháu cha" hay cũng còn gọi là "con cháu các cụ" (4C), ấy là khi nói đến chuyện tuyển dụng vào biên chế, bổ nhiệm, cất nhắc các vị trí trong cơ quan công quyền thì lớp "4C" này luôn được xem là ưu tiên số một.
Cũng vì thế nhóm "4C" còn được xếp đầu bảng trong hàng ngũ "tứ ệ" hay "ngũ ệ" với tục danh là "hậu duệ".
Nói đến "con ông, cháu cha" là người ta nghĩ ngay đến những lãnh đạo sở, huyện tuổi chừng 30, con cái các vị Bí thư hoặc nguyên Bí thư ở Quảng Nam, Hậu Giang, Hải Dương,…
Thực ra "4C" nơi nào cũng có chỉ có điều người ta chưa biết đến vì "các cụ" không thiếu kinh nghiệm "rào giậu".
Người Hà Nội chưa nghe thấy chuyện "4C" tại Thủ đô không phải vì không có mà vì đất Tràng An thanh lịch, "xấu chàng hổ ai", chẳng lẽ lại tự động vạch áo cho người xem lưng ?
Truyền thông dẫu có biết cũng phải học nghề thợ may "bảy lần đo, một lần cắt".
Tưởng chừng câu chuyện "con ông, cháu cha" không còn "đất" để khai thác thì không ngờ mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội lại phát hiện một điều mới mẻ, ấy là chuyện "con ông, cháu cha… vỉa hè".
Cảnh thi công lát đá tự nhiên cho vỉa hè tại Hà Nội. (Ảnh minh hoạ : Baogiaothong.vn)
Báo Anninhthudo.vn dẫn lời ông Chung như sau :
"Như việc lát đá vỉa hè vừa qua, tại sao Ban quản lý dự án các quận huyện lại làm không tốt. Quá trình duyệt dự toán thế nào ?
Có việc "con ông cháu cha" cung cấp vật liệu để hưởng lợi không ?
Tôi biết là có việc đó và chúng ta cần phải kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm và công khai" [1].
Đã là "4C" thì đương nhiên chỗ ngồi phải "ấm", chỗ ăn thì phải ngon, không ngon thì dại gì mà dính vào.
Thế thì cái vụ "ăn" đá lát vỉa hè Hà Nội vừa qua chắc không thể là chuyện cà mèng, lại càng không thể do các "4C" tự ý nghĩ ra mà không có sự chỉ lối, đưa đường của "các cụ".
Vậy nên làm rõ chuyện "4C vỉa hè" không phải là quan trọng nhất, quan trọng là tìm ra "các cụ" của những "4C vỉa hè" đó là ai, làm gì, ở đâu và quan trọng nữa là nên cho dân chúng biết để tránh "ít cụ, nhiều ngờ".
Báo Tienphong.vn đưa tin : "Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang chỉ đạo rà soát lại tất cả vấn đề liên quan đến trình độ, bằng cấp.
"Bước đầu đã có một số trường hợp vi phạm trong bằng cấp, thành phố sẽ xử lý nghiêm túc và công khai trong thời gian tới" [2].
Ông Chung đã nói thế thì dân biết thế, bởi từ khi nhậm chức đến nay, ông có nhiều phát biểu mà dân chúng ghi nhận là thẳng thắn, không né tránh, chẳng hạn cái vụ công an chống lưng cho tư nhân bán bia vỉa hè hay vụ bảo kê trông giữ xe ở Mỹ Đình,…
Cứ tưởng sau vụ "trồng nhầm" cây mỡ thay cây vàng tâm trên vỉa hè một vài tuyến phố Hà Nội được rút kinh nghiệm triệt để thì nay lại đến vụ đá lát vỉa hè.
Mà sao cái "vỉa hè" Hà Nội lại dính đến nhiều chuyện thị phi như vậy ?
Phải chăng đất công sản ở đâu cũng là màu mỡ, béo bở chứ không riêng Đà Nẵng ?
Hơi tiếc là dân Thủ đô chưa thấy bất kỳ cây "gậy chống bia" nào - mà ông Chung biết rất rõ - được thành phố công khai đưa vào chiếc lò đang nóng vốn đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhóm từ năm ngoái.
Chẳng lẽ dân nên "yên tâm" chờ đợi, nhất định đến một ngày đẹp trời nào đó các thành viên "nhóm lợi ích bằng rởm" hay "gậy chống bia" sẽ được "công khai".
Mà thành phố đã nói là "công khai trong thời gian tới" thì dân có cần biết câu chuyện của những người thích đùa thế này :
Một cửa hàng trương biển : "Ngày mai miễn phí các mặt hàng". Hôm sau dân rồng rắn xếp hàng từ sớm, khi mang hàng ra cửa bị bảo vệ yêu cầu vào quầy trả tiền, dân hỏi "sao bảo miễn phí" ?
Trả lời "ngày mai mới miễn phí chứ không phải hôm nay" !
Nhân nói đến chuyện "làm rõ, xử lý nghiêm và công khai", mấy tháng trước người dân vừa được biết đến tuyên bố của ông Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến sau khi kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật cán bộ tỉnh này liên quan đến người mà truyền thông gọi là "hot girl Thanh Hóa" như sau :
"Việc này cần thực hiện công khai để đảng viên trong Đảng bộ hiểu rõ bản chất vụ việc, đâu là việc đúng, sai, để thể hiện tính minh bạch trong xử lý vi phạm".
Tiếc cho ông Chiến là sau đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rất khác so với những gì mà ông Chiến đã chỉ đạo Tỉnh ủy "công khai, minh bạch trong xử lý vi phạm".
Cấp dưới của ông là ông Phó Chủ tịch Ngô Văn Tuấn đã bị cách hết chức vụ trong Đảng vì "nâng đỡ không trong sáng" cô gái có tên Quỳnh Anh !
Người viết tin rằng điều đó sẽ không lặp lại tại Hà Nội, hy vọng rằng với kinh nghiệm và bản lĩnh của vị tướng công an, ông Nguyễn Đức Chung có đầy đủ công cụ và quyền lực để thực hiện lời nói của mình trước cán bộ dưới quyền và với nhân dân thành phố.
Và người dân Kẻ Chợ cũng tin rằng nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng :
"Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực đã có kết quả bước đầu, xử lý nhiều cán bộ cao cấp. Cứ nói trên nóng dưới lạnh, nhưng giờ dưới cũng nóng dần lên rồi" [3] sẽ được thực hiện nghiêm túc tại Hà Nội.
Nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố là 5 năm, kéo dài đến năm 2021, thế là đã gần nửa chặng đường.
Một trong những quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố và ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là hồi sinh bốn dòng sông chết của thủ đô : sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và sông Tích.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng. [4]
Thời gian chỉ còn ba năm, cũng gần dịp kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo, cải tạo cả bốn dòng sông không chỉ cần quyết tâm mà cũng cần nhiều tiền bạc.
Nếu thành phố động viên xã hội hóa, cho tư nhân cải tạo sông, đổi lại được phép xây một số cầu bắc qua sông làm bãi đỗ xe hoặc kinh doanh thương mại thì chắc nhiều người sẵn sàng hưởng ứng.
Người viết tưởng tượng viễn cảnh thế này :
Trên các dòng sông nước trong veo không có chút mùi khó chịu nào, có những câu cầu bắc ngang, tầng dưới là cầu và bãi đỗ xe, tầng trên là nhà hàng.
Người thủ đô đi dạo, thể dục dưỡng sinh trên cầu mỗi sáng và nhâm nhi ly cà phê buổi tối.
