Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/06/2024

Cách ứng phó với chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông

Derek Grossman

Bắc Kinh đang thử thách liên minh Mỹ-Philippines và chúng ta cần một chiến lược mới.

biendong1

Người biểu tình giẫm lên bức tranh biếm họa có hình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc biểu tình phản đối hành vi xâm phạm hàng hải của Trung Quốc trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Manila vào ngày 9/4/2024. Jam Sta Rosa/AFP

Nguy cơ xung đột vũ trang ở Biển Đông đang ở mức cao và vẫn tiếp tục gia tăng. Các hành động hung hăng không ngừng của Trung Quốc đối với Philippines – quấy rối các tàu bên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) được quốc tế công nhận của Manila, đáng chú ý nhất là tại Bãi Cỏ Mây và Bãi Scarborough – đã khiến chiến tranh dễ xảy ra ở Biển Đông hơn ở bất kỳ điểm nóng nào khác trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.

Đúng là liên minh an ninh giữa Philippines với Mỹ cho đến nay đã ngăn cản Trung Quốc thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn vào quân đội Philippines hoặc các tài sản khác của chính phủ nước này. Nhưng Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951 – trong đó Washington cam kết sẽ hỗ trợ nếu Manila bị tấn công quân sự – đã hoàn toàn thất bại trong việc ngăn cản Bắc Kinh leo thang các chiến thuật vùng xám mang tính cưỡng ép – vốn là những hành động được thiết kế nhằm thay đổi hiện trạng một cách không thể đảo ngược mà không cần dùng đến các biện pháp sát thương. Những chiến thuật này bao gồm đâm va, bám đuôi, ngăn chặn, bao vây, bắn vòi rồng, và sử dụng tia laser cấp quân sự để chống lại các tàu dân sự và tàu quân sự. Trung Quốc cũng dựa vào lực lượng hải cảnh đáng gờm và cái gọi là hải binh (dân quân đánh cá) – bao gồm các ngư dân được quân đội huấn luyện và trang bị – để tuần tra và chiếm đóng các khu vực tranh chấp, thiết lập một sự hiện diện gần như thường trực mà quốc gia bị nhắm mục tiêu không thể dễ dàng loại bỏ.

Hơn nữa, vào ngày 15/06 sắp tới, Bắc Kinh được cho là đang lên kế hoạch triển khai một chính sách mới, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắt giữ những người nước ngoài đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Vùng biển này bao gồm hầu hết Biển Đông – dựa trên các yêu sách lịch sử mở rộng của chính Bắc Kinh chứ không phải luật pháp quốc tế, trong trường hợp này là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. (Để so sánh, hãy tưởng tượng nếu Đức tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Bắc, hoặc nếu Mỹ tuyên bố chủ quyền ở toàn bộ vùng Caribe cho đến tận bờ biển Nam Mỹ.)

Trong quá khứ, Trung Quốc từng cố gắng áp đặt các yêu sách của mình bằng các rào chắn nổi, và gần đây nhất, đã bị Manila cáo buộc xây dựng một đảo nhân tạo tại Bãi Sa Bin – cách Đảo Palawan của Philippines khoảng 150 km, nhưng cách điểm gần nhất ở Trung Quốc tới 1.200 km. Một nguồn thạo tin yêu cầu giấu tên nói với tôi rằng Manila hiện không thể tiếp cận khoảng 30% diện tích vùng đặc quyền kinh tế được công nhận của họ do chiến thuật cắt lát salami (salami-slicing) của Trung Quốc. Nếu không có phản ứng hiệu quả, tỷ lệ này sẽ còn tăng cao trong những năm tới.

Trên thực tế, Trung Quốc đang siết chặt vòng vây đối với Philippines, ngày càng làm tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển của nước này. Nếu muốn luật pháp quốc tế được duy trì và các đường biên giới vẫn bất khả xâm phạm, Mỹ phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Philippines. Tuy nhiên, cả Manila và Washington dường như đều không có kế hoạch nào khả thi để chống lại các chiến thuật vùng xám thành công của Bắc Kinh.

