Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sách "Hương Bay Ngược Gió" ghi lại các pháp thoại của sư Minh Tuệ bị cấm phát hành

RFA, 18/12/2024

Cuốn sách ghi lại những đoạn hội thoại của sư Minh Tuệ về Phật pháp không được phép xuất bản ở Việt Nam, chủ công ty sách đặt câu hỏi "ai/những ai, cơ quan nào muốn triệt cuốn sách về ông – một cuốn sách hết sức lành mạnh ?"

sach1

Sách "Hương Bay Ngược Gió" được quảng cáo trên website của công ty sách Khai Tâm là "sắp phát hành" - Chụp màn hình

Sư Thích Minh Tuệ trong những tháng qua đã gây chú ý trong dư luận Việt Nam khi nhiều người phát hiện ông đã đi bộ chân trần dọc Việt Nam, thực hành việc tu tập theo hạnh đầu đà của Phật. Chuyến đi gần đây nhất của ông vào tháng 5 năm nay đã kéo theo nhiều người theo dõi và đưa tin trên mạng xã hội khiến Chính phủ phải vào cuộc và bắt ông phải ẩn tu ở quê nhà Gia Lai.

Soạn giả Phạm Hiền Mây đã biên soạn cuốn sách "Hương bay ngược gió : Bước chân tập học của sư Minh Tuệ" từ 27 video đã đăng trên YouTube, kể lại bước đường tập học của hành giả Minh Tuệ trong sáu năm qua.

Công ty trách nhiệm hữu hạn văn hóa Khai Tâm liên kết với Nhà xuất bản Đà Nẵng để phát hành và đã được nhà xuất bản trên cấp phép vào ngày 20/09/2024, đồng thời Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận nộp lưu chiểu vào ngày 14/10.

Ông Hoàng Nhơn, Giám đốc công ty Khai Tâm dẫn quy định hiện hành cho biết, trong vòng 14 ngày sau khi nộp lưu chiểu, đơn vị thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ có văn bản thông báo quyết định phát hành, tuy nhiên sau hai tháng ông vẫn không nhận được giấy tờ gì.

Trên Facebook cá nhân ông cho hay, khi sư Minh Tuệ và đoàn bộ hành bước chân sang Lào vào ngày 12/12 để hành hương đến Ấn Độ, ông Nhơn gọi cho Nhà xuất bản Đà Nẵng để hỏi thì được đại diện công ty này cho biết "cuốn sách không được phát hành".

Hôm 16/12, ông vẫn đang đợi thông báo chính thức bằng văn bản của đơn vị liên kết nói rõ lý do vì sao không cho phát hành sách liên quan đến sư Minh Tuệ. Nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do, ông chia sẻ : "Thật sự mình không biết ai, hay cơ quan nào có thẩm quyền để cấm cuốn sách này - tức là không cho phát hành, bởi vì nó đã vượt quá thẩm quyền của Nhà xuất bản, vượt thẩm quyền của Cục Xuất bản - đây là nơi chịu trách nhiệm chính trong chuyện này nhưng cũng vượt thẩm quyền của họ luôn".

sach2

Tra cứu thông tin về cuốn sách trên website của Cục Xuất bản cho thấy công ty sách đã nộp lưu chiểu vào ngày 14/10/2024. Ảnh chụp màn hình

Ông cũng cho rằng người của Nhà xuất bản cho ông biết tổ thẩm định của Cục Xuất bản đánh giá nội dung của cuốn sách là "không có gì", nghĩa là lành mạnh, tốt đời đẹp đạo theo đúng chủ trương của Nhà nước.

Kể từ khi thành lập công ty sách Khai Tâm vào năm 2021, ông Nhơn đã liên kết với các nhà xuất bản cho ra đời nhiều cuốn sách khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên ông gặp trường hợp sách đã nộp lưu chiểu, đã in nhưng không được phép phát hành.

Phóng viên gửi email cho Nhà xuất bản Đà Nẵng, Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Xuất Bản, In và Phát hành để tìm hiểu về vụ việc, tuy vậy, vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Một người theo dõi sư Minh Tuệ ở Việt Nam không nêu danh tính vì lý do an ninh nhận xét : "Việc phát hành cuốn Hương Bay Ngược Gió có lẽ bị Ban Tôn giáo Chính phủ không đồng ý, bởi họ không hề thích sư Minh Tuệ. Họ sẽ ngăn chặn mọi thông tin chính thống có lợi cho ông. Cuộc du hành của ông đến Ấn Độ các báo hầu như không đề cập".

Viết về việc cuốn sách không được phát hành, chủ công ty sách tư nhân đặt câu hỏi : "Tại sao lại sợ một công dân đang tập học theo lời Phật dạy một cách hết sức đàng hoàng ? Sợ những câu chuyện về ông ấy đi vào đời sống, đến với bạn đọc ?"

Nguồn : RFA, 18/12/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn

Chỉ vài ngày sau chuyến bộ hành ra khỏi Việt Nam của sư Minh Tuệ, vốn được hàng triệu người theo dõi, mọi thứ đã hiện rõ đó là bài toán của Nhà nước – dù chỉ là bước đầu – nhưng mục tiêu rõ ràng để dẹp bỏ sự thành kính không thể dập tắt của quần chúng đối vị sư chân đất, và quan trọng là lưu đày một cách hợp pháp ông ra khỏi cội nguồn quê hương.

duhanh1

Sư Minh Tuệ và tăng đoàn trên đất Lào. Ảnh : FB Võ Hồng Ly

Ngay cả việc đưa sư Minh Tuệ đi khỏi quê nhà Gia Lai cũng đầy bất thường. Buổi sáng ngày 12/12, những người dân trong vùng, cũng như những người khắp nơi tụ về, do phỏng đoán ngày công an sẽ đưa sư Tuệ ra cửa khẩu biên giới Lào, đã thấy công an sắc phục, mật vụ thường phục… xuất hiện dày đặc trên con đường dẫn vào nhà sư Minh Tuệ. Có khoảng bốn chốt gác được lập ra để ngăn chặn bất kỳ ai muốn tiếp cận thầy. Điều buồn cười là yêu cầu vô lý trong đơn gửi công an của bà Nguyễn Thị Hoàng ở Bình Dương về chuyện phải dẹp bỏ quán cà phê Nắng và những người buôn bán trước con đường dẫn vào nhà sư Minh Tuệ, cũng đã được công an răm rắp làm theo trong ngày hôm đó.

Giống như cuộc cưỡng bức du hành thô bỉ, những chiếc xe của công an đóng kín cửa, chở sư Minh Tuệ đi nhanh thẳng ra đường, trong sự ngơ ngác nhìn theo của nhiều người đang quan tâm và lo lắng cho thầy.

Chuyến đi này, có ông Thượng tá công an Đoàn Văn Báu, chuyên viên về tâm lý tội phạm của Bộ Công An, đi kèm cặp sư Minh Tuệ. Mặc dù người này đã lên trên các kênh truyền thông để tự giải thích rằng mình không còn trong ngành công an nữa và chỉ đi theo sư Tuệ vì mến mộ, và đi tiền trạm rồi theo luôn trong đoàn để bảo vệ, nhưng khắp nơi vẫn còn đầy các câu hỏi rằng, nếu chỉ là một người mến mộ, tại sao ông Báu lại bỏ thời gian để vạch hết tất cả những lộ trình bắt buộc cho sư Tuệ, đồng thời đưa ra những quy định hạn chế nghiêm ngặt về người đi theo sư Tuệ, cũng như về việc đưa tin, chụp hình.

Đáng nói, trong những video mà ông Báu đưa ra về lộ trình của tám người đoàn sư Minh Tuệ, ngày 14/12, ông Báu vô tình sơ hở để lộ một chi tiết rằng ông chỉ chọn những con đường heo hút và đường rừng cho sư Minh Tuệ đi, vì sợ cung đường dễ tìm gặp thì sẽ có những người từ Việt Nam chạy sang và gia nhập đoàn đi cùng sư Tuệ.
Nếu là một người mến mộ đi theo sư Tuệ bình thường, tại sao ông Báu lại có một quyền hạn đặc biệt về quyết định lộ trình, buộc mọi người phải theo, và quan trọng là chỉ cho phép ai mà ông ta đã duyệt trước mới được đi theo sư Tuệ ?
Nói trong một video, ông Báu giải thích như một cách cảnh cáo rằng những người từ Việt Nam chớ có mà tìm cách tự mình đi qua Lào, tìm kiếm lộ trình của sư Tuệ rồi nhập đoàn. Ông nói điều này chỉ gây phiền phức cho sư Tuệ, và đây là điều mà chính quyền Lào cấm đoán. Theo lời ông Báu, chính quyền Lào chỉ cho các phép một đoàn đi giới hạn với 10 người, do đó chính vì vậy mà lúc này đoàn của sư Tuệ chỉ có tám người.

Lại thêm một điều nữa gây thắc mắc cho tất cả những người đang quan tâm đến sự kiện bộ hành của sư Minh Tuệ. Đã có người lên tìm kiếm về các quy định du lịch, cũng như tôn giáo của Lào, lại không thấy sự cấm cản nào liên quan đến con số 10 mà ông Báu nói. "Em chưa nghe nói đến việc giới hạn số lượng thầy tu bộ hành khất thực như ông công an nói", một người Việt sống ở Lào chia sẻ, và cũng không dám tiết lộ tên tuổi, "có những lúc em đã thấy các đoàn sư ở Lào đi khất thực đến vài chục người mà cũng không có chuyện gì xảy ra".

Trên một diễn đàn đã có người đặt câu hỏi rằng "nếu một đoàn chỉ được 10 người, vậy thì các thầy chia làm những đoàn đi cách nhau vài trăm mét, có được không ?". Không thấy ông Báu trả lời câu hỏi này.

Nhưng điều ông Báu cảnh cáo mọi người không phải là không có lý do. Trong một bản video, người ta nhìn thấy hai vị sư đi riêng lẻ, bị một chiếc xe có những người mặc Việt thường phục, rượt theo trên một đoàn đường vắng, cưỡng ép quay lại Việt Nam. Một vị dường như lên tiếng nói rằng ông hiện không đi chung đoàn với sư Minh Tuệ, nhưng không ai trả lời ông, và việc hủy bỏ chuyện bộ hành cũng không được giải thích.

Điều này cho thấy, khi đi qua biên giới, luật pháp Lào cho các vị sư này đã nhập cảnh bình thường, nhưng rồi có ai đó phát hiện và gọi báo, nhờ công an Lào phối hợp thì các vị này mới bị truy đuổi. Sau đó, thì Thượng úy Báu lên video khuyến cáo mọi người từ Việt Nam "đừng tìm cách theo thầy". Tại sao người Việt hâm mộ sư Minh Tuệ không thể tìm gặp ông, trong khi dân Lào thì đón trên đường với sự thành kính.

Hơn nữa, ông Báu, người tự xưng mến mộ đơn thuần nhưng mọi lúc trên đất Lào, đều cầm bộ đàm trong tay và liên lạc không ngừng. Đoàn của sư Minh Tuệ chỉ duy nhất có ông là cầm bộ đàm. Ông Báu phải liên lạc thường xuyên báo cáo với ai ?

Sau sự kiện vài vị sư bị rượt đuổi trên đường và trục xuất về Việt Nam. Một hiện tượng khác lại nổi lên, được bàn tán trên mạng. Một người Việt tên Nga Phạm viết trên Facebook cá nhân rằng bà ta đi qua Lào để du lịch, nhưng nhân viên hải quan Lào lại hỏi là bà có đi theo sư Minh Tuệ hay không. Dù bà khẳng định rằng bà chỉ đi du lịch, nhưng công an Lào vẫn không tin và không cho bà nhập cảnh. Đã có cuộc liên lạc cấp ngoại giao đến mức nào mà tên sư Minh Tuệ cùng những người đi theo đã bị ngăn chặn từ cửa biên giới ?