Nếu lòng sông mở rộng, trên những con thuyền nan lờ lững trôi là các đôi nam thanh nữ tú thì chắc chắn đấy sẽ là điểm nhấn cho du lịch thủ đô.
Hồi sinh được bốn dòng sông chết chắc chắn là một kỳ tích, chắc chắn là điều mà toàn dân Hà Nội mong đợi.
Vấn đề là khi nào điều đó sẽ thành hiện thực.
Vấn đề cũng còn ở chỗ ý thức của người Kẻ Chợ khi các dòng sông đó hồi sinh, liệu người ta có đối xử với sông như đối xử với những vườn hoa quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm dịp Tết dương lịch vừa qua ?
Một việc nữa mà người viết cũng mong muốn là Hà Nội sẽ làm gương cho cả nước về tinh gọn bộ máy chính quyền, đoàn thể.
Nên chăng Hà Nội chủ động đề xuất với Trung ương việc ghép lại hai quận Từ Liêm, quận Long Biên và huyện Gia Lâm thành một đơn vị hành chính như cũ ?
Vừa rồi, vụ Vũ "nhôm" có hộ chiếu nước ngoài (dư luận cho là do quốc đảo Antigua & Barbuda ở phía đông biển Caribe cấp), quá khứ cũng có người khác đã chuẩn bị cho ngày rời bỏ tổ quốc bằng cách thức tương tự, chính quyền Hà Nội có nên quan tâm xem có hay không cán bộ công chức trong bộ máy nhập quốc tịch nước ngoài, sẵn sàng cho ngày "cất cánh an toàn".
Hà Nội có nên tổng rà soát xem bao nhiêu cán bộ lãnh đạo địa phương mua nhà tại Hà Nội, cung cấp dữ liệu đó cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương bởi những biệt phủ hoành tráng tại địa phương giá trị chưa chắc đã bằng một căn hộ tầng thượng (Penthouse) tại Hà Nội.
Làm được việc này chính là đáp ứng tiêu chí Hà Nội vì cả nước, vì công cuộc phòng chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành.
Còn nhiều điều khác nữa như thực phẩm bẩn, tội phạm ma túy, mãi dâm, công chức "tham nhũng vặt",… cũng cần đến quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền và người dân không nghĩ rằng thành phố sẽ giải quyết một lúc tận gốc mọi vấn đề.
Điều mà người dân mong đợi là những gì đã nói ra, đã hứa sẽ được thực hiện chứ không phải tình trạng "nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn, làm ngược với nói" như từng được nêu trong nhiều văn bản, trong phát biểu các các vị lãnh đạo cao cấp và trên mặt báo.
Có người hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch thành phố để lại di sản là "quy hoạch băm nát thủ đô".
Mới chưa quá nửa nhiệm kỳ mà đòi hỏi lãnh đạo Đảng bộ và Ủy ban nhân dân thành phố làm đủ mọi thứ là không hợp lý.
Thế nhưng nếu không làm ngay từ hôm nay thì chẳng bao giờ có được câu trả lời dẫu "thời gian tới" có dài bằng ba bốn nhiệm kỳ cũng vậy.
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 08/01/2018
Tài liệu tham khảo :
[1] http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/lat-da-via-he-ha-noi-co-viec-con-ong-chau-cha-cung-cap-vat-lieu-de-huong-loi/753770.antd
[2] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-ra-soat-bang-cap-cua-can-bo-1222415.tpo
[3] http://congan.com.vn/tin-chinh/tong-bi-thu-cu-noi-tren-nong-duoi-lanh-nhung-gio-duoi-cung-nong-dan-len-roi_49129.html
[4] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/nhung-con-song-chet-dac-quanh-o-ha-noi-truoc-gio-hoi-sinh-381126.html
Phải chăng lời cảnh tỉnh của Tổng bí thư vẫn chưa làm các đồng chí "trót để tay nhúng chàm" tỉnh ngộ ?
Phiên họp thứ 20 Ủy ban Kiểm tra trung ương (khóa 12) do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương chủ trì đã đưa ra những kết luận khiến người dân không khỏi bỡ ngỡ.
Bỡ ngỡ là bởi vì một số kết luận về công tác cán bộ ở Thanh Hóa, Quảng Nam mà Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố phủ nhận một số kết luận trước đó của Tỉnh ủy Thanh Hóa và của lãnh đạo Bộ Nội vụ.
Thứ nhất : Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc qua một số vụ việc mà các cơ quan này đã thực hiện liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ trong toàn tỉnh.
Theo nguyên tắc tổ chức Đảng, cả ba cơ quan trên đều chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có thông báo "Kết quả kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên có liên quan tại Sở Xây dựng Thanh Hóa trong vụ Trần Vũ Quỳnh Anh".
Được biết, ngày 29/9/2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có thông báo 116-TB/UBKTTU về "Kết quả kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên có liên quan tại Sở Xây dựng Thanh Hóa trong vụ Trần Vũ Quỳnh Anh".
Các phương tiện truyền thông đều đã đăng tải rộng rãi ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa công bố kết luận :
"Việc này cần thực hiện công khai để đảng viên trong Đảng bộ hiểu rõ bản chất vụ việc, đâu là việc đúng, sai, để thể hiện tính minh bạch trong xử lý vi phạm".
Một khi ông Bí thư tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định chắc nịch "bản chất vụ việc, đâu là việc đúng, sai" và cơ quan Đảng tỉnh Thanh Hoá đã thể hiện sự "minh bạch trong xử lý vi phạm" thì vì sao Ủy ban Kiểm tra trung ương phải lật ngược các kết luận của Đảng bộ Thanh Hóa và yêu cầu các ba cơ quan Đảng tỉnh này phải "kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc" ?
Rõ ràng ông Bí thư Thanh Hóa đã không làm tròn trách nhiệm đảng viên của mình, có biểu hiện "tự chuyển hóa" những vụ việc tiêu cực từ "rất nghiêm trọng" trở nên bình thường với hình thức kỷ luật "khiển trách".
Nếu sự việc đã như thế thì trách nhiệm của người đứng đầu Đảng bộ Thanh Hóa - ông Trịnh Văn Chiến đến đâu ?
Phải chăng các ông Ngô Văn Tuấn, Đào Vũ Việt là hai cá nhân duy nhất phải chịu trách nhiệm hay các ông đang phải gánh chịu nghịch cảnh mà dân gian gọi là "kẻ ăn ốc, người đổ vỏ" ?
Với trách nhiệm là Giám đốc Sở Xây dựng, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, ông Ngô Văn Tuấn "đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước".
Người viết cho rằng kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương hình như vẫn còn thiếu cái gì đó.
Để có thể đưa ra hình thức kỷ luật nghiêm khắc với ông Tuấn, cần phải nêu rõ động cơ của sự "không trong sáng" của ông Ngô Văn Tuấn với Trần Vũ Quỳnh Anh là gì ?
Một khi đã "không trong sáng" thì tất là có vụ lợi, vậy ông Tuấn "vụ lợi" cái gì từ người phụ nữ mang tên Quỳnh Anh hay ông "vụ lợi" từ người khác thông qua người phụ nữ này ?
Cũng nên biết rằng mọi xì xào về nhân vật Trần Vũ Quỳnh Anh đều hướng dư luận tới một ai đó tại tỉnh Thanh Hóa và phát biểu của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) tại nghị trường đã định hướng khá chính xác "ai đó" là ai :
"Một bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo ở các địa phương biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có" [1].