Trước tình hình ngày càng tuyệt vọng, hồi tháng 3, Philippines đã công bố Khái niệm Phòng thủ Quần đảo Toàn diện. Chỉ có rất ít thông tin được công bố, nhưng dường như đây là một chiến lược phòng thủ mới, chuyển từ mô hình truyền thống, lấy quân đội làm trung tâm của Manila – vốn được hình thành trong lịch sử bị xâm lược và chiếm đóng lâu dài – sang nâng cấp lực lượng hải quân và hải cảnh để chống lại Trung Quốc trên biển. Toàn bộ nguồn tài trợ cho chiến lược mới vẫn đang chờ được Quốc hội Philippines thông qua. Nhưng dù sao đi nữa, khái niệm này dường như đã bỏ qua lực lượng không quân vốn cũng có vai trò quan trọng không kém, và toàn bộ quá trình triển khai cũng phải mất vài năm, nếu không muốn nói là vài chục năm.

Cùng lúc đó, Manila đang đẩy mạnh ba nỗ lực khác.

Trước tiên, nước này đang tăng cường liên minh với Washington. Đầu tháng này, hai nước đã tiến hành đợt tập trận quân sự thường niên lớn nhất từ trước đến nay, trong đó bao gồm việc diễn tập phòng thủ chuỗi đảo ở phía bắc Philippines (chỉ cách Đài Loan hơn 200 km về phía nam) cũng như diễn tập việc phóng một tên lửa hành trình chống hạm để đánh chìm một con tàu đã ngừng hoạt động. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã nâng số căn cứ quân sự mà quân đội Mỹ có thể tạm thời sử dụng ở Philippines từ 5 lên 9, phù hợp với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường được ký năm 2014.

Thứ hai, Philippines đã và đang tiến hành một số cuộc tập trận và thỏa thuận an ninh với các nước khác trong khu vực. Ví dụ, vào tháng trước, Australia, Nhật Bản, Philippines và Mỹ đã lần đầu tiên tiến hành các cuộc tập trận chung trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Các thành viên của nhóm – được gọi là "Bộ tứ mới" (new Quad) hay "Biệt đội" (Squad) – cũng đang đàm phán các hiệp định an ninh song phương mới. Nhật Bản và Philippines đang thảo luận về một thỏa thuận tiếp cận quân đội song phương sẽ được hoàn thành vào tháng 7. Philippines và Australia đã nâng cấp hợp tác về an ninh hàng hải và nâng tầm quan hệ đối tác lên mức "chiến lược" sau chuyến thăm của Marcos tới Canberra vào tháng 2. Philippines cũng đang nhận được một số hỗ trợ vũ khí từ Ấn Độ, chẳng hạn như việc cung cấp tên lửa hành trình chống hạm BrahMos rất cần thiết.

Cuối cùng, Manila gần đây đã áp dụng chiến lược "minh bạch hóa sự hung hăng" khi bị Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế. Các thuyền viên Philippines hiện đang ghi lại từng vụ cưỡng ép của Trung Quốc và công khai cho thế giới biết. Ý tưởng là Bắc Kinh sẽ không còn có thể phủ nhận các hành động của mình như họ đã làm trong quá khứ – và có lẽ sẽ xấu hổ mà buộc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Về phần mình, Mỹ đã nhiều lần nhắc lại cam kết "vững như thép" với Philippines.

Vấn đề là hiệp ước Mỹ-Philippinestừ thời Chiến tranh Lạnh đã không lường trước được các loại chiến thuật vùng xám và các mối đe dọa hỗn hợp vốn đã trở thành phương thức hoạt động chính của các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại trong những năm gần đây, dù ở Biển Đông hay ở sườn phía đông của NATO. Washington chưa nêu rõ loại hành động nào của Trung Quốc có thể khiến Mỹ can thiệp để hỗ trợ đồng minh của mình. Chính quyền Biden đã liên tục lưu ý rằng các hành động dẫn đến phản ứng bao gồm "các cuộc tấn công vũ trang" vào các tàu quân sự hoặc lực lượng hải cảnh Philippines, nhưng họ lại không nói rõ điều gì sẽ cấu thành một cuộc tấn công như vậy. Cho đến nay, các hành động hung hăng nhưng không gây sát thương của Trung Quốc đối với Philippines dường như không đủ điều kiện.