Chiếc thòng lọng của nhà cầm quyền dành cho sư Minh Tuệ hiện ra một cách rõ ràng, và có lẽ họ muốn chuyến đi của ông đi lâu hơn bình thường, để ở quê nhà người dân quên dần hình ảnh của ông, cũng như giúp phục hồi dần sự bệ rạc của Giáo hội Phật giáo tay sai trong những ngày tháng qua, khi sư Minh Tuệ còn ở trong nước.

Một trong những chi tiết ngày càng lộ rõ những điều đơm đặt, nhét chữ vào miệng sư Minh Tuệ, là công an Báu trong lúc ngồi giữa đoạn đường, có hỏi sư Tuệ rằng "Thầy đi xong rồi thì có về ẩn tu không". Sư Minh Tuệ cười và nói "Con không bao giờ chọn ẩn tu". Sự khẳng định này một lần nữa cho thấy toàn bộ hệ thống tuyên truyền của nhà nước cộng sản Việt Nam, về việc đã bắt cóc sư Minh Tuệ, cô lập ông trong một thời gian dài và gán cho cái nhãn là "tự nguyện ẩn tu", là hoàn toàn dối trá.

Và câu hỏi của công an Báu cũng làm cho nhiều người trầm ngâm suy nghĩ. Liệu sau chuyến đi đánh lạc hướng tất cả mọi người trong nước về sư Minh Tuệ, có khi nào chính quyền lại cô lập ông, và nói là sư Minh Tuệ đã tự nguyện "ẩn tu" chăng ?

Cần biết là toàn bộ chuyến đi này những phát ngôn chính thức về sư Minh Tuệ, đều do công an Báu độc quyền phát đi. Ngày 15/12, ông Báu bất ngờ phát một video ngắn trong đó nói sư Minh Tuệ có ý nguyện sau chuyến đi này sẽ đến Himalaya ẩn tu. Ngôn luận này hoàn toàn từ ông Báu đưa ra mà không có sự xác nhận của sư Minh Tuệ, và cũng hoàn toàn ngược với những gì sư Minh Tuệ khẳng định đã khẳng định trước đây.

Có lẽ chuyến đi đã nhọc nhằn, và người đóng vai người hâm mộ đơn thuần đã đến lúc mỏi mệt, và e ngại rằng sẽ có những người nhập đoàn, đưa tin không còn có thể kiểm soát được, Báu đã sớm đưa ra những viễn cảnh đã được dự tính. Một viễn cảnh mà không chỉ riêng nhà cầm quyền, mà kể cả Giáo hội tay sai cũng đang thấp thỏm chờ đợi.

Nam Việt

Nguồn : RFA, 16/12/2024

Additional Info

  • Author Nam Việt
Published in Diễn đàn

Đằng sau quyết định của sư Minh Tuệ rời bỏ đất nước để bộ hành qua Ấn Độ

Sáu tháng sau khi đoàn bộ hành của sư Thích Minh Tuệ bị công an giải tán ở Thừa Thiên-Huế, vị hành giả này đã cùng một số đồng tu rời Việt Nam, một số người cho rằng chính quyền đã "nhổ được cái gai trong mắt họ".

minhtue0

Sư Thích Minh Tuệ đi khất thực - Ảnh minh họa

Hôm 12/12, sư Minh Tuệ cùng các sư khác như Minh Tạng, Minh Trí, Chơn Trí, Minh Dược... được một số người đưa từ nơi trú ngụ ở tỉnh Gia Lai đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nằm ở biên giới Việt-Lào, để lên đường sang nước bạn.

Video của ông L.K.G, một Youtuber bộ hành du lịch nổi tiếng, đăng tải ngày 13/12 cho thấy, các vị tu sĩ này được một số người hỗ trợ làm thủ tục xuất cảnh ở biên giới.
Trước đó, ông này đã xin đồng hành hỗ trợ sư Minh Tuệ trên đường hành hương về đất Phật ở Ấn Độ do đã có kinh nghiệm đi đường.

Một Phật tử giấu tên ở Sài Gòn cho rằng, vị tu sĩ đầu trần chân đất xuất hiện như một bậc chân tu đã làm lu mờ, cũng như gián tiếp vạch trần sự băng hoại của nhiều tu sĩ trong hệ thống Phật giáo nhà nước hiện nay. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA :

"Những người có khả năng quy tụ được số đông quần chúng nhân dân, luôn là cái gai trong mắt của những chính quyền độc tài. Nên có lẽ sư Minh Tuệ không ngoại lệ.
Cho nên, có thể trong tối và ngoài sáng, người ta chọn giải pháp để ông tu tập bên ngoài Việt Nam là tốt nhất, đặc biệt qua năm tới Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak".


Đã nhận giấy tờ sư Minh Tuệ sang Ấn Độ bộ hành và luật sư nổi tiếng Hoa Kỳ nói về Sư Minh Tuệ

Từ Nam California (Hoa Kỳ), bà Thanh Nhàn, một người gốc Việt quan tâm đến chặng đường tu hành của sư Minh Tuệ cho rằng, ông không được tự do tu tập theo ý nguyện ở trong nước và ông buộc phải chọn con đường ra nước ngoài như một hình thức "tị nạn tôn giáo".

Bà cho rằng nguyên nhân sâu xa hơn đó là tầm ảnh hưởng, sức thu hút của ông đối với quần chúng. Do vậy, chính quyền muốn nhổ đi cái gai trong mắt họ bằng cách đưa qua nước khác. Bà nói trong tin nhắn gửi RFA :

"Rời khỏi Việt Nam, con đường tu tập của Thầy chắc sẽ dễ dàng hơn, và chắc Thầy cũng tiếp tục được giới truyền thông theo dõi, nếu vì vậy mà Thầy trở nên nổi tiếng thì là một sự thiệt thòi lớn cho Việt Nam : Một vị chân tu không được đất nước của mình chấp nhận".

minhtue2

Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Thanh Huy từ Nha Trang cho rằng việc sư Minh Tuệ đi đến Ấn Độ là một điều tốt cho tâm nguyện của ông và quyết định đó vẹn cả đôi đường vì "nó cũng tháo gỡ được những khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh, giảm bớt áp lực cho xã hội trước những luồng dư luận".

Nguồn : RFA, 13/12/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn

Chuyện sư Thích Minh Tuệ đột ngột nhận được đơn tố giác của một chủ doanh nghiệp tại Bình Dương, về chuyện nhờ công an điều tra xem sư Tuệ có phải là "phản động", và có liên kết với các thành phần phản động là Châu Ngọc Đời, Hoàng Duy Hùng hay không, thật sự vừa buồn cười, và cũng phải cho thêm một nụ cười buồn cho sự hỗn loạn của trên bề mặt dân tình đất nước này.

suminhtue1

Sư Minh Tuệ - Ảnh minh họa

Tin nói bà Nguyễn Thị Hoàng, sinh năm 1960 (rất tiếc không thể công bố thêm các chi tiết cụ thể vì đó là phần riêng tư cá nhân) gửi thư cho đến cả Chủ tịch nước Lương Cường cùng nhiều cơ quan khác, trong đó nhờ công an Gia Lai điều tra việc ông Tuệ "chia rẽ tôn giáo, dân tộc" và "xúc phạm công an". Chuyện gọi là xúc phạm, vì bà Hoàng nói trong một bức tâm thư, ông Tuệ diễn đạt rằng công an đã ngăn chặn không cho ông đi khất thực trong 108 ngày tại núi Sạn.

Trong lá thư dài ba trang giấy A4, nộp ngày 27/11/2024, ký tên Nguyễn Thị Hoàng là chủ của công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàn Dương, còn nhiều hạng mục đòi hỏi phải điều tra và yêu cầu khác, chẳng hạn phải làm rõ sư Tuệ có quan hệ gì với sư Thích Minh Đạo. Bà này còn yêu cầu phá hủy cốc của sư Tuệ ở Gia Lai, cấm những người buôn bán và chạy xe ôm ở quán Cà Phê Nắng gần công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ… Điều quan trọng nhất là bà Hoàng đề nghị cấm xuất cảnh, không cho ông Tuệ được đi lại, cũng như không được đi khất thực ở nơi khác cho đến khi điều tra xong.

Điều buồn cười tất cả những yêu cầu này, qua đơn tố giác tội phạm cho thấy một giọng điệu căm ghét ngu xuẩn đối với một người tu hành chân phương, và cũng không có nhu cầu để đối đáp với bà ta. Hơn nữa, tất cả những thứ bà ta yêu cầu và định ra những nghi ngờ đều là những chuyện thao túng từ truyền thông bẩn, mà không cần đến công an, bất kỳ người dân bình thường lâu nay theo dõi câu chuyện sư Tuệ đều có thể trả lời đúng-sai ngay lập tức.

Còn chuyện phải cười buồn, là đất nước Việt Nam ngày càng hỗn loạn với loại công dân thích đứng về phía bóng tối để ném đá về những người đứng ngoài ánh sáng. Nhân danh tố cáo tội phạm, họ thể hiện sự hằn thù và ganh tị với những người mà họ không thể nào với tới được. Lá thư này chợt bỗng nhắc cho mọi người nhớ đến đơn tố cáo của ông Thích Nhật Từ dành cho Tịnh thất Bồng Lai, mà nguyên cớ chỉ là sự ghét bỏ nằm trong vỏ bọc của kẻ mặc áo Phật.

Trên thực tế không có công an nào rảnh rỗi để đi làm những công việc mà bà Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu, và kể cả chuyện giải trình những điều này từ công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ, cho đến sư Thích Minh Tuệ, với cơ quan công an Gia Lai là quá dễ dàng. Một lời tố cáo ất ơ nào đó sẽ không thể ảnh hưởng đến một công dân bình thường, đặc biệt khi không có một chứng cứ phạm tội cụ thể, cũng như khi chưa có lệnh của Viện kiểm sát đưa xuống với những chứng cứ cần điều tra.

Bà Hoàng như vẫn sống trong một tâm tưởng của Việt Nam những ngày đầu sau năm 1975, lúc tất cả mọi thứ còn hoang mang và sự kiểm soát vẫn còn chưa đầy đủ, lúc đó đã có không ít người chỉ vì thù ghét nhau mà dán nhãn những tội trạng chính trị lên đó, trong việc trình báo. Nhưng vẫn đáng để suy luận, là phía sau bà Hoàng, chắc còn lởm khởm những bóng ma nào đó mang đậm tư duy "địch-ta", vẫn đang hà hơi tiếp sức.

Lá thư tố cáo đưa ra hơn chục yêu cầu đủ loại, mà mục đích chỉ có duy nhất là để hủy hoại danh tính của sư Tuệ cũng như là ngăn chặn hành trình của ông được tự do tu tập. Dĩ nhiên dù không thành công, thì lá thư này cũng làm cho bọn ma tăng, bọn con nhang của những loại thầy tu giả hiệu… vỗ tay, mở cờ trong bụng vì nghĩ cũng đã cào cấu được một ít nào đó, với kẻ mà họ tự dựng nên một sự căm thù. Còn đám đông không rành chuyện và mơ hồ trước những luồng thông tin không thể kiểm chứng được, thì cũng có thể hình thành một luồng xì xào cần thiết, có lợi cho những kẻ đổ đá hại người, ngăn cản bước đi.

