Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/06/2024

Bất cứ người nào hành trì theo những lời Phật dạy thì đều là người tu thật

Nguyễn Nhơn - Viết từ Sài Gòn - BBC

Giải oan cho TikToker

Nguyễn Nhơn, RFA, 10/06/2024

Nhiều người trong chúng ta đã có tiêu chuẩn kép rất bất công về các YouTuber, TikToker đi theo sư Thích Minh Tuệ thời gian qua.

thay1

Hình chụp hôm 17/5/2024 khi đoàn nhà sư theo sư Thích Minh Tuệ (giữa) đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Người dân và các YouTuber, TikToker đi theo quay phim nhà sư và đoàn bộ hành - STR / AFP

Thầy Thích Minh Tuệ độc bộ du hành sáu năm. Suốt thời gian ấy, chỉ có một ít người gặp thầy trên đường, quay vài clip làm kỷ niệm.

Mãi đến vài tháng gần đây, thầy đột nhiên lộ sáng, gây rúng động cả xã hội. Nhưng toàn bộ hệ thống 700 đơn vị báo chí quốc doanh có tờ nào dám nói câu nào không ? Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến tận khi dân kéo hàng ngàn người đi theo chân thầy qua mỗi tỉnh mới giật bắn mình đánh cái văn bản đầy sân si và dọa dẫm.

Thế thì hôm nay toàn xã hội biết đến gần như chân tơ kẽ tóc của thầy, để rồi giá trị sống mang tên Thích Minh Tuệ đã lan tỏa khắp mọi hướng, là nhờ ai ?

Không nhờ các YouTuber, TikToker ngày đêm đi theo thầy và đoàn tu thì còn là nhờ ai nữa ?

Vậy thì phải cảm ơn họ, chứ sao lại rẻ rúng, miệt thị, chửi bới, ngăn cấm họ ?

Có người dẫn cái bảng thu nhập nhờ quay video clip, trung bình mỗi ngày 10 video, ngày cao nhất được 62 triệu đồng của một TikToker để dè bỉu họ hóa ra đi săn Minh Tuệ vì tiền.

Bớ này anh em, trước khi lên án người khác vì tội ném đá xin hãy thả cục đá trên tay mình ra.

Chẳng lẽ tuyệt đại đa số chúng ta không phải làm việc để kiếm tiền ?

Chúng ta nằm chăn ấm nệm êm, máy lạnh mát rượi, chỉ cần di ngón tay là tường tận hôm nay thầy Minh Tuệ đã đi đến đâu, ông nói những câu nào đáng nhớ, bà con các địa phương đón ông thế nào. Chúng ta trầm trồ sự giản dị và trong suốt của Minh Tuệ, bình phẩm từng người trong đoàn tu, cười chê sự mê tín của một số người dân, phẫn nộ vì thầy đột nhiên mất tích. Chúng ta rung động vì cái thiện, căm ghét sự ác, lắng nghe đạo đức trong suốt đó thấm nhiễm tự nhiên vào chúng ta và thay đổi quan niệm của chúng ta về rất nhiều điều quan trọng trong cuộc sống. Thế nhưng chúng ta đòi hỏi những người đội cái nắng miền Trung như lửa dội, giơ cao cánh tay chĩa chiếc điện thoại suốt từ tinh mơ đến đêm khuya để cung cấp những thông tin đó lại phải cung cấp miễn phí à cơ ! Còn nếu họ được trả thù lao thì tức là tham lam, là trục lợi, là ăn theo, là bu bám…

Ủa ở đâu ra cái thứ lý luận giá trị kép, chân lý hai mang đó vậy ? Cái thứ tâm lý ích kỷ chỉ muốn mình ăn cơm sườn chứ nhất định không cho người khác húp cháo hến ?

Sự kiện Thích Minh Tuệ đặt ra một yêu cầu cấp bách : Phải nhìn nhận và đánh giá giới YouTuber, TikToker một cách chính xác rạch ròi.

Họ chính là đội ngũ truyền thông nhân dân. Hãy công bằng với họ.

Việt Nam có hàng trăm tờ báo, đài truyền hình, phát thanh các loại, các lĩnh vực. Thế nhưng từ quan điểm đến thông tin, toàn bộ hệ thống đều phải chịu sự kiểm soát và định hướng chặt chẽ của Ban Tuyên giáo. Không có báo chí độc lập : Đảng xác định báo chí là bộ máy tuyên truyền, là công cụ của Đảng. Đảng nói đi hướng đông, báo chí tuyệt đối không dám đi hướng tây. Đội ngũ những người đưa tin nhân dân vô cùng đa dạng và đông đảo đã phá vỡ tấm màn thông tin phiến diện, bị định hướng nặng nề đó, sửa chữa lỗi sai này của nền báo chí quốc doanh. Cho dù không được nhà nước và cả chính công chúng thừa nhận chính thức nhưng thực tế đã chứng minh trong nhiều trường hợp, họ chính là những người cung cấp thông tin kịp thời, sát thực nhất, toàn diện nhất cho xã hội. Trong sự kiện Thích Minh Tuệ, nếu không có họ, chắn chắn chúng ta còn bị mù, câm và điếc trong không biết bao lâu nữa.