Nếu cần làm rõ vấn đề để trả lại sự minh bạch cho "ai đó" hoặc không làm oan "ai đó" thiết nghĩ cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ công cụ để minh oan cho người ta, chẳng hạn xét nghiệm ADN ?
Không làm cho ra nhẽ chuyện này, liệu có phải cơ quan chức năng "làm chưa đến nơi đến chốn" hay vì còn cần thời gian để nhờ cảnh sát quốc tế tìm xem đối tượng được "nâng đỡ không trong sáng" bây giờ đang định cư ở đâu ?
Thiết nghĩ ông Bí thư Thanh Hóa đã rất hoan hỉ khẳng định địa phương mình "minh bạch" sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh này công bố kết quả kỷ luật cán bộ thì cũng nên nhanh chóng khẳng định sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố hoàn toàn do cá nhân các ông Ngô Văn Tuấn, Đào Vũ Việt gây ra đồng thời cũng không nên đợi trung ương mà tỉnh sẽ kỷ luật thật nặng hai ông ấy để làm gương cho cấp dưới.
Nói đến Thanh Hóa, là nói đến một tỉnh có nhiều chuyện lạ, chẳng hạn hàng cứu trợ bão lụt vào nhà bí thư thôn ở xã Thiệu Dương, Thành phố Thanh Hóa ;
Chuyện dê cấp cho hộ nghèo "lạc" vào nhà Bí thư huyện ở Thạch Thành ;
Chuyện nguyên Giám đốc sở Y tế Hoàng Sỹ Bình tuyển "chui" 3.700 nhân viên…
Số liệu quyết toán ngân sách năm 2013 cho biết tỉnh Thanh Hóa đứng đầu cả nước về hỗ trợ ngân sách từ trung ương với số tiền lên đến 14.427 tỷ đồng.
Năm 2016 Thanh Hóa vẫn là tỉnh nhận điều tiết nhiều nhất từ ngân sách trung ương - 6.500 tỷ đồng [2].
Những sự kiện nêu trên diễn ra từ xã phường lên đến tỉnh, từ thành phố đến huyện miền núi.
Vậy nên không thể không nêu câu hỏi về trách nhiệm lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và năng lực của những người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành tỉnh này.
Mong muốn của dân chúng là đi đến cùng sự việc, vậy có nên tạm dừng ở cấp Phó Chủ tịch tỉnh ?
Muốn giúp Thanh Hóa, có nên làm một cuộc đại phẫu ?
Chuyện Thanh Hóa có lẽ chưa kết thúc, còn chuyện Quảng Nam dù đã rất rõ ràng song có lẽ vẫn cần phải chờ thêm mới có thể kết luận.
Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định tiến hành quy trình xử lý kỷ luật các ông Lê Phước Thanh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy), Đinh Văn Thu (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh), Huỳnh Khánh Toàn (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh) bởi khuyết điểm của những vị lãnh đạo xứ Quảng này là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
Riêng vị Giám đốc sở Lê Phước Hoài Bảo - con trai ông Lê Phước Thanh - Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền "làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với đồng chí Lê Phước Hoài Bảo" [3].
Không biết "xóa tên trong danh sách đảng viên" có phải là hình thức kỳ luật cao nhất trong bốn mức kỷ luật ghi trong điều lệ Đảng hay là hình thức kỷ luật mới, liệu có mức độ nặng nhẹ khác nhau giữa hình thức "khai trừ khỏi đảng" và "xóa tên trong danh sách đảng viên" ?
Nếu không có gì khác nhau thì có nên dùng từ ngữ đã được chuẩn hóa trong Điều lệ Đảng, không cần sáng tạo thêm từ ngữ mới ?
Không một người Việt nào lại có ác cảm với những cán bộ "tuổi trẻ, tài cao", trong đó có những người xuất thân từ những gia đình có truyền thống yêu nước.
Thế sao người ta cứ phải đặt câu hỏi về "hậu duệ" của những lãnh đạo trung cao cấp như con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, con trai nguyên Bí thư Lê Phước Thanh, hay con trai, con rể nguyên Bí thư một tỉnh mà báo Giaoduc.net.vn nói là "băng băng trên đường quan lộ" ?
Khi ông Lê Phước Thanh khẳng định con trai mình hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực làm Giám đốc sở, chắc ông không ngờ rằng sẽ có lúc con ông - nói theo ngôn ngữ dân gian - bị đề nghị khai trừ khỏi đảng, bị kiến nghị đuổi khỏi cơ quan đang làm việc.
Thế nên khi Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận "Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Lê Phước Thanh là rất nghiêm trọng" và con trai ông - Lê Phước Hoài Bảo - "Ý thức tổ chức kỷ luật kém ; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng…" thì người dân có thể tin rằng với quyết tâm của Tổng bí thư, với hiệu quả làm việc của Ủy ban Kiểm tra trung ương, bên cạnh các loại "củi khô, củi vừa vừa, củi tươi, củi ướt, củi to" hai loại "củi" khác là "củi mục và củi con" nhất định cũng sẽ được bổ sung vào "Danh mục củi".
Cũng nên nói thêm về một loại "củi" nữa, ấy là "củi cành", khi vụ án Châu Thị Thu Nga ngã ngũ, khi câu chuyện dùng mấy chục tỷ đồng để chạy "đại biểu quốc hội" được làm sáng tỏ, liệu những "củi cành" liên đới trong các cuộc "hiệp thương" có được nhận diện.
Loại "củi cành" này tuy ít dính líu trực tiếp đến kinh tế song tác hại của nó thì không thể xem nhẹ.
Bằng chứng là chỉ mới non nửa nhiệm kỳ, 5 đại biểu Quốc hội đã bị miễn nhiệm, con số lớn nhất từ trước đến nay.
Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2017, nếu chỉ chiếc "lò" ở trung ương nóng lên, tại các địa phương chưa nhóm lửa thì liệu người dân có thấy mùa đông giá rét bị đẩy lùi ?
Và quan trọng hơn, nếu chỉ Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuộc thì đến bao giờ cuộc chiến chống nội xâm mới giành thắng lợi khi cơ quan này chỉ có vài chục nhân sự nhưng cả nước có hơn 4,5 triệu đảng viên ?
Phải chăng lời cảnh tỉnh của Tổng bí thư vẫn chưa làm các đồng chí "trót để tay nhúng chàm" tỉnh ngộ ?
Phải chăng bộ phận không nhỏ ấy vẫn nuôi hy vọng "trừ mình ra" ?
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 18/12/2017
Tài liệu tham khảo :
[2] https://tuoitre.vn/hang-chuc-tinh-thanh-nhan-ho-tro-ngan-sach-tu-hang-ngan-ti-1194865.htm
Nhân từ với kẻ thù của đất nước, dân tộc là tàn nhẫn với dân, với nước.
Trong "Bình Ngô đại cáo", cụ Nguyễn Trãi viết : "Đánh một trận, sạch không kình ngạc. Đánh hai trận, tan tác chim muông…".
"Đánh" ở đây là đánh bọn xâm lược phương Bắc mà cha ông ta thời nhà Lê gọi là "giặc Ngô" (giặc Minh).
Ghét cay ghét đắng bọn "giặc Ngô’ khiến dân gian xuất hiện những câu thành ngữ như "Thằng Ngô, con đĩ" hoặc "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng"…
Tuy nhiên nếu nghiền ngẫm kỹ sẽ thấy cụ Nguyễn Trãi nói đánh giặc Ngô để đất nước "sạch không kình ngạc", đánh cho "tan tác chim muông" chứ không phải là đánh "chết tươi" kẻ thù xâm lược.