Đọc qua lá đơn tố giác này, sao thấy nhớ thật nhiều đến chuyện trước đây, khi Thích Nhật Từ cùng Nguyễn Phương Hằng tung lời vu cáo rằng ông Lê Tùng Vân ở Tịnh Thất Bồng Lai là dâm loạn. Điều này đã khiến công an tỉnh Long An tiến hành điều tra suốt trong nhiều tháng trời, bao gồm việc tổ chức 4 lần lấy mẫu ADN của các thành viên của Tịnh thất. Cuối cùng công an Long An vẫn không tìm ra được chứng cứ gì, và thời hiệu cuộc điều tra về tội danh này cũng đã kết thúc im lặng. Dĩ nhiên mục đích của những kẻ tố cáo không muốn gì khác hơn là làm nhục người mà họ muốn hãm hại. Bởi kết luận vô tội thì sẽ chậm, và không sớm lan đi nhanh như những tin đồn giật gân.

Với trường hợp sư Tuệ cũng vậy, lá đơn tố cáo đầy tính giật gân "phản động", "chia rẽ tôn giáo, dân tộc", "không phụng dưỡng cha mẹ"… cho thấy mục đích chính là để làm nhục sư Tuệ, chứ không hề là để đòi hỏi một giá trị minh bạch nào cả. Lá đơn này chỉ là sự kết tinh của tất cả những điều thối nát từ trước đến giờ được góp lại từ những quần chúng ngu ngơ bị thao túng, từ miệng lưỡi của những tay ma tăng ganh tị đến mức ăn không ngon ngủ không yên trước sư Tuệ.

Điều mà ai cũng biết, chắc chắn lá đơn này chỉ là khởi đầu, đại diện cho những bóng tối đang ngày đêm, muôn mặt bao vây sư Tuệ, mà sự an nhiên và chân thành của ông, lạ thay lại có sức công phá bóng tối đến bất ngờ.

Sư Tuệ đã từng bị đánh, bị chặn lại trên đường đi, bị chất vấn, và bị coi là kẻ gây hại trong tương lai. Nhưng ông vẫn hoan hỉ. Rồi ông sẽ đi qua thôi, sẽ bước qua những rác rưởi với đủ loại tên gọi của các hạng người trong xã hội hôm nay để tiếp tục đi tới, mà những kẻ thù hằn, ganh ghét ông như gió bụi, sẽ không có một cơ may nào lưu lại được cái tên, hay gương mặt trong trí nhớ, trái tim của ông.

Tuấn Khanh

(06/12/2024)

Additional Info

  • Author Tuấn Khanh
Published in Diễn đàn

Thích Minh Tuệ và ba đối tượng bị ngăn cản

Nguyễn Hà Hùng, RFA, 02/12/2024

"Ma thì không sợ, chủ yếu là sợ người thôi" là câu trả lời của tu sĩ độc lập Thích Minh Tuệ trong một lần khất thực. Đêm ngủ ngồi, ngày ăn một bữa chay, chân đất đi bộ hàng ngàn cây số, không sở hữu tiền bạc… ông khác xa hầu hết tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

suminhtue1

Sư Minh Tuệ (hàng đầu giữa) trong hành trình đi bộ từ Nam ra Bắc luôn thu hút sự chú ý của nhiều người. (Nguồn : VN)

Người Việt Nam dường như chưa có ai đang sống mà được dân yêu mến, rải hoa chào đón như Thích Minh Tuệ. Rất nhiều video về ông thu hút nhiều triệu lượt xem. Nhưng sự kính ngưỡng của dân khiến ông trở thành tâm điểm chú ý của chính quyền.

Kể từ đó, các biện pháp kiểm soát được triển khai, từ ngăn chặn đoàn người đi theo, đến chiến dịch tuyên truyền hạ thấp uy tín của ông. Những động thái này đặt ra câu hỏi : Đâu là lằn ranh giữa tự do tín ngưỡng và quyền lực nhà nước ?

Động thái kiểm soát của nhà nước

Ngày 16/5 Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định Thích Minh Tuệ không phải tu sĩ phật giáo, nhưng không nêu căn cứ. Cùng ngày, Ban Tôn giáo chính phủ nhắc lại nhận định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, yêu cầu "không để xảy ra tình trạng tập trung đông người", "không để thế lực xấu lợi dụng, xúi giục".

Công an dựng rào cản và đi kèm ông trên đường. Hạn chế người dân tiếp xúc trực tiếp, quay phim, chụp ảnh hoặc đi theo ông. Đêm 3/6, ông và khoảng 70 tu sĩ bị bắt, đưa đi nơi khác không rõ địa chỉ. Cho đến nay họ không thể tập hợp lại thành đoàn.

Cùng ngày 3/6, Ban Tôn giáo chính phủ nêu Thích Minh Tuệ tự nguyện dừng đi khất thực và ẩn tu. Công an bắt đầu phạt những người "thông tin sai lệch". Cùng ngày, các tu sĩ đi theo ông buộc phải ký giấy tự nguyện dừng bộ hành. Sau đó, một số tu sĩ bị công an ngăn chặn.

Các chốt gác được thiết lập, kiểm soát việc tiếp cận ông. Nhiều ngày gia đình ông không biết ông ở đâu, nhiều người dân tìm kiếm ông. Sau đó, ông xuất hiện và ở tại công ty Thiên Định Tuệ, có bảo vệ canh gác không cho người dân tự do đảnh lễ.

Ngày 18/11, lần thứ hai, báo chí nhà nước nêu ông tự nguyện dừng khất thực. Họ đăng cùng tấm hình lá thư nói là do ông viết. Sau đó một tuần, họ đồng loạt nêu Thích Minh Tuệ muốn đi bộ đến Ấn Độ, rồi lại đồng loạt gỡ bỏ tin này mà không giải thích.

Tại sao chính quyền lo ngại ông ? Bởi vì ảnh hưởng của ông quá lớn. Chính quyền không chấp nhận tổ chức hay cá nhân nào chia sẻ quyền lực. Nó được nêu trong điều 4 Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nằm trong cơ cấu của Nhà nước.

Nhìn lại lịch sử cho thấy, chính quyền không thừa nhận và đã đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhiều năm qua. Chẳng hạn như Hòa thượng Thích Quảng Độ bị 5 năm tù, 5 năm quản chế ; Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bị kết án tử hình…

Hành động kiểm soát nêu trên củng cố thêm cáo buộc của các tổ chức quốc tế về chủ trương đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam. Gần đây nhất Ngoại trưởng Mỹ hôm 4/1 tuyên bố tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) do các vi phạm "nghiêm trọng" về tự do tôn giáo.

Chiến dịch truyền thông

Báo chí trong nước triển khai một chiến dịch toàn diện nhằm hạ thấp uy tín của ông. Tất cả loại hình báo chí, mạng xã hội và hệ thống dư luận viên đăng tải nhận định của Ban tôn giáo chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Họ khẳng định : "rõ ràng "Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo", nhấn mạnh ông không phải thần thánh.

Họ nói người dân là "cuồng tín", "tôn sùng một cách mù quáng", "ảnh hưởng an ninh trật tự" ; với truyền thông tự do họ cáo buộc : "hạ uy tín Giáo hội Phật giáo Việt Nam" ; "chống phá chế độ". Họ biện minh rằng nhà nước tạo điều kiện để ông bộ hành, song phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe người dân và "ổn định xã hội". Mặt khác họ kêu gọi đề cao cảnh giác.

Khéo léo hơn truyền thông nhà nước, bài của một số KOL thừa nhận một phần "giá trị Thích Minh Tuệ", từ đó nhận định không khách quan, không công bằng với ông và người dân. Có bài nhấn mạnh mâu thuẫn gia đình ông, rồi cảnh báo "tung hô quá mức", không những mơ hồ, mà còn gián tiếp cho rằng bậc tu chưa cao, tạo ra sự ngờ vực về giá trị của ông.

Có bài tấn công phẩm chất của người dân thay vì tập trung vào vấn đề chính : "Dân tộc cuồng lãnh tụ là dân tộc dậy thì muộn, hay còn gọi là những đứa bé lớn tuổi". Lập luận "gọi thầy là Phật sống là làm nhục Phật" tạo cảm giác tội lỗi trong lòng Phật tử, khiến họ ngần ngại trong việc thể hiện sự ủng hộ Thích Minh Tuệ.

Kêu gọi trí thức "không góp mặt trong đám đông" tạo ra tâm lý thờ ơ, dửng dưng với những vấn đề xã hội,. Đề nghị "trầm tĩnh hơn" là chuyển hướng, làm chậm lại, tạo ra sự thiếu quyết đoán. Những bài này có nhiều điểm trùng khớp với chiến dịch nêu trên, bất luận có tham gia vào đó hay không.

Thường xuyên trích dẫn nhận định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng lờ đi tuyên bố thiếu căn cứ của tổ chức này về Thích Minh Tuệ cho thấy đây là một chiến dịch tuyên truyền. Việc không giải thích sự "mất tích" của ông và những người khác vào đêm 3/6, không nêu ý kiến của họ về sự kiện này càng cho thấy tính chất không khách quan của báo chí Việt Nam.

Ba đối tượng bị ngăn cản

Quan sát các động thái kiểm soát có hệ thống của nhà nước và chiến dịch truyền thông nêu trên cho thấy có ít nhất ba đối tượng chịu sự ngăn cản. Đó là tu sĩ độc lập Thích Minh Tuệ, người dân Việt Nam và sự phát triển quốc gia.

Đối với Thích Minh Tuệ : Nhiều biện pháp giám sát mạnh nhất đã được thực hiện như bắt cóc, giải tán "tăng đoàn", thiết lập chốt gác và lập hàng rào. Phương thức kết nối với ông bị kiểm soát hoàn toàn, tới mức có những khoảng thời gian không thể biết ông ở đâu.

Phát ngôn của ông, ban đầu chỉ được xuất bản trên truyền thông nhà nước, sau đó qua danh khoản của một vài cá nhân. Không rõ vì sao họ được phép tiếp cận ông. Nhưng kỹ thuật này không mới. Tin mật của đảng vẫn rò rỉ theo cách tương tự nhiều năm nay.

Đối với người dân : Chính quyền ngăn cản quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do biểu đạt của họ. Nhiều người bị công an phạt với lý do là đưa tin sai sự thật. Đổ lỗi cho dân gây mất an ninh, trật tự, trong khi trách nhiệm của chính quyền là giữ trật tự cho dân.

Hơn nữa, chính quyền cần học tập các nước dân chủ, dân có quyền sử dụng đường xá để tập hợp cùng nhau biểu thị tình cảm, tư tưởng, yêu cầu của mình. Quyền lợi của dân là trên hết, tắc đường không phải là vấn đề trong hoàn cảnh này.

Đối với sự phát triển quốc gia : Dùng quyền lực nhà nước để kiểm soát tất cả, nhân danh giữ an ninh, trật tự để tước đoạt quyền tự do cơ bản của dân không phải là cách làm của một chính quyền vì dân.

Hơn nữa, chỉ trích người dân tôn sùng cá nhân là kém cỏi, thì khuyến khích họ phủ nhận giá trị cá nhân là phản giáo dục. Tương tự, nếu tôn sùng cá nhân là biểu hiện của một xã hội phát triển thấp thì phủ nhận giá trị cá nhân là không khuyến khích đất nước phát triển.

Nếu quyền lực của chính quyền được phép lấn át quyền tự do tín ngưỡng của dân thì có lợi cho ai ? Sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ đã tô đậm câu hỏi này trong quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo ở Việt Nam.