Đúng là có không ít YouTuber, TikToker có trình độ văn hóa thấp. Họ sai ngữ pháp, chính tả trầm trọng. Họ đặt những câu hỏi ngô nghê. Họ không biết gì về quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Họ không nắm được luật pháp cơ bản nói chung. Họ cũng không có cái mũi thính về chính trị để đánh giá và dự báo một sự kiện đang hay sắp xảy ra. Họ không có một đội ngũ được đào tạo chính quy có tay nghề cao để hướng dẫn, biên tập, chỉnh sửa… hình ảnh hay thông tin trước khi xuất bản.

Nhưng đội ngũ báo chí nhân dân rất ô hợp này lại hơn hẳn đội ngũ báo chí quốc doanh ở sự tự do và không biết sợ. Họ không mắc căn bệnh tự biên tập mắc phải do nhiều năm bị nhét trong cái khuôn khổ của Ban Tuyên giáo. Họ lao vào tin tức với tâm thế xung phong : bất cứ nơi nào có tin tức hứa hẹn có nhiều người xem là họ có mặt, xông pha, lùng sục, bám riết, ăn dầm nằm dề, bất chấp giờ giấc, hoàn cảnh, thời tiết, trở ngại. Từ sáng sớm đến đêm khuya, họ sẵn sàng núp lén, chụp trộm, bay fly cam khi dưới đất không tìm được góc nào có thể ghi hình. Gần như không gì có thể cản họ tìm được cách để chụp được ảnh, quay được clip phục vụ cho công chúng của mình.

Đó mới chính là tinh thần của người làm báo chân chính.

Chỉ cần gây dựng và nuôi dưỡng được tinh thần đó thì những bất cập của đội ngũ YouTuber, TikToker có thể khắc phục, không khó khăn gì.

Trước tiên, cần thừa nhận có một nghề nghiệp là nghề đưa tin tự do bên cạnh những nhà báo được đào tạo chính quy và làm việc trong các tòa soạn được cấp phép thành lập. Có thể quản lý họ bằng tổ chức Nghiệp đoàn, với các tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề minh bạch, ai phù hợp chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng. Đào tạo chuyên môn báo chí cơ bản như kiến thức pháp luật căn bản, cách đặt câu hỏi, cách viết những status ngắn gọn nhưng đủ nội dung. Chính tả, ngữ pháp thì cần học và hành lâu dài.

Những hành vi vi phạm pháp luật như việc sục sạo ống kính vào mọi ngóc ngách sinh hoạt của đoàn tu Thích Minh Tuệ chẳng hạn sẽ bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị tước thẻ hành nghề hoặc cấm phát video, xóa kênh.

Cho dù ở trong một xã hội kiểm soát thông tin nghiêm ngặt như Việt Nam đi nữa, việc thừa nhận lực lượng truyền thông nhân dân tất yếu sẽ phải xảy ra. Điều đó không thể đảo ngược, chỉ sớm hay muộn thôi.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 10/06/2024

**************************

Phản đề Thích Minh Tuệ

Viết từ Sài Gòn, 08/06/2024

Cho đến thời điểm này, không còn cách nào khác, phải gọi Thầy Thích Minh Tuệ là một phản đề của chủ nghĩa cộng sản. Và sở dĩ gọi ông là phản đề bởi chính vì điều này mà bằng cách này hay cách khác, ông bị "biến mất" ở Huế trong mấy ngày nay. Và cũng chính vì ông là một phản đề, nên hệ thống chính trị buộc phải quan tâm đến ông một cách "sâu sắc nhất" có thể. Vì sao gọi ông là một phản đề ? Dựa trên cơ sở nào ?

su1

Hình ảnh một vị sư đi chân đất, đầu đội trời, khoác chiếc y phấn tảo được vá víu từ những mảnh vải vụn nhặt được bên đường, tay ôm chiếc lõi nồi cơm điện, ăn mỗi ngày một bữa

Ông là một phản đề đáng sợ nhất của mọi triều đại cộng sản xã hội chủ nghĩa, có thể khẳng định như vậy. Bởi nói tới người cộng sản là phải nói tới vật chất, vật dục, bởi triết thuyết của người cộng sản dựa trên vật dục, mọi phát triển dựa trên cơ sở này.

Gần đây nhất, đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố, đại ý "Tự do, dân chủ là cái nhà để ở, áo quần để mặc, cơm, để ăn…", chuyện ăn, mặc ở là tiền đề phát triển, là nền tảng và cũng là cứu cánh của người cộng sản.