Tranh biếm họa phòng chống tham nhũng của Duy Liên trên Báo Nhân dân
Gặp gỡ cử tri sau Hội nghị Trung ương 6 khóa 12, đề cập đến cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, chống lợi ích nhóm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói :
"Phương châm là không phải đánh cho một đòn "chết tươi"… Trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng bây giờ đánh trên đầu rất mạnh, các tỉnh cũng phải làm mạnh đi, ở trên làm mà dưới không làm là địa phương mất uy tín" [1].
Có thể thấy cách thức mà Trung ương và Tổng bí thư đang tiến hành nhằm mục đích đầu tiên là làm cho trong Đảng, tiếp đó là bộ máy công quyền "sạch không kình ngạc" chứ không nhất thiết phải là "tan tác chim muông".
Người dân rất mong muốn Đảng, Nhà nước dọn sạch bọn quan tham, bọn nhũng nhiễu, bức hại dân lành, mong muốn một đất nước đúng với tiêu chí "dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh" chứ không phải một đất nước với xã hội văn hóa, đạo đức xuống cấp, tệ nạn xã hội tràn lan, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, không phải một đội ngũ khá đông đảo quan chức bộ ngành, địa phương "nói cái gì cũng hay, làm cái gì cũng dở".
Người viết cho rằng, tại thời điểm này Tổng bí thư đã khá nương nhẹ khi cho rằng : "Ở trên làm mà dưới không làm là địa phương mất uy tín".
Tham nhũng, lãng phí, thoái hóa, biến chất là giặc nội xâm và sự gây hại của họ chẳng khác gì "giặc Ngô".
Thế nên không đánh cho "sạch không kình ngạc" mà chỉ đánh vào "uy tín" liệu họ có run sợ ?
Thực tế cho thấy có người chẳng cần gì "uy tín" miễn là có "uy quyền".
Nếu coi trọng uy tín, coi trọng danh dự, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã chẳng "chí phèo" đến mức tuyên bố : "Tôi về hưu rồi, muốn xử ra sao thì xử".
Lịch sử cho thấy chỉ với 12 sứ quân, đất nước đã loạn lạc, muôn dân lầm than oán hận.
Các sứ quân này mới chỉ là các lãnh chúa một vùng, không phải vương hầu hay vua chúa.
Nếu đất nước có vài chục sứ quân ở địa phương, lại thêm hàng chục sứ quân các bộ, ngành, nếu mỗi sứ quân lại là "vua con" chứ không phải lãnh chúa thì tương lai đất nước, dân tộc sẽ thế nào ?
Sẽ là sai lầm nếu chỉ chú ý đến các "vua con" ở địa phương mà quên "vua con" tại các bộ, ban, ngành.
Các ngành Công thương, Ngân hàng, Dầu khí bị lũng đoạn trong nhiều năm, điển hình là đại án OceanBank, là hơn chục dự án nghìn tỷ có nguy cơ đắp chiếu là do con người hay do thể chế ?
Tại sao chữa bệnh cứu người lại tồn tại việc nhập lậu thuốc chữa bệnh và giá thuốc cao so với thu nhập của người dân ?
Tại sao ngành Giáo dục năm nào cũng bắt dân bỏ tiền mua sách giáo khoa ?...
Tại sao cả triệu người kê khai tài sản mà chỉ có bốn, năm người bị xử lý ?
Có phải nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc có quá nhiều "vua con", từ hiện trạng "trên bảo dưới không nghe".
Nói thế để thấy, nếu trên làm, dưới không làm mà chỉ bị "mất uy tín" thì sẽ có người không sợ.
Ngày 29/9/2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có thông báo số 116-TB/UBKTTU "Về kết quả kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên tại Sở Xây dựng".
Hình thức kỷ luật cao nhất đối với tổ chức/cá nhân sai phạm là khiển trách, số còn lại thì "kiểm điểm sâu sắc và nghiêm túc rút kinh nghiệm".
Sau khi công bố kỷ luật, người lãnh đạo cao nhất tỉnh này hoan hỉ tuyên bố :
"Cần thực hiện công khai để đảng viên trong Đảng bộ hiểu rõ bản chất vụ việc, đâu là việc đúng, sai, để thể hiện tính minh bạch trong xử lý vi phạm" [2] ?
Kể thì cũng lạ, nếu các đảng viên trong Đảng bộ không hiểu rõ bản chất vụ việc thì làm sao dám giơ tay biểu quyết hình thức kỷ luật khiển trách hay nghiêm túc rút kinh nghiệm, còn nếu đã hiểu rõ vụ việc, đã nhất trí rất cao hình thức kỷ luật thì vì sao cần rùm beng chuyện "công khai" ?
Liệu có phải "công khai" để "trên" hiểu rằng "dưới" đang "minh bạch" đây, "dưới" đang hết mình chống tiêu cực chứ không phải là chống… eo (eo tức là lưng đấy).
Có lẽ cũng nên bàn thêm về "tính minh bạch trong xử lý vi phạm" của tổ chức đảng tỉnh này khi mà chính Thông báo 116-TB/UBKTTU đã liệt kê quá nhiều sai phạm của ông Phó Chủ tịch tỉnh khi còn làm Giám đốc sở Xây dựng.
Nào là thành lập thêm mấy ban không đúng, tuyển dụng hơn 40 trường hợp sai, quy hoạch Phó Giám đốc sở cho "hot girl Quỳnh Anh" có vấn đề, đặc biệt là chuyện "dấm dúi" đưa cô gái này vào danh sách học lý luận chính trị cao cấp…
Theo khoản 1, điều 8, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thì :
"Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng ;
Đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xoá tên trong danh sách đảng viên".
Trần Vũ Quỳnh Anh tự ý bỏ việc, từ tháng 9/2016 đến tháng 9/2017 không sinh hoạt đảng, từ tháng 1/2017 đến tháng 9/2017 không đóng đảng phí, trong quá trình làm việc không kê khai tài sản dù thuộc diện phải kê khai.
Thế thì vì lẽ gì sau 12 tháng bỏ sinh hoạt đảng và sau 9 tháng không đóng đảng phí, người này mới bị khai trừ khỏi Đảng ?
Vấn đề ở đây không chỉ là trách nhiệm của Chi bộ, của Đảng ủy Sở Xây dựng Thanh Hóa mà còn là của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy và trên hết là của Bí thư Tỉnh ủy.
Ai, bộ phận nào đã cố tình trì hoãn việc khai trừ bà Quỳnh Anh khỏi Đảng, có hay không sự hậu thuẫn nào đó từ những người có trách nhiệm khi chậm khai trừ và những biện minh rất khó hiểu về việc không thể kiểm tra tài sản nguyên đảng viên này ?
Chúng ta thường nói xử lý sai phạm phải nghiêm minh, phải thượng tôn pháp luật, riêng với đảng viên còn phải tuân theo Điều lệ Đảng và "những điều đảng viên không được làm".
Vậy Ủy ban Kiểm tra Trung ương nghĩ sao về hành vi vi phạm điều lệ Đảng của các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm thuộc Tỉnh ủy Thanh Hóa ?
Vụ việc Trung ương xử lý các đảng viên Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ và Thành ủy Đà Nẵng được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Vậy vụ việc "tự kiểm điểm, tự kỷ luật" ở Đảng bộ Thanh Hóa mà dư luận rất ngạc nhiên có cần được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét ?