Cách thức kiểm soát và tuyên truyền không những làm xói mòn phẩm giá một cá nhân mà còn có thể tước đoạt quyền của mọi người dân. Điều này đặt ra câu hỏi cho chúng ta : Làm thế nào để có một chính quyền biết lắng nghe và phụng sự nhân dân ?

Hiện tượng Thích Minh Tuệ nhắc ta rằng tự do tôn giáo và tín ngưỡng không chỉ là quyền của bất cứ cá nhân nào, mà còn là giá trị cốt lõi của một xã hội phát triển. Đây là một trong những "điểm nghẽn của điểm nghẽn" chính quyền cần thay đổi.

Nguyễn Hà Hùng

Nguồn : RFA, 02/12/2024

*********************************

Sư Minh Tuệ phát tâm bộ hành về đất Phật, chính đáng, khả thi nhưng…

Gió Bấc, RFA, 28/11/2024

Dư luận đang xôn xao chuyện sư Minh Tuệ thông báo ước nguyện bộ hành đến Ấn Độ viếng các thánh tích và đảnh lễ đức Phật Thích Ca. Hành trình dài tương đương với chuyến thỉnh kinh của Trần Huyền Trang. Với công phu rèn luyện bốn lần bộ hành xuyên Việt và sự trợ duyên của cộng đồng, tâm nguyện sư Minh Tuê hoàn toàn khả thi. Nhưng xứ Đông Lào thời nay không giống Đại Đường, e rằng...

suminhtue1

Sư Thích Minh Tuệ giữa đám đông người hâm mộ khi ông đi qua tỉnh Hà Tĩnh hôm 17/5/2024 - STR / AFP

Trong thông báo viết tay và trả lời các youtuber, sư cho biết ông muốn đi đến đất nước Ấn Độ, nơi Đức Phật và nơi đất Phật để định lễ bốn thánh tích, tập học về tri ân Đức Phật và cầu cho thế giới hòa bình nhân loại hạnh phúc.

Chỉ trừ trường hợp qua sông phải đi thuyền còn lại ông "muốn tự mình đi, không ảnh hưởng đến ai". Không cần ai ủng hộ tiền bạc, phương tiện. Ông không kêu gọi ai đồng hành nhưng không cấm cản người có nguyện vọng đi theo. Tuy nhiên ông lưu ý là nếu số người tham gia quá đông thì phải chía nhiều nhóm nhỏ và phải tổ chức sắp xếp khoảng cách, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự của vùng đất đi qua. Ông chỉ cần sự hổ trợ duy nhất là "hướng dẫn làm thủ tục, giấy tờ" và chỉ đường đi.

Bộ hành khoảng 5000 km

Trong thông báo viết tay và trả lời các youtuber, sư cho biết ông muốn đi đến Ấn Độ, nơi Đức Phật đã sinh ra và thành đạo, để lễ bốn thánh tích, học hỏi về tri ân Đức Phật và cầu cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc. Chỉ trừ trường hợp phải qua sông và đi thuyền, còn lại ông "muốn tự mình đi, không ảnh hưởng đến ai". Sư không kêu gọi ai ủng hộ tiền bạc hay phương tiện. Ông không yêu cầu ai đồng hành nhưng cũng không cấm cản những người có nguyện vọng đi theo. Tuy nhiên, sư lưu ý rằng nếu số người tham gia quá đông thì phải chia thành nhiều nhóm nhỏ, tổ chức sắp xếp khoảng cách và bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trong suốt hành trình. Sư chỉ cần sự hỗ trợ duy nhất là "hướng dẫn làm thủ tục, giấy tờ" và chỉ đường đi.

Ông Đoàn Văn Báu, Tiến sĩ, thượng tá an ninh, giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, đã bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ sư Minh Tuệ trong lĩnh vực này trên Facebook cá nhân. Sau đó, ông đã đến Gia Lai gặp trực tiếp trao đổi và sư Minh Tuệ đã đồng ý ủy thác cho ông Báu giúp đỡ thủ tục vô điều kiện. Sư Minh Tuệ cũng khẳng định sẽ tự chịu trách nhiệm về mọi biến cố xảy ra trên đường đi mà không phiền trách một ai (1).

Gần đây, trên mạng xã hội, cũng có nhiều clip cho thấy một số sư thầy trong tăng đoàn tự phát đi theo sư Minh Tuệ trước đây, như sư Tịnh Độ, Như Ngộ, đang dong ruổi bộ hành ở Ấn Độ. Rõ ràng, tâm nguyện hành hương về đất Phật, đảnh lễ Đức Chí Tôn là một hạnh nguyện chính đáng, tốt lành. Trong điều kiện xã hội hiện đại, có đủ máy bay, xe ô tô, xe lửa, tàu thủy, việc lựa chọn bộ hành quả thực là một thử thách rất lớn.

Chúng tôi đã nhờ trí tuệ nhân tạo ChatGPT tư vấn về đường đi và nhận được câu trả lời như sau : Để tính toán khoảng cách và thời gian đi bộ từ Gia Lai (Việt Nam) đến Ấn Độ viếng 4 thánh tích của Đức Phật, chúng ta cần phải ước lượng đường đi và tốc độ đi bộ trung bình.

Các thánh tích chính của Đức Phật ở Ấn Độ :

1. Lumbini (Nepal) – nơi Đức Phật sinh ra.

2. Bodh Gaya – nơi Đức Phật thành đạo.

3. Sarnath – nơi Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên.

4. Kushinagar – nơi Đức Phật nhập Niết Bàn.

Tuy nhiên, Lumbini nằm ở Nepal, vì vậy nếu bạn bắt đầu từ Gia Lai và muốn đến thăm tất cả 4 thánh tích, bạn sẽ phải đi qua Nepal trước khi vào Ấn Độ.
Khoảng cách và ước tính thời gian :

1. Gia Lai (Việt Nam) đến Lumbini (Nepal) :

- Khoảng cách đường bộ từ Gia Lai đến Lumbini ước tính khoảng 2.000 km.

- Từ Lumbini, bạn có thể tiếp tục đi về phía Ấn Độ và đến các thánh tích khác.

2. Lumbini đến Bodh Gaya : Khoảng cách khoảng 350 km.

3. Bodh Gaya đến Sarnath : Khoảng cách khoảng 250 km.

4. Sarnath đến Kushinagar : Khoảng cách khoảng 250 km.

Tổng khoảng cách : Khoảng cách tổng cộng từ Gia Lai đến các thánh tích của Đức Phật có thể lên tới khoảng 2.850 km nếu bạn đi qua tất cả các thánh tích quan trọng.

Thời gian đi bộ :

- Một người đi bộ trung bình có thể đi khoảng 20-30 km mỗi ngày nếu điều kiện thuận lợi.

- Tính toán sơ bộ thời gian đi bộ : 2.850 km ÷ 25 km/ngày ≈ 114 ngày.

Điều này có nghĩa là bạn có thể mất khoảng 4 tháng để đi bộ từ Gia Lai đến Ấn Độ và viếng tất cả các thánh tích của Đức Phật. Tuy nhiên, thời gian này có thể dài hơn nếu gặp phải các vấn đề về điều kiện thời tiết, sức khỏe, hay các yếu tố khác như thủ tục visa và an ninh.

Theo một cách tính khác, ChatGPT ước tính khoảng cách từ Gia Lai đến Lumbini lại dài hơn :

Các quốc gia sẽ đi qua :

1. Việt Nam (Gia Lai)

2. Campuchia

3. Thái Lan

4. Myanmar

5. Ấn Độ

6. Nepal

Tổng cộng : Khoảng cách tổng thể có thể dài khoảng 3.000 - 3.500 km, tùy theo tuyến đường bạn lựa chọn và địa hình bạn đi qua.

Tổng hợp hai cách tính toán này, quãng đường từ Gia Lai đến Lumbini và đi qua bốn thánh tích sẽ dài từ 3.000 đến 5.000 km, gần bằng cung đường Trần Huyền Trang từ Lạc Dương đi Tây Trúc thỉnh kinh (khoảng 5.000 đến 6.000 km theo cách tính của ChatGPT). Theo lịch sử, dù được vua Đường Thế Dân cấp điệp văn, tiền bạc và binh mã hỗ trợ bảo vệ, Huyền Trang đã mất 17 năm để hoàn thành hành trình.

Nhiều người hưởng ứng, hổ trợ

Với thực tế công phu đã từng bộ hành xuyên Việt bốn lần trong 6 năm qua, sư Minh Tuệ đã trải qua một cung đường có chiều dài tương đương. Với kinh nghiệm và công phu khổ luyện đó, nhiều người tin rằng ý nguyện tốt đẹp của sư hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cảnh báo xác đáng, trong đó có một clip trên Facebook của một người mặc đạo phục (không rõ danh tính) cảnh báo rằng không nên nghĩ đến việc đặt bát khất thực ở Ấn Độ. Ngày nay, ở Ấn Độ không còn đạo Phật, người Ấn không hiểu việc đặt bát khất thực và chắc chắn sẽ không cúng dường, nếu có thì cũng rất ít, không đủ nuôi sống (2).

Tuy vậy, youtuber nổi tiếng Lê Khả Giáp, người đã có hơn 10 năm đi bộ qua 13 quốc gia trong những điều kiện khắc nghiệt, trong đó có 6 tháng ở Ấn Độ, cũng phát nguyện đồng hành đi bộ với sư Minh Tuệ. Anh Giáp cũng thừa nhận rằng có những vùng không thể khất thực. Dù sư Minh Tuệ có công phu bộ hành ở Việt Nam, nhưng chưa quen với khí hậu lạnh ở Ấn Độ, sức khỏe có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Anh Giáp phát tâm hỗ trợ thực phẩm khi không thể khất thực được, và sẽ chăm sóc thuốc men cho sư nếu có bệnh hoạn. Anh cũng lưu ý rằng cung đường đi phải qua Myanmar, nơi đang có chiến tranh, nhưng vì Myanmar là đất nước Phật giáo nên không quá lo ngại (3).

Với sự đồng hành của người có kinh nghiệm như anh Lê Khả Giáp, chuyến đi càng trở nên khả thi. Trên các kênh Youtube cũng có nhiều thông tin cho thấy rất nhiều Phật tử đã đăng ký đồng hành cùng sư Minh Tuệ, và số lượng này đang tăng nhanh.

Trước đây, trên Youtube cũng có clip ghi hình ảnh và phát biểu của Hòa thượng Huyền Diệu, trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tư, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini - Nepal, tán dương phẩm hạnh của sư Minh Tuệ và từng có nhã ý mời sư sang Ấn Độ để có cơ hội tu tập và gặp gỡ các cao tăng ở đất Phật (4).

Với vai trò và các mối quan hệ của mình, nếu Hòa thượng Huyền Diệu có thể gửi thông bạch đến Giáo hội Phật giáo các nước trên đường đi của sư Minh Tuệ như Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Nepal, Ấn Độ, chắc chắn không chỉ thủ tục hành chính sẽ thuận lợi mà cơ duyên của sư Minh Tuệ còn tốt đẹp hơn nhiều. Thực ra, theo kinh nghiệm của Lê Khả Giáp, ba nước Campuchia, Thái Lan, Myanmar thuộc khối ASEAN, chỉ cần có passport là qua cửa khẩu dễ dàng. Chỉ có Ấn Độ và Nepal cần visa, nhưng thủ tục cũng không quá phức tạp.