Dựa trên cơ sở lý luận này, mọi giá trị tinh thần đều bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong xã hội cộng sản, nhà cầm quyền bằng cách này hay cách khác, đưa con người vào quĩ đạo của ăn - mặc - ở và con người luôn xoay vần, quây quần, cuống cuồng trong quĩ đạo ấy.

Các giá trị tinh thần như Tự Do, Dân Chủ, Văn Minh, Nhân Bản, Tiến Bộ... được lồng ghép trong quĩ đạo ăn - mặc - ở. Và người ta luôn dựa trên cơ sở phải có ăn mặc ở đầy đủ rồi hãy nói tới tiến bộ. Chính vì vậy mà cho dù nghèo rớt mùng tơi hay giàu nứt đố đổ vách thì các giá trị tinh thần vẫn cứ bị bỏ lơ trong xã hội cộng sản.

Hơn nữa, một khi các giá trị tiến bộ bị khỏa lấp, bị dìm mất dấu thì cơ hội phát triển phe nhóm trục lợi, thủ đoạn, toa rập, đội trên đạp dưới và không trọng dụng hiền tài, chỉ cần dùng người biết trung thành, càng trung thành càng tốt, càng dốt, càng chịu bị sai vặt và biết nịnh bợ càng tốt... luôn phát triển và phát triển không ngừng trong xã hội cộng sản.

Chính vì cái quĩ đạo ăn - mặc - ở đã đẩy xã hội đến chỗ chuồng trại, bất nhân, bất trí, bất nghĩa và người ta sẵn sàng dẫm đạp lên nhau mà thăng tiến. Một xã hội không cần suy tư, không cần phản tỉnh, không cần tư lự và càng thủ đoạn thì càng thành công.

Và trong xã hội ấy, mọi sinh hoạt tinh thần đều được chỉ định, áp đặt, giả trá và trình diễn theo một yêu cầu, theo cái gật đầu và theo sự hài lòng của một bề trên nào đó, vừa xa lại vừa gần, người ta vừa lo sợ sau gáy có người theo dõi lại vừa nghĩ rằng cái ở sau gáy tít tận trên cao, nhưng nghe thấy tất cả.

Một xã hội được kiến tạo bởi miếng ăn, cái mặc và chỗ ở nhanh chóng đẩy toàn bộ hệ thống giá trị tinh thần qui về mối ấy, các hoạt động tinh thần, tâm linh đều được đánh tráo bằng vật dục và giá trị con người cũng được định bằng vật dục.

Chính vì vậy mà hầu hết các chùa, các sư, các ni đều rất đỏ, thậm chí các nhà thờ, các linh mục cũng nhuộm đỏ không ít, và người ta định giá đỉnh cao tinh thần bằng vật dục nốt. Vật dục càng cao thì giá trị càng lớn.

Người ta bàn về chùa này lớn, sư kia giàu, một buổi nói chuyện của giảng sư có thể thu về tiền tỉ, người ta bàn về chiếc xe của sư đi, đồng hồ của sư đeo, đệ tử nữ của sư là hot girl... Người ta bàn về các tôn giáo khác cũng vậy, nhà thờ lớn, chuông lớn, giáo đoàn giàu có... Mọi thứ đều xoay quanh giá trị vật chất.

Và, các giá trị tinh thần đều được xem là nhạy cảm, đều bị giới hạn trong chừng mực của các chỉ thị, không ai được nói quá lời, vì nói quá lời sẽ mất miếng ăn. Kỳ thực, cái mà người ta gọi là "nói quá lời" ấy vốn dĩ là lời bình thường, lời cần phải nói của một giảng sư chân chính, của một người tu chân chính. Nhưng người ta lựa chọn ngậm miệng ăn xôi.

Và chuyện giá trị tâm linh bị đánh tráo, đến giờ phút này đã thành căn bệnh xã hội, nó vô hình trung trở thành lá chắn vững vàng cho chủ nghĩa vật dục, cho triết lý lấy vật chất làm trung tâm và nó củng cố thêm niềm tin về vấn đề "vật chất quyết định ý thức".

Hay nói cách khác, tất cả những lộn xộn và lợn cợn ở các chùa chiềng, các tôn giáo góp phần bảo vệ mọi lộn xộn, mọi ung nhọt tham nhũng, tư lợi, bòn rút công sản... đang diễn ra nhan nhản mỗi ngày.

Con người trong xã hội vật dục không cần phản tỉnh, bởi phản tỉnh trên cơ sở nào ? Bởi ngay cả những bậc dẫn dắt tâm linh cũng mặc nhiên thừa nhận giá trị vật chất, thì cứ như vậy mà đi, cứ như vậy mà cuống cuồng, cứ như vậy mà ngoi lên để sống... Đó là khuynh hướng của xã hội.