Để minh chứng ý kiến nhân dân, xin trích ý kiến đảng viên lão thành, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước :
"Xử lý tiêu cực phải quyết liệt, đừng để như Yên Bái, Thanh Hóa ; vấn đề liên quan đến lãnh đạo cấp tỉnh thì Trung ương phải vào cuộc" [1].
Những việc rõ như ban ngày xảy ra ở Yên Bái, Thanh Hóa,… chậm được giải quyết có phải vì "phép trên" thua "lệ dưới" ?
Chuyện ở Thanh Hóa khiến dư luận liên tưởng đến câu thành ngữ hiện đại "Hà Nội không vội được đâu", sự liên quan thế nào có lẽ bạn đọc đều biết nên không cần nói rõ. Có phải do có điểm chung nào đó nên ở đây : "Kỷ luật - không vội được đâu" ?
"Hy sinh đời bố, củng cố đời con" là câu thành ngữ hiện đại nhưng đã sớm trở nên lạc hậu. Không "hy sinh đời bố" mà vẫn "củng cố" được đời con mới là điều các "bố" đang quyết tâm theo đuổi.
Để làm được việc đó, người ta thực hiện nguyên tắc Ba không : "Đồng chí không bằng đồng minh" ; "Uy tín không bằng uy quyền" ; " "Lệnh trên" không bằng "cồng dưới".
"Đồng minh" là cách diễn giải "lịch sự" của hiện tượng "kết bè kéo cách" mà Tổng bí thư và các văn bản Trung ương Đảng từng đề cập.
Có đồng minh, việc lớn hóa nhỏ, việc to hóa bé, việc bé hóa … bùn, có đồng minh là có nghị quyết, thông báo theo ý của "Minh chủ".
Một khi "đồng minh" chiếm thế áp đảo thì chẳng lẽ kỷ luật tất cả, kỷ luật hết thì lấy đâu người làm việc ?
Có "đồng minh" là có uy quyền, có thể trở thành "vua con", khi đó thiểu số những đồng chí "ấm ức" chắc chẳng phải chờ cả năm mới nhận được quyết định kỷ luật như trường hợp "hot girl Quỳnh Anh" ở Thanh Hóa.
Vẫn biết Cụ Nguyễn Trãi đã viết : "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn ; Lấy chí nhân để thay cường bạọ", nhưng dân gian cũng có câu "Nhân từ với kẻ thù là tàn nhẫn với bản thân".
Nhân từ với kẻ thù của đất nước, dân tộc là tàn nhẫn với dân, với nước.
Sau lời cảnh tỉnh của Tổng bí thư : "Ai trót để tay nhúng chàm thì hãy sớm tự gột rửa" liệu sẽ có bao nhiêu cánh tay tự nguyện giơ lên xin phép "tự gột rửa" ?
Chẳng phải suốt mấy năm trời kê khai tài sản, chỉ có vài người trong số gần triệu người bị phát hiện kê khai không trung thực ?
Chẳng phải quan "to" như Hồ Xuân Mãn, Vũ Huy Hoàng, Trần Văn Truyền, Nguyễn Xuân Anh, quan "nhỡ" như Hồ Thị Kim Thoa, Phan Thị Mỹ Thanh, quan "bé" như Ninh Văn Quỳnh… đều đã kê khai tài sản đó sao ?
Vậy thì nhân từ có phải là phương thuốc hữu hiệu khi người ta không phải "trót" mà cố tình nhúng chàm ?
Xuất phát từ truyền thống nghìn năm của dân tộc, chiến lược lâu dài trong cuộc chiến chống nội xâm đúng là phải nhân từ, nhưng chiến thuật tại thời điểm này phải là "một đòn… chết tươi".
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 16/10/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://thanhnien.vn/thoi-su/long-dan-dang-ung-ho-phai-lam-tiep-khong-dung-lai-889735.html
[2] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bi-thu-Thanh-Hoa-noi-ky-luat-roi-phai-cong-khai-de-biet-ban-chat-biet-dung-sai-post180039.gd
Cái gì "của Ceasar hãy trả cho Ceasar", cái gì của dân, của nước hãy trả cho dân, cho nước, đừng hy vọng đến hoàng hôn nhiệm kỳ sẽ lui về sân sau an hưởng...
---------------------
Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa 12, Bộ Chính trị đã công bố "Đề án một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và "Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập".
Dễ nhận thấy tuy là hai đề án khác nhau song đều có điểm chung, đó là vấn đề nhân sự.
Thống kê mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu trong cuộc tiếp xúc cử tri hai huyện Hương Khê và Cẩm Xuyên được Baochinhphu.vn tường thuật :
"Cả nước có 8 triệu người, tương ứng 10% dân số hưởng lương từ ngân sách trong đó có 600.000 công chức, 2,2 triệu viên chức giáo dục, 2,1 triệu cán bộ cấp xã và hưởng phụ cấp từ ngân sách, 3 triệu người hưởng lương hưu và phụ cấp người có công" [1].
Có thể thấy con số 8 triệu người mà ông Vương Đình Huệ nêu thấp hơn nhiều so với con số mà các chuyên gia đề cập.
Cụ thể bà Phạm Chi Lan cho rằng cả nước có tới 11 triệu người hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách [2].
Sự chênh lệch này cũng dễ hiểu vì ông Vương Đình Huệ chưa đề cập đến một lực lượng đông đảo nhân sự hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp được ngân sách tài trợ.
Theo một nghiên cứu công bố năm 2016 được Vietnamnet.vn trích dẫn, bên cạnh hệ thống cơ quan Đảng, Việt Nam có 6 tổ chức chính trị - xã hội lớn là Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh.
Cả 6 tổ chức này đều có quy mô từ trung ương xuống đến xã, phường.
Bên cạnh đó còn có gần 30 hội nghề nghiệp đặc thù như Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật, Hội Nhà báo, Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật…
Chi phí cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các hội đặc thù dao động trong khoảng từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP của cả nước, trong đó phần lấy từ ngân sách khoảng 14 nghìn tỷ [2].
Người hương lương từ ngân sách nhiều nhưng đóng góp của họ cho xã hội thế nào ?
Vẫn theo ý kiến của ông Vương Đình Huệ, Việt Nam đang "thừa cán bộ quản lý, thiếu cán bộ khoa học có năng lực".
Người viết cho rằng Việt Nam không chỉ thừa cán bộ quản lý trong bộ máy công quyền mà còn thừa quá nhiều nhân sự tại các tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp.
Khi doanh nghiệp S&H Vina Thạch Thành (Thanh Hóa) đưa ra quy định "nhà có người chết phải báo trước 3 ngày ; tai nạn, ốm đau, bệnh tật hay đi đám hiếu, đám hỷ cũng phải báo trước mấy ngày" thì tổ chức Công đoàn Thanh Hóa ở đâu, tại sao chỉ khi 6.000 công nhân đình công phản đối thì mới thấy xuất hiện đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa ?
Phải chăng Công đoàn chỉ đại diện cho bộ phận thiểu số công nhân trong doanh nghiệp nhà nước ?
(Một nghiên cứu công bố năm 2014 cho thấy, tổng số công nhân là 12,13 triệu người, số người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước là 1,53 triệu, chiếm 12,7%) [3].
Nguyên nhân nào khiến Việt Nam "thừa cán bộ quản lý, thiếu cán bộ khoa học có năng lực" ?
Trả lời câu hỏi này chỉ có thể tìm hiểu qua cách thức tuyển dụng cán bộ mà những người có trách nhiệm đã thực hiện.