Hai vị cao tăng lo ngại

Như vậy, mọi điều kiện về hành chính, hành trình và nhân lực cho chuyến bộ hành về đất Phật của sư Minh Tuệ hầu như hoàn toàn thuận lợi, chưa kể đến yếu tố đức tin tâm linh. Tuy nhiên, ngài Huyền Trang xưa cũng phải chịu đến 81 ách nạn trên đường đi, liệu sư Minh Tuệ có gặp thử thách gì không ? Du Tăng Minh Tánh, người vốn tán dương phẩm hạnh, nhưng luôn mạnh mẽ phản biện với các ý kiến biến nhược, tấn công sư Minh Tuệ, cũng hoàn toàn hoan hỉ ủng hộ chuyến hành hương này. Tuy nhiên, bằng linh cảm và tuệ giác của hành giả trải qua nhiều va chạm, sư Minh Tánh lo ngại chuyến đi sẽ không thành công, ít nhất là trong năm nay (5).

Một số kênh Youtube cũng loan truyền ý kiến của sư Minh Đạo, khuyên ngăn sư Minh Tuệ không nên đi Ấn Độ vì có nhiều rủi ro và nguy hiểm trên đường đi.

Người viết bài này không có được tuệ giác của bậc cao tăng như sư Minh Tánh, sư Minh Đạo, nhưng quan sát các tín hiệu thực tế, có thể nhận thấy một số dấu hiệu bất thường. Thứ nhất là người bảo trợ thủ tục pháp lý cho sư Minh Tuệ, thượng tá Đoàn Văn Báu, dù trước đây từng có những ý kiến chân thành, thiện cảm với sư Minh Tuệ, nhưng liệu ông có đi ngược lại chủ trương của ngành ?

Công đồng Phật giáo cần lên tiếng !

Rõ ràng, qua một chuỗi sự kiện, sư Minh Tuệ và tăng đoàn tự phát đã biến mất vào nửa đêm và tự nguyện dừng khất thực. Sư Minh Tuệ đang ở Quảng Nam, không bộ hành mà lại có mặt ở Gia Lai để làm căn cước. Sư Minh Tuệ ẩn tu và thỉnh thoảng lại xuất hiện ở Gia Lai, Nha Trang, rồi quay lại Gia Lai. Tất cả đều có sự hiện diện của công an, được công an bảo vệ để tránh tụ tập đông người gây mất trật tự giao thông. Tiếp theo đó là những lá thư đáng ngờ cấm quay phim chụp hình và yêu cầu xử lý người này người kia. Dù bút tích giống chữ của sư Minh Tuệ, nhưng nội dung và ý tứ không phù hợp với phong thái từ bi của sư.

Không chỉ sư Minh Tuệ và các đồng tu trong tăng đoàn bị kiểm soát nghiêm ngặt, mà nhiều youtuber, fbker cũng bị phạt vạ khi thông tin về sư Minh Tuệ.

Rõ ràng, công an muốn xóa mờ, thu nhỏ hình ảnh của sư Minh Tuệ trong công chúng. Nếu chuyến bộ hành về đất Phật của sư Minh Tuệ thành công, tiếng vang dư luận về sư sẽ lan rộng không chỉ trong nước mà còn tới cả thế giới Phật giáo. Bao nhiêu công sức của ngành đã bỏ ra trong mấy tháng qua sẽ đổ sông đổ biển. Giáo hội quốc doanh sẽ càng trở nên khó xử khi quay lưng chối bỏ một tăng sĩ được quốc tế tôn vinh.

Sự kiện rõ nhất là chỉ đạo từ cấp nào đó ở trung ương dìm hàng, bóp nghẹt thông tin về sư Minh Tuệ sang Ấn Độ trên báo chí. Dùng từ khóa "sư Minh Tuệ sang Ấn Độ" tìm trên Google sẽ thấy các bài báo của Thanh Niên, CafeF, Vietnamnet, nhưng khi tra vào các trang này thì thông tin không còn tồn tại (6). Không thể tự nhiên các báo này đồng loạt rút lại bài đã đăng. Phải có chỉ đạo từ trên.

May mắn thay, đến ngày 28/11, vẫn còn sót lại bài báo Gia Lai đăng lại bài viết của báo Thanh Niên (7).

Thời nhà Đường, yêu ma quỷ quái nhiều, Đường Tăng có đến 81 ách nạn nhưng vẫn tới được Tây Thiên. Ngày nay, trong thời đại văn minh, yêu ma không còn, nhưng có đảng quang vinh lãnh đạo, có thanh kiếm và lá chắn, chỉ cần một vấn nạn là thời gian sẽ nhấn chìm sư Minh Tuệ vào quên lãng. Những lãnh đạo chức cao quyền lớn như Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang... thậm chí những danh tướng khai quốc công thần như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn đều đột tử, thì không thể lạ gì việc các đối tượng "con ong cái kiến" như Lê Anh Tú lại có thể gây trở ngại.

Cộng đồng Phật giáo trên thế giới không thể thờ ơ hay chủ quan. Cần lên tiếng cảnh báo và có biện pháp hữu hiệu hỗ trợ sư Minh Tuệ hành hương về đất Phật an toàn.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 28/11/2024

1. https://www.facebook.com/doanvanbau/videos/2631242067064764

2. https://www.facebook.com/reel/1762897127858890

3. https://www.youtube.com/watch?v=m54j1JW7p0c&t=602s

4. https://www.tiktok.com/@monk.thich_minh_tue/video/7382395785263975726

5. https://www.youtube.com/watch?v=MIhLKlIodVY

6. https://www.google.com/search?q=s%C6%B0+minh+tu%E1%BB%87+sang+%E1%BA%A5n+%C%91%E1%BB%99&oq=s%C6%B0+Minh+Tu%E1%BB%87&gs_lcrp=EgZjaHJvbWUqBggBEAAYAzIGCAAQRRg5MgYIARAAGAMyBwgCEAAYgAQyBwgDEAAYgAQyBwgEEAAYgAQyBwgFEAAYgAQyBwgGEAAYgAQyCggHEAAYsQMYgAQyBwgIEAAYgAQyBwgJEAAYgATSAQoxNzU0NmowajE1qAIIsAIB&sourceid=chrome&ie=UTF-8

7. https://baogialai.com.vn/ong-thich-minh-tue-muon-di-bo-den-dat-phat-post302497.html

Additional Info

  • Author Nguyễn Hà Hùng, Gió Bấc
Published in Diễn đàn

Dựa trên bề mặt truyền thông của nhà nước nói chung, phát đi trong thời gian gần đây, ý định của nhà cầm quyền muốn xử lý dứt điểm trường hợp ông sư Thích Minh Tuệ đã lộ ra ngày càng rõ, nếu không nói là ráo riết và hối thúc qua những sự kiện liên tục diễn ra trên mạng xã hội.

minhtue1

Nhiều người vây quanh "Sư Minh Tuệ" ở tỉnh Hà Tĩnh, tháng 5/2024 - STR / AFP

Hãy tạm gọi đó là một chiến dịch, mà từng chặng của âm mưu được thể hiện qua những "tâm thư" của ông Thích Minh Tuệ trong tháng 11/2024.

Lá thư đầu tiên xuất hiện vào giữa tháng 11, được cho là do ông sư Thích Minh Tuệ tự viết ra, lên giọng yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải xử lý những người đưa tin và quay video về ông, để nhằm bảo đảm an ninh trật tự. Dĩ nhiên ngôn luận hoàn toàn kỳ lạ và đầy công an tính này nhanh chóng được mọi người nhận ra đó là một bức thư giả mạo, cho dù chữ viết thì được nói là của sư Thích Minh Tuệ.

Ngay khi sự cười cợt và mỉa mai về lá thư mạo danh sư Thích Minh Tuệ rộ lên khắp nơi trên mạng xã hội, thậm chí làm cho giới truyền thông bên ngoài Việt Nam cũng phải chú ý, lá thư thứ hai - cũng với lối mạo danh ấu trĩ bằng chữ viết và chữ ký của sư Thích Minh Tuệ - có nội dung tương tự, nhưng ý mở rộng hơn với ước muốn, thổ lộ rằng không mong có người đi theo ông để gây mất an ninh trật tự cho xã hội. Để cố gắng chứng minh rằng đây là một lá thư "đường đường chính chính", cuối thư có hẳn dấu mộc đỏ của công ty nào đó, tự dựng nên trong nhiệm vụ "bảo kê" cho sư Thích Minh Tuệ.

Cả hai bức "tâm thư" đều rơi vào chuyện bất tín của đám đông, vốn vẫn theo dõi và một lòng hiểu biết đúng về con người của sư Thích Minh Tuệ. Nhưng truyền thông Nhà nước đã có những chuyển động bất thường với việc nhiều tờ báo lần lượt đưa lá thư của vị sư không được nhìn nhận này, loan tin rộng rãi đến mọi nơi, như để ngầm thông báo rằng sắp tới, sự cô lập vị hành khất này trên toàn Việt Nam, là hoàn toàn có lý do hợp pháp.

VTV, Đài truyền hình trung ương lần này cũng né tránh ra mặt, sau những vụ vạch mặt ê ẩm, dẫu thắc mắc của dân chúng về sư Minh Tuệ ngày càng nhiều. Một vài Youtuber đã tìm cách tiếp cận được sư Thích Minh Tuệ trong những ngày này – trên mạng xã hội - và đặt câu hỏi về ý nguyện của ông. Trong các video, ngôn luận của vị sư này được nhắc đi nhắc lại rằng ông mãi tâm nguyện được đi hành khất, để tu tập đúng theo sở nguyện của mình. Gương mặt của sư Tuệ buồn bã, giọng nói không còn linh hoạt như ngày thường, biểu hiện của một người bị bức bách rời bỏ con đường tu tập bao nhiêu năm nay, với những âm mưu và thói lề đang đặt lên ông.

Điều đáng nói những cuộc phỏng vấn của các Youtuber này không hề có ai đặt câu hỏi là những lá thư đó, có phải do ông viết hay không - có nghĩa là những người được vào phỏng vấn đã qua sự tuyển chọn, và lúc phỏng vấn đã có công an đứng bên cạnh với những câu hỏi đã được loại trừ từ đầu.

Đỉnh điểm của chiến dịch muốn loại trừ sư Thích Minh Tuệ ra khỏi đời sống bình thường, được thể hiện trong lá thư thứ ba. Ý chính trong lá thư này, là sư Minh Tuệ bày tỏ khao khát được hành đạo tự do, qua việc ngỏ lời nhờ ai có lòng, giúp ông được đi khất thực ở những quốc gia Phật giáo như Miến Điện, Ấn Độ… Bất kỳ ai đọc qua thư cũng hiểu rằng, nếu nhà sư chân đất này muốn được tiếp tục con đường tu tập tự do, không bị dính líu đến nhà nước, ông chỉ còn một cách duy nhất là rời khỏi đất nước, và trở thành nhà sư buộc phải chọn lưu vong trong thời bình.

Có thể hình dung rằng không phải một mình sư Minh Tuệ có thể nghĩ ra điều này, ắt hẳn đã có một cuộc thảo luận của "nhiều bên", và trong đó một đề nghị về chuyện đi khất thực khỏi Việt Nam "để muốn làm gì thì làm" đã được đưa ra, tương tự như những sư khác trong đoàn y phấn tảo, nay cũng đã phải chọn lưu lạc nhiều nơi ngoài Việt Nam.