Mọi thứ có liên quan đến vật chất trở thành hệ hình phát triển xã hội và là định hướng chung của xã hội cộng sản. Điều này khiến cho xã hội đông cứng các hoạt động tinh thần, các giá trị tinh thần bị tê liệt và chết dần chết mòn theo thời gian. Bởi người ta luôn thấy trước mắt rằng nếu không có vật chất, người ta sẽ chết, sẽ bị đạp xuống đáy.

Thế rồi hình ảnh một vị sư đi chân đất, đầu đội trời, khoác chiếc y phấn tảo được vá víu từ những mảnh vải vụn nhặt được bên đường, tay ôm chiếc lõi nồi cơm điện, ăn mỗi ngày một bữa, bữa nào xin hết buổi sáng mà không ai cho thì trưa nhịn đói, tối đến nghĩa địa ngồi thiền, rồi ngủ ngồi.

Một con người bình thường sẽ không bao giờ làm được việc ấy một cách cô độc chỉ trong vòng một tuần lễ. Ở đây, Sư đã hành tu suốt sáu năm ròng như vậy. Và, sư vốn dĩ xuất thân là một con người bình thường như bao con người khác, nhưng Sư có chí nguyện và quyết tâm. Giá trị tinh thần vụt sáng.

Hình ảnh của Sư Thích Minh Tuệ như một cú sấm rền đánh thẳng vào lương tri nhân loại, đánh thẳng vào suy tư con người và đánh thẳng vào lý tưởng, các giá trị tinh thần vốn dĩ đã ngủ quên hoặc lạc đường rất lâu trong mỗi người.

Một người hâm mộ, kính ngưỡng, vài người hâm mộ, kính ngưỡng, hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn, và hàng triệu người ngưỡng mộ, tín thành, yêu kính một vị Sư chân đất, không có tài sản gì ngoài Bi - Trí - Dũng.

Một khi Bi - Trí - Dũng được đánh thức trong mỗi người, thì giá trị vật dục sẽ bị đẩy lùi vào đúng vị trí của nó, nó không còn là một hệ thống tiên phong dẫn đường cho tinh thần con người nữa.

Và một khi vật chất không còn là nhà lãnh đạo tinh thần thì mọi hệ thống liên đới, mọi tổ chức, đảng phái và chính thể vận dụng triết thuyết của nó cũng sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi một cách tự nhiên.

Một khi triết thuyết bị khủng hoảng, các giá trị được xét lại và con người có đường hướng, lý tưởng riêng để theo đuổi, để so sánh một cách "bất bạo động" thì e rằng đây là lúc mà chủ nghĩa coi trọng vật chất đang đối mặt với chuyện sống còn.

Một con người không có tài sản, tu hạnh đầu đà, chẳng màng gì đến lợi danh nhưng lại vô tình rơi vào thái cực đối trọng, phản đề của một hệ thống chính trị, một hệ thống tư tưởng. Thì liệu cái hệ thống ấy có để yên cho con người ấy tiếp tục tu hành, tiếp tục hạnh nguyện không ?

Câu trả lời đã quá rõ ràng. Nên cũng đừng ngạc nhiên nếu Sư Thích Minh Tuệ bỗng đứt gánh giữa đàng và tiếp theo sau sự vắng bóng của Sư là một trào lưu, một hệ phái (giống như hệ phái Khất sĩ của Ngài Minh Đăng Quang chẳng hạn !) ra đời, sau đó trở thành một chi nhánh của giáo hội nhà nước và cuối cùng là những câu chuyện vật dục quanh quẩn, cồn cào nơi hệ phái ấy ! Bởi Thích Minh Tuệ, đến lúc này là một phản đề của chủ nghĩa cộng sản. Vậy thôi !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 08/06/2024

**************************

Sư Thích Minh Tuệ đến từ đâu, tại sao phải dừng ?

BBC, 08/06/2024

Sư Thích Minh Tuệ với đầu trần, chân đất đi bộ từ Nam chí Bắc, ôm lõi nồi cơm điện để khất thực và nhặt vải vá lại thành áo đã trở thành một hiện tượng xã hội nổi bật. Cùng nhìn lại hành trình của ông và những tác động xã hội to lớn của hành trình ấy.

su2

Sư Minh Tuệ thường xuất hiện với nụ cười hiền lành và dáng vẻ, cách nói chuyện khiêm nhường

Trong các video trên mạng xã hội cũng như bài phỏng vấn với báo chí, sư Minh Tuệ thường xuất hiện với nụ cười hiền lành và dáng vẻ, cách nói chuyện khiêm nhường, thường xưng là "con".

Việc tu sĩ này "tự nguyện dừng đi bộ khất thực" cũng khiến người dân bàn tán, đặt ra nhiều nghi vấn.

Sư Thích Minh Tuệ là ai ?

Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam vào hôm 3/6 cho biết sư Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú. Ông "sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hiện không có địa chỉ cư trú cố định".

Ban Tôn giáo Chính phủ đồng thời thông tin rằng "Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo" và vị hành giả "không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật".

Đề cập đến chặng đường tu tập của sư Minh Tuệ, Ban Tôn giáo Chính phủ nêu :

"Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 03 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại... Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng - Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung".

Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội khiến lần đi bộ khất thực xuyên Việt lần thứ tư của vị tu sĩ thu hút được nhiều sự chú ý. Người dân ra đường đón tiếp cũng như đi theo ông ngày một đông.

su3

Sư Thích Minh Tuệ không tự nhận mình là tu sĩ Phật giáo

Cách tu tập của sư Minh Tuệ

Chia sẻ với báo giới, nhà sư đã xin phép gia đình xuất gia để được "giải thoát" từ năm 2015. Ông cũng có tu tập ở một ngôi chùa trong thời gian ngắn, được đặt pháp danh Thích Minh Tuệ.

Sau khi rời chùa, ông vẫn giữ pháp danh Thích Minh Tuệ, khởi sự tu 13 hạnh đầu đà và bộ hành khất thực từ nam chí bắc. Những năm qua, sư Minh Tuệ không thuộc bất kỳ nhà chùa hay cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo tư liệu Phật giáo, pháp hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não.

Trên con đường tu tập gian khổ, các vị hành giả đầu đà chấp nhận những thử thách khắc nghiệt về mặt vật chất, khước từ mọi tiện nghi.

Một các giản lược thì các pháp hạnh này bao gồm : mặc áo tự may từ vải nhặt được trên đường ; chỉ có ba y (ba áo thôi) ; khất thực để ăn ; mỗi ngày chỉ ăn một bữa trước giờ Ngọ ; không xin nhiều thức ăn để dành ; không nhận lời tới tịnh xá hoặc chỗ của cư sĩ để ăn ; không ngủ trong tịnh thất hoặc nhà, chỉ ngủ nghĩa địa, gốc cây ngoài trời ; du hành từ nơi này qua nơi khác ; chỉ ngủ ngồi (không nằm).

Trong hàng đệ tử Phật, tôn giả Ca Diếp đã trọn đời giữ hạnh đầu đà.

Trả lời BBC News tiếng Việt từ Sài Gòn, tu sĩ Thích Đồng Long của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và không được nhà nước Việt Nam công nhận, nhận xét :

"Bất cứ người nào hành trì theo những lời Phật dạy thì đều là người tu thật.

"Còn nếu người đó có tham gia bất kỳ một tổ chức nào, hay là với vai trò gì, nhưng đi ngược lại lời Phật thì đó là người giả tu, người không tu hành chân chính".

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất viết về trường hợp sư Minh Tuệ như sau :

"Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa, tự do tự tại, không nơi cố định, đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng ?"

su4

Theo tài liệu Phật giáo, trên con đường tu tập gian khổ, các vị hành giả đầu đà chấp nhận những thử thách khắc nghiệt về mặt vật chất, khước từ mọi tiện nghi

Cảm hứng từ sư Minh Tuệ

Hành trình tu tập của sư Thích Minh Tuệ đã tạo cảm hứng cho nhiều người với bằng chứng rõ ràng là đông đảo người dân ra đường chào đón, muốn được diện kiến ông ở các tỉnh thành mà ông đi qua, hàng triệu người trong và ngoài nước theo dõi ông trên mạng.

Trước khi sư Minh Tuệ "tự nguyện dừng đi bộ khất thực", một số thống kê cho biết có những thời điểm có hơn 70 người ăn vận giống nhà sư đã đi theo ông.

Chuyến đi của vị hành giả đã trở thành nội dung chính cho nhiều tài khoản Facebook, kênh TikTok, YouTube,... với mỗi video phát trực tiếp thu hút hàng ngàn đến hàng chục ngàn người xem đồng thời, tổng lượt người xem đạt hàng triệu, lượt tương tác lên tới hàng chục ngàn.

Vây quanh ông trên mỗi chặng hành trình luôn có hàng chục người quay video để phát lên các nền tảng mạng xã hội.

Hình ảnh của sư Thích Minh Tuệ cũng được thương mại hóa. Rất nhanh chóng, các sản phẩm thời trang như áo thun, áo polo, có thiết kế dựa trên y phục sư Minh Tuệ đã xuất hiện ở một số sàn thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam.

Không chỉ thời trang, người tiêu dùng còn có thể tìm các sản phẩm khác liên quan đến vị hành giả như tranh tráng gương, tranh kỹ thuật số, đồng hồ treo tường in hình sư Thích Minh Tuệ... với đa dạng mức giá, từ dưới 100.000 đồng cho đến hơn 300.000 đồng.