Người có trách nhiệm cao nhất tại các địa phương là Bí thư cấp ủy.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh trả lời báo chí việc con trai 30 tuổi được bổ nhiệm làm Giám đốc sở như sau :
"Thời điểm đó kinh tế thị trường khó khăn nên năm 2009, tôi chuyển hướng Bảo về làm việc cho Nhà nước…" [4].
Chắc chắn vị nguyên Bí thư Tỉnh ủy không phải lỡ lời, vậy nên có thể hiểu do con trai không thể "thích ứng" với "kinh tế thị trường" nên ông nguyên Bí thư đã quyết định đưa con về làm công chức nhà nước.
Nói cách khác, theo suy nghĩ của vị nguyên Bí thư này, cơ quan nhà nước được xem là nơi nương náu cho người thân không đủ năng lực tự bươn chải, tự kiếm sống ngoài xã hội, trong "kinh tế thị trường có định hướng" (chưa nói tự làm giàu cho bản thân).
Quan điểm của ông Lê Phước Thanh chưa thể nói là đại diện cho "một bộ phận không nhỏ" đồng liêu, đồng cấp nếu không có thêm các dẫn chứng khác.
Quá nhiều vụ việc liên quan đến "người nhà" lãnh đạo và bổ nhiệm thần tốc (Hình biếm họa của V.Thọ)
Bà Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà đã bổ nhiệm em trai làm Giám đốc sở khi người này chưa đủ tiêu chuẩn, thậm chí từng đánh bạc bị công an bắt quả tang [5].
Ông nguyên Bí thư tỉnh Hải Dương có con trai, con rể "băng băng trên con đường quan lộ". [6]
Báo Nld.com.vn ngày 17/9/2016 viết :
"Ngày 17/9, trao đổi với báo chí, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang, thừa nhận một số mối quan hệ gia đình của ông với lãnh đạo một số Sở, Ngành của tỉnh miền núi này như thông tin đã đưa trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định các chức vụ mà người thân ông được bổ nhiệm đều tuân thủ đúng quy định của Đảng, Nhà nước".
Có lẽ không cần kể thêm nữa vì quá nhiều vụ việc liên quan đến "người nhà" lãnh đạo đã được truyền thông đăng tải.
Vậy câu nói của một vị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc" đúng mấy phần và sai mấy phần ?
Không thể đổ tất cả lỗi cho những "vua con" ở địa phương bởi dù muốn hay không họ không thể bỏ qua các quy định vốn được gọi dưới cái tên khác là "quy trình".
Chắc chắn "quy trình" mà địa phương đặt ra không thể phủ định "quy trình" do Trung ương ban hành.
Cái "lưới" quy trình sở dĩ không ngăn được những "bàn tay nhúng chàm" xuyên thủng phải chăng xuất phát từ thực tế : "Người ta lớn chỉ vì ngươi cúi xuống" ?
Nếu cấp trên không "cúi xuống" liệu các "vua con" có thể "lớn" lên ?
Bên cạnh "quy trình", còn một nguyên nhân khiến đất nước "thừa cán bộ quản lý" như ý kiến của một vị đại tá được Vov.vn trích dẫn :
"Bởi thực tế, bộ máy của Đảng và nhà nước ta rất cồng kềnh.
Đảng có Ban, Ngành nào thì Nhà nước có Ban ngành đó, như thế không cần thiết.
Do đó, Đảng cần tinh giản và gọn nhẹ để tập trung trí tuệ giúp cho Đảng có tầm nhìn bao quát và có khả năng chỉ đạo vĩ mô.
Nếu bộ máy cồng kềnh sẽ không chọn được người tài để tập trung xử lý công việc" [7].
Nói như trên có thể chưa rõ, muốn rõ ràng, cụ thể có lẽ nên nói thế này : Đảng có Ban, Ngành nào thì Chính phủ, Quốc hội cũng có Ban, Ngành đó, gần như Nhà nước tồn tại đồng thời ba bộ máy quyền lực.
Với quyết định kết thúc hoạt động của ba Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và sắp tới có thể là sáp nhận một số Ban Đảng với các cơ quan bên Chính phủ, việc loại bỏ những nhân vật yếu kém năng lực, tư cách trong Đảng sẽ là động lực thúc đẩy quá trình loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước các "hạt giống đỏ" được gieo một cách vội vã như điều đã xảy ra tại Hậu Giang, Đà Nẵng…
Tính đến ngày 19/4/2017, cả nước có 713 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm : 68 thành phố trực thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 546 huyện).
Chỉ cần việc nhất thể hóa chức vụ Bí thư và Chủ tịch thực hiện đại trà ở cấp quận, huyện, cả nước sẽ bớt được số tiền nhiều tỷ đồng chi cho lương lãnh đạo, lái xe và các khoản phục vụ khác.
Nếu có thể chuyển các trung tâm chính trị cấp huyện thành trường phổ thông, cả nước sẽ có thêm khoảng 700 trường mà không tốn nhiều kinh phí xây dựng.
Cũng như ngành Giáo dục tiến tới bỏ hệ Cao đẳng Sư phạm, đã là giáo viên phải tốt nghiệp đại học, chúng ta có nên yêu cầu đã là lãnh đạo Đảng phải tốt nghiệp lý luận chính trị trung - cao cấp hệ chính quy ?
Vấn đề là tại sao từ trước đến nay chúng ta không làm được chuyện này ?
Câu trả lời nằm ở năng lực người đứng đầu.
Ban hành chủ trương, đường lối do tập thể cấp ủy thảo luận, thống nhất, trong khi chỉ đạo điều hành nếu có lỗi thì quy cho người đứng đầu bên chính quyền.
Vậy nên tâm lý không muốn "ôm rơm" không phải là không tồn tại.
Năng lực kém có một phần nguyên nhân do một bộ phận khá lớn cán bộ cấp xã, huyện (không loại trừ cả cấp tỉnh) không được đào tạo chính quy, kể cả các chương trình bắt buộc với cán bộ nguồn về trình độ chính trị sơ, trung, cao cấp.
Đã có một "Làn sóng tẩy chay hệ đại học tại chức" như tại các tỉnh Quảng Nam, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Bình… và đó không chỉ là lỗi của người học mà còn của ngành Giáo dục.
Năng lực kém nên không dám nhận trọng trách vừa chỉ đạo đường lối, vừa điều hành thực hiện tức vừa làm Bí thư, vừa làm Chủ tịch.
Do hạn chế năng lực, do sợ trách nhiệm nên hệ quả là phải có nhiều cấp phó để làm thay cấp trưởng, biểu hiện rõ nhất là cấp trưởng thường đẩy cho cấp phó họp báo, trả lời phỏng vấn,…
Sau Hội nghị Trung ương 6 khóa 12, nhiều ý kiến vui mừng, hoan nghênh việc "lò đã nóng và củi tươi đã cháy".
Thực ra đó chính là chuyện buồn nhất, bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã nói : "Kỷ luật cán bộ rất đau xót, nhưng phải làm".
"Củi khô, củi vừa vừa" khi biến thành hàng rào, nhất là khi biến thành gậy (chống lưng) bị đốt là chuyện bình thường, buộc phải đốt "củi tươi" thực sự là điều cần suy nghĩ.
Trong Di chúc, Hồ Chủ tịch nhắc nhở : "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".
Vậy những "gốc cây, thân cây" chứa đầy "sâu" bên trong nhưng lại chưa bị biến thành "củi" có lỗi gì không khi hôm nay chúng ta buộc phải cho "củi tươi" vào lò đốt ?