Đồng loạt ngay sau đó, nhiều tờ báo nhà nước cũng rầm rộ đưa lại bức thư và nguyện vọng của sư Thích Minh Tuệ muốn được đi khất thực ngoài đất nước. Mọi thứ như chỉ đợi một giờ G bí mật cho hành động. Sau chiến dịch này, người ta có thể sẽ không còn gặp được sư Thích Minh Tuệ nữa, và rồi bất chợt một ngày nào đó hình ảnh của ông xuất hiện với đôi chân trần, đang khất thực ở đâu đó Thái Lan, Miến Điện, Campuchia… chẳng hạn, vô định và không biết khi nào có thể quay lại quê nhà.

Trở lại câu hỏi, vì sao nhà nước Việt Nam ráo riết muốn xử lý dứt điểm trường hợp của sư Thích Minh Tuệ trên đất nước Việt Nam? Vì bởi có hai lý do vừa mang tính hệ thống, và cũng mang tính thời điểm.

Lý do tính hệ thống, là trường hợp xuất hiện của sư Thích Minh Tuệ đã mở màn cho một lớp Phật giáo tu tập độc lập, từ chối sự kiểm soát và thao túng của nhà nước. Cách họ di chuyển vào những vùng vắng người, trú ẩn tạm trong rừng núi rồi lại tiếp tục con đường hành đạo tự do của mình, không có chùa chiền cố định, là một hình thái của Phật giáo hầm trú, tương tự như Công giáo hầm trú ở Trung Quốc. Điều này là một mối lo của bất kỳ nhà nước độc tài nào, bởi hôm nay không kiểm soát triệt để thì sự hấp dẫn từ những tu sĩ khiêm cung và chân thành, sẽ ngày càng phát triển nhiều thêm những người cùng mặc y phấn tảo trên đất nước, cũng như là đám đông mộ tín đang ngày càng rộng lớn hơn.

Lý do mang tính thời điểm, là vào 2025, Giáo hội Phật giáo quốc doanh của nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ phải tổ chức đại lễ Vesak Phật giáo trong hai ngày của tuần đầu Tháng Năm. Sự hâm mộ và có mặt của sư Thích Minh Tuệ trong đất nước đang là nỗi lo cho những điều bất thường có thể đến, thậm chí có thể dẫn đến việc tổ chức lễ Vesak không thành công như ý muốn của chính quyền.

Vấn đề của sư Thích Minh Tuệ, là kể từ khi sự có mặt của ông trên những con đường khất thực, đã bất ngờ là hình ảnh phản chiếu, và gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với Phật Giáo thuộc nhà nước. Nhiều "đại tăng" được nhà nước công phu dựng nên đã hoàn toàn bị sụp đổ và trở thành là trò cười của thiên hạ, nhiều chùa chiền là chỗ thu hút, thao túng tín đồ, và thậm chí là nơi thu hút tiền bạc để nuôi sống cho một lực lượng tôn giáo của chính quyền, nay cũng đã bị thất thu thảm hại.

minhtue2

Sư Minh Tuệ (hàng đầu giữa) trong hành trình đi bộ từ Nam ra Bắc luôn thu hút của nhiều người quan tâm

Lễ Vesak, cơ hội biểu dương lực lượng của Phật giáo nhà nước, và đầy ý nghĩa chính trị của nhà cầm quyền, đặc biệt là vào lúc cái tên Việt Nam đang treo lơ lửng trước danh sách CPC mỗi lúc càng hiện thực hơn - chắc chắn không thể để bị hủy hoại bởi một nhà sư chân đất vào lúc này.

Mặc dù sư Thích Minh Tuệ nhiều lần khẳng định ông chỉ là một người tu tập và không có gì đáng để quan tâm, và chính Giáo hội Phật giáo của nhà nước cũng miệt thị ông, và không công nhận là một tu sĩ, nhưng giờ đây cả một hệ thống lên chiến dịch để tìm cách triệt hạ ông, một cách công phu và ráo riết, mà chính sư Minh Tuệ cũng tự hiểu rằng muốn được sống với niềm tin Phật giáo của mình, thì ông phải chọn bộ hành ở nơi khác, không phải là quê hương của mình.

Ngay cả nếu như Sư Minh Tuệ là Phật, thì Phật muốn được tồn tại, thì cũng phải rời bỏ quê hương cộng sản, để được tự do trong lưu vong.

Nam Việt

Nguồn : RFA, 29/11/2024

Additional Info

  • Author Nam Việt
Published in Diễn đàn

Dư luận nghi ngờ lá đơn sư Minh Tuệ đề nghị xử lý người đưa hình ảnh ông lên mạng

RFA, 14/11/2024

Lá đơn viết tay có chữ ký sư "Minh Tuệ" gửi cơ quan chức năng đề nghị xử lý những ai đưa thông tin, hình ảnh của ông lên mạng xã hội mà không được phép khiến dư luận đặt câu hỏi về tính chân thực của lá đơn.

thugia1

Sư Thích Minh Tuệ khi bộ hành qua tỉnh Hà Tĩnh hôm 17/5/2024 - AFP

Sư Thích Minh Tuệ (tên thật là Lê Anh Tú), khất sĩ đầu trần chân đất tu theo 13 hạnh Đầu đà, xuất hiện trở lại ở quê nhà Gia Lai khoảng hơn 10 ngày qua sau thời gian ẩn tu, thu hút nhiều người mến mộ đến đảnh lễ và các YouTuber đến đưa tin.

Báo Gia Lai Online hôm 13/11 đăng lại bức ảnh chụp lá đơn trong đó ông Minh Tuệ xưng "con" và gửi đến "các cơ quan chức năng và tổ chức gia đình cá nhân toàn thể xã hội" với mong muốn được bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, và việc khất thực tu học của ông.

Thư đề ngày 08/11 có đoạn :

"Mong mọi người không tụ tập đông người làm mất trật tự an toàn giao thông, không quay phim, chụp ảnh và đưa hình ảnh của con lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình tu học, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý những ai đưa thông tin về con lên mạng xã hội khi chưa được phép của con".

Phóng viên Mạng báo Tuổi trẻ online dẫn nguồn tin không nêu danh tính từ Công an tỉnh Gia Lai ngày 14/11 nói về lá đơn có nội dung tương tự.

Phóng viên RFA trong cùng ngày gọi điện cho Công an tỉnh Gia Lai để hỏi về lá đơn của sư Minh Tuệ đang được lan truyền, nhưng người trực điện thoại yêu cầu đến trụ sở để được cung cấp thông tin. Chúng tôi không thể kiểm chứng độc lập về tính xác thực của lá đơn.

Nhà nghiên cứu Phật giáo Nguyễn Thanh Huy ở Nha Trang nói nội dung lá đơn đi ngược hoàn toàn với lòng từ bi của ông Minh Tuệ vì "một người đã từng nói không muốn đọc Chú Đại Bi vì sợ ảnh hưởng đến ma quỷ thì sao có thể yêu cầu ‘xử lý con người được ?"

Trên trang Facebook cá nhân, ông Huy nhắc lại việc sư Minh Tuệ từng nhiều lần nói ai muốn quay phim hay chụp hình đều được, miễn là họ thấy vui và hạnh phúc và "không quan tâm đến mạng xã hội hay bất cứ ai phán xét gì về ông".

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng lá đơn có thể là bước chuẩn bị để chính quyền cô lập sư Minh Tuệ về truyền thông và cách ly ông với đời sống. Ông viết trên Facebook cá nhân :

"Với Phật giáo, người tu hành không bao giờ chối bỏ đám đông tín ngưỡng được coi là duyên phước đối với mình, mà theo kiểu trong thư viết, cho là phiền hà như vậy. Đặc biệt đối với phái tu khất thực thì lại càng không, do họ phải luôn tìm cách tiếp cận với tín hữu mỗi ngày như là một phần tu học, cho đến mãn phần".

Sư Thích Minh Tuệ đã từng đi bộ khất thực dọc Việt Nam ít nhất bốn lần nhưng lần cuối cùng vào năm nay của ông đã khiến công chúng chú ý khi mạng xã hội đưa tin liên tục. Sự việc đã khiến chính quyền can thiệp và yêu cầu ông phải ẩn tu vào đầu tháng 6 vừa qua. Ban Tôn giáo Chính phủ thông báo trên trang mạng rằng ông đã tự nguyện ẩn tu.

Nguồn : RFA, 14/11/2024

************************

'Lá đơn của sư Minh Tuệ' : những điều khác lạ

BBC, 14/11/2024

Tối ngày 13/11, báo Gia Lai đăng tải bài viết và hình chụp lá đơn mà theo khẳng định của tờ báo này là của sư Minh Tuệ gửi cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai .

thugia2

Lá đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc "xử lý những ai đưa thông tin về con lên mạng xã hội khi chưa được phép của con" - Nguyễn Tiến

Theo lá đơn, sư Minh Tuệ mong mọi người không tập trung đông người và không quay phim, chụp ảnh, đưa hình ảnh của ông lên mạng xã hội.

Lá đơn có đoạn :

"Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, để đảm bảo cho việc khất thực tu học của con. Mong mọi người không tụ tập đông người làm mất trật tự an toàn giao thông, không quay phim, chụp ảnh và đưa hình ảnh của con lên mạng xã hội".

"Con" ở đây là cách sư Minh Tuệ thường xưng hô.

Đồng thời, ông đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc "xử lý những ai đưa thông tin về con lên mạng xã hội khi chưa được phép của con".

Tác giả lá đơn nhấn mạnh rằng ông chỉ là một công dân bình thường, đang tu tập theo nhu cầu bản thân chứ "chưa phải là sư, thầy hay thần thánh hay là phật gì cả".

Trong lá đơn, ông ký tên ba lần, đều với pháp danh "Minh Tuệ".

‘Đi ngược lòng từ bi’

Sau khi "hiện tượng" sư Minh Tuệ nổi lên vào tháng 5/2024, hành tung và hành động của ông rất được cộng đồng mạng quan tâm.

Việc ông đột ngột dừng hành trình khất thực vào đầu tháng 6 và sau đó xuất hiện trên các cơ quan truyền thông nhà nước được nhiều người đánh giá là có sự can thiệp của chính quyền. Lần này cũng không phải ngoại lệ.

Vào sáng ngày 14/11, các cơ quan báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về lá đơn được cho là do ông viết.

Một bài đăng trên tài khoản Facebook của VTV24 sau vài tiếng đồng hồ đã nhận được gần 20.000 lượt tương tác và hàng trăm bình luận.

Nhiều người đồng tình với nội dung lá đơn, cho rằng không nên làm phiền sư Minh Tuệ nữa.

Người dùng Nguyễn Nhuệ bình luận : "Một yêu cầu chính đáng".

Tương tự, tài khoản Cao Đăng Thuần viết rằng "mình không ủng hộ, không phản đối Thích Minh Tuệ, tuy nhiên như ổng nói, để cho ổng yên".

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trang Facebook chính thức của báo chí nhà nước tại Việt Nam thường có chế độ kiểm duyệt bình luận, chỉ cho phép hiển thị các bình luận mà ban biên tập muốn xuất hiện.

Ở các nơi khác trên mạng Facebook, các cuộc trao đổi đa chiều hơn, trong đó nhiều người đã đặt câu hỏi liệu lá đơn này có phải thực sự do sư Minh Tuệ viết hay không.

Một vài người chia sẻ những bức ảnh có bút tích được cho là của sư Minh Tuệ trước đây để so sánh với lá đơn do báo Gia Lai đăng tải. Họ cho rằng có sự khác nhau về nét chữ trong hai trường hợp.

BBC không thể độc lập xác minh đâu mới là chữ viết tay của sư Minh Tuệ.