Một số trang bán hàng đã cho ra mắt sản phẩm lịch để bàn năm 2025 với sư Minh Tuệ là hình ảnh chủ đạo.

Một bài viết trên báo VnExpress ngày 23/5 cho biết ca sĩ Thu Phương mặc chiếc đầm trị giá tới 2,5 triệu đồng lấy cảm hứng từ trang phục sư Minh Tuệ.

Bên ngoài các hoạt động thương mại, nhiều người đã đúc tượng, vẽ tranh, cắt kiểu tóc có hình mặt của ông… để bày tỏ sự ngưỡng mộ.

Tranh cãi

Nói về hiện tượng Thích Minh Tuệ, sư Thích Đồng Long nhận định với BBC News tiếng Việt rằng đây là một trường hợp hiếm có.

"Trong lịch sử, kể từ thời Đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước đến nay, tôi nghĩ cũng có nhiều vị đã từng thực hành những hạnh như thế. Nhưng trong thời kỳ 4.0 này thì trường hợp của thầy Minh Tuệ là rất hiếm".

"Hiếm có một người có thể thực hành theo lời Phật dạy như vậy, nên đây cũng là cơ hội tốt để người dân tự nhìn lại mình trong một thời đại chuộng vật chất như bây giờ", nhà sư nói tiếp.

Ông Bửu Nguyễn, nghiên cứu sinh ngành Phật học ứng dụng tại Nan Tien Institute (Úc), cho rằng cá nhân ông Minh Tuệ phần nào mang lại hy vọng cho nền Phật giáo Việt Nam đang suy thoái.

su5

Hành trình tu tập của sư Thích Minh Tuệ đã tạo cảm hứng cho nhiều người

Khác những lời ca tụng và ủng hộ sư Thích Minh Tuệ có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội, mặt trận báo chí Việt Nam xuất hiện nhiều bài viết theo chiều hướng kêu gọi "cảnh giác".

Bài viết "Khi kiếp nạn sinh ra từ 'ngáo' mạng xã hội" trên báo Công An Nhân Dân hôm 26/5 tập trung phê phán phản ứng của cộng đồng mạng trước hiện tượng sư Thích Minh Tuệ thay vì đi vào phân tích chi tiết về cách tu hành của sư.

Bài viết đồng thời khẳng định việc tu tập của sư Minh Tuệ "quá ư là bình thường", đặt nghi vấn liệu "ca tụng thái quá" có đúng với tinh thần trung đạo hay không.

Một bài viết khác trên báo Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 1/6 cho rằng hình ảnh sư Minh Tuệ đi bộ tu hành đang bị "các thế lực thù địch" lợi dụng để "phỉ báng, công kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam" và "chống phá chính sách tôn giáo" của Đảng và nhà nước.

Truyền thông trong nước cũng đưa tin về các trường hợp sốc nhiệt khi bộ hành theo sư Minh Tuệ, trong đó có một người đã tử vong.

Người nổi tiếng trong ngành giải trí Việt Nam cũng tham gia vào cuộc tranh luận, trong đó có diễn viên Angela Phương Trinh.

Cô này được biết đến là đệ tử của Thượng tọa Thích Chân Quang - trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Với tài khoản Facebook hơn 2,2 triệu lượt theo dõi, nữ diễn viên đã có những bài viết công kích sư Thích Minh Tuệ cũng như đoàn người đi theo ông.

Một số bài viết của cô cho rằng nhà sư có "tổ chức ngầm" chỉ đạo để "tàn phá Việt Nam", "lật đổ Phật giáo".

"Sư phụ" của cô này là Thượng tọa Thích Chân Quang thì xuất hiện trong một video chỉ trích sư Thích Minh Tuệ, gọi ông là "thằng ba trợn".

Báo Công Thương dù thừa nhận phát ngôn của nữ diễn viên "chưa đúng" nhưng lưu ý rằng người dân cũng cần phải "cảnh giác".

Trong khi đó, nhiều tài khoản mạng được cho là của những người ủng hộ sư Minh Tuệ cũng có những bình luận gây tranh cãi, trong đó có các lời chỉ trích gay gắt nhằm vào các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Quảng Trị là nơi từng xảy ra tranh cãi khi quản lý một nghĩa trang không cho đoàn của sư Thích Minh Tuệ nghỉ qua đêm. Còn Huế là nơi sư Thích Minh Tuệ dừng chân vào chiều 2/6 trước khi "biến mất" trong đêm.

Quan điểm của chính quyền

Sự thu hút đông đảo của sư Thích Minh Tuệ đã khiến các tổ chức Phật giáo do nhà nước quản lý lên tiếng.

Vào ngày 16/5, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã ra công văn gửi đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố.

Công văn ghi :

"Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam vào thời điểm đó cũng ra thông báo khẳng định "ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam" và đề nghị các địa phương quan tâm không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự, "đặc biệt không để các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật".