Sẽ là bi kịch chứ không phải hạnh phúc cho dân tộc nếu nhiều "củi tươi" bị cho vào lò, trong khi những "củi vừa vừa" như vụ vỡ ống nước sạch Sông Đà - Hà Nội, vụ biệt phủ Yên Bái bị "ngâm tôm" không biết đến bao giờ mới có kết quả.
Trung ương đã mở một con đường cho những ai đó trót tay đã nhúng chàm. Cách tự gột rửa là hãy thành khẩn xin rút, xin nghỉ sớm và xin được khoan hồng.
Cái gì "của Ceasar hãy trả cho Ceasar", cái gì của dân, của nước hãy trả cho dân, cho nước, đừng hy vọng đến hoàng hôn nhiệm kỳ sẽ lui về sân sau an hưởng thái bình.
Và nếu điều đó xảy ra, đó mới chính là hạnh phúc của dân tộc.
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 14/10/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Pho-Thu-tuong-Vuong-Dinh-Hue-tiep-xuc-cu-tri-tai-Ha-Tinh/288450.vgp
[2] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/11-trieu-nguoi-an-luong-ngan-sach-nao-kham-noi-309704.html
[3] http://www.hcma.vn/Uploads/2017/3/4/TT%20_T.Viet_%20%20Van%20Giang.pdf
[4] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ong-le-phuoc-thanh-may-ngay-nay-toi-rat-buon-3287933/
[5] http://vtc.vn/vu-biet-phu-yen-bai-ong-pham-sy-quy-tung-bi-cong-an-bat-vi-danh-bac-d335002.html
[6] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Con-trai-con-re-Bi-thu-Tinh-uy-Hai-Duong-bang-bang-tren-duong-quan-lo-post135344.gd
[7] http://vov.vn/chinh-tri/dang/du-luan-danh-gia-cao-ket-qua-hoi-nghi-trung-uong-6-681564.vov
Xin giải thích "quan lệnh" đây không phải ở chốn công đường, không phải quan nhấc cái triện to tướng, uỵch cái rầm vào tờ trát mỏng...
Xin giải thích "quan lệnh" đây không phải ở chốn công đường, không phải quan nhấc cái triện to tướng, uỵch cái rầm vào tờ trát mỏng. Đây chỉ là chuyện quan rỉ tai kẻ dưới, rằng "chị để cái xe đi ăn bún, em ngó hộ chị tí nhé".
Nếu quý bạn không tin thì cứ tìm hiểu, chỉ có điều "rỉ tai" thời hiện đại không phải là ghé môi sát vào tai người muốn "rỉ" mà chỉ là nhờ cái "phôn thông minh" (smartphone) ghé vào tai mấy em cấp dưới thôi.
Ngay cả khi "chị" chỉ nói nhõn câu "chị để cái xe đi ăn bún" mà không nhờ "ngó hộ tí" thì khi cái "phôn thông minh" đã áp vào cái "smart-Tai" (tai thông minh) tất chủ của cái "smart-Tai" phải hiểu, có thế mới gọi là "smart-Tai", ngốc nghếch đến mức không hiểu "chị" muốn gì thì vứt quách cái tai đi, giữ làm gì cho tốn…
Dùng từ "Smart-Tai" bạn đọc tinh ý có thể bảo cái nhà ông này lại lạm dụng từ ngữ bởi đã có lần ông dùng "Smart-dê" rồi. Biết thế nhưng nếu không dùng thuật ngữ "smart-Tai" thì dùng cái gì ?
Có người "ní nuận" thế này : Camera ghi hình chỉ có hình, không có tiếng thì làm sao biết "chị rỉ" cái gì !
Thế nên nếu chưa đạt đến đẳng cấp "smart-Tai" thì ngồi xê ra mà chầu rìa, nếu cố đoán mò điều mà "chị rỉ" có khi mắc lỡm, tội gì mang dại vào thân.
Nước mình có Xuân Bắc giỏi "đuổi hình bắt chữ", nếu mà Xuân Bắc giỏi "đuổi hình" thật thì thuê làm chuyên gia "khẩu hình", nhìn mồm… đoán chữ, giống như bên Tây người ta nhìn mồm tay hậu vệ Marco Materazzi để đoán tay láu cá này nói gì khiến Zinedine Zidane nổi điên tung cú "thiết đầu công" vào ngực Materazzi, kết cục Zidane nhận thẻ đỏ rời sân, khiến Pháp thua Ý ở chung kết World Cup 2006.
Các cụ nhà ta ngày xưa không "đuổi hình bắt chữ", cũng không "nhìn mồm đoán chữ" mà "nhìn mặt đoán số", chẳng thế mà có câu "trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon".
Theo các cụ, khuôn mặt "lưỡi cày" là gớm lắm, chả thế mà có bà làm đến vụ trưởng, lại có bà làm đến tổng giám đốc, còn ba cái chức phó thì nhằm nhè gì, ra đường võng giá nghênh ngang tí để thiên hạ biết ta là "phó rỉ", về gặp mấy trưởng có mà… anh hùng núp.
Chuyện "quan chửi" thì cũng giống "mấy mẹ" ở chợ, cãi nhau một lúc cho tỉnh ngủ, ầm ĩ một tí cho cánh săn tin có cái mà "ném" rồi cũng êm xuôi, chứ nhìn vào cái hình "bắn ôtô", ai chẳng biết trình độ "Công ty trách nhiệm vô hạn tập đoàn Cửa hàng phô tô" (photoshop) nhà mình như thế nào.
Có cái lạ là các "cửa hàng phô tô" ấy tuy có vụng về tí nhưng lại được không ít bác "thợ săn" xúm xít khen, xem đó là đồ quý để minh chứng cho cái tội không thể chối cãi là "chưởi".
Vì chú "chửi quá trời chửi" - như lời người trong cuộc - là hành vi không thể chấp nhận nên chuyện nhờ "cửa hàng phô tô" là có thể chấp nhận khi mà "mục đích có thể biện minh cho phương tiện ?".
Việc giảng hòa là đương nhiên vì "mi láo nên tau mới chưởi", xe "tau" ở chỗ đường cụt chứ chạy trên phố đâu mà mi "bắn". Từ đường cụt "tau" mới rỉn ga có vài mét thì lấy đâu con số 81 mà mi "shop" !
Nếu muốn là cho ra ngô ra khoai, mượn cái xe đua "công thức 1" đem đặt vào chỗ đường cụt ấy chạy thử vài mét xem có đạt đến con số 81 không rồi cùng nhau… "chưởi" tiếp, hả ?
Ảnh chụp màn hình
Hề hề, còn chuyện "quan choảng" thì bây giờ nó tùm lum nên chẳng biết thế nào, gõ cụm từ "giám đốc sở đánh lái xe" nhờ Google tìm hộ, nhận được hình như sau :
Nhìn hình thì thấy ngài Giám đốc nọ vừa "choảng", vừa "hành hung", lại còn "đánh lái xe tới tấp", một bài khác thì viết "đấm đá túi bụi"… [1] thế mới biết người Tây, người Tàu kêu tiếng Việt khó học không phải không có căn cứ.
Mấy từ trên đều có nghĩa là "đánh", mà "đánh tới tấp" chứng tỏ vị giám đốc nọ có sức khỏe rất tốt, còn "cống hiến" được nhiều nên đặt vấn đề như Vov.vn : "Giám đốc Sở đánh nhân viên lái xe : Có xứng là lãnh đạo ?" liệu có hơi vội ?