Bàn về nội dung lá đơn, có hai yếu tố được người dùng mạng xã hội chú ý : lá thư được ký ba lần và từ "xử lý".

thugia3

Lá đơn mà báo Gia Lai khẳng định là của sư Minh Tuệ - Ảnh chụp màn hình bài viết trên báo Gia Lai

Trên trang cá nhân của mình, nhà báo Hà Tùng Long viết :

"Đọc lá đơn đề nghị của cư sĩ Minh Tuệ đang lan truyền trên mạng mà nảy số nhiều câu hỏi quá ! Một lá đơn mà ký đến ba lần, trong khi ông Minh Tuệ trước từng làm bộ phận soạn thảo văn bản của xã, không lẽ không biết cách viết một cái đơn".

"Xét về nội dung, nếu lá đơn này đúng là ông tự thân viết ra thì có vẻ không đúng với tinh thần 'hạnh đầu đà', đoạn diệt sân si, buông trần ly dục, không bám chấp hình tướng, không dính mắc chuyện thế gian... mà cư sĩ Minh Tuệ đã thệ nguyện và đã chia sẻ trong quá trình dãi nắng dầm mưa khất thực Bắc Nam".

Ở đây, ông Long đang nói tới việc sư Minh Tuệ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý ai đưa thông tin của ông lên mạng xã hội khi chưa được ông cho phép.

Tương tự, tài khoản Nguyen Thanh Huy (tự giới thiệu là một giảng viên đại học) cũng nhắc tới hai chữ "xử lý" trong lá đơn.

"Qua nội dung lá đơn này thấy rằng nó đi ngược lại hoàn toàn với lòng từ bi của sư Minh Tuệ. Một người mà đã từng nói không muốn đọc Chú Đại Bi vì sợ ảnh hưởng đến ma quỷ thì sao có thể yêu cầu ‘xử lý’ con người được ?"

"Ngoài ra, ông từng nhiều lần nói ai muốn quay muốn chụp miễn họ thấy vui, hạnh phúc là được. Đặc biệt, ông đâu có quan tâm đến mạng xã hội hay bất cứ ai phán xét gì về ông".

"Cuối cùng, điều quan trọng, với pháp tu của ông là ly trần, buông bỏ, đoạn diệt tham sân si thì làm sao có thể còn dính mắc vào những chuyện của thế tục ? Còn nếu như ông viết theo ý chí của người khác thì còn gì là tinh thần vô úy mà ông đã sở đắc ?"

Giá trị pháp lý của lá đơn

Nhiều người đặt câu hỏi về tính pháp lý của lá đơn khi nó được ký với pháp danh Minh Tuệ chứ không phải tên thật, tức Lê Anh Tú.

Ngày 14/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC News tiếng Việt rằng việc ký bằng pháp danh vẫn có thể có giá trị pháp lý trong việc xác định ý chí.

"Nếu đúng là sư Minh Tuệ viết thì đó là ý chí của sư Minh Tuệ, thì nó vẫn có giá trị pháp lý. Còn khi có tranh chấp và làm việc chính thức với cơ quan chức năng thì chắc chắn phải căn cứ vào chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân", ông nói.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng cần phải xác định rõ giữa giá trị pháp lý trong việc xác định ý chí và giá trị pháp lý trong việc tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện.

"Khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, đề nghị, yêu cầu... cơ quan nhà nước cần có căn cứ xác định chính xác người gửi đơn thông qua : Số định danh cá nhân (CCCD/CMND), Địa chỉ cụ thể, Thông tin liên hệ…" ông nói.

Việc này phục vụ nhiều mục đích, gồm đảm bảo quyền và trách nhiệm của người khiếu nại, tránh tình trạng mạo danh, giả mạo...

Do đó, theo ông Sơn, một đơn thư chỉ có tên "Minh Tuệ" mà không có các thông tin định danh khác sẽ :

- Không đủ điều kiện để được tiếp nhận và xử lý

- Không thể làm căn cứ để giải quyết vụ việc

- Cần yêu cầu bổ sung thông tin định danh đầy đủ

Nguồn : BBC, 14/11/2024

Additional Info

  • Author RFA, BBC
Published in Việt Nam
mardi, 18 juin 2024 22:25

Đã bất minh lại còn vô tuệ

Nhà nước đã chứng tỏ sự lúng túng, sợ hãi đến rối trí trong việc xử lý hiện tượng Thích Minh Tuệ. Lúng túng, sợ hãi nhưng lại có quyền, nên dẫn đến hành xử bất minh. Đã bất minh lại còn vô tuệ. Không chỉ một mà đến giờ là đã hai lần.

batminh1

Sư Thích Minh Tuệ ở Hà Tĩnh hôm 17/5/2024 - AFP

Như lần đầu, cái lần hai này cũng lại diễn ra trong đêm khuya khoắt. Hiện trường để lại là chiếc dây vải cuốn y vứt trên mặt cát, một chiếc sạc sử dụng năng lượng lăn lóc, hai manh chiếu trải châu đầu vào với nhau gần một đống củi đốt sưởi qua đêm vẫn còn ngun ngún cháy. Một chiếc quần và một chiếc áo vừa giặt còn đang phơi trên que tre gác trên hai thanh gỗ ven bờ suối. Vỏ chai nhựa đựng nước lăn lóc rải rác. Cách đó một quãng ngắn, trong bụi cỏ có một tấm vải màu trắng xô lệch. Một quãng ngắn nữa, lại là tấm vải nhỏ màu đen, vẫn vứt lẫn trong bụi cỏ. Trắng và đen, màu của tang tóc, dường như được cố ý ném lại để báo có một sự biến xấu vừa diễn ra.

Chiếc dây cuốn y, chiếc sạc, hai mảnh chiếu, hai đống lửa ngún cháy trên mặt cát ướt đẫm nằm trong một bãi đất hoang giáp với đường Trường Sơn mới. Bộ quần áo đang phơi, hai tấm vải bị vứt vội cũng ở một bãi đất hoang ven bờ suối. Hai điểm cách nhau vài km, cùng ở tỉnh Kon Tum.

Trước đó chỉ ít tiếng đồng hồ, đó là quang cảnh thật thanh bình. Bên này một nhóm năm tu sĩ đang tập tu theo sư Thích Minh Tuệ ngồi thiền, may y trên bãi cát. Bên bờ một dòng suối lặng lờ, một tu sĩ trẻ khác và hai người mới - à người tự nguyện xuất gia tu hạnh đầu đà cũng ngồi thiền, may y, thỉnh thoảng trò chuyện đôi câu với nhau và với người dân đến thăm nom, cúng dường.

batminh2

Miếng vải buộc chân của một vị sư đi bộ hành bị bỏ lại trong đêm do YouTuber quay lại. Hải Đăng Vlog

Thế rồi chúng ta không biết điều gì đã xảy ra trong đêm. Chỉ thấy khi chân trời vẫn còn buông chiếc màn đen nặng trịch, sương còn đẫm trên những tấm chiếu trải trên cát, thì tất cả các thầy đã biến mất.

Hiện trường để lại là bằng chứng của một cuộc đánh úp bất ngờ, vội vã, ngang ngược vô đạo khi những vị tu sĩ không hề đề phòng bất cứ cái gì, bất cứ ai đều đang ngủ say sau chặng đường bộ hành gian truân. Tàn nhẫn đến nỗi không để cho người ta kịp nhặt lấy mảnh áo manh quần đang phơi, cất chiếc sạc, gấp tấm y, cuộn tấm chiếu.

Đó không phải là bắt cóc, là cướp, thì là gì ?

Rồi lại y hệt như lần trước, chỉ vài tiếng sau người dân lùng sục khắp nơi rồi tìm thấy các vị tu sĩ trẻ đã bị thế lực nào đó bắt cóc lên xe trong đêm, chở đi khắp nơi bỏ người xuống. Một nhóm năm vị được người dân tìm thấy khi đang ở một cánh rừng phòng hộ đầu địa giới tỉnh Bình Định cách đó cả trăm km, vào khoảng 3 giờ sáng-người dân thông báo. Hầu hết phải mặc đồ thường, những tấm y phấn tảo đại diện cho hạnh tu và quyết tâm tu hành của họ đã mất đâu hết. Đêm rừng lạnh lẽo, không còn tấm y rộng để quấn che thân, có người phải mặc chiếc áo mưa giấy vào người cho đỡ lạnh. Họ ngồi thừ trên thảm lá khô ướt đẫm, gương mặt đóng băng trong nỗi mệt mỏi và u uất. Không chỉ là lạnh lẽo, với người đã xuất gia tu hành, bị bắt cởi bỏ y áo chính là một nỗi sỉ nhục.

Một vài tu sĩ khác được bắt gặp đang đi bộ giữa dòng người chạy xe máy cuồn cuộn chờ đèn đỏ tại một thị tứ lao xao, cũng cách nơi ngủ đêm qua rất xa. Một nhóm người khác bình thản ngồi may y dưới bóng râm của mấy chiếc xe tải. Một YouTuber cùng đồng hành với nhóm tu sĩ này - và cũng bị bắt lên xe trong đêm khuya - kể công khai rằng họ bị "lực lượng chức năng" ập đến, đưa lên xe chạy về trụ sở Công an tỉnh Kon Tum. Họ bị hỏi giấy tờ nhân thân, chất vấn đang đi đâu, muốn đi đâu, đồng thời yêu cầu không được đến hoặc phải rời khỏi địa phận tỉnh Gia Lai. Sau đó họ được chở thẳng ra bến xe Kon Tum để buộc phải bắt xe đi khỏi.

Gia Lai, như mọi người đã biết, là địa phương nơi gia đình sư Thích Minh Tuệ đang cư ngụ, ông cũng được Đài truyền hình quốc gia VTV cho biết là đã ẩn tu nơi này.

Những vị tu sĩ trẻ bị bắt cóc trong đêm rồi rải ra khắp nơi, cách nơi họ muốn đến hàng trăm km là những đệ tử tự nhận của Thích Minh Tuệ. Sau sự biến tại Huế đêm 3/6, được cho biết Thích Minh Tuệ đã được đưa về Gia Lai, họ đã tìm mọi cách để bộ hành tu học hướng về Gia Lai tìm gặp thầy. Lần này họ chọn đường đi trên những con đường xuyên đồi núi vắng vẻ, ngủ đêm tại hang đá, nghĩa trang, ven suối, không thành tốp đông người, không gây chú ý, cũng không hề dừng lại để người dân đảnh lễ hay tụ tập hiếu kỳ.

Thế mà vẻn vẹn chỉ 10 ngày sau, một lần nữa kiếp nạn ập đến với họ.

Cho dù chính quyền không thèm có bất kỳ lời gì để giải thích cho hành động Kon Tum đêm 13/6 hay Huế đêm 3/6, nhưng thế lực nào có thể làm điều đó mà không gặp phản kháng nào từ phía người dân hay những vị tu sĩ mới xuất gia ? Đêm 3/6, bên ngoài nơi nghỉ chân của đoàn tu có lớp lớp xe và người của công an canh gác, nhưng có cả trăm người (họ ập vô, cứ hai người kè một người dẫn ra x e- một tu sĩ kể công khai trên TikTok) dẫn giải 72 người trong đoàn tu đến trụ sở công an, chất vấn, tra hỏi, bắt làm cam kết không đi bộ hành nữa. Họ là ai mà dũng mãnh thế ?

Chẳng cần hỏi cũng đã có câu trả lời sáng trưng rồi.