Công văn của Thượng tọa Thích Đức Thiện về sư Thích Minh Tuệ đã nhận nhiều ý kiến chỉ trích, trong đó nổi lên câu hỏi về quyền và tư cách của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc công nhận tu sĩ Phật giáo.

Liên quan đến các văn bản này, tu sĩ Thích Đồng Long cho rằng quan niệm không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không phải tu là một cách nhìn rất sai lầm, thể hiện sự thiếu tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Vào ngày 3/6, thời điểm mà sư Minh Tuệ "biến mất" khi đang trên bộ hành tại Thừa Thiên Huế, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết :

"Các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người ; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực".

Cuối phần thông báo là lời kêu gọi :

"Để bảo đảm sự ổn định xã hội, tính mạng, sức khỏe và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật của Nhà nước.

"Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, không tham gia các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội ; giữ gìn môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh ; góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, vì bình yên, hạnh phúc của cộng đồng".

su6

Chư tăng ni tại chùa Từ Hiếu, thành phố Huế, vào tháng 1/2020

Một số phát ngôn của sư Minh Tuệ

Sư Thích Minh Tuệ là người thực hành, ông không có những bài giảng pháp cao thâm. Tuy nhiên, những lời nói chân chất, mộc mạc của ông chính là điểm thu hút đông đảo công chúng.

"Con là người Việt Nam đi tập học theo lời Phật dạy, không nhận tiền bạc của ai dưới bất kỳ hình thức nào, họ cho ngày một bữa vào buổi sớm rồi thì con không nhận nữa".

"Con không phải là sư hay thầy gì cả, không thuộc giáo hội gì, không Nam tông hay Bắc tông…".

Khi có người hỏi tại sao ông không tu ở chùa, sư Minh Tuệ trả lời :

"Có người đang ở nhà yên lành thì bỏ nhà đi vào chùa. Có người vào chùa rồi thì lại bỏ chùa mà đi, không còn mê đắm gì nữa…".

"Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình", báo VnExpress dẫn lời ông trong một bài viết đăng tải vào ngày 17/5.

"Đối với con thì tất cả hành trình đi bộ đều không khó khăn. Khi di chuyển, nếu tâm mình an lạc, hạnh phúc và vượt qua được những trắc trở thì sẽ cảm thấy không còn bất cứ trở ngại gì ở phía trước nữa", sư Minh Tuệ nói tiếp.

Ông được đánh giá như thế nào ?

Nhà sư Thích Minh Đạo, Trụ trì Tu viện Minh Đạo tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã có lời tán thán, bày tỏ sự mến mộ đối với sư Minh Tuệ .

Vị tỳ kheo nói hình ảnh nhà sư lặng lẽ đi hành đạo đã làm cho Phật giáo Việt Nam "sống lại trong lòng của Phật tử năm châu". Tuy nhiên, cũng vì sự tán thán này mà sư Thích Minh Đạo bị giáo hội Phật giáo địa phương kiểm điểm.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ với BBC News tiếng Việt từ Hà Nội rằng nhiều người dân cảm thấy vui mừng vì sư Minh Tuệ và lối tu của ông là tín hiệu cho sự trở lại của đạo pháp chân chính, sẽ làm lu mờ những "pháp tu" mê mị dân chúng chủ yếu để thu tiền cúng trong thời gian gần đây.

Nhà sư Thích Đồng Long cho rằng sư Minh Tuệ là người đầu tiên có sức ảnh hưởng lớn như vậy đối với quần chúng Phật tử tại Việt Nam.

Sự buông bỏ trong pháp tu của sư Minh Tuệ khiến nhiều người ái mộ.

Nhà báo Cù Mai Công, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một cây bút viết sách về Sài Gòn xưa, nói với BBC News tiếng Việt ngày 6/6 :

"Điều thuyết phục trong việc hành tu của sư Minh Tuệ với rất nhiều người, không chỉ Phật giáo mà ở cả các tôn giáo khác, đó là sự buông bỏ của một ý chí kiên cường đến không thể tin nổi".

Một người thực hành tôn giáo ẩn danh chia sẻ với BBC News tiếng Việt :

"Tôi thấy hình ảnh cũng như cách gọi là tu tập của ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) thật hay. Dù thế nào đi chăng nữa, cung cách sống hay có thể nói tu của ông toát lên vẻ đẹp của đời tu, nhất là trong chuyện buông bỏ".

Tại sao ông dừng lại ?

su7

Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam nói ông Thích Minh Tuệ "tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực"

Ban Tôn giáo chính phủ, như đã đề cập ở trên, thông tin rằng sư Thích Minh Tuệ đã "tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực" vào hôm 3/6 vì "nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ công dân".

Nhưng theo tìm hiểu của BBC, mọi chuyện có thể không đơn giản như vậy.