Manila, Washington, và các đối tác của họ hiện đang nỗ lực chống lại Trung Quốc, nhưng không có bước đi nào trong số này thực sự có hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành động xâm lấn của Bắc Kinh. Philippines và Mỹ có thể làm gì – và liệu họ có thể khôi phục khả năng răn đe ở Biển Đông hay không ?

Một lựa chọn là sửa đổi hiệp ước Mỹ-Philippines để phản ánh các mối đe dọa vùng xám thời hiện đại. Thay vì chỉ nói mơ hồ rằng một "cuộc tấn công vũ trang" là tiền đề cho sự can thiệp quân sự của Mỹ, Manila và Washington có thể nói rộng hơn, rằng các hoạt động vùng xám có thể hoặc sẽ được coi là các cuộc tấn công vũ trang.

Chẳng hạn, trong chuyến thăm Lầu Năm Góc vào tháng trước, Marcos đã chỉ rõ rằng "nếu bất kỳ quân nhân Philippines nào bị giết trong một cuộc tấn công của bất kỳ thế lực nước ngoài nào, thì đó là lúc phải viện dẫn [hiệp ước]". Hai nước có thể mở rộng danh mục tài sản được bảo vệ bởi hiệp ước để bao gồm các tàu dân sự thường xuyên tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại Sierra Madre, một tàu đổ bộ thời Thế chiến II mà Manila cố tình để mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây vào năm 1999. Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc kích hoạt hiệp ước quốc phòng đã được sửa đổi, bao quát hơn này.

Cũng còn nhiều cách khác để Washington làm rõ chính sách của mình ở Biển Đông. Vào tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Mike Pompeo tuyên bố rằng Mỹ công nhận tính hợp pháp và toàn vẹn của các vùng đặc quyền kinh tế trên biển, phù hợp với luật pháp của Liên Hiệp Quốc và phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 bác bỏ các yêu sách mở rộng của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức nào về các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông, có lẽ là để tránh chọc giận Trung Quốc.

Ngược lại, chính quyền Obama đã làm rõ vào năm 2012 rằng Washington công nhận quần đảo Senkaku thuộc về Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Hoa Đông, và rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào quần đảo này sẽ kích hoạt Điều 5 của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, tức là Mỹ sẽ buộc phải đáp trả. Manila rõ ràng sẽ đánh giá cao một sự minh bạch tương tự, bởi điều này sẽ báo hiệu cho Bắc Kinh rằng Washington xem các cuộc tấn công vào vùng đặc quyền kinh tế được công nhận của Philippines là tấn công trực tiếp vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines, vốn đã được Hiệp ước Phòng thủ Chung bảo vệ.

Một lựa chọn khác là quân đội Mỹ sẽ đóng vai trò trực tiếp hơn trong khu vực. Chuyên gia an ninh Châu Á Blake Herzinger gần đây đã lập luận rằng : một cách để tăng cường răn đe và đẩy lùi chiến thuật vùng xám của Trung Quốc là thay thế Sierra Madre bằng một căn cứ tác chiến tổng hợp tiền phương được cả lực lượng Philippine và Thủy quân Lục chiến Mỹ sử dụng. Các nhà nghiên cứu khác cũng kêu gọi Mỹ can dự ở các mức độ khác nhau mà không cần thiết lập căn cứ – chẳng hạn như các cuộc tuần tra kết hợp của lực lượng hải quân và hải cảnh – với cùng mục đích tăng cường khả năng răn đe.

Một giải pháp công nghệ hấp dẫn là tận dụng chương trình Replicator đang diễn ra của quân đội Mỹ, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 8/2025. Là một sản phẩm của Đơn vị Đổi mới Quốc phòng của Lầu Năm Góc, Replicator giúp nhanh chóng sản xuất hàng nghìn máy bay không người lái trên không và trên biển để bù đắp thiếu hụt về số lượng so với quân đội Trung Quốc. Dù không có nhiều chi tiết được công bố, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ đã giới thiệu máy bay không người lái Replicator ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sau cùng, loại máy bay này có thể áp đảo các mục tiêu và có thể tiến hành một loạt các hoạt động vùng xám của riêng mình, dù khả năng của nó cho đến nay vẫn còn được giữ kín.