Tại sao công an không đường đường chính chính công khai làm việc với sư Minh Tuệ và yêu cầu ông giải tán đoàn người muốn tu học ? Ông cũng đã nhiều lần bày tỏ việc muốn được tự do bộ hành một mình, thích đi thì đi, thích nghỉ là nghỉ, ông đâu muốn có một đoàn tu rần rộ theo sau ? Tại sao không đưa các thầy về quê lúc ban ngày ban mặt mà phải chờ đêm khuya thanh vắng mới ra tay ? Tại sao không lên báo chí truyền thông giải thích việc làm đó mà cứ ngậm tăm để dân tình đồn đoán đủ kiểu ? Tại sao cử cả đội quân công an lẫn tự vệ chằm chặp rình các tu sĩ trẻ ở mọi ngả đường họ đi qua để bắt lại ? Họ có giấy tờ nhân thân hợp pháp, họ chọn cách bộ hành tu học trên các nẻo đường vắng vẻ hầu như không một bóng người, thì đám đông ở đâu ra để mà buộc cho họ cái tội gián tiếp làm ảnh hưởng trật tự giao thông ?

Hay là công an sợ điều gì đó ở những tu sĩ này ? Nhưng họ có gì để mà sợ ? Người nào cũng có lai lịch và nơi ở xác minh được rõ ràng. Lại có YouTuber kè kè theo sau, nhất cử nhất động đều lọt vào ống kính thì có thể làm điều gì gây hậu quả xấu với chính quyền ? Mà nếu có, và việc đó có chứng cứ đầy đủ thì lại càng dễ cho công an xử lý và răn đe những người còn lại. Một lực lượng vũ trang chính quy đường đường có trách nhiệm bảo vệ trật tự trị an xã hội, có quốc huy trên mũ và súng ống sáng lòe trên tay tại sao cứ phải khư khư cách làm không minh bạch, gọi trắng trợn là như hành động của bọn bắt cóc cho nhân dân dị nghị ?

Đã bất minh lại còn vô tuệ đến thế, chả trách nào lòng người ngày càng nghiêng về phía những người tu sĩ đang sống một cuộc sống ẩn nhẫn và trong suốt ngay trước mắt mọi người.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 18/06/2024

Additional Info

  • Author Nguyễn Nhơn
Published in Diễn đàn

Dù sư Thích Minh Tuệ được Ban Tôn giáo Chính phủ thông báo là đã "tự nguyện dừng khất thực" và ẩn tu, mức độ quan tâm của công chúng đối với ông không hề hạ nhiệt. Hiện nay, những đám đông tò mò và ngưỡng mộ vẫn liên tục kéo đến khu vực ông tu tập tại Gia Lai, công an phải lập chốt ngăn chặn, trong khi mạng xã hội sáng 14/6 loan tin nhà sư đã "mất tích".

minhtue1

Tài xế Hoàng Anh cho biết người dân xếp hàng dài vài cây số mong được gặp sư Thích Minh Tuệ

Tài xế Hoàng Anh, người chở những vị khách từ Vũng Tàu và Đồng Nai lên Gia Lai mong gặp được sư Thích Minh Tuệ trong những ngày qua, kể với BBC rằng mỗi ngày có hàng ngàn lượt người xếp hàng, nhưng đặc biệt đông vào hôm 13/6, khi "bà con xếp hàng cả vài cây số".

Đến sáng 14/6, tài xế này cho biết đang đưa khách về lại Vũng Tàu khi có thông tin sư Thích Minh Tuệ đã đi nơi khác.

Trong những video mà ông Hoàng Anh ghi lại, rất đông người dân trong trang phục có thiết kế dựa trên y phục sư Minh Tuệ đã đến quê nhà của ông ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai với hi vọng được nhìn thấy nhà sư và đảnh lễ.

Nhiều người kể rằng họ đã lặn lội từ Sài Gòn hoặc các tỉnh xa tới Gia Lai vì "ngưỡng mộ sư Thích Minh Tuệ".

"Ban đầu thì mọi người xếp hàng rất trật tự, nhưng khi thầy đến thì ai cũng muốn tới gần nên xảy ra tình trạng chen lấn", ông Hoàng Anh cho biết.

Báo Thanh Niên hôm 13/6 cho biết lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ an ninh trật tự. Từ sáng sớm, chính quyền huyện Ia Grai đã triển khai lực lượng ngăn cản lượng người khá lớn đi tìm sư Thích Minh Tuệ.

Ở trên mạng, thông tin về sư Thích Minh Tuệ được cập nhật liên tục trên các hội nhóm có hàng trăm ngàn thành viên. Ngoài những tình cảm mến mộ dành cho nhà sư, có nhiều người "hiến kế" chính quyền tỉnh Gia Lai nên tận dụng cơ hội để phát triển du lịch hoặc biến tỉnh này thành đất Phật. Cũng có thông tin về cô gái đến gặp cha mẹ sư Thích Minh Tuệ thể hiện mong muốn được phụng dưỡng họ đến cuối đời.

Tất cả cho thấy sự cuồng nhiệt cao độ của người dân Việt Nam với sư Thích Minh Tuệ. Ông không chỉ là biểu tượng tôn giáo mà còn là một hiện tượng xã hội và truyền thông lớn.

minhhue2

Sư thích Minh Tuệ thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp người dân Việt Nam ở trong lẫn ngoài nước

Sức hút Thích Minh Tuệ

Đi bộ khất thực xuyên Việt suốt nhiều năm nay, sư Thích Minh Tuệ, tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi, chỉ trở thành một hiện tượng thời gian gần đây khi một đội ngũ TikToker, YouTuber, Facebooker ghi lại hành trình tu tập của ông và phát sóng trực tiếp cho hàng triệu người.

Việc ông tuân thủ nghiêm ngặt giáo lý Phật giáo, đi khất thực khổ hạnh bằng chân trần, ngủ ngồi qua đêm ở nghĩa trang, không nhận tiền cúng dường cùng những phát biểu mộc mạc được cho là đã thu hút đông đảo sự quan tâm và truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam thuộc nhiều tầng lớp ở trong và ngoài nước và cũng khiến các tổ chức Phật giáo do nhà nước quản lý lên tiếng.

"Một con người bằng xương bằng thịt mà làm được những điều khổ hạnh như vậy thì thật đáng ngưỡng mộ, chẳng hạn dưới cái nắng chói chang mà thầy Minh Tuệ đã đi được hơn sáu năm bằng đôi chân trần, đầu trần, từ nam chí bắc mấy lần, ngủ thì ngồi… Và thầy có lòng từ bi, nên tôi cảm thất rất thương và cảm phục một con người như vậy", tài xế Hoàng Anh chia sẻ.

Sự nổi tiếng của sư Thích Minh Tuệ đã châm ngòi cho những tranh luận công khai về Phật giáo, đồng thời khuếch đại sự quan tâm và phê phán của công chúng đối với các cơ sở Phật giáo được nhà nước công nhận.

Vào ngày 3/6, sư Thích Minh Tuệ "biến mất" khi vừa tới Thừa Thiên-Huế, sau đó xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia vào ngày 8 và 9/6.

Sau khi VTV phát hai phóng sự, Công an Gia Lai đăng video ông đi làm căn cước và báo Người Lao Động phỏng vấn ông tại chòi thì nơi ông "ẩn tu" không còn "ẩn" được nữa.

Nhiều người tìm mọi cách để tiếp cận căn chòi nơi sư Thích Minh Tuệ tu hoặc tỏa đi các ngả đường có khả năng sư Tuệ đi khất thực, ngay cả người nhà của ông cũng bị quấy rầy khi có nhiều người tìm đến hỏi hay nhờ đưa đến nơi ông tu tập.

Ngày 13/6, trên TikTok xuất hiện video em trai của ông Thích Minh Tuệ trả lời nhà sư đã không còn trong rẫy của gia đình ông nữa.

minhtue3

Đám đông người dân vây lấy sư Thích Minh Tuệ tại gần nơi ông tu tập ở Gia Lai vào hôm 13/6

Sư Thích Minh Tuệ sẽ đi về đâu ?

Trên trang Facebook có hơn 100.000 người theo dõi, bác sĩ Võ Xuân Sơn hôm 13/6 bày tỏ sự lo lắng về việc đám đông đang kéo đến Gia Lai.

"Mới chỉ có 3 ngày Ngài Minh Tuệ đi khất thực, mà Gia Lai đã 'cháy' vé, cả máy bay và các phương tiện thông thường, 'cháy' phòng khách sạn, 'cháy' cả quán ăn... Nếu hiện tượng này kéo dài thêm một thời gian nữa, và chính quyền không áp dụng các biện pháp hạn chế, chắc chắn sẽ có việc gia tăng số chuyến bay, cũng như các tuyến du lịch đến Gia Lai, và các hình thức lưu trú tạm thời sẽ phát triển nhanh", ông cho biết.

Theo ông, cho dù sư Thích Minh Tuệ có ẩn tu ở đâu tại Việt Nam thì nơi đó sẽ ngay lập tức thu hút khách thập phương, dẫn đến việc ảnh hưởng không tốt đến quá trình tu tập của sư Thích Minh Tuệ và các đồng môn nếu có.

Ông cũng cho rằng việc tụ tập đông người, ngoài mặt tích cực là phát triển du lịch địa phương, cũng sẽ mang lại những phiền phức cho an ninh, trật tự của khu vực, nhấn mạnh việc đưa sư Thích Minh Tuệ về Gia Lai, một vùng đất đã có sẵn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, lại làm tăng lên những khó khăn cho chính quyền trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh.

minhtue4

Nghe tin sư Thích Minh Tuệ trở lại quê hương để khất thực, ẩn tu, nhiều người dân các nơi đã tìm đến nơi ông tu tập

Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng, để cân đối giữa nhu cầu tu tập của sư Thích Minh Tuệ và nhu cầu tín ngưỡng của hàng triệu người dân Việt Nam liên quan đến quá trình tu tập của sư Thích Minh Tuệ, cần phải có giải pháp khéo léo, mềm dẻo và linh hoạt.

"Chúng ta chờ đợi xem chính quyền sẽ giải quyết như thế nào. Hi vọng không có các biện pháp cực đoan, dẫn đến các phản ứng không mong đợi và khó lường", ông viết.

Trước hiện tượng người dân kéo đến Gia Lai, Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ tỉnh này đã tham mưu, đề xuất lên UBND tỉnh triển khai các biện pháp ổn định tình hình, tránh để xuất hiện mê tín dị đoan.

"Với tình trạng này thì không biết đến bao giờ mới gặp lại được thầy nữa", tài xế Hoàng Anh chia sẻ với BBC.

Nguồn : BBC, 14/06/2024

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam

Sau hàng loạt thông tin mới nhất về sư Thích Minh Tuệ được truyền thông Việt Nam đăng tải và mạng xã hội lan truyền, nhiều người vẫn đang thắc mắc rằng liệu sư Thích Minh Tuệ có thực sự đang rất ổn ?

Vấn đề Tự do Tôn giáo và Hiệu ứng xã hội ở Việt Nam qua sự việc sư Minh Tuệ ra sao, mời quý vị theo dõi hội luận sau với ba vị khách mời : Nhà giáo Đặng Đình Khiết, giảng dạy môn Khoa học Xã hội và Anh ngữ cho học sinh nước ngoài đến Hoa Kỳ ; Nhà văn, nhà báo Nguyễn Minh Nữu, chủ nhiệm tuần báo Văn Học Nghệ Thuật vùng DC ; Luật sư Đặng Đình Mạnh – Hoa Kỳ.

Nguồn : RFA, 13/06/2024

Additional Info

  • Author Thanh Trúc, Đặng Đình Khiết, Nguyễn Minh Nữu, Đặng Đình Mạnh
Published in Video
Trang 1 đến 2