Trộm nghĩ thế này, các "anh hùng bàn phím" nên tìm hiểu cách mà bên doanh nghiệp có "cửa hàng phô tô" người ta dùng, đại loại nên nói là bác "Giám sở" chỉ "vung tay chạm má, đá mới chạm đùi" chứ ai lại nói bác ấy "đấm đá túi bụi", nghe ghê khiếp.
Lại nữa, bài báo viết : "Một vị lãnh đạo ở địa phương lại là Tỉnh ủy viên, thì những hành động "du côn" như vậy là không thể chấp nhận. Không thể cho mình cái quyền là lãnh đạo, nhục mạ, đánh đập cấp dưới rồi xin lỗi là xong !" [1].
Đến đây thì mấy bác nhà quê ngồi uống trà sớm cảm thấy nên "cãi nhau tí" cho ra nhẽ.
Lẽ ra nếu không vội thì nên tìm hiểu "đầu cua tai nheo" xem sự thể thế nào, có trách thì trước hết phải trách mấy "thủng trư" trong nớ ("thủng trư" là tiếng Tàu chứ không phải tiếng ta, cũng đừng hiểu "trư" là…).
Khi mà bàn nhậu đã vui, đã nâng lên đặt xuống thì giả dụ có quá chén tí cũng nên thông cảm.
Vì "quá tí" nên không kìm được "tốc độ", nên có tí "túi bụi", ấy là "rượu làm" chứ không phải người làm. Ấy là rượu nó "du côn" chứ đâu phải người mà chụp cho bác ấy cái mũ to thế, nặng thế ?
Còn nếu chẻ hoe ra, nếu bảo Giám đốc sở Khoa học Công nghệ tất phải có học, tất phải có bằng nọ, cấp kia, lại còn là Tỉnh ủy viên mà có hành động "du côn" như bài báo thì liệu có phải là hơi thiên vị ?
Này nhé "Hai phó giám đốc sở "choảng" nhau ở quán karaoke nhận kỷ luật" (Tuoitre.vn 10/3/2015) ; "Giám đốc và phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị Thành phố Bảo Lộc xảy ra to tiếng rồi dẫn đến đánh nhau" (Vietnamnet.vn 20/6/2017) ; "Kon Tum : Cách chức hai cán bộ choảng nhau chảy máu mũi" (Tuoitre.vn 30/6/2017)…
Vậy đấy, cũng là "choảng nhau", nhưng cùng "cỡ" thì không phải "du côn", khác "cỡ" thì là "du côn", hóa ra người hiện đại không phải như một số người xưa "thực bất chi kỳ vị" (đánh chén không quan tâm ngon hay không), "choảng nhau" là khái niệm được phân loại kỹ lưỡng, khi nào là "du côn", khi nào không !
Hóa ra "choảng nhau" cũng có năm bảy đường, vậy khi nào sẽ xuất hiện "choảng có văn hóa" giống như một ông ở Thủ đô dạo nọ bảo "cướp có văn hóa" ?
Chuyện "quan nhầm" thì phải nói ngay rằng chẳng bao giờ có chuyện "quan nhầm", có chăng là "lỗi đánh máy", "lỗi văn thư", "lỗi do thư ký", "lỗi văn bản" hoặc "lỗi phông (font) chữ".
Báo Nld.com.vn viết : "Thứ trưởng ký xong đổ lỗi cho cấp dưới" [2].
"Lỗi đánh máy' không thể có ở nơi liêm chính !" là bài đăng trên báo Nongnghiep.vn, bài báo viết : "Đã có quá nhiều lần chữ "chính" không có trong cách thức cư xử của những vị có trách nhiệm ở các cơ quan Nhà nước, được thể hiện bằng chuyện họ đổ tại nguyên nhân khi xem xét trách nhiệm trong các vụ việc có "kết quả không thơm", là do "lỗi đánh máy" [3].
Nghe nói tờ đơn tự thú của Trịnh Xuân Thanh, người từng có hàm vụ trưởng, Phó Chủ tịch tỉnh còn viết sai be bét chính tả thì thư ký hay nhân viên đánh máy mắc lỗi không nên xem là chuyện lạ.
Chẳng lẽ Sếp chính tả sai be bét lại chọn cho mình "thằng thư ký" uyên thâm, phải chọn cái đứa "cứng đầu, cứng cổ" để thỉnh thoảng giơ ra chịu "báng" chứ không phải để "náo" với sếp !
Vì tít bài còn nói đến "quan bụi" nên đành viết thêm tí, bạn đọc thấy chán thì cứ "choảng", choảng bằng "Com mèn" thì "Bọ" chẳng ngại, cũng như có nơi khi bị "choảng" thì họ giữ "quyền im lặng", thế là xong.
Nếu thấy "choảng" có lý thì ít lâu sau đăng đàn thông báo "sáng kiến" của mình, rằng theo chúng tôi là "thế lọ, thế chai" chứ không phải ý kiến của cánh "anh hùng bàn phím".
Từ "quan bụi" là dựa vào câu "du lịch bụi", cũng dựa vào câu "Tây ba lô". Có cô Tây du lịch bụi sang Việt Nam, được người Việt cho ở nhờ, được đãi cơm miễn phí thế rồi đến Sài Gòn thì bị nẫng mất chiếc xe đạp, tiếc của nhưng cô vẫn yêu người Việt, vẫn hứa sẽ đến Việt Nam làm việc.
May mà chiếc xe được tìm thấy, được tìm cách gửi trả, còn tay đạo chích không biết sẽ "bóc lịch" bao lâu.
Thế thì thế nào là "quan bụi" ? Đó là quan nhưng đã lao động đến "thối móng tay", đã buôn chổi đót, nuôi lợn (nái ?), chữa xe đạp,… mới có được cơ ngơi hơn người. Quan đã "bụi" hơn cả "Tây bụi" mà sao khối người cứ không tin, cứ dè bỉu ?
Có phải cái thói "trâu buộc ghét trâu ăn" nó đã nhiễm vào tận tâm can hay chẳng qua "quan nói thế thế thời nghĩ thế" ?
Làm quan đâu có dễ, nghèo thì bảo dốt, giàu thì bị chê, ăn bún bị "soi", quá chén tí bị mắng, "choảng" cấp dưới tí bị "chưởi", quan khổ thế, đau lòng thế mà thiên hạ không "cám thẩu" (thấu cảm) lại còn hè nhau dè bỉu.
Chờ "hoàng hôn nhiệm kỳ" buông xuống, bỏ quách tất cả về nhà vui với cá cảnh, chó Nhật, tội gì sửa tuổi ở thêm cho mệt thân, nhọc óc.
Có tấm gương nhỡn tiền ra đấy, có cái nhà riêng cho thuê chưa đến hạn đòi, về hiu thuê cái nhà công ở trọ thêm một năm, trả tiền đàng hoàng mà còn bị "choảng" túi bụi thì tội gì không kiếm lấy vạn mét vuông đất mang tên vợ con, dựng cái nhà sàn cấp 4 bằng gỗ để thi thoảng ngồi hóng mát ?
Định viết tiếp nhưng mà thôi, nói dài, nói dai thế nào cũng có lúc nói dại, may mà còn có mấy anh em biên tập thông cảm, sửa hộ nên đôi lúc cũng yên tâm "dại" thêm tí, sửa là vừa.
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 10/08/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://vov.vn/vov-binh-luan/giam-doc-so-danh-nhan-vien-lai-xe-co-xung-la-lanh-dao-656248.vov
[2] http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thu-truong-ky-xong-do-loi-cho-cap-duoi-20170604223650215.htm
[3] http://nongnghiep.vn/loi-danh-may-khong-the-co-o-noi-liem-chinh-post191346.html