Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/06/2024

Ba Đình bát nháo Tô Lâm đột nhiên nổi bật, đó là cả một chuẩn bị

Trà My - Minh Vũ

Chính sách đối nội và đối ngoại của Tô Đại tướng sẽ ra sao, khi nắm trọn quyền lực ?

Trà My, Thoibao.de, 10/06/2024

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, ngày 22/5, Quốc hội Việt Nam với số phiếu đồng thuận rất cao, đã thống nhất bầu Đại tướng Công an Tô Lâm vào chức Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho thời gian còn lại.

Tuy nhiên, sau khi tân Chủ tịch nước Tô Lâm nhậm chức, có rất ít quốc gia gửi điện chúc mừng. Sau một ngày, chỉ có một vài quốc gia độc tài, như Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, Lào… chúc mừng Tô Lâm.

tolam1

Ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an tham dự Hội nghị quốc tế Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh tại Nga ngày 24/5/2023.

Theo giới quan sát, trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, từ sau Đại hội 12 đến nay, ông Tô Lâm đã có một số hành động gây tai tiếng. Điển hình là vụ ông trực tiếp chỉ đạo mật vụ Việt Nam, tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại trung tâm thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức, vào tháng 7/2017. Vụ việc này đã làm tổn hại đến mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Đức, Liên Hiệp Châu Âu (EU), và các quốc gia phương Tây.

Tuy nhiên, đến khi Thượng tướng Lương Tam Quang được Quốc hội Việt Nam thống nhất bầu giữ chức Bộ trưởng Công an, vào ngày 6/6, thì ngày 7/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông báo cho biết :

"Nhân dịp Đại tướng Tô Lâm được Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam, lãnh đạo các nước Mỹ, Hà Lan, Đức, Bulgaria và Serbia, đã gửi thư, điện chúc mừng".

Đáng chú ý, trong điện mừng của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tổng thống Mỹ đã chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm, và tái khẳng định cam kết của Mỹ, ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng. Đồng thời, Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự tin tưởng, rằng, quan hệ Việt Nam – Mỹ còn phát triển hơn nữa, trong những năm tới. Tổng thống cũng mong muốn được hợp tác với Chủ tịch nước Tô Lâm, để biến tương lai đó trở thành hiện thực, và để xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng, an toàn cho tất cả.

Theo giới quan sát, Hoa Kỳ chỉ chính thức gửi điện mừng, sau khi biết chắc rằng, ông Tô Lâm sẽ nắm quyền lực cao nhất trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là một việc làm thận trọng và cần thiết. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an kể từ năm 2026 tới nay, ông Tô Lâm được phía Mỹ đánh giá là một trong những lãnh đạo Việt Nam được Hoa Kỳ tin tưởng, trong sự hợp tác về vấn đề an ninh và tình báo giữa 2 nước.

Những điều vừa kể, liệu có trái ngược với những đánh giá cho rằng, ông Tô Lâm là một nhân vật có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Thậm chí, nhiều ý kiến khẳng định, sau khi nắm quyền lực tuyệt đối trong Đảng, ông Tô Lâm sẽ rập khuôn theo mô hình của nhà nước Trung Quốc. Đó là tăng cường hệ thống kiểm soát chặt chẽ, và hạn chế quyền tự do đối với dân chúng, đồng thời, ông cũng sẽ nhất thể hóa 2 chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư, như ông Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc.

Theo giới chuyên gia, Đảng cộng sản Việt Nam là một bản sao của Đảng cộng sản Trung Quốc, do vậy, gần như tuyệt đối, các lãnh đạo Việt Nam phải có mối quan hệ "gần gũi" hơn với Bắc Kinh, là điều dễ hiểu. Nếu không, họ sẽ bị Trung Nam Hải tìm cách loại trừ ngay lập tức.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã tiết lộ một chi tiết đáng chú ý, đó là "có ý kiến cho rằng, các lãnh đạo bên Đảng sẽ thân Trung Quốc, còn các lãnh đạo bên Chính phủ sẽ thân với Mỹ hơn". Điều này cũng giống như một xu hướng trong Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, trước Đại hội Đảng lần thứ 12, năm 2016.

Khi đó, nhiều ý kiến đánh giá, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có xu hướng phóng khoáng với phương Tây. Và ngược lại, ông Ba Dũng đã không ngần ngại khi tuyên bố về quan hệ với Trung Quốc, "không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị viển vông".

Ông Tô Lâm được đánh giá là có mối quan hệ gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông có 6 năm trên cương vị Thứ trưởng Bộ Công an, trong Chính phủ của ông Ba Dũng.

Theo giới phân tích, trong thời gian sắp tới, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục thể hiện mục tiêu ổn định chính trị, trong chính sách đối nội. Đây là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, mà Đảng chỉ có thể đạt được, bằng việc hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc.