Các hệ thống không có người điều khiển như Replicator sẽ giúp duy trì các cuộc chạm trán ăn miếng trả miếng ngay dưới ngưỡng gây ra một cuộc chiến lớn hơn, đặc biệt là vì các dự án quốc phòng của chính Trung Quốc cũng có thể loại bỏ yếu tố con người khỏi các cuộc đụng độ trên biển, bằng cách sử dụng chiến tranh được hỗ trợ bởi robot và trí tuệ nhân tạo. Nói cách khác, Replicator có thể giúp tái định nghĩa thang xung đột, và mang lại cho Trung Quốc, Mỹ, và Philippines không gian lớn hơn để đàm phán sau các sự cố.

Washington cũng có thể cân nhắc tạo ra liên kết giữa các hành động trong vùng xám của Trung Quốc nhằm chống lại một đồng minh của Mỹ với các lĩnh vực khác trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Điều đó sẽ báo hiệu cho Bắc Kinh rằng họ sẽ phải trả giá cho các hành động xâm lấn đối với Philippines. Những biện pháp này có thể bao gồm trừng phạt kinh tế, trì hoãn hoặc chấm dứt các cuộc đàm phán ngoại giao, hoặc thay đổi cán cân quân sự của Mỹ ở những nơi khác trong khu vực. Việc áp đặt cái giá phải trả cho các hành động hung hăng sẽ phù hợp hoàn toàn với cái gọi là chiến lược răn đe tổng hợp của chính quyền Biden, vốn đang tìm cách tận dụng sức mạnh tập thể, liên ngành của Mỹ, cũng như của các đồng minh và đối tác để ứng phó với hành động gây hấn.

Về hành động tập thể của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc, thành tích trong 30 năm qua không mấy khả quan – dù một số thành viên khác, bao gồm cả Việt Nam và Malaysia, cũng đang phải đối mặt việc bị Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ. Từ năm 1996, ASEAN đã cố gắng xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) trong tương lai cho khu vực, trong đó kêu gọi chấm dứt quân sự hóa, cải tạo đất, và chiếm giữ các thực thể đang tranh chấp. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu khối này có đàm phán thành công COC với Bắc Kinh, bên đang không hề có ý định thoả hiệp với quan điểm rằng họ sở hữu phần lớn Biển Đông. Các cuộc đàm phán song phương có thể sẽ thất bại vì những lý do tương tự.

Cuối cùng, Washington và Manila có thể đơn giản tiếp tục con đường họ đang đi. Điều đó có nghĩa là tiếp tục củng cố liên minh thông qua việc mở rộng thỏa thuận hợp tác quốc phòng hiện có, tập trung hơn vào các cuộc tập trận quân sự hàng năm và các cam kết khác, cũng như thông qua việc giúp Manila xây dựng năng lực quân sự của riêng mình và vạch trần hành vi xấu của Trung Quốc với thế giới. Nhưng cho đến nay, chưa có biện pháp nào trong số này thành công chống lại các chiến thuật vùng xám, và bất kỳ thành công nào trong tương lai cũng sẽ cần nhiều thời gian hơn vì Bắc Kinh vẫn liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Manila.

Lựa chọn tốt nhất có lẽ là tiếp tục xây dựng liên minh Mỹ-Philippines, nhưng bổ sung thêm các tính năng mới, chẳng hạn như sửa đổi hiệp ước để phản ánh thực tế vùng xám, kết hợp với chương trình Replicator, và áp đặt cái giá phải trả cho hành vi của Trung Quốc thông qua các lĩnh vực khác trong quan hệ Mỹ-Trung. Triển khai những điều này ngay bây giờ sẽ mang lại cho Philippines không gian cần thiết để hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội dưới sự hỗ trợ của Mỹ, giúp thiết lập lại khả năng răn đe và giảm thiểu nguy cơ chiến tranh trong những năm tới.

Derek Grossman

Nguyên tác : "How to Respond to China’s Tactics in the South China Sea", Foreign Policy, 29/05/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 10/06/2024

Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp., giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nam California, và là cựu cố vấn tình báo của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Derek Grossman, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 185 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)