Vào ngày 2/6, sau khi sư Thích Minh Tuệ và dòng người đi theo đến tỉnh Thừa Thiên-Huế, đoàn đã được "điều hướng" đi theo đường tránh thay vì đi qua trung tâm thành phố Huế.

Đến sáng sớm hôm sau, khi mọi người đến khu vực nơi sư Thích Minh Tuệ nghỉ ngơi vào tối hôm trước, họ không còn thấy bóng dáng của ông.

Nhiều người dân bày tỏ lo lắng cho ông Minh Tuệ và mong muốn thấy ông để xác nhận rằng vị hành giả vẫn bình an.

Bên cạnh thông tin sư Thích Minh Tuệ mất tích bí ẩn, hình ảnh vị tu sĩ này được một cán bộ công an lấy dấu vân tay cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Báo chí trong nước sau đó đồng loạt đưa tin ông được đưa đi hỗ trợ làm căn cước công dân. Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm 4/6 thông tin rằng Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện việc làm căn cước này.

Một hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một chiếc xe cảnh sát biển số 75A (Thừa Thiên-Huế) chở theo một số người có ngoại hình giống nhà sư (tuy nhiên do chất lượng ảnh không rõ nên không thể xác định chính xác).

Cũng trong sáng 3/6, một số hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một nhóm nhà sư đang ăn uống tại một quán phở ở xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Nhóm người này được xác định là những người từng tham gia đoàn cùng sư Thích Minh Tuệ, nhưng không có hình ảnh nào ghi nhận sự hiện diện của ông.

BBC đã liên lạc với quán phở nói trên và được xác minh đúng là những nhà sư kia đã đến quán vào khoảng 8 giờ sáng ngày 3/6.

"Các thầy kể lúc tối chính quyền vào cuộc tách mọi người ra hết, mỗi nhóm mỗi nơi, cho nên bây giờ các thầy cũng không biết thầy Minh Tuệ ở đâu", nhân viên quán thuật lại với BBC.

BBC đã nhận được nhiều thông tin cho biết đoàn đã bị giải tán ngay trong đêm khi đang nghỉ chân gần thành phố Huế, chứ không phải tự nguyện như thông báo của chính quyền.

Cho đến ngày 8/6, tức 5 ngày sau khi ông "biến mất", người yêu mến ông vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra : Ông đang ở đâu ? Ông có được tu tiếp hay không ? Ông có an toàn không ?

Một số thông tin cho biết ông đang ẩn tu tại Gia Lai, nhưng không có bằng chứng chắc chắn cho thấy điều đó.

Nhiều người nhắc lại trường hợp nhà sư Minh Đăng Quang, người khai sơn hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Nhà sư Minh Đăng Quang cũng đã đột ngột biến mất mãi mãi vào một ngày đầu năm 1954 sau khi các hành trình của ông được đông đảo dân chúng quan tâm và hưởng ứng.

Phật giáo Việt Nam

su8

Đại lễ Phật Đản tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam vào tháng 5/2019

Hiện tượng Thích Minh Tuệ bùng phát trong thời điểm những bê bối của nhiều nhà sư trong nước khiến niềm tin người dân Việt Nam  phần nào lung lay, nhiều người gọi đây là thời "mạt pháp".

Nổi bật có thể kể đến vụ "xá lợi tóc Đức Phật" do sư Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, tổ chức trưng bày vào cuối năm 2023.

Các phát ngôn gây ồn ào về nhân quả, lời kêu gọi cúng dường, phát ngôn chỉ trích các nhà sư khác của Thượng tọa Thích Chân Quang ; các cuộc khẩu chiến giữa sư Thích Nhật Từ và sư Thích Trúc Thái Minh... khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ về các vị sư này, thậm chí bày tỏ quan ngại về hiện trạng của Phật giáo Việt Nam.

Tu sĩ Thích Nhuận Nghi, trụ trì chùa Từ Đức ở tỉnh Đồng Nai, đã xin hoàn tục vào đầu năm 2024 sau những hành vi "thiếu chuẩn mực", vi phạm giới luật.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập theo chỉ đạo của chính quyền. Đây là tổ chức Phật giáo duy nhất được công nhận hợp pháp, đại diện cho Phật giáo Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức này hiện có gần 5 triệu thành viên, nhiều vị tu sĩ trong đó tham gia chính quyền và là đảng viên Đảng cộng sản.

Song song với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vẫn tồn tại các tổ chức tôn giáo độc lập khác, bất chấp việc không được chính phủ Việt Nam thừa nhận.

Nhiều nhà sư tự tu như sư Thích Minh Tuệ, hoặc theo các tổ chức độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, cho biết họ bị chính quyền làm khó dễ, thậm chí đàn áp.

Nguồn : BBC, 08/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nhơn
Read 403 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)