Còn trong vấn đề đối ngoại, Giáo sư Carl Thayer đánh giá, sự bất ổn của bộ máy lãnh đạo cấp cao hiện nay, khó có thể ảnh hưởng đến việc cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trà My

**************************

Tô Lâm thâu tóm quyền lực và không gian công cộng bị thu hẹp

Minh Vũ, Thoibao.de, 08/06/2024

Ngày 6/6, báo Tiếng Dân đăng bài "Không gian công cộng của Việt Nam đang bị thu hẹp", do dịch giả Song Phan chuyển ngữ, từ bài đăng trên trang Asia Sentinel của tác giả David Brown.

tolam2

Đội quân cơ giới công an Hà Nội tăng cường tuần tra, kiểm soát an ninh trên địa bàn công cộng

Bài viết mở đầu với tóm tắt : Bộ Công an ngày càng tăng quyền lực

Tác giả đề cập đến việc nhà báo Huy Đức đột nhiên biến mất.

Theo đó, giữa trưa 1/6, ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, 60 tuổi, rời khỏi nhà, nhưng lại không đến buổi họp mặt "Cà phê thứ Bảy" như dự kiến. Nhiều người tin rằng, ông đã bị cảnh sát mặc thường phục chặn bắt và bị biệt giam từ lúc đó.

Tác giả cho rằng, trong số những blogger "nghiêm túc" của Việt Nam, những người bình luận sâu sắc về các vấn đề quốc gia, không ai được nể phục hơn San, với 350.000 người theo dõi trên Facebook. Nhưng những người ngưỡng mộ ông vẫn không nghĩ ra được lý do khiến ông bị giam giữ.

Tác giả cho biết, Huy Đức là một phóng viên xuất sắc và đã bị thu hồi thẻ nhà báo cách đây [hơn] chục năm. Ông cũng là tác giả sách Bên Thắng Cuộc, một cuốn sách được xuất bản ở Mỹ, ghi lại những năm hậu chiến, khi chế độ Hà Nội vật vã để đưa người dân miền Nam buồn thảm vào nhà nước độc Đảng.

Tác giả nhận xét, có lẽ ngẫu nhiên, dạo gần đây, Bộ Công an lại rất nổi tiếng. Tướng Tô Lâm được chọn làm tân Chủ tịch nước, thay thế vị trí của một Ủy viên Bộ Chính trị bị mất chức, được cho là do Tướng Lâm dàn dựng.

Trong khi đó, điều đặc biệt đáng lo ngại là, có rất nhiều bằng chứng cho thấy, Lâm đã sử dụng thời gian làm lãnh đạo ở Bộ Công an, để biến nó thành một bộ máy trừng phạt đáng sợ, đối với những người có hành vi sai trái. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Các quan chức càng ngày càng khó hơn, để biết, điều gì được phép làm và điều gì không ; điều chắc chắn duy nhất là Bộ Công an có hồ sơ đen về mình.

Tác giả cũng cho hay, các nhà quan sát theo sát tình hình Việt Nam đã ghi nhận xu hướng "an ninh hóa" rõ rệt, trong 13 năm Nguyễn Phú Trọng nắm quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.

Nhìn lại, năm 2015 được coi là một bước ngoặt. Đó là năm mà Nguyễn Phú Trọng toàn thắng trước cựu Thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng. Từ đó, Trọng tự do thực hiện tầm nhìn của riêng mình, về một nước Việt Nam – nơi mà sự tiến bộ phụ thuộc vào việc thanh lọc những quan chức không tuân thủ chặt chẽ Học thuyết Mác-Lênin, và đạo đức Xã hội Chủ nghĩa.

Từ năm 2024, rõ ràng, tầm nhìn của Trọng đã trao cho Bộ Công an, đóng một vai trò rất lớn trong công việc nội bộ của Đảng.

Tác giả dẫn nhận định của Đinh Thế Vinh – một nhà báo độc lập viết trên Tạp chí Luật Khoa, lưu ý rằng, trong nhiệm kỳ 8 năm làm Bộ trưởng của Tô Lâm, nhiều lớp nhân viên cấp trung của Bộ Công an đã bị loại bỏ, đồng thời, số lượng nhân viên cấp cơ sở đã tăng gấp đôi – 1,5 triệu người.

Tác giả cũng dẫn nhà báo Bill Hayton, cộng tác viên Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức tư vấn Chatham House ở London, nhận xét trong một bản tóm tắt ngày 9/5 rằng, một đặc điểm nổi bật của tình trạng hỗn loạn gần đây trong nội bộ Đảng – đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng – là những rạn nứt bên trong ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Tác giả tiếp tục dẫn bài bình luận của ông Nguyễn Khắc Giang, công bố tháng 5/2023, nhấn mạnh rằng :

"Bộ Công an, thường được coi là cơ quan thực thi chiến dịch chống tham nhũng, đã được trao quyền hành rất lớn. Cuộc cải tổ lực lượng cảnh sát năm 2018, nhằm củng cố nền tảng cảnh sát, đã dẫn đến sự tập trung quyền lực cao hơn vào tay Bộ trưởng Bộ Công an. Đồng thời, ngân sách Bộ Công an đã tăng lên đều đặn…"

Tác giả đề cập đến bình luận của Huy Đức về những vấn đề này, qua hai bài đăng trên tài khoản Facebook của ông ngay trước khi bị bắt, được nhiều người nêu ra như là lý do có thể khiến ông bị bắt.

Minh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, Minh Vũ
Read 260